Trang chủ » Chương VI: Cha mẹ và người thầy

Chương VI: Cha mẹ và người thầy

by Hậu Học Văn
77 views

Loại hình giáo dục đúng đắn phải bắt đầu từ nhà giáo dục, người hiểu biết về chính mình và thoát khỏi những khuôn mẫu tư tưởng đã thiết lập sẵn; anh ta là người thế nào, anh ta sẽ truyền đạt như thế ấy. Nếu anh ta không được giáo dục đúng đắn, anh ta có thể dạy gì khác ngoài những kiến thức máy móc mà anh ta đã được truyền dạy? Vì thế, mấu chốt không phải là đứa trẻ mà là cha mẹ và người thầy; mấu chốt là phải giáo dục các nhà giáo dục.

Nếu những nhà giáo dục không hiểu biết chính mình, không hiểu mối tương quan giữa mình với đứa trẻ mà chỉ nhồi nhét thông tin cho em và giúp em vượt qua các kỳ thi, thì làm sao chúng ta có thể mang lại một nền giáo dục mới mẻ? Học sinh có mặt ở đó để được hướng dẫn và được giúp đỡ; nhưng nếu bản thân người hướng dẫn, người giúp đỡ còn bị hoang mang và hẹp hòi, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chất đầy lý thuyết, thì theo lẽ tự nhiên học trò của anh ta sẽ trở nên giống như anh ta, và cách giáo dục ấy trở thành nguồn gốc của mọi xung đột.

Nếu thấy được sự thật này, chúng ta sẽ nhận ra rằng việc bắt đầu từ giáo dục tự thân một cách đúng đắn là quan trọng đến dường nào. Quan tâm đến việc tự giáo dục cần thiết hơn nhiều so với lo lắng làm thế nào để tạo cuộc sống sung túc và an toàn cho tương lai của đứa trẻ.

Giáo dục nhà giáo dục – tức là làm cho anh ta hiểu biết chính mình – là một trong những nhiệm vụ thách thức nhất, bởi lẽ hầu hết chúng ta đã được kết tinh trong một hệ thống tư tưởng hay khuôn mẫu hành động sẵn có; chúng ta đã gắn chặt mình vào một ý thức hệ, vào một tôn giáo, hay một chuẩn mực ứng xử đặc thù nào đó. Đấy là lý do tại sao chúng ta dạy trẻ em nghĩ cái gì chứ không dạy chúng nghĩ như thế nào.

Hơn nữa, cha mẹ và người thầy chủ yếu đều bận tâm đến những cuộc xung đột và nỗi đau khổ của riêng họ. Dù giàu hay nghèo, hầu hết các bậc cha mẹ đều ngập chìm trong những mối lo lắng và thử thách cá nhân của họ. Họ không quan tâm tới tình trạng suy thoái đạo đức và xã hội hiện nay, họ chỉ muốn con cái mình được trang bị đầy đủ để xoay xở thành công trong thế giới này. Họ lo lắng về tương lai của con cái họ, hăm hở cho chúng đi học hết cái nọ đến cái kia để chiếm lĩnh những vị trí an toàn, hay dựng vợ gả chồng một cách êm đẹp.

Trái với những gì thường được tin tưởng, hầu hết các bậc cha mẹ không yêu thương con cái mình, cho dù họ nói là yêu thương chúng. Nếu các bậc cha mẹ thực sự yêu thương con cái, ắt hẳn họ sẽ không nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và dân tộc như là thứ đối nghịch với cái tổng thể, điều đã tạo ra sự phân chia chủng tộc và xã hội giữa con người với nhau, từ đó dẫn đến chiến tranh và đói nghèo. Quả thực lạ lùng, trong khi con người được đào tạo nghiêm ngặt để trở thành luật sư hay bác sĩ, họ lại có thể trở thành cha mẹ mà không trải qua bất cứ quá trình đào tạo nào để thích ứng với nhiệm vụ tối quan trọng này.

Bao giờ cũng thế, gia đình, cùng với những xu hướng nhất định của nó, khuyến khích tiến trình chia tách, do đó trở thành một nhân tố gây suy thoái trong xã hội. Chỉ khi nào có tình yêu thương và sự thông hiểu thì những bức tường phân cách sẽ sụp đổ, và nhờ thế gia đình không còn là một vòng tròn khép kín, nó không còn là một nhà tù hay nơi trú ẩn bất khả xâm phạm nữa; lúc đó cha mẹ sẽ gần gũi không những với con cái mình mà còn với hàng xóm láng giềng.

Bị mê mải trong những vấn đề của riêng mình, nhiều cha mẹ chuyển trách nhiệm chăm lo hạnh phúc của con cái họ cho người thầy, và thế là nhà giáo dục bỗng chốc kiêm luôn vai trò của bậc cha mẹ.

