Trang chủ » Chương I: Chú tâm – tác dụng tâm linh

Chương I: Chú tâm – tác dụng tâm linh

by Trung Kiên Lê
162 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

1 Giải thích pháp môn yoga

2 Yoga là pháp môn điều tâm (chitta) để tâm khỏi mang muôn ngàn biến trạng (vritti)

Ở đây, cần giải thích đầy đủ và rõ ràng. Chúng ta cần phải hiểu tâm (chitta) là gì và những biến trạng (vritti) của tâm là gì. Tôi có đôi mắt. Đôi mắt không thực sự thấy được.

Loại bỏ trung khu não bộ ra khỏi đầu, đôi mắt sẽ vẫn ở đó, võng mạc vẫn còn nguyên vẹn đó, cả hình ảnh của đối tượng lưu trên đó cũng thế, nhưng đôi mắt sẽ không thấy gì. Như vậy, đ;ôi mắt chỉ là khí cụ thứ cấp, chứ không phải là là cơ quan thị giác.

Cơ quan thị giác nằm tại trung khu não bộ. Chỉ có đôi mắt thôi thì không đủ. Có người ngủ mà mắt vẫn mở. Ánh sáng vẫn có đó và hình ảnh vẫn có đó, nhưng điều thứ ba mới là quan trọng: tâm trí phải tham dự cùng giác quan.

Đôi mắt chỉ là khí cụ bên ngoài, chúng ta cũng phải cần đến trung khu não bộ và cần đến tâm trí làm tác nhân. Ngoài đường xe cộ đang qua lại nhưng các bạn không nghe thấy. Vì sao? Tâm trí các bạn không gắn chặt với cơ quan thính giác.

Thứ nhất là khí cụ, thứ hai là cơ quan, và thứ ba là tâm trí phải gắn chặt với hai yếu tố này. Tâm trí đưa ấn tượng đó đi xa hơn nữa, và trình nó lên chức năng quyết định là bhuddhi hay trí năng; cơ quan này tạo ra phản ứng.

Cùng với phản ứng này, ý tưởng vị kỷ sẽ lóe sáng lên. Kế đó, tác động và phản ứng phối hợp với nhau để trình lên Purusha hay Linh Hồn chân thực, và Linh Hồn nhận thức được một đối tượng trong sự phối hợp này.

Các cơ quan (indriya) cùng với tâm trí (manas), chức năng quyết định (bhuddhi) và lòng vị kỷ (ahamkāra), tất cả những thứ này tạo nên một tổ hợp gọi là antahkarana hay khí cụ bên trong.

Chúng chỉ là những tiến trình khác nhau trong tâm hay chitta. Các con sóng tư tưởng trong tâm được gọi là những vritti (dịch theo nghĩa đen là “xoáy nước”).

Tư tưởng là gì? Tư tưởng là lực, cũng như lực hấp dẫn hay lực đẩy. Từ kho tàng vô tận của lực trong tự nhiên, khí cụ được gọi là tâm nắm bắt lấy một lực nào đó, hấp thu nó và đưa nó ra bên ngoài thành tư tưởng.

Lực này được cung cấp cho chúng ta thông qua thực phẩm, rồi nhờ thực phẩm đó, cơ thể nhận được năng lượng để vận động, v.v…

Những lực khác, tế vi hơn, xuất lộ ra bên ngoài thành cái mà chúng ta gọi là tư tưởng. Bởi vậy, chúng ta thấy rằng tâm trí không thông minh, tuy thế nó lại có vẻ như là thông minh. Vì sao? Vì có một Linh Hồn thông minh ở đằng sau nó.

Linh Hồn đó là sinh linh hữu tình duy nhất, còn tâm trí chỉ là những khí cụ, mà nhờ đó Linh Hồn mới nắm bắt được thế giới bên ngoài. Lấy cuốn sách này làm ví dụ, với tư cách là một cuốn sách thì nó không tồn tại bên ngoài, cái gì tồn tại bên ngoài đều xa lạ và bất khả tri.

Cái bất khả tri đó đưa ra gợi ý cho tâm trí như một cú đấm, và tâm trí biểu lộ phản ứng dưới hình thức một cuốn sách, cũng như khi một hòn đá bị ném vào mặt nước thì nước bị ném ngược lại hòn đá dưới hình thức những con sóng. Vũ trụ thực là cơ hội cho phản ứng của tâm trí.

Hình thể cuốn sách, hình thể con voi hay hình thể con người không nằm ở bên ngoài, tất cả những gì chúng ta nhận biết đều là phản ứng tinh thần đối với những gợi ý từ bên ngoài.

Vật chất là “khả tính thường xuyên của cảm giác”, John Stuart Mill đã nói thế. Nó chỉ là sự gợi ý từ bên ngoài. Hãy lấy con trai làm ví dụ.

Các bạn đã biết ngọc trai được tạo ra như thế nào rồi. Một vật ký sinh được nhét vào bên trong cơ thể nó và tạo ra sự kích thích, con trai bèn tiết ra một loại men bọc lấy vật đó, nhờ đó mà tạo thành ngọc trai.

Vũ trụ của kinh nghiệm là lớp men của riêng ta, có thể nói như vậy, và vũ trụ thực là vật ký sinh có tác dụng như hạt nhân đó. Con người bình thường sẽ không bao giờ hiểu được điều này, bởi vì khi cố gắng làm điều đó thì anh ta tiết ra một lớp men và chỉ thấy được lớp men của chính mình.

Bây giờ thì chúng ta hiểu được những biến trạng (vritti) này có nghĩa là gì rồi. Con người thực đứng đằng sau tâm trí, và tâm trí là khí cụ trong tay người đó. Chính trí thông minh của anh ta đang chắt lọc qua nó. Chỉ khi nào các bạn đứng đằng sau tâm trí thì nó mới trở nên thông minh được.

Khi các bạn từ bỏ tâm trí thì nó vỡ tan tành, và chẳng là gì cả. Như vậy, các bạn hiểu được chitta có nghĩa là gì rồi. Chitta là tâm, và các biến trạng (vritti) là những con sóng lớn cùng những gợn sóng nhấp nhô trên đó khi có những tác nhân bên ngoài chạm vào.

Những biến trạng này là toàn thể vũ trụ của chúng ta. Ta không thể nhìn thấy đáy hồ, vì những gợn sóng lao xao khắp mặt hồ. Chúng ta có thể nhìn thấy được đáy hồ chỉ khi nào những gợn sóng không còn lao xao nữa và mặt hồ tĩnh lặng.

Nếu nước bị vẩn đục hay bị xao động liên tục thì ta cũng không thể thấy được đáy hồ. Nếu nước trong và không gợn sóng, ta sẽ thấy đáy hồ. Đáy hồ là Chân Ngã của chính ta, hồ nước là tâm và sóng là các biến trạng của tâm. Hơn nữa, tâm trí có ba trạng thái:

1. Thứ nhất được gọi là tama, là trạng thái tăm tối vô minh, gặp ở nơi loài vật hoặc những kẻ ngu muội, nó chỉ gây nên tổn hại cho người khác. Không một tư tưởng nào đến được với trạng thái này.

2. Kế đó là raja, đây là trạng thái năng động của tâm trí, những động cơ chính của trạng thái này là quyền năng và lạc phúc”. Ta sẽ có đầy quyền năng và chế phục được kẻ khác”.

3. Cuối cùng là trạng thái có tên sattva – có nghĩa là yên bình, tĩnh lặng. Trong trạng thái đó thì sóng lặng và nước hồ tâm thức trở nên trong suốt. Đó không phải là trạng thái bất động, mà trái lại còn hoạt động cực kỳ mãnh liệt. Đó là sự biểu hiện tối cao của năng lực tịnh tâm.

Hoạt động là điều dễ dàng. Cứ buông lỏng dây cương, và những con ngựa sẽ kéo các bạn lao xuống dốc. Ai cũng làm được điều đó. Nhưng chỉ có người dũng mãnh mới có thể ghìm cương những con ngựa đang chìm xuống nước.

Điều gì đòi hỏi nhiều tinh thần dũng mãnh hơn, để mặc ngựa chạy hay ghìm chúng lại? Các bạn đừng nhầm lẫn trạng thái trầm lặng của sattva với trạng thái lờ đờ, uể oải.

Người trầm lặng là người đã chế ngự được những con sóng đó. Hoạt động là sự biểu hiện của sức mạnh dạng thấp, chế ngự trầm lặng mới là sự biểu hiện của sức mạnh cao siêu. Tâm luôn cố quay về lại với trạng thái thuần tịnh tự nhiên lúc ban sơ, nhưng những cơ quan cứ kéo nó đi xa.

Điều phục tâm, kiểm soát xu thế hướng ngoại của nó, bắt nó khởi đầu cuộc hành trình quay về với Cốt Tủy của Trí Huệ, đó là bước đầu của pháp môn yoga, bởi vì chỉ có bằng cách đó, tâm mới có thể quay về với trạng thái phù hợp với nó.

Dù tâm hiện hữu cả trong loài vật, từ loài thấp nhất đến loài cao nhất, nhưng chỉ nơi con người, ta mới thấy nó như là trí năng. Chứng nào chitta – hay tâm – còn chưa mang hình thức của trí năng thì nó không thể quay ngược về trạng thái ban sơ, thông qua tất cả những giai đoạn đó, để giải thoát linh hồn.

Sự cứu rỗi lập tức không thể xảy ra nơi con bò hay con chó dù chúng có tâm trí, bởi vì tâm của chúng vẫn chưa mang được hình thức mà chúng ta gọi là trí năng. Tâm tự hiển lộ qua các hình thức sau đây: phân tán, u tối, thu tâm, nhất tâm và định tâm.

“Phân tán” là dạng hoạt động, xu hướng của nó là tự hiển lộ dưới hình thức vui sướng hay đau khổ. “U tối” là dạng vô minh, xu hướng của nó là gây tổn hại cho người khác.

Theo các nhà chú giải thì “phân tán” là hình thức tự nhiên của chư thiên hay các devas, còn “u tối” là hình thức tự nhiên của ma quỷ. “Thu tâm” là hình thức khi tâm cố gắng tự đưa mình về tâm điểm, “nhất tâm” là hình thức khi tâm cố gắng tập trung, và hình thức “định tâm” đưa ta đến trạng thái samādhi hay định.

3 Vào lúc này (nghĩa là lúc tập trung tư tưởng) thì Người Thấy – tức Purusha – an trú trong nguyên trạng của mình.

Ngay khi sóng dừng và mặt hồ trở nên tĩnh lặng thì chúng ta thấy được đáy hồ. Đối với tâm trí cũng vậy, khi nó tĩnh lặng thì chúng ta thấy được nguyên tính của mình, ta không còn hòa lẫn với những biến trạng của tâm trí mà trở về chính là ta.

4 Vào lúc khác, (nghĩa là không ở trong trạng thái tập trung tư tưởng) thì Người Thấy – tức Purusha – đồng hóa với những biến trạng (vritti) đó.

Chẳng hạn một ai đó khiển trách tôi, điều đó tạo ra sự biến đổi trong tâm trí tôi, rồi tôi tự đồng hóa mình với biến trạng đó, hậu quả là phát sinh khốn khổ.

5 Có năm loại chuyển biến, [một số] gây đau khổ, [một số khác] thì không.

6 [Đó là] tri thức chân chính, vô phân biệt, vọng tưởng ngôn ngữ[1], giấc ngủ và ký ức.

7 Nhận thức trực tiếp, suy diễn, và chứng cứ vững chắc tạo nên tri thức chân chính hay những bằng chứng.

Khi hai nhận thức của chúng ta không gây nên mâu thuẫn với nhau thì ta gọi đó là bằng chứng. Tôi nghe một điều đó, và nếu nó mâu thuẫn với điều tôi đã nhận thức thì tôi không tin nó nữa, và tìm cách tống nó đi. Cũng có ba loại bằng chứng.

