Trang chủ » Chương 9: Chuyển hóa bệnh tật và khổ đau

Chương 9: Chuyển hóa bệnh tật và khổ đau

by Trung Kiên Lê
119 views

Chuyển hóa bệnh tật thành sự giác ngộ

Dâng nộp chính là thái độ chấp nhận những gì đang xảy ra mà không cần có điều kiện nào. Chúng ta đang nói về đời sống của bạn – chính phút giây này – chứ không phải là bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào trong cuộc sống của bạn.

Bệnh tật ốm đau là một phần của hoàn cảnh sống. Chính vì vậy, nó có quá khứ và tương lai. Quá khứ và tương lai tạo ra một chuỗi không gián đoạn, trừ khi năng lực cứu rỗi của Hiện Tại được kích hoạt thông qua sự hiện diện đầy ý thức của bạn.

Như bạn đã biết, ẩn bên dưới nhiều điều kiện khác nhau làm nên hoàn cảnh sống của bạn – những tình huống chỉ tồn tại trong thời gian nhất định, có một cái gì đó sâu sắc hơn và thiết yếu hơn: Sự Sống của bạn, Bản Thể Đích Thực của bạn trong phút giây Hiện Tại vô thời gian.

Bởi vì sẽ không có bất kỳ vấn đề gì trong Hiện Tại, ở đó cũng sẽ không có bệnh lão. Việc tin vào một nhãn mác mà người khác đã gán cho mình sẽ giữ cho điều kiện sống đó tiếp tục tồn tại, tiếp thêm sức mạnh cho nó, và khiến cho sự mất cân bằng tạm thời trở thành một thực tế tưởng chừng vô cùng chắc chắn, khó lay chuyển.

Niềm tin không chỉ biến cái nhãn mác giả tạo đó trở thành thực tại với tính chắc chắn, mà còn mang lại cho nó tính liên tục qua thời gian vốn từ trước tới giờ nó chưa từng có.

BẰNG CÁCH TẬP TRUNG VÀO TỪNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI và hạn chế dán nhãn tốt hoặc xấu vào nó, bệnh tật sẽ được thuyên giảm, chỉ còn một vài dấu hiệu – đau đớn trên cơ thể, yếu mệt hoặc không thoải mái. Đó là những gì bạn đang chấp nhận với thực tại, trong giây phút hiện tại này. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chấp nhận đầu hàng với ý nghĩ rằng mình đang “bệnh tật”.

Hãy cho phép mọi đau khổ ép buộc bạn hiện hữu trong giây phút hiện tại, trong một trạng thái hiện diện với ý thức tập trung cao độ. Sử dụng nó để nó đưa bạn đến sự giác ngộ.

Chấp nhận vô điều kiện thực tại không chuyển hóa được những gì ở hiện tại, ít nhất là không theo cách trực tiếp. Nhưng việc chấp nhận thực tại sẽ chuyển hóa bạn. Khi bạn được chuyển hóa, cả thế giới của bạn sẽ được chuyển hóa theo, bởi vì thế giới xung quanh chỉ là sự phản chiếu từ bạn mà thôi.

Đau ốm, bệnh tật không phải là vấn đề, mà chính bạn mới là vấn đề – khi tâm trí đầy tính bản ngã vẫn còn đang kiểm soát cuộc sống của bạn.

KHI BẠN BỊ ĐAU ỐM HOẶC TÀN TẬT, đừng mang cảm giác rằng bạn đã thất bại theo cách nào đó trong cuộc sống, đừng cảm thấy tội lỗi. Đừng đổ lỗi cho cuộc sống đã đối xử với bạn một cách không công bằng, và cũng đừng đổ lỗi cho bản thân bạn nữa. Tất cả những thái độ đó chỉ là sự phản kháng, chống đối và không dám thừa nhận thực tại của chính bạn.

Nếu bạn đang bị bệnh nặng, hãy dùng căn bệnh đó để giúp bạn tiến tới con đường giác ngộ. Những gì “tồi tệ” đã xảy ra trong cuộc đời bạn, hãy sử dụng nó để dẫn đường cho bạn tới sự giác ngộ.