Anh ta buộc phải đối thoại nghiêm túc với họ, giải thích cho họ hiểu rằng tình trạng nhiễu nhương của thế giới là hình ảnh phản chiếu tình trạng hỗn loạn của cá nhân họ. Anh ta phải cho thấy rằng tiến bộ khoa học tự nó không mang lại sự thay đổi triệt để nào trong các giá trị hiện tồn; rằng việc huấn luyện kỹ thuật, mà giờ đây chúng ta gọi là giáo dục, không đem lại sự tự do cho con người, và cũng không khiến cho anh ta hạnh phúc hơn; và rằng quy định học sinh phải chấp nhận môi trường hiện tại sẽ không dẫn tới mở mang trí tuệ. Anh ta phải nói với họ những gì mà anh ta đang gắng sức làm cho con cái của họ, về cách anh ta bắt đầu công việc ấy như thế nào. Anh ta phải khơi dậy lòng tin tưởng của cha mẹ học sinh, không phải bằng cách tự coi mình là nhà chuyên môn đang đối xử với người bình thường vô học, mà bằng cách trò chuyện với họ về tính cách, những khó khăn và các thái độ của con em họ, v.v.

Nếu người thầy thực sự quan tâm đến đứa trẻ, thì các bậc cha mẹ sẽ tin tưởng anh ta. Trong quá trình này, người thầy đang giáo dục các bậc cha mẹ cũng như chính mình, và dĩ nhiên bản thân anh ta cũng học hỏi từ họ. Giáo dục đúng đắn là công việc đòi hỏi cả hai bên phải có sự kiên nhẫn, tôn trọng và quý mến nhau. Những người thầy được khai minh trong một cộng đồng khai minh có thể nghiên cứu làm thế nào để nuôi dạy đứa trẻ, và các thử nghiệm theo những đường lối này nên được tiến hành trên quy mô nhỏ bởi những người thầy biết quan tâm và những bậc cha mẹ biết suy nghĩ thấu đáo.

Các bậc cha mẹ có bao giờ tự hỏi rằng tại sao họ lại sinh con đẻ cái không? Họ có con để có người nối dõi, để của cải của họ có người trông nom, gìn giữ? Họ muốn có con chỉ vì hứng thú riêng của họ, tức để thỏa mãn những nhu cầu cảm xúc của chính họ? Nếu thế thì con cái sẽ là sự phóng chiếu những ham muốn và nỗi sợ hãi của cha mẹ chúng.

Các bậc cha mẹ có dám khẳng định rằng họ yêu thương con không, trong khi với cách dạy dỗ sai lầm như thế, họ đã nuôi dưỡng trong tâm hồn con trẻ thói đố kỵ, sự thù địch và tham vọng? Liệu tình yêu thương có phải là thứ kích động những mối xung đột giữa các quốc gia hay các chủng tộc, dẫn đến chiến tranh, hủy diệt và sự khốn cùng; liệu nó có đúng là thứ đặt con người vào thế chống lại con người nhân danh tôn giáo hay ý thức hệ?

Nhiều bậc cha mẹ định hướng con trẻ đi theo hướng xung đột và đau khổ, không những bằng cách cho phép em tuân phục thứ giáo dục sai lầm mà còn bằng phương cách họ dùng để lèo lái cuộc sống của chúng; rồi khi đứa trẻ lớn lên và lâm vào cảnh đau khổ, họ cầu nguyện cho em hay tìm cách bào chữa cho hành vi ứng xử của em. Sự chịu đựng đau khổ của cha mẹ về con cái là một hình thức than thân trách phận có phần ích kỷ; hình thức ấy chỉ tồn tại khi người ta không có tình yêu thương thực sự.

Nếu cha mẹ thương yêu con mình, họ sẽ không đồng hóa mình với bất cứ đất nước nào, vì sự sùng bái uy quyền sẽ dẫn đến chiến tranh khiến cho con em họ bị sát hại hay tàn phế. Nếu cha mẹ yêu thương con cái, họ sẽ biết đâu là mối tương quan đúng đắn nên có với của cải; vì cái bản năng sở hữu đã gán cho của cải một ý nghĩa to tát và sai lầm vốn đang tàn phá thế giới. Nếu cha mẹ yêu thương con cái, họ sẽ không mang tư tưởng tôn giáo cực đoan; vì tín điều và đức tin chia tách mọi người thành những nhóm xung đột, gây ra sự đối kháng giữa con người với nhau. Nếu cha mẹ thương yêu con cái, họ sẽ gạt bỏ sự đố kỵ và thói đấu đá, và sẽ bắt tay làm thay đổi một cách căn cơ cấu trúc xã hội hiện nay.

