Trang chủ » Chương 9. Vạn Chương Thượng

Chương 9. Vạn Chương Thượng

by Hậu Học Văn
234 views

VẠN CHƯƠNG, PHẦN TRƯỚC

1. Vạn Chương hỏi rằng: “Ông Thuấn đi cày ruộng, gào khóc kêu Trời thương xót. Sao lại gào khóc như thế?”

Mạnh Tử nói: “Đó là oán than, mến mộ vậy.”

Vạn Chương nói: “Cha mẹ yêu thương, thì vui vẻ mà chẳng quên. Cha mẹ ghét bỏ, thì vất vả mà chẳng oán. Vậy sao ông Thuấn oán than?”

Đáp: “Trường Tức đã hỏi ông Công Minh Cao rằng: ‘Ông Thuấn đi cày ruộng, thì con được nghe lời dạy rồi. Còn gào khóc kêu Trời thương xót, hướng về cha mẹ, thì con không hiểu.’ Ông Công Minh Cao nói: ‘Đó chẳng phải điều ngươi hiểu được.’ Này, ông Công Minh Cao cho rằng tấm lòng người con hiếu làm chẳng đạt thì không dứt buồn khổ. (Ông Thuấn than) ‘Tôi đã hết sức cày ruộng, làm đầy đủ chức phận người con. Cha mẹ lại không yêu mến tôi, tôi còn làm sao nữa?’

“Nhà vua (Nghiêu) đã sai con cái của mình, chín trai, hai gái, trăm quan, bò, dê, kho, lẫm đầy đủ để phục vụ ông Thuấn trong khu ruộng. Những kẻ sĩ trong thiên hạ tề tựu đông đúc, nhà vua cho cùng coi sóc thiên hạ, để rồi truyền ngôi cho. Vì không được hoà thuận với cha mẹ, (ông Thuấn) coi mình như kẻ khốn cùng không có chốn quay về!

“Những kẻ sĩ trong thiên hạ vui vẻ hưởng ứng, đó là điều mong mỏi của người ta, thế mà chẳng đủ giải nỗi u buồn. Có người đẹp, đó là điều mong muốn của người ta; nhà vua đã gả hai con gái cho, thế mà chẳng đủ giải nỗi u buồn. Giàu có, đó là điều mong muốn của người ta; được giàu có cả thiên hạ, thế mà chẳng đủ giải nỗi u buồn. Sang trọng, đó là điều mong muốn của người ta; được sang trọng đến làm Thiên tử, thế mà chẳng đủ giải nỗi u buồn. Mọi người vui vẻ hưởng ứng, lại có người đẹp, giàu sang mà vẫn không đủ giải nỗi u buồn vậy. Chỉ riêng được hoà thuận với cha mẹ mới có thể giải được u buồn thôi!

“Người ta còn nhỏ thì yêu mến cha mẹ; biết thích sắc đẹp thì yêu mến gái tơ; có vợ con thì yêu mến vợ con; làm quan thì yêu mến vua, chẳng được lòng vua thì nóng nảy trong lòng. Bậc đại hiếu thì yêu mến cha mẹ. Năm mươi tuổi rồi mà còn yêu mến như thế, ta chỉ thấy ở ông Đại Thuấn mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Kinh Thư, thiên Nghiêu điển, nói về ông Thuấn rằng: “Người ấy là con một người loà, cha ngoan cố, mẹ lắm điều” (Cổ tử, phụ ngoan, mẫu ngân.). Do đó, mặc dù rất cố gắng, ông Thuấn vẫn không làm cho cha mẹ được vui lòng. Không được cha mẹ yêu mến, cho nên ông Thuấn thường đau đớn oán than.

Mỗi khi đi cày ruộng ở núi Lịch, bên bờ sông Vị, ông hay ngửa mặt lên trời kêu khóc, xin Trời thương xót chuyển lòng cha mẹ.

Học trò của Mạnh Tử là Vạn Chương, thắc mắc về điểm: Tại sao ông Thuấn phải oán than như vậy? Điều thắc mắc này cũng giống như thắc mắc của Trường Tức ngày trước, đem ra chất vấn với thầy là ông Công Minh Cao, một môn đệ của Tăng Tử. Ông Công Minh Cao đã giải thích rằng: Một người con hiếu thảo chẳng bao giờ dứt được buồn khổ khi chưa được cha mẹ yêu mến.

Giả như người con đó hư hốt, bất hiếu mà bị cha mẹ ghét bỏ; điều đó chẳng đáng nói. Đằng này, ông Thuấn là một người con ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiếu thảo, thế mà cha mẹ vẫn ghét bỏ; điều đó đáng tủi nhục biết bao nhiêu!

Vì vậy, mặc dù được vua Nghiêu gả cho vợ đẹp, ban cho của cải, được phú quý vinh hoa tột đỉnh, được các bậc trí thức trong thiên hạ qui phục, ông Thuấn vẫn không nguôi nỗi u buồn.

Đa số mọi người chỉ yêu mến, thiết tha với cha mẹ khi còn bé bỏng; lớn lên, lòng yêu mến đó thường phai nhạt dần. Đến tuổi năm mươi rồi, thế mà ông Thuấn vẫn còn thiết tha, yêu mến cha mẹ đến như vậy, Mạnh Tử chỉ thấy ông Thuấn là người duy nhất! Vì thế, phải coi ông Thuấn là một bậc đại hiếu trong thiên hạ và tôn xưng là Đại Thuấn!

2. Vạn Chương hỏi rằng: “Kinh Thi nói: ‘Lấy vợ thì làm sao? Ắt phải thưa trình cha mẹ.’ Tin vào lời ấy thì đừng nên như vua Thuấn. Vua Thuấn không thưa trình mà lấy vợ là tại sao?”

Mạnh Tử đáp: “Thưa trình thì không lấy được vợ. Nam nữ thành gia thất, đó là mối luân lý lớn của con người. Nếu như thưa trình thì bỏ mất mối luân lý lớn của con người, làm cho cha mẹ phải phiền giận. Do đó mà không thưa trình.”

Vạn Chương nói: “Vua Thuấn không thưa trình mà lấy vợ thì tôi đã được nghe lời dạy. Còn vua (Nghiêu) gả con cho Thuấn mà không cho (cha mẹ Thuấn) biết là tại sao?”

Đáp: “Vua (Nghiêu) cũng biết rằng cho biết thì không thể gả con được.”

Vạn Chương nói: “Cha mẹ khiến vua Thuấn làm cho xong lẫm lúa; thế rồi, bỏ cái thang đi, ông Cổ Tẩu đốt lẫm lúa.

“Lại khiến (vua Thuấn) đào giếng; xuống rồi, theo sau mà lấp giếng đi. Tên Tượng nói: ‘Mưu mô chôn lấp Đô quân (vua Thuấn) đều là thành tích của ta! Bò dê thuộc về cha mẹ, kho lẫm thuộc về cha mẹ. Giáo mác thuộc về ta; cây đàn thuộc về ta, cây cung chạm trỗ thuộc về ta; hai chị (vợ vua Thuấn) thì khiến dọn giường cho ta.’

“Tên Tượng đi vào cung của vua Thuấn. Vua Thuấn đang gẩy đàn trên giường. Tượng nói: ‘Nghĩ đến anh mà thương nhớ quá.’ Dáng bộ thẹn thùng. Vua Thuấn nói: ‘Còn các bề tôi và dân chúng đó, em hãy cai trị giùm anh.’ Chẳng biết vua Thuấn có biết tên Tượng có ý giết mình chăng?”

Đáp: “Sao lại không biết! Thấy Tượng buồn, thì cũng buồn theo; thấy Tượng vui thì cũng vui theo.”

Hỏi: “Vậy thì vua Thuấn vui vẻ giả dối chứ gì?”

Đáp: “Không phải. Xưa kia, có người biếu ông Trịnh Tử Sản một con cá sống. Tử Sản sai người coi ao đem nuôi nó. Người coi ao nấu cá ăn; trở lại chịu mệnh, nói: ‘Ban đầu thả ra, nó lờ đờ; ít lâu, vẫy vùng, rồi nó vụt đi mất.’ Tử Sản nói: ‘Nó được chốn ở của nó rồi! Nó được chốn ở của nó rồi!’ Người coi ao trở ra, nói: ‘Ai bảo Tử Sản sáng suốt? Tôi đã nấu con cá ăn rồi; còn nói: ‘Nó được chốn ở của nó rồi! Nó được chốn ở của nó rồi!’

“Cho nên người quân tử có thể bị phỉnh lừa vì phương thuật mà khó lòng bị lường gạt vì chẳng phải đạo lý. Kẻ kia (Tượng) đã lấy đạo lý yêu mến anh mà đến, cho nên vua Thuấn đem lòng thành tín mà bày tỏ niềm vui. Sao lại giả dối được?”

BÌNH GIẢI:

Vua Thuấn lấy vợ mà không thưa trình, không hỏi ý kiến cha mẹ; Vạn Chương hỏi Mạnh Tử về điều này với hàm ý vua Thuấn là con bất hiếu.