Rút thời gian khỏi sự bệnh tật. Không cho nó thêm quá khứ hay tương lai. Hãy để nó buộc bạn phải nhận thức từng giây phút hiện tại một cách rõ ràng và hãy xem điều gì sẽ xảy đến với bạn.

Hãy trở thành nhà giả kim, biến kim loại bình thường thành vàng, chuyển đau khổ thành ánh sáng của tiềm thức, từ thảm họa thành sự giác ngộ.

Bạn có đang bị bệnh rất nặng và cảm thấy rất tức tối vào lúc này về những gì tôi vừa nói không? Nếu vậy, đó là dấu hiệu rất rõ ràng rằng căn bệnh này đã trở thành một phần trong cảm nhận về bản thân và bạn đang cố bảo vệ cái nhân dạng của mình, cũng như bảo vệ căn bệnh mà bạn đang mắc phải.

Cái điều kiện được gán nhãn mác là “bệnh tật” không liên quan đến con người thực sự của bạn, Bản Thể Đích Thực.

Bất cứ khi nào có thảm họa nào đó ập đến, hoặc một sự việc nào đó đã đi “sai lệch” – ốm đau; tật nguyền; mất đi nhà cửa, của cải hay vị thế trong xã hội; đổ vỡ mối quan hệ tình cảm; cái chết hoặc sự đau đớn, khổ sở của người mà bạn yêu thương; hoặc chính bạn đang cận kề cái chết – hãy nhớ rằng đó là một khía cạnh hay một mặt của cuộc sống, bạn chỉ cách một bước với cái gì đó thật đáng kinh ngạc: một cuộc chuyển hóa như nhà giả kim, biến kim loại bình thường (là sự đau đớn và khổ sở) thành vàng (sự giác ngộ). Bước đi đó chính là chấp nhận thực tại hay dâng nộp.

Ở đây tôi không có ý nói rằng bạn sẽ trở nên hạnh phúc trong những hoàn cảnh như vậy. Nhưng nỗi sợ hãi, đau đớn sẽ được chuyển hóa thành trạng thái bình an, thanh thản nội tâm, vốn đến từ cõi Vô Tướng Vô Hình. Có thể xem đó là “sự bình an của Thượng Đế, vượt lên trên mọi sự hiểu biết”. So sánh với cảm giác an nhiên tự tại đó, niềm hạnh phúc chỉ là một điều khá nông cạn.

Cùng với niềm an lạc rực sáng này, sự thức tỉnh sẽ đến – không chỉ ở mức độ tâm trí mà còn ở mức độ sâu hơn, nó sẽ đến từ Bản Thể Đích Thực – rằng bạn sẽ không thể bị phá hủy. Bạn là bất tử. Đây không phải là một niềm tin. Hoàn toàn không cần bất kỳ bằng chứng nào ở bên ngoài, hay chứng cớ từ nguồn thứ cấp để chứng minh cho điều đó.

Chuyển hóa khổ đau thành an lạc

Trong một số tình huống cực đoan nhất định, có lẽ bạn sẽ không chấp nhận nổi hiện thực trong giây phút Hiện Tại. Nhưng bạn luôn có cơ hội dâng nộp.

CƠ HỘI ĐẦU TIÊN CHO BẠN LÀ CHẤP NHẬN THỰC TẠI VÔ ĐIỀU KIỆN trong từng giây phút đó. Khi bạn nhận ra những thứ đã diễn ra không thể làm cho biến mất được – bởi vì nó đã là, đã diễn ra – bạn hãy nói có và đồng ý với thực tại, chấp nhận những gì không thể có được.

Sau đó, bạn phải làm những việc mình cần phải làm, bất kỳ hành động nào cần thiết khi tình huống yêu cầu.

Nếu bạn kết nối mình với trạng thái chấp nhận vô điều kiện, bạn sẽ không tạo ra thêm những tiêu cực nữa, không có thêm những khổ đau, không có thêm những bất hạnh. Sau đó bạn sẽ sống trong trạng thái không phản kháng, với một tâm thế đầy biết ơn và nhẹ nhàng, không hề có sự đấu tranh hay giằng xé bên trong.