Chừng nào chúng ta vẫn còn mong muốn con cái mình sẽ là người có quyền lực, có địa vị quan trọng hơn và cao hơn, ngày một thành công hơn, thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa có tình yêu thương trong trái tim mình, bởi lẽ sự sùng bái thành công luôn khuyến khích sự xung đột và khốn cùng. Thương yêu con cái là hoàn toàn nằm trong mối tương giao với chúng, thấy rằng nền giáo dục đúng đắn sẽ giúp chúng trở thành người toàn diện, có trí tuệ và biết cảm thông.

Điều đầu tiên mà người thầy phải tự hỏi, khi quyết định dấn thân vào sự nghiệp “đưa đò”, đó là anh ta hiểu chính xác ý nghĩa của việc dạy học là gì. Anh ta sẽ dạy các bộ môn thông thường theo nếp cũ? Anh ta muốn định hình đứa trẻ trở thành một bánh răng trong cỗ máy xã hội, hay giúp em trở thành một con người toàn diện và sáng tạo, tức là trở thành mối đe dọa, thách thức đối với các giá trị sai lầm? Và nếu nhà giáo dục muốn giúp học trò của mình biết khảo sát và hiểu các giá trị, những ảnh hưởng đang tồn tại xung quanh em và em là một phần của những điều đó, thì liệu bản thân anh ta không cần phải ý thức về chúng hay sao? Nếu bản thân mình mù lòa thì làm sao có thể giúp người khác qua sông được?

Chắc chắn người thầy lúc nào cũng phải tỉnh táo, ý thức sâu sắc về những tư tưởng và tình cảm của mình, ý thức về những cách mình đã bị quy định, ý thức về các hoạt động và những phản ứng của mình; vì chính sự quan sát đầy thận trọng này làm cho trí tuệ nảy sinh, và cùng với trí tuệ là sự thay đổi triệt để trong mối tương quan giữa anh ta với người khác, với sự vật hay sự việc khác.

Trí tuệ không liên quan gì đến chuyện vượt qua các kỳ thi cử. Trí tuệ là sự nhận biết tự khởi giúp cho con người trở nên mạnh mẽ và tự do. Để khơi dậy trí tuệ ở đứa trẻ, chúng ta phải bắt đầu từ chỗ hiểu trí tuệ là gì; bởi lẽ làm sao chúng ta có thể bắt một đứa trẻ phải là người có trí tuệ nếu bản thân vẫn khư khư giữ mình là một kẻ không có trí tuệ? Vấn đề không chỉ là những khó khăn của học sinh, mà còn là những khó khăn của chính chúng ta: Nỗi sợ hãi, sự bất hạnh và thất vọng ngày càng chất chồng mà chúng ta không thoát ra được. Để giúp đứa trẻ trở nên có trí tuệ, chúng ta phải tháo dỡ trong bản thân mình những rào cản đã khiến chúng ta trở nên đần độn và thiếu chín chắn.

Làm sao chúng ta có thể dạy dỗ đứa trẻ không tìm kiếm sự an toàn cho bản thân trong khi chính chúng ta lại theo đuổi điều ấy? Có còn hy vọng gì cho đứa trẻ nếu chúng ta, những kẻ làm cha, làm mẹ và làm thầy, hoàn toàn không có khả năng tinh nhạy trước cuộc sống, nếu chúng ta dựng lên những bức tường phòng vệ quanh mình? Để phát hiện ra ý nghĩa đích thực của cuộc đấu tranh cho sự an toàn này, tức là cuộc đấu tranh đang gây ra những cảnh hỗn loạn trên thế giới, chúng ta phải bắt tay vào việc khơi dậy trí tuệ của chính mình bằng cách ý thức về các diễn trình tâm lý của chúng ta; chúng ta phải bắt đầu truy vấn mọi giá trị hiện đang rào quanh chúng ta.

Chúng ta nên dừng việc thích ứng một cách thiếu suy nghĩ với khuôn mẫu mà chúng ta tình cờ được nuôi dưỡng trong đó. Nếu chúng ta không hiểu mình thì làm thế nào chúng ta có thể sống một cách hài hòa với chính mình và với xã hội? Nếu nhà giáo dục không hiểu về anh ta, nếu anh ta không nhận biết được các phản ứng có điều kiện của mình và bắt tay vào việc giải phóng bản thân khỏi các giá trị hiện tồn, thì làm thế nào anh ta có thể khơi dậy được trí tuệ nơi đứa trẻ? Và nếu anh ta không đủ sức khơi dậy trí tuệ nơi đứa trẻ thì chức năng của anh ta, với tư cách là nhà giáo dục, là gì đây?