Nhận thức trực tiếp, pratyaksham, có nghĩa là tất cả những gì chúng ta nhìn thấy hay cảm thụ tự nó đã là bằng chứng, nếu không có gì đánh lừa giác quan.

Tôi nhìn thấy thế giới, đó là bằng chứng đầy đủ rằng nó tồn tại. Thứ hai là anumāna hay suy diễn: các bạn thấy một ký hiệu, và từ ký hiệu đó các bạn đi đến một sự vật có ý nghĩa. Thứ ba là āptavākyam, tức trực thức của hành giả yogi, của những người đã thấy được Chân Lý.

Tất cả chúng ta đều đang đấu tranh để hướng tới tri thức đó. Các bạn và tôi phải đấu tranh vất vả để đến được với tri thức đó thông qua một tiến trình lý luận dài dòng tẻ nhạt, còn hành giả yogi là bậc thuần tịnh nên vượt ra ngoài những thứ đó.

Đối với hành giả yogi thì quá khứ, hiện tại và tương lai hiện ra như một cuốn sách để đọc trong tâm trí, để đạt được tri thức đó, ông ta không cần phải trải qua tiến trình lý luận dài dòng tẻ nhạt như chúng ta phải làm, lời nói của vị đó tự nó đã là bằng chứng, bởi vì ông ta đã kiến chiếu được tri thức trong tự thân.

Những vị đó là tác giả của những thánh kinh, bởi vậy, những thánh kinh đó là bằng chứng của chính họ. Nếu bất cứ vị nào như thế còn sống hiện giờ thì những lời nói của họ là bằng chứng của chính họ.

Các triết gia khác tham dự vào cuộc tranh luận dài dòng về nhận thức trực tiếp hay āptavākyam này, và họ hỏi: “Cái gì làm bằng chứng cho lời họ nói?”.

Bằng chứng là trực thức của các vị đó. Bởi vì, bất cứ thứ gì tôi thấy đều là bằng chứng cho chính nó, và bất cứ thứ gì các bạn thấy cũng đều là bằng chứng cho chính nó, nếu điều đó không mâu thuẫn với bất kỳ tri thức nào trong quá khứ.

Có một loại tri thức nằm bên ngoài giác quan, và hễ khi nào nó không mâu thuẫn với lý tính và kinh nghiệm của con người trong quá khứ thì tri thức đó tự nó đã là bằng chứng rồi. Bất cứ kẻ điên nào cũng có thể bước vô phòng này và bảo rằng y thấy thiên thần bay quanh mình, điều đó không đủ để làm bằng chứng.

Thứ nhất, bằng chứng phải là tri thức chân thực; thứ hai, nó không được mâu thuẫn với tri thức trong quá khứ; và thứ ba là nó phải tùy thuộc vào tư cách của người đưa ra bằng chứng. Tôi nghe người ta bảo rằng tư cách của một người không quan trọng bằng lời họ nói.

Trước hết, chúng ta cần phải nghe lời họ nói. Điều này có thể đúng trong những trường hợp khác, chẳng hạn một người có thể là kẻ độc ác, nhưng lại có phát minh về thiên văn học, song trong tôn giáo thì điều đó lại khác, bởi vì không một ai có tâm hồn bất tịnh mà lại có năng lực để vươn đến được chân lý trong tôn giáo.

Do đó, chúng ta phải thấy rằng vị nào tuyên bố rằng mình đã giác ngộ, là một āpta (người giác ngộ) thì trước hết, vị đó là một người hoàn toàn vị tha và thánh thiện; thứ hai, vị đó đã vượt ra ngoài phạm vi của giác quan; thứ ba, những gì vị đó nói đều không mâu thuẫn với tri thức của nhân loại trong quá khứ.

Mọi phát kiến mới mẻ về chân lý đều không được mâu thuẫn với chân lý trong quá khứ mà phải khế hợp với nó. Và điều thứ tư, chân lý đó phải có khả năng kiểm chứng.

Nếu một người nào đó nói: “Tôi đã nhìn thấy một linh ảnh”, và bảo tôi rằng tôi không thể thấy được thì tôi chẳng thể tin anh ta. Mọi người đều phải có năng lực tự mình nhìn thấy linh ảnh đó. Hơn nữa, không một kẻ buôn bán tri thức nào lại có thể là một āpta được.

Một āpta phải đáp ứng được tất cả những điều kiện này: trước hết, các bạn phải thấy vị đó là một người thuần tịnh, không hề có một động cơ vị kỷ nào, không màng đến danh lợi; thứ hai, vị đó phải chứng tỏ được mình đã đạt được kinh nghiệm siêu thức; thứ ba, vị đó phải ban cho chúng ta một điều gì đó mang đến lợi ích cho thế gian mà chúng ta không thể tìm thấy trong phạm vi của giác quan.

Và chúng ta phải thấy điều đó không mâu thuẫn với những chân lý khác, nếu nó mâu thuẫn với những chân lý khoa học thì hãy vất bỏ nó ngay lập tức. Và điều thứ tư, người giác ngộ không phải là một ngoại lệ, vị đó chỉ đại diện cho những gì mà tất cả mọi người đều có khả năng đạt được.

Như vậy, có ba loại bằng chứng là: 1. nhận thức trực tiếp bằng giác quan, 2. suy luận và 3. giáo lý của vị āpta đó. Āpta không phải là “người trải qua cơn thần hứng” hay “người được khải thị” theo cách hiểu của người phương Tây, vì người ta tin rằng khải thị đến từ bên ngoài, trong khi tri thức này xuất phát từ nội tâm. Hiểu theo nghĩa đen thì đó là “người đã thành chánh quả”.

8 Vô phân biệt là tri thức sai lầm không dựa trên thực tính của đối tượng.

Loại tiếp theo của những biến trạng (vritti) nêu ra ở đây là sự nhầm lẫn vật này thành vật nọ, chẳng hạn nhầm miếng vỏ hàu là miếng bạc.

9 Vọng tưởng ngôn ngữ theo sau lời nói, không có thực tại [tương ứng].

Có một loại khác của những biến trạng (vritti) là vikalpa hay vọng tưởng. Một lời được thốt ra, và chúng ta chẳng hề chờ xem ý nghĩa của nó, mà đưa ra kết luận vội vàng. Đó là dấu hiệu tâm yếu đuối. Bây giờ các bạn có thể hiểu được tính quan trọng của sự kiềm chế.

Hễ con người càng yếu đuối thì càng ít kiềm chế. Hãy tự xét bản thân mình bằng sự thử thách đó. Khi các bạn sắp nổi nóng hay gặp cảnh khốn khổ, hãy phân tích điều đó cho ra lẽ, rồi sẽ thấy rằng những tin tức đến với các bạn đang ném tâm trí các bạn vào những biến trạng (vritti).

10 Giấc ngủ là một biến trạng bao hàm cảm giác rỗng không.

Loại tiếp theo của các biến trạng (vritti) được gọi là giấc ngủ, bao hàm giấc mơ và giấc ngủ sâu. Khi tỉnh giấc thì chúng ta biết rằng mình đã ngủ, chúng ta chỉ có thể nhận thức được điều đó bằng cách hồi tưởng lại. Những gì không nhận thức được thì chúng ta không thể nhớ lại.

Mọi phản ứng đều là một con sóng trên mặt hồ. Giờ đây, nếu như trong giấc ngủ mà trong tâm trí không gợn một con sóng nào thì sẽ không có nhận thức, dù tích cực hay tiêu cực, và do đó, sẽ không nhớ được chúng.

Lý do trong khi ngủ mà ta vẫn còn nhớ lại được là vì trong giấc ngủ vẫn có những lớp sóng nào đó dao động trong tâm trí. Ký ức là một loại biến trạng (vritti) khác, được gọi là smriti.

11 Ký ức trỗi dậy khi [biến trạng của] chủ thể được nhận thức không bị trôi qua mất đi [và quay về lại với ý thức thông qua những ấn tượng].

Ký ức có thể xuất phát từ nhận thức trực tiếp, từ tri thức sai lầm, từ vọng tưởng ngôn ngữ, hoặc từ giấc ngủ. Chẳng hạn, bạn nghe một lời nói. Lời nói đó như viên đá ném vào mặt nước hồ tâm, nó tạo ra gợn sóng, rồi gợn sóng đó lại tạo ra một loạt những gợn sóng khác. Đó là ký ức.

Trong giấc ngủ là vậy đó. Khi một loại gợn sóng đặc biệt – được gọi là giấc ngủ – ném tâm (chitta) vào gợn sóng ký ức thì nó được gọi là giấc mơ. Mơ ngủ là một dạng gợn sóng khác, mà ở trạng thái tỉnh ta gọi là ký ức.

12 Những [biến trạng] này được điều khiển bởi tập luyện và tâm vô luyến cảm.

Muốn vô luyến cảm, tâm trí phải thuần tịnh, thiện lương và điều độ. Vì sao chúng ta phải tập luyện? Bởi vì mọi hoạt động giống như những dao động lăn tăn trên khắp mặt hồ. Khi những dao động này mất đi thì cái gì còn lại? Đó là các samskāra hay những ấn tượng.

Khi một số lượng lớn những ấn tượng này lưu lại trong tâm trí thì chúng kết hợp lại, và biến thành thói quen. Người ta nói: “Thói quen là bản tính thứ hai”. Nó cũng là bản tính thứ nhất, là trọn cả bản tính của con người, chúng ta là gì thì mọi cái đó đều là kết quả của thói quen.

Điều đó đem lại cho ta sự an ủi, bởi vì nếu nó chỉ là thói quen thì chúng ta không thể tạo hoặc hủy nó bất cứ lúc nào. Samskāra – hay ấn tượng – được lưu lại do những dao động này đi ra khỏi tâm trí, mỗi ấn tượng đều để lại kết quả.

Tính cách của chúng ta là tổng số những ấn tượng đó, và tùy theo loại sóng nào chiếm ưu thế mà tính cách của ta sẽ mang tính chất ấy. Nếu điều thiện chiếm ưu thế thì ta thành người tốt, nếu điều ác chiếm ưu thế thì ta thành người xấu, nếu niềm vui chiếm ưu thế thì ta được hạnh phúc.

Phương thuốc chữa trị duy nhất cho các thói quen xấu là những thói quen ngược lại, mọi thói quen xấu nào lưu lại ấn tượng đều phải bị thói quen tốt chế ngự.

Hãy tiếp tục làm điều tốt, luôn suy nghĩ những tư tưởng thanh cao, thánh thiện, đó là cách duy nhất để trấn áp mọi ấn tượng thấp hèn.

Đừng bao giờ bảo một người bất kỳ nào đó là kẻ hết thuốc chữa, bởi vì người đó chỉ đại diện cho một tính cách, một nhóm thói quen, và những thói quen đó có thể bị khống chế bởi thói quen mới tốt đẹp hơn. Tính cách là thói quen được lặp đi lặp lại, và chỉ thói quen được lặp đi lặp lại mới có thể sửa đổi được tính cách.

13 Phấn đấu không ngừng để kiềm chế hoàn toàn những biến trạng (vritti), đó là tập luyện.

Sự tập luyện này là gì? Đó là nỗ lực kiềm chế tâm trí, không để nó phóng xuất ra ngoài thành những con sóng.

14 Việc tập luyện có được một nền móng vững chắc nhờ những nỗ lực kiên trì với tình yêu bao la (vì cứu cánh)

Kiềm chế được tâm trí không thể trong ngày một ngày hai, mà phải trải qua một quá trình tập luyện lâu dài, bền bỉ.

15 Chế ngự được tham dục đối với những đối tượng mắt thấy tai nghe, đó là tâm vô luyến cảm hay vô chấp.

Hành động của chúng ta có hai nguyên động lực: những gì tự chúng ta nhìn thấy, và kinh nghiệm của người khác. Hai động lực này làm trong hồ nước tâm trí nổi dậy đủ loại sóng. Vô luyến cảm là năng lực chống lại hai động lực này và chế ngự được tâm trí.