Mạnh Tử giải thích đại ý: cha vua Thuấn là ông Cổ Tẩu và người kế mẫu (những người ương dở và lắm điều) vốn không ưa Thuấn. Nếu Thuấn theo lễ giáo thường tình mà thưa trình, xin phép, chắc chắn cha mẹ sẽ không cho. Vì thế, Thuấn sẽ không lấy vợ được. Không lấy vợ tức là bỏ mất mối luân lý lớn (đại luân) của con người. Vả lại, không lấy vợ có con nối dõi tông đường, Thuấn lại phạm tội đại bất hiếu, khiến cha mẹ phải phiền lòng. Do đó, Thuấn phải tòng quyền lấy vợ mà không xin phép cha mẹ.

Vua Nghiêu gả con cho Thuấn mà không cho cha mẹ Thuấn biết, cũng vì lý do như vậy.

Tương truyền rằng sau khi ông Thuấn đã về triều đình làm Đô quân phụ tá cho vua Nghiêu, trở về thăm nhà, ông Cổ Tẩu và người con của kế mẫu tên Tượng có ý định giết vua Thuấn. Cho nên ông Cổ Tẩu đã sai vua Thuấn sửa lại lẫm lúa. Đợi khi vua Thuấn đã leo lên nóc lẫm, ông Cổ Tẩu rút thang đi, rồi đốt lẫm lúa, khiến cho vua Thuấn không xuống được mà chịu chết cháy. Vua Thuấn vốn là người khôn ngoan sáng suốt; biết được âm mưu ấy, cho nên, một mặt vâng lệnh cha leo lên, một mặt phòng bị sẵn bằng cách cắp theo hai cái nia. Đến lúc mất thang, lẫm cháy, vua Thuấn đã cắp hai cái nia nhẩy xuống.

Nhờ hai cái nia cản không khí, vua Thuấn xuống đất an toàn, không bị què chân.

Thất bại trong âm mưu này, ông Cổ Tẩu lại sai vua Thuấn đào giếng. Đợi khi vua Thuấn đào xuống sâu rồi, từ trên, tên Tượng mới lấp giếng để vùi chết vua Thuấn ở dưới. Tuy nhiên, vua Thuấn đã biết ý. Mặc dầu vẫn tuân lời cha đào giếng, nhưng ông đã đào sẵn một ngách ngang ở dưới để kịp thời trồi lên, thoát chết.

Lấp giếng rồi, tên Tượng tưởng rằng vua Thuấn đã chết, mới mừng rỡ hô lên, nói rõ mưu mô của mình. Tên Tượng tự động chia của: bò dê, kho lẫm của vua Thuấn thuộc về cha mẹ; còn giáo mác, cây đàn, cây cung chạm trỗ là những vật tùy thân của vua Thuấn thì thuộc về mình, hai chị dâu (Nga Hoàng và Nữ Anh), vợ vua Thuấn, thì trở thành con ở dọn giường cho mình.

Tượng vào cung vua Thuấn để thực hiện ý đồ, thì thấy vua Thuấn đang ngồi an nhàn gẩy đàn trên giường. Tượng bèn đổi ngôn ngữ, nói những lời lấy lòng vua Thuấn, nhưng bộ tịch lộ vẻ thẹn thùng. Vua Thuấn thản nhiên tiếp kiến, lại còn sẵn sàng trao cả các quan triều thần và dân chúng cho Tượng cai trị nếu Tượng muốn.

Qua câu chuyện truyền ngôn về những sự việc liên quan tới vua Thuấn đó, Vạn Chương thắc mắc với Mạnh Tử: vua Thuấn có biết Tượng âm mưu giết mình chăng? Nếu biết, thì vua Thuấn cư xử tử tế, nói năng hoà nhã với Tượng, có phải là giả dối chăng?

Mạnh Tử trả lời đại ý: vua Thuấn có biết, nhưng vua Thuấn cũng không giả dối vì vua Thuấn nhân từ với em.

Mạnh Tử nêu ra một ví dụ: Trịnh Tử Sản là quan đại phu nước Trịnh, đã bị người coi ao của mình phỉnh lừa một cách khéo léo.

Mạnh Tử muốn chứng minh rằng người quân tử như Tử Sản vẫn có thể bị phỉnh lừa bằng một phương thuật khéo léo, nhưng không bị lường gạt vì sự việc chẳng hợp đạo lý. Như thế, vua Thuấn không thể bị lường gạt về việc trái đạo lý của Tượng, nhưng ông vẫn nhân từ bỏ qua bằng cách bày tỏ niềm vui một cách thành thật khi Tượng tỏ lòng thương mến đối với mình.

Đối với chúng ta ngày nay, câu chuyện về anh em vua Thuấn cư xử với nhau ở trên có vẻ là một huyền thoại hơn là sự kiện lịch sử có thật. Nếu là sự kiện lịch sử có thật thì sẽ mắc vào mấy điều nghịch lý sau đây:

– Tại sao ông Thuấn đã làm vua mà ông Cổ Tẩu còn sai sửa lẫm lúa và đào giếng? Theo lẽ thường, mặc dầu ông Cổ Tẩu có không ưa ông Thuấn chăng nữa, ông vẫn cư xử tử tế để lấy lòng ông Thuấn. Tục ngữ nói: “Một người làm quan, cả họ được nhờ.” Huống hồ, ông Thuấn làm vua một nước, thì được nhờ tới đâu!

– Giả như ông Cổ Tẩu có sai thật, chẳng lẽ các quân hầu đi theo vua lại không giúp vua trong những công việc khó nhọc ấy?

– Giả như vua Thuấn có chết vì mưu lừa trên, chẳng lẽ triều thần làm ngơ để cho tên Tượng hỗn xược tự ý chia của, chiếm đoạt tài sản của vua mà không ngăn cản?

– Cung vua đâu phải là chỗ không người để cho tên Tượng ngang nhiên xồng xộc đi vào để thực hiện ý định của mình.

– Giả như vua Thuấn có nhân từ, muốn trao cả triều thần và dân chúng cho Tượng để Tượng làm vua thay mình, liệu cả thần dân có bằng lòng chấp nhận chuyện vô lý đó không?

Mấy điều nghịch lý trên chứng tỏ rằng câu chuyện về anh em vua Thuấn chỉ là một huyền thoại để nói lên lòng từ ái và sự khôn ngoan sáng suốt của vua Thuấn.

Ngoài ra, đoạn này còn mâu thuẫn với những điều nói trong Kinh Thư. Trong Kinh Thư, thiên Nghiêu điển, quan Tứ Nhạc nói về Thuấn như sau: “Cổ tử, phụ ngoan, mẫu ngân, Tượng ngạo. Khắc hài dĩ hiếu, trưng trưng nghệ, bất cách gian: Người ấy là con một người loà, cha ngoan cố, mẹ lắm điều, người em dị bào tên là Tượng lại có tính ngạo ngược. Thế mà một lòng hiếu thảo, khiến cho họ biết hối lỗi, quay làm điều thiện, không xảy ra sự gian ác gì.” (Thẩm Quỳnh: Kinh Thư, Bộ Giáo dục miền Nam xuất bản, 1965, trang 42).

Câu này chứng tỏ nhờ lòng đạo đức của Thuấn, cha mẹ Thuấn và Tượng đã được cải hoá, tiếng đồn vang thiên hạ, đến tai triều thần vua Nghiêu. Bấy giờ vua Nghiêu mới nghe lời tâu của triều thần mà gả con cho Thuấn, rồi mời về triều làm vua. Căn cứ vào đoạn văn Kinh Thư này, chúng ta thấy cha mẹ Thuấn và Tượng đã hối lỗi, quay làm điều thiện. Sao lại có chuyện âm mưu giết vua Thuấn như trong đoạn sách Mạnh Tử này?

Chúng ta có thể phỏng đoán: Mạnh Tử mặc dầu là một hiền triết, nhưng ông vẫn theo phương pháp giáo dục phổ thông thời ấy. Đó là nương theo câu chuyện có sẵn, nương theo những sự thắc mắc của môn đệ để đề cao một tấm gương đạo đức cho các thế hệ sau là: vua Thuấn khôn ngoan, sáng suốt và nhân từ.

Vua Thuấn sống ở thế kỷ 23 trước Công nguyên. Mạnh Tử và Vạn Chương ở vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, cách vua Thuấn khoảng 1900 năm. Chuyện về vua Thuấn được lưu truyền trong ký ức dân gian có những điều mơ hồ tương tự như chuyện Phong Thần do Hứa Trọng Lâm viết về thời vua Trụ nhà Ân. Chúng ta chỉ nên tìm ý nghĩa trong những câu chuyện đó hơn là tin rằng những chuyện đó là những sự kiện có thực.

3. Vạn Chương hỏi rằng: “Tên Tượng hằng ngày chỉ tính việc giết vua Thuấn. Được lên ngôi Thiên tử, vua Thuấn đuổi Tượng đi thôi, sao vậy?”

