Trang chủ » Đại Học – Phần Truyện [Chương 6 – 9]

Đại Học – Phần Truyện [Chương 6 – 9]

by Hậu Học Văn
134 views

Chương VI. Thành Ý

Điều gọi là “thành thật ý mình”, ấy là đừng tự lừa dối mình; như ghét mùi hôi thối, như ưa thích cảnh tượng đẹp. Đó gọi là tự cảm thấy thỏa ý. Cho nên bậc quân tử ắt phải thận trọng lúc ở một mình.

Kẻ tiểu nhân ở rảnh rỗi thì làm điều chẳng tốt lành; chẳng có gì không làm. Thấy bậc quân tử thì e ngại, che đậy điều xấu của mình, mà bày tỏ điều tốt ra. Người ta nhìn mình như trông thấy cả phổi gan. Thế thì ích lợi gì? Đó gọi là thành tựu ở trong thì hiện rõ ra ngoài. Cho nên bậc quân tử ắt phải thận trọng lúc ở một mình.

Tăng tử nói rằng: “Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào đáng sợ lắm thay!”

Giàu có làm cho nhà cửa đẹp đẽ; đức hạnh làm cho thân thể nhuần nhã. Tâm hồn rộng mở, thân thể thư thái. Cho nên bậc quân tử ắt phải thành thật ý mình.

Trên đây là chương thứ sáu của phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa] “thành ý”.

BÌNH GIẢI:

Thành kỳ ý” là bước thứ ba trong Bát điều mục, tính từ thấp lên cao, từ gốc tới ngọn, tức là từ “cách vật” cho tới “bình thiên hạ.”

Trước khi đạt tới “thành kỳ ý”, người tu đạo đại học phải thành tựu hai bước “cách vật” và “trí tri.” Có cách vật mới hiểu thấu đáo (trí tri); hiểu thấu đáo mới có thể “thành ý”.

Lời Kinh nói: “Tri chí nhi hậu ý thành: Hiểu biết thấu đáo rồi sau mới có ý thành thật.” Phần Truyện của chương này nói rõ thế nào là thành thật ý mình.

Truyện nói: “Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi dã: Điều gọi là thành thật ý mình, ấy là đừng tự lừa dối mình.”

Điều đó có nghĩa là: sau khi đã cách vật trí tri, người ta biết sự vật nào, thói quen nào là tốt (thiện), sự vật nào, thói quen nào là xấu (ác), là có hại cho tinh thần thể xác mình, thì mình phải nhận thật như vậy, không cho điều thiện là xấu, không cho điều ác là tốt.

Người viết phần Truyện ở đây đưa ra ví dụ: sự nhận thật này hết sức tự nhiên y như người ta nhận thật mùi hôi thối (ác xú) và nhận thật cảnh tượng đẹp (hảo sắc) vậy. Nhận thật mùi hôi thối thì ghét () ngay; nhận thật cảnh tượng đẹp thì ưa thích (hiếu) ngay. Đó là sự thành thật, không dối trá một cách tự nhiên đối với mọi người không kể tiểu nhân hay quân tử, không kể người tu hành hay không tu, không cần tính toán, đắn đo. (Như ố ác xú, như hiếu hảo sắc.)

Vậy, đối với việc tu đạo đại học cũng thế. Một khi chúng ta đã nhận thật cái gì là thiện thì phải ưa thích ngay, đã nhận thật cái gì là ác thì phải ghét ngay. Được như vậy, tức là chúng ta không tự lừa dối mình (vô tự khi).

Tình trạng xảy ra “ghét” hay “yêu” trong tâm hồn một cách tự nhiên về mùi hôi thối, về cảnh tượng đẹp làm cho người ta thỏa ý (khiểm), bởi vì tự cảm thấy mình không bị ép buộc phải dối lòng. Đó gọi là “tự khiểm” (hay tự khiêm), tức là thành khẩn nhận thấy như vậy, không hề thêm bớt, không hề cường điệu hóa gì cả! (Thử chi vị tự khiểm.)

Cái tình cảm “ghét” hay “yêu” diễn ra đối với mùi hôi thối hay đối với cảnh tượng đẹp cũng phải được áp dụng cho trường hợp người ta đối ứng với điều ác và điều thiện: nhận thấy điều ác (xấu) thì ghét, nhận thấy điều thiện (tốt) thì yêu. Đó mới gọi là thành thật ý mình, tức là không bị ép buộc hay không tự lừa dối mình.

Thấy điều thiện thì ý mình tự nhiên yêu, thấy điều ác thì ý mình tự nhiên ghét, không bị luật pháp nào cưỡng bức, không bị ai hăm dọa trừng phạt. Như thế cũng gọi là được tự thỏa ý.

Thế thì việc thành ý hoàn toàn chỉ có tự mình biết, tự mình hay, không ai biết, không ai can thiệp vào được. Giả như mình có dối trá với lòng mình ít nhiều gì, cũng chẳng ai biết. Vì thế người viết phần Truyện nói:

Cố quân tử tất thận kỳ độc dã: cho nên bậc quân tử ắt phải thận trọng lúc ở một mình.”

Tại sao vậy? Bởi vì khi ở một mình, không ai hay biết, người ta rất dễ đổi ý: yêu thích cái điều đáng ra phải ghét, hoặc ghét cái điều đáng ra phải yêu thích!

Nếu tráo trở như thế, tức là người ta tự lừa dối mình; tự lừa dối mình thì không còn “thành ý” nữa. Không “thành ý” thì không thể tu thân theo đạo đại học được. Thế là việc “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” cũng hỏng hết!

Nhưng tại sao lại dễ xảy ra tình trạng tráo trở, dối trá như vậy khi người ta ở một mình?

Lý do là: điều ác (xấu) thường có một sức hấp dẫn (một ma lực) riêng. Ma lực ấy rất mãnh liệt thường quyến rũ những người quen sống trong đam mê, dục vọng, lệ thuộc vào ngoại vật. Chính thói quen (tập quán) tạo nên đam mê. Một khi đã đam mê, người ta khó lòng gỡ ra.

Vì thế, những nhà tu Phật ngày xưa thường đối trị sự đam mê của thân xác bằng cách nằm trên chiếc giường có giát được kết bằng những cây nhỏ, tránh nằm trên nệm êm, xa lánh những gì là mềm mại, óng ả… có thể dẫn tâm hồn vào đường tà. Ngoài ra, để đối trị với tật đam mê vật chất, người tu Phật thường ngồi thinh lặng ở những nơi vắng vẻ, thanh u, quán tưởng cái gì cũng là vô thường, ảo ảnh, chẳng đáng bận tâm. Bên phía Công giáo, những tu sĩ dòng khổ hạnh Xitô cũng có khuynh hướng sống như vậy.

Vả lại, theo môn Tâm lý học các miền sâu, trong tâm tư mỗi người thường có một “bóng đen”; “bóng đen” đó là biểu hiện thú tính của con người. Thú tính ấy luôn luôn có khuynh hướng tham lam, chiếm đoạt. Một khi sức hấp dẫn của sự vật tỏa ra, “bóng đen” trong con người ấy vớ lấy và đeo bám. Từ đó nảy ra một lực vô hình làm cho người ta yêu cái đáng ghét, cái có thể làm hại tinh thần và thể chất mình; cái điều phù hợp với đạo lý lại không yêu, lại yêu cái điều phản đạo lý.

Cũng tương tự như có nhiều người đã được bảo cho biết rằng trong trứng, thịt, tôm… có nhiều chất cholestérol, có thể gây nên tình trạng tắc nghẽn mạch máu, đưa đến sự cố tai biến mạch máu não, làm chết người hoặc tê liệt toàn thân. Họ nhận như thế là đúng, nhưng trước sức hấp dẫn của mùi thơm trứng, thịt… họ không thể nào tự kiềm chế được, vẫn ưa thích những thứ có hại cho thân thể mình.

Trong lúc ở một mình, lý trí của con người rất dễ bị cái “bóng đen thú tính” ấy cám dỗ, lấn lướt, không còn thành ý được nữa, trở nên một kẻ tự dối mình (tự khi). Do đó, trong sách Trung Dung Đức Khổng Tử đã khuyên “thận độc” và ở đây người viết phần Truyện cũng nhắc lại ý ấy.

Sau khi nhắc nhở bậc quân tử, người viết phần Truyện nói đến kẻ tiểu nhân:

Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện, vô sở bất chí: Kẻ tiểu nhân ở rảnh rỗi thì làm điều chẳng tốt lành, chẳng có gì không làm.”

Ở đây, tiểu nhân không phải chỉ dân chúng, mà chỉ kẻ ti tiện, nhỏ mọn, chỉ nghĩ đến điều lợi, chỉ nghĩ đến nhu cầu của thân xác. Cũng như ở phần trên, quân tử không chỉ giới cầm quyền (vua, quan), mà chỉ những người sống theo đạo lý. (Mặc dầu, Khổng tử vẫn mơ ước giới cầm quyền trở nên những quân tử được hiểu theo nghĩa này).

Như vậy, câu trên có ý nói những kẻ nhỏ nhen, thiếu đạo đức hay ít đạo đức, trong những lúc rảnh rang thường làm điều chẳng tốt lành; hoặc làm một mình, hoặc rủ rê đồng bọn, quần tam tụ ngũ để cùng làm bậy.

Câu “vô sở bất chí” có nghĩa đen là: không chỗ nào không đến; chuyển sang nghĩa bóng là: không có gì xấu không làm.

Tiểu nhân thì chẳng chịu yên chân yên tay, không khác gì con khỉ, lúc nào cũng táy máy tìm cái để nghịch. Ngô Thừa Ân trong tác phẩm Tây Du ký quả đã thâm thúy khi căn cứ vào chuyện Đường Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh để hư cấu ra câu chuyện ly kỳ về mấy nhân vật kỳ đặc:

– Đường Tam Tạng: nhà tu hành thánh thiện, biểu thị quân tử.

– Tôn Ngộ Không: người mang vóc khỉ, ngạo mạn, bướng bỉnh, luôn táy máy tay chân, sẵn sàng phá phách.

– Trư Bát Giới: người mang vóc heo, háu ăn, tham dục.

– Sa Tăng: người hung ác như quái vật, đã từng ăn thịt nhiều người.

Cả ba nhân vật Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng đều là những tiểu nhân đang tập làm quân tử; nếu vắng mặt thầy, rảnh việc là họ chỉ muốn làm càn theo khuynh hướng của mình.

Vì không chung đường lối với nhau, cho nên tiểu nhân rất kỵ quân tử.

“Kiến quân tử nhi hậu yếm nhiên, yếm kỳ bất thiện nhi trứ kỳ thiện: Thấy bậc quân tử thì e ngại, che đậy điều xấu của mình, mà bày tỏ điều tốt ra.”