Khi nào bạn không làm được như vậy, khi nào bạn lỡ mất cơ hội đó – hoặc vì bạn không tập trung và dành đủ ý thức ở hiện tại nhằm chế ngự những mô thức phản kháng theo thói quen và vô thức, hoặc vì hoàn cảnh sống của bạn quá cực đoan và khắc nghiệt đến mức bạn không thể chấp nhận tình cảnh đó – bạn đang tạo ra thêm nỗi đau đớn, khổ sở.

Thoạt nhìn có vẻ như chính tình huống đó là nguyên nhân tạo ra khổ sở cho bạn, nhưng sự thật không phải vậy – chính sự phản kháng trong bạn mới là nguồn gốc của khổ đau.

BÂY GIỜ SẼ LÀ CƠ HỘI THỨ HAI ĐỂ DÂNG NỘP CHO THỰC TẠI MỘT CÁCH VÔ ĐIỀU KIỆN: Nếu bạn không thể chấp nhận mọi thứ diễn ra bên ngoài, vậy hãy chấp nhận những gì đang diễn ra bên trong bạn. Nếu bạn không thể đồng ý với những điều kiện bên ngoài, hãy thừa nhận những điều kiện tâm lý ở bên trong.

Điều đó có nghĩa là: Đừng phản kháng lại cơn đau đớn mà bạn thấy ở bên trong. Cho phép cảm giác đau khổ được hiện diện, thừa nhận nó. Hãy dâng nộp trước sự đau khổ, tuyệt vọng, sợ hãi, cô đơn, hay bất kỳ cảm giác khổ đau nào mà bạn đang trải qua. Hãy chứng kiến nỗi đau ấy trong yên lặng mà không gán cho nó bất kỳ nhãn mác nào, dù là xấu hay tốt. Hãy ôm lấy niềm đau ấy.

Bạn sẽ thấy sự kỳ diệu từ việc chấp nhận thực tại – có khả năng chuyển hóa nỗi khổ đau từ sâu bên trong thành niềm bình an sâu sắc. Sự đau khổ giống như bạn đang bị đóng đinh trên thập tự giá. Hãy biến nó thành sự phục sinh của bạn, từ cõi chết trở về và thăng hoa.

Khi nỗi đau khổ của bạn quá lớn, tất cả những lời nói về sự chấp nhận thực tại đều không có tác dụng gì và cũng trở nên vô nghĩa. Khi bạn quá đau khổ, dường như bạn sẽ có một sự thôi thúc mạnh từ bên trong để chạy trốn khỏi nó thay vì chấp nhận và dâng nộp cho nó. Bạn không muốn thừa nhận những gì bạn đang cảm thấy. Có gì bình thường hơn là phản ứng này? Thế nhưng sẽ không có lối thoát nào, không có con đường nào bạn có thể chạy trốn khỏi nó.

Có nhiều cách chạy trốn giả tạo mà nhiều người chọn – như làm việc, uống rượu, ma túy, tức giận, suy diễn tự phóng tương lai, đổ lỗi cho người khác,… – nhưng những cách này không thể giải thoát bạn khỏi những nỗi đau đó. Sự đau khổ không thể thuyên giảm khi bạn đưa nó vào vô thức.

Khi bạn chối bỏ sự đau đớn về mặt cảm xúc, mọi thứ bạn làm hoặc bạn nghĩ, cũng như những mối quan hệ bạn đang có, đều bị nhuốm màu bởi cảm xúc ấy. Bạn sẽ phát tán nó, rồi nói về nó, như thể nguồn năng lượng của bạn tỏa ra, và những người xung quanh sẽ đón nhận nó.

Nếu họ không nhận ra được điều đó và vẫn còn vô minh, họ có thể cảm thấy bị thôi thúc phải phản công hoặc làm tổn thương lại bạn, hoặc bạn có thể đã làm tổn thương họ qua sự phóng chiếu nỗi đau của mình một cách bột phát và vô thức.

