Trang chủ » Chương II: Loại hình giáo dục đúng đắn

Chương II: Loại hình giáo dục đúng đắn

by Hậu Học Văn
137 views

Người dốt nát không phải là người không có học thức, mà là người không hiểu biết về chính mình. Người có học thức sẽ là kẻ dốt nát nếu anh ta cứ mãi dựa vào sách vở, vào kiến thức và vào uy quyền để trao cho anh ta sự hiểu biết. Sự hiểu biết chỉ đến với những ai hiểu rõ chính mình, nghĩa là với những ai nhận biết được toàn bộ diễn trình tâm lý của chính mình. Vì thế giáo dục, theo ý nghĩa thực sự của từ này, là hiểu biết chính mình, bởi vì toàn bộ cuộc tồn sinh được tập hợp lại bên trong mỗi người chúng ta.

Cái hiện nay chúng ta gọi là giáo dục chẳng qua là sự tích lũy thông tin và kiến thức từ sách vở, điều mà bất kỳ người biết đọc nào cũng có thể làm được. Kiểu giáo dục như thế chỉ cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi; và giống như mọi kiểu đào thoát khác, nó chắc chắn gây ra tình cảnh khốn khó ngày một chất chồng. Những cuộc xung đột và trạng thái hỗn loạn của chúng ta là kết quả của mối tương quan lầm lạc giữa chính ta với người khác, hay với các sự vật và tư tưởng; và chừng nào ta còn chưa nhận chân ra được mối tương quan ấy và cải sửa nó, thì việc học hành đơn thuần, tức là việc thu thập các dữ kiện và sở đắc những kỹ năng khác nhau, chỉ càng dìm ta lún sâu hơn nữa vào trạng thái hỗn loạn và sự hủy hoại nhau mà thôi.

Như cách xã hội chúng ta được tổ chức hiện thời, chúng ta gửi con cái của mình tới trường để học hành một phương thức nào đó rồi mong chúng sau này có thể dựa vào đấy mà mưu sinh. Chúng ta dồn mọi ưu tiên vào việc biến đứa trẻ thành một chuyên gia, qua đó hy vọng mang lại cho chúng một vị thế kinh tế an toàn. Nhưng chỉ vun bồi cho phương thức như thế liệu có giúp chúng ta hiểu biết về chính mình hay không?

Cho dù rõ ràng là việc biết đọc biết viết, việc học hành nghề kỹ sư hay học những nghề nghiệp khác để kiếm sống là chuyện cần thiết không cần bàn cãi, nhưng liệu những kỹ thuật, những phương thức này có giúp ta hiểu hết về cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Chắc chắn kỹ năng nghề nghiệp chỉ là thứ yếu; nếu kỹ năng nghề nghiệp là thứ duy nhất ta đang phấn đấu đạt được thì rõ ràng là ta đang rũ bỏ điều gì đó thuộc về bản chất cuộc sống.

Cuộc sống là nỗi thống khổ, là niềm hân hoan, là vẻ đẹp, là sự xấu xí, là tình yêu. Khi chúng ta hiểu nó một cách toàn diện, ở mọi cấp độ, thì lối hiểu ấy tạo ra phương thức của riêng nó; bằng ngược lại thì không đúng: phương thức không bao giờ có thể mang lại sự hiểu biết đầy tính sáng tạo.

Nền giáo dục hiện nay đã hoàn toàn thất bại, bởi lẽ nó quá chú trọng đến kỹ thuật, hay phương thức. Khi gán cho kỹ thuật một vai trò quan trọng thái quá, chúng ta đã hủy hoại con người. Vun bồi năng lực và tính hiệu quả mà không màng đến sự hiểu biết về đời sống, không nhận biết một cách toàn diện về cách thức vận hành của suy nghĩ và những ham muốn, sẽ chỉ khiến ta ngày càng trở nên tàn nhẫn hơn, gây thù chuốc oán hoặc rước họa vào thân nhiều hơn. Việc chỉ vun bồi cho phương thức đã sản sinh ra các nhà khoa học, các nhà toán học, các kỹ sư cầu đường, những người chinh phục không gian,… nhưng liệu họ có hiểu được toàn bộ diễn trình của cuộc sống huyền diệu này không? Một vị chuyên gia liệu có thể trải nghiệm cuộc sống một cách toàn vẹn hay không? Có thể, chỉ khi nào anh ta thôi xem mình là một chuyên gia.

Sự tiến bộ về công nghệ có thể giải quyết được một số vấn đề nào đó, cho một số cá nhân nào đó, ở mức độ nào đó, nhưng nó cũng đem đến những hệ lụy lớn hơn và khó lường hơn. Sống mà không đếm xỉa gì tới toàn bộ diễn trình cuộc sống chẳng khác nào đang mời gọi sự khốn cùng và sự hủy hoại. Nhu cầu lớn nhất và cấp bách nhất đối với mỗi cá nhân là có sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống, điều đó cho phép anh ta đương đầu với những hoàn cảnh ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Kiến thức công nghệ, dù cần thiết đến đâu, sẽ không thể nào giải quyết được những áp lực và xung đột trong nội tâm con người; và cũng chính vì ta đã sở đắc kiến thức kỹ thuật mà không hiểu gì về toàn bộ diễn trình của cuộc sống nên kỹ thuật lại trở thành một phương tiện hủy hoại chính ta. Người biết cách tách một nguyên tử nhưng không có tình yêu trong tâm hồn sẽ trở thành quỷ dữ.

Chúng ta lựa chọn nghề nghiệp tùy theo năng lực của mình; nhưng liệu việc theo đuổi một nghề nghiệp sẽ giúp ta thoát khỏi sự xung đột và hỗn loạn chăng? Một số hình thức đào tạo kỹ thuật xem chừng là cần thiết; nhưng sau khi chúng ta đã trở thành kỹ sư, y sĩ, kế toán viên,… thì sao nữa? Việc hành được một nghề nào đó có nghĩa là ta đã sống một cuộc đời trọn vẹn chăng? Dường như với hầu hết chúng ta thì là như vậy. Nghề nghiệp khiến ta bận bịu suốt phần lớn cuộc đời mình; nhưng những gì mà chúng ta tạo ra, và theo đó bị chúng mê hoặc, lại là những thứ đang gây ra sự hủy hoại và tình trạng khốn cùng. Thái độ và các giá trị của chúng ta biến công việc và thế giới thành công cụ cho sự đố kỵ, cay cú và thù hằn.

Không hiểu rõ bản thân, công việc sẽ chỉ dẫn ta đến chỗ thất vọng, cùng sự đào thoát tất yếu thông qua mọi loại hoạt động ranh mãnh. Không có sự hiểu biết này, kỹ thuật sẽ dẫn ta đến chỗ thù địch và nhẫn tâm vốn được ta che đậy bằng những lời lẽ êm tai. Chú trọng đến kỹ thuật và ráng trở thành những thực thể hiệu quả phỏng có ích gì nếu kết quả mà chúng mang tới là sự hủy diệt lẫn nhau? Tiến bộ kỹ thuật quả là ngoài sức tưởng tượng, nhưng nó chỉ làm tăng thêm sức mạnh hủy diệt lẫn nhau của chúng ta mà thôi, và ở đâu cũng có cảnh đói rách, khốn cùng. Nếu vậy thì chúng ta đâu phải là những con người dựng xây hòa bình và hạnh phúc.

Khi chức năng trở thành yếu tố quan trọng nhất, cuộc sống trở nên u ám và tẻ nhạt, nó trở thành một lề thói máy móc và cằn cỗi đến mức ta phải tìm đến đủ thứ hoạt động tiêu khiển để nương nhờ. Việc tích lũy các dữ kiện và chú trọng phát triển năng lực, cái mà chúng ta gọi là giáo dục, đã tước đi tính toàn vẹn của cuộc sống và của hành động. Chính vì không thông hiểu toàn bộ diễn trình cuộc sống nên chúng ta mới bám víu vào năng lực và tính hiệu quả, cũng là những thứ được chúng ta đề cao quá mức. Nhưng chúng ta không thể lấy cái bộ phận mà đòi hiểu cái toàn thể; chúng ta chỉ có thể hiểu được nó bằng hành động và kinh nghiệm của mình mà thôi.

Trong việc đào luyện kỹ thuật, một yếu tố khác cũng mang lại cho ta cảm thức an toàn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt tâm lý nữa. Thật an tâm khi ta biết rằng mình có năng lực và có sự hiệu quả. Khi biết mình có khả năng chơi đàn hoặc xây nhà, ta cảm thấy tràn đầy sinh lực, cảm nhận được sự tự lập, xông xáo; nhưng việc đề cao năng lực do muốn có sự an toàn về tâm lý sẽ phủ nhận tính toàn vẹn của cuộc sống. Toàn bộ nội hàm của đời sống có thể chẳng bao giờ tiên đoán được hết, nó phải được trải nghiệm hết lần này đến lần khác; nhưng ta lại e dè trước những cái mình không biết, thế cho nên ta xác lập quanh mình những vành đai an toàn cho tâm lý dưới hình thức là các hệ thống, các phương thức và đức tin. Chừng nào chúng ta còn tìm kiếm sự an toàn nội tâm thì chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết toàn bộ diễn trình của đời sống.

Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục vừa khuyến khích việc trau dồi phương thức, vừa thực hiện một điều gì đó quan trọng hơn nhiều: Giúp con người trải nghiệm toàn bộ diễn trình của đời sống. Chính trải nghiệm này sẽ đưa năng lực và kỹ thuật/phương thức về đúng vị trí tương xứng của chúng. Nếu người ta thực sự có điều gì đó để nói, thì chính việc diễn đạt sẽ tạo nên phong cách riêng; nhưng học một phong cách mà không có trải nghiệm nội tâm chỉ dẫn đến biểu hiện hời hợt, giả tạo mà thôi.