Mạnh Tử đáp: “Phong đất cho. Có người nói là đuổi đi.”

Vạn Chương nói: “Vua Thuấn đày Cung Công ra U Châu; đuổi Hoan Đâu ra Sùng Sơn; giết Tam Miêu ở Tam Nguy; xử tử Cổn ở Vũ Sơn. Trị tội bốn người đó mà thiên hạ đều phục; đó là giết những kẻ bất nhân. Tên Tượng rất bất nhân, lại phong cho đất Hữu Tý. Người dân Hữu Tý có tội hay sao? Người nhân mà cố tình như thế sao? Đối với người khác thì giết đi; đối với em thì phong đất cho!”

Đáp: “Người nhân đối với em thì không chứa nỗi giận hờn, không giữ niềm oán hận. Thân yêu mà thôi. Đã thân thì muốn cho tôn quý, đã yêu thì muốn cho giàu có. Phong cho đất Hữu Tý là cho sự phú quý vậy. Thân mình làm Thiên tử, em làm kẻ tầm thường, có thể gọi là thân yêu được chăng?”

“Xin hỏi, có người nói vua Thuấn đuổi Tượng đi, ý nghĩa làm sao?” Đáp: “Tượng chẳng được cai trị nước mình. Thiên tử sai quan trị nước nhưng nộp thuế cống cho Tượng. Cho nên mới bảo là đuổi đi. Há Tượng có thể xử bạo tàn với dân ấy được? Tuy nhiên, vì muốn thường xuyên trông thấy em, nên cho phép liên tiếp đến chầu. ‘Tiếp kiến đối với nước Hữu Tý, không cần dịp triều cống hoặc không cần lý do chính trị.’ Câu đó nói lên như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trong ý nghĩ của Vạn Chương, để đáp lại thái độ hằn thù của Tượng, lẽ ra khi được lên ngôi Thiên tử, vua Thuấn phải trị tội Tượng; thế mà vua Thuấn chỉ đuổi Tượng đi. Điều này khiến Vạn Chương thắc mắc.

Manh Tử cho biết vua Thuấn phong đất cho Tượng, trong khi có người lại cho là Tượng bị đuổi đi.

Vạn Chương thắc mắc thêm: đối với những người bất nhân như Cung Công, Hoan Đâu, Tam Miêu, Cổn, vua Thuấn hoặc lưu đày, hoặc xử tử. Thế mà đối với Tượng, một kẻ bất nhân hết mức, vua Thuấn lại phong cho đất Hữu Tý, có phải là dùng Tượng để hành phạt dân Hữu Tý chăng, trong khi dân Hữu Tý vô tội? Vua Thuấn là người nhân, sao cố tình làm việc ấy? Sao vua Thuấn lại thiên vị em mình: đối với người khác thì giết, còn em thì phong đất?

Mạnh Tử phân giải đại ý: người nhân thì luôn luôn thân yêu em mình, muốn cho em mình được phú quý.

Vạn Chương lại hỏi ý kiến của Mạnh Tử về giả thuyết Tượng bị vua Thuấn đuổi đi, chứ không được phong đất.

Mạnh Tử giải rằng: không phải vua Thuấn đuổi Tượng; trái lại, cho Tượng làm vua chư hầu hẳn hoi, nhưng chỉ là vua tượng trưng: được hưởng thuế cống, mà không được quyền cai trị. Quyền cai trị thuộc về một quan lại của triều đình cắt cử về. Do đó, dân Hữu Tý không bị sự bạo tàn, bất nhân của Tượng làm hại. Tượng không bị đuổi; bằng chứng là Kinh Thư có chép rằng: “Tiếp kiến đối với nước Hữu Tý, không cần dịp triều cống hoặc vì lý do chính trị.” Câu này làm chứng cho ý kiến của Mạnh Tử rằng vua Thuấn không đuổi Tượng là đúng. Trong khi các vua chư hầu khác chỉ được ra mắt Thiên tử mỗi khi có dịp triều cống hoặc có dịp thảo luận chính trị; còn Tượng được phép ra vào triều đình gặp thiên tử tùy ý.

Qua chuyện này, chúng ta nhận xét thấy hai điều về cách hành xử của vua Thuấn:

– Vua Thuấn không lên án phạt đối với Tượng như đối với Cung Công, Hoan Đâu, Tam Miêu và Cổn vì bốn người trên phạm tội đối với quốc gia, tức là đối với dân chúng; còn Tượng chỉ phạm tội đối với cá nhân vua Thuấn, nên vua Thuấn có thể niệm tình riêng mà tha thứ được. Điều này không trái phép nước.

– Vua Thuấn phong đất cho Tượng để giữ tình anh em thân ái, nhưng ngài cũng khôn ngoan bằng cách gián tiếp lưu đày Tượng ở một nơi xa để Tượng không thể toan tính được âm mưu gì đối với mình. Để cho quan lại cai trị dân Hữu Tý là một cách quản chế và theo dõi hành vi của Tượng Đó là kế hoạch nhất cử lưỡng tiện của một ông vua khôn ngoan và nhân từ.

4. Hàm Khâu Mông hỏi rằng: “Có lời nói: ‘Kẻ sĩ có đức hạnh đầy đủ, vua không được coi như bề tôi, cha không được coi như con.’ Vua Thuấn quay mặt về phương Nam mà đứng; vua Nghiêu thống lĩnh các chư hầu quay mặt về Bắc mà triều bái; ông Cổ Tẩu cũng quay mặt về Bắc mà triều bái. Vua Thuấn thấy ông Cổ Tẩu thì nét mặt xúc động. Khổng Tử nói: ‘Ở thời buổi ấy, thiên hạ đang nguy khốn, hiểm nghèo thay!’ Chẳng biết lời nói ấy có đúng thật chăng?”

Mạnh Tử nói: “Không đúng. Đó chẳng phải là lời của bậc quân tử. Đó là lời của kẻ quê mùa ở phía Đông nước Tề thôi. Khi vua Nghiêu đã già, thì ông Thuấn thay thế cai trị. Thiên Nghiêu Điển nói: ‘Được hai mươi tám năm rồi, ông Phóng Huân (vua Nghiêu) mới qua đời. Trăm họ dường như mất cha mẹ; trong ba năm, khắp bốn biển dứt hẳn nhạc bát âm.’

“Khổng Tử nói: ‘Bầu trời chẳng có hai mặt trời, dân chúng chẳng có hai vua.’ Nếu ông Thuấn đã làm Thiên tử, lại thống lĩnh chư hầu trong thiên hạ để tang vua Nghiêu ba năm, ấy là có hai Thiên tử vậy!”

Hàm Khâu Mông nói: “Vua Nghiêu không phải bề tôi của vua Thuấn thì tôi đã được nghe lời dạy. Kinh Thi rằng: ‘Rộng khắp dưới gầm trời, chẳng đâu không phải đất của vua; các bến bãi khắp mặt đất, chẳng người nào không phải bề tôi của vua.’ Khi vua Thuấn đã làm Thiên tử rồi, dám hỏi ông Cổ Tẩu chẳng phải là bề tôi (của vua Thuấn), tại sao?”

Đáp: “Đó là những lời Kinh Thi, nhưng chẳng phải có nghĩa như vậy. (Có người) vất vả trong việc làm vua, chẳng được phụng dưỡng cha mẹ, nên nói: ‘Những công việc đó, việc nào chẳng phải là việc của vua. Riêng một mình ta nhọc nhằn vất vả mà thôi!’ Cho nên thuyết minh Kinh Thi, không được lấy chữ mà làm hại lời, không được lấy lời làm hại chí nguyện. Phải lấy ý mà đón lấy chí nguyện, thế mới là đạt được nghĩa lý. Nếu như chỉ lấy lời mà thôi, thì Kinh Thi trong tiết Vân Hán có nói: ‘Những dân đen của nhà Chu sót lại, chẳng còn một ai.’ Tin vào lời nói (nghĩa đen) của câu ấy thì nhà Chu không còn sót một người dân nào ư!

“Chỗ hết mức của người con hiếu không gì lớn bằng tôn kính cha mẹ; tôn kính cha mẹ hết mức không gì lớn bằng đem thiên hạ phụng dưỡng cha mẹ.Làm cha của Thiên tử, đó là được tôn kính hết mức vậy. Đem thiên hạ phụng dưỡng, đó là phụng dưỡng hết mức vậy. Kinh Thi nói: ‘Lời nói hằng hướng về lòng hiếu thảo; hướng về lòng hiếu thảo thì duy trì mẫu mực.’ Câu đó nói lên như vậy.

“Kinh Thư nói: ‘(Vua Thuấn) đầy kính cẩn ra mắt Cổ Tẩu, dáng bộ run rẩy sợ hãi. Cổ Tẩu cũng thành thực hoà thuận.’ Đó là làm cha không được coi (kẻ sĩ) như con.”