Chữ “yếm” trong câu này vừa có nghĩa là e ngại, thẹn thùng, vừa có nghĩa là chán ghét. Tiểu nhân e ngại, chán ghét quân tử vì quân tử không đứng trong phe cánh với mình, không về hùa cùng mình trong những việc xấu. Tiểu nhân chán ghét quân tử hơn nữa vì sợ những lời chỉ trích, phê phán nặng như búa rìu của quân tử. Vả lại, vì đi trong đường xấu là con đường tối tăm, tiểu nhân rất sợ sự quang minh chính đại của quân tử. Mặc dầu không bày tỏ ý kiến gì, chỉ riêng ánh sáng chính đại của quân tử tự nhiên đã là một sự lên án hành vi của tiểu nhân, chê bai ý nghĩ đen tối thầm kín của họ. Hơn nữa, sự hiện diện của quân tử còn gây nên mặc cảm tự ti, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Họ thấy rõ mình thua kém quân tử trong khi tự cho mình là kẻ tội lỗi, thấp hèn. Sự xuất hiện của quân tử làm cho kẻ tiểu nhân cảm thấy bối rối, giày vò trong tâm can, mất sự an ổn. Nhìn thấy quân tử dường như là họ cảm thấy được soi mình vào một chiếc gương trong, ở đó bộc lộ ra đủ thứ ti tiểu, thô thiển, khả ố… Sự hiện diện của quân tử đánh động tâm can họ, làm cho họ phải hối hận xốn xang, phải xét lại hành vi của mình trong khi họ chưa muốn xét lại, hoặc muốn quên đi…

Vì sợ quân tử thấy rõ hành vi của mình cho nên hễ gặp quân tử, tiểu nhân cố gắng che đậy điều xấu của mình đi, và phô bày những điều tốt ra. Điều này chứng tỏ rằng tiểu nhân vẫn biết một cách đúng đắn cái gì là xấu, cái gì là tốt. Như thế, tuy đối lập với quân tử, nhưng tiểu nhân đứng trên cùng một lập trường với quân tử về tiêu chuẩn đạo đức. Thế mà, vẫn hướng về điều xấu, có nghĩa là xét về mặt phân tâm, tiểu nhân bị cái “bóng đen của chính mình” sai sử, thúc đẩy, bức bách, không cưỡng lại được. Tự thấy mình bị thua sức cám dỗ của bóng đen, trong khi thấy quân tử vẫn an nhiên, không bị cám dỗ; từ đó, trong lòng tiểu nhân nảy sinh ra một ý thức ghen tỵ đối với quân tử. Đôi khi ý thức này mạnh mẽ đến mức chuyển thành ý muốn tiêu diệt quân tử.

Đây là một tâm địa có thật trong thực tế đời sống loài người, cho nên Kinh Thánh đã có ghi lại. Kinh Thánh Cựu Ước gọi tiểu nhân là quân vô đạo và gọi quân tử là người đức nghĩa. Sau đây là một đoạn văn trong sách Khôn Ngoan nói lên sự xung khắc dẫn đến ý muốn tiêu diệt trong lòng tiểu nhân.

“Ta hãy gài bẫy hại người đức nghĩa, nó là đồ khó sử dụng, nó cưỡng lại các việc ta làm,

và trách móc các lỗi của ta đối với Lề Luật, và hạch tội ta vi phạm đạo giáo.

Nó loan rầm mình biết Thiên Chúa.

Và tự xưng là con của Chúa.

Nó đối với ta là bản án hạch sách tâm tư,

Ngay thấy hắn, ta cũng đã cảm thấy nặng nề.

Vì đời của hắn không giống ai khác,

Nẻo đi của hắn thật là ngược ngạo

Nó kể ta như tuồng bôi bác;

Và tránh đường của ta như tránh đồ nhơ.

Nó khoe phúc hậu, vận cùng của hàng đức nghĩa,

Và huênh hoang có cha là chính Thiên Chúa.

Bằng bạo hành đòn bọng, ta sẽ tra tấn nó,

Cho biết nó hiền làm sao,

Để nghiệm xem nó nhẫn nhục thế nào

Ta hãy lên án cho nó chết nhục nhã

Vì theo lời nó, nó sẽ được viếng thăm.”

(Khôn Ngoan: 2, 12 20)

Những điều mà Cựu Ước nói trên đây chỉ là một trường hợp cá biệt, còn nói chung, tiểu nhân chỉ muốn che đậy điều xấu, bày tỏ điều tốt để đánh lạc hướng dư luận. Nhưng đó là sự giả dối, trá hình, cho nên gây ra những sự lúng túng, gượng gạo nơi nét mặt, nơi cử chỉ, hành vi. Làm sao có thể giấu mọi người được?

Người viết phần Truyện nói tiếp:

Nhân chi thị kỷ, như kiến kỳ phế can nhiên. Tắc hà ích hỹ?: Người ta nhìn mình như trông thấy cả phổi gan. Thế thì ích lợi gì?”

Chữ “nhân” ở đây chỉ mọi người bàng quan, kể cả quân tử lẫn tiểu nhân; dĩ nhiên đó là những tiểu nhân không cùng bè phái. Chữ “kỷ” (mình) chỉ kẻ tiểu nhân che giấu điều xấu, bày tỏ điều tốt. Quan niệm rằng người ngoài có thể thấy được “phổi gan” tức là thấy được mọi điều giấu kín trong lòng để đi đến kết luận: cái gì thành tựu ở trong thì hiện rõ ra ngoài (Thành ư trung, hình ư ngoại); đó là người viết phần Truyện đã vận dụng đúng tư tưởng của sách Trung Dung.

Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi (Đừng cho rằng giấu kín mà không bày ra, đừng cho rằng nhỏ bé mà không sáng rõ.”

Do đó, người viết phần Truyện đã kết luận như Tử Tư trong sách Trung Dung: “Cố quân tử tất thận kỳ độc dã: cho nên bậc quan tử ắt phải thận trọng lúc ở một mình. Sở dĩ phải thận trọng như vậy, vì khi ở một mình,người ta dễ bị cám dỗ làm điều xấu. Thế mà những điều xấu đã được tích lũy ở trong lòng chắc chắn sẽ hiện rõ ra ngoài không thể giấu giếm được.

Qua phần Truyện này, chúng ta đã biết tiểu nhân lúc rảnh rang thì làm những điều xấu (Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện). Tuy nhiên, thực tế đời sống cho thấy ngay cả đối với quân tử, nếu cứ thường xuyên rảnh rang không có công việc làm thích hợp với lý tưởng của mình, cũng dễ bị tiểu nhân lôi kéo theo họ làm những điều xấu. Bởi thế, người ta không nên để mình nhàn hạ lâu, hằng ngày phải nỗ lực thi hành bổn phận và trách nhiệm của mình. Việc bổn phận thì không bao giờ hết. Làm con có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Làm cha mẹ có bổn phận nuôi nấng, giáo dục con. Làm chồng vợ có bổn phận nâng đỡ lẫn nhau. Làm công dân có bổn phận phục vụ tổ quốc. Làm thầy giáo có bổn phận dạy dỗ học trò cho tốt. Làm các nhà lãnh đạo có bổn phận phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội yên vui…

Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ hẳn mình đi, hãy vác khổ giá mình mỗi ngày và hãy dõi bước theo tôi!

(Luca: 9, 23).

Vác khổ giá mình” tức là thi hành bổn phận và trách nhiệm của mình. Nếu mọi người đều ý thức về bổn phận và trách nhiệm, cố gắng thi hành mỗi ngày một tốt hơn; đồng thời ra sức hợp tác với người khác, người ta sẽ không có thì giờ rảnh để làm điều xấu, và ít khi có cơ hội sống một mình để bị cám dỗ làm điều xấu.

Vào cuối chương này, người viết phần Truyện mới trưng dẫn một câu nói của Tăng Tử:

“Tăng tử viết: ‘Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ!: Tăng tử nói rằng: mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào, đáng sợ lắm thay!”

Điều đó, chứng tỏ rằng nội dung phần Truyện này chỉ có thể là ý tứ của Tăng tử mà môn đệ của ông (Có thể là Tử Tư, vì tư tưởng ở đây trùng hợp với tư tưởng ở sách Trung Dung.) đã tiếp thu để viết thành.

Câu trên của Tăng Tử hàm chứa ý tứ trong hai trường hợp:

1. Những tư tưởng xấu trong lòng tiểu nhân hiện rõ ra ngoài, bộc lộ ở nét mặt, ở dáng dấp cử chỉ, khiến cho người người đều hướng mắt nhìn vào, đều giơ tay chỉ vào. Trước tình trạng như vậy, thật là đáng sợ, đáng xấu hổ.

2. Mặc dầu không có ai ở quanh mình, nhưng một khi người ta đã nghĩ hay làm điều xấu, thì tự trong tâm hồn kẻ ấy nảy sinh ra mặc cảm tội lỗi, dường như thấy có nhiều người chăm chú nhìn vào chỉ tay lên án tư tưởng, hành vi của mình. Đó cũng là một tâm trạng đáng sợ. Nếu tình trạng ấy cứ diễn ra lâu ngày không chấm dứt, kẻ ấy có thể rơi vào tâm bệnh với những khắc khoải, hoảng loạn như bị ma hành, quỉ ám.

Dù ở vào trong trường hợp nào đã nêu trên, kẻ tiểu nhân hay người phạm tội đều gặp sự bất an, không thể sống hạnh phúc, an lạc được.

Đối với những người có tâm lý thuộc dạng sơ đẳng tính (chóng quên), thì sau khi sám hối và chấm dứt làm điều xấu, tình trạng tâm bất an sẽ dứt theo, lòng trí được an lành. Nhưng đối với những người có tâm lý nhị đẳng tính (nhớ dai, hay hoài niệm), thì mặc dù đã sám hối và chấm dứt điều xấu, tâm trạng xao xuyến vẫn đeo đuổi suốt đời mỗi khi hồi tưởng chuyện cũ.

Đúc kết những ý tưởng đã được trình bày ở phần trên, người viết phần Truyện nêu ra qui luật nhân quả và qui luật tâm thân liên hệ như sau:

Phú nhuận ốc, đức nhuận thân. Tâm quảng, thể bàn: Giàu có làm cho nhà cửa đẹp đẽ; đức hạnh làm cho thân thể nhuần nhã. Tâm hồn rộng mở, thân thể thư thái.”