Chỉ bằng cách hiểu rõ những lề lối của tư tưởng và tình cảm trong chính mình, chúng ta mới thực sự có thể giúp đứa trẻ trở thành con người tự do; và nếu nhà giáo dục tha thiết quan tâm tới điều này, anh ta sẽ có ý thức cao độ không chỉ về đứa trẻ mà còn về bản thân mình.

Chẳng mấy ai trong chúng ta chịu quan sát những tư tưởng và tình cảm của chính mình một cách thường xuyên. Nếu chúng rõ ràng là xấu xa gớm ghiếc, chúng ta không chịu tìm hiểu toàn bộ ý nghĩa của chúng, mà chỉ cố gắng kiểm soát hay gạt chúng sang một bên. Chúng ta không có ý thức sâu sắc về chính mình; các tư tưởng và tình cảm của chúng ta là những thứ rập khuôn, sáo rỗng và tự động một cách máy móc. Chúng ta học vài ba môn học, lượm lặt vài thông tin, rồi cố chuyển tải nó sang cho đứa trẻ.

Nhưng nếu chúng ta thiết tha với nền giáo dục, chúng ta không những ra sức tìm hiểu những thể nghiệm khác nhau trong nền giáo dục trên toàn thế giới, mà chúng ta muốn có một ý niệm rõ ràng về cách tiếp cận riêng của mình cho toàn bộ vấn đề này; chúng ta sẽ tự hỏi mình tại sao chúng ta phải giáo dục con cái và giáo dục chính mình, và chúng ta làm việc ấy vì mục đích gì; chúng ta sẽ truy vấn ý nghĩa về sự tồn tại, xem xét mối tương quan giữa cá nhân với xã hội, v.v. Chắc chắn nhà giáo dục phải có ý thức về những vấn đề này và cố gắng giúp trẻ em phát hiện ra sự thật liên quan đến chúng, mà không cần phóng chiếu vào chúng những nét tính cách và những nếp nghĩ của chính mình.

Chỉ tuân theo một hệ thống, dù đó là hệ thống chính trị hay giáo dục, sẽ không bao giờ giải quyết được nhiều vấn đề xã hội của chúng ta, và việc hiểu rõ cách tiếp cận vấn đề thì quan trọng hơn nhiều so với việc hiểu chính vấn đề ấy.

Nếu trẻ em muốn thoát khỏi nỗi sợ hãi – dù đó là sợ cha mẹ, sợ môi trường sống hay sợ Thượng đế – thì bản thân nhà giáo dục phải không sợ hãi. Nhưng đấy mới là khó khăn: tìm được người thầy mà không phải là miếng mồi của loại sợ hãi nào đó. Sợ hãi khiến cho tư duy thu hẹp lại và hạn chế óc sáng tạo, và người thầy mang nỗi sợ trong mình đương nhiên sẽ không thể chuyển tải ý nghĩa sâu xa của việc sống không sợ hãi. Cũng như lòng tốt, nỗi sợ hãi cũng lan truyền. Nếu bản thân nhà giáo dục e sợ một cách kín đáo, anh ta vẫn sẽ chuyển nỗi sợ sang học trò của mình, cho dù sự lây lan đó không được nhận thấy ngay tức thời.

Chẳng hạn một người thầy e sợ công luận; anh ta nhận thấy sự phi lý của nỗi sợ này nhưng không thể chế ngự nó. Anh ta sẽ làm gì? Ít ra anh ta có thể thừa nhận nó với chính mình và có thể giúp học trò hiểu nỗi sợ bằng cách tạo ra phản ứng tâm lý của riêng mình và nói ra một cách cởi mở về điều đó với các em. Lối tiếp cận chân thành và trung thực này sẽ khuyến khích học sinh cởi mở, thẳng thắn với bản thân và với người thầy rất nhiều.

Để mang lại sự tự do cho đứa trẻ, nhà giáo dục phải tự ý thức về những hàm ý và ý nghĩa của sự tự do. Noi gương và cưỡng ép dưới bất cứ hình thức nào đều không giúp ta tạo dựng được sự tự do, mà trái lại chỉ có trong tự do chúng ta mới phát hiện ra chính mình và có được sự thấu triệt sâu sắc.

Đứa trẻ chịu ảnh hưởng bởi những con người và sự vật quanh em, nhà giáo dục chân chính phải giúp em nhận diện những ảnh hưởng này và giá trị đích thực của các em. Dựa vào uy quyền của xã hội hay truyền thống, ta không thể nhận chân những giá trị đích thực; mà chỉ trong sự suy nghĩ thấu đáo, chúng mới có thể bộc lộ ra.