Buông xả hai động lực này là điều chúng ta cần. Tôi đang đi ngoài phố, một người chạy đến giật lấy cái đồng hồ của tôi. Đó là sự trải nghiệm của riêng tôi. Tự tôi thấy được sự kiện đó, và nó ném chitta (tâm) tôi vào một con sóng dưới hình thức của cơn giận dữ.

Đừng để điều đó xảy ra. Nếu không thể kiềm chế được cơn giận thì các bạn chẳng là gì cả, nhưng nếu kiềm chế được thì các bạn có hạnh vairāgya – hay buông xả. Lại nữa, kinh nghiệm trần thế bảo ta rằng lạc thú xác thân là lý tưởng tối cao. Đây là những cám dỗ vô cùng khủng khiếp.

Khước từ những lạc thú đó và không để tâm trí chen vào những con sóng liên quan với chúng, đó là buông xả, điều khiển được hai động lực sinh khởi từ kinh nghiệm của tôi và kinh nghiệm về người khác, và do đó không để tâm bị chúng chi phối, đó là buông xả.

Tôi cần phải điều khiển được chúng, chứ không để chúng điều khiển tôi. Loại sức mạnh tinh thần như thế được gọi là buông xả. Vairāgya – hay buông xả – là con đường duy nhất dẫn đến tự do.

16 Đó là tâm vô chấp tuyệt đối, tâm đó từ bỏ hết mọi tham dục đối với các guna và xuất phát từ sự liễu tri [thực tính của] Purusha Sự biểu hiện tối cao của tinh thần vairāgya – hay buông xả – diễn ra khi ta hoàn toàn không còn bị thu hút bởi các guna.

Trước hết, chúng ta phải hiểu được Purusha – hay Chân Ngã – là gì, và các guna là gì. Theo triết lý Yoga thì toàn bộ thế giới tự nhiên bao gồm ba guna, đó là các yếu tố hay các lực: một là tama, hai là raja, và ba là sattva.

Cả ba guna này biểu hiện trong thế giới vật lý như là bóng tối hay sự thụ động, lực hút hay lực đẩy, và sự kết hợp của hai lực đó. Mọi hiện tượng trong tự nhiên, tất cả những hình thức biểu hiện đều được cấu tạo từ sự kết hợp hay tái hợp của ba lực này.

Triết học Sāmkhya chia giới tự nhiên thành nhiều loại, Chân Ngã của con người vượt ra ngoài những loại đó, vượt ra ngoài thế giới tự nhiên.

Nó rạng ngời, thuần tịnh và hoàn hảo. Bất kỳ trí thông minh nào mà ta thấy được trong tự nhiên chỉ là sự phản chiếu của Chân Ngã này lên tự nhiên.

Thiên nhiên tự nó vô tri giác. Các bạn nên nhớ rằng danh từ nature – thiên nhiên, bản tính tự nhiên – bao bàm cả tâm trí. Tâm trí ở trong thiên nhiên, tư tưởng ở trong thiên nhiên, từ tư tưởng xuống đến hình thức vật chất thô sơ nhất, tất cả đều ở trong thiên nhiên, đều là sự biểu hiện của thiên nhiên.

Thiên nhiên này che lấp Chân Ngã của con người, và khi thiên nhiên lấy đi tất cả những lớp màn che phủ thì Chân Ngã hiển lộ trong tất cả vẻ rực rỡ huy hoàng của Nó.

Tâm vô luyến – như được mô tả trong câu cách ngôn 25, hiểu như là sự chế ngự được tham vọng trước những sự vật hay thế giới tự nhiên – là pháp trợ duyên thù thắng nhất để hướng đến việc hiển lộ Chân Ngã.

Câu cách ngôn kế tiếp sau đây định nghĩa samādhi hay định, tức trạng thái tập trung tư tưởng tuyệt đối, mục tiêu của hành giả yogi.

17 Samādhi đi cùng với chánh trí là cái đạt được bằng lý luận, phân biệt, lạc phúc và tự ngã vô phẩm tính[2].

Samādhi – hay định – được chia thành hai loại: một là hữu tưởng định (samprajnāta samādhi)[3], và loại kia là phi tưởng định (asamprajnāta-samādhi).

Trong cảnh giới hữu tưởng định xuất hiện tất cả những quyền năng chế ngự thiên nhiên. Loại thứ nhất được gọi là savitarka (hữu tầm)[4], hành giả đạt được khi chú tâm quán tưởng vào một đối tượng, và tách ly nó ra khỏi tất cả những đối tượng khác.

Trong số hai mươi lăm phạm trù của trường phái Sāmkhya thì có hai loại đối tượng để quán tưởng: một loại gồm hai mươi bốn phạm trù vô tri giác trong thiên nhiên, và một loại là Purusha khả giác. Phần này của pháp môn Yoga đặt toàn bộ nền tảng trên triết học Sāmkhya, mà tôi đã trình bày với các bạn.

Như các bạn còn nhớ, tự ngã cùng ý chí và tâm trí đều có một nền tảng chung gọi là chitta hay tâm, cả ba đều được tạo tác từ tâm. Tâm tiếp thu những sức mạnh từ thiên nhiên rồi phóng chiếu chúng thành tư tưởng. Phải có một trạng thái mà trong đó lực và vật chất hợp nhất thành một.

Trạng thái đó được gọi là avyakta (vô tướng), hay trạng thái tiềm ẩn của thiên nhiên trước thời sáng tạo; toàn thể thiên nhiên, sau khi kết thúc một chu kỳ, sẽ quay về lại trạng thái đó để lại tiếp tục khai sinh cho một chu kỳ khác. Ở bên ngoài trạng thái đó là Purusha, hay Cốt Tủy của Trí Thông Minh.

Tri thức là quyền lực, ngay khi chúng ta bắt đầu hiểu được một sự vật thì chúng ta có quyền lực với nó, cũng vậy đó, khi tâm trí bắt đầu quán tưởng những nguyên tố khác nhau trong tự nhiên thì nó đạt được quyền lực với chúng. Loại quán tưởng lấy ngoại vật làm đối tượng được gọi là savitarka.

Tarka có nghĩa là “câu hỏi”, và savitarka có nghĩa là “hữu tầm” hay “còn tra hỏi” . Loại quán tưởng này bao hàm việc tra hỏi các nguyên tố trong tự nhiên, có thể nói như vậy, để chúng chịu trao những quyền năng cho hành giả yogi quán tưởng chúng.

Không bao giờ có sự giải thoát trong việc tìm cầu quyền năng. Đó là sự theo đuổi lạc thú trần gian, và không có lạc thú thực sự trong cõi đời này. Mọi cuộc theo đuổi lạc thú đều hoài công vô ích, đó là bài học xa xưa, rất xa xưa mà con người thấy khó lòng học được.

Khi nào con người học được bài học đó thì họ thoát ra khỏi vũ trụ, và trở nên tự do. Sở hữu những thứ được cho là quyền năng huyền bí chỉ làm sâu sắc thêm bản chất trần tục, rốt cuộc càng gây thêm khổ đau.

Dù đạo sư Patanjali – với tư cách là một nhà khoa học – buộc lòng phải chỉ ra những khả tính của bộ môn khoa học này, nhưng ông không bao giờ quên cảnh báo chúng ta trước những quyền năng đó.

Lại nữa, cũng trong pháp môn quán tưởng này, khi hành giả cố gắng lấy được những nguyên tố đó ra khỏi thời gian và không gian, rồi trầm tư về chúng y như thực thì được gọi là nirvitarka-samādhi hay vô tầm định, tức là một loại “định không còn tra hỏi ” .

Khi công phu quán tưởng tiến thêm một bước cao hơn và lấy các Tanmātras là đối tượng quán tưởng, rồi trầm tư về chúng như đang hiện hữu trong thời gian và không gian thì được gọi là savichāra-samādhi hay hữu phân biệt định, tức là một loại “định có phân biệt ” ; cũng trong pháp môn quán tưởng này, khi hành giả đã xả trừ được thời gian và không gian, và trầm tư về những nguyên tố y như thực thì được gọi là nirvichāra-samādhi hay vô phân biệt định, tức là một loại “định không còn phân biệt ” .

Trong bước tiếp theo, mọi nguyên tố tinh hay thô đều bị loại bỏ, xả ly; đối tượng quán tưởng là cơ quan bên trong, hay cơ quan tư duy. Khi cơ quan tư duy được quán tưởng như đã xả ly hết mọi phẩm tính hoạt động lẫn thụ động thì dẫn đến trạng thái sānanda-samādhi hay hỷ lạc định [ blissful samādhi].

Khi tâm trí – đã xả ly hết mọi yếu tố bất tịnh của raja và tama – là đối tượng quán tưởng, khi tâm trí đã trở nên thuần thục và tập trung, khi mọi ý tưởng về vật chất thô hay tinh đều bị trừ, khi chỉ còn trạng thái sattva về tự ngã – nhưng vẫn khác biệt với mọi đối tượng khác – thì trạng thái đó được gọi là asmitā-samādhi[5].

Ngay cả trong trạng thái đó, hành giả cũng chưa hoàn toàn siêu việt được tâm trí. Hành giả đạt đến trạng thái, trong kinh Veda gọi là videha có nghĩa là “xả ly thân xác”. Hành giả có thể tư duy về chính mình như không hề có thể xác thô, mà phải tư duy về chính mình như là thể xác tế vi.

Trong trạng thái ấy, hành giả nào hòa nhập vào tự nhiên mà không đạt đến mục tiêu thì được gọi là prakritilina, còn những hành giả nào không dừng lại ở trạng thái này thì sẽ đạt đến mục tiêu là tự do, giải thoát.

18 Có một trạng thái samādhi khác, đạt được bằng cách luyện tập thường xuyên để dứt bặt mọi hoạt động tinh thần, trong đó chitta (tâm) chi còn lưu lại những ấn tượng tiềm ẩn.

Đó là phi tưởng định (asamprajnāta-samādhi) hay trạng thái vô thức tuyệt đối, giúp ta giải thoát. Trạng thái thứ nhất không đem lại cho chúng ta sự tự do, cũng không thể giải thoát được linh hồn. Một người có thể đạt được tất cả những quyền năng nhưng vẫn bị đọa trở lại.

Không có gì bảo vệ được linh hồn, cho đến khi nào nó vượt thoát khỏi tự nhiên. Rất khó mà thực hiện được điều này, mặc dù phương pháp có vẻ như rất dễ.

Phương pháp đó là tập trung tâm trí vào một đối tượng, bất cứ thứ nảy sinh trong tâm trí, hãy quật ngã nó đi, không để một tư tưởng nào nảy sinh trong tâm trí nữa, để cho tâm trí hoàn toàn rỗng không. Khi thực sự làm được điều này thì ngay lúc đó chúng ta đạt đến giải thoát.

Khi một người không có chuẩn bị hay luyện tập gì mà cố gắng làm cho tâm trí mình rỗng không thì rất có thể họ chỉ thành công trong việc che phủ tâm trí mình bằng những tama, tức chất liệu của vô minh, là những thứ làm cho tâm trí u tối và mê muội, khiến họ ngỡ đã làm cho tâm trí được rỗng không.

Có thể thực sự thực hành được điều đó là sự biểu hiện của một sức mạnh tối cao và khả năng chế ngự tối cao. Khi đạt đến trạng thái vô tưởng thì định (samādhi) này không còn mầm mống tạo tác. Điều đó có nghĩa là gì?

Trong trạng thái tập trung có ý thức, khi tâm trí chỉ thành công trong việc dập tắt những đợt sóng trong chitta (tâm) và kiềm chế chúng thì chúng vẫn còn tồn tại dưới dạng những xu hướng; và những xu hướng này, hay hạt mầm, sẽ lại biến thành sóng khi có cơ hội.

