Trang chủ » Chương IV: Giáo dục và hòa bình thế giới

Chương IV: Giáo dục và hòa bình thế giới

by Hậu Học Văn
97 views

Muốn biết giáo dục giữ vai trò gì trong bối cảnh khủng hoảng của thế giới hiện nay, chúng ta phải hiểu được sự khủng hoảng ấy đã xảy ra như thế nào. Đó chắc chắn là kết quả của những giá trị sai lầm trong quan hệ giữa chúng ta với người khác, với của cải và với những tư tưởng. Nếu mối tương quan giữa chúng ta với người khác lại dựa trên sự đề cao bản thân, và mối tương quan giữa chúng ta với của cải dựa theo nguyên tắc hám lợi, thì cấu trúc xã hội chắc chắn là một thứ cấu trúc cạnh tranh và tự cô lập. Trong tương quan giữa chúng ta với các tư tưởng, khi chúng ta biện minh cho một ý thức hệ đối lập với một ý thức hệ khác, sự ác ý và sự không tin cậy lẫn nhau là những kết quả không thể tránh khỏi.

Một nguyên nhân khác của tình trạng hỗn loạn hiện nay là sự lệ thuộc vào uy quyền, vào những người lãnh đạo, dù đó là trong đời sống hằng ngày, trong ngôi trường nhỏ bé hay trong trường đại học. Những người lãnh đạo và uy quyền của họ là những nhân tố gây suy đồi trong bất cứ nền văn hóa nào. Khi chúng ta theo gót một người khác, mà thiếu đi sự thông hiểu, chỉ có nỗi sợ hãi và phục tùng, thì sau cùng sẽ dẫn đến sự tàn nhẫn của chính phủ toàn trị và chủ nghĩa giáo điều trong tôn giáo.

Hòa bình phải bắt đầu từ việc hiểu chính mình. Dựa dẫm vào các chính quyền, trông chờ vào các tổ chức và các uy quyền cho nền hòa bình chỉ tạo ra nhiều cuộc xung đột hơn; và không thể có hạnh phúc bền vững cho đến khi nào chúng ta còn chấp nhận một trật tự xã hội không khi nào ngớt những cuộc đấu tranh và đối kháng giữa con người với nhau. Nếu muốn thay đổi những điều kiện hiện tồn, trước hết ta phải chuyển hóa chính mình, nghĩa là ta phải ý thức về những hành động, tư tưởng và tình cảm của mình trong đời sống hàng ngày.

Nhưng chúng ta không thực sự muốn hòa bình, chúng ta không thực sự muốn chấm dứt tình trạng trục lợi. Chúng ta sẽ không cho phép lòng tham của mình bị can thiệp, hay những nền tảng của cấu trúc xã hội hiện tại bị thay đổi; chúng ta muốn mọi sự vẫn tiếp tục đúng như cách tồn tại của chúng cùng với chút ít biến cải giả tạm, và vì thế những kẻ có quyền lực và giảo quyệt chi phối một cách tất yếu cuộc sống của chúng ta.

Nếu căn cứ vào ý thức hệ, chúng ta sẽ không có được nền hòa bình. Hòa bình không phụ thuộc vào pháp chế; nó chỉ đến khi mỗi cá nhân bắt đầu hiểu được diễn trình tâm lý của mình. Nếu chúng ta trốn tránh trách nhiệm hành động và trông chờ một hệ thống mới nào đó xác lập nền hòa bình, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho hệ thống ấy.

Khi các chính quyền, các nhà độc tài, các đại doanh nghiệp, và những người có quyền lực tôn giáo bắt đầu thấy rằng sự đối kháng ngày càng gia tăng giữa con người với nhau chỉ dẫn tới sự phá hoại vô lối và do đó không còn mang lại lợi ích nữa, họ sẽ ép buộc chúng ta, bằng pháp chế và các phương tiện cưỡng chế khác, phải đè nén những khát khao, tham vọng của mình lại và tham gia góp phần cho hạnh phúc của nhân loại. Cũng giống như lúc này chúng ta đang được giáo dục, khuyến khích cạnh tranh và tàn nhẫn với nhau, thế nên chúng ta sẽ buộc phải tôn trọng lẫn nhau và làm việc vì thế giới. Cho dù tất cả chúng ta có thể ăn ngon, mặc đẹp, có chỗ ở tốt, chúng ta sẽ không thoát ra khỏi những xung đột và đối kháng, những thứ ấy chỉ chuyển sang bình diện khác và trở nên hiểm ác, có sức tàn phá hơn mà thôi. Hành động hợp đạo đức hay đúng đắn duy nhất là hành vi tự nguyện, chỉ bằng sự thông hiểu mới có thể mang lại cho con người nền hòa bình và hạnh phúc thực sự.