Bạn sẽ hấp dẫn và làm mạnh những gì tương ứng với trạng thái tinh thần bất ổn trong bạn.

KHI KHÔNG CÓ LỐI THOÁT, SẼ VẪN CÓ CÁCH ĐỂ ĐI QUA. Vì vậy, đừng ngoảnh mặt với sự khổ đau. Hãy dũng cảm đối diện với nó. Hãy cảm nhận nó.

Cảm nhận nó, nhưng đừng nghĩ về nó! Hãy biểu lộ sự đau khổ nếu bạn thấy cần thiết, nhưng đừng tạo thêm một kịch bản trong đầu bạn xung quanh nó. Hãy đưa toàn bộ sự chú ý của bạn vào cảm giác đó, thay vì sự kiện, con người, hay tình huống mà bạn nghĩ rằng nó là nguồn gốc tạo ra nỗi đau khổ trong bạn.

Đừng để cho tâm trí tận dụng nỗi khổ đau trong bạn để thêu dệt nên nhân dạng “nạn nhân” từ sự đau khổ này. Khi bạn cảm thấy thương hại cho bản thân, việc kể lể câu chuyện của mình với người khác chỉ làm cho bạn bị bế tắc hơn, mắc kẹt trong những khổ đau.

Bởi vì trốn chạy khỏi cảm giác là điều không thể, chỉ có một khả năng duy nhất để tạo ra sự chuyển hóa là hãy đi vào trong nó; nếu không, sẽ không có sự thay đổi nào.

Hãy chú ý hoàn toàn vào cảm nhận hiện tại, tránh không dán thêm nhãn mác, hay thêu dệt. Khi bạn đi sâu vào cảm nhận của mình, hãy cực kỳ tỉnh táo.

Thoạt đầu, nó có vẻ giống như một nơi tối tăm và đáng sợ; khi bạn bị thôi thúc chạy trốn khỏi nơi đó, hãy quan sát nó nhưng đừng phản ứng với nó. Đặt sự chú ý của bạn vào nỗi đau khổ bạn đang chịu đựng, tiếp tục cảm nhận sự đau thương, sợ hãi, cô đơn, hay bất kỳ cảm nhận nào mà bạn thấy.

Hãy tỉnh táo, có mặt ở hiện tại – hiện diện cùng với Bản Thể Đích Thực của bạn, với từng tế bào trên cơ thể bạn. Làm được như vậy, bạn đang soi sáng nỗi đau bằng ánh sáng ý thức. Đó chính là ngọn lửa của sự thức tỉnh.

Ở giai đoạn này, bạn không cần phải lưu tâm đến việc chấp nhận thực tại nữa. Bạn đã thực sự chấp nhận rồi. Như thế nào?

Toàn tâm chú ý đến thực tại tức là bạn đã hoàn toàn chấp nhận mọi thứ đến với mình một cách vô điều kiện, đó chính là sự dâng nộp thực tại. Bằng cách để tâm hoàn toàn ở hiện tại, bạn đã sử dụng sức mạnh của Hiện Tại, giờ chính là sức mạnh từ sự hiện diện của bạn.

Không còn sự phản kháng nào ẩn nấp bên trong. Hiện tại đã loại bỏ đi yếu tố thời gian. Không có thời gian, không có đau khổ, không có tiêu cực nào tồn tại.

CHẤP NHẬN HOÀN TOÀN SỰ KHỔ ĐAU chính là con đường đi vào cõi chết. Đối mặt với nỗi đau sâu sắc bên trong, cho phép nó hiển hiện, chú tâm vào nỗi khổ đó, chính là việc đi vào cõi chết một cách đầy ý thức. Khi bạn đã chết đi theo cách như vậy, bạn sẽ nhận ra rằng chẳng có cái chết nào cả – và hẳn nhiên chẳng có gì để sợ. Chỉ có bản ngã chết đi.