Khi các bạn đã hủy diệt toàn triệt mọi xu hướng, hầu như hủy diệt tâm trí thì định (samādhi) này không còn mầm mống tạo tác nữa, trong tâm trí các bạn không còn một hạt mầm nào có thể phát triển trở lại để thành cây đời sống – tức cái vòng sinh tử luân hồi vô tận.

Các bạn có thể hỏi trạng thái không còn tâm trí, không còn tri thức đó là gì. Cái mà chúng ta gọi là tri thức là trạng thái thấp kém hơn trạng thái vượt ngoài tri thức. Các bạn cần luôn nhớ rằng các cực đoan nhìn có vẻ giống hệt nhau.

Nếu dao động của ê-te quá thấp thì ta thấy tối đen, ở mức dao động trung bình thì ta thấy ánh sáng, nhưng khi dao động lên quá cao thì ta thấy tối đen trở lại.

Cũng vậy, ngu dốt là trạng thái thấp nhất, tri thức là trạng thái trung bình, và vượt ngoài tri thức là trạng thái cao nhất, cả hai cực đoan tựa hồ giống nhau. Bản thân tri thức là một cái gì đó được tạo ra, là một sự kết hợp, nó không phải là Thực Tại.

Thường xuyên tập luyện tập trung tư tưởng cao độ sẽ mang đến kết quả gì? Mọi xu hướng trì độn cũ sẽ bị phá hủy, mọi xu hướng thiện hảo cũng vậy.

Trường hợp này cũng giống như dùng hóa chất để tách chất xỉ ra khỏi quặng vàng. Khi quặng vàng được nấu chảy thì chất xỉ cũng tan theo hóa chất. Cũng vậy đó, năng lực chế ngự thường xuyên này sẽ chặn đứng những xu hướng xấu xa trước đó, và rốt cuộc cũng chặn đứng luôn những xu hướng tốt đẹp.

Những xu hướng tốt xấu, thiện ác sẽ hủy diệt lẫn nhau, chỉ còn lại Linh Hồn trong vẻ rực rỡ rạng ngời, tự tại an nhiên giữa thiện ác, toàn nhiên phổ hiện và toàn năng, toàn trí. Khi hiểu rằng không có sinh tử thì con người chẳng cần chi đến thiên đàng hay địa ngục nữa.

Họ biết mình vốn bất lai bất khứ, có nghĩa là thiên nhiên là dịch chuyển và sự dịch chuyển đó phản chiếu trên Linh Hồn. Hình ảnh của ánh sáng phản chiếu trên bức tường mới là cái dịch chuyển, nhưng bức tường lại khờ khạo ngỡ rằng nó đang dịch chuyển.

Tất cả chúng ta cũng thế, chính chitta (tâm) mới thường xuyên dịch chuyển, tự khoác đủ mọi hình tướng, và chúng ta cứ ngỡ rằng mình là những hình tướng khác nhau đó. Tất cả những vọng tưởng đó sẽ tan biến hết.

Khi Linh Hồn tự tại đó ra lệnh – không phải cầu xin hay nài nỉ, mà là ra lệnh – thì tất cả những gì Nó thích đều sẽ được thành tựu ngay lập tức, những gì Nó muốn thì Nó đều có thể làm được.

Theo triết học Sāmkhya thì không có Thượng Đế. Triết học đó cho rằng không thể có bất kỳ Thượng Đế nào trong vũ trụ này, vì nếu có thì Ngài phải là một linh hồn, mà đã là linh hồn thì phải hoặc bị trói buộc hoặc tự do.

Làm thế nào mà một linh hồn bị ràng buộc bởi tự nhiên, bị khống chế bởi tự nhiên lại có thể sáng tạo? Bản thân nó là một nô lệ. Mặc khác, vì sao mà một Linh Hồn tự do tự tại có thể sáng tạo và sắp đặt được muôn loài? Nó không có tham vọng, do đó sẽ không có nhu cầu sáng tạo.

Thứ hai, triết học đó cho rằng một học thuyết về Thượng Đế là điều không cần thiết, vì thiên nhiên đã giải thích hết mọi điều. Vậy thì còn cần đến Thượng Đế làm gì? Nhưng Kaplila[6] dạy rằng có nhiều linh hồn gần đạt đến sự toàn mãn, nhưng lại nửa đường đứt gánh vì không thể từ bỏ hoàn toàn tất cả những quyền năng.

Tâm trí họ có lúc hợp nhất với thiên nhiên, rồi lại tái hợp nhất như là chủ nhân của nó. Những linh hồn đó được gọi là chư thiên. Có chư thiên như thế.

Tất cả chúng ta sẽ trở thành chư thiên, và theo triết học Sāmkhya thì vị Thượng Đế được nhắc đến trong kinh Veda thực ra chỉ là một trong những linh hồn đã giải thoát. Bên ngoài những linh hồn đó, không hề có một đấng Sáng Tạo mãi mãi tự do và vĩnh viễn hưởng lạc phúc nào tạo ra vũ trụ cả.

Mặt khác, các hành giả yogi nói: “Không phải vậy. Có một Thượng Đế. Có một Linh Hồn tách biệt khỏi mọi linh hồn, và Ngài là vị Chủ Nhân vĩnh viễn của mọi tạo vật, đấng Vĩnh Viễn Giải Thoát, vị Đạo Sư của tất cả những đạo sư”.

Những hành giả yogi chấp nhận rằng những linh hồn mà triết học Sāmkhya cho là “hợp nhất với thiên nhiên” đó cũng tồn tại. Đó là những hành giả yogi nửa đường đứt gánh không đạt đến sự toàn mãn, mặc dù có một giai đoạn, khi bị cản trở không đạt đến được mục tiêu, họ trở thành những người cai quản một phần của vũ trụ.

19 (Samādhi này, khi không đi cùng tâm vô luyến cảm tuyệt đối) trở thành nguyên nhân khiến chư thần cùng những vị đã hợp nhất cùng thiên nhiên phải tái hiển lộ mình.

Chư thần trong các hệ thống triết học Ấn Độ đại diện cho những chức vụ cao cấp nào đó, những chức vụ này được lấp đầy bởi nhiều linh hồn kế tục nhau. Nhưng không có một linh hồn nào là hoàn hảo.

20 Đối với những vị khác (thì samādhi này) đạt được bằng đức tin, năng lực, ghi nhớ, tập trung tư tưởng, và phân biệt cái thực với cái bất thực

Câu cách ngôn này muốn nói đến những vị không màng đến ngôi vị của chư thần, thậm chí cả ngôi vị của người cai quản những chu kỳ sinh hóa trong vũ trụ, những vị đó đạt đến cảnh giới giải thoát.

21 Thành quả đến rất nhanh với những người tràn đầy nghị lực.

22 Thành quả của những hành giả yogi khác nhau tùy theo họ sử dụng phương tiện nhẹ nhàng, vừa phải hay mạnh mẽ.

23 Hoặc (samādhi này đạt được) sự tận hiến dành cho đấng Iśvara.

24 Iśvara (đấng Chủ Tể Tối Cao) là một Purusha đặc biệt, vô nhiễm trước cảnh khốn khổ, trước thành quả của hành động hay khát vọng.

Chúng ta phải nhớ lại rằng triết học Yoga của Patanjali dựa trên triết học của Sāmkhya, chỉ có điểm khác biệt là triết học Sāmkhya không dành chỗ cho Thượng Đế, trong khi các hành giả yogi thì có. Tuy nhiên, những hành giả yogi không kết hợp Thượng Đế với quan niệm sáng tạo và duy trì vũ trụ.

Thượng Đế, hiểu theo nghĩa là đấng Sáng Tạo vũ trụ, không phải là đấng Iśvara theo cách hiểu của các hành giả yogi. Theo các kinh Veda thì Iśvara là đấng Sáng Tạo vũ trụ, bởi vì vũ trụ hài hòa, hòa điệu, nên nó phải là sự biểu hiện của ý chí chúng ta.

Các hành giả yogi cũng muốn dựng lên một Thượng Đế, nhưng họ tiếp cận với Ngài theo một cách riêng. Họ nói:

25 Ở nơi Ngài thì nhất thiết trí trở nên vô biên vô tận, trong khi ở nơi người khác thì nó chỉ là một hạt mầm.

Tâm trí luôn du hành giữa hai thái cực. Các bạn có thể nghĩ đến một vùng không gian giới hạn, nhưng chính ý tưởng đó cũng có thể cho bạn một không gian bao la vô tận.

Thử nhắm mắt và nghĩ đến một phạm vi hạn chế, khi các bạn nhận thức được phạm vi hạn chế đó thì đồng thời các bạn lại có một phạm vi bao quanh nó với chiều kích vô biên. Đối với thời gian cũng vậy.

Thử nghĩ đến khoảng thời gian một giây thì đồng thời với nhận thức đó, các bạn sẽ phải nghĩ đến thời gian vô tận. Đối với tri thức cũng thế. Nơi con người, tri thức chỉ là một hạt mầm, nhưng các bạn phải nghĩ đến tri thức vô hạn quanh nó.

Bởi vậy, chính cấu trúc của tâm trí chúng ta cho ta thấy có một loại tri thức không giới hạn, và các hành giả yogi bảo rằng tri thức không giới hạn đó thuộc về Thượng Đế.

26 Người là đấng Đạo Sư của cả những đạo sư thời cổ đại, không bị giới hạn bởi thời gian.

Mọi tri thức đều có ở trong ta, điều đó là thật, nhưng tri thức đó được khơi dậy bởi một tri thức khác. Mặc dù khả năng nhận thức có sẵn trong ta, nhưng nó cần phải được đánh thức, và hành giả yogi khẳng định rằng tri thức đó phải được khơi dậy bởi một tri thức khác.

Vật chất trơ lì vô cảm không bao giờ có thể khơi dậy được tri thức. Chỉ có hoạt động của tri thức mới làm phát sinh tri thức. Những bậc thiện tri thức phải giúp chúng ta đánh thức được những gì tiềm ẩn trong ta, bởi vậy những vị đạo sư này luôn luôn đóng vai trò quan trọng.

Thế gian này chưa bao giờ thiếu vắng họ, và không một tri thức nào có thể phát sinh nếu không có họ. Thượng Đế là Đạo Sư của cả những đạo sư, bởi vì tất cả những đạo sư này – dù họ có thể vĩ đại đến đâu đi nữa, dù họ có là chư thiên hay thiên sứ – cũng đều bị ràng buộc và giới hạn bởi thời gian, trong khi Thượng Đế thì không.

Có hai điều suy diễn đặc thù từ những hành giả yogi. Thứ nhất, khi nghĩ đến cái hữu hạn thì tâm trí lại phải nghĩ đến cái vô hạn, và nếu như một phần của nhận thức là đúng thì phần kia cũng phải đúng, bởi lẽ giá trị của chúng về mặt nhận thức của chúng là tương đương.

Tri thức con người quá hạn chế, chính sự kiện đó chứng minh rằng tri thức của Thượng Đế là vô tận. Nếu tôi chấp nhận phần này thì sao lại không chấp nhận nốt phần kia? Lý tính buộc tôi phải chấp nhận cả hai hoặc chối bỏ cả hai.

Nếu tôi chấp nhận rằng có một con người mang tri thức hữu hạn thì tôi phải chấp nhận rằng có một ai đó mà đằng sau anh ta có tri thức vô hạn. Điều suy diễn thứ hai là không một tri thức nào không thầy mà có[7]. Điều đó là thật, như các triết gia hiện đại cho rằng có một cái gì đó tiến hóa nơi con người từ bản thân họ.

Mọi tri thức đều có sẵn trong ta, nhưng phải có một môi trường cần thiết để đánh thức chúng dậy. Chúng ta không thể tìm được bất kỳ tri thức nào nếu không có thầy. Mặc dù có những vị thầy là người, là chư thiên hay thiên sứ, nhưng tất cả những vị đó đều có tri thức hạn chế.