Nếu hiểu điều này, ngay từ sớm chúng ta sẽ khuyến khích học sinh khơi dậy sự thấu triệt sâu sắc về các giá trị cá thể và xã hội hiện nay. Chúng ta sẽ khuyến khích các em tìm ra giá trị chân thực của mọi sự, chứ không phải tìm ra một tập hợp các giá trị nào đó. Chúng ta sẽ giúp các em thôi sợ hãi, tức là thoát khỏi mọi sự thống trị, cho dù đó là sự thống trị của người thầy, của gia đình hay của xã hội, làm sao đó để các em có thể phát triển trong tình yêu thương và sự tốt lành. Vì thế, khi giúp học sinh hướng đến sự tự do, nhà giáo dục cũng thay đổi các giá trị của mình; anh ta cũng phải bắt đầu loại bỏ cái “tôi” và “của tôi”, tức cái bản ngã của anh ta, và anh ta cũng triển nở trong tình yêu thương và sự tốt lành. Quá trình giáo dục lẫn nhau này tạo ra một mối tương quan hoàn toàn khác giữa người thầy và người trò.

Bất cứ sự thống trị hay cưỡng ép nào cũng đều là một trở ngại trực tiếp đối với tự do và trí tuệ. Nhà giáo dục chân chính là người không có uy quyền, không có quyền lực trong xã hội; anh ta vượt ra khỏi các sắc lệnh và sự thưởng phạt của xã hội. Nếu chúng ta giúp học sinh thoát ra khỏi những trở ngại của mình, do chính em hay môi trường của em tạo ra, thì mọi hình thức cưỡng ép và thống trị phải được hiểu rõ và được gạt sang một bên; và điều này không thể được thực hiện nếu chính nhà giáo dục cũng không giải thoát mình khỏi mọi thứ uy quyền hủ bại.

Theo gót người khác, dù người ấy có vĩ đại đến mức nào, ngăn cản ta nhận diện ra những phương cách tồn tại của cái tôi; chạy theo lời hứa hẹn về một xã hội Không tưởng được hình thành sẵn nào đó khiến cho tâm trí hoàn toàn không nhận biết về hành động ngấm ngầm của sự ham muốn cảm giác thoải mái, quyền lực, muốn ai đó giúp đỡ. Giáo sĩ, chính trị gia, luật sư, người lính, tất cả đều ở đó để “giúp” chúng ta; nhưng sự giúp đỡ như thế hủy hoại trí tuệ và sự tự do. Sự giúp đỡ mà chúng ta cần không nằm ở bên ngoài bản thân. Chúng ta không phải đi van nài sự giúp đỡ; nó sẽ đến mà không cần chúng ta phải mất công tìm miễn là chúng ta khiêm cung trong việc dâng hiến của mình, miễn là chúng ta cởi mở với sự thông hiểu về những thử thách và những biến cố hằng ngày.

Chúng ta phải tránh sự thèm khát, ý thức cũng như vô thức, có được sự ủng hộ hay công nhận, vì thèm khát như thế tạo ra phản ứng riêng của nó, tức luôn làm cho ta thỏa mãn. Ta sẽ cảm thấy dễ chịu khi có ai đó công nhận ta, đưa đường dẫn lối cho ta, làm ta nguôi ngoai; nhưng thói quen dựa dẫm vào người khác, coi họ như là người hướng dẫn và có thẩm quyền, sớm sẽ trở thành thuốc độc trong nội tâm chúng ta. Lúc chúng ta phụ thuộc vào người khác để họ hướng dẫn là lúc chúng ta đã lãng quên dự định ban đầu của mình, đó là khơi dậy sự tự do và trí tuệ cá thể.

Mọi uy quyền đều là trở ngại, và điều cốt yếu là nhà giáo dục không được trở thành người có uy quyền đối với học trò mình. Việc thiết lập uy quyền vừa là một quá trình ý thức vừa là một quá trình vô thức.

Người học trò đang hoang mang, đang mò mẫm, còn người thầy thì đang chắc chắn trong kiến thức và vững vàng trong kinh nghiệm của mình. Sự vững vàng và chắc chắn của người thầy mang lại sự bảo đảm cho người trò, là những người có xu hướng muốn tắm mình trong ánh mặt trời ấy; nhưng sự bảo đảm ấy không kéo dài, cũng không thực chất. Một người thầy khuyến khích học trò, dù ý thức hay vô thức, thì sự phụ thuộc vào điều ấy sẽ không thể nào giúp được nhiều cho học trò của mình. Anh ta có thể lấn át chúng bằng kiến thức, làm chúng lóa mắt bằng cá tính của mình, nhưng anh ta không phải là nhà giáo dục đúng đắn vì kiến thức và kinh nghiệm là sự nghiện ngập của anh ta, sự an toàn của anh ta, nhà tù của anh ta; cho đến khi anh ta không tự mình thoát ra khỏi chúng thì anh ta không thể giúp học trò trở thành con người toàn diện được.