Nếu đã giàu có, người ta thường luôn có khuynh hướng muốn xây cất và trang hoàng cho đẹp nhà cửa. Như thế sự giàu có là nhân, xây cất trang hoàng nhà cửa cho đẹp là quả. Từ ví dụ cụ thể này, người viết phần Truyện chuyển qui luật nhân quả sang đức hạnh và vẻ tươi nhuận của thân thể. Người nào rơi vào các tình huống tứ đổ tường (rượu chè, cờ bạc, trai gái, nghiện hút), hoặc thường xuyên nuôi trong lòng sự hận thù, hiềm khích sẽ kém ăn, mất ngủ… thân xác khó lòng nhuần nhã, tươi tắn. Người có đức hạnh chân thật thì luôn có niềm tin trong lòng, vì thế không lo buồn, biết an phận chấp nhận hoàn cảnh của mình và không thù ghét, chống đối ai. Do đó người đức hạnh thường có tâm tư yên ổn, thảnh thơi, thoải mái. Thân xác người đức hạnh được phát triển đầy đủ; hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết hoạt động điều hoà. Kết quả là thân thể được nhuần nhã tươi nhuận, cộng với một tinh thần lạc quan, hân hoan. Khoa tâm thể học hay khoa tâm sinh lý học (psycho-physiology) cho biết giữa tâm hồn và thể xác luôn có liên hệ chặt chẽ với nhau. Tâm tư bất ổn của một con người thiếu đạo đức rất dễ gây nên những tật bệnh nơi cơ thể. Ví dụ, sự uất hận, tức giận thường xuyên có thể gây ra chứng loét bao tử. Điều chỉnh tâm tư, sống chân chính thuần phác là những yếu tố quan trọng giúp cho việc chữa bệnh và lành bệnh.

Cũng trong chiều hướng này mà ở Tây phương, Junéval đã có một câu nói bất hủ: “Mens sana in corpora sano.” (Một tinh thần lành mạnh trong một thân thể tráng kiện.) Dưới quan điểm Nho giáo, “một tinh thần lành mạnh” là tinh thần sống trong đức hạnh, “một thân thể tráng kiện” là thân thể tươi tắn, nhuần nhã.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đấy, người viết phần Truyện này còn nêu ra một qui luật tâm thần liên hệ có chiều kích bao la hơn:

Tâm quảng, thể bàn.” (Tâm hồn rộng mở, thân thể thư thái.)

Tâm là một thể siêu hình, cho nên nó có thể nhỏ hẹp hơn hạt cát, hoặc nó cũng có thể rộng rãi, vô hạn, bao trùm vũ trụ. Vì là một thể siêu hình, tâm không lệ thuộc vào không gian và thời gian, nhưng nó lệ thuộc vào chính con người mang tâm. Với một người lúc nào cũng chỉ lưu ý tới những chuyện hạn hẹp, cục bộ trong khoảnh khắc thời gian và trong một không gian bé xíu, không ra ngoài miếng cơm, manh áo của mình; tức là lúc nào cũng chỉ bận tâm về chuyện bon chen với anh chị em, hàng xóm, láng giềng mình, thì tâm người ấy cũng nhỏ nhoi, hạn hẹp như vậy. Với một người sống vượt trên những sự việc vụn vặt tầm thường, không câu chấp nhỏ nhặt, thì tâm người ấy có chiều kích vũ trụ, xuyên suốt quá khứ, vị lai. Tâm ấy là tâm quảng đại, rộng rãi bao la, bao dung tha thứ, khoan nhân bác ái. Đó là cái tâm của thánh nhân mà Lục Tượng Sơnđã nói tới khi ông tu tập trong cửa Khổng.

Vũ trụ tiện thị ngô tâm, ngô tâm tức thị vũ trụ: Vũ trụ là tâm của ta, tâm của ta tức là vũ trụ.”

Sở dĩ tâm của phàm nhân quá nhỏ hẹp bởi vì tâm ấy đã bị cái “tư tâm” (lòng riêng) bao phủ mất rồi. Ông nói: “Thất trùng thiết thành, tư tâm dã: Bảy tầng thành sắt, ấy là lòng riêng vậy.”

Do bị “tư tâm” bao vây chặt chẽ như ở bên trong bảy tầng thành sắt, cho nên cái tâm chân chính không rộng mở được.

Vì có cái tâm bao la mà Lục Tượng Sơn đã nhận ra rằng thánh nhân ở Đông hải, Tây hải, Nam hải, Bắc hải, thánh nhân trong quá khứ và thánh nhân ở thời vị lai cũng chỉ là một, không có gì mâu thuẫn, sai khác trong giáo lý của thánh nhân. Ông nói:

Đông hải hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm đồng dã, thử lý đồng dã. Tây hải hữu thánh nhân xuất yên; thử tâm đồng dã, thử lý đồng dã. Nam hải, Bắc hải hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm đồng dã, thử lý đồng dã. Thiên bách thế chi thượng hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm đồng dã, thử lý đồng dã. Thiên bách thế chi hạ hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm đồng dã, thử lý đồng dã. (Đông hải có thánh nhân ra đời, tâm ấy đồng, lý ấy đồng. Tây hải có thánh nhân ra đời, tâm ấy đồng, lý ấy đồng. Nam hải, Bắc hải có thánh nhân ra đời, tâm ấy đồng, lý ấy đồng. Trăm nghìn đời trước có thánh nhân ra đời, tâm ấy đồng, lý ấy đồng. Trăm nghìn đời sau có thánh nhân ra đời, tâm ấy đồng, lý ấy đồng vậy.”

Quan niệm có sự đồng nhất về tâm không phân biệt không gian và thời gian, đó là Lục Tượng Sơn đã giữ được đạo thống chính truyền của Nho giáo từ Khổng tử, sang Tử Tư, tới Mạnh Tử. Tử Tư nói:

Bách thế dĩ sĩ thánh nhân nhi bất hoặc.” (Cho rằng có đợi thánh nhân ở trăm đời sau, mình cũng không bị ngờ vực.) Nói thế có nghĩa là người quân tử đạt đạo Trung dung tức là đạt tới tâm thánh nhân trăm thế hệ, chẳng hề sai khác, nên không có gì đáng nghi ngờ nữa.

Người nào tâm rộng mở tới mức tâm vũ trụ, cũng là tâm thánh nhân, thì thân thể người ấy thư thái, siêu thoát (Tâm quảng, thể bàn), không còn lệ thuộc vào thế gian, vào không gian, thời gian nhỏ bé nữa. Đạo Công giáo gọi là đạt tới “Nước Trời tại thế.” Như thế, người ấy đã bước từ phàm nhân lên thánh nhân. Muốn đạt trình độ ấy, người viết phần Truyện kết luận cho chương này:

Cố quân tử tất thành kỳ ý: Cho nên người quân tử ắt phải thành thật ý mình.”

Thành ý là điều kiện cần; ý chí sắt đá và nỗ lực thăng tiến là điều kiện đủ.

Chương VII. Chính Tâm, Tu Thân

Điều gọi là “sửa thân mình ở tại làm cho lòng mình được chính đáng”, ấy là mình có điều tức giận thì không được chính đáng; có điều sợ hãi, thì không được chính đáng; có điều ham vui, thì không được chính đáng; có điều lo buồn, thì không được chính đáng.

Lòng không ở tại, thì nhìn mà không trông thấy, lắng tai mà không nghe thấy, ăn mà không biết mùi vị.

Như thế là sửa thân mình ở tại làm cho lòng mình được chính đáng.

Trên đây là chương thứ bảy của phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa] “chính tâm, tu thân”.

BÌNH GIẢI:

Chữ “thân” ở đây không chỉ “thân thể” hay “thân xác”, mà chỉ “cơ sở tinh thần” hay “chủ thể tinh thần”; do đó nên dịch là “thân mình” hay “mình”, tức là nhấn mạnh tới phần tinh thần của con người. Vì thế “sửa thân mình” có nghĩa là sửa cái tinh thần của mình. Tinh thần, cái phần tinh anh trong con người cũng chính là “tâm” (lòng). Như thế “tu thân” chính là “tu tâm” vậy.

Dĩ nhiên, không thể hiểu “tu thân” là “sửa thân xác”, là tập thể dục để cho thân xác được gọn gàng, đẹp đẽ, khỏe mạnh, dẻo dai. Ngày xưa ở Đông phương không có bộ môn thể dục. Các thánh hiền cũng không dạy phải tập thể dục hằng ngày. Tại sao? Vì một khi người ta sống theo đúng đạo trời, ban ngày lao động trong công việc có chừng mực, đều đặn giữa thiên nhiên, thì thân thể đã được vận động. Đó là thao tác thân thể; vì thế thân thể sẽ phát triển đều đặn cơ bắp tùy theo tuổi một cách tự nhiên, không cần dành thời giờ riêng để tập thể dục nữa.

Ngày nay, sở dĩ người ta phải khuyến khích tập thể dục hằng ngày, bởi vì có nhiều người ăn uống quá thừa thãi, sống biếng lười trong phòng ốc suốt ngày. Hoặc có những ngành nghề thường xuyên ngồi cả ngày trong văn phòng, cơ thể không đi lại vận động; do đó mới có môn thể dục để lập lại thế quân bình cho nếp sống. Còn đối với những người sính cái đẹp của cơ bắp nở nang cuồn cuộn; chuyên luyện tập cơ bắp để trình diễn nét thẩm mỹ của thân thể, đó lại là chuyện khác. Điều đó ra ngoài quan niệm sống theo đạo trời của cổ nhân. Đông phương.đã hiểu tu thân tu tâm, thì chữ “thân” trong câu “thân hữu sở phẫn sí” không cần phải sửa ra chữ “tâm” thành “tâm hữu sỡ phẫn sí” như Trình tử chủ trương (Chu Hy nhắc lại) nữa. Trong Tứ Thơ (Đại Học, Trung Dung) cụ Đoàn Trung Còn cũng theo Chu Hy sửa chữ “thân” thành chữ “tâm.” Ở đây, chúng ta dùng chữ “thân” như cổ bản.

Căn cứ vào tiết đầu của chương 7 này, người viết phần Truyện cho biết: hễ mình có điều tức giận, có điều sợ hãi, có điều ham vui, có điều lo buồn thì không được chính đáng (thân hữu sở phẫn sí, tắc bất đắc kỳ chính; hữu sở khủng cụ…). Tuy nói trống không như thế, nhưng chúng ta phải hiểu là: “Tâm không được chính đáng nếu trong lòng mình tức giận, sợ hãi, ham vui hoặc lo buồn.”

Để hiểu rõ ý tưởng trong đoạn văn này, chúng ta cần phải liên hệ với ý tưởng trong phần “thành ý” ở chương trên. Bởi vì ý tưởng của lời Kinh (Khổng tử) được sắp theo thứ tự “bản mạt, nhân quả”. Thành ý là gốc (bản), là nhân của chính tâm. Chính tâm là ngọn (mạt), là quả của thành ý. Qua phần lý giải ở trên, chúng ta biết; ý thành là ý nhận biết điều ác là xấu, nhận biết điều thiện là tốt một cách tự nhiên, không phải ai dạy bảo hay ép uổng gì cả; như ghét mùi hôi thối, như ưa thích cảnh tượng đẹp (Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi dã; như ố ác xú, như hiếu hảo sắc. Thử chi vị tự khiểm.) Ý đã không thành thật thì tâm không thể chính đáng.