Các kỹ sư trên toàn thế giới đang điên cuồng thiết kế ra những cỗ máy không cần người điều khiển. Trong một cuộc sống hầu như toàn bộ được vận hành bằng những cỗ máy thì con người đóng vai trò gì trong đó đây? Chúng ta sẽ có nhiều thời gian rỗi rãi hơn nhưng lại không biết dùng nó thế nào cho khôn ngoan, và chúng ta sẽ tìm cách đào thoát khỏi nó trong mớ kiến thức, trong những trò tiêu khiển đến mụ người, hoặc trong vô vàn các quan điểm.

Rất nhiều cuốn sách nói lên các quan điểm về giáo dục đã được viết, thế nhưng sự thực thì chúng ta lại mù mờ về chủ đề này hơn bao giờ hết. Không có lấy một phương pháp nào thỏa đáng giúp giáo dục một đứa trẻ thành con người toàn diện và tự do. Chừng nào chúng ta còn quá quan tâm đến các nguyên tắc, các lý tưởng và các phương pháp, thì chúng ta vẫn chưa thể giúp cá nhân thoát khỏi thói quen lấy bản ngã làm trung tâm, cùng với hệ quả của nó là nỗi lo sợ và xung đột.

Không một lý tưởng nào, không một bản thiết kế nào cho xứ sở Không tưởng hoàn hảo (Utopia) có thể mang lại sự thay đổi triệt để trong tâm hồn; sự thay đổi là thiết yếu nếu người ta muốn chấm dứt chiến tranh và tránh gây hủy hoại cho tất cả. Các lý tưởng không đủ sức làm thay đổi các giá trị hiện thời. Các giá trị này chỉ có thể được thay đổi bằng nền giáo dục đúng đắn, tức nền giáo dục thúc đẩy sự hiểu biết về cái đang tồn tại.

Khi chúng ta cùng dốc sức cho một lý tưởng, cho một tương lai hoàn hảo, chúng ta đang định hình các cá nhân theo quan niệm của ta về tương lai ấy; chúng ta không quan tâm đến con người, mà chỉ quan tâm đến ý tưởng Họ nên là gì. Cái nên  này trở nên quan trọng đối với ta nhiều hơn so với cái đang tồn tại, tức cá thể với toàn bộ tính phức tạp của nó. Nếu chúng ta hiểu về một cá thể một cách trực diện thay vì xem xét anh ta qua tấm màn của cái mà ta nghĩ anh ta nên là, thì lúc đó chúng ta đang quan tâm đến cái đang tồn tại. Và khi ấy chúng ta không còn muốn tìm cách biến cá thể thành cái gì đó khác; mối quan tâm duy nhất của ta là giúp anh ta hiểu về chính mình, và trong việc này không có động cơ hay lợi ích riêng tư nào hết. Nếu ta ý thức một cách đầy đủ về cái đang tồn tại, ta sẽ hiểu nó và theo đó thoát khỏi nó; nhưng để ý thức về cái đang tồn tại, ta không nhất thiết nhọc công gắng sức đạt tới cái gì đó không phải là mình.

Các lý tưởng không có chỗ trong loại hình giáo dục đúng đắn vì chúng cản trở sự hiểu biết về thực tại. Chắc chắn ta có thể nhận ra cái đang tồn tại miễn ta không trốn tránh vào tương lai. Hướng tới tương lai, nỗ lực đạt một lý tưởng, điều đó làm bộc lộ sự trì trệ của tinh thần và ý muốn tránh né hiện thực.

Việc theo đuổi một xã hội Không tưởng được xây dựng sẵn chẳng khác nào rũ bỏ sự tự do và tính hợp nhất của mỗi cá thể? Khi người ta đuổi theo một lý tưởng, một hình mẫu, khi người ta chăm chăm vào một công thức cho cái nên , ấy chẳng phải người ta đang sống một cuộc sống tự động hóa rất ư giả tạo đó sao? Chúng ta không cần những con người lý tưởng hay những thực thể có đầu óc máy móc, mà chúng ta cần những con người toàn diện có trí tuệ và sự tự do. Mỗi khi hiện thực hóa cho ý niệm về một xã hội hoàn hảo, ta phải đấu tranh đến đổ máu cho cái phải là và bỏ qua cái đang tồn tại.

Giả như con người là những thực thể máy móc, những cỗ máy tự động, thì tương lai có thể dự đoán được và các kế hoạch cho một xã hội Không tưởng hoàn hảo có thể được đề xuất; khi đấy hẳn chúng ta có thể xây dựng một cách cẩn trọng các khuôn khổ của một xã hội tương lai và hướng đến việc hiện thực hóa chúng. Nhưng rất tiếc con người không phải là những cỗ máy như vậy để có thể sắp đặt theo các khuôn mẫu nhất định.

Giữa hiện tại và tương lai có một khoảng trống rất lớn, trong đó có nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta; và qua việc hy sinh hiện tại cho tương lai, chúng ta đang theo đuổi những phương tiện sai lầm cho mục đích mà chúng ta nghĩ là có khả năng đúng. Nhưng chính các phương tiện lại đang quyết định mục đích; chưa kể chúng ta nghĩ mình là ai mà dám quyết định con người nên  thế này, thế kia? Ta có quyền gì mà tìm cách nhào nặn người khác theo một khuôn mẫu đặc thù nào đó chỉ biết được qua sách vở, hay do những tham vọng, hy vọng và nỗi lo sợ của chính mình quy định?

Loại hình giáo dục đúng đắn không quan tâm đến bất cứ ý thức hệ nào, cho dù nó có thể hứa hẹn một xã hội Không tưởng trong tương lai ra sao. Loại hình giáo dục đúng đắn không dựa trên bất cứ hệ thống nào, dù hệ thống ấy có suy tính kỹ càng tới đâu, nó cũng không phải là phương tiện quy định cá thể theo một cách nào đó. Giáo dục theo đúng nghĩa của nó là giúp cá thể trưởng thành và tự do, phát triển trọn vẹn trong tình yêu và tình người. Đấy là điều ta nên quan tâm, chứ không tìm cách định hình trẻ theo một khuôn mẫu lý tưởng nào.

Bất cứ phương pháp nào dùng để phân loại đứa trẻ dựa theo tính nết và năng khiếu chỉ làm bật lên những khác biệt giữa chúng mà thôi. Phương pháp ấy sẽ nuôi dưỡng sự đối kháng lẫn nhau, khuyến khích sự phân chia trong xã hội và không giúp phát triển con người toàn diện. Rõ ràng là không có phương pháp hay hệ thống nào có thể mang đến loại hình giáo dục đúng đắn, và việc bám chặt vào một phương pháp cụ thể nào đó càng cho thấy sự trì trệ ở phía nhà giáo dục. Chừng nào nền giáo dục còn dựa trên những nguyên tắc được xác lập rõ ràng, nó chỉ có thể sản sinh ra những con người khéo làm việc, chứ không thể tạo ra những con người sáng tạo.

Chỉ tình yêu mới có thể giúp ta thấu hiểu người khác. Ở đâu có tình yêu, ở đó lập tức có sự đồng cảm, cùng một mức độ và cùng một thời điểm. Bản thân chúng ta quá khô khan, trống rỗng và thiếu vắng tình yêu đến mức chúng ta đã cho phép các hệ thống đảm nhiệm thay việc giáo dục con cái và định hướng cuộc sống của chúng ta, nhưng các hệ thống quản lý cấp cao lại muốn những “cỗ máy” giỏi việc, chứ không muốn những con người thực thụ, vì con người là mối nguy hiểm đối với họ. Đó là lý do tại sao các hệ thống, các tổ chức chuyên quyền luôn tìm cách kiểm soát và thao túng giáo dục.

Cuộc sống không được tạo ra nhằm mục đích phục tùng một hệ thống, nó không thể bị buộc vào một khuôn khổ, dẫu cái khuôn khổ ấy có cao quý cỡ nào; và một trí óc được đào luyện để nắm bắt các dữ kiện thì không thể nào chạm vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ, với đầy đủ sự tinh tế, với những chiều sâu và độ cao ngút ngàn. Khi giáo dục con cái theo một hệ thống tư tưởng hay một bộ môn cụ thể, chúng ta dạy chúng cách suy nghĩ theo những khuôn khổ cục bộ, chúng ta vô hình trung đã cản đường chúng, không cho chúng phát triển thành những con người toàn diện, và do đó chúng không thể tư duy một cách thông minh, tức là tiếp cận cuộc sống một cách vẹn toàn.

Chức năng lớn nhất của giáo dục đúng đắn là tạo ra những cá thể toàn diện có thể xem xét cuộc sống trong tính toàn diện của nó. Người lý tưởng, cũng giống như nhà chuyên môn, không quan tâm tới cái toàn bộ, mà chỉ quan tâm tới cái bộ phận. Không thể xảy ra sự hợp nhất cho tới chừng nào con người vẫn còn theo đuổi một khuôn mẫu hành động lý tưởng; và hầu hết các nhà giáo dục theo chủ nghĩa lý tưởng đều gạt bỏ tình yêu, cái đầu họ khô khan còn con tim thì sắt đá. Để nghiên cứu một đứa trẻ, nhà giáo dục phải tỉnh táo, thận trọng, biết rõ về bản thân, và điều này đòi hỏi phải có trí tuệ và tình cảm hơn là khuyến khích đứa trẻ chạy theo một lý tưởng.

Một chức năng khác của giáo dục là tạo ra những giá trị mới. Chỉ khắc sâu vào trí não trẻ những giá trị hiện tồn và buộc các em phục tùng các lý tưởng, đấy là một hình thức đóng khuôn các em mà không giúp đánh thức trí tuệ của các em. Giáo dục có mối tương quan mật thiết với tình hình khủng hoảng của thế giới hiện nay, và nhà giáo dục nào nhìn thấu được nguyên nhân của sự hỗn loạn mang tính toàn cầu này ắt sẽ tự hỏi mình cần làm gì để đánh thức trí tuệ ở học sinh, theo đó giúp cho thế hệ sau không gây thêm bất kỳ xung đột hay thảm họa nào nữa. Anh ta phải dành toàn bộ trí lực và tình cảm của mình cho việc tạo ra môi trường phù hợp cho việc phát triển sự thông hiểu, sao cho khi đứa trẻ đến độ tuổi trưởng thành đều có thể giải quyết một cách thông minh các vấn đề mà em gặp phải. Nhưng để làm được điều này, nhà giáo dục trước tiên phải hiểu biết chính bản thân mình thay vì cậy vào các ý thức hệ, các hệ thống hay các đức tin.