Đức tin, các ý thức hệ, và các tôn giáo đang xếp đặt chúng ta vào thế chống lại những người thân cận mình; xung đột không chỉ diễn ra giữa các xã hội khác nhau, mà còn diễn ra giữa các nhóm người trong cùng một xã hội. Phải thừa nhận rằng chừng nào chúng ta còn đồng hóa mình với đất nước, chừng nào chúng ta còn bám vào sự an toàn, chừng nào chúng ta còn bị quy định bởi các giáo điều, thì những cuộc đấu tranh và sự bần cùng trong bản thân ta, trong thế giới vẫn còn tồn tại.

Thế thì, vấn đề liên quan đến chủ nghĩa yêu nước lại được đặt ra. Khi nào chúng ta cảm thấy mình yêu nước? Rõ ràng đấy không phải là một xúc cảm bình thường. Nhưng chúng ta lúc nào cũng được khuyến khích là phải yêu nước – qua sách vở ở trường, qua báo chí và các kênh tuyên truyền khác.

Sự tái khẳng định liên tục rằng chúng ta thuộc về một nhóm chính trị hay tôn giáo nào đó, rằng chúng ta thuộc về quốc gia này hay quốc gia nọ, làm ta tự mãn với cái tôi bé tí của mình, thổi phồng chúng lên như những cánh buồm, cho đến khi chúng ta sẵn sàng chém giết hay bị chém giết vì đất nước, chủng tộc hay ý thức hệ của mình. Tất cả những thứ đó đều thật ngu xuẩn và trái lẽ tự nhiên. Chắc chắn con người quan trọng hơn các biên giới lãnh thổ, hay ý thức hệ.

Tinh thần phân biệt của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đang như lửa lan nhanh khắp thế giới. Chủ nghĩa yêu nước được vun bồi và được khai thác một cách thông minh bởi những người đang tìm cách mở rộng sự bành trướng của mình ra thêm nữa, thâu tóm quyền lực hơn nữa, làm giàu hơn nữa; và mỗi một người chúng ta đều nhúng tay vào diễn trình này, vì chúng ta cũng ham muốn những thứ ấy. Việc chinh phục các vùng đất và các dân tộc khác mở ra những thị trường mới cho hàng hóa cũng như cho các ý thức hệ chính trị và tôn giáo.

Chúng ta phải quan sát tất cả các biểu hiện của tình trạng bạo lực và đối kháng này với một tinh thần không thành kiến, nghĩa là với một tinh thần không đồng hóa bản thân mình với đất nước, chủng tộc hay ý thức hệ, mà cố truy tìm ra đâu là sự thật. Có một niềm hân hoan tuyệt vời khi chúng ta nhận chân ra điều gì đó một cách rõ ràng mà không bị ảnh hưởng bởi các ý niệm và các chỉ dẫn của kẻ khác, dù đó là của các chính quyền, các chuyên gia hay những người có học thức cao. Một khi chúng ta thực sự nhận ra rằng chủ nghĩa yêu nước cực đoan là một trở ngại cho hạnh phúc của con người, thì chúng ta không phải đấu tranh chống lại những xúc cảm sai lầm ở bản thân, nó đã rời khỏi ta mãi mãi.

Chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước cực đoan, ý thức về giai cấp và chủng tộc, hết thảy đều là những phương cách tồn tại của cái tôi, và do đó là những nhân tố gây chia tách. Rốt cuộc, một quốc gia là gì nếu không phải là một nhóm các cá nhân sống chung với nhau vì những lý do kinh tế và tự vệ? Từ nỗi sợ hãi và sự tự vệ có tính vị lợi này nảy sinh ý niệm về “đất nước tôi”, cùng với các ranh giới và hàng rào thuế quan của nó, làm cho tình anh em và sự thống nhất của nhân loại không thể nào thành hiện thực.

Ham muốn giành giữ, khát khao đồng hóa mình với cái gì đó lớn lao hơn mình, tạo ra tinh thần của chủ nghĩa dân tộc, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan là cái gây ra các cuộc chiến tranh. Chủ nghĩa dân tộc là một căn bệnh, nó không bao giờ có thể mang lại sự thống nhất và hòa hợp cho thế giới. Chúng ta không thể cậy nhờ bệnh tật mà trở nên khỏe mạnh, chúng ta trước hết phải thoát khỏi mọi bệnh tật.