BÌNH GIẢI:

Hàm Khâu Mông là môn đệ của Mạnh Tử. Ông thắc mắc với thầy về ý nghĩa của câu nói: “Kẻ sĩ có đức hạnh đầy đủ, vua không được coi như bề tôi, cha không được coi như con.” Căn cứ vào đó, có người cho rằng khi vua Nghiêu đem ông Thuấn về làm vua thì vua Nghiêu không coi ông Thuấn như bề tôi, vì ông Thuấn là kẻ sĩ có thịnh đức; do vậy, vua Nghiêu chấp nhận làm bề tôi mà quay mặt về Bắc triều bái ông Thuấn. Cũng thế, ông Cổ Tẩu không được coi ông Thuấn như con mà phải chấp nhận thân phận bề tôi, quay mặt về Bắc triều bái ông Thuấn.

Mạnh Tử cải chính rằng lời đó không đúng. Lời đó không phải của bậc quân tử (Khổng Tử), mà chỉ là lời của kẻ quê mùa, dốt nát ở phía Đông nước Tề. Mạnh Tử xác định lại: khi ông Thuấn về với vua Nghiêu, trong 28 năm, ông Thuấn chưa lên ngôi Thiên tử, tức là chưa chính thức làm vua; ông Thuấn chỉ là vị đô quân nhiếp chính mà thôi. Bằng chứng là vào lúc vua Nghiêu (ông Phóng Huân) qua đời, ông Thuấn đã cầm đầu các chư hầu để tang vua Nghiêu ba năm. Nếu ông Thuấn đã lên ngôi Thiên tử trước khi vua Nghiêu băng, hoá ra thiên hạ bấy giờ có hai vua. Điều đó trái với quan niệm cổ truyền mà sau này Khổng Tử dẫn lại: “Bầu trời chẳng có hai mặt trời, dân chúng chẳng có hai vua.” Nếu dân chúng có hai vua cùng cai trị, sẽ xảy ra kình quyền thì thiên hạ đại loạn; chẳng khác gì bầu trời có hai mặt trời cùng tranh ánh sáng thì vạn vật sẽ chết cháy. Đó là trái đạo Trời. Tóm lại, vua Nghiêu không phải bề tôi của ông Thuấn; trái lại, ông Thuấn mới là bề tôi của vua Nghiêu.

Cũng vậy, ông Cổ Tẩu không phải là bề tôi của vua Thuấn, mặc dầu ông Cổ Tẩu sống trên giang sơn do vua Thuấn cai trị. Bằng chứng là mỗi khi vua Thuấn ra mắt ông Cổ Tẩu, vua Thuấn hằng biểu lộ sự kính trọng pha lẫn sợ sệt quyền làm cha của ông Cổ Tẩu.

Trước mặt một người con có tài đức, hiền hiếu như vua Thuấn, ông Cổ Tẩu cũng tự xét lại mình và sửa đổi tính ương ngạnh để trở nên thành thực hoà thuận với con. Như thế, cha phải nhượng bộ con; đó là ý nghĩa của câu nói: “Kẻ sĩ có đức hạnh đầy đủ…, cha không được coi như con” vậy.

Tóm lại, Mạnh Tử khuyến cáo Hàm Khâu Mông, khi đọc Kinh Thi (hay bất cứ một kinh sách nào khác), người đọc không được câu nệ vào chữ, vào lời mà làm hại ý nghĩa tiềm ẩn trong đó. Cần phải dùng ý tứ mà đón lấy ý nghĩa thâm sâu của kinh sách để hiểu và vận dụng một cách thông thoáng. Khi Kinh Thi nói: “Các bến bãi khắp mặt đất, chẳng người nào không phải bề tôi của vua”, không nên hiểu rằng cha mẹ vua đều phải tùy thuộc hoàn toàn vào sự sai khiến của vua. Nếu hiểu câu nệ như vậy, sao còn có câu nói lên sự đau xót của một ông vua khi bận rộn công vụ không có thời giờ phụng dưỡng cha mẹ: “Riêng một mình ta nhọc nhằn vất vả mà thôi!”

Trong đoạn văn này, có một câu nói của Mạnh Tử đã làm cho nhiều thế hệ hiểu lầm: “Tôn kính cha mẹ hết mức không gì lớn bằng đem thiên hạ phụng dưỡng cha mẹ.” Vì hiểu lầm theo nghĩa đen, đã có những ông vua đem tài sản quốc gia phục vụ cha mẹ và gia đình của mình. Thực ra, ý chính của Mạnh Tử nằm trong câu tiếp theo: “Làm cha của Thiên tử, đó là được tôn kính hết mức vậy.” Làm một vị Thiên tử hết lòng vì quốc gia, khiến cho dân chúng ấm no, thì thiên hạ sẽ qui chiếu sự tôn kính vào cha mẹ của vua, cám ơn cha mẹ của vua đã sinh ra và khéo dưỡng dục nên người con tốt lành làm cho thiên hạ được hạnh phúc. Khiến cho toàn dân tôn kính cha mẹ, đó là phụng dưỡng cha mẹ hết mức rồi; đâu phải là đem cả tài sản quốc gia trao cho cha mẹ!

Một người con chí hiếu thường có những lời nói hướng về lòng hiếu thảo. Vua mà có những lời nói hướng về lòng hiếu thảo, như vậy sẽ là mẫu mực, khuôn thước cho toàn dân. Toàn dân đều hiếu thảo với cha mẹ mình, thì đất nước sẽ ổn định, thái bình.

5. Vạn Chương nói: “Vua Nghiêu đem thiên hạ cho ông Thuấn, có phải chăng?”

Mạnh Tử đáp: “Không phải. Thiên tử không được đem thiên hạ cho người nào.”

“Vậy thì ông Thuấn có thiên hạ. Ai cho?”

Đáp: “Trời cho.”

“Trời cho, có dặn dò mệnh lệnh gì chăng?”

Đáp: “Không. Trời không nói; căn cứ vào hạnh kiểm và việc làm (của ông Thuấn) để biết mà thôi.”

Hỏi: “Căn cứ vào hạnh kiểm và việc làm để biết là như thế nào?”

Đáp: “Thiên tử có thể tiến cử người nào đó với Trời, chứ không thể khiến Trời đem thiên hạ cho người ấy. Vua chư hầu có thể tiến cử người nào đó với Thiên tử, chứ không thể khiến Thiên tử đem ngôi chư hầu cho người ấy. Bậc đại phu có thể tiến cử người nào đó với vua chư hầu, chứ không thể khiến vua chư hầu đem chức đại phu cho người ấy. Thời xưa, vua Nghiêu tiến cử ông Thuấn với Trời, mà Trời nhận; bày tỏ với dân, mà dân nhận. Cho nên nói rằng Trời không nói; căn cứ vào hạnh kiểm và việc làm (của ông Thuấn) để biết mà thôi.”

Hỏi: “Dám hỏi: tiến cử với Trời mà Trời nhận; bày tỏ với dân mà dân nhận là thế nào?”

Đáp: “Khiến làm chủ tế mà trăm thần đón nhận; đó là Trời nhận. Khiến làm chủ công việc mà công việc được ổn định, trăm họ được yên bình; đó là dân nhận. Trời cho thiên hạ, dân cho thiên hạ. Cho nên nói rằng thiên tử không thể đem thiên hạ cho người nào.

“Ông Thuấn giúp vua Nghiêu 28 năm; chẳng phải điều con người có thể làm được; Trời đó vậy. Vua Nghiêu mất, ba năm hết tang, ông Thuấn rời xa con vua Nghiêu về ở phía nam sông Nam hà. Các vua chư hầu trong thiên hạ chầu hầu, thì không đến với con vua Nghiêu, mà đến với ông Thuấn. Có việc kiện cáo, thì không đến với con vua Nghiêu, mà đến với ông Thuấn. Khi hát ngợi khen, thì không hát khen con vua Nghiêu mà hát khen ông Thuấn. Cho nên nói rằng Trời đó vậy. Rồi, sau này (ông Thuấn) mới đến Trung quốc, lên ngôi thiên tử. Nếu lại ở cung vua Nghiêu, chèn ép con vua Nghiêu, đó là cướp lấy ngôi, đâu phải Trời cho.

“Thiên Thái Thệ (Kinh Thư) nói: ‘Trời thấy, tự dân ta thấy; Trời nghe, tự dân ta nghe.’ Câu đó nói lên như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Nho Giáo, với đại biểu là Mạnh Tử ở đây, đã tỏ ra hoàn toàn tin tưởng vào tác động của Trời. Một vị Thiên tử (con Trời) đúng nghĩa phải được Trời chọn. Xưa nay, chúng ta vẫn tưởng rằng vua Nghiêu thấy ông Thuấn có tài đức thì mời về và trao cho ngôi vị Thiên tử. Tuy nhiên, qua cuộc đối thoại vấn đáp giữa Vạn Chương và Mạnh Tử, chúng ta mới thấy Nho giáo chính truyền quan niệm khác.