Chúng ta hãy ngưng ngay lối suy nghĩ dựa theo các nguyên tắc và lý tưởng, mà hãy nhìn nhận sự việc đúng như chúng là; vì chính lối xem xét cái đang tồn tại mới làm thức tỉnh trí tuệ, và trí tuệ của nhà giáo dục còn quan trọng hơn kiến thức của anh ta về một phương pháp giáo dục tân tiến nào đó. Khi nhà giáo dục áp dụng một phương pháp, ngay cả khi nó được khai triển bởi một người thông minh và cẩn trọng, thì phương pháp ấy chỉ quan trọng khi nó tương thích với bọn trẻ. Người ta đo lường và phân loại những đứa trẻ, rồi sau đó tiến hành giáo dục bọn trẻ theo một phương thức định sẵn nào đó. Quá trình giáo dục kiểu này có thể tạo thuận tiện cho người thầy, nhưng không một sự áp dụng theo hệ thống nào, hay không một sự áp đặt ý kiến hoặc cách học tập nào có thể tạo ra một con người toàn diện.

Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục thực sự hiểu trẻ em mà không áp đặt lên chúng một hình ảnh mà ta nghĩ các em nên trở thành như thế. Bao bọc đứa trẻ trong khuôn khổ của một lý tưởng là khuyến khích em chỉ biết tuân phục, làm vậy là chúng ta đang gieo rắc nơi đứa trẻ nỗi sợ hãi, cũng như mối xung đột thường trực giữa cái em đang là, với cái em nên là; và mọi sự xung đột trong nội tâm sớm muộn gì cũng sẽ bộc lộ ra bên ngoài. Mọi lý tưởng đều là rào cản ngăn trở ta hiểu về đứa trẻ và không cho đứa trẻ thấu hiểu chính các em.

Bậc phụ huynh nào thực sự muốn hiểu con của mình thì sẽ không xem xét em qua lăng kính của những lý tưởng. Nếu họ thực sự yêu thương đứa trẻ, họ sẽ quan sát em, tìm hiểu các khuynh hướng của em, tâm trạng của em, các nét cá tính của em. Chỉ khi nào người ta cảm thấy mình không có tình yêu thương dành cho đứa trẻ thì họ mới áp đặt lên đứa trẻ một lý tưởng, vì lúc đó những tham vọng của họ đang cố hiện thực hóa nơi đứa trẻ, buộc em phải trở thành người này hay người nọ. Nếu cái người ta yêu, không phải lý tưởng, mà là đứa trẻ, thì họ có thể giúp đứa trẻ hiểu đúng về bản thân em.

Chẳng hạn như, nếu đứa trẻ nói dối, thì việc bày ra trước mặt em một lý tưởng về sự trung thực phỏng có ích gì? Ta phải dành thì giờ tìm hiểu lý do tại sao em lại nói dối. Để giúp đứa trẻ, ta phải dành thời gian tìm hiểu và quan sát em, điều này đòi hỏi phải có sự nhẫn nại, có tình yêu thương và sự chu đáo, ân cần; nhưng khi ta không yêu cũng chẳng hiểu em, thì ta gò ép đứa trẻ vào một khuôn mẫu hành động mà ta gọi là lý tưởng.

Cưỡng buộc học trò theo lý tưởng là một hình thức đào nhiệm dễ dàng, và nhà giáo dục nào chạy theo các lý tưởng thì không tài nào hiểu học trò của mình và biết cách ứng xử phù hợp với các em; đối với anh ta, lý tưởng trong tương lai, tức cái nên là, quan trọng hơn nhiều so với đứa học trò trước mặt. Chạy theo lý tưởng là khước từ tình yêu thương, và nếu không có tình yêu thương thì không một vấn đề nào của con người có thể được giải quyết tận gốc rễ.

Nhà giáo dục thực thụ là người không để mình lệ thuộc một cách cứng nhắc vào một phương pháp, mà sẽ sẵn lòng linh hoạt tìm hiểu từng học sinh của mình. Trong mối tương giao giữa chúng ta với trẻ em và thanh thiếu niên, chúng ta đang giao thiệp với những con người sống động vốn dễ bị tác động, hay thay đổi, nhạy cảm, e ngại, dễ xúc động, chứ không phải là những thiết bị máy móc có thể được sửa chữa một cách nhanh chóng; và để tương giao với các em, ta phải hiểu kỹ càng, phải hết sức kiên nhẫn và có tình yêu thương sâu sắc. Khi ta thiếu những phẩm chất này, ta viện đến những “phương thuốc” cứu chữa nhanh chóng và dễ dãi, và hy vọng tự động sẽ có những kết quả thần kỳ. Nếu ta lơ là, máy móc trong thái độ và trong hành động của mình, vô hình trung ta sẽ trốn tránh những đòi hỏi gây phiền toái cho ta và ta không thể đáp ứng một cách tự động, và đây là một trong những khó khăn chính của việc giáo dục.

Đứa trẻ là kết quả của cả quá khứ lẫn hiện tại, do đó chúng đã bị quy định sẵn. Nếu chúng ta chuyển nền tảng quá khứ của mình sang cho đứa trẻ, chúng ta sẽ tiếp diễn tình trạng bị quy định của em và của chính ta. Chỉ khi nào ta hiểu được tình trạng bị định đặt của mình và thoát khỏi nó thì mới có thể có sự thay đổi triệt để. Còn ngồi bàn luận và cố xác định xem đâu mới là loại hình giáo dục đúng đắn trong khi bản thân chúng ta vẫn bị các điều kiện quy định là một điều hết sức viển vông.

Khi trẻ còn nhỏ, đương nhiên ta phải bảo vệ các em khỏi những mối nguy hiểm về thân thể và tránh cho các em cảm giác bất an về thân thể. Nhưng khổ nỗi, chúng ta không dừng lại ở đó; chúng ta muốn tiến tới định hình cả cách cảm nhận và suy nghĩ của các em, chúng ta muốn nhào nặn các em theo những khao khát và ý định riêng của mình. Chúng ta tìm cách hiện thực hóa chính mình nơi con trẻ, kéo dài sự tồn tại của chúng ta qua bọn trẻ. Chúng ta xây những bức tường bao quanh các em, khuôn đặt các em bằng các đức tin và ý thức hệ, bằng nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta – và rồi chúng ta khóc lóc và cầu nguyện khi chúng bị giết chết hay bị thương trong các cuộc chiến, hay phải chịu những thiệt thòi trong cuộc sống.

Những trải nghiệm như thế không mang lại sự tự do; trái lại chúng củng cố thêm ý muốn mãnh liệt của cái tôi. Cái tôi được tạo thành từ một loạt những phản ứng phòng vệ hay bành trướng, và những thành tựu của nó luôn nằm trong các dự phóng và trong những hình thức đồng hóa mà nó thấy thỏa mãn. Chừng nào chúng ta còn hiểu những trải nghiệm cuộc sống qua lăng kính của cái tôi – “tôi” và “của tôi”, chừng nào cái tôi vẫn còn được duy trì qua những kiểu phản ứng của nó, thì ta không thể thoát ra khỏi trải nghiệm xung đột, trạng thái hỗn loạn và nỗi đau khổ. Tự do chỉ đến khi ta hiểu được phương cách tồn tại của cái tôi, tức cái chủ thể đang trải nghiệm. Chỉ khi nào cái tôi, cùng với những phản ứng được tích lũy của nó, không còn là kẻ trải nghiệm, thì trải nghiệm ấy sẽ khoác lên mình một ý nghĩa hoàn toàn khác và nảy sinh sự sáng tạo.

Nếu muốn giúp đứa trẻ tự do khỏi những phương cách tồn tại của cái tôi, vốn là những điều gây quá nhiều đau khổ, thì mỗi người chúng ta phải bắt đầu thay đổi một cách sâu sắc thái độ và mối tương giao giữa mình và đứa trẻ. Cha mẹ và các nhà giáo dục, thông qua cách suy nghĩ và ứng xử của mình, có thể giúp đứa trẻ trở thành người tự do, được phát triển trong tình yêu thương và sự tử tế.

Nền giáo dục, như trong tình trạng hiện nay, không khuyến khích mọi người tìm hiểu các xu hướng kế thừa và ảnh hưởng của môi trường bên ngoài đã khuôn đặt tâm trí và nuôi dưỡng nỗi sợ hãi của chúng ta như thế nào, và vì thế không giúp ta thoát khỏi sự quy định này và hé lộ ra một con người toàn diện. Bất kỳ loại hình giáo dục nào liên quan đến một bộ phận, chứ không phải tổng thể một con người, tất yếu sẽ làm gia tăng sự xung đột và nỗi đau khổ.

Chỉ trong sự tự do cá nhân, tình thương yêu và sự tử tế mới có thể đơm hoa kết trái; và loại hình giáo dục đúng đắn mỗi mình nó cũng có thể mang lại sự tự do này. Không có sự tuân phục đối với xã hội hiện tại hay lời hứa hẹn về một xã hội Không tưởng trong tương lai nào có thể mang lại cho cá nhân cái minh kiến bên trong ấy. Nếu không có cái minh kiến này, anh ta khó lòng thoát khỏi một cuộc sống đầy xung đột.