Chính vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đức tin, chủ quyền và những gì chúng ta đã giành lấy được, mà chúng ta phải được vũ trang một cách thường trực. Của cải và những tư tưởng đã trở nên quan trọng hơn sinh mạng con người, cho nên giữa ta với mọi người luôn có sự đối kháng và bạo lực. Qua việc bảo vệ chủ quyền, chúng ta đang hủy diệt những đứa con trai của chúng ta; qua việc sùng bái chính quyền, vốn chỉ là sự phóng chiếu của bản thân chúng ta, chúng ta đang hy sinh con cái cho sự thỏa mãn của chính chúng ta. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và quyền lực chính là nguyên nhân, đồng thời là công cụ của chiến tranh.

Các định chế xã hội hiện nay không thể phát triển thành một thế giới hợp nhất, vì chính nền tảng của chúng là mang tính chia tách. Các nghị viện và các hệ thống giáo dục nào chú trọng bảo vệ chủ quyền dân tộc và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nhóm khác nhau trong xã hội sẽ không bao giờ chấm dứt được chiến tranh. Sự tồn tại của những nhóm người riêng biệt, cùng với người thống trị và người bị trị, là nguồn gốc sâu xa của chiến tranh. Chừng nào chúng ta không tạo ra sự thay đổi căn cơ mối tương quan giữa con người với nhau như hiện nay, thì nền công nghiệp sẽ tất yếu dẫn đến tình trạng hỗn loạn, trở thành công cụ cho sự phá hoại và khốn cùng; chừng nào còn tồn tại tình trạng bạo lực và chuyên chế, dối trá và tuyên truyền, thì tình anh em giữa con người với nhau không thể nào trở thành hiện thực.

Chỉ đơn thuần giáo dục con người ta trở thành những kỹ sư xuất sắc, những nhà khoa học lẫy lừng, những nhà quản trị có năng lực, những người công nhân lành nghề, sẽ không bao giờ hợp nhất được những người áp bức và những người bị áp bức. Chúng ta có thể thấy rằng hệ thống giáo dục hiện nay chứa đựng nhiều nguyên nhân gây ra sự thù ghét giữa con người với nhau, nó không ngăn cản được những cuộc sát hại tập thể nhân danh đất nước hay nhân danh Thượng đế.

Các tôn giáo, cùng với uy quyền tinh thần tạm thời của chúng, cũng không thể mang lại cho con người nền hòa bình, vì chúng cũng là kết quả của sự ngu dốt và sợ hãi, của ảo tưởng và thói vị kỷ của chúng ta.

Vì khao khát sự an toàn trong kiếp này hay trong kiếp sau, chúng ta tạo ra những định chế và ý thức hệ đảm bảo cho sự an toàn đó; nhưng càng đấu tranh cho sự an toàn bao nhiêu thì chúng ta sẽ càng ít đạt được nó bấy nhiêu. Ham muốn an toàn chỉ tăng cường tình trạng phân biệt và gia tăng tình trạng đối kháng. Nếu chúng ta cảm nhận và hiểu rõ sự thật này, không chỉ bằng ngôn từ hay trí tuệ, mà còn bằng toàn bộ sự tồn tại của mình, thì chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi một cách cơ bản mối tương quan giữa chúng ta với người khác; và chỉ khi đó chúng ta mới có thể đạt đến sự hợp nhất và tình anh em.

Hầu hết tâm trí của chúng ta bị xâm chiếm bởi đủ mọi loại sợ hãi và chỉ quan tâm đến sự an toàn riêng của bản thân. Chúng ta hy vọng rằng, bằng phép màu nào đó, các cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, và trong khi cáo buộc các nhóm quốc gia khác là những kẻ châm ngòi cho cuộc chiến tranh, thì đến lượt mình, họ lại đổ cho chúng ta gây ra thảm họa đó. Mặc dù rõ ràng chiến tranh là cái gây hại cho xã hội, nhưng chúng ta vẫn chuẩn bị cho chiến tranh và rèn giũa tinh thần thiện chiến ở thanh niên.

Nhưng sự huấn luyện quân sự có chỗ nào trong giáo dục không? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta muốn con cái của mình trở thành loại người nào. Nếu chúng ta muốn chúng trở thành những kẻ giết người có hiệu quả thì huấn luyện quân sự là cần thiết. Nếu chúng ta muốn rèn chúng vào kỷ luật và đưa chúng vào khuôn phép, nếu mục đích của chúng ta là biến chúng thành người yêu nước và theo đó là vô trách nhiệm với xã hội thì việc huấn luyện quân sự là phương cách hay để thực hiện điều đó. Nếu chúng ta thích chết chóc và hủy diệt, việc huấn luyện quân sự rõ ràng là quan trọng. Chức phận của các tướng lĩnh là lên kế hoạch và tiến hành chiến tranh; nếu ý định của chúng ta là có sự đấu tranh liên tục giữa chúng ta và những người bên cạnh mình, thì chúng ta còn ngần ngại gì mà không có thêm nhiều tướng lĩnh?