Mạnh Tử khẳng định: “Thiên tử không được đem thiên hạ cho người nào.” Chỉ có Trời mới có quyền trao vương vị Thiên tử cho ai đó để cai trị thiên hạ. Người nào không được Trời cho mà nắm lấy vương vị Thiên tử theo cách thế của người trần gian (dùng binh lực, dùng mưu thuật lừa phỉnh…); đó là người ấy tiếm vị. Như thế, liệu trong lịch sử nhân loại xưa nay được mấy người có vương vị chính thức từ Trời cho?

Nhưng Trời lại không nói, làm sao biết Trời chính thức trao vương vị cho ai?

Mạnh Tử trả lời: “Căn cứ vào hạnh kiểm và việc làm để biết mà thôi.”

Có nghĩa là Trời căn cứ vào hạnh kiểm và việc làm của người nào đó (ở đây là ông Thuấn) mà trao vương vị Thiên tử cho; đồng thời người đời cũng có thể căn cứ vào hạnh kiểm và việc làm của người ở ngôi vị Thiên tử xem có đích thị được Trời trao cho hay không.

Trong trường hợp của ông Thuấn, vua Nghiêu mời ông Thuấn về triều, đâu có phải là trao vương vị ngay. Đó mới là vua Nghiêu tìm cơ hội tiến cử ông Thuấn với Trời. Với 28 năm bên cạnh vua Nghiêu, ông Thuấn chỉ đóng vai vị Đô quân giúp vua Nghiêu trong việc chủ tế và việc cai trị dân. Khi đóng vai chủ tế, ông Thuấn đã làm tròn bổn phận trước sự yên ổn của các năng lực thiên nhiên (như mưa, gió, sấm sét, sông núi). Trong trời đất không xảy ra tai ương nào, có thể xem là có sự hưởng thuận của các năng lực thiên nhiên (ngày xưa, người ta thường xem đó là các thần linh). Khi đóng vai cai trị dân, ông Thuấn đã xử lý tốt đẹp việc chính trị khiến dân chúng được an vui, hoà thuận. Những điều đó chứng tỏ ông Thuấn có đủ hạnh kiểm và tài năng để ở ngôi Thiên tử điều khiển thiên hạ.

Không ai nghe được tiếng Trời nói, nhưng người ta có thể căn cứ vào tiếng nói của toàn dân mà biết được tiếng nói của Trời. Lòng dân hướng về đâu, lòng Trời hướng về đấy. Khi lòng dân hướng về người nào tức là Trời trao vương vị cho người ấy vậy. Vì thế, “Thiên tử không được đem thiên hạ cho người nào” theo ý riêng của mình.

Việc ông Thuấn giúp vua Nghiêu 28 năm mà Mạnh Tử cho rằng do Trời là tại sao?

Bởi vì, nếu chẳng do Trời nâng đỡ ông Thuấn, sao một người trần gian có thể hết lòng trung thành với vua Nghiêu lâu đến như vậy mà không có ý đồ soán nghịch? Tấm lòng trung thành và tấm lòng thanh cao không ham muốn quyền bính, danh lợi của ông Thuấn còn thể hiện ở sự kiện rời xa con vua Nghiêu, đi ẩn dật ở phía Nam sông Nam hà. Hạnh kiểm của ông Thuấn đã thể hiện rõ rệt trong hành vi đó. Chỉ khi các chư hầu đến chầu hầu ông, chỉ khi dân chúng đến nhờ ông phân xử kiện cáo, chỉ khi thấy mọi người cùng ca hát ngợi khen, ông mới biết rõ lòng dân muốn mình làm vua cai trị họ. Bấy giờ ông mới về kinh đô để lên ngôi Thiên tử. Tất cả những diễn tiến đó đã chứng tỏ rằng Trời đem thiên hạ cho ông Thuấn, chứ ông Thuấn không hề cướp ngôi Thiên tử của con vua Nghiêu.

Để chứng thực cho luận giải của mình, Mạnh Tử đã trích dẫn lời Kinh Thư, thiên Thái Thệ: “Trời thấy, tự dân ta thấy; Trời nghe, tự dân ta nghe.” Nghĩa là mắt, tai của toàn dân là mắt tai của Trời. Ý dân là ý Trời. Người cai trị cần phải thành khẩn xem ý dân mà không được lừa phỉnh dân. Nếu dân chúng không bị lừa phỉnh bởi những thủ đoạn tinh xảo mà đồng loạt hướng về mình, tức là Trời hướng về mình vậy. Ai coi rẻ dân cũng là coi rẻ Trời. Không tin Trời cũng là không tin dân. Nếu không tin dân mà chỉ dối gạt dân; đó là chính trị bá đạo. Không thể bền được!

Các vị vua ở Trung quốc trong những giai đoạn lịch sử về sau tự nhận mình là Thiên tử mà không ở trong quan niệm chính truyền này của Nho giáo đều là những ngụy thiên tử mà thôi. Vì thế thiên hạ lầm than, đất nước đại loạn.

6. Vạn Chương hỏi rằng: “Người ta có nói: Đến vua Vũ thì đức hạnh suy thoái, không còn truyền ngôi cho người hiền mà truyền ngôi cho con, có chăng?”

Mạnh Tử đáp: “Không. Chẳng phải như vậy. Trời cho người hiền thì cho người hiền; Trời cho con thì cho con. Thời xưa, vua Thuấn tiến cử ông Vũ với Trời. Được 17 năm, vua Thuấn mất. Ba năm hết tang, ông Vũ rời xa con vua Thuấn đến ở Dương Thành. Dân chúng trong thiên hạ theo ông, cũng như sau khi vua Nghiêu mất, không theo con vua Nghiêu mà theo ông Thuấn vậy.

“Vua Vũ tiến cử ông Ích với Trời. Được 7 năm, vua Vũ mất. Ba năm hết tang, ông Ích rời xa con vua Vũ đến ở chân Kỳ Sơn. Những người chầu hầu, kiện cáo không đến với ông Ích mà đến với ông Khởi, nói rằng: ‘Con của vua ta đây.’ Khi hát ngợi khen, không hát khen ông Ích mà hát khen ông Khởi, nói rằng: ‘Con của vua ta đây.’

“Đan Châu (con vua Nghiêu) chẳng giống cha (hư hốt); con vua Thuấn (Thương Quân) cũng chẳng giống cha (hư hốt). Ông Thuấn giúp vua Nghiêu, ông Vũ giúp vua Thuấn, trải qua nhiều năm, ban ơn đức cho dân lâu rồi. Ông Khởi là người hiền, có thể kính cẩn thừa kế đường lối của vua Vũ. Ông Ích giúp vua Vũ, trải qua ít năm, ban ơn đức cho dân chưa được lâu. Vua Thuấn, vua Vũ giúp cai trị lâu hơn ông Ích; con các ông ấy, kẻ hiền, kẻ hư hốt, đều do Trời vậy, chẳng phải chỗ người có thể làm được. Chẳng tính làm mà làm được là do Trời; chẳng mong đến mà đến được là do Mệnh.

“Người tầm thường mà có được thiên hạ, đức độ ắt phải giống như vua Thuấn, vua Vũ, lại phải có Thiên tử tiến cử mình. Cho nên ông Trọng Ni (Khổng Tử) không có được thiên hạ.

“Tiếp nối dòng dõi để có thiên hạ, mà bị Trời bỏ, ắt cũng như vua Kiệt, vua Trụ ấy thôi. Cho nên ông Ích, ông Y Doãn, ông Chu Công không có được thiên hạ.

Ông Y Doãn giúp vua Thang cai trị cả thiên hạ. Vua Thang mất. Ông Thái Đinh chưa lên ngôi. Ông Ngoại Bính 2 tuổi, ông Trọng Nhâm 4 tuổi. Ông Thái Giáp làm nghiêng đổ phép tắc của vua Thang. Ông Y Doãn đã đày (ông Thái Giáp) ra đất Đồng ba năm. Ông Thái Giáp hối lỗi, tự mình oán than, tự mình sửa trị. Ở đất Đồng, ông cư xử theo điều nhân, biến đổi theo điều nghĩa ba năm, nghe theo những lời ông Y Doãn dạy dỗ mình; rồi lại trở về đất Bạc (kinh đô).

“Ông Chu Công không có được thiên hạ cũng như ông Ích ở nhà Hạ, ông Y Doãn ở nhà Ân vậy.

“Khổng Tử nói: ‘Nhà Đường, nhà Ngu truyền ngôi cho người khác; vua nhà Hạ, nhà Ân, nhà Chu truyền ngôi cho dòng dõi. Nghĩa lý đó là một.’”

BÌNH GIẢI:

Đoạn trên đã nói đến việc vua Nghiêu không truyền ngôi cho con, mà tiến cử ông Thuấn với Trời, để rồi Trời ban ngôi Thiên tử cho ông Thuấn. Sau đó, ông Thuấn cũng theo gương vua Nghiêu, tiến cử ông Vũ với Trời để ông Vũ được cai trị thiên hạ. Đó là thể chế truyền hiền.