Nhà giáo dục đúng nghĩa, người thấy được bản chất bên trong của sự tự do, sẽ giúp cho mỗi học trò của mình biết cách quan sát và hiểu được các giá trị, cũng như những đòi hỏi quá đáng mà các em tự phóng chiếu lên bản thân như thế nào; anh ta giúp các học trò ý thức hơn về những ảnh hưởng bên ngoài đã và đang quy định, đang tác động đến các em, và ý thức hơn về những ham muốn của chính các em, cả hai thứ ấy đều góp phần hạn chế năng lực tinh thần của các em và gây ra nỗi sợ hãi; khi các em trưởng thành, anh ta sẽ giúp các em biết cách quan sát và hiểu được chính bản thân mình trong mối tương quan với mọi thứ khác. Khao khát khỏa lấp những mong nguyện của bản thân là cái làm cho cuộc sống của các em triền miên xung đột và đau khổ.

Đương nhiên ta có thể giúp mỗi cá nhân nhận chân ra các giá trị bền vững của cuộc sống mà không bị định đặt gì cả. Một số người cho rằng sự phát triển hoàn thiện của cá nhân sẽ dẫn tới sự hỗn loạn; thế thì đã sao? Hỗn loạn thì vốn đã hỗn loạn rồi. Thế giới này đã rối beng từ lâu bởi người ta không được giáo dục để hiểu về chính mình. Khi con người được trao cho một thứ tự do giả tạo, thì họ cũng được dạy cho cách tuân phục, chấp nhận các giá trị hiện tồn.

Nhiều người đang nổi dậy chống lại việc tuân phục các hệ thống kiểm soát; nhưng thật không may, sự nổi dậy của họ chỉ là một phản ứng có tính tư lợi, phản ứng ấy chỉ làm cho cuộc sống thêm tăm tối mà thôi. Nhà giáo dục đích thực, người biết rõ xu hướng phản ứng của tâm trí, sẽ giúp người học biết cách thay thế các giá trị hiện tại, không phải bằng cách phản ứng chống lại chúng, mà bằng cách hiểu được toàn bộ diễn trình của cuộc sống. Sự hợp tác toàn tâm toàn ý không thể có được nếu không có sự hợp nhất toàn diện mà nền giáo dục đúng đắn có thể góp phần làm thức tỉnh nơi mỗi cá nhân.

Sao chúng ta lại chắc mẩm rằng cả chúng ta lẫn thế hệ kế tiếp không thể tạo ra sự thay đổi căn cơ trong mối quan hệ giữa mọi người với nhau thông qua một nền giáo dục đúng đắn? Chúng ta chưa bao giờ thử làm điều đó, và vì đa phần chúng ta có vẻ như e sợ thứ giáo dục ấy nên chẳng hề có xu hướng muốn thử nó. Nếu không thực lòng mong muốn truy vấn triệt để câu hỏi này, thì chúng ta buộc phải khẳng định rằng bản tính con người là không thể thay đổi, chúng ta buộc phải chấp nhận mọi thứ như chúng vốn là và khuyến khích đứa trẻ phải thích ứng với xã hội hiện tại; chúng ta uốn nắn các em theo lối sống hiện có của mình, và cầu mong sao cho đó là điều tốt đẹp nhất. Nhưng việc tuân phục các giá trị hiện tồn như thế liệu có phải là giáo dục hay không? Kiểu tuân phục này không sớm thì muộn sẽ dẫn tới chiến tranh và đói khổ.

Chúng ta hãy thôi tự dối lòng rằng kiểu uốn nắn này sẽ giúp phát triển trí tuệ và mang lại hạnh phúc cho bọn trẻ. Nếu chúng ta cứ mãi lo sợ, bàng quan, lãnh đạm đến mức không thể hy vọng gì nữa, nghĩa là chúng ta không thực lòng quan tâm đến việc khuyến khích các cá nhân phát triển trong tình yêu thương và sự tử tế, mà thực chất chúng ta lại thích thấy anh ta sống trong sự khốn cùng mà chúng ta cũng đã tự mình chuốc lấy và anh ta cũng là một phần trong đó.

Khuôn đặt cho học sinh quen với việc chấp nhận môi trường hiện tại rõ ràng là hoàn toàn xuẩn ngốc. Nếu không tình nguyện tạo ra sự thay đổi tận gốc rễ cho giáo dục, chúng ta phải trực tiếp chịu trách nhiệm cho sự kéo dài tình trạng nhiễu nhương và khốn khổ; và sau rốt khi cuộc cách mạng tàn bạo khủng khiếp nổ ra, nó sẽ chỉ mang lại cơ hội trục lợi cho một nhóm người nào đó và khiến họ trở nên tàn nhẫn. Tổ chức chuyên quyền nào cũng đều khai triển những phương tiện áp bức của riêng họ, dẫu bằng cách thâu phục nhân tâm mềm mỏng hay sử dụng bạo lực thô thiển.

Vì những nguyên do chính trị và công nghiệp, kỷ luật đã trở thành một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc xã hội hiện đại, và chính vì muốn an toàn về mặt tâm lý mà chúng ta chấp nhận và thực thi các hình thức kỷ luật khác nhau. Kỷ luật đảm bảo cho kết quả, và đối với chúng ta, lẽ ra mục đích quan trọng hơn phương tiện nhưng phương tiện lại đang quy định mục đích.

Một trong những mặt trái nguy hiểm của kỷ luật chính là hệ thống trở nên quan trọng hơn con người trong hệ thống đó. Thế là kỷ luật trở thành cái thay thế cho tình thương yêu, và bởi tâm hồn trống rỗng nên chúng ta mới bám víu vào kỷ luật. Tự do không bao giờ biểu lộ qua kỷ luật, qua sự phản kháng; tự do vốn không phải là một mục tiêu hay một mục đích phải đạt được. Tự do nằm ở chỗ bắt đầu chứ không phải ở chỗ kết thúc, nó cũng không ngụ trong một lý tưởng xa xôi diệu vợi nào.

Tự do không phải là cơ hội nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân hay gạt sự quan tâm đến người khác sang một bên. Nhà giáo dục chân chính sẽ bảo vệ học sinh và giúp các em phát triển theo chiều hướng tự do đích thực bằng mọi giá; nhưng mọi biện pháp sẽ vô dụng nếu anh ta bị nghiện một kiểu ý thức hệ nào đó hoặc anh ta là kẻ giáo điều, tư lợi.

Sự tinh nhạy không bao giờ có thể đánh thức bằng cách cưỡng ép. Người ta có thể buộc đứa trẻ phải giữ yên lặng, nhưng họ đã tránh né đối mặt với vấn đề khiến đứa bé ấy trở nên bướng bỉnh, hỗn xược… Ép buộc là mầm mống của sự chống đối và sợ hãi. Thưởng phạt dưới bất cứ hình thức nào cũng chỉ là cách nô dịch tinh thần và làm cho nó ngày càng ngu dốt; và nếu đấy là điều chúng ta muốn, thì giáo dục bằng sự cưỡng ép là phương pháp cực kỳ hiệu quả!

Lối giáo dục ấy không thể giúp chúng ta thấu hiểu đứa trẻ, cũng không thể tạo dựng được một môi trường xã hội đúng đắn trong đó sự chia tách và thù hận không tồn tại. Tình yêu thương mà ta dành cho đứa trẻ đã hàm chứa sẵn đường hướng giáo dục đúng đắn. Nhưng buồn thay, hầu hết chúng ta đều không thực sự yêu thương con cái mình; chúng ta muốn chúng giỏi giang – đấy chẳng qua là chúng ta muốn chính mình giỏi giang, muốn mình nở mày nở mặt. Khổ nỗi, chúng ta bận bịu với những công việc đầu óc đến mức chẳng có mấy thì giờ lắng nghe những lời mách bảo trong tim. Sau rốt, kỷ luật bao hàm tính đối kháng; và sự đối kháng đã bao giờ mang lại tình yêu thương chăng? Kỷ luật chỉ có thể xây lên những bức tường bao quanh chúng ta mà thôi; nó luôn mang tính loại trừ và luôn dẫn đến xung đột. Kỷ luật không dẫn đến sự hiểu biết; vì sự hiểu biết luôn sánh đôi với sự quan sát, với sự truy vấn mà trong đó mọi thành kiến đều bị gạt sang một bên.

Kỷ luật là một phương cách dễ dãi hòng kiểm soát đứa trẻ, nhưng nó chẳng thể giúp đứa trẻ hiểu biết các vấn đề liên quan tới bản chất cuộc sống. Một hình thức cưỡng buộc nào đó, một hình thức thưởng phạt nào đó, có thể cần thiết để duy trì trật tự và sự yên lặng bề ngoài khi số lượng lớn học sinh được tập hợp lại với nhau trong lớp học; nhưng với một người thầy chân chính và với số lượng nhỏ học sinh thì ta có cần dùng đến kiểu trấn áp, được gọi một cách tao nhã là kỷ luật hay không? Nếu quy mô các lớp học nhỏ và người thầy có cơ hội chú ý kỹ càng đến từng đứa trẻ một, quan sát và giúp đỡ em, thì sự cưỡng ép hay khống chế dưới bất cứ hình thức nào rõ ràng là không cần thiết. Nếu trong một nhóm như thế, học sinh nào ngoan cố không giữ trật tự hay nghịch ngợm quậy phá, người thầy cần phải dụng công tìm hiểu nguyên nhân của hành vi bất ổn ấy: có thể do chế độ ăn thiếu khoa học, nghỉ ngơi không đủ, những cãi vã trong gia đình, hay một sự lo sợ mơ hồ nào đó.

Ẩn dưới nền giáo dục đúng đắn là sự vun bồi cho tự do và trí tuệ, điều này không thể diễn ra nếu có bất cứ hình thức cưỡng ép nào, và kèm theo đó là nỗi sợ hãi. Sau rốt, mối quan tâm của người thầy là làm thế nào để giúp học trò hiểu được tính phức tạp của con người – bao gồm cả những diễn trình tâm lý, cảm xúc… Việc dồn nén phần bản tính này vì ích lợi của phần bản tính kia sẽ tạo ra sự xung đột bất tận, và rồi sớm muộn sự xung đột này sẽ dẫn đến sự chống đối xã hội. Cái đem lại trật tự vững bền là trí tuệ chứ không phải kỷ luật.