Nếu chúng ta sống chỉ để không ngớt đấu tranh trong chính bản thân chúng ta và với những người khác, nếu chúng ta muốn tiếp diễn cảnh nồi da xáo thịt và sự khốn cùng thì ắt phải có thêm nhiều binh lính hơn, nhiều nhà chính trị hơn, nhiều kẻ thù hơn – đó chính là điều đang thực sự diễn ra. Nền văn minh hiện đại được dựa trên bạo lực, và vì thế đang chuốc lấy chết chóc triền miên. Chừng nào chúng ta còn sùng bái sức mạnh, bạo lực sẽ là phương cách sống của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn hòa bình, nếu chúng ta muốn có quan hệ lành mạnh giữa con người với nhau, dù đó là người Kitô hay người Hindu, người Nga hay người Mỹ, nếu chúng ta muốn con cái mình là con người toàn diện, thì huấn luyện quân sự là một cản trở tuyệt đối, đó là cách khởi sự sai lầm.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thù hận và đấu đá lẫn nhau là niềm tin rằng một giai cấp hay chủng tộc này cao quý hơn một giai cấp hay chủng tộc khác. Trẻ em không có ý thức phân biệt giai cấp hay chủng tộc; chính môi trường gia đình, trường học làm cho em cảm thấy có sự phân biệt. Bản thân đứa trẻ không quan tâm đến việc người bạn chơi với em là người da đen hay người Do Thái, người thuộc đẳng cấp Brahmin(*) hay không phải là Brahmin; nhưng sự ảnh hưởng của toàn bộ cấu trúc xã hội đang liên tục khắc sâu vào đầu óc em, tác động và định hình cách nghĩ của em.

Vấn đề ở đây không phải với đứa trẻ mà với người lớn, tức những người đã tạo ra một môi trường phân biệt vô nghĩa và các giá trị sai lầm.

Đâu là cơ sở thực sự chỉ rõ sự phân biệt giữa con người với nhau như thế? Thân thể chúng ta có thể khác nhau về cấu trúc và màu da, gương mặt của chúng ta có thể mỗi người mỗi dạng, nhưng bên trong làn da chúng ta thì muôn người như một: tự phụ, tham vọng, ganh tị, bạo lực, ham mê sắc dục, cầu tìm quyền lực, v.v. Lột bỏ các nhãn mác ra, chúng ta hoàn toàn trần trụi; nhưng chúng ta không muốn đối mặt với tình trạng trần trụi của mình, và vì thế chúng ta cố bám vào các nhãn mác – điều đó cho thấy chúng ta còn chưa chín chắn như thế nào, chúng ta còn thực sự ấu trĩ ra sao.

Để đứa trẻ lớn lên tự do khỏi thành kiến, trước hết chúng ta phải tháo dỡ mọi thành kiến từ trong bản thân mình, rồi đến môi trường xung quanh – nghĩa là tháo dỡ cấu trúc của cái xã hội vô nghĩa mà chúng ta đã tạo dựng. Ở nhà, chúng ta có thể dạy cho đứa trẻ rằng ý thức về giai cấp hay chủng tộc là một việc hết sức phi lý, có lẽ các em sẽ đồng ý với chúng ta; nhưng khi các em đi đến trường và chơi cùng những trẻ khác, các em sẽ bị tiêm nhiễm cái tinh thần phân biệt lúc nào không hay. Điều này cũng có thể diễn ra theo chiều ngược lại: gia đình có thể có tinh thần truyền thống, hạn hẹp, và ảnh hưởng của nhà trường có thể rộng lớn hơn. Trong cả hai trường hợp đều có cuộc tranh chấp thường xuyên giữa môi trường gia đình và nhà trường, còn đứa trẻ bị kẹt ở giữa.

Để nuôi nấng đứa trẻ một cách lành mạnh, để giúp em phát triển khả năng nhận biết, giúp em thấy rõ các thành kiến ngu xuẩn này, chúng ta phải gần gũi với em. Chúng ta phải đề cập tới mọi vấn đề và để các em tham dự vào cuộc trò chuyện trí tuệ; chúng ta phải khuyến khích tinh thần truy vấn và bất mãn vốn đã có sẵn nơi các em, qua đó giúp các em phát hiện ra đâu là chân thực và đâu là giả dối.

Chính việc truy vấn thường xuyên, cảm giác không thực sự thỏa mãn, làm phát sinh trí tuệ sáng tạo; nhưng việc giữ cho tinh thần truy vấn và không bằng lòng luôn trong trạng thái tỉnh thức là điều cực kỳ khó, hầu hết mọi người đều không muốn con cái của họ có loại trí tuệ này, vì thật là khó chịu nếu phải sống với ai đó luôn truy vấn các giá trị đã được thừa nhận.