Để trở thành nhà giáo dục đúng đắn, người thầy phải thường xuyên giải thoát mình ra khỏi sách vở và phòng thí nghiệm; anh ta luôn phải tự canh chừng để đảm bảo rằng học sinh không biến anh ta thành một tấm gương để noi theo, một lý tưởng, một uy quyền. Khi người thầy mong muốn hiện thực hóa chính mình nơi học trò, khi sự thành công của chúng là sự thành công của anh ta, thì việc giảng dạy là một hình thức tiếp nối bản thân mình, lối giảng dạy ấy có hại cho việc nhận biết chính mình và cho sự tự do. Nhà giáo dục chân chính phải ý thức về tất cả những trở ngại này để giúp học trò thoát khỏi không chỉ uy quyền của anh ta mà còn những dạng thức theo đuổi khiến cho các em tự vây bọc mình lại.

Khổ nỗi hầu hết những người thầy lại không coi người trò như là một đối tác bình đẳng; từ vị trí cao hơn, họ chỉ dẫn cho học sinh, những người ở vị trí thấp hơn họ nhiều. Mối tương quan như thế làm tăng thêm nỗi sợ hãi cả ở người thầy lẫn ở người trò. Điều gì đã làm cho mối tương quan này trở nên không bình đẳng? Có phải người thầy sợ người ta phát hiện ra điều ấy? Có phải anh ta tạo ra khoảng cách để bảo vệ sự cao quý của mình, tầm quan trọng của mình, tính dễ tự ái của mình? Thái độ cách biệt cao ngạo ấy không giúp ích được gì cho việc tháo dỡ những rào cản đang chia cách các cá nhân. Sau rốt, nhà giáo dục và học trò của anh ta đang giúp đỡ lẫn nhau để giáo dục chính họ.

Tất cả mối tương quan đều phải là sự giáo dục lẫn nhau; và vì sự cô lập có tính phòng vệ được tạo ra bởi kiến thức, bởi sự thành đạt, bởi tham vọng, chỉ làm tăng thêm lòng đố kỵ và sự chống đối, nhà giáo dục thực thụ phải vượt lên trên những bức tường mà anh ta bao quanh chính mình.

Vì anh ta chỉ dâng hiến mình cho sự tự do và sự hợp nhất toàn diện của cá thể, nhà giáo dục chân chính là người có tâm hồn tôn giáo thực sự và sâu sắc. Anh ta không thuộc về bất cứ giáo phái nào, bất cứ tôn giáo nào; anh ta thoát ly khỏi các đức tin và nghi lễ, vì anh ta biết chúng chỉ là những ảo tưởng, những hư cấu tưởng tượng, sự mê tín được phóng chiếu bởi ham muốn của những ai tạo nên chúng. Anh ta biết rằng thực tại, hay Thượng đế, chỉ bắt đầu hiện hữu khi có sự nhận biết chính mình và theo đó mới nảy sinh tự do.

Những người không có bằng cấp học thuật thường trở thành người thầy giỏi bởi lẽ họ có tinh thần sẵn sàng thử nghiệm; do không phải là nhà chuyên môn, họ quan tâm đến việc học trong cuộc sống và hiểu về cuộc sống. Đối với người thầy đích thực, dạy học không phải là một thứ kỹ thuật, nó là phương cách sống của anh ta; cũng giống như nghệ sĩ lớn, anh ta thà chết đói chứ không từ bỏ công việc sáng tạo của mình. Nếu không đam mê nồng cháy việc dạy học, ta không nên làm thầy. Điều hết sức quan trọng là hãy khám phá xem mình có cái tài này không và có phải mình chọn công việc dạy học chỉ đơn giản đó là một phương kế sinh nhai không.

Chừng nào việc dạy học chỉ là một cái nghề, một phương tiện kiếm sống, chứ không phải là một thiên chức, thì chừng ấy chắc chắn giữa thế giới và bản thân chúng ta còn một khoảng trống rất lớn: Cuộc sống gia đình và công việc của chúng ta vẫn còn tách rời và khu biệt. Chừng nào giáo dục chỉ là một nghề như bao nghề khác, thì sự xung đột và thù địch giữa các cá nhân, giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội là không thể tránh được; sẽ có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự theo đuổi tham vọng cá nhân bất chấp đạo lý; hố phân cách giữa quốc gia và chủng tộc, tức nguyên nhân của sự đối kháng và chiến tranh triền miên, sẽ càng bị đào sâu.