Sự tuân phục và vâng lời không có chỗ trong loại hình giáo dục đúng đắn. Sự hợp tác giữa người thầy và học trò không thể nảy nở được nếu thiếu vắng tình thương và sự tôn trọng dành cho nhau. Khi được yêu cầu phải thể hiện sự tôn trọng đối với người lớn, nó sẽ trở thành một thói quen, một sự thể hiện thuần túy bề ngoài, và sự sợ hãi đã khoác lấy vỏ bọc tôn kính. Nếu không có sự tôn trọng và quan tâm đến người khác thật sự, thì không một mối quan hệ nào có thể tồn tại, nhất là khi người thầy chỉ được xem là công cụ truyền thụ kiến thức cho người trò.

Nếu người thầy đòi hỏi học sinh phải tôn trọng mình mà chẳng mấy khi anh ta tôn trọng các em, chắc chắn học sinh sẽ dửng dưng và không tôn trọng anh ta. Nếu không có sự tôn trọng đối với cuộc sống, kiến thức chỉ dẫn đến sự phá hoại và khốn khổ. Giáo dục lòng tôn trọng đối với người khác là một phần quan trọng trong nền giáo dục đúng đắn, nhưng nếu bản thân nhà giáo dục không có phẩm chất này, anh ta không thể giúp học trò của mình tạo dựng được cuộc sống toàn diện.

Thông minh nghĩa là nhận biết rõ cái bản chất, và muốn nhận biết rõ cái bản chất thì cần phải thoát khỏi những trở ngại của tâm trí trong việc tìm kiếm sự an toàn và thanh thản. Sợ hãi là không thể tránh khỏi chừng nào đầu óc còn mải mê tìm kiếm cảm giác an toàn; và khi con người được tập hợp lại thành đoàn thể theo một cách nào đó, thì ý thức và sự thông minh sắc sảo sẽ bị hủy hoại.

Mục đích của giáo dục là vun bồi mối tương quan đúng đắn, không chỉ giữa các cá thể với nhau, mà còn giữa cá thể và xã hội; đó là lý do tại sao giáo dục trước hết phải giúp mỗi người hiểu được diễn trình tâm lý của chính mình. Trí tuệ nằm ở chỗ hiểu biết về chính mình và vượt lên chính mình; nếu vẫn còn sợ hãi thì chúng ta không thể có trí tuệ. Sợ hãi làm hư hỏng trí tuệ và là một trong những nguyên nhân của hành động lấy mình làm trung tâm. Kỷ luật có thể áp chế nỗi sợ hãi nhưng không xóa bỏ được nó, và kiến thức giả tạo mà chúng ta nhận được trong nền giáo dục hiện đại chỉ che đậy thêm nỗi sợ mà thôi.

Khi chúng ta còn trẻ, nỗi sợ – ở trong gia đình, cũng như ở trường – đã ngấm sâu vào trong huyết quản chúng ta. Không một bậc cha mẹ hay người thầy nào đủ nhẫn nại, đủ thời gian, đủ sự khôn ngoan để giúp xua tan những nỗi sợ hãi đã thành bản năng ở tuổi ấu thơ, rồi khi ta lớn lên, nỗi sợ hãi ấy chi phối thái độ và óc phán đoán của ta, gây ra biết bao nhiêu là vấn đề. Loại hình giáo dục đúng đắn phải xét đến nỗi sợ hãi này, vì chính sợ hãi làm cho toàn bộ cái nhìn về cuộc đời của chúng ta bị méo mó. Loại bỏ nỗi sợ hãi là điểm khởi đầu của trí tuệ, và chỉ có loại hình giáo dục đúng đắn mới có thể giúp ta thoát khỏi nỗi sợ; chỉ khi nào không còn sợ hãi thì chúng ta mới có trí tuệ sâu sắc và đầy sáng tạo.

Thưởng hay phạt đối với bất cứ hành động nào chỉ càng củng cố thêm cho việc tự lấy bản ngã làm trung tâm. Hành động vì điều gì đó khác, nhân danh Tổ quốc hay Thượng đế, đều dẫn đến sự sợ hãi, và sợ hãi không thể là nền tảng cho hành động đúng đắn. Nếu chúng ta giúp đứa trẻ biết quan tâm đến người khác, chúng ta sẽ không dùng tình yêu thương như là món quà hối lộ mà sẽ dành thời gian và lòng kiên nhẫn giải thích các cách thức quan tâm đến người khác.

Chẳng có sự tôn trọng nào đối với người khác khi có phần thưởng dành cho việc đó, vì sự hối lộ hay hình phạt trở nên quan trọng hơn nhiều so với chính cảm giác tôn trọng. Nếu chúng ta không tôn trọng đứa trẻ mà chỉ đơn thuần đưa cho trẻ một phần thưởng hay dọa phạt, chúng ta chỉ đang khuyến khích tính hám lợi và nỗi sợ hãi. Vì bản thân chúng ta cũng được dạy dỗ phải hành động vì một kết quả nào đó, cho nên ta không nhận thấy rằng vẫn có thể hành động hoàn toàn không xuất phát từ ham muốn vị lợi.

Loại hình giáo dục đúng đắn sẽ khuyến khích óc tư duy và sự quan tâm tới người khác một cách tự nhiên mà không cần lôi kéo hay dọa dẫm. Trường hợp đôi bên không còn màng đến những kết quả trước mắt, cả thầy lẫn trò không còn lo ngại bị phạt hay mong đợi phần thưởng, đồng thời thoát khỏi mọi hình thức cưỡng buộc khác thì sự cưỡng ép vẫn tiếp tục tồn tại chừng nào mà uy quyền vẫn còn là một phần của mối tương giao.

Tuân theo uy quyền có nhiều thuận lợi nếu người ta suy nghĩ dựa vào động cơ và sự ích kỷ; nhưng giáo dục dựa trên sự tiến bộ và lợi ích của cá thể chỉ có thể xây dựng một cơ cấu xã hội đầy cạnh tranh, đối kháng và tàn nhẫn với nhau mà thôi. Đây là loại xã hội trong đó chúng ta lớn lên cùng sự thù địch, và hỗn loạn là chuyện hiển nhiên.

Chúng ta được dạy phải tuân phục trước uy quyền của người thầy, của sách vở, vì chỉ như thế thì ta mới được lợi. Các nhà chuyên môn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống sử dụng uy quyền và thống trị chúng ta; nhưng bất cứ người có thẩm quyền nào dùng đến sự cưỡng ép đều không thể nào gầy dựng được mối tương giao hợp tác, một yếu tố căn bản cho sự thịnh vượng của xã hội.

Nếu chúng ta muốn gầy dựng mối quan hệ đúng đắn giữa con người với nhau thì không nên dung dưỡng cho sự cưỡng ép, hay thậm chí là sự thuyết phục. Làm thế nào có thể có tình người và sự hợp tác chân thành giữa nhà cầm quyền và người nằm dưới quyền lực đó? Bằng cách xem xét một cách tỉnh táo vấn đề về uy quyền và những nội hàm của nó, và nhận thấy rằng chính sự ham muốn quyền lực tự nó đã mang tính phá hoại, thì tự khắc ta sẽ hiểu ngay toàn bộ diễn trình của uy quyền. Lúc ta vứt bỏ uy quyền chính là lúc ta bước vào mối quan hệ cộng tác, chỉ khi ấy mới có sự hợp tác chân thành và tình người.

Vấn đề thực sự của giáo dục là nhà giáo dục. Ngay cả một nhóm nhỏ học sinh cũng có thể trở thành công cụ thể hiện tầm quan trọng của người thầy, nếu anh ta sử dụng uy quyền như là một phương tiện để giải thoát chính mình, để hiện thực hóa chính mình, và nếu đối với anh ta việc giảng dạy là một cách để thể hiện bản thân. Nhưng chỉ đơn thuần nhất trí, trong tư tưởng hay lời nói, về những tác động nguy hại của uy quyền thôi thì vẫn là việc làm xuẩn ngốc và hão huyền.

Chúng ta cần phải có minh kiến sâu sắc về những động cơ sâu kín của uy quyền và sự thống trị. Nếu chúng ta xét thấy trí tuệ không bao giờ có thể được đánh thức bằng sự cưỡng ép, thì chính việc ý thức về điều đó sẽ đốt sạch nỗi sợ hãi trong chúng ta, thế là chúng ta sẽ bắt đầu vun xới một môi trường mới, trái ngược và vượt xa cái trật tự xã hội hiện thời.

Để hiểu thấu ý nghĩa của cuộc sống cùng với những xung đột và đau khổ mà uy quyền gây ra, chúng ta phải suy nghĩ một cách độc lập về bất cứ loại uy quyền nào. Nếu muốn giúp đỡ một đứa trẻ mà chúng ta lại đặt ra trước em những tấm gương đầy uy quyền, chúng ta sẽ chỉ khuyến khích sự sợ hãi, bắt chước và nhiều hình thức cuồng tín khác mà thôi.

Những người theo tôn giáo thường cố áp đặt lên đứa trẻ những đức tin, niềm hy vọng và nỗi sợ mà họ đã tiếp nhận từ cha mẹ họ; và những người vô thần cũng muốn gây ảnh hưởng lên đứa trẻ, bắt chúng phải chấp nhận lối nghĩ riêng của họ. Tất cả chúng ta đều muốn con cái phải chấp nhận hình thức sùng bái của mình và nhập tâm ý thức hệ mà ta đã chọn. Còn gì dễ dàng hơn việc buông mình vào những hình ảnh và công thức sẵn có, dẫu đó là do chính chúng ta tạo ra hay do người khác tạo ra, và vì vậy ta cần phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác.