Tất cả chúng ta đều từng bất mãn khi còn trẻ; nhưng khổ nỗi, sự bất mãn của chúng ta sớm nguôi ngoai đi, và bị các xu hướng bắt chước và thói sùng bái uy quyền lấn át. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta bắt đầu bị khuôn định, cảm thấy thỏa mãn và e sợ. Chúng ta trở thành những nhà điều hành, giáo sĩ, các thư ký ngân hàng, các giám đốc nhà máy, các kỹ thuật viên, và sự suy đồi với tốc độ chầm chậm bắt đầu. Do muốn duy trì địa vị của mình, cho nên chúng ta ủng hộ cái xã hội đầy sự phá hoại đã đặt chúng ta vào đấy và mang lại cho chúng ta mức độ an toàn nhất định. Không có hy vọng nào cho hòa bình và trật tự trong thế giới cho đến khi nào giáo dục còn là nô lệ của chính quyền hay tôn giáo.

Chừng nào bạn vẫn còn là người New Zealand và tôi là người Ấn Độ thì việc nói về sự thống nhất của con người quả là điều phi lý. Làm sao chúng ta có thể hòa hợp với nhau nếu bạn sống ở đất nước bạn, còn tôi sống ở đất nước tôi, vẫn duy trì các thành kiến tôn giáo giữa bạn và tôi, và chúng ta vẫn có những cách hành xử khác nhau trước những vấn đề kinh tế? Làm sao có tình anh em được trong khi chủ nghĩa yêu nước còn gây chia rẽ con người với nhau, và hàng triệu người đang sống trong cảnh thiếu thốn trong khi những người khác lại sống quá sung túc? Làm sao con người có thể hợp nhất với nhau một khi các tín ngưỡng vẫn đang chia tách chúng ta, khi có sự thống trị của nhóm người này đối với nhóm người khác, khi người giàu thì đầy quyền lực còn người nghèo thì đang theo đuổi cái quyền lực ấy, khi có sự phân phối đất đai sai lầm, khi một số người được nuôi dưỡng thừa mứa còn biết bao nhiêu người thì đang đói rách?

Một trong những khó khăn đó là chúng ta không thực sự tha thiết đối với những vấn đề này, bởi lẽ chúng ta ngại bị xáo trộn. Chúng ta chỉ thích thay đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho bản thân, và vì thế chúng ta không thực sự quan tâm đến sự trống rỗng và cái thói bạo tàn của mình.

Có bao giờ chúng ta đạt được hòa bình bằng con đường bạo lực không? Phải chăng theo tiến trình chậm chạp của thời gian, chúng ta sẽ dần dần có được nền hòa bình? Đương nhiên, tình yêu không phải là vấn đề của sự đào luyện hay của thời gian. Hai cuộc chiến tranh thế giới vừa rồi, tôi tin, là cuộc chiến đấu vì nền dân chủ; hiện giờ chúng ta lại đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh quy mô hơn và có sức phá hoại hơn nữa, và mọi người ít được tự do hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta gạt sang một bên những trở ngại trên con đường đi đến sự thông hiểu, như uy quyền, lòng tin, chủ nghĩa dân tộc và toàn bộ tinh thần thứ bậc tôn ti? Chúng ta ắt sẽ là những con người không có uy quyền, tức những con người nằm trong mối tương quan trực tiếp với nhau – thế thì ắt sẽ có tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

Điều thiết yếu trong giáo dục, cũng như trong mọi lĩnh vực khác, là phải có con người hiểu biết thông tuệ và đầy tình yêu thương, trái tim họ không chất chứa những lời sáo rỗng, những sự kiến tạo của trí óc.

Nếu như sống có nghĩa là sống một cách hạnh phúc, với sự cẩn trọng từ trong ý nghĩ, sống với chính mình; và nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội thực sự khai minh, chúng ta phải có những nhà giáo dục hiểu sự phát triển toàn diện là gì và là những người có năng lực truyền đạt sự thông hiểu ấy cho các em học sinh.

Những nhà giáo dục có phẩm chất ấy ắt sẽ là mối đe dọa đối với cấu trúc xã hội hiện nay. Nhưng chúng ta không thực sự muốn xây dựng một xã hội khai minh; và bất cứ người thầy nào, với sự nhận biết đầy đủ các hàm ý của nền hòa bình, bắt đầu chỉ ra ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự ngu xuẩn của chiến tranh, ắt sẽ sớm mất chỗ đứng của mình. Do biết rõ điều này, hầu hết các nhà giáo dục đều thỏa hiệp, và theo đó góp phần duy trì hệ thống bóc lột và bạo lực hiện nay.