Đến lượt vua Vũ, ngôi Thiên tử lại thuộc về ông Khởi là con vua Vũ. Thế là thể chế truyền hiền chấm dứt; từ đó, nước Trung Hoa bước sang thể chế truyền tử lưu tôn. Ngay ở thời Xuân Thu, người ta đã bất bình với thể chế truyền tử này, bởi vì người hiền không còn được coi trọng nữa. Người ta cho rằng thời hoàng kim của Nghiêu Thuấn bị mất do thể chế truyền tử. Sự chê trách đã qui lỗi vào vua Vũ với câu nói: “Đến vua Vũ thì đức hạnh suy thoái, không còn truyền ngôi cho người hiền mà truyền ngôi cho con.” Vạn Chương đã đưa thắc mắc này ra chất vấn Mạnh Tử.

Theo Mạnh Tử, điều ngộ nhận đó là oan cho vua Vũ. Thực ra vua Vũ cũng tiến cử ông Ích với Trời, muốn cho ông Ích lên ngôi Thiên tử. Tuy nhiên, ông Ích mới giúp vua Vũ được một thời gian ngắn, ơn đức chưa thấm sâu vào lòng dân. Trong khi đó, ông Khởi, con vua Vũ lại là người hiền. Khi ông Ích lánh ra chân núi Kỳ Sơn, thì ở kinh đô, dân chúng lại đến chầu hầu và nhờ ông Khởi xử kiện. Thấy ông Khởi là người hiền, dân chúng ca hát ngợi khen, cùng nhau tưởng nhớ đến vua Vũ là cha của ông Khởi. Thế là lòng dân hướng về ông Khởi chứ không hướng về ông Ích. Như vậy, vương vị từ vua Vũ chuyển sang cho con mà thành ra thể chế truyền tử.

Xưa kia, Đan Châu (con vua Nghiêu) và Thương Quân (con vua Thuấn) là những kẻ hư hốt, cho nên vương vị mới được trao cho người hiền ở ngoài. Đến nhà Hạ, ông Khởi (con vua Vũ) là người hiền, cho nên việc truyền tử trong trường hợp này vẫn mang ý nghĩa truyền hiền.

Mạnh Tử cho rằng các con của vua Nghiêu, vua Thuấn là những kẻ hư hốt nên không được tiếp ngôi; con của vua Vũ là người hiền được tiếp ngôi; những điều đó là do ý Trời. Vua Vũ dự tính truyền ngôi cho ông Ích mà việc không thành. Ông Khởi chẳng toan tính, mong mỏi làm vua, mà lại được lên ngôi; đó là Mệnh Trời vậy.

Trong quan điểm này của Mạnh Tử, cái gì không do chúng ta mưu tính mà tự nhiên thành tựu một cách dễ dàng, tốt đẹp, phải là do ý Trời (Mạc chi vi nhi vi giả, Thiên dã; mạc chi trí nhi trí giả, Mệnh dã.) Để chấp nhận được điều này, người ta cần phải có một niềm tin vững chắc vào Trời. Còn đối với những kẻ không tin, họ chỉ biết nỗ lực bằng đủ mọi phương tiện, đủ mọi mưu thuật, thậm chí vận dụng đến cả mưu ma chước quỉ. Nếu không thành công, họ cho là do ngẫu nhiên, tình cờ mà thôi!

Nhân đây, Mạnh Tử giải thích thêm rằng: sở dĩ Khổng Tử không có được thiên hạ, bởi vì Khổng Tử chỉ là một người dân thường. Tuy đức độ của ngài có thể sánh với vua Nghiêu, vua Thuấn, nhưng lại không được Thiên tử tiến cử với Trời. Ở thời Xuân Thu, thể chế truyền tử đã thành nếp rồi, không còn thể chế truyền hiền nữa. Cho nên ngôi Thiên tử không thể đến với Khổng Tử được.

Trước sau, Mạnh Tử vẫn tin rằng có sự tác động của Trời xen vào sinh hoạt xã hội, xen vào lịch sử nhân loại. Ông cho rằng mặc dù các vua được kế thừa sự nghiệp cha ông trong thể chế truyền tử, nhưng nếu vô đạo đức, tàn hại sinh linh quá đáng, vẫn bị Trời phế bỏ. Vua Kiệt, vua Trụ là những trường hợp tiêu biểu.

Sở dĩ những người hiền như ông Ích, ông Y Doãn, ông Chu Công không có được thiên hạ vì con vua Vũ (nhà Hạ), cháu vua Thang (nhà Ân), con vua Vũ Vương (nhà Chu) là những người hiền rồi.

Trường hợp ông Ích đã được nói ở trên. Còn ông Y Doãn thì tận tụy giúp vua Thang và con cháu vua Thang. Khi vua Thang mất, con trưởng là Thái Đinh đã sớm qua đời, chưa kịp lập lên ngôi. Con thứ hai là Trọng Nhâm, mới lên 4 tuổi. Con thứ ba là Ngoại Bính mới lên 2 tuổi. Vì thế, ngôi vị được trao cho Thái Giáp (con Thái Đinh, cháu vua Thang). Y Doãn hết lòng dạy dỗ Thái Giáp ở ngôi vua, nhưng Thái Giáp cũng hư hốt, làm nghiêng đổ phép tắc của vua Thang. Do đó, Y Doãn đóng vai người cha, đã đày Thái Giáp ra đất Đồng, nơi có mộ phần vua Thang, để cho Thái Giáp ăn năn. Quả nhiên, bên mộ ông nội mình, Thái Giáp đã hối lỗi, tự oán trách và tự sửa trị lấy mình theo lời giáo huấn của đại thần Y Doãn, biết cư xử theo nhân nghĩa. Vì vậy, Y Doãn đem Thái Giáp trở về kinh đô ở đất Bạc để chính thức cai trị dân. Đó là lý do mà Y Doãn không có được thiên hạ.

Chu Công cũng là người hiền, giúp Chu Vũ Vương, nhưng con của Vũ Vương là Thành Vương lại là người hiền; do đó Chu Công cũng không có được thiên hạ.

Khổng Tử cho rằng: nhà Đường (vua Nghiêu), nhà Ngu (vua Thuấn) truyền ngôi cho người hiền; nhà Hạ (vua Vũ), nhà Ân (vua Thang), nhà Chu (Vũ Vương) truyền ngôi cho con cháu. Nhưng năm trường hợp đó cùng theo một nghĩa lý: trao quyền cai trị vào tay người có tài đức.

Trong những trường hợp đó, lòng dân vui vẻ ưng thuận, cho nên đó là Mệnh Trời. Vào những triều đại về sau, nhiều khi dân chúng chẳng vui vẻ “âu ca”; thế mà nhà cầm quyền vẫn cứ cố bám lấy ngôi vị bằng những biện pháp khắc nghiệt; vì vậy, những cuộc cách mạng đổ máu mới xảy ra.

7. Vạn Chương hỏi rằng: “Người ta có nói: ông Y Doãn dùng thuật nấu nướng lấy lòng vua Thang, có chăng?”

Mạnh Tử đáp: “Không. Chẳng phải. Ông Y Doãn cày ở cánh đồng đất Hữu Sằn mà vui trong đạo của Nghiêu Thuấn. Chẳng phải điều nghĩa, chẳng phải đạo đức, đem của cải cả thiên hạ đến, ông chẳng đối hoài; thắng nghìn cỗ xe tứ mã cho, ông chẳng thèm nhìn. Chẳng phải điều nghĩa, chẳng phải đạo đức, một vật mọn, ông không đem cho người; một vật mọn, ông không lấy của người!

“Vua Thang sai người đem lụa mời đón. Ông ung dung thản nhiên nói: ‘Sao ta lấy đồ lễ lụa là của vua Thang làm gì? Đâu bằng ta ở trong khoảnh ruộng một mẫu này để mà an vui với đạo của Nghiêu Thuấn chứ?

“Vua Thang ba lần sai đem đồ lễ đến. Thế rồi, ông tự nhiên đổi ý mà nói: ‘Ví thử ta ở trong khoảnh ruộng một mẫu này để mà an vui với đạo của Nghiêu Thuấn, đâu bằng ta khiến cho ông vua ấy làm ông vua theo Nghiêu Thuấn? Đâu bằng ta khiến dân ấy làm dân theo Nghiêu Thuấn? Đâu bằng ta tự thấy ở thân ta những điều ấy ư? Trời sinh ra dân này, khiến cho người biết trước giác ngộ kẻ biết sau, khiến cho người giác ngộ trước bảo cho kẻ giác ngộ sau. Ta là người giác ngộ trước trong dân Trời, ta sẽ đem cái đạo ấy mà giác ngộ dân ấy vậy. Chẳng phải ta giác ngộ họ, thì ai chứ?