Nhưng nếu chúng ta thực sự tận tâm tận lực để là một người thầy đúng nghĩa, chúng ta không dựng lên những rào cản giữa cuộc sống ở nhà và cuộc sống ở trường, bởi ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng đều quan tâm tới sự tự do và trí tuệ. Chúng ta sẽ có cái nhìn bình đẳng giữa trẻ con nhà giàu và trẻ con nhà nghèo, xem mỗi đứa trẻ như là một cá thể với nét tính cách riêng, có tính di truyền, những ước vọng… riêng. Chúng ta không quan tâm đến lớp học, không quan tâm đến điểm mạnh và điểm yếu, mà chỉ quan tâm đến sự tự do và sự hợp nhất toàn diện của cá thể.

Giáo dục đúng đắn phải hoàn toàn mang tính tự nguyện. Nó không nên là kết quả của bất kỳ sự thuyết phục nào, hay bất kỳ kỳ vọng thành tựu cá nhân nào; và nó phải tránh những nỗi sợ hãi nảy sinh từ sự thèm khát thành công và tạo ra những thành tựu. Đồng hóa bản thân với thành công hay thất bại vẫn là động cơ cá nhân. Nếu dạy học là một thiên chức, nếu người ấy xem giáo dục đúng đắn như là một nhu cầu sống còn của mình, thì anh ta sẽ không cho phép mình bị trở ngại, bị lệch lạc bởi những tham vọng của chính mình hoặc của người khác; anh ta sẽ có thời gian và cơ hội cho công việc này, sẽ bắt tay thực hiện nó mà không cần tới sự khen thưởng, danh dự hay danh tiếng. Thế thì tất cả những thứ khác – gia đình, sự an toàn, sự an nhàn – trở nên ít quan trọng hơn.

Nếu chúng ta có thái độ nghiêm túc trong việc trở thành người thầy đích thực, chúng ta sẽ phải có khả năng bày tỏ thái độ không thỏa nguyện, không phải với một hệ thống giáo dục đặc thù nào đó, mà với tất cả các hệ thống, vì chúng ta biết rằng không một phương pháp giáo dục nhất định nào có thể giải phóng cá nhân được. Một phương pháp hay một hệ thống nhất định có thể quy định cá thể vào một tập hợp các giá trị khác, chứ nó không thể giúp anh ta trở thành người tự do.

Chúng ta không được để mình rơi vào hệ thống đặc thù của riêng mình, cái mà trí óc ta luôn luôn có xu hướng kiến tạo nên. Có một khuôn mẫu ứng xử, hành động là một thủ thuật thuận tiện và an toàn, và đó là lý do tại sao trí óc tìm nơi trú ẩn trong các công thức của nó. Bao giờ cũng giữ mình tỉnh táo là điều không mấy dễ chịu và cần nỗ lực cao độ, trong khi việc khai triển và phục tùng một phương pháp thì không đòi hỏi phải suy nghĩ gì.

Sự lặp lại và thói quen khiến cho trí óc trở nên biếng nhác, trì trệ; chúng ta cần phải xốc nó dậy. Chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách giải thích, biện minh và kết án, tất cả những điều đó chỉ khiến cho trí óc lại rơi vào cơn ngái ngủ của nó mà thôi. Trí óc luôn là con mồi bị cơn ngái ngủ chụp bắt, và nhà giáo dục đúng đắn không chỉ chấm dứt nó trong bản thân người dạy mà còn giúp học trò cũng ý thức về điều đó.

Có người sẽ hỏi: “Làm thế nào để trở thành nhà giáo dục đích thực?”. Hỏi “làm thế nào” cho thấy đó không phải là một tâm trí tự do mà là một tâm trí sợ sệt, nhút nhát, một tâm trí đang tìm cái có thuận lợi, cái kết quả. Hy vọng và nỗ lực trở thành cái gì đó chỉ khiến cho tâm trí tuân phục cái kết cục mong muốn, trong khi tâm trí tự do thì lại luôn canh chừng, học hỏi và theo đó đang vượt qua những rào cản tự vệ của chính nó.

Tự do là khởi điểm của hành động, nó không phải là cái gì đó đạt được sau cùng. Lúc người ta hỏi câu hỏi “làm thế nào” là người ta đã đối mặt với những khó khăn không thể vượt qua, và người thầy nhiệt thành cống hiến đời mình cho giáo dục sẽ không bao giờ hỏi câu hỏi này, bởi lẽ anh ta biết rằng chẳng có phương pháp nào có thể giúp người ta trở thành nhà giáo dục đúng nghĩa. Nếu thật sự sống chết với nghề, người ta sẽ không đòi hỏi một phương pháp đảm bảo cho họ đạt được kết quả như ý muốn.