Chắc chắn, để phát hiện ra chân lý, chúng ta phải thoát khỏi tình trạng xung đột – diễn ra trong nội tâm mình, cũng như xảy ra với những người bên cạnh. Khi chúng ta không bị xung đột trong nội tâm, thì chúng ta sẽ không rơi vào cuộc xung đột với người khác. Chính sự xung đột trong nội tâm, được phóng chiếu ra bên ngoài, trở thành cuộc xung đột diễn ra trên thế giới.

Chiến tranh là sự phóng chiếu đẫm máu cho lối sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta đẩy cuộc sống của mình vào cuộc chiến; và nếu không có sự thay đổi tự thân thì chắc chắn sẽ xảy ra những cuộc đối chọi giữa các quốc gia hay các chủng tộc, những cuộc khẩu chiến ấu trĩ giữa các ý thức hệ, bội tăng lực lượng binh sĩ, đi theo những ngọn cờ, và vô số những kẻ tàn bạo được chiêu mộ để tạo ra cỗ máy giết người có tổ chức.

Nền giáo dục khắp thế giới đã thất bại, nó đã dẫn đến sự phá hoại và nỗi đau khổ ngày càng chồng chất. Các chính quyền đang huấn luyện thanh niên thành những binh lính và các kỹ thuật viên làm việc hiệu quả mà họ cần; việc tập hợp lực lượng đang được đẩy mạnh và sự định kiến đang được bồi đắp. Khi xét đến các sự kiện này, chúng ta phải truy vấn ý nghĩa của sự tồn tại, cũng như tầm quan trọng và mục đích của cuộc sống. Chúng ta phải tìm ra các phương tiện hữu ích để xây dựng một môi trường sống mới; vì môi trường sống có thể biến đứa trẻ thành một kẻ tàn ác, một chuyên gia lạnh lùng vô cảm, hay giúp em trở thành người có trí tuệ và sống có tình có nghĩa. Chúng ta phải tạo ra một chính quyền thế giới hoàn toàn khác, không dựa trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc, ý thức hệ hay bạo lực.

Tất cả điều này đòi hỏi chúng ta phải hiểu được trách nhiệm của mình trong mối tương quan qua lại với nhau; nhưng để hiểu được trách nhiệm của mình, chúng ta cần phải có lòng thương yêu, chứ không chỉ đơn thuần là học hỏi hay biết. Tình thương yêu của chúng ta càng lớn thì sức ảnh hưởng của nó đối với xã hội càng sâu rộng. Nhưng hết thảy chúng ta đều là những kẻ có não mà không có trái tim biết thương yêu; chúng ta đào luyện trí năng và khinh miệt sự khiêm cung, nhún nhường. Nếu chúng ta thực sự yêu thương con mình, chúng ta ắt sẽ muốn cứu và bảo vệ chúng, chúng ta ắt sẽ không để chúng trở thành vật hy sinh trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Tôi nghĩ chúng ta thực đam mê vũ khí, chúng ta thích sự biểu dương sức mạnh quân sự, thích đồng phục, các lễ nghi, nhậu nhẹt, huyên náo, bạo lực. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta là hình ảnh thu nhỏ của tính nông nỗi tàn bạo ấy, và chúng ta đang hủy hoại lẫn nhau qua sự ganh tị và thiếu suy nghĩ.

Chúng ta muốn giàu có; và càng giàu có bao nhiêu chúng ta càng trở nên tàn nhẫn bấy nhiêu, cho dù chúng ta có thể đóng góp số tiền lớn cho hoạt động từ thiện và giáo dục. Cướp bóc nạn nhân xong, chúng ta trả lại cho anh ta một chút ít chiến lợi phẩm ấy và gọi đó là hành vi nhân ái. Tôi không nghĩ là chúng ta nhận ra được những thảm họa mà chúng ta đang ngày ngày chuẩn bị cho nó. Hầu hết chúng ta sống mỗi ngày càng vội vã càng tốt và càng không suy nghĩ càng tốt, phó mặc đời mình cho các chính quyền, cho các chính trị gia ranh mãnh lèo lái.

Tất cả các chính phủ cầm quyền đều phải chuẩn bị cho chiến tranh. Để biến công dân của mình thành những chiến binh có năng lực cho cuộc chiến, chuẩn bị cho họ thực hiện các nghĩa vụ một cách nhuần nhuyễn thì đương nhiên chính quyền phải kiểm soát và thống trị họ. Họ phải được giáo dục để hành động như những cỗ máy, tức đạt hiệu quả một cách tàn nhẫn. Nếu mục đích và cứu cánh của cuộc sống là hủy diệt hay bị hủy diệt, thì nền giáo dục ấy phải khuyến khích sự tàn nhẫn; và tôi không dám chắc rằng đấy không phải là điều thâm tâm ta mong muốn, bởi lẽ sự tàn nhẫn luôn song hành với tâm lý sùng bái sự thành công.