Cái chúng ta gọi là tôn giáo thực chất chỉ là đức tin, cùng với các tín điều, nghi lễ, những điều huyền bí và cuồng tín của nó. Mỗi tôn giáo đều có kinh sách riêng, người sáng lập, các giáo sĩ và các phương cách đe dọa, chi phối mọi người. Hầu hết chúng ta đều bị định đặt bởi những thứ ấy, và đó là những gì mà người ta gọi là giáo dục tôn giáo; nhưng sự quy định này đặt con người vào thế chống lại nhau, gây ra sự đối kháng không chỉ giữa các tín đồ với nhau, mà còn giữa tín đồ tôn giáo này với tín đồ tôn giáo kia. Dù tất cả các tôn giáo đều khẳng định rằng họ thờ Thượng đế và nói rằng chúng ta phải yêu thương lẫn nhau, nhưng chính họ lại gieo rắc nỗi sợ bằng các giáo lý về sự thưởng phạt; và qua các tín điều cạnh tranh, họ truyền lưu mối hoài nghi và sự đối kháng.

Các giáo điều, các câu chuyện huyền bí và các nghi lễ – tất cả những thứ này không dẫn đến đời sống tâm linh. Giáo dục tôn giáo theo đúng nghĩa của từ này là khuyến khích đứa trẻ hiểu mối tương quan giữa bản thân với người khác, với mọi vật và với thiên nhiên. Không có sự tồn tại nào nếu không có mối tương quan; và nếu không có sự nhận biết chính mình thì mọi mối tương quan, với một người hay với nhiều người, đều trở thành nguyên nhân của xung đột và đau khổ. Đương nhiên, giải thích hết điều này cho một đứa trẻ là điều bất khả; song nếu nhà giáo dục và cha mẹ nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của mối tương quan – qua thái độ, cách ứng xử và lời nói – chắc chắn họ có thể chuyển tải được cho đứa trẻ, mà không cần phải nói và giải thích nhiều, về ý nghĩa của đời sống tâm linh.

Cách dạy dỗ của tôn giáo không khuyến khích đặt câu hỏi và hoài nghi, chỉ khi nào chúng ta truy vấn ý nghĩa của các giá trị mà xã hội và tôn giáo đã đặt ra quanh chúng ta thì chúng ta mới bắt đầu biết đâu là chân lý. Vai trò của nhà giáo dục là nghiên cứu cho thật kỹ càng những tư tưởng, tình cảm của chính mình và gạt sang một bên các giá trị đã mang lại cho anh ta sự an nhàn và thoải mái, chỉ khi ấy anh ta mới có thể giúp học trò mình ý thức về bản thân chúng và hiểu được sự thôi thúc và nỗi sợ hãi của chính chúng.

Thời gian thuận lợi cho sự phát triển là khi người ta còn trẻ; còn những người lớn tuổi, nếu có sự thông hiểu, sẽ giúp những người trẻ tự giải thoát mình khỏi những trở ngại mà xã hội đã áp đặt lên các em, cũng như khỏi những gì mà chính các em đang phóng chiếu lên bản thân. Nếu đầu óc và con tim của đứa trẻ chưa bị nhào nặn bởi các ý niệm có sẵn của tôn giáo và các tiên kiến thì đứa trẻ sẽ tự do phát hiện ra, qua việc nhận biết chính mình, cái gì đang ở bên trên và vượt lên khỏi bản thân.

Tôn giáo đích thực không phải là tập hợp các đức tin và nghi lễ, hy vọng và sợ hãi; nếu chúng ta tạo điều kiện cho đứa trẻ lớn lên mà không dính mắc vào những tác động cản trở này thì có lẽ khi trưởng thành, trẻ sẽ bắt đầu tự truy vấn về bản tính của thực tại, của Thượng đế. Đó là lý do tại sao, trong việc giáo dục cho trẻ, minh kiến sâu sắc và sự thông hiểu là cần thiết.

Hầu hết những người có xu hướng tôn giáo thường nói về Thượng đế và sự bất tử, về niềm tin cơ bản là không tồn tại sự tự do và sự hợp nhất toàn diện; thế nhưng tôn giáo đích thực chính là sự vun bồi tự do trong việc tìm cầu chân lý. Không thể có sự thỏa hiệp đối với tự do. Tự do một phần không phải là tự do. Việc bị quy định, dưới bất kỳ hình thức nào, không phải là tự do và nó sẽ chẳng bao giờ mang lại sự bình yên.

Tôn giáo không phải là một hình thức định đặt hay khuôn định. Nó là một trạng thái tĩnh lặng trong đó chứa đựng thực tại, Thượng đế; nhưng trạng thái sáng tạo ấy chỉ xuất hiện khi có sự nhận biết chính mình và sự tự do. Tự do mang lại đức hạnh, và nếu không có đức hạnh thì không thể có sự tĩnh lặng. Tâm trí tĩnh tại không phải là tâm trí bị quy định, nó không thể bị kỷ luật hay chịu sự huấn luyện. Sự tĩnh tại chỉ xuất hiện khi tâm trí hiểu được các diễn trình của chính nó, tức là các diễn trình của bản ngã, của cái tôi.

Tôn giáo là tư tưởng đã bị đóng băng của con người, từ đó họ xây dựng đền đài, chùa chiền và nhà thờ; nó trở thành nơi giúp giải tỏa nỗi sợ hãi, một liều thuốc phiện cho những ai đang sầu khổ. Nhưng Thượng đế hay chân lý lại ở phía bên kia của những tư tưởng và những đòi hỏi đầy cảm xúc. Cha mẹ và người thầy, tức những người biết rõ các diễn trình tâm lý đã gây ra nỗi sợ và đau khổ, phải giúp trẻ học cách quan sát, hiểu được các xung đột và những gì đang thách thức các em.

Nếu chúng ta, những người lớn, không giúp trẻ lớn lên qua việc học cách tư duy rõ ràng và không bị quấy nhiễu bởi những ham muốn, học cách thương yêu và không nuôi lòng thù hận, thì chúng ta còn làm gì khác nữa? Nếu chúng ta thường xuyên quấy nhiễu người khác, nếu chúng ta không thể mang lại trật tự và hòa bình cho thế giới bằng việc thay đổi bản thân một cách sâu sắc, thì những cuốn thánh kinh kia phỏng có ích gì?

Giáo dục tôn giáo đích thực phải giúp trẻ nhận thức sáng suốt về chính mình, biết phân định rõ đâu là cái giả tạm và đâu là sự thật, và biết tiếp cận cuộc sống một cách vô vị lợi; và chẳng phải là sẽ có ý nghĩa hơn khi bắt đầu một ngày ở nhà hay ở trường với sự chiêm nghiệm nghiêm túc, hay với việc đọc những cuốn sách có ý nghĩa sâu sắc và thực sự có ích, so với việc cứ mãi nhai đi nhai lại những ngôn từ sáo rỗng hay sao?

Các thế hệ trong quá khứ, với những tham vọng, truyền thống và lý tưởng của họ, đã gây ra cảnh khốn cùng và suy đồi cho thế gian này; có lẽ các thế hệ tiếp tới, với loại hình giáo dục đúng đắn, có thể chấm dứt tình trạng hỗn loạn này và tái thiết một trật tự xã hội hạnh phúc hơn. Nếu những người trẻ trang bị cho mình tinh thần không ngừng chất vấn, nếu họ vẫn liên tục tìm kiếm sự thật trong mọi điều – chính trị và tôn giáo, cá nhân và môi trường – thì tuổi trẻ mới có ý nghĩa quan trọng và chúng ta có thể hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn.

Hầu hết trẻ nhỏ đều có tính hiếu kỳ, chúng tò mò muốn biết về mọi sự; nhưng sự háo hức truy vấn của chúng lại bị dập tắt bởi những lời khẳng quyết cố chấp, sự thiếu kiên nhẫn đầy trịch thượng của người lớn chúng ta và việc ta hờ hững gạt tính hiếu kỳ của chúng sang một bên. Chúng ta không khuyến khích các em truy vấn, vì chúng ta khá e dè với việc bị chất vấn; chúng ta không cổ vũ cho việc bày tỏ thái độ không thỏa nguyện của các em, vì chính chúng ta không còn khả năng hoài nghi nữa.

Hầu hết các bậc cha mẹ và người thầy đều e sợ thái độ bất mãn vì nó làm xáo trộn mọi hình thức an toàn, do đó họ khuyến khích thanh niên vượt qua sự bất mãn ấy bằng những công việc ổn định, sự thừa kế gia sản, hôn nhân và sự an ủi của các giáo điều. Những người lớn tuổi, quá tỏ tường với bao cách thức làm mụ mị trí óc và con tim, tiến hành việc biến đứa trẻ thành kẻ ngờ nghệch y như họ bằng cách áp đặt lên em các uy quyền, truyền thống và các đức tin mà họ đã chấp nhận.

Chỉ bằng cách khuyến khích đứa trẻ biết đặt câu hỏi về tất cả những gì chúng đọc, biết truy vấn tính hiệu lực của các giá trị, truyền thống, đức tin, v.v… đang tồn tại trong xã hội thì nhà giáo dục và cha mẹ mới có thể hy vọng đánh thức, đồng thời duy trì ý thức phản biện và năng lực nhận thức ở trẻ.

Những người trẻ đều tràn đầy hy vọng và không có tinh thần cam chịu, an phận; họ phải như vậy, nếu không thì họ đã là những người già cỗi và sống mòn. Người già là những con người xưa kia từng không cam chịu, nhưng họ đã thành công trong việc dập tắt ngọn lửa ấy bằng cách tìm kiếm sự an toàn và an nhàn theo nhiều cách khác nhau. Họ thèm khát sự ổn định lâu dài cho bản thân và cho gia đình họ, họ mong mỏi có sự chắc chắn trong tư tưởng, trong mối tương quan, trong của cải; cho nên lúc cảm thấy bất mãn, họ vùi mình vào trách nhiệm, vào công việc hay vào bất cứ thứ gì khác để trốn tránh cảm giác bất mãn đang gây xáo trộn bản thân họ.