“Nghĩ rằng dân trong thiên hạ, những đàn ông, đàn bà tầm thường mà không được đội ơn đức của Nghiêu Thuấn, thì như mình đã xô đẩy họ vào trong ngòi nước. Tự thấy trách nhiệm ấy đối với thiên hạ nặng nề là như thế. Cho nên ông đã đến với vua Thang mà khuyên đánh phạt nhà Hạ để cứu dân.

“Ta chưa từng nghe ai uốn mình mà làm cho người ngay thẳng được; huống hồ mình chịu nhục mà làm cho thiên hạ ngay thẳng? Hành động của thánh nhân thì không đồng nhau: có người ở xa, có người ở gần, có người ra đi, có người chẳng đi. (Tất cả) hướng về việc làm trong sạch tấm thân mà thôi.

“Ta có nghe ông ấy dùng đạo Nghiêu Thuấn lấy lòng vua Thang; chưa nghe dùng thuật nấu nướng.

“Thiên Y huấn nói: ‘Trời trừ diệt, gây ra cuộc đánh phá ở tại Mục cung; ta đây nâng đỡ (vua Thang) ở tại đất Bạc.’”

BÌNH GIẢI:

Y Doãn là một hiền nhân thời thượng cổ (khoảng thế kỷ 18 trước Công nguyên), có công mở nghiệp nhà Thương Ân, giúp vua Thành Thang đánh bại vua Kiệt, một hôn quân vô đạo cuối đời nhà Hạ.

Đáp lại sự thắc mắc của Vạn Chương về nhân cách của Y Doãn, Mạnh Tử cho biết: Y Doãn là một ẩn sĩ thanh cao, cày ruộng ở đất Hữu Sằn, không tha thiết về thế sự, sống cảnh nghèo hèn với niềm an vui trong đạo Nghiêu Thuấn. Ông luôn luôn đề cao đạo nghĩa, không màng bổng lộc, giàu sang. Ông không cho ai và không nhận của ai một vật nhỏ mọn nào mà không hợp đạo nghĩa.

Vua Thang sai người đem lễ vật tới mời ông ra làm Tể Tướng, ông từ chối. Tuy nhiên, thấy vua Thang quá thành khẩn, ông thay đổi lập trường. Ông cho rằng một mình vui với đạo Nghiêu Thuấn có lẽ là ích kỷ; đâu bằng giúp vua Thang thi hành đạo Nghiêu Thuấn để toàn dân được hưởng nền cai trị theo đạo lý Nghiêu Thuấn thì hay hơn.

Ông tự nhận mình là con dân của Trời (Thiên dân). Thế mà đường lối của Trời là dùng người biết trước giác ngộ kẻ biết sau, dùng người giác ngộ trước bảo cho kẻ giác ngộ sau, để cho mọi người đều được hiểu rõ đạo Trời và sống theo đạo Trời. Sống theo đạo Trời thì con người được an vui, xã hội được thái bình. Ông biết an vui trong đạo Nghiêu Thuấn, tức là người giác ngộ trước; vì vậy ông có bổn phận hướng dẫn dân chúng về đạo ấy.

Suy nghĩ vậy, Y Doãn nhận ra trách nhiệm nặng nề của mình. Nếu ông không giúp cho những con người tầm thường ngoài xã hội kia được thấm nhuần ơn đức của Nghiêu Thuấn, tức là thấm nhuần đạo Trời, vô tình ông đã đẩy họ chìm sâu trong nước. Đó là lý do mà Y Doãn đến giúp vua Thang, khuyên vua Thang đánh phạt vua Kiệt nhà Hạ để cứu dân thoát khỏi cảnh treo ngược trên nước lửa.

Mạnh Tử nhận định rằng: không ai uốn mình (nịnh bợ) mà có thể sửa cho người trở nên chính đáng. Việc làm của Y Doãn là giúp vua Thang đem thiên hạ về đường chính đáng, lẽ nào Y Doãn phải uốn mình chịu nhục bằng thuật nấu nướng để lấy lòng vua Thang?

Theo Mạnh Tử, các bậc thánh nhân thường hành động không giống nhau: có người ở xa để gián tiếp tác động vào chính quyền; có người ở ngay kinh thành, gần vua để tham chính; có người bỏ nước ra đi để cảnh tỉnh; có người ở lại âm thầm chờ cơ hội để hành động. Tất cả những lối hành xử khác nhau của các thánh nhân đó đều qui chiếu vào một mục đích là: giữ trong sạch tấm thân, nêu gương trung chính cho đời và ít nhiều tác động vào sự cải tạo xã hội.

Có thể nói Y Doãn dùng đạo Nghiêu Thuấn để chinh phục vua Thang, chứ không phải dùng thuật nấu nướng để lấy lòng vua Thang. Bằng chứng là trong thiên Y huấn (những lời dạy bảo của Y Doãn), ông đã tự thuật: “Trẫm tái tự Bạc” (Ta đây nâng đỡ ở tại đất Bạc). Đất Bạc là kinh đô của vua Thang. Y Doãn đến đất Bạc để giúp vua Thang thi hành chính đạo của Trời, gạt bỏ kẻ vô đạo, cứu dân khỏi cảnh lầm than.

8. Vạn Chương hỏi rằng: “Có người bảo Khổng Tử ở nước Vệ, trọ nhà người chữa bệnh ung nhọt; ở nước Tề, trọ nhà thái giám Tích Hoàn. Có vậy chăng?”

Mạnh Tử đáp: “Không. Chẳng phải vậy. Kẻ bày việc nào đó vẽ ra thôi.

“Ở nước Vệ, ngài trọ ở nhà Nhan Thù Do, vợ của Di tử và vợ của Tử Lộ, anh em với nhau. Di tử bảo Tử Lộ rằng: “Khổng Tử trọ nhà tôi, thì có thể làm quan khanh nước Vệ được.”

“Tử Lộ bèn thông báo. Khổng Tử nói: ‘Có mệnh Trời.’ Khổng Tử khi tiến lên thì lấy lễ, khi lùi xuống thì lấy nghĩa. Được hay chẳng được như ý, vẫn nói: ‘Có mệnh Trời.’ Thế mà trọ nhà người chữa bệnh ung nhọt và thái giám Tích Hoàn, thì không hợp nghĩa, không thuận Mệnh Trời.

“Khổng Tử chẳng được hài lòng ở nước Lỗ, nước Vệ, lại gặp phải quan tư mã Hoàn nước Tống sắp đón bắt để giết đi. Ngài phải ăn mặc xấu xí mà qua khỏi nước Tống. Lúc bấy giờ Khổng Tử đang gặp cảnh khốn cùng, đã trọ nhà quan tư thành là Trinh Tử, làm việc cho vua nước Trần, bề tôi nhà Chu.

“Ta nghe muốn xem xét một ông quan cận thần, hãy để ý vào người đến trọ; muốn xem xét một ông quan ở xa về, hãy để ý vào chỗ trọ của ông ấy. Ví bằng Khổng Tử trọ nhà người chữa bệnh ung nhọt và thái giám Tích Hoàn, lấy gì làm nên Khổng Tử?”

BÌNH GIẢI:

Ở Trung Hoa thời cổ, người ta khinh rẻ thầy thuốc và thái giám. Có lẽ bấy giờ ít bệnh tật, người ta ít phải cậy nhờ thầy thuốc. Hơn nữa, lúc ấy, thầy thuốc chưa biết nhiều về phép vệ sinh, lại hay gần gũi người bệnh; do đó thầy thuốc dễ truyền bệnh cho người khác chăng? Còn thái giám là người hầu hạ vua, gần gũi các cung nữ. Đó là một hoạn quan, bị phế bỏ một phần thân thể, cốt để được gần vua, ton hót kiếm lợi. Vì thế mà người ta khinh rẻ.

Vào thời Chiến Quốc, có kẻ nói rằng khi ở nước Vệ, Khổng Tử trọ nhà người chữa bệnh ung nhọt; ở nước Tề, trọ nhà thái giám Tích Hoàn. Thầy thuốc vốn bị khinh rẻ rồi; nay lại là thầy thuốc chữa ung nhọt thì còn đáng ghê tởm chừng nào! Kẻ nói câu đó dường như có ý khinh bỉ Khổng Tử, cho rằng Khổng Tử chẳng có tài cán, chẳng có thế giá gì, cho nên chẳng trọ nhờ được ai danh tiếng, phải trọ nhờ những người thấp hèn như vậy.

Vạn Chương đem lời ấy chất vấn Mạnh Tử xem có thực chăng.

Theo Mạnh Tử, đó là lời bịa đặt của kẻ bày việc (hiếu sự). Ông cho biết: khi ở nước Vệ, Khổng Tử trọ nhà Nhan Thù Do, là một quan đại phu. Nhan Thù Do là anh vợ Tử Lộ; đồng thời, vợ Tử Lộ và vợ Di Tử, một sủng thần của Vệ Linh Công, là chị em với nhau. Như thế, Nhan Thù Do cùng với Tử Lộ và Di Tử có liên hệ anh em. Vì Khổng Tử là một hiền nhân có danh giá, cho nên Di Tử muốn mời ngài về nhà mình và cho Tử Lộ biết rằng: nếu Khổng Tử đến trọ nhà ông ta, ông ta có thể tiến cử lên Vệ Linh Công để được phong quan khanh.