Chính phủ cầm quyền không muốn công dân của nó được tự do, được tự suy nghĩ cho chính họ, và nó kiểm soát họ bằng tuyên truyền, bằng những diễn giải xuyên tạc lịch sử, v.v. Đó là lý do tại sao giáo dục càng ngày càng trở thành phương tiện để dạy cho người ta nghĩ đến cái gì chứ không phải nghĩ như thế nào. Nếu tư tưởng của chúng ta độc lập với hệ thống chính trị hiện hành thì chúng ta ắt sẽ bị nguy hiểm; các định chế tự do có thể đào tạo ra những người theo chủ nghĩa hòa bình hay những người có lối tư duy đối lập với chế độ chính trị hiện tồn.

Giáo dục đúng đắn rõ ràng là một mối đe dọa cho các chính phủ cầm quyền – vì thế nó được ngăn chặn bằng các biện pháp tinh vi và tàn bạo. Giáo dục và lương thực trong tay của nhóm thiểu số đã trở thành phương tiện kiểm soát con người; và các chính quyền, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, tỏ ra thờ ơ lãnh đạm cho đến khi nào chúng ta còn là những cỗ máy hữu hiệu để sản xuất ra hàng hóa và đạn dược.

Lúc này, điều đó đang xảy ra trên toàn thế giới. Chúng ta, những công dân và nhà giáo dục, cũng như những người chịu trách nhiệm cho các chính quyền hiện tồn, cơ bản không quan tâm đến tự do hay nô lệ, hòa bình hay chiến tranh, sung túc hay khốn cùng của con người. Chúng ta muốn những cuộc cải cách nhỏ giọt đây một chút kia một chút, nhưng hầu hết chúng ta đều sợ việc phá nát cái xã hội hiện tại và xây dựng một cấu trúc hoàn toàn mới mẻ, bởi lẽ việc này đòi hỏi phải có một sự thay đổi triệt để trong chính chúng ta.

Mặt khác, có những người tìm cách gây ra một cuộc cách mạng bạo lực. Bởi lẽ trước đây đã góp phần xây dựng trật tự xã hội hiện tồn với tất cả những cuộc xung đột, sự hỗn loạn và khốn cùng của nó, giờ đây họ lại ham muốn tổ chức một xã hội hoàn hảo. Nhưng liệu bất kỳ ai trong số chúng ta có thể tổ chức được một xã hội hoàn hảo khi chính chúng ta là những người đã tạo ra cái xã hội hiện thời? Tin rằng hòa bình có thể đạt được bằng bạo lực chẳng khác nào hy sinh hiện tại cho một lý tưởng trong tương lai; và việc tìm kiếm mục đích đúng đắn bằng những phương tiện sai lầm là một trong những nguyên nhân đã gây ra thảm họa hiện nay.

Sự bành trướng và ưu thế của các giá trị cảm tính tất yếu tạo ra chất độc là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, các biên giới kinh tế, các chính phủ toàn trị và tinh thần yêu nước cực đoan, tất cả những điều này ngăn trở sự hợp tác lẫn nhau giữa con người và làm thoái hóa mối tương quan giữa con người với nhau, chính là làm thoái hóa xã hội. Xã hội là mối tương quan giữa chúng ta và người khác; nếu không có sự thông hiểu sâu sắc mối tương quan này, không phải ở một cấp độ bất kỳ nào mà là sự thông hiểu toàn diện, như là một diễn trình toàn thể, thì chắc chắn chúng ta lại tạo ra cũng chính loại cấu trúc xã hội ấy thêm lần nữa, cho dù xét về bề mặt là có sự cải đổi.

Nếu chúng ta muốn thay đổi triệt để cách tương quan hiện nay của con người, cái đã làm cho thế giới lâm vào tình cảnh khốn khổ không kể xiết, thì nhiệm vụ duy nhất và ngay tức khắc của chúng ta là thay đổi chính bản thân bằng con đường hiểu biết chính mình. Vì thế, chúng ta quay trở lại với điểm mấu chốt là chính bản thân; nhưng chúng ta lại ưa lẩn tránh điểm mấu chốt ấy và chuyển trách nhiệm sang cho chính phủ, tôn giáo và ý thức hệ. Chính phủ là cái chúng ta đang là, còn tôn giáo và ý thức hệ là sự phóng chiếu của bản thân chúng ta; nếu chúng ta không thay đổi một cách căn cơ thì chúng ta không thể có được loại hình giáo dục đúng đắn cũng như không thể xây dựng được một thế giới hòa bình.