Ai là vị đạo sư trước họ? Rốt cuộc, chúng ta buộc phải công nhận có một vị Đạo Sư không bị giới hạn bởi thời gian, vô thủy vô chung và có tri thức vô tận, được gọi là Thượng Đế.

27 Âm làm Ngài hiển lộ là OM.

Mọi ý tưởng trong tâm trí chúng ta đều có phần đối ứng trong ngôn từ; ngôn từ và tư tưởng không thể tách lìa nhau. Phần bên ngoài của một sự vật thì ta gọi là ngôn từ, và phần bên trong của chính sự vật đó thì ta gọi là tư tưởng. Không một ai có thể dùng phương pháp phân tích để tách lìa tư tưởng ra khỏi ngôn từ.

Quan niệm cho rằng con người sáng tạo nên ngôn ngữ – những người nào đó ngồi lại với nhau và quyết định ý nghĩa của ngôn từ – đã chứng tỏ là sai lầm. Chừng nào con người còn tồn tại thì còn có ngôn từ và ngôn ngữ[8]. Giữa tư tưởng và ngôn từ có mối quan hệ gì?

Mặc dù ta thấy rằng luôn phải có một ngôn từ đi cùng với một tư tưởng, nhưng một tư tưởng tương tự lại yêu cầu phải cùng một ngôn từ tương tự thì điều đó không cần thiết. Tư tưởng có thể y nguyên không đổi trong suốt hai mươi thế kỷ, nhưng ngôn ngữ thì khác biệt.

Chúng ta phải có một ngôn từ để diễn đạt mỗi tư tưởng, nhưng những ngôn từ đó không nhất thiết phải có âm giống nhau. Âm đọc sẽ biến đổi theo từng quốc gia khác nhau.

Một nhà chú giải bảo: “Mặc dù mối quan hệ giữa tư tưởng và ngôn từ là hoàn toàn tự nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là có sự kết hợp chặt chẽ giữa một ý tưởng với một âm đọc”. Những âm đọc này biến đổi, nhưng mối quan hệ giữa những âm đó với các tư tưởng là mối quan hệ tự nhiên.

Sự kết hợp giữa tư tưởng và âm thanh chỉ tốt đẹp khi có sự kết hợp thực sự giữa sự vật được biểu nghĩa [ thing signified] với biểu tượng, và chừng nào điều đó chưa có thì biểu tượng đó sẽ không bao giờ được sử dụng phổ biến.

Biểu tượng là cái biểu hiện của sự vật được biểu nghĩa, và nếu sự vật được biểu nghĩa đã tồn tại rồi, và nếu bằng kinh nghiệm mà chúng ta biết rằng biểu tượng đó đã diễn đạt sự vật đó nhiều lần rồi thì chúng ta yên tâm rằng giữa chúng có một mối quan hệ thực sự.

Thậm chí nếu sự vật đó không hiện hữu thì vẫn có hàng ngàn người sẽ biết chúng nhờ những biểu tượng về nó. Phải có một sự kết hợp tự nhiên giữa biểu tượng và sự vật được biểu nghĩa, như vậy, khi biểu tượng đó được phát âm thì nó gợi nhớ lại sự vật được biểu nghĩa.

Nhà chú giải Pantanjali nói rằng từ biểu hiện Thượng Đế là OM. Vì sao ông lại nhấn mạnh đến từ này? Có hàng trăm từ nói về Thượng Đế. Mỗi tư tưởng lại được nối kết với hàng ngàn ngôn từ, quan niệm về Thượng Đế được kết nối với hàng trăm từ, và mỗi từ đều là biểu tượng đại diện cho Thượng Đế.

Tốt lắm. Nhưng giữa tất cả những ngôn từ đó hẳn phải có tính phổ quát, phải có một chất liệu nền nào đó, một cơ sở nào đó cho tất cả những biểu tượng này, và biểu tượng nào phổ biến nhất sẽ là biểu tượng tối ưu nhất, và sẽ thực sự là biểu tượng cho tất cả.

Khi tạo ra âm thanh, chúng ta sử dụng thanh quản và vòm miệng như một màng hướng âm. Có âm nào đọc trôi chảy mà mọi âm khác đều là sự hiển lộ của nó, là âm tự nhiên nhất chăng? Om (Aum) là âm như thế, nó là nền tảng của mọi âm.

Mẫu tự đầu tiên, A[9], là âm gốc, là từ khóa, được phát âm mà không đụng đến phần nào của lưỡi hay vòm họng, M đại diện cho âm cuối cùng của loạt âm này, được phát âm bằng cách mím môi, và U cuộn từ tận gốc đến tận cùng màng hướng âm của miệng.

Do đó, âm Om đại diện cho toàn bộ hiện tượng phát âm. Như thế, nó phải là âm tự nhiên, là chất liệu nền cho tất cả những âm khác nhau.

Nó biểu thị toàn bộ phạm vi và khả tính của mọi ngôn từ có thể được phát âm. Ngoài những suy đoán này, chúng ta còn thấy tất cả những quan niệm tôn giáo khác nhau ở Ấn Độ đều lấy từ Om này làm tâm điểm, mọi quan niệm tôn giáo trong kinh Veda đều tập trung xung quanh từ Om này.

Điều này có liên quan gì với nước Mỹ, nước Anh hay một quốc gia nào khác? Đơn giản là từ đó đã được duy trì tại mọi giai đoạn phát triển tôn giáo ở Ấn Độ, và đã được vận dụng để chỉ mọi quan niệm khác nhau về Thượng Đế.

Những người theo thuyết nhất nguyên, nhị nguyên, hay thuyết ly khai [ separatist], thậm chí cả những người theo thuyết vô thần cũng đều đón nhận từ Om này. Om đã trở thành biểu tượng duy nhất cho khát vọng tôn giáo của đại đa số nhân loại.

Lấy ví dụ từ God trong tiếng Anh. Từ God chỉ bao hàm một chức năng giới hạn, muốn mở rộng thêm ý nghĩa của nó, các bạn phải thêm các tính từ như Thượng Đế Nhân Thể [ Personal God], Thượng Đế Phi Nhân Thể [ Impersonal God] hay Thượng Đế Tuyệt Đối [ Absolute God].

Các từ dùng để chỉ Thượng Đế trong các ngôn ngữ khác cũng vậy, ý nghĩa của chúng rất hạn chế. Còn từ Om này có đầy đủ mọi các ý nghĩa khác nhau chung quanh nó. Nhờ đó mà nó nên được tất cả mọi người công nhận.

28 Lặp lại từ Om và quán tưởng ý nghĩa của nó (là pháp môn tu tập).

Vì sao ta nên lặp đi lặp lại? Chúng ta không được quên rằng theo triết học Sāmkhya thì tổng số những ấn tượng tồn tại trong tâm trí.

Chúng tồn tại trong tâm trí và ngày càng tiềm ẩn, nhưng vẫn nằm nơi đó, và khi được kích thích đúng cách thì chúng lập tức xuất hiện.

Dao động của nguyên tử không bao giờ ngừng lại. Khi vũ trụ này bị hủy diệt, khi tất cả khối dao động khổng lồ đều tan biến, mặt trời, mặt trăng và trái đất đều tan chảy, nhưng những dao động này vẫn tồn tại trong những nguyên tử. Mỗi nguyên tử sẽ thực hiện chức năng tương tự như những thế giới rộng lớn.

Do đó, ngay cả khi những dao động của chitta – hay tâm – lắng xuống thì những dao động ở dạng nguyên tử của nó vẫn cứ tiếp tục như cũ, và khi nhận được xung lực thì chúng lại xuất hiện. Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu được phương pháp lặp đi lặp lại có nghĩa là gì rồi.

Đó là lực kích thích vĩ đại nhất tác động đến những ấn tượng (samskāra) tâm linh. “Một phút giây kết hợp cùng đấng Linh Thiêng tạo nên con tàu băng qua đại dương sinh tử”. Đó là sức mạnh của sự kết hợp. Do đó, việc lặp đi lặp lại từ Om và tư duy về mật nghĩa của nó sẽ kết hợp tốt cùng tâm trí các bạn.

Hãy nghiên cứu, rồi quán tưởng về những gì các bạn đã nghiên cứu. Như thế ánh sáng sẽ đến cùng các bạn, và Chân Ngã sẽ hiển lộ.

Nhưng ta cũng phải tư duy về từ Om và mật nghĩa của nó. Tránh kết giao với kẻ xấu, bởi vì những vết thương cũ vẫn còn ở trong ta, và việc kết giao với kẻ xấu giống như điều kiện cần thiết làm các vết thương đó bung ra.

Tương tự như vậy, kinh sách bảo ta rằng kết giao với các bậc thiện tri thức sẽ khơi dậy những ấn tượng tốt đang tiềm ẩn trong ta. Trên thế gian này không có gì thiêng liêng hơn việc kết giao với các bậc thiện tri thức, bởi vì những ấn tượng tốt đẹp sẽ theo xu hướng này này mà lộ diện.

29 Từ đó mà đạt được năng lực nội quán, và phá hủy mọi chướng ngại.

Hiệu quả đầu tiên của việc lặp đi lặp lại từ Om và quán tưởng mật nghĩa của nó là năng lực nội quán hiển lộ ngày càng rõ ràng, và tất cả những chướng ngại tinh thần cùng thể xác sẽ bắt đầu tan biến. Những gì là chướng ngại đối với hành giả yogi?

30 Bệnh tật, tâm trí uể oải, nghi ngờ, thiếu nhiệt tình, lờ đờ, mê say lạc thú, vọng tưởng, không tập trung tư tưởng, đã đạt được trạng thái định rồi lại xa lìa – đó là những mối phóng tâm gây nên chướng ngại.

Bệnh tật. Thể xác này là một con thuyền sẽ đưa ta vượt đến bờ bên kia của đại dương sinh tử. Cần phải chăm sóc nó. Những người ốm yếu không thể là hành giả yogi.

Sự uể oải tinh thần khiến ta đánh mất hết nhiệt tình say sưa với chủ đề này, mà thiếu đi nhiệt tình đó thì sẽ không có ý chí hay năng lực để thực hành.

Cho dù niềm tin bằng trí năng có kiên định đến đâu đi nữa thì tâm trí sẽ hoài nghi chân lý của khoa học Yoga, cho đến khi nào ta trải qua những kinh nghiệm tâm linh nào đó như nghe, thấy được từ xa.

Những cảm nhận thoáng qua này củng cố tâm trí và giúp hành giả thêm kiên định. Xả ly trạng thái định tâm sau khi đã đạt được nó. Trong một vài ngày hoặc một đôi tuần, khi các bạn đang thực hành, tâm trí sẽ tĩnh lặng và dễ dàng tập trung, các bạn sẽ thấy mình tiến bộ nhanh chóng.

Cho đến một ngày, sự tiến bộ sẽ đột nhiên dừng lại, và các bạn sẽ thấy mình, có thể nói như vậy, lâm vào tình huống nan giải. Hãy kiên trì. Mọi sự tiến bộ đều lên xuống kế tục nhau như vậy cả.

31 Đau buồn, khốn khổ tinh thần, chấn động thể xác, hơi thở bất thường, những thứ này đi cùng với trạng thái xao lãng tập trung.

Mỗi khi được luyện tập thì trạng thái tập trung tinh thần sẽ mang đến sự nghỉ ngơi hoàn hảo cho tâm trí và thể xác. Khi luyện tập sai cách, hoặc điều khiển trạng thái tập trung không tốt thì những nhiễu loạn trên sẽ xuất hiện.