Mặc dầu được gợi ý như thế, Khổng Tử chỉ trả lời: “Có Mệnh Trời.” Câu này hàm ý rằng: Khổng Tử có được mời làm quan khanh hay không là do Mệnh Trời chứ không phải nhờ Di Tử tiến cử. Vì tin vào Mệnh Trời cho nên Khổng Tử thản nhiên, không tha thiết gì với chức quan khanh. Khi được tiến lên chức quan ở nước Lỗ, ngài lấy lễ mà cư xử với người trên kẻ dưới. Khi phải từ quan ra đi, ngài lấy nghĩa mà đối đãi, không chống đối, không oán giận. Trong bất cứ trường hợp nào, được như ý hay chẳng được như ý, ngài vẫn tin vào Mệnh Trời. Mệnh Trời điều động tất cả.

Mạnh Tử cho rằng con người hoàn toàn phó thác cho Trời như thế là con người có đức hạnh cao cả, đâu đến nỗi phải sa vào cảnh thấp hèn bị người đời khinh rẻ như vậy! Mệnh Trời không để cho con người ấy phải nhục nhã như thế đâu! Vả lại, nếu tiên cảm rằng sang nước Vệ, nước Tề mà bị khốn đốn quá, chắc chắn Khổng Tử sẽ trở về quê nhà mà dưỡng già.

Ngay khi gặp hoạn nạn ở nước Tống, suýt bị quan Tư mã (phụ trách Bộ Binh) Hoàn Khôi sát hại vì ghen tài, phải ăn mặc xuềnh xoàng như kẻ thường dân để lánh mình ra khỏi nước Tống, Khổng Tử cũng chọn trọ ở nhà quan Tư Thành Trinh Tử, một người hiền đang giúp vua nước Trần.

Để kết luận, Mạnh Tử nhắc lại một kinh nghiệm cổ truyền về việc xét người: muốn đánh giá một ông quan cận thần ở kinh đô, hãy để ý vào những người đến trọ. Nếu những người đến trọ ở nhà ông quan ấy là những bậc quân tử, những ông quan liêm chính thì ông quan cận thần ấy cũng là bậc quân tử, liêm chính. Muốn đánh giá một ông quan ở xa về kinh đô, hãy để ý vào chỗ trọ của ông ấy. Nếu chỗ trọ là nhà quan thanh liêm chính trực, thì chính ông quan ở xa về ấy cũng là người thanh liêm chính trực. Nếu những người đến trọ là quan tham nhũng vô hạnh, thì chính chủ nhà trọ cũng là phường tham nhũng vô hạnh. Cũng tương tự như thế, nếu chỗ trọ là nhà quan tham ô, thì chính ông quan đến trọ cũng tham ô. Đó là qui luật “đồng thanh đồng khí” hoặc qui luật “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” của ngạn ngữ bình dân.

Căn cứ vào qui luật này, làm sao có thể tin được Khổng Tử đến trọ nhà người chữa bệnh ung nhọt hay nhà thái giám là những người bị xã hội khinh rẻ chê bai? Dĩ nhiên Khổng Tử phải biết tự giữ lấy thế giá của mình chứ!

9. Vạn Chương hỏi rằng: “Có người nói: Bách Lý Hề tự bán mình cho một người nuôi thú ở nước Tần, (lấy) năm bộ da dê, chăn trâu để lấy lòng vua Tần Mục Công. Tin được chăng?”

Mạnh Tử đáp: “Không. Chẳng phải. Kẻ bày việc nào đó vẽ ra thôi. Bách Lý Hề là người nước Ngu. Người nước Tấn lấy ngọc bích xứ Thùy Cức cùng với xe sản xuất ở xứ Khuất, giả vờ mượn đường nước Ngu để đánh nước Quắc. Cung Chi Kỳ can ngăn; Bách Lý Hề không can.

“Biết vua Ngu không thể can được, nên đi sang nước Tần, bấy giờ ông đã 70 tuổi rồi. Bèn chẳng biết lấy việc nuôi trâu cầu cạnh vua Tần Mục Công là ô nhục, có thể bảo là sáng suốt chăng? Không thể can ngăn được nên chẳng can ngăn, có thể bảo là không sáng suốt chăng? Biết vua Ngu sắp bị diệt nên sớm bỏ đi, không thể bảo là không sáng suốt được.

“Lúc được cất nhắc ở nước Tần, biết vua Mục Công có thể cùng hành động được nên giúp vào, có thể bảo là không sáng suốt chăng? Giúp nước Tần mà vua được vẻ vang trong thiên hạ, có thể truyền cho đời sau, không có tài đức mà có thể được thế chăng? Tự bán mình để nên việc cho vua, kẻ tự ái chốn thôn xóm không làm, mà bảo bậc hiền làm chăng?”

BÌNH GIẢI:

Bách Lý Hề là một nhân vật nổi tiếng thời Xuân Thu, đã có công giúp vua Tần Mục Công xây dựng nghiệp Bá. Thời Chiến Quốc, có người không ưa Bách Lý Hề đã nói rằng: ông tự bán mình cho một người nuôi thú ở nước Tần lấy năm bộ da dê, chăn trâu để lấy lòng Tần Mục Công. Vạn Chương đem chuyện này ra chất vấn Mạnh Tử.

Mạnh Tử cho rằng kẻ hiếu sự nào đó đã bịa đặt không đúng sự thực. Ông cho biết: Bách Lý Hề là người nước Ngu, cùng làm quan đại phu với Cung Chi Kỳ trong triều đình Ngu Công. Có lần, vua Tấn sai người đem ngọc bích xứ Thùy Cức và xe xứ Khuất sang biếu Ngu Công, giả vờ mượn đường nước Ngu đi đánh nước Quắc ở bên cạnh với âm mưu thôn tính cả Quắc lẫn Ngu. Vua Ngu vì tham lễ vật đã không chịu nghe lời can ngăn của Cung Chi Kỳ. Thấy vậy, Bách Lý Hề không can nữa và tìm đường lánh sang nước Tần. Bấy giờ ông đã 70 tuổi.

Mạnh Tử đã đặt ra những câu hỏi để bênh vực Bách Lý Hề, phản bác lại luận điệu bịa đặt ở trên. Bách Lý Hề biết can ngăn không được, nên không tốn lời can ngăn, biết nước Ngu sắp bị diệt nên sớm bỏ nước ra đi; sau này, ông lại biết Tần Mục Công có thể hợp tác được để xây dựng sự nghiệp lâu dài. Những điều đó chứng tỏ Bách Lý Hề không những đã sáng suốt lại còn có tài nữa. Một con người như thế chẳng lẽ không biết việc tự bán mình để cầu cạnh là điều ô nhục hay sao? Một kẻ quê mùa biết tự ái còn không làm như vậy, huống chi Bách Lý Hề là bậc hiền?

Về nhân vật Bách Lý Hề này, sách Đông Chu Liệt Quốc cho biết: sau khi bỏ nước Ngu sang nước Tần, ông đã một thời luân lạc sang nước Sở, phải kiếm sống bằng nghề nuôi trâu. Ông nuôi con trâu nào cũng khỏe mạnh béo tốt. Tiếng đồn đến tai Sở Vương. Sở Vương cho gọi Bách Lý Hề đến và hỏi về bí quyết nuôi trâu.

Bách Lý Hề cho biết hai bí quyết: cho trâu ăn điều độ và suốt ngày nghĩ đến trâu. Cho ăn điều độ có nghĩa là cho ăn đầy đủ, không thiếu, không thừa, cỏ rau tươi tốt, sạch sẽ. Suốt ngày nghĩ đến trâu mới tìm ra những tập tính của trâu để đáp ứng, mới tìm ra tật bệnh của trâu để ngăn ngừa và giải trừ.

Sở Vương hài lòng, khen ngợi nhưng không biết Bách Lý Hề vốn là một quan đại phu tài giỏi của nước Ngu, cho nên không biết dùng. Bấy giờ, ở bên nước Tần, có người biết tài của Bách Lý Hề, mới tiến cử ông lên Tần Mục Công; đồng thời khuyên vua Tần sai sứ giả đem năm bộ da dê sang chuộc Bách Lý Hề như chuộc một tên tội phạm. Hình thức không coi trọng Bách Lý Hề ấy cốt để che mắt Sở Vương, khiến Sở Vương không biết Bách Lý Hề có tài mà dùng mất.

Bách Lý Hề sang Tần phô diễn tài chính trị với Tần Mục Công và tiến cử thêm một nhân tài nữa là Kiển Thúc đang ẩn dật. Thế là cả hai ông già đó đã đưa nước Tần lên sự nghiệp lẫy lừng, hùng mạnh vào thời Xuân Thu.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x