Sự an toàn bên ngoài cho tất cả mọi người chỉ có thể hiện diện khi có tình yêu thương và trí tuệ; và vì chúng ta đã tạo ra một thế giới đầy xung đột và khốn cùng mà trong đó sự an toàn bề ngoài nhanh chóng trở nên bất khả thi đối với bất kỳ người nào, nên chẳng phải nó đang cho ta thấy nền giáo dục trong quá khứ và hiện tại là hoàn toàn vô ích đó sao? Với tư cách là cha mẹ và là người thầy, trách nhiệm trực tiếp của chúng ta là đoạn tuyệt với lối tư duy truyền thống, và không chỉ dựa theo ý kiến của các nhà chuyên môn. Phương thức đã thể hiện tính hiệu quả trong việc mang lại cho chúng ta năng lực kiếm tiền, đó là lý do tại sao hầu hết chúng ta đều thỏa mãn với cấu trúc xã hội hiện tại; nhưng nhà giáo dục chân chính chỉ quan tâm đến lối sống đúng đắn, cách giáo dục đúng đắn và các phương tiện mưu sinh đúng đắn mà thôi.

Chúng ta càng vô trách nhiệm trong các vấn đề này nhiều bao nhiêu thì chính phủ lại phải đảm đương toàn bộ các trách nhiệm ấy nhiều bấy nhiêu. Chúng ta đang đối mặt, không phải với khủng hoảng kinh tế hay chính trị, mà với sự khủng hoảng xói mòn nhân phẩm đến mức không một đảng phái chính trị hay hệ thống kinh tế nào có thể cứu vãn được.

Một hiểm họa khác ngày càng đe dọa hơn đang đến gần, và hầu hết chúng ta đều chẳng có bất cứ động thái nào để ứng phó với nó. Chúng ta cứ sống lê lết hết ngày này qua ngày khác mà chẳng muốn thay đổi gì; chúng ta không muốn phủi bỏ hết mọi giá trị sai lầm của mình và bắt đầu lại. Chúng ta muốn thực hiện những cuộc cải cách có tính chắp vá, điều đó chỉ dẫn đến các vấn đề cần phải cải cách không ngừng nữa mà thôi. Tòa nhà đang sụp, các bức tường đang đổ và lửa đang thiêu rụi nó. Chúng ta phải rời khỏi tòa nhà ấy và bắt tay xây cái nền móng mới cùng với các nền tảng và các giá trị khác.

Chúng ta không thể loại bỏ kiến thức kỹ thuật, nhưng ở bình diện nội tâm, chúng ta có thể nhận biết sự xấu xa của mình, tính cách tàn bạo của mình, những dối trá và ranh ma, sự thiếu vắng hoàn toàn tình yêu của mình. Chỉ bằng cách khéo léo giải thoát mình ra khỏi tinh thần của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khỏi thói đố kỵ, ganh ghét và sự thèm khát quyền lực, thì chúng ta mới có thể xác lập được một trật tự xã hội mới.

Hòa bình sẽ không thể đạt được bằng cách đổi mới theo kiểu chắp vá hay đơn thuần sắp xếp lại các tư tưởng cũ và sự cuồng tín. Hòa bình chỉ có thể có được khi chúng ta hiểu ra cái ẩn đằng sau sự giả tạo bên ngoài, và do đó chặn đứng được cơn sóng tàn phá do tính gây hấn và nỗi sợ hãi của chính chúng ta gây ra; chỉ khi đó mới có hy vọng cho con cái chúng ta và sự cứu rỗi cho thế giới.


(*) Xã hội Ấn Độ chia thành 5 đẳng cấp chính:

– Cao nhất là đẳng cấp Brahmin, gồm các tăng lữ trông coi việc tế lễ, các triết gia, học giả.

– Kế tiếp là đẳng cấp Kshatriya, gồm các chiến binh, vua chúa.

– Vaishya, hay thương nhân, là giai cấp được trọng vọng trong xã hội vì họ có tiền.

– Thấp hơn là Shudra, bao gồm thợ thuyền, nông dân.

– Những người thấp kém hơn nữa được gọi là Dalit. Đây là thành phần “cùng đinh mạt hạng”, hoàn toàn không có địa vị trong xã hội và phải làm những công việc mà người khác cho là bẩn thỉu và hèn kém, như: quét đường, dọn phân…

Đạo Hindu có quy định là những người thuộc các đẳng cấp khác nhau không được lấy nhau; đẳng cấp của mỗi người được thừa kế từ đời này sang đời khác.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x