Hãy tưởng tượng một tia sáng mặt trời quên nó chính là một phần không thể tách rời của mặt trời, tự lừa gạt chính nó để tin rằng nó phải chiến đấu để tồn tại và tạo ra, cũng như bám víu vào một thực thể nào khác chứ không phải mặt trời. Khi cái ảo tưởng đó chết đi, bạn sẽ thấy mình tự do đến nhường nào.

BẠN MUỐN MỘT CÁI CHẾT DỄ DÀNG? Bạn muốn chết đi mà không hề có sự khổ sở và đau đớn? Nếu vậy, hãy để từng giây phút của thời gian quá khứ chết đi, và để ánh sáng từ sự hiện hữu của bạn được tỏa sáng, xóa bỏ cái bản thể nặng nề bị ràng buộc bởi cả quá khứ và tương lai, mà bạn nghĩ đó chính là “bạn”.

Giác ngộ thông qua sự khổ đau cùng cực

Con đường cắt ngang qua đó là một con đường cũ để đi đến sự giác ngộ, và mãi cho tới gần đây, nó vẫn là con đường duy nhất. Nhưng đừng loại bỏ nó, cũng như đánh giá thấp tính hiệu quả của nó. Nó vẫn có tác dụng rất mạnh.

Con đường cắt ngang qua là một xu hướng gắn với sự chuyển hóa. Nó có nghĩa là những gì tồi tệ nhất đã từng xảy đến với bạn, đi qua đời bạn, cuối cùng sẽ chuyển thành điều tốt đẹp nhất đã từng có, bằng cách ép buộc bạn chấp nhận hoàn toàn vô điều kiện, để đi vào “cõi chết”, buộc bạn phải trở thành “không gì cả”, trở nên giống như Thượng Đế – bởi vì Thượng Đế cũng như vậy, là “không gì cả”.

Giác ngộ thông qua khổ đau cùng cực chính là con đường cắt ngang. Cuối cùng bạn đã dâng nộp và chấp nhận tất cả vì bạn đã không thể chịu đựng nổi sự đau khổ thêm giây phút nào nữa, nhưng đau khổ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài, trước khi sự chuyển hóa diễn ra.

GIÁC NGỘ LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯỢC LỰA CHỌN ĐẦY Ý THỨC, nghĩa là bạn từ bỏ mọi kết nối với quá khứ và tương lai, làm cho hiện tại trở thành tâm điểm chú ý duy nhất trong cuộc sống của bạn.

Điều này có nghĩa là bạn đã chọn an trú trong từng giây phút hiện tại, hơn là lơ lửng và chịu sự chi phối bởi thời gian.

Nó có nghĩa là bạn đồng ý với những gì đang diễn ra.

Lúc này bạn sẽ không còn cần đến sự đau khổ nào nữa.

Cần thêm bao nhiêu thời gian trước khi bạn có thể nói “Tôi sẽ không tạo thêm đau khổ nữa, không tạo thêm phiền não nào nữa”? Bạn cần thêm bao nhiêu đau khổ nữa trước khi đưa ra được quyết định này?

Nếu bạn nghĩ bạn cần thêm nhiều thời gian hơn, bạn sẽ có thêm thời gian – có thêm sự khổ đau. Thời gian và khổ đau là hai thứ không thể tách rời nhau.

Năng lực chọn lựa

Chọn lựa tức là có ý thức – một mức độ cao về ý thức. Không có ý thức, bạn sẽ không có lựa chọn nào cả. Sự chọn lựa bắt đầu với giây phút bạn thoát khỏi việc đồng hóa bản thân với tâm trí và những mô thức tư duy vô thức của nó, đó là giây phút bạn trở nên hoàn toàn hiện hữu.

Trước khi tiến đến thời điểm đó, bạn vẫn còn vô minh. Điều này có nghĩa là bạn bị thôi thúc suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo một cách thức nhất định, tùy thuộc vào trạng thái tâm trí.

Không có ai lựa chọn sự rối loạn chức năng, mâu thuẫn, xung đột và đau khổ. Không ai lựa chọn trở nên bị điên rồ. Chúng chỉ xảy ra khi bạn không hiện hữu ở hiện tại để hóa giải quá khứ, ý thức của bạn không đủ sáng để xua tan sự đen tối.