Liệu có hệ thống nào giúp chúng ta trở nên có trí tuệ không? Chúng ta có thể trải qua một loại hệ thống nào đó, có được bằng cấp…, nhưng rồi chúng ta sẽ trở thành nhà giáo dục, hay chỉ thành thực thể được nhân cách hóa của một hệ thống? Tìm cầu sự khen thưởng, muốn được gọi là nhà giáo dục xuất sắc, là thèm khát được công nhận và tán dương; đôi lúc người ta cảm thấy dễ chịu vì được đánh giá cao hay được khuyến khích, nếu phụ thuộc vào nó, nó sẽ trở thành một thứ thuốc mà chẳng mấy chốc người ta không còn hứng thú nữa. Mong được người đời đánh giá cao và khích lệ là hoàn toàn không chín chắn.

Nếu muốn sáng tạo ra một cái gì đó mới mẻ, cần phải có sự tỉnh táo và năng lượng, chứ không phải mất thì giờ vào những cuộc tranh cãi vặt vãnh, vô bổ. Nếu một người cảm thấy chán chường trong công việc của mình, thì sự buồn bực và mệt mỏi nhìn chung sẽ kéo tới. Nếu không có niềm vui thích, thì rõ ràng chúng ta không nên tiếp tục công việc dạy học.

Nhưng tại sao ở những người thầy lại thường thiếu niềm vui dạy học đến vậy? Đâu là nguyên nhân làm cho họ cảm thấy chán chường? Chán chường không phải là kết quả của việc bị hoàn cảnh buộc phải làm thứ này hay thứ khác, nó nảy sinh khi chúng ta không thực sự biết mình muốn làm gì. Do mù mờ về bản thân, chúng ta bị đời đưa đẩy lênh đênh, và cuối cùng cập vào bến đỗ hoàn toàn không có niềm vui thích nào dành cho ta.

Nếu dạy học là một thiên chức thực sự, chúng ta có thể cảm thấy chán nản tạm thời vì đã không nhìn thấy con đường thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn trong nền giáo dục hiện tại; nhưng lúc ta nhìn thấy và hiểu những hàm ý của loại giáo dục đúng đắn, chúng ta sẽ có lại động lực và sự nhiệt tình cần thiết. Điều đó không liên quan đến ý muốn hay quyết tâm, mà liên quan đến sự nhận biết và thông hiểu.

Nếu việc dạy học là thiên chức của ta, và nếu ta nhận biết được tầm quan trọng của loại hình giáo dục đúng đắn, thì ta không thể không trở thành nhà giáo dục đích thực. Không cần phải đi theo bất cứ một phương pháp nào. Chính việc hiểu rằng giáo dục đúng đắn là hoàn toàn không thể thiếu nếu chúng ta muốn đạt được sự tự do và sự hợp nhất toàn diện, tạo ra sự thay đổi nền tảng trong bản thân ta. Nếu chúng ta ý thức được rằng hòa bình và hạnh phúc chỉ có thể có cho con người nhờ vào sự giáo dục đúng đắn, thì theo lẽ tự nhiên chúng ta sẽ dành toàn bộ cuộc đời và niềm vui thích của mình cho nó.

Chúng ta dạy học vì chúng ta mong muốn đứa trẻ trở thành người có đời sống nội tâm phong phú, điều đó sẽ giúp em có được cái nhìn đúng đắn về việc sở hữu của cải. Nếu không có đời sống tinh thần phong phú, thì các sự vật ở bên ngoài trở nên quan trọng quá mức, dẫn đến sự hủy hoại và khốn cùng. Chúng ta dạy học là để khuyến khích học sinh phát hiện ra thiên chức của các em, và tránh sa vào những nghề làm gia tăng tình trạng đối kháng giữa con người với nhau. Chúng ta dạy học là để giúp những người trẻ nhận thức chính mình, nếu không làm vậy thì sẽ không thể có nền hòa bình, cũng như không thể có hạnh phúc lâu bền. Việc dạy học không phải là sự hiện thực hóa cái tôi, mà là sự từ bỏ cái tôi của mình.

Nếu không có loại hình dạy học đúng đắn, ảo tưởng sẽ thế chỗ cho thực tại, và thế là cá nhân mãi mãi sống trong sự xung đột nội tâm, và do đó trong mối tương quan giữa bản thân với người khác luôn xảy ra xung đột. Chúng ta dạy học vì chúng ta thấy rằng chỉ có việc nhận thức chính mình, chứ không phải những tín điều hay những nghi lễ tôn giáo, mới có thể mang lại một tâm hồn tĩnh lặng; và sự sáng tạo, chân lý, Thượng đế hiển lộ một khi cái “tôi” và “của tôi” đã được vượt qua.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x