Ở đây, ý tưởng “mình có điều tức giận thì (tâm) không được chính đáng; có điều sợ hãi…; có điều ham vui…; có điều lo buồn thì (tâm) không được chính đáng” (thân hữu sở phẫn sí…; hữu sở khủng cụ…; hữu sở hiếu lạc…; hữu sở ưu hoạn, tắc [tâm] bất đắc kỳ chính), đem liên kết với ý tưởng ở trên thì: Sở dĩ “có điều tức giận, có điều sợ hãi, có điều ham vui, có điều lo buồn” là vì không có thành ý. Không thành ý cho nên tâm không chính đáng. Đó là qui luật nhân quả.

Nhưng tại sao “tức giận, sợ hãi, ham vui, lo buồn” lại là không thành ý?

Chúng ta nên biết rằng “tức giận, sợ hãi, ham vui, lo buồn” (phẫn sí, khủng cụ, hiếu lạc, ưu hoạn) được nói ở đây không phải là những tình cảm nằm trong “bảy thứ tình” (thất tình: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục: mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn) đã được đề cập đến trong sách Trung Dung. Thất tình là những tình cảm bình thường ấy khi chưa phát ra gọi là “trung”; phát ra mà hợp lệ, có chừng mực, không thái quá, gọi là “hoà.” (Hỷ, nộ, ai, lạc… chi vị phát, vị chi trung; phát nhi giai trung tiết vị chi hoà. Trung Dung, chương I.)

Tức giận, sợ hãi, ham vui, lo buồn” ở đây là những tình cảm bất thường, có thể gây nên sự khủng hoảng nguy hiểm cho cá nhân, gia đình và xã hội. Những tình cảm bất thường này có liên hệ với bốn mối: danh, lợi, tình, quyền.

Danh là tiếng tăm trỗi vượt mọi người.

Lợi là của cải, tiền bạc, nhà cửa, điền sản…

Tình là khuynh hướng liên kết với người khác phái (tình dục).

Quyền là sự thống trị mọi người.

Trong một chừng mực nào đó, danh, lợi, tình, quyền là những thứ kích thích người ta thăng tiến trong giai đoạn đầu đời. Có thích danh, lợi, tình, quyền người ta mới chịu khó phấn đấu, học hành. Nhưng đến tuổi trưởng thành, do khả năng “cách vật”, người ta phải nhận ra danh, lợi, tình, quyền là những mối nguy hiểm, thường làm băng hoại con người.

Do tài năng, đức hạnh mà có danh là chuyện tự nhiên.

Do nỗ lực làm việc một cách chính đáng mà có lợi là chuyện tự nhiên. Do hôn nhân chân chính mà nảy sinh tình dục là chuyện tự nhiên.

Do tài đức mà được trao quyền lãnh đạo là chuyện tự nhiên.

Trái lại, ham danh, lợi, tình, quyền bất chấp đạo lý, làm tổn hại đến người khác là những tội ác.

Tinh thần con người vướng mắc vào danh, lợi, tình, quyền sẽ gặp một trong bốn tình huống mà người viết phần Truyện ở đây nhắc đến: tức giận, sợ hãi, ham vui, lo buồn.

Tức giận” là tình trạng hằn học, bất mãn vì bị người ta chiếm mất hoặc danh, hoặc lợi, hoặc tình, hoặc quyền.

Sợ hãi” là tình trạng tinh thần diễn ra sau khi đã gây nên tội ác vì sự tranh giành danh, lợi, tình, quyền (sợ bị báo thù hay bị án phạt).

Ham vui” là tình trạng đam mê sau khi đã chiếm được danh, lợi, tình, quyền.

Lo buồn” là tình trạng tinh thần xảy ra sau khi thấy mình bỗng dưng bị mất danh, lợi, tình, quyền; hay khi thấy mình bất lực không với tới được danh, lợi, tình, quyền.

Như thế, về một phương diện nào đó, danh, lợi, tình, quyền là những đầu mối làm cho người ta sa vào những tình cảm bất thường (tức giận, sợ hãi, ham vui, lo buồn) thì lòng háo danh, hám lợi, mê tình, tham quyền là những điều xấu.

Người tu đạo đại học phải thành thật nhận ra như nhận ra mùi hôi thối (ác xú); và tự nhiên phải lánh xa.

Ví bằng không nhận ra một cách tự nhiên là do lỗi không “cách vật” (danh, lợi, tình, quyền) để “trí tri”. Nếu đã “cách vật trí tri” mà không nhận ra một cách tự nhiên, lại còn ham mê; đó là đã không thành thật ý mình (thành kỳ ý). Không thành thật ý mình ấy là tự lừa dối mình (tự khi) vậy.

Nhận ra một cách thành thật tự nhiên (thành ý), thì tâm sẽ không bị rơi vào những tình trạng: “tức giận” (phẫn sí), “sợ hãi” (khủng cụ), “ham vui” (hiếu lạc), “lo buồn” (ưu hoạn).

Được như vậy, đó là “chính tâm” (tâm hồn ngay thẳng, không bị lung lạc).

Không những cần tránh sa vào những tâm trạng lệch lạc đã nói trên, người tu đạo còn cần phải tránh tình trạng “tâm bất tại”, mới giữ cho tâm mình được chính đáng.

Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị: Lòng không ở tại, thì nhìn mà không trông thấy, lắng tai mà không nghe thấy, ăn mà không biết mùi vị.”

Tâm bất tại” là tình trạng tâm không hiện diện ngay chính không gian và thời gian mà người ta đang sống. Người ở tình trạng ấy trở nên ngây ngô, thẫn thờ như người mất hồn: mắt mở mà không trông thấy vật ở trước mắt, tai không bị che bịt mà không nghe thấy âm thanh rộn ràng chung quanh; thậm chí có khi miệng nhai thực phẩm mà không cảm thấy mùi vị mặn, nhạt, thơm, ngọt… Tâm người ấy như bị dời đi chỗ khác, sang một thời gian khác, không còn hiện hữu trong thân xác nữa. “Tâm bất tại” có thể ở vào một trong ba trường hợp sau đây:

1. Đối với loại người mắc bệnh lãng trí do bẩm sinh hay do não bị thương tật (chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não), ý tưởng không thể tập trung; người bệnh không thể chú tâm vào một việc gì, một đối tượng nào.

2. Đối với loại người đặc biệt như khoa học gia, triết gia, thánh nhân… cũng có thể ở vào tình trạng “tâm bất tại.” Ví dụ: Một khoa học gia có thể miệt mài trong phòng thí nghiệm, tâm bị cuốn hút vào đối tượng đến nỗi quên ăn mà không biết đói; bởi vì tâm không đặt vào dạ dày như người thường. Tương truyền rằng hiền triết Socrate trên đường đi dự tiệc lại đứng ngây giữa cánh đồng cả đêm vì bận tâm suy tư. Thánh Thomas có thể nghĩ đến Thiên Chúa mà quên đi sự đau đớn do con dao mổ của y sĩ. Quan Vân Trường chú tâm đánh cờ với Mã Thốc để quên sự đau đớn do Hoa Đà mổ thịt, nạo xương ở cánh tay.

3. Đối với những người thường bị dục vọng lôi cuốn, tâm có thể bị một hình ảnh nào đó đưa đi xa, không còn trông thấy những gì đáng phải thấy, không còn biết đến cả mùi vị của đồ ăn thức uống.

Trường hợp thứ 3 này chính là điều mà người viết phần Truyện ở đây muốn chỉ đến. Loại người này vì “tâm bất tại” nên trước những việc thuộc bổn phận, trách nhiệm của mình cũng không còn lưu tâm đến nữa. “Tâm bất tại” như thế là “tâm bất chính”. “Tâm bất chính” xảy ra là do không “thành ý”: không thành thật nhận ra đâu là phải, đâu là trái, đâu là tốt, đâu là xấu.

Không thành ý thì tâm không chính; tâm không chính tức là thân không được tu. Do đó, người viết phần Truyện đi đến kết luận: “Như thế sửa thân mình ở tại làm cho lòng mình được chính đáng” (Thử vị tu thân, tại chính kỳ tâm). “Chính’ ấy là điều kiện cần để thành tựu bước “tu thân”, bước thứ 5 trong Bát điều mục của cương lĩnh Đại học.

Nhìn sang nhà Phật, trường hợp “tâm bất tại”, lang thang đây đó được gọi là tình trạng “tâm viên ý mã” (tâm vượn, ý ngựa). Tâm như con vượn chuyền cành, ý như con ngựa sải vó khắp nơi. Đôi khi, tâm ý tung hoành ngông cuồng gây ra nhiều hậu quả tai hại. Cho nên Thiền tông đã dùng hình ảnh “con trâu đen” (hắc ngưu) làm biểu tượng. Con trâu chỉ sức mạnh hung hãn của tâm cuồng khấu. Màu đen chỉ việc xấu, tội ác do tâm gây ra. Vì thế, việc tu Thiền khởi sự từ lúc người ta nhận ra tâm mình là một con trâu đen thất lạc và đi tìm nó về. Con trâu đen được dẫn dụ khéo léo, dần dần trở nên trắng từ mõm đến đuôi và chịu cho người ta cưỡi về nhà. Con trâu trắng của nhà Thiền là hình ảnh “tâm chính” của nhà Nho đó vậy, hình ảnh “cưỡi trâu về nhà” (kỵ ngưu qui gia) trong Thập mục ngưu đồ (Mười bức tranh chăn trâu) nói lên một bước tiến xa trên đường tu, biểu thị tình trạng “tâm bất tại” đã chấm dứt. Tâm thân trở nên “nhất như”, cùng nhau trở về cội nguồn chân như (phản bổn hoàn nguyên); nói theo nhà Nho là đạt đến trạng thái “phối Thiên” đó vậy.

Chương VIII. Tu Thân Tề Gia

Điều gọi là “điều chỉnh nhà mình ở tại sửa thân mình” ấy là người ta đối với kẻ mình yêu mến thì hay thiên lệch; đối với kẻ mình khinh ghét thì hay thiên lệch; đối với kẻ mình kính sợ, thì hay thiên lệch; đối với kẻ mình thương xót, thì hay thiên lệch; đối với kẻ mình coi thường, thì hay thiên lệch. Cho nên, ưa thích ai mà biết đến cái xấu của họ, ghét ai mà biết đến cái đẹp của họ, thiên hạ ít có vậy.

Vì thế có câu tục ngữ nói rằng: “Người ta chẳng biết cái xấu của con mình, chẳng biết cái tốt của lúa nhà mình.”

Như thế gọi là thân không sửa, không thể điều chỉnh nhà mình được.