Lặp lại từ Om và phó mặc cho Thượng Đế, điều đó sẽ củng cố tâm trí và mang đến nguồn năng lực tươi trẻ. Hầu như người nào cũng gặp những cơn chấn động thần kinh. Đừng quan tâm gì đến chúng, mà cứ tiếp tục luyện tập. Luyện tập sẽ khắc phục những hiện tượng đó, và giữ cho tư thế ngồi được vững vàng.

32 Để khắc phục được điều này [hành giả nên] thực hành trên một đối tượng.

Để tâm trí mang hình thức của một đối tượng duy nhất trong một khoảng thời gian, điều đó sẽ phá hủy các chướng ngại này. Đây là lời khuyên chung.

Trong những câu cách ngôn tiếp theo đây, điều này sẽ được giải thích cụ thể. Không có một phương pháp luyện tập nào phù hợp với tất cả mọi người, và mỗi người sẽ dựa vào kinh nghiệm thực tế để tìm ra phương pháp tối ưu cho mình.

33 Cảm xúc về tình bạn, lòng nhân từ, niềm vui, sự lãnh đạm – trong mối liên quan tương ứng với những đối tượng hạnh phúc, bất hạnh, thiện ác – làm định tâm.

Chúng ta phải có bốn loại thái độ. Chúng ta phải thân thiết với tất cả mọi người, chúng ta phải có lòng nhân từ đối với tất cả những kẻ khốn khổ, biết vui cùng cái vui của mọi người, và phải lãnh đạm với kẻ xấu ác. Đối với tất cả những đối tượng của tư tưởng xuất hiện trước mắt chúng ta cũng vậy.

Nếu đó là đối tượng tốt, ta sẽ tỏ ra thân thiện với nó, nếu đối tượng của tư tưởng đó là sự việc khốn khổ thì ta phải có lòng nhân từ. Nếu đó là đối tượng tốt thì ta phải vui mừng, còn nếu đó là đối tượng xấu thì ta phải thờ ơ lãnh đạm.

Những thái độ đó của tâm trí đối với các đối tượng khác nhau xuất hiện trước nó sẽ làm cho tâm trí được yên bình. Hầu hết những khốn khó ta gặp trong đời sống thường ngày là do chúng ta không thể giữ được tâm trí yên bình theo cách này.

Ví dụ, nếu có một kẻ làm hại ta, lập tức ta muốn phản ứng lại ngay điều xấu xa.

Mọi phản ứng dưới hình thức xấu xa cho thấy chúng ta không thể giữ kiềm chế được tâm mình, tâm phóng xuất thành những con sóng hướng về đối tượng, và chúng ta đánh mất năng lực tinh thần.

Mọi phản ứng dưới hình thức hận thù hay độc ác đều gây tổn thất lớn lao cho tâm trí, và mọi ý tưởng xấu xa hay hành vi thù hận hoặc ý tưởng muốn phản ứng, nếu được chế ngự, sẽ đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích.

Khi chế ngự bản thân, chúng ta đã không mất mát gì cả mà còn gặt hái được nhiều vô kể, hơn cả sự mong đợi. Mỗi khi đè nén được lòng thù hận hoặc cảm giác giận dữ thì rất nhiều năng lượng tốt được tích lũy thuận lợi cho ta, và năng lượng đó sẽ được chuyển hóa thành những năng lực cao hơn.

34 Bằng cách thở ra và nén hơi thở [tâm sẽ được bình yên].

Từ được dùng ở đây là prāna. Prāna không chính xác là hơi thở. Nó là tên gọi của năng lượng tràn ngập trong vũ trụ. Bất cứ những gì các bạn thấy trong vũ trụ, bất cứ thứ gì chuyển động hay hoạt động, hoặc có sự sống, đều là sự biểu hiện của prāna.

Tổng số những năng lượng biểu hiện trong vũ trụ được gọi là prāna. Khi kết thúc một chu kỳ thì prāna ở trong trạng thái gần như bất động, và khi một chu kỳ kế tiếp bắt đầu thì nó dần dần hiển lộ tự thân.

Prāna chính là cái hiển lộ như là sự chuyển động, như là sự vận động thần kinh nơi con người và loài vật, và cũng chính prāna đó đang hiển lộ như là tư tưởng, v.v….

Toàn thể vũ trụ là sự kết hợp của prāna và ākāśa, thể xác con người cũng vậy. Từ ākāśa, ta có được những chất liệu khác nhau mà ta có thể cảm nhận, và nhìn thấy; và từ prāna, ta có được tất cả những lực khác nhau. Bây giờ, công việc đưa prāna ra ngoài và kìm nó lại được gọi là prānāyāma.

Patanjali, cha đẻ của triết học Yoga, không đưa ra nhiều hướng dẫn cụ thể về prānāyāma, nhưng về sau, những hành giả yogi khác đã phát hiện nhiều điều về prānāyāma và đã biến nó thành một khoa học vĩ đại. Đối với Patanjali, nó chỉ là một trong nhiều pháp môn, nhưng ông không quá chú trọng đến nó.

Ý ông cho rằng các bạn chỉ cần thở ra, hít vào và nén hơi thở trong một thời gian, tất cả chỉ có vậy thôi, và nhờ thế mà tâm trí sẽ trở nên tĩnh lặng đôi chút. Nhưng các bạn sẽ phát hiện ra rằng phương pháp này về sau đã tiến hóa thành một bộ môn khoa học đặc thù gọi là prānāyāma.

Chúng ta sẽ nghiên cứu đôi chút về những gì mà hành giả yogi sau này đã nói. Một số điều trong đó đã được tôi trình bày cùng các bạn trước đây, nhưng lặp đi lặp lại chút ít cũng có tác dụng in sâu chúng vào tâm trí các bạn. Trước hết, các bạn phải nhớ rằng prāna không phải là hơi thở.

Nhưng cái gây nên sự chuyển động của hơi thở, cái tạo nên sinh lực cho hơi thở là prāna. Hơn thế nữa, từ prāna được vận dụng theo mọi nghĩa, tất cả các nghĩa đó đều được gọi là prāna, tâm trí được gọi là một prāna. Chúng ta cũng đã thấy rằng prāna là lực.

Tuy vậy, chúng ta lại không thể gọi prāna là lực được, bởi vì lực chỉ sự biểu hiện của nó mà thôi. Nó là cái tự hiển lộ như là lực và muôn vật khác trong phương thức chuyển động.

Chitta – hay tâm – là động cơ hút prāna từ môi trường chung quanh, và từ prāna này nó tạo ra nhiều nguồn sinh lực khác nhau – những sinh lực này bảo trì cơ thể – cùng tư tưởng, ý chí và mọi năng lực khác.

Bằng quá trình hô hấp được nói ở trên, chúng ta có thể điều khiển được mọi chuyển động trong cơ thể và những dòng thần kinh khác nhau đang chu lưu trong cơ thể.

Trước hết, chúng ta bắt đầu nhận thức được chúng, rồi sau đó chúng ta dần dần điều khiển được chúng. Theo các hành giả yogi về sau thì có ba dòng prāna chính trong cơ thể con người. Họ gọi dòng thứ nhất là Iḍā, dòng thứ hai là Pingalā, và dòng thứ ba là Sushumnā.

Theo họ thì Pingalā nằm bên phải của cột sống, Iḍā nằm bên trái và Sushumnā nằm giữa cột sống, đó là một rãnh rỗng.

Theo các hành giả yogi đó thì Iḍā và Pingalā là những dòng thần kinh hoạt động trong tất cả mọi người, và thông qua những dòng thần kinh đó, chúng ta thực hiện được tất cả những chức năng trong đời sống.

Sushumnā cũng hiện hữu nơi tất cả mọi người, nhưng nó không hoạt động, nó chỉ phát huy chức năng nơi các hành giả yogi.

Các bạn phải nhớ rằng yoga làm thay đổi thể xác, khi các bạn tiếp tục luyện tập thì thể xác các bạn cũng thay đổi, nó không còn là cái thể xác mà các bạn có trước khi luyện tập nữa.

Điều đó rất hợp lý, và có thể lý giải được. Bởi vì mọi tư tưởng mới mẻ mà chúng ta tiếp xúc đều phải tạo ra, có thể nói như vậy, một rãnh mới xuyên qua não bộ, và điều đó giải thích óc bảo thủ cực đoan trong bản tính con người. Bản tính con người chỉ muốn đi theo những lối mòn có sẵn, vì điều đó dễ dàng.

Nếu chúng ta nghĩ rằng, chỉ để ví dụ thôi, tâm trí giống như một cây kim và não như một khối mềm trước nó thì, có thể nói như vậy, mỗi tư tưởng của chúng ta sẽ tạo nên một rãnh trong não. Rãnh này có thể khép lại, nhưng chất xám len vào và phân luồng để mở nó ra.

Nếu không có chất xám thì sẽ không có trí nhớ, bởi vì nhớ có nghĩa là đi lại trên những con đường cũ, vạch lại một tư tưởng, có thể nói như vậy.

Bây giờ có lẽ các bạn lưu ý thấy rằng khi một người nói về những chủ đề, mà trong đó anh ta vận dụng đôi ba ý tưởng quen thuộc với tất cả mọi người, kết hợp rồi lại tái kết hợp chúng với nhau thì rất dễ theo dõi, bởi vì những rãnh đó đã hiện hữu sẵn trong não bộ mọi người rồi, nên chỉ cần viện dẫn tới chúng là xong.

Nhưng khi một chủ đề mới xuất hiện thì một rãnh mới phải được tạo ra, bởi vậy không dễ gì hiểu được ngay. Đó là lý do vì sao mà não bộ (não bộ chứ không phải chính con người) khước từ một cách vô thức những tư tưởng mới, không để chúng tác động đến.

Nó phản kháng. Prāna cố tạo nên những rãnh mới, và não bộ không chấp nhận. Đó là điều bí ẩn của óc bảo thủ. Trong não càng có ít rãnh và mũi kim prāna càng ít tạo ra những thông lộ thì não càng bảo thủ và càng chống đối những tư tưởng mới.

Người nào càng thích tư duy thì những rãnh trong não càng phức tạp, và người đó càng dễ tiếp thu và hiểu những tư tưởng mới.

Đối với mọi tư tưởng tươi mới cũng vậy, ta tạo một ấn tượng mới trong não, tạo một rãnh mới trong não chất [ brain-stuff], và đó là lý do vì sao ta thấy rằng khi thực hành yoga – có thể nói là bao hàm một tập hợp các tư tưởng và đông lực hoàn toàn mới lạ – thì cơ thể tạo ra nhiều kháng lực lúc ban đầu.

Đó là lý do vì sao ta thấy rằng một phần tôn giáo đề cập đến phương diện ngoại tại của bản tính thì được đông đảo mọi người chấp thuận, trong khi phần kia, triết học hoặc tâm lý học, đề cập đến nội tâm của con người thì thường bị lãng quên.

Chúng ta phải nhớ định nghĩa này về thế giới của chúng ta: thế giới này chỉ là Tồn Tại Vô Biên được phóng chiếu vào bình diện ý thức.

Một phần nhỏ bé của Tồn Tại này được phóng chiếu vào ý thức, và ta gọi đó là thế giới. Bởi vậy, còn có một Cõi Ngoài Vô Biên, và tôn giáo phải đề cập đến cả hai – cái khối bé nhỏ mà ta gọi là thế giới này cùng Cõi Ngoài Vô Biên đó.

Bất kỳ tôn giáo nào chỉ đề cập đến một trong hai sẽ bị khiếm khuyết. Nó phải đề cập đến cả hai.

Phần tôn giáo đề cập đến phần Vô Biên đã đi vào bình diện của ý thức và bị nắm bắt – có thể nói như vậy – trong bình diện của ý thức, trong cái khung thời gian, không gian và quan hệ nhân quả thì phần đó quen thuộc với chúng ta, bởi vì chúng ta đã ở sẵn trong cái khung đó rồi, và những ý tưởng về bình diện này đã tồn tại cùng chúng ta từ vô thủy.