Giai đoạn chúng ta còn trẻ là quãng thời gian chúng ta bất mãn không những với chính mình mà còn với mọi thứ xung quanh. Chúng ta nên học cách suy nghĩ rõ ràng và không định kiến để không còn bị lệ thuộc và sợ hãi trong nội tâm. Độc lập không phải là thứ dành cho những phần được tô màu trên tấm bản đồ mà ta gọi là đất nước. Độc lập là một trạng thái thuộc về chúng ta, những cá thể có tri giác. Mặc dù ở bên ngoài chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, nhưng sự phụ thuộc này sẽ không trở nên thô bạo hay áp bức nếu nội tâm chúng ta được giải phóng khỏi sự thèm khát quyền lực, chức vụ và ưu thế.

Chúng ta phải hiểu thấu bản chất của sự bất mãn, điều mà hầu hết chúng ta đều sợ. Sự bất mãn có thể dẫn đến điều gì đó có vẻ như mất trật tự, nhưng nếu nó mở ra sự nhận thức về chính mình và sự quên mình thì nó sẽ tạo ra một trật tự xã hội mới và vun đắp nền hòa bình lâu dài. Cùng với sự quên mình là niềm hân hoan vô bờ.

Ngạc nhiên thay, sự bất mãn lại là phương tiện dẫn đến sự tự do, nhưng để truy vấn một cách không định kiến, ta không được phung phí cảm xúc của mình như thường xảy ra trong những buổi hội họp hô vang các khẩu hiệu. Sự phung phí này làm mê muội trí óc và con tim, khiến cho chúng không thể thấu triệt, do đó dễ dàng bị rập khuôn theo hoàn cảnh và nỗi sợ hãi. Chính nỗi khát khao muốn truy hỏi, chứ không phải sự rập khuôn theo đám đông, mới mang lại hiểu biết mới về các phương cách của cuộc sống.

Người trẻ rất dễ bị thuyết phục phải suy nghĩ theo một lối nào đó; nhưng loại hình giáo dục đúng đắn sẽ giúp họ trở nên cẩn trọng với những tác động này sao cho không lặp lại những khẩu hiệu như con vẹt hay rơi vào bất cứ cạm bẫy tham lam đầy ranh mãnh nào. Chúng ta không được để cho uy quyền khống chế trí óc và con tim mình. Đi theo một người khác, dù họ vĩ đại đến cỡ nào, hay trung thành mù quáng với một ý thức hệ, sẽ chẳng hề mang lại một thế giới hòa bình.

Khi vừa rời khỏi ghế nhà trường, nhiều người trong chúng ta đã vứt ngay sách vở sang một bên và cảm thấy chúng ta đã hoàn thành xong nhiệm vụ học hành; bên cạnh đó cũng có nhiều người cảm thấy hứng thú và muốn mở rộng tư tưởng của mình hơn nữa, họ tiếp tục đọc sách, say sưa với những gì người khác nói, và trở nên nghiện ngập đống kiến thức. Chừng nào chúng ta vẫn còn sùng bái kiến thức hay kỹ thuật như là phương tiện cho sự thành công và thống trị, thì chừng ấy thế giới này vẫn còn đầy rẫy sự cạnh tranh khốc liệt, sự chống đối và những cuộc chiến giành giật miếng ăn bất tận.

Chừng nào sự thành công còn là mục tiêu của chúng ta thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa thể vượt qua nỗi sợ hãi, vì sự ham muốn thành công tất yếu sẽ dẫn đến trạng thái sợ thất bại. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên dạy cho trẻ em sùng bái sự thành công. Hầu hết mọi người theo đuổi sự thành công dưới dạng này hay dạng khác, dù đó là trên sân quần vợt, trong thế giới kinh doanh, hay trong chính trường. Tất cả chúng ta đều muốn leo lên đỉnh thành công, và nỗi ham muốn này gây ra sự xung đột thường xuyên trong nội tâm ta và xung đột với những người bên cạnh; nó dẫn tới sự cạnh tranh, ganh ghét, thù địch và cuối cùng là chiến tranh.

Giống như các thế hệ tiền bối, thế hệ trẻ cũng tìm kiếm sự thành công và cảm giác an toàn; dẫu cho lúc đầu họ đầy tinh thần phản kháng, chẳng mấy chốc họ bắt đầu trở nên kính trọng và sợ phải từ chối xã hội. Các bức tường ham muốn bắt đầu vây hãm họ, họ nằm trong vòng kiềm tỏa và chấp nhận sự thống trị của uy quyền. Sự bất mãn của họ – ngọn đèn soi tỏ cho họ trên hành trình truy vấn, tìm kiếm và thấu hiểu – mỗi lúc một leo lét rồi lụi tàn, và thay vào đó là ước muốn có một công việc tốt hơn, cưới được người giàu có, có một sự nghiệp xán lạn, tất cả những thứ ấy đều là mong ước thủ đắc sự an toàn ngày càng chắc chắn hơn.

Không có sự khác biệt cơ bản nào giữa người già và người trẻ, vì cả hai đều là nô lệ cho những ham muốn và thỏa mãn của chính họ. Độ chín chắn không liên quan gì đến tuổi tác, nó đi cùng với sự hiểu biết. Tinh thần truy vấn một cách háo hức có lẽ dễ dàng nảy sinh hơn đối với người trẻ, vì những người già đã bị cuộc sống làm cho bầm dập, các cuộc xung đột đã làm họ kiệt sức, và cái chết dưới nhiều hình thức khác nhau đang chờ đợi họ. Điều này không có nghĩa là họ không còn đủ sức truy vấn có mục đích, mà chỉ là đối với họ, việc đó sẽ khó khăn hơn mà thôi.

Nhiều người trưởng thành về mặt tuổi tác lại thiếu chín chắn và khá ngây ngô, đây là nguyên nhân góp phần làm cho thế giới trở nên hỗn loạn và đau khổ. Chính người lớn phải chịu trách nhiệm cho sự khủng hoảng kinh tế và suy đồi đạo đức đang lan tràn; một trong những yếu kém, thiếu may mắn của chúng ta đó là chúng ta trông chờ có ai đó hành động thay mình và làm thay đổi diễn trình đời sống của chúng ta. Chúng ta mong đợi người khác nổi dậy xây dựng một thế giới mới, thế nhưng chính mình thì vẫn thụ động, chưa chắc chắn về kết quả.

Điều mà phần lớn mọi người theo đuổi chính là sự an toàn và thành công; và một tâm trí mãi bận tâm tìm kiếm sự an toàn, thèm khát sự thành công không phải là một tâm trí khôn ngoan, vì thế mà không thể hành động một cách toàn diện. Hành động toàn diện chỉ có thể xảy ra khi người ta ý thức về tình trạng bị định đặt của chính mình, và các thành kiến chủng tộc, dân tộc, chính trị và tôn giáo của mình; nghĩa là chỉ khi nào người ta nhận ra rằng các phương cách tồn tại của bản ngã mãi mãi tách biệt nhau.

Cuộc sống là một nguồn nước sâu. Người ta có thể đến với nó với những cái xô nhỏ và chỉ múc được một ít nước, hoặc người ta có thể đến với nó với những cái thùng lớn, múc nhiều nước để sinh hoạt và dự trữ. Thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ. Nhà trường nên giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình, chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật vào đầu các em; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.

Giáo dục một đứa trẻ là giúp đỡ em hiểu rõ sự tự do và sự hợp nhất toàn diện. Muốn có tự do phải có trật tự, cái trật tự mà chỉ đức hạnh mới có thể mang lại; còn sự hợp nhất chỉ có thể xảy ra khi có sự tối giản. Từ vô vàn những cái phức tạp, ta phải phát triển lên thành sự đơn giản; ta phải trở nên đơn giản trong cuộc sống nội tâm và trong những nhu cầu bên ngoài.

Hiện nay, nền giáo dục chú trọng đến tính hiệu quả bên ngoài và nó hoàn toàn không chú ý đến, hay cố tình xuyên tạc, cái bản tính tự nhiên bên trong; nó chỉ phát triển một phần của con người và bỏ mặc phần còn lại. Sự xáo trộn, đối kháng và nỗi sợ hãi trong nội tâm chúng ta luôn thắng thế cấu trúc xã hội ở bên ngoài, dù cái cấu trúc ấy được đề cao đến đâu và được xây dựng khôn ngoan đến mức nào. Khi nền giáo dục được xây dựng trên những cơ sở sai lầm, chúng ta sẽ hủy hoại lẫn nhau, và sự an toàn về thân thể cho mỗi cá nhân sẽ bị loại bỏ. Giáo dục học sinh một cách đúng đắn là giúp học sinh hiểu được toàn bộ diễn trình của chính mình; vì chỉ khi nào có sự hợp nhất giữa trí óc và con tim trong hành động hằng ngày thì mới có trí tuệ và sự chuyển hóa nội tại.

Trong khi cung cấp thông tin và chương trình đào tạo về kỹ thuật, nền giáo dục trước hết nên khuyến khích học sinh có cái nhìn toàn diện về cuộc sống. Giáo dục nên giúp đỡ học sinh biết cách nhận ra và tháo dỡ trong em mọi sự phân biệt và thành kiến xã hội, không nên cổ xúy em chạy theo quyền lực và sự thống trị theo kiểu hám lợi. Giáo dục nên khuyến khích học sinh biết cách quan sát bản thân một cách đúng đắn và trải nghiệm cuộc sống trong tính toàn vẹn của nó, điều đó không có nghĩa là đề cao cái bộ phận, tức cái “tôi” hay cái “của tôi”, mà là giúp cho tâm trí vượt lên trên và vượt ra khỏi chính nó để phát hiện ra cái thực chất.

Sự tự do chỉ nảy sinh thông qua hiểu biết về chính mình trong các hoạt động thường ngày, nghĩa là trong mối tương giao với người khác, với các sự vật hay sự việc, với các tư tưởng và với tự nhiên. Nếu nhà giáo dục đang thực sự giúp học sinh trở thành con người toàn diện thì không thể nào có chuyện coi trọng một phương diện nào đó của cuộc sống một cách cuồng tín và phi lý. Chính sự thông hiểu về toàn bộ diễn trình của đời sống là cái tạo nên sự hợp nhất toàn diện. Khi chúng ta hiểu biết chính mình thì sức mạnh đã tạo ra các ảo tưởng sẽ không tồn tại, và chỉ khi đó thực tại hay Thượng đế mới hiển lộ.