Bạn đã không hiện hữu hoàn toàn ở hiện tại. Bạn vẫn chưa thức tỉnh hoàn toàn. Cùng lúc đó, tâm trí đã được mô thức hóa đang vận hành cuộc sống của bạn.

Tương tự như vậy, nếu bạn vẫn còn có vấn đề với bố mẹ của mình, nếu bạn vẫn còn nuôi giữ sự oán giận về những gì họ đã làm hoặc đã không làm cho bạn, thì bạn vẫn tin rằng họ đã có sự chọn lựa – họ cũng có thể hành động theo cách khác. Trông như thể họ có sự chọn lựa, nhưng đấy chỉ là ảo giác.

Chừng nào tâm trí còn vận hành cuộc sống của bạn, chừng nào bạn còn đồng hóa mình với tâm trí, thì bạn còn có lựa chọn nào khác đây? Không gì cả. Bạn thậm chí còn không có mặt ở đó để đưa ra quyết định. Trạng thái đồng hóa mình với tâm trí là một sự băng hoại nặng nề. Đó cũng là biểu hiện của sự điên rồ.

Hầu hết mọi người đều đang chịu khổ đau vì căn bệnh này ở các mức độ khác nhau. Vào khoảnh khắc bạn nhận ra nó, sẽ không còn sự thù hận hay chống đối nữa. Làm sao bạn có thể thù hận một căn bệnh của ai đó? Chỉ có một cách phản hồi hợp lý duy nhất đó là sự thấu hiểu.

Nếu bạn để cuộc sống của mình được vận hành theo tâm trí, mặc dù bạn không chọn lựa bất cứ điều gì, bạn vẫn sẽ phải hứng chịu những hậu quả từ sự vô minh, và bạn sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều khổ đau hơn nữa. Bạn sẽ tiếp tục chịu đựng những gánh nặng sợ hãi, mâu thuẫn, những vấn đề và sự đau khổ. Sự khổ đau cuối cùng sẽ thúc ép bạn và đẩy bạn ra khỏi trạng thái vô minh.

BẠN KHÔNG THỂ THẬT SỰ THA THỨ CHO BẢN THÂN, hoặc người khác khi bạn vẫn tìm thấy chính mình từ trong quá khứ. Chỉ khi tiếp cận với sức mạnh của Hiện Tại, bạn mới có thể tha thứ thật sự. Điều này sẽ làm cho quá khứ trở nên bất lực, và bạn sẽ nhận ra rằng không một thứ gì bạn đã từng làm, hoặc người khác đã làm cho bạn có thể chạm đến bản chất sáng ngời của bạn.

Khi bạn dâng nộp cho thực tại và hoàn toàn hiện hữu ở hiện tại, quá khứ sẽ không còn sức mạnh nữa. Bạn sẽ không còn cần tới quá khứ. Hiện Hữu chính là chìa khóa. Giây phút Hiện Tại chính là chìa khóa cho mọi thứ.

Vì sự phản kháng không thể tách rời khỏi tâm trí, cho nên việc ngừng chống đối với hiện tại – dâng nộp vô điều kiện – sẽ là cái kết cho tâm trí huyên thuyên ưa chỉ dạy, định hướng như một vị guru. Nó chỉ là một hình tượng giả danh là “bạn”. Mọi phán xét và sự tiêu cực đều được hóa giải.

Cảnh giới của Bản Thể Đích Thực, trước đây bị che mờ bởi tâm trí, giờ đã được mở ra.

Đột nhiên, một sự tĩnh tại tuyệt vời hiện lên trong bạn, một cảm giác bình an từ trong sâu thẳm.

Và bên trong sự bình yên đó, có một niềm vui lớn.

Và trong niềm vui đó, có tình yêu thương.

Và ở tận cùng bên trong, có một sự linh thiêng, vô lượng, cái không thể gọi tên.

Tác giả: Eckhart Tolle
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x