Còn phần tôn giáo đề cập đến Cõi Ngoài Vô Biên kia đến với chúng ta hoàn toàn xa lạ, và nỗ lực tìm hiểu chúng sẽ tạo ra những rãnh mới trong não bộ, gây xáo trộn toàn bộ hệ thống.

Đó là lý do vì sao các bạn thấy rằng khi luyện tập yoga thì lúc đầu, những người bình thường bị đẩy ra ra khỏi những lối mòn. Để giảm thiểu những xáo trộn này đến mức ít nhất, đạo sư Patanjali đã đề xướng tất cả các phương pháp này. Chúng ta có thể luyện tập theo một phương pháp phù hợp nhất với mình.

35 Những hình thức chú tâm nào đem đến những nhận thức phi thường cho giác quan sẽ giúp cho tâm trí thêm kiên định.

Điều này đến một cách tự nhiên cùng với dhāranā hay sự chú tâm. Các hành giả yogi cho rằng nếu tập trung tư tưởng vào chóp mũi thì sau một vài ngày, hành giả bắt đầu ngửi thấy một mùi thơm tuyệt diệu.

Nếu chú tâm vào cuống lưỡi, hành giả bắt đầu nghe được âm thanh, nếu chú tâm vào đầu lưỡi, hành giả bắt đầu nếm được mùi vị tuyệt vời; nếu chú tâm vào thân lưỡi, hành giả có cảm giác như đang tiếp xúc với một đối tượng nào đó.

Nếu chú tâm vào vòm miệng, hành giả bắt đầu thấy được những điều kỳ lạ. Nếu một người tâm trí rối loạn mà muốn luyện tập pháp môn yoga này và trong lòng vẫn còn hoài nghi chân lý của chúng thì chỉ cần luyện tập chút ít, anh ta sẽ thấy sự hoài nghi lắng xuống, những sự kiện này xuất hiện và anh ta sẽ kiên trì luyện tập.

36 Hoặc [tâm sẽ an định nhờ quán tưởng đến] ánh Hào Quang Rực Rỡ nằm bên kia phiền não.

Đây là một dạng chú tâm khác. Hãy quán tưởng đến một đóa sen cánh rủ ở trái tim, và sushumnā chạy xuyên qua nó, hít một hơi thở, và khi thở hơi ra, hãy tưởng tượng những cánh sen mọc đứng lên, và bên trong hoa sen là ánh hào quang rực rỡ. Hãy quán tưởng điều đó.

37 Hoặc [bằng cách quán tưởng đến] một tâm hồn đã xả ly mọi luyến cảm với những đối tượng của giác quan.

Hãy chọn một người thánh thiện, một vĩ nhân mà các bạn tôn kính, một vị hiền triết mà các bạn biết là đã hoàn toàn vô chấp, và hãy suy tư về tâm hồn vị đó. Tâm hồn đó đã trở nên vô chấp. Hãy quán tưởng đến tâm hồn đó, nó sẽ làm tâm trí các bạn tĩnh lặng. Nếu các bạn không thể thực hiện được điều đó thì có phương pháp tiếp theo đây.

38 Hoặc [bằng cách quán tưởng đến] tri thức xuất hiện trong giấc mơ, hoặc niềm hạnh phúc đã trải qua trong giấc ngủ say.

Đôi khi một người mơ thấy thiên thần xuất hiện và nói chuyện với mình, mơ thấy mình rơi vào trạng thái xuất thần, mơ thấy tiếng nhạc vọng về từ trên thiên giới. Trong giấc mơ đó, anh ta chìm vào lạc phúc, và khi tỉnh giấc, những điều đó để lại cho anh ta một ấn tượng sâu sắc.

Hãy nghĩ giấc mộng đó là có thực,và hãy quán tưởng về nó. Nếu không làm được thì các bạn hãy quán tưởng về bất kỳ sự vật linh thiêng nào mà các bạn thích.

39 Hoặc bằng cách quán tưởng đến bất cứ điều gì mà hành giả xem là tốt đẹp.

Điều này không có nghĩa là quán tưởng đến bất cứ chủ đề xấu xa nào cũng được, mà chỉ quán tưởng đến những chủ đề tốt đẹp mà các bạn thích, bất cứ nơi nào mà các bạn thích nhất, bất cứ cảnh tượng nào mà các bạn thích nhất, bất cứ tư tưởng nào mà các bạn thích nhất, bất cứ điều gì giúp tập trung tâm trí.

40 Khi quán tưởng như thế thì tâm trí của hành giả yogi trở nên vô chướng ngại, từ nguyên tử cho đến cõi vô biên.

Nhờ luyện tập như thế, tâm trí dễ dàng quán tưởng sự vật tế vi nhất, cũng như sự vật vĩ đại nhất. Vì vậy, những con sóng trong tâm trí sẽ yếu dần đi.

41 Hành giả yogi – người mà những biến trạng (vritti) của anh ta đã trở nên bất lực như thế (nghĩa là đã bị chế ngự) – sẽ đạt được, nơi người nhận, [khí cụ] đón nhận, đối tượng được nhận (nghĩa là linh hồn, tâm trí và ngoại vật), trạng thái chú tâm và sự tương đồng, giống như một khối pha lê (trước những đối tượng nhiều màu khác nhau)

Tham thiền thường xuyên sẽ đạt được kết quả gì? Chúng ta phải nhớ trong một câu cách ngôn trước, Patanjali đã đi vào các trạng thái tham thiền như thế nào, đầu tiên là những đối tượng thô, sau đó là những đối tượng tế vi, rồi từ đó, chúng ta tiếp tục tiến đến những đối tượng còn tế vi hơn nữa.

Kết quả là ta có thể quán tưởng những đối tượng tế vi cũng như những đối tượng thô. Khi quán tưởng như thế, hành giả yogi thấy có ba sự việc: chủ thể nhận, đối tượng được nhận, và khí cụ nhận, tương ứng với linh hồn, ngoại vật và tâm trí.

Chúng ta có ba đối tượng quán tưởng: thứ nhất là những đối tượng thô, như thể xác, hoặc những đối tượng vật chất, thứ hai là những đối tượng tế vi như tâm trí, tâm, và thứ ba là Purusha được gán phẩm tính – không phải là chính Purusha là mà tự ngã.

Bằng thực hành, hành giả yogi an lập trong tất cả những loại tham thiền này. Bất cứ khi nào tham thiền, hành giả cũng đều có thể loại bỏ tất cả những tư tưởng khác, họ hợp nhất với đối tượng được quán tưởng; khi tham thiền, họ giống như một khối pha lê trước những đóa hoa, khối pha lê hầu như hợp nhất với những đóa hoa đó.

Nếu hoa màu đỏ thì khối pha lê trông như màu đỏ, nếu hoa màu xanh thì khối pha lê trông như màu xanh.

42 [Trạng thái định mà trong đó] âm thanh, ý nghĩa, và tri thức phát sinh hòa hợp nhau được gọi là hữu tầm định[10].

Âm thanh ở đây muốn nói đến dao động, ý muốn nói đến những dòng thần kinh truyền dẫn dao động, và tri thức là phản ứng.

Mọi hình thức quán tưởng mà ta đã thảo luận từ trước đến nay, Patanjali gọi là savitarka, nghĩa là hữu tầm, “còn tìm cầu, tra vấn”. Sau này, ông đưa chúng ta đến những trạng thái tham thiền cao hơn.

Trong những trạng thái được gọi là “hữu tầm” thì chúng ta giữ quan hệ nhị nguyên giữa năng và sở, giữa chủ thể và khách thể, quan hệ nhị nguyên này phát sinh từ sự hòa hợp giữa ngôn từ, ý nghĩa và tri thức.

Trước hết là có dao động bên ngoài, tức ngôn từ; khi được truyền vào những dòng thần kinh cảm giác thì dao động này là ý nghĩa. Sau đó, xuất hiện một con sóng phản ứng trong chitta – hay tâm – là tri thức, nhưng sự hòa hợp cả ba yếu tố này mới tạo thành cái mà ta gọi là tri thức.

Trong tất cả những trạng thái tham thiền, cho đến lúc này, thì đối tượng quán tưởng của chúng ta là sự hòa hợp này. Trạng thái định tiếp theo đây là trạng thái cao hơn.

43 Trạng thái định được gọi là vô tầm, “không còn tìm cầu tra vấn” [đạt được] khi ký ức đã thuần tịnh, không còn một phẩm tính nào, mà chỉ biểu đạt ý nghĩa [của đối tượng quán tưởng].

Chính nhờ thực hành quán tưởng cả ba yếu tố này, ta đạt đến một trạng thái mà trong đó cả ba không còn hòa hợp vào nhau. Ta có thể xả ly cả ba. Trước hết, ta sẽ cố gắng tìm hiểu ba yếu tố này là gì.

Đây là chitta hay tâm, các bạn phải nhớ đến ẩn dụ so sánh tâm với cái hồ nước; còn dao động, ngôn từ, âm thanh giống như sóng lướt trên mặt hồ. Các bạn đã có cái hồ yên tĩnh đó trong lòng mình, và tôi phát âm một từ “con bò”.

Ngay khi âm đó đi vào đôi tai các bạn thì trong tâm các bạn có một con sóng được tạo ra theo. Như vậy, con sóng đó đại diện cho ý tưởng về con bò – tức hình thức hoặc ý nghĩa mà ta gọi nó.

Con bò biểu kiến mà ta biết, thực ra là con sóng trong tâm, và con sóng đó xuất hiện như là phản ứng lại những dao động âm ở ngoại giới và nội tâm. Con sóng tắt dần cùng âm thanh đó, con sóng đó không thể tồn tại nếu không có một ngôn từ.

Các bạn có thể hỏi: sự thể sẽ ra sao nếu ta chỉ nghĩ đến con bò chứ không nghe âm thanh. Vào những lúc như vậy, các bạn tự mình tạo ra âm thanh đó. Các bạn đang nhủ thầm từ “con bò” trong tâm trí, và một con sóng xuất hiện cùng âm đó.

Không thể có một âm nào nếu không có xung động của âm, khi âm đó không xuất phát từ bên ngoài thì nó xuất phát từ bên trong, và khi âm thanh đó tắt đi thì con sóng tắt theo.

Cái gì còn lại? Kết quả của phản ứng – và đó là tri thức. Cả ba yếu tố này kết hợp với nhau trong tâm trí ta chặt chẽ đến mức ta không thể nào tách rời chúng ra.

Khi âm vọng đến, các giác quan dao động, và sóng trỗi dậy để đáp ứng, cả ba nối tiếp nhau chặt chẽ đến mức không sao phân biệt được cái này với cái kia; khi thực hành thiền quán trong một thời gian dài thì ký ức, – cơ quan tiếp thu mọi ấn tượng – trở nên thuần tịnh, và chúng ta có thể phân biệt rạch ròi cái này với cái kia. Trạng thái này được gọi là “nirvitarka-samādhi” hay vô tầm định.

44 Nhờ tiến trình này mà [các định] hữu tầm hay vô tầm với những đối tượng quán tưởng tế vi cũng được giải thích.

Một tiến trình tương tự với tiến trình ở phần trước lại được vận dụng, chỉ có điều là những đối tượng quán tưởng trong phần trước thì thô, bây giờ thì tế vi.

45 Những đối tượng tế vi kết thúc với pradhāna.

Những đối tượng thô chỉ là các nguyên tố, muôn vật được tạo ra từ chúng. Còn những đối tượng tế vi là các tanmātras, hay là những hạt cực vi.

Các giác quan, tâm trí[11], tính vị kỷ, tâm (nhân của mọi sự biểu hiện), trạng thái quân bình của các chất liệu sattva, raja và tama – được gọi là pradhāna (thắng nhân, bản thể), prakrti (nguyên chất), hay avyakta (phi biểu hiện), tất cả đều được bao hàm trong phạm trù những đối tượng tế vi, chỉ có Purusha (Linh Hồn) là ngoại lệ.