Con người phải trở nên toàn diện nếu họ muốn thoát khỏi bất cứ sự khủng hoảng nào, nhất là cuộc khủng hoảng của thế giới hiện nay, mà không bị đổ vỡ; vì thế, đối với cha mẹ và người thầy, vốn là những người thực sự quan tâm đến giáo dục, vấn đề trọng yếu là làm thế nào để phát triển một cá thể toàn diện. Để làm được vậy, bản thân nhà giáo dục đương nhiên phải là người toàn diện; cho nên loại hình giáo dục đúng đắn là điều hết sức quan trọng, không chỉ cho thế hệ trẻ mà còn cho cả thế hệ ông bà, cha mẹ nếu họ sẵn lòng học hỏi và không quá cứng nhắc. Những gì chúng ta có bên trong mình quan trọng hơn bội phần so với câu hỏi truyền thống là phải dạy cho trẻ cái gì, và nếu chúng ta yêu thương con cái thì chúng ta sẽ nhận ra một điều rằng chúng cần có những người thầy tốt.

Dạy học không nên trở thành một nghề của những chuyên gia. Nếu nó trở thành một nghề, và thực tế thường là vậy, thì tình thương sẽ chóng phai tàn; trong khi đó tình thương lại là yếu tố cốt lõi của quá trình phát triển toàn diện. Để trở nên toàn diện, ta phải thoát khỏi nỗi sợ hãi. Sống không sợ hãi là sống trong tinh thần độc lập mà không khắt khe, không coi thường người khác, và đây là nhân tố quan trọng nhất trong cuộc sống. Nếu không có tình thương, chúng ta không thể hóa giải nhiều mối xung đột; nếu không có tình thương thì việc sở đắc kiến thức chỉ làm tăng thêm tình trạng nhiễu nhương và dẫn tới sự tự hủy diệt mà thôi.

Con người toàn diện sẽ tiếp cận kỹ thuật/phương thức bằng trải nghiệm, vì động lực sáng tạo xây dựng cho nó một kỹ thuật riêng – và đấy là nghệ thuật tuyệt vời nhất. Khi đứa trẻ cảm nhận được sự thôi thúc tự thân phải vẽ tranh, em sẽ vẽ và không bận tâm đến kỹ thuật. Tương tự thế, những người đang trải nghiệm, đang giảng dạy, là những người thầy đúng nghĩa, họ cũng sẽ tạo ra kỹ thuật/phương thức riêng cho mình.

Điều này nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng thực ra đó là một cuộc cách mạng sâu sắc. Nếu nghiêm túc suy ngẫm, chúng ta có thể nhận thấy nó sẽ có tác động rất lớn đến xã hội. Ở thời điểm hiện nay, hầu hết chúng ta đều phờ phạc, rũ rượi ở độ tuổi bốn mươi hay năm mươi do lối sống nô lệ cho lề thói thường ngày của mình; vì thỏa hiệp, sợ hãi và cam chịu, đời chúng ta coi như đã xong, dẫu chúng ta vẫn ngày ngày vật lộn trong một xã hội chẳng còn mấy ý nghĩa, ngoại trừ đối với những kẻ đang thống trị xã hội và sống trong sự an toàn. Nếu người thầy nhận chân ra điều này và bản thân anh ta thực sự đang trải nghiệm, thì cho dù tính tình và năng lực của anh ta ra sao, việc giảng dạy của anh ta sẽ không vấp phải vấn đề lề thói mà sẽ trở thành một công cụ hữu ích.

Để hiểu một đứa trẻ, chúng ta phải quan sát em chơi đùa, tìm hiểu em qua những biểu hiện khác nhau về tính tình; chúng ta không nên phóng chiếu lên em các thành kiến của chính mình, hay cố nhào nặn em sao cho hợp với hình mẫu ham muốn của ta. Nếu chúng ta lúc nào cũng xét đoán đứa trẻ dựa trên những ý thích hay không thích của mình, chúng ta không tránh khỏi việc dựng lên những rào cản ngăn cách quan hệ giữa ta với em và trong quan hệ giữa em với thế giới. Khổ nỗi, hầu hết chúng ta đều muốn nhào nặn đứa trẻ theo cách sao cho thỏa mãn những thói hão huyền và khí chất riêng của mình; chúng ta tìm thấy nhiều mức độ thoải mái và thỏa mãn khác nhau chỉ trong mỗi việc sở hữu và thống trị mà thôi.

Chắc chắn quá trình này không phải là mối tương quan mà chỉ là sự áp đặt, và do đó chúng ta cần phải hiểu nỗi khó khăn và tính chất phức tạp của ham muốn thống trị. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi; và ở phương diện mà nó tự cho là đúng đắn, nó rất cố chấp. Mong muốn “phụng sự” với nỗi ao ước vô thức về việc làm sao để thống trị người khác là điều ta khó lòng hiểu được. Liệu có thể tồn tại tình thương ở một người có ham muốn sở hữu? Liệu chúng ta có thể sống hòa hợp với những người mà ta luôn tìm cách kiểm soát họ? Thống trị một người là sử dụng người đó cho sự thỏa mãn cá nhân của mình, và ở đâu có tình trạng lạm dụng người khác thì ở đó không có tình thương.

Khi có tình thương thì mới có sự tôn trọng người khác, không chỉ đối với trẻ em mà còn với hết thảy mọi người. Trừ khi bị vấn đề này đụng chạm đến một cách sâu sắc, không thì chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra phương cách giáo dục đúng đắn. Đào tạo kỹ thuật thuần túy chắc chắn chỉ làm nảy sinh sự tàn nhẫn, và muốn giáo dục con cái, chúng ta phải tinh nhạy với toàn bộ sự vận động của đời sống. Những gì chúng ta nghĩ, chúng ta làm, chúng ta nói đều vô cùng quan trọng, bởi lẽ chúng tạo ra môi trường và môi trường này hoặc là hỗ trợ đứa trẻ hoặc là cản trở các em.

Thế thì rõ ràng là những ai quan tâm sâu sắc đến vấn đề này đều phải bắt đầu hiểu biết về chính mình và qua đó góp phần làm thay đổi xã hội. Chúng ta sẽ biến nó thành trách nhiệm trực tiếp của mình trong việc xác lập cách tiếp cận mới cho giáo dục. Nếu chúng ta thương yêu con cái, liệu chúng ta sẽ không tìm ra cách thức chấm dứt chiến tranh? Nhưng nếu chúng ta chỉ sử dụng từ “yêu thương” mà không có nội hàm thực chất, thì tình trạng khốn khổ của con người vẫn còn. Cách thoát ra khỏi vấn đề này nằm trong tay chúng ta. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu mối tương quan giữa chúng ta với đồng loại, với tự nhiên, với các tư tưởng và với sự vật, vì nếu không có sự thông hiểu ấy, chúng ta sẽ không có hy vọng, không có cách nào thoát ra khỏi xung đột và đau khổ.

Nuôi nấng một đứa trẻ đòi hỏi phải có sự quan sát tinh tường và chăm sóc chu đáo. Các chuyên gia và kiến thức của họ không bao giờ có thể thay thế tình yêu thương của cha mẹ, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ lại hủy hoại đi thứ tình yêu ấy bởi nỗi sợ hãi và tham vọng của chính họ, vốn là những thứ khuôn định và làm lệch lạc cái nhìn của đứa trẻ. Cho nên chẳng mấy ai trong chúng ta thực sự quan tâm tới tình yêu, mà chúng ta lại bị thu hút bởi cái có vẻ là tình yêu.

Cấu trúc xã hội và nền giáo dục hiện nay không giúp cá thể hướng tới sự tự do và sự phát triển toàn diện. Nếu các bậc làm cha làm mẹ có thái độ nghiêm túc và thực sự muốn con trẻ phát triển với năng lực toàn diện nhất, họ phải bắt đầu thay đổi cách ảnh hưởng của gia đình và góp phần lập ra các trường học với những người thầy đích thực.

Sự ảnh hưởng của gia đình và nhà trường không tương phản nhau, cho nên cả cha mẹ lẫn người thầy phải giáo dục lại chính mình. Sự tương phản thường tồn tại trong đời sống riêng tư của cá nhân và trong cuộc sống của anh ta – với tư cách là thành viên trong nhóm gây ra những cuộc đấu tranh bất tận trong chính bản thân và trong các mối quan hệ giữa anh ta với người khác.

Sự xung đột này được khuyến khích và duy trì qua lối giáo dục sai lầm, các hệ thống chuyên quyền đã góp phần làm cho cuộc sống càng nhiễu nhương thêm bằng các học thuyết tương phản của họ. Trẻ em bị phân loại ngay từ đầu, chính điều đó dẫn tới những tai họa cho cá nhân và xã hội.

Những ai yêu thương con cái của mình và thấy được tính cấp bách của vấn đề này sẽ đặt hết tâm trí vào đây, dù ít ỏi nhưng qua sự giáo dục đúng đắn và môi trường đầy hiểu biết của gia đình, chúng ta có thể góp phần xây dựng những con người toàn diện; nhưng nếu, cũng như bao người khác, chúng ta nhét đầy con tim mình bằng những trò ranh mãnh của lý trí, thì chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy con cái mình bị hủy diệt trong chiến tranh, đói rách và bởi chính những cuộc xung đột tâm lý nội tại của chúng.

Nền giáo dục đúng đắn khởi đầu với sự chuyển hóa của bản thân. Chúng ta phải giáo dục lại chính mình không phải để hãm hại người khác vì bất cứ nguyên nhân nào, dù là nguyên nhân chính đáng, vì bất cứ ý thức hệ nào, dù nó có hứa hẹn ra sao đối với hạnh phúc tương lai của thế giới. Chúng ta phải học trở thành người có lòng trắc ẩn, biết bằng lòng với cái tối thiểu và tìm kiếm cái Tối cao, vì chỉ khi đó nhân loại mới thực sự được cứu rỗi.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x