Trên đây là chương thứ tám của phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa của] “tu thân, tề gia”.

BÌNH GIẢI:

Ở chương trên đã nói “chính tâm” là điều kiện cần thiết để tu thân. Chương này bàn về khuynh hướng tâm lý thiên lệch làm trở ngại cho việc tu thân, đồng thời trở ngại cho việc điều chỉnh gia đình (tề gia).

Lẽ thường trong thiên lệch, đại đa số nhân loại thường xuyên có tâm lý thiên lệch, tình cảm làm mờ lý trí, không có sự nhận định vô tư:

Nhân chi kỳ sở thân ái, nhi tịch yên; chi kỳ sở tiện ố, nhi tịch yên; chi kỳ sở úy kính, nhi tịch yên; chi kỳ sở ai căng, nhi tịch yên; chi kỳ sở ngạo đọa, nhi tịch yên.

Đối với kẻ mình yêu mến (thân ái), người ta chỉ nhìn thấy những ưu điểm mà không thấy khuyết điểm; do đó nảy sinh ra sự bênh vực, bao che mặc dù khi kẻ ấy đã có lỗi lầm nặng nề.

Đối với kẻ mình khinh ghét (tiện ), người ta chỉ nhìn thấy những khuyết điểm, những nết xấu của kẻ ấy, mà không hề thấy điều tốt, điều hay; do đó nảy sinh ra sự ghét bỏ, trù dập một cách oan uổng, mặc dù kẻ ấy có biểu lộ thiện chí.

Đối với kẻ mình kính sợ (úy kính), người ta chỉ một lòng thán phục, sợ sệt, không bao giờ dám nhìn kỹ để xét về thực chất của đối tượng mình kính sợ; nếu kẻ ấy phán bảo điều gì thì người ta răm rắp tuân theo, không hề nghi ngờ. Giá như có ai đó nói đụng chạm tới, thì người ta cho là phạm thượng, vô lễ…

Đối với kẻ mình thương xót (ai căng), người ta chỉ nhìn thấy những điểm đáng thương, mặc dù kẻ ấy có hạnh kiểm xấu xa, có tâm địa hiểm độc, người ta vẫn thương, vẫn nâng đỡ, hoặc tha thứ.

Đối với kẻ mình coi thường (ngạo đọa) người ta chỉ nhìn thấy những điều ti tiện, nhỏ mọn, kém cỏi của kẻ ấy; không cần xét xem kẻ ấy có tài năng gì ẩn giấu, có điều gì đã cải tiến; trước sau người ta vẫn một lòng coi nhẹ.

Cái tâm lý đầy thành kiến với kẻ mình yêu (thân ái), đầy thành kiến với kẻ mình khinh ghét (tiện ố), đầy thành kiến với kẻ mình kính sợ (úy kính), đầy thành kiến với kẻ mình thương xót (ai căng), đầy thành kiến với kẻ mình coi thường (ngạo đọa), đó là sự thiên lệch. Trong quá trình tu thân, người ta cần phải điều chỉnh lại sự thiên lệch ấy.

Thực ra, sự thiên lệch ấy đã quá sâu vào tâm lý con người muôn thuở, cho nên mới có những câu ca dao tục ngữ như:

“Yêu ai yêu cả đường đi,

“Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng.”

Hay là:

“Yêu nhau vạn sự chẳng nề,

“Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”

Hay là:

“Thương nhau quả ấu cũng tròn…”

Đành rằng phá bỏ một thành kiến, một thiên kiến lệch lạc không phải là dễ; nhưng đó là điều kiện tất yếu để trở nên một chính nhân quân tử. Muốn thành người quân tử, người ta phải quyết chí tu thân bằng cách khởi sự lại cho đúng đắn quá trình “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”. Nhìn ra cái “mặt bên kia” của kẻ mình yêu mến, kẻ mình khinh ghét, kẻ mình kính sợ, kẻ mình thương xót, kẻ mình coi thường; đó là người ta mới thực sự “cách vật” đến nơi đến chốn. Cách vật thấu đáo rồi, người ta mới nhận ra được:

Trong kẻ mình yêu mến có điều xấu xa…

Trong kẻ mình khinh ghét có ưu điểm…

Trong kẻ mình kính sợ có điều tầm thường…

Trong kẻ mình thương xót có điều đáng chê…

Trong kẻ mình coi thường có điều đáng trọng…

Nhận ra “mặt bên kia” được rồi thì việc xử lý thế nào cho thích hợp không còn là điều khó nữa. Tuy nhiên, người viết phần Truyện nhận xét:

Hiếu nhi tri kỳ ác, ố nhi tri kỳ mỹ giả, thiên hạ tiển hỹ: ưa thích ai mà biết đến cái xấu của họ, ghét ai mà biết đến cái đẹp của họ, thiên hạ ít có vậy.”

Biết đến cái xấu của kẻ mình ưa thích; biết đến cái đẹp của kẻ mình ghét, tức là nhìn ra “mặt bên kia”. Thế mà, trong thiên hạ ít có người nhìn ra “mặt bên kia” của con người. Cái khó của sự tu thân ở chỗ đó. Nó cũng khó khăn như theo đạo Trung dung vậy, ít người theo được. (Trung dung kỳ chí hỹ hồ. Dân tiển năng cửu hỹ! (Trung dung cao siêu vậy thay! Ít người theo được lâu rồi!)

Đó chỉ là tâm lý thường tình thôi, nhưng người ta khó lòng vượt qua được.

Cho nên dân gian Trung Hoa có câu tục ngữ rằng:

Nhân mạc tri kỳ tử chi ác, mạc tri kỳ miêu chi thạc: Người ta chẳng hề biết cái xấu của con mình, chẳng hề biết cái tốt của lúa nhà mình.”

Chẳng biết cái xấu của con mình vì quá yêu con mình; chẳng biết cái tốt của lúa nhà mình là do lòng tham vô đáy, chỉ thấy cái tốt của lúa nhà người, từ đó muốn thu gom về nhà mình hết. Cả hai trường hợp trên đều thuộc tâm lý thiên lệch. Yêu thương quá đáng là thiên lệch và tham lam quá đáng cũng là thiên lệch vậy.

Nhưng tại sao sự thiên lệch lại gây trở ngại cho việc điều chỉnh gia đình (tề gia)?

Xin thưa rằng: làm một người cha trong gia đình mà có tâm lý thiên lệch làm sao nhận ra ưu điểm, khuyết điểm, nhược điểm của các con để hướng dẫn, sửa dạy cho đúng, hoặc để điều động các con trong sinh hoạt gia đình?

Đứa con đáng khen thì lại ghét bỏ, mắng nhiếc hoặc lạnh nhạt; đứa con biếng lười nhưng khéo miệng nịnh hót, che đậy lại được ưu ái. Những sự thiên lệch trong cách đối xử của người cha sẽ tạo nên:

Mối bất bình giữa anh chị em với nhau;

Mối bất bình giữa cha và con;

Mối bất bình giữa mẹ và con nếu mẹ cùng quan điểm với cha;

Mối bất bình giữa cha và mẹ, nếu mẹ không cùng quan điểm với cha.

Ngoài ra sự thiên lệch của người cha đối với những người xung quanh (họ hàng, xóm giềng…) còn là tấm gương xấu cho các con nữa.

Do sự thiên lệch dây chuyền trong nhà, mà hoà khí gia đình không còn. Trong anh em nảy sinh ghen ghét, oán hận, chia phe cánh… thì tổ ấm gia đình sẽ biến thành một chốn lưu đày, một trại giam… và cũng có thể có những người con bỏ “trại giam” ấy, dứt tình đoạn nghĩa với cha mẹ anh em mà đi bụi đời.

Nếu như vậy, việc tề gia sẽ bất thành, là do người cha không biết tu thân. Do đó, cổ nhân đã rất có lý khi chủ trương rằng tu thân là gốc, tề gia là ngọn. Có sửa mình hẳn hoi mới điều chỉnh gia đình được.

Chương IX. Tề Gia Trị Quốc

Điều gọi là “trị nước trước hết điều chỉnh nhà mình” ấy là nhà mình không giáo dục được mà có thể giáo dục được người khác, điều đó không có. Cho nên bậc quân tử không ra khỏi nhà mà thành tựu được việc giáo dục dân nước. Đức hiếu cốt để thờ vua; đức đễ cốt để tôn trọng người trên; đức từ cốt để sai khiến dân chúng.

Thiên Khang Cáo nói rằng: “Như giữ gìn con đỏ.” Có lòng thành tìm hiểu tuy không trúng thì cũng không xa. Chưa từng có ai học nuôi con rồi sau mới lấy chồng.

Một nhà làm điều nhân, một nước cũng dấy lên điều nhân; một nhà có sự nhường nhịn, một nước cũng dấy lên sự nhường nhịn. Một người tham lam ngang ngược, một nước phát khởi rối loạn. Cái mầm mống phát động là như thế. Thế gọi là: “Một lời làm hỏng việc, một người ổn định được nước.”

Vua Nghiêu, vua Thuấn lấy đức nhân điều khiển thiên hạ, thì dân theo; vua Kiệt, vua Trụ lấy bạo tàn điều khiển thiên hạ, thì dân theo. Mệnh lệnh của mình mà trái với điều mình ưa thích thì dân không theo. Cho nên bậc quân tử có điều gì ở mình rồi sau mới đòi hỏi ở người; không có ở mình rồi sau mới khiến không có ở người được. Điều mà thân mình chẳng tự suy mình ra người, lại đem dạy bảo cho người, chưa hề có vậy. Cho nên việc trị nước ở tại việc điều chỉnh gia đình.

Kinh Thi rằng: “Cây đào mơn mởn, lá nó sum suê, nàng ấy về nhà chồng, cư xử hợp với người trong nhà.” Cư xử hợp với người trong nhà, rồi sau mới có thể giáo dục người trong nước.

Kinh Thi rằng: “Xứng hợp với anh, xứng hợp với em.” Xứng hợp với anh, xứng hợp với em, rồi sau mới có thể giáo dục người trong nước.

Kinh Thi rằng: “Dáng mạo không sai lầm, làm cho bốn nước được ngay thẳng.” Làm cha, con, anh, em đều giữ đủ phép tắc, rồi sau dân chúng mới bắt chước. Thế là việc trị nước ở tại điều chỉnh nhà mình.

Trên đây là chương thứ chín phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa của] “tề gia, trị quốc”.

BÌNH GIẢI:

Trị nước là một việc lớn vì có liên hệ tới sự hưng thịnh hoặc suy vong của một quốc gia, bao gồm rất nhiều người. Thành công trong việc trị nước là một thành công vĩ đại, nức tiếng ngàn thu. Do đó, những người ham danh, lợi, tình, quyền thích việc chính trị đã đành; ngay cả những người đạo đức coi rẻ danh, lợi… vẫn ham thích chính trị. Lý do ở chỗ chính trị là cơ hội, điều kiện để cho người ta có thể thực thi đức vị tha, bác ái với một tầm mức rộng rãi nhất. Làm một thường dân, tầm ảnh hưởng hẹp hòi, chỉ có thể thi hành bác ái với xóm làng. Làm một tu sĩ không vướng bận gia đình, có thể thi hành bác ái với một số quần chúng lớn hơn. Làm một nhà chính trị lãnh đạo cả một nước có thể thi hành bác ái với cả muôn triệu người. Công đức ấy to tát lắm. Do đó, “trị nước” là một việc hấp dẫn với cả thường dân lẫn trí thức!

Biết rằng “trị nước” là việc trọng đại cho nên người ta thường chăm chú vào những vấn đề có liên hệ mật thiết với việc chính trị như: quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, ngoại giao… mà không mấy ai quan tâm tới một vấn đề có vẻ nhỏ nhoi: đó là “tề gia” (điều chỉnh gia đình của mình).

Ở đây, sách Đại học đem người ta trở về vấn đề cốt lõi, vấn đề nền tảng và biện cho ra lẽ vấn đề ấy: “Trị quốc, tất tiên tề kỳ gia: Trị nước, trước hết điều chỉnh nhà mình.”

Cũng xin lưu ý rằng, ngày xưa ở Trung Hoa, bên cạnh vua có bậc Tam công (Thái Sư, Thái Bảo, Thái Phó). Đó là ba vị quan đầu triều làm cố vấn cho vua. “Tam công luận đạo” (ba vị công bàn về đạo) có nghĩa là bậc Tam công chỉ bàn về những vấn đề thuộc về nền tảng, nói khác đi là vấn đề “thượng tầng”, tức là “đạo lược”, là chủ đạo tinh thần của cả nước, từ vua xuống các quan và toàn dân. Còn các việc thuộc về “chính lược” (sách lược chính trị) thì dành cho các quan khanh thuộc các Bộ (ngày nay là các Bộ trưởng). Việc thi hành các chính sách thuộc về phần “thuật” thì dành cho các chức việc cấp dưới.

Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy sách Đại học bàn về trị nước mà không nói tới các chính sách (quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục…). Ở đây, trong bát điều mục thuộc cương lĩnh Đại học có “tề gia, trị quốc” nằm trong phần “đạo lược”, chỉ về tinh thần và đạo đức. Trị nước mà chú trọng về tinh thần và đạo đức thì việc chính trị mới vững bền, mới tạo phúc cho dân. Có thể nói, vấn đề đang được bàn tới ở đây thuộc về phần Minh triết của đạo trị nước.

Trong chiều hướng ấy, người viết phần Truyện đã minh giải phần Kinh ở trên bằng nhận định cho rằng:

Kỳ gia bất khả giáo, nhi năng giáo nhân dã, vô chi: Nhà mình không giáo dục được, mà có thể giáo dục được người khác, điều đó không có!”

Trị nước là giáo dục cả thiên hạ tuân theo chính đạo, theo pháp luật; thế mà người cai trị lại không giáo dục được vợ con trong nhà (tề gia), làm sao có thể giáo dục được người ngoài là dân cả nước (trị quốc)?

Thực tế cho thấy rằng: đối với một nhân vật lãnh đạo đất nước, thường xuyên có trăm nghìn tai mắt đều nhắm vào để nhìn ngắm, nghe ngóng từng lời nói, từng cử chỉ, từng đường đi nước bước của người ấy và của gia đình người ấy, không bỏ sót một chi tiết nhỏ mọn nào.

Tục ngữ nói: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa.” Một đồn mười, mười đồn trăm… chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đều biết cách sinh hoạt trong gia đình bậc lãnh đạo. Nếu bậc lãnh đạo điều chỉnh gia đình tốt, vợ con đạo đức, trên thuận dưới hoà, chăm chỉ học tập, hành vi đúng đắn… thì cả nước sẽ bắt chước theo. Mọi người cùng đua nhau cố gắng bắt chước cho bằng được, nếu bậc lãnh đạo không thể điều chỉnh gia đình, hoặc không thiết gì đến việc tề gia, để vợ con thất đức, ăn chơi trụy lạc, anh em xung khắc, vi phạm pháp luật… thì cả nước cũng theo gương ấy mà sống buông thả, chẳng tôn trọng phép nước.

Vì thế người viết phần Truyện mới nói:

Cố quân tử bất xuất gia nhi thành giáo ư quốc: Cho nên bậc quân tử không ra khỏi nhà mà thành tựu được việc giáo dục dân nước.”

Dĩ nhiên chữ “quân tử” trong câu sách này chỉ những nhà cai trị, tiêu biểu là vị nguyên thủ quốc gia, chứ không phải nói đến những người quân tử trong dân dã. Những người quân tử ở vai dân bất quá chỉ gây ảnh hưởng chút ít trong xóm làng, trong một khu phố.., khó lòng tác động trên cả nước được. Câu này dùng để dạy cho những người nào trong tương lai có chí hướng trở nên những bậc cai trị. Những người quân tử ở vai cai trị phải học nằm lòng rằng: việc tề gia của mình ảnh hưởng rất lớn tới việc trị quốc. Có thể xác định mạnh mẽ rằng: việc tề gia quyết định việc trị quốc.

Do tiếng đồn trong dân gian, những hành vi trong gia đình của người quân tử ở vai cai trị có thể làm mẫu mực cho mọi người trong nước. Người quân tử ấy chưa cần bước ra ngoài lên tiếng kêu gọi, thúc đẩy, thì mọi người đã theo gương tốt của người ấy mà điều chỉnh gia đình của họ rồi. Mọi người biết điều chỉnh gia đình, biết dạy dỗ con cái trong chính đạo, đó là việc giáo dục dân nước bắt đầu thành tựu.

Giải thích 2 câu Truyện này, Phan Bội Châu viết:

Kinh có nói rằng: Muốn trị được nước, tất phải tề cho hết cả thảy nhà ở trong nước là ý nghĩa như thế này: Kỳ gia bất khả giáo

Hễ ở trong nhà mình còn không dạy được, mà hay dạy được người cả nước, chắc không có đạo lý ấy (Kỳ gia bất khả giáo…). Bởi vì nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn. Vậy nên quân tử chẳng bao giờ trừ nhà ra ngoài mà thành việc giáo dục ư trong nước được (cố quân tử bất xuất gia…).

“Hai chữ ‘xuất gia’ khó thích nghĩa! ‘Xuất gia’ nghĩa là nhà mà không dạy. Ý nói rằng: muốn dạy cả nước tất cần phải dạy từ nhà; dạy hết cả từ nhà tức là dạy cả nước; mà bắt đầu phải dạy từ nhà mình, nên nói rằng: “bất xuất gia”.

(Khổng học đăng, quyển I, trang 281).

Phan Bội Châu dịch “tề kỳ gia” là “tề cho hết cả thảy nhà ở trong nước”; tức là cụ Phan hiểu đoạn văn Truyện này theo nghĩa “chính lược” (sách lược chính trị). Trong “chính lược” có chính sách giáo dục. Chính sách giáo dục đưa ra kế hoạch dạy dỗ toàn thể dân chúng cần có nhiều kinh phí để: đào luyện giáo viên, xây dựng các trường học, soạn chương trình và ấn loát sách giáo khoa… những điều kiện này chưa thể có ở thời Xuân Thu (thời gian ra đời sách Đại Học trước Công nguyên khoảng 450 năm), vì bấy giờ tình trạng văn minh tiến hóa, tổ chức xã hội chưa đạt tới! Vì hiểu như thế, cho nên cụ Phan mới dịch “tề kỳ gia” là “tề cho hết cả thảy nhà ở trong nước” và dịch “bất xuất gia” là “chẳng bao giờ trừ nhà ra ngoài!

Thực ra, đoạn văn Truyện này phải được hiểu theo nghĩa “đạo lược” (sách lược chủ đạo). Trong đạo lược, người ở cương vị cai trị phải làm gương đạo đức, làm gương tề gia thì mọi người trong nước sẽ bắt chước theo. Như thế, “tề kỳ gia” là “điều chỉnh nhà mình” (nhà của người lãnh đạo, cai trị dân chúng); bất xuất gia” là “không ra khỏi nhà”. Chỉ cần ở trong nhà nêu gương tốt mà tiếng tăm cũng được loan truyền ra cả nước, tạo nên một phong trào sống đạo đức trong các gia đình dân chúng.

Trong chiều hướng triết học Lão tử và tư tưởng sách Trung dung, đây là đường lối “vô vi nhi thành”: không làm mà thành tựu (không phải lên tiếng dạy dỗ mà thành tựu việc dạy dỗ).

Thế thì trong gia đình, người quân tử ở cương vị cai trị phải thi hành những đạo lý gì?

Người viết phần Truyện nói:

Hiếu giả sở dĩ sự quân dã, đễ giả sở dĩ sự trưởng dã; từ giả sở dĩ sử chúng dã: Đức hiếu cốt để thờ vua; đức đễ cốt để tôn trọng người trên; đức từ cốt để sai khiến dân chúng.”

Trong phạm vi tề gia, người quân tử cần phải thi hành ba đức: hiếu, đễ, từ.

Hiếu là tôn kính, phụng dưỡng, làm vui lòng cha mẹ. Ở văn mạch của câu này, chúng ta cần phải hiểu người quân tử tuy không phải là vua, nhưng cũng là một ông quan tham gia việc trị nước. Ông quan cai trị cần thi hành đức hiếu với cha mẹ, đồng thời vận dụng đức hiếu để tôn thờ vua (vị lãnh đạo tối cao và lý tưởng). Vua cũng như là cha mẹ của mình. Làm việc nước mà không tôn kính vua thì việc nước không thành. Hiếu với cha mẹ còn để làm gương cho dân chúng dưới quyền mình cai trị, khiến họ bắt chước mà tôn thờ cha mẹ họ.

Đễ là tôn trọng người trên.

Ông quan cai trị cần thi hành đức đễ với anh mình, đồng thời vận dụng đức đễ tôn trọng những người có tài đức xứng đáng làm thầy mình. Điều này còn để làm gương cho dân biết tôn trọng những bậc tiền bối, bậc kỳ lão, những đàn anh trong thôn xóm.

Từ là thương yêu, giúp đỡ người dưới.

Ông quan cai trị cần thi hành đức từ với vợ con, với kẻ bề dưới trong nhà; để rồi vận dụng đức từ đối xử với dân chúng. Muốn sai khiến dân chúng làm việc nước thì phải biết thương yêu, giúp đỡ dân cho họ được an cư lạc nghiệp.

Ngay cả đối với một ông vua (ngày nay là tổng thống, chủ tịch nước) là lãnh tụ lớn nhất trong nước cũng cần có hiếu với cha mẹ và tôn kính tổ tiên để nêu gương sáng cho dân. Vua cần phải có đức đễ tức là biết tôn trọng các bậc hiền sĩ trong nước, coi họ như những bậc thầy bề trên của mình. Vua càng cần phải phát huy đức từ đối với dân chúng thì việc trị nước mới tốt đẹp được.

Như thế, đạo “trị quốc” chỉ là triển khai đạo “tề gia” mà thôi. Do tề gia mà suy ra việc trị quốc.

Về điểm này, Chu Hy đã nói: “Thân tu thời gia đình có thể dạy được. Hiếu, đễ, từ, là để tu thân và dạy gia đình. Song đối với nước, cái đạo thờ vua, thờ bậc trưởng, sai khiến dân cũng không ngoài ở đó cả. Thế cho nên tề gia ở trên (nhà) mà thành việc giáo hóa ở dưới (nước) vậy.” (Trích theo Phạm Ngọc Khuê, Đại học, trang 41 42).

Để đặt một mối liên hệ giữa việc gia đình và việc trị nước, người viết phần Truyện đã trích dẫn một câu Kinh Thư: “Như bảo xích tử.”

Câu này vốn là một câu văn trích ở thiên Khang Cáo, phần Chu thư, tương truyền do Khổng tử san định. Nguyên văn trọn câu này như sau: “Như bảo xích tử, duy dân kỳ khang nghệ ”: (Như giữ gìn đứa con đỏ, thì dân được trị an.)

Đây là lời Vũ Vương, do Chu Công thuật lại, khuyên em là Khang Thúc (tên Phong) về đạo trị nước. Ý của câu này là: Người lãnh đạo đất nước cai trị dân cần phải lấy việc người mẹ săn sóc đứa con mới sinh làm mẫu mực. Đứa bé không biết nói, chỉ dùng tiếng khóc tỏ bày, nhưng nhờ vào tình yêu con thiết tha, người mẹ có thể cảm nhận, có thể suy ra được nhu cầu của đứa bé: cần ăn, uống, cần sự ấm áp, sự mát mẻ… hay có thể đoán biết đứa bé bị bệnh làm sao, bị đau đớn ở đâu… Do đó, phần Truyện được viết tiếp:

Tâm thành cầu chi; tuy bất trúng, bất viễn hỹ. Vị hữu học dưỡng tử, nhi hậu giá giả dã: Có lòng thành tìm hiểu, tuy không trúng thì cũng không xa. Chưa từng có ai học nuôi con rồi sau mới lấy chồng.”

Người viết Truyện cho rằng hễ có lòng thành khẩn tìm hiểu cho dù không trúng hẳn nhu cầu của đứa bé chăng nữa, thì cũng gần đúng, trừ trường hợp bệnh hoạn khác thường; chứ nhận định của người mẹ và sự đáp ứng của người mẹ cũng không xa ý nguyện đứa bé bao nhiêu. Theo quan niệm này, ngày xưa (dĩ nhiên là thời Xuân Thu, Chiến quốc, cách đây 2500 năm) chưa hề có việc cho người nữ học nuôi con trước khi lấy chồng. Đến tuổi lập gia đình, người nữ cứ lấy chồng; có con rồi mới học hỏi việc nuôi con sau. Có khi không cần học, cứ thương con là biết cách đáp ứng nhu cầu của con.

Dĩ nhiên, quan niệm này không còn thích hợp với nếp sống văn minh ngày nay nữa. Tuy vậy, ý chính của người viết phần Truyện không đặt ở việc nuôi con. Ông chỉ muốn so sánh việc nuôi con với việc trị nước. Trong sự so sánh này, ông muốn nói: Người trị nước cũng cần có lòng thương yêu dân thiết tha như người mẹ yêu con vậy. Cứ yêu đi rồi sẽ biết dân muốn gì và đáp ứng cho sự mong ước của dân. yêu dân thì hãy đặt mình vào địa vị của dân. có đặt mình vào địa vị dân mà tìm hiểu mới biết dân chịu thống khổ, lầm than, thiếu thốn thế nào, bị bóc lột, áp bức thế nào, bị lo lắng sợ sệt thế nào? Một khi đã biết rồi, ắt người cai trị yêu dân như con sẽ biết tìm ra phương thế để giải quyết những việc ấy.

Ở đây, chúng ta lại thấy quả thực sách Đại học không cốt ý bàn đến “chính lược”, đặc biệt là không bàn đến “thuật” cai trị, mà chỉ bàn đến “đạo lược”, tức là “đạo cai trị”. Đạo cai trị chỉ chú tâm đến việc “yêu dân” như yêu chính mình. Được như vậy, người cai trị mới xứng đáng được gọi là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân). Bàn về “đạo lược” là bàn ở cấp độ nền tảng, hoặc ở cấp độ thượng tầng.

Để bàn cho rõ hơn về sự liên hệ giữa việc tề gia và việc trị quốc, người viết phần Truyện đã đặt “nhà” và “nước” trong tương quan nhân quả.

Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân; nhất gia nhượng, nhất quốc hưng nhượng. Nhất nhân tham lệ, nhất quốc tác loạn. Kỳ cơ như thử. Thử vị ‘nhất ngôn phẫn sự, nhất nhân định quốc’: Một nhà làm điều nhân, một nước cũng dấy lên điều nhân; một nhà có sự nhường nhịn, một nước cũng dấy lên sự nhường nhịn. Một người tham lam ngang ngược, một nước phát khởi rối loạn. Cái mầm mống phát động là như thế. Thế gọi là: ‘Một lời làm hỏng việc, một người ổn định được nước.’”

Chữ “một nhà” trong đoạn văn này chỉ “nhà của bậc lãnh đạo” chứ không phải “nhà của dân”. Nhà của dân thường thì ít ảnh hưởng lắm! Nhà của một nguyên thủ quốc gia (vua, tổng thống, chủ tịch…), nhà của một đại thần (tể tướng, thủ tướng…) hay nhà của một vị đầu tỉnh mới có thể gây ảnh hưởng tới cả nước được.

Nếu nhà của bậc lãnh đạo mà làm điều nhân đức, cả nước ắt sẽ náo nức bắt chước dấy lên điều nhân đức. Cũng như vậy, trong nhà của bậc lãnh đạo có sự nhường nhịn giữa chồng và vợ (hoàng đế và hoàng hậu, tổng thống và phu nhân…), giữa các anh em với nhau (các hoàng tử…), thì mọi nhà dân trong nước sẽ theo gương đó mà nhường nhịn nhau.

Đây là một tương quan nhân quả, một mối liên hệ dây chuyền tất yếu; trong đó, “nhà của bậc lãnh đạo” là nhân, cả nước là quả. Nhân nào, quả ấy, nhân tốt cho quả tốt, nhân xấu cho quả xấu.

Trong qui luật nhất định này: “Một người tham lam ngang ngược, một nước phát khởi rối loạn” (Nhất nhân tham lệ, nhất quốc tác loạn), lịch sử đã chứng minh cho thấy triều đại nào có vua tham tàn bạo ngược, đất nước ắt rối loạn; trong triều, gian thần khuynh đảo; ngoài dân gian, giặc giã nổi lên như ong; và nơi biên cương thường bị ngoại bang xâm lấn. Cái mầm mống phát động () đã nảy ở trong ắt phải triển khai ra ngoài, đã nảy ở bên trên ắt phải lan xuống bên dưới. Nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào thời thế và hoàn cảnh đất nước; nhưng nhất định cái “” đã có thì phải phát triển để mỗi ngày một lớn mạnh hơn.

Đất nước sắp loạn thì có cai cơ loạn báo trước. Đất nước sắp trị cũng có cái cơ trị báo trước. Cái ấy thường khởi mầm mống ở trong triều. Người quân tử hiểu đạo phải biết cái cơ trị, loạn mà ứng phó. Do đó, Kinh Dịch mới nói: “Quân tử kiến cơ nhi tác”: Người quân tử thấy cái mầm mống khởi phát thì phải hành động ngay. Tiến hay thối cho kịp thời.

Cái cơ ấy có thể khởi phát từ một lời nói của người lãnh đạo. Cái cơ ấy cũng có thể khởi phát từ chính năng lực và nhân cách của người lãnh đạo. Vì thế người viết Truyện mới trưng dẫn câu ngạn ngữ: “Một lời nói làm hỏng việc, một người ổn định được nước.” (Nhất ngôn phẫn sự, nhất nhân định quốc.). Những ví dụ dùng để chứng minh cho câu ngạn ngữ này có thể được tìm thấy đầy rẫy trong sử sách của nhân loại.

Ngày xưa, các bậc hiền nhân trong dân dã đã nhìn thấy rất sớm cái cơ trị loạn của một triều đại. Cho nên các ngài thường kín đáo đặt một hai câu sấm vắn gọn rồi đem truyền cho bọn trẻ hát thành bài đồng dao để cảnh tỉnh nhà cầm quyền. Ví dụ, đọc Đông Chu liệt quốc, chắc ai cũng còn nhớ câu đồng dao nói về nguyên nhân suy sụp của nhà Chu:

“Thỏ lên, ác lặn về Đoài,

Yểm hồ, cơ bặc rồi đời nhà Chu.”

Để chứng minh thêm cho quan điểm “tu thân, tề gia” ảnh hưởng tới “trị quốc”, người viết phần Truyện nói tiếp:

Nghiêu, Thuấn suất thiên hạ dĩ nhân, nhi dân tùng chi. Kiệt, Trụ suất thiên hạ dĩ bạo, nhi dân tùng chi. Kỳ sở lệnh phản kỳ sở hiếu, nhi dân bất tùng: Vua Nghiêu, vua Thuấn lấy đức nhân điều khiển thiên hạ, thì dân theo. Vua Kiệt, vua Trụ lấy bạo tàn điều khiển thiên hạ, thì dân theo. Mệnh lệnh của mình mà trái với điều mình ưa thích thì dân không theo.”

Chúng ta nên hiểu đoạn văn trên như thế này: vua Nghiêu, vua Thuấn lấy đức nhân điều khiển thiên hạ, thì dân theo các ngài làm điều nhân. Vua Kiệt, vua Trụ lấy bạo tàn điều khiển thiên hạ, thì dân theo các ông vua này làm điều bạo tàn. Dĩ nhiên với quyền hành và binh lực trong tay, dù ghét đến đâu mặc lòng, dân vẫn bắt buộc phải tuân theo sự cai trị của vua, ít là trong một khoảng thời gian nào đó. Nhưng 3 chữ “dân tùng chi” (thì dân theo) ở đây muốn nói đến việc dân bắt chước vua làm điều nhân hay điều bạo tàn, dân sẽ hướng về bạo tàn. Do đó, giả như vua ra mệnh lệnh cho dân theo đường nhân đức, nhưng bản thân vua lại ưa thích những điều bất nhân bất nghĩa, làm những điều thương luân bại lý, thì dân hẳn là không theo lệnh vua rồi! (Kỳ sở lệnh phản kỳ sở hiếu, nhi dân bất tùng.)

Vì thế, tư tưởng ở phần Truyện lại được tiếp nối như sau:

Cố quân tử hữu chư kỷ, nhi hậu cầu chư nhân; vô chư kỷ, nhi hậu phi chư nhân. Sở tàng hồ thân bất thứ, nhi năng dụ chư nhân giả, vị chi hữu dã. Cố trị quốc, tại tề kỳ gia: Cho nên bậc quân tử có điều gì ở mình rồi sau mới đòi hỏi ở người; không có ở mình rồi sau mới khiến không có ở người được, điều mà thân mình chẳng tự suy mình ra người, lại đem dạy bảo cho người, chưa hề có vậy. Cho nên, việc trị nước ở tại việc điều chỉnh gia đình.”

Trong đoạn văn này, việc điều chỉnh gia đình lại qui chiếu về việc tu thân và xem như “tề gia” với “tu thân” là một; bởi vì cùng là việc thuộc về bản thân mình. Tiếp ý câu cuối của phần trên rằng: dân sẽ không theo mệnh lệnh của vua ban ra mà chính vua chẳng ưa; ở đây, đi đến kết luận:

– Muốn đòi hỏi ở người điều thiện thì chính mình phải có điều thiện.

– Muốn khiến người ta không có điều ác (xa lánh) thì chính mình phải không có điều ác. Đạo lý về điều “thứ” dạy rằng: “Kỳ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều mình không muốn, đừng làm cho người” (Luận Ngữ: Vệ linh Công, 23).

Như vậy, “thứ” là suy từ lòng mình để biết lòng người, mình không thích điều ác thì đừng làm ác cho người; mình thích người ta tốt với mình thì mình cũng tốt với người. Chính mình phải thực hiện đạo “thứ” trước rồi mới đem đạo ấy dạy dỗ cho người được. Đó là qui luật tự nhiên. Nay, chính mình không tự suy mình ra người (Sở tàng hồ thân bất thứ: không có đạo thứ chất chứa nơi mình), lại dạy bảo người ta theo đạo lý ấy. Đó là điều vô lý.

Những điều vừa nêu trên thuộc về bản thân và gia đình người quân tử. Muốn trị nước, tức là đem những điều ấy dạy bảo dân chúng, thì chính người quân tử phải thực hiện ở chính mình và nhà mình trước. (Cố trị quốc, tại tề kỳ gia.)

Để cũng cố quan điểm cho rằng không khí tốt đẹp ở từng gia đình là căn bản cho sự tốt đẹp của cả nước, người viết phần Truyện đã trích dẫn Kinh Thi:

“Đào chi yêu yêu,

Kỳ diệp tần tần.

Chi tử vu qui,

Nghi kỳ gia nhân”

Nghi kỳ gia nhân,

nhi hậu khả dĩ giáo quốc nhân.

(Cây đào mơn mởn,

Lá nó sum suê

Nàng ấy về nhà chồng

Cư xử hợp với người trong nhà

Cư xử hợp với người trong nhà,

rồi sau mới có thể giáo dục người trong nước.)

Đây là bài thơ Đào yêu, thiên Chu Nam trong Kinh Thi, vốn ca tụng đức hạnh của một bà hoàng hậu thời xưa, để làm mẫu mực cho những nàng dâu về nhà chồng.

Hai câu “cây đào mơn mởn, lá nó sum suê” tả cây đào non xinh xắn, đầy sức sống, dùng làm biểu tượng cho một người nữ tốt đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần. Nàng ấy về nhà chồng, đã khéo léo cư xử trong một tập thể gồm toàn những người lạ: những người yêu thương quí mến thì ít; những kẻ đầy lòng nghi ngờ, đố kỵ, ghen ghét thì nhiều. Chữ “nghi” có nghĩa là khéo léo cư xử (thiện xử) cho hợp ý mọi người. Trong một tình huống khó khăn, thế mà nàng đã ăn ở, làm vừa lòng đủ mọi người trong nhà: hiếu thảo với cha mẹ chồng, thuận hoà với anh chị em, kính người trên, nhường kẻ dưới, mọi người thuộc họ bên chồng đều ngợi khen.

So sánh một nàng dâu về nhà chồng với người quân tử trị nước quả là khéo léo và xác đáng, vì cả hai người cùng phải sống trong một tình huống tương tự như nhau. Nàng dâu thì phải ứng xử với họ nhà chồng; người quân tử trị nước thì phải ứng xử với nhiều loại người trong xã hội và luôn luôn sẵn sàng tìm cơ hội công kích, chống phá người cai trị.

Hình ảnh một người nữ đức hạnh về nhà chồng khéo léo cư xử là một mẫu mực cho người quân tử trị nước: phải tạo được một bầu khí hoà hợp tốt đẹp với mọi người trong gia đình đã, trước khi nghĩ đến việc giáo dục toàn dân trong nước khiến cho họ sống tốt với nhau.

Kinh Thi còn có bài thơ Lục tiêu, thiên Tiểu Nhã, nhắc lại câu hát thường được xướng lên trong các bữa tiệc ở cung đình: “Nghi huynh nghi đệ: xứng hợp với anh, xứng hợp với em.” Đó là lời vua cha giáo huấn các hoàng tử anh em phải cư xử thuận hoà, có tình nghĩa với nhau. Đạo làm anh thì phải thương em, nâng đỡ, hướng dẫn em; lại phải nhường nhịn, quảng đại, độ lượng đối với em. Đạo làm em thì phải tôn trọng anh, vâng lời và hỗ trợ anh; trong một vài trường hợp, em phải coi anh như cha mình (Quyền huynh thế phụ). Tuy anh ở bậc trên, em ở bậc dưới; nhưng trong đạo anh em không có sự phân cách quá nhiều. Anh có thể hơn em về kinh nghiệm trường đời, về cách ứng phó với các tình huống khó khăn. Còn em cũng có thể hơn anh về trí thông minh, vè trình độ trí thức, về khả năng chuyên môn. Do đó anh em phải hỗ trợ lẫn nhau như tay và chân trong một thân thể. Tục ngữ thường nói “anh em như thể tay chân” là nói trong ý nghĩa tương thân tương ái, hỗ trợ đùm bọc nhau vậy.

Nếu anh em tuyệt tình với nhau, thanh toán lẫn nhau thì sẽ rơi vào cảnh “môi hở răng lạnh” hoặc tình trạng “nồi da xáo thịt, “dây đậu chưng hạt đậu”. Hậu quả là gia đình sẽ tan vỡ.

Người đứng ở địa vị cai trị đất nước cũng phải thực hiện bài học “anh em hoà thuận” này trong gia đình rồi sau mới có thể đem ra dạy lại cho toàn dân được. (Nghi huynh nghi đệ, nhi hậu khả dĩ giáo quốc nhân.)

Ở gia đình, có anh em cùng chung một cha mẹ. Trong đất nước, người cai trị có toàn thể dân chúng là đồng bào ruột thịt cùng chung một tổ tiên với mình. Trong số đồng bào đó, có người xứng đáng là anh mình, có người là em mình. Cho nên, người cai trị phải coi dân chúng là anh em với mình. Anh em đã không thể tuyệt tình, không thể thanh toán lẫn nhau, thì người cai trị cũng không được hà hiếp bóc lột dân, đồng thời phải giữ gìn, dạy bảo dân, đừng để cảnh tương tàn tương sát diễn ra trên đất nước. Nếu anh em đồng bào tàn sát lẫn nhau, diễn ra cảnh đầu rơi máu chảy, để cho ngoại bang có cơ hội xâm lược, giày xéo đất nước, thì người cai trị phải chịu trách nhiệm trước tiền đồ dân tộc.

Kinh Thi là một kho tàng vô giá về những điều khôn ngoan của người xưa; vì thế, xem ra người viết phần Truyện ở đây không muốn bỏ qua một câu Kinh Thi nào có thể dùng biện minh cho luận điểm của phần Kinh. Câu Kinh Thi được trích dẫn thêm để đúc kết cho chương này là một câu thuộc bài Thi cưu, thiên Tào Phong:

Kỳ nghi bất thắc, chính thị tứ quốc: Dáng mạo không sai lầm, làm cho bốn nước được ngay thẳng.”

Nghi” là dáng mạo (dung nghi) của một ông vua. Bốn nước là những nước láng giềng ở bốn phương (đông, tây, nam, bắc). Mỗi khi sứ thần các nước láng giềng đến thông hiếu, nhìn thấy dáng mạo tề chỉnh của vua thì tâm phục; khiến cho các nước ấy không dám có ý đồ gây rối xâm lược. Đồng thời vua các nước ấy cũng bắt chước theo mà thi hành một nền chính trị ngay thẳng để toàn dân thiên hạ được thái bình.

Tuy nhiên, làm thế nào mà dáng mạo của một ông vua không thể hiện nét sai lầm?

Xin thưa rằng: “Tướng tại tâm sinh” (Hình tướng do tâm sinh ra). Nếu tâm không sai lầm, không thiên lệch thì tướng (diện mạo, cử chỉ) cũng không lộ vẻ sai lầm.

Sách Trung dung nói: “Quân tử chi đạo, bản chư thân, trưng chư thứ dân. 君子之道本諸身徵諸庶民。 (Đạo của người quân tử [ở ngôi vua] đặt nền tảng nơi thân mình, rồi bày tỏ ra cho thứ dân.) (Trung Dung: chương 29). Nền tảng nơi thân mình (tâm) đã ngay thẳng, thì sự bày tỏ cũng có dáng mạo ngay thẳng. Cho dù ông vua ấy cố gắng thu liễm, không có ý khoe khoang đức độ của mình, thì sự tốt lành ngay thẳng vẫn phát tỏa thành năng lực vô hình có thể chinh phục được lòng người. Về điểm này, Tử Tư đã trích dẫn Kinh Thi nói rằng:

Bất hiển duy đức, bách tích kỳ hình chi: (Chỉ có đức không lộ ra, trăm vua chư hầu đều theo phép thường.) (Trung Dung: chương 33). Câu trên nói về cái đức tiềm tàng, đôn hậu của vua Văn Vương;

nhờ đức này, ngài đã cảm hóa được các vua chư hầu, khiến cho họ phải tuân theo vương pháp, không dám gian dối, bạo ngược xâm lấn. Do đó, Tử Tư mới nói: “Thị cố quân tử đốc cung, nhi thiên hạ bình. (Vậy nên người quân tử đầy lòng cung kính mà thiên hạ được bình an.” (Trung Dung: chương 33).

Thế thì, muốn cho dáng mạo không sai lầm (Kỳ nghi bất thắc), tâm