46 Những trạng thái định này là “hữu chủng”.

Những trạng thái định này không hủy diệt được mầm mống của quá khứ, do đó không thể đưa đến giải thoát, mà chỉ đưa hành giả yogi đến cảnh giới trong những câu cách ngôn sau đây.

47 Khi hành giả yogi đã an trú trong trạng thái định vô tầm này thì tâm trở nên kiên định.

48 Tri thức đạt được nhờ trạng thái định vô tầm được gọi là “Toàn Chân trí”[12].

Câu cách ngôn kế tiếp sẽ giải thích điều này.

49 Tri thức đạt được bằng chứng cứ và suy luận là tri thức về những sự vật thông thường. Tri thức đạt được từ trạng thái định đã nói ở trên thuộc mức độ cao hơn rất nhiều, tri thức đó có thể thấu triệt những lĩnh vực mà suy luận cùng chứng cứ không sao đến được.

Ý tưởng đó là như vầy: chúng ta thu hoạch được tri thức về những sự vật thông thường bằng nhận thức trực tiếp, bằng suy luận từ nhận thức đó, cũng như từ chứng cứ của những bậc thiện tri thức.

Với thuật ngữ “thiện tri thức”, hành giả yogi luôn muốn nói đến các rishī, tức những bậc hiền triết đã thấu triệt những tư tưởng ghi chép trong kinh điển Veda.

Theo họ, bằng chứng duy nhất cho những kinh điển đó là: chúng là chứng cứ của những bậc thiện tri thức; tuy nhiên, họ lại bảo kinh điển không thể đưa chúng ta đến giác ngộ.

Chúng ta ai cũng có thể đọc được kinh Veda, tuy nhiên cũng sẽ không thực chứng được thứ gì; nhưng khi thực hành lời dạy trong kinh điển thì chúng ta chứng ngộ được những gì kinh điển nói, cảnh giới đó xuyên thấu được những phạm vi mà lý tính không thể với tới, và là nơi mà chứng cứ của người khác cũng không thể giúp ích được gì.

Đây là điều mà câu cách ngôn này muốn nói. Sự thực chứng mới là tôn giáo đích thực, mọi thứ còn lại chỉ là bước chuẩn bị; nghe thuyết pháp, đọc kinh điển hoặc suy luận chỉ là chuẩn bị nền tảng, nó không phải là tôn giáo. Tán đồng hoặc phản bác bằng trí năng cũng không phải là tôn giáo.

Tư tưởng cốt lõi của các hành giả yogi là: ta tiếp xúc trực tiếp với những đối tượng của giác quan như thế nào thì ta cũng có thể nhận thức được trực tiếp tôn giáo như thế ấy, trong một ý nghĩa mãnh liệt hơn nhiều.

Những Chân Lý của tôn giáo, chẳng hạn như Thượng Đế hoặc Linh Hồn, không thể được nhận thức bằng giác quan bên ngoài.

Tôi không thể thấy được Thượng Đế bằng mắt thịt, cũng không thể dùng tay trần để chạm vào Ngài, và ta cũng biết rằng mình không thể suy luận vượt quá giác quan.

Lý tính bỏ rơi chúng ta tại một điểm hoàn toàn mơ hồ bất định, chúng ta có thể lý luận suốt đời, bởi vì thế gian này đã làm thế cả hàng ngàn năm rồi, và kết quả là chúng ta thấy mình không có đủ khả năng để tán đồng hay phản bác những sự kiện tôn giáo.

Những gì nhận thức trực tiếp được thì chúng ta xem là nền tảng, và chúng ta suy luận trên nền tảng đó. Như vậy, rõ ràng là khả năng suy luận phải vận hành trong những giới hạn của nhận thức, nó không thể vượt ra ngoài.

Toàn bộ cảnh giới chứng ngộ, do đó, nằm ngoài sự nhận thức của giác quan. Các hành giả yogi cho rằng con người có thể vượt ra ngoài phạm vi nhận thức trực tiếp, và cũng có thể vượt ra ngoài lý tính. Trong mỗi người đều có khả năng, có năng lực vượt lên khỏi trí năng, và năng lực đó tồn tại trong mọi người, mọi sinh thể.

Bằng cách thực hành pháp môn Yoga, năng lực đó được khơi dậy, và thế là con người vượt lên khỏi khỏi được những giới hạn thông thường của lý tính, và trực tiếp nhận thức được những sự vật nằm nên ngoài mọi phạm vi của lý tính.

50 Ấn tượng phát sinh từ trạng thái định này ngăn cản mọi ấn tượng khác.

Trong những câu cách ngôn trước, ta đã thấy rằng thiền định là con đường duy nhất để đạt đến trạng thái siêu thức, và ta cũng đã thấy rằng các samskāra – tức những ấn tượng – trong quá khứ là cái gây chướng ngại không cho tâm trí đạt được trạng thái samādhi.

Tất cả các bạn đều quan sát thấy rằng hễ khi càng cố gắng tập trung tâm trí thì tư tưởng càng lan man tán loạn. Khi các bạn đang cố suy tư về Thượng Đế thì ngay lúc đó các samskara này xuất hiện.

Vào những lúc khác, chúng không hoạt động mạnh như thế, nhưng khi các bạn không cần đến chúng thì chắc chắn chúng lại có mặt, tìm đủ mọi cách để len vào tâm trí các bạn.

Vì sao lại thế? Vì sao chúng lại mạnh mẽ lên nhiều vào thời điểm tập trung? Bởi vì các bạn đang trấn áp chúng, và chúng phản ứng lại bằng tất cả sức mạnh. Vào thời điểm khác thì chúng không phản ứng.

Vô số những ấn tượng quá khứ hẳn phải tiềm ẩn đâu đó trong tâm, và tất cả đều nằm chờ đợi để sẵn sàng nhảy chồm lên như bầy cọp! Lẽ ra chúng phải bị trấn áp để cho ý tưởng duy nhất mà ta ưa thích có thể trỗi dậy để loại bỏ những ý tưởng khác.

Nhưng thay vì thế, tất cả chúng lại nhất tề đấu tranh để đồng thời vùng lên. Đó là những năng lực khác nhau của samskāra ngăn cản không cho tâm trí tập trung. Bởi vậy trạng thái định vừa được đề cập ở trên là pháp môn tối hảo cần phải luyện tập để có năng lực trấn áp các samskāra.

Trong trạng thái tập trung theo cách này thì các samskāra trỗi dậy mạnh đến mức nó sẽ cản trở hoạt động của những ấn tượng khác, và khống chế chúng.

51 Bằng cách kiềm chế cả ấn tượng này (ấn tượng gây chướng ngại cho tất cả những ấn tượng khác), mà tất cả mọi ấn tượng đều bị kiềm chế, và hành giả đạt đến trạng thái vô chủng định[13].

Các bạn nên nhớ rằng mục tiêu của chúng ta là nhận thức được chính Linh Hồn. Chúng ta không thể nhận thức được Linh Hồn bởi vì nó đã hòa lẫn với bản tính tự nhiên, với tâm trí, với thể xác. Kẻ ngu dốt nhất cho rằng thể xác mình là Linh Hồn.

Người uyên bác nhất cho rằng tâm trí mình là Linh Hồn. Nhưng cả hai đều nhẫm lẫn. Cái gì khiến cho Linh Hồn hòa lẫn vào với tất cả những thứ đó? Những con sóng khác nhau trỗi dậy trong chitta (tâm) và che phủ mất Linh Hồn.

Ta chỉ thấy được Linh Hồn phản chiếu chút ít qua những con sóng đó; bởi vậy, khi con sóng đó thịnh nộ thì chúng ta nghĩ rằng Linh Hồn đang giận dữ – “Ta đang giận dữ”, chúng ta tự nhủ thế.

Nếu đó là con sóng yêu thương thì chúng ta thấy được bản thân mình phản chiếu trong con sóng đó và bảo rằng chúng ta đang yêu thương. Nếu đó là con sóng yếu đuối và Linh Hồn được phản chiếu trong đó thì chúng ta ngỡ rằng chúng ta bạc nhược.

Những ý tưởng khác nhau từ các ấn tượng đó – tức các samskāra – che lấp cả Linh Hồn. Ta không thể nào liễu ngộ được Thực Tính của Linh Hồn, chừng nào trong hồ nước tâm vẫn còn có một con sóng chưa lắng dịu; ta không thể nào liễu ngộ Thực Tính đó chừng nào trong hồ nước tâm chưa tĩnh lặng hoàn toàn.

Bởi vậy, thứ nhất, Patanjali dạy chúng ta ý nghĩa của các con sóng đó, thứ hai là pháp môn tối hảo để trấn áp chúng, và thứ ba là làm thế nào tạo ra được một con sóng đủ mạnh để trấn áp tất cả các con sóng khác, như lửa nuốt lửa, có thể nói như vậy.

Khi chỉ còn lại một con sóng thì ta dễ dàng trấn áp nó, và khi trấn áp được rồi thì tiếp theo sau đó là trạng thái vô chủng định. Trạng thái định này không còn lưu lại gì hết, và Linh Hồn thị hiện y như thực, trong hào quang rực rỡ của Nó.

Chỉ đến lúc đó, ta mới liễu ngộ được rằng Linh Hồn không phải là là một thể hòa hợp, mà nó là bản thể đơn nhất, vĩnh hằng duy nhất trong vũ trụ; và như thế, Nó không thể được sinh ra, Nó không chết đi, Nó bất tử, bất hoại, là phần Tinh Túy vĩnh hằng của Trí Thông Minh.

[1] Dùng để chỉ những sự vật chỉ tồn tại trong ngôn ngữ chứ không hề có trong thực tế.

[2] unqualified ego. Câu văn trong phần chú giải có thể làm sáng thêm nghĩa này “Hành giả có thể tư duy về chính mình như không hề có thể xác thô, mà phải tư duy về chính mình như là thể xác tế vi”.

[3] Từ Samprajnāta ( hữu tưởng, có khi được dịch là hữu trí, hữu tâm) được tạo từ: (1) sam (xuất phát từ ngữ căn samyak, có nghĩa là hoàn hảo, viên mãn), (2) pra (rõ ràng) và (3) jña (biết, liễu tri); samprajnāta có nghĩa là: thấu hiểu rốt ráo, liễu tri.

[4] Xem chú thích ở phần tiếp theo.

[5] Xem chú thích ở phần tiếp theo.

[6] Người sáng lập học phái Sāmkhya (Số luận) của Ấn Độ.

[7] Đối với trường hợp “vô sư trí”, tức tri thức không cần đến thầy theo kiểu “vô sư tự ngộ” của Độc giác Phật, thì các học phái Phật cho rằng tri thức đó thực ra đã được tích lũy từ tiền kiếp.

[8] word: ngôn từ; language: ngôn ngữ.

[9] Đây là mẫu tự A trong tiếng Phạn.

[10] Đọc câu cách ngôn này, chúng ta như nghe lại câu thơ “Les parfums, les couleurs et les sons se répondent” (Hương thơm, sắc màu và âm thanh cùng hòa hợp) trong bài thơ Correspondances của Beaudelaire, hoặc nghe lại nhưng câu văn trong bài Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử “…… Nhỡn tuyến đưa tới đâu, cũng gặp chói lói, cũng gặp hào quang. Nên trí tôi rất ngợp, miệng lưỡi tôi không phải bối rối nhưng tựa hồ như mới nếm xong khí vị thanh tao của muôn điệu nhạc. ….”

[11] Tâm trí [ mind], hay cảm nhận thông thường, là tập hợp tất cả các giác quan [Ghi chú trong nguyên tác]

[12] Đại sư Vivekananda dịch là “filled with Truth”.

[13] Vô chủng định (seedless samādhi): không còn mầm mống tạo tác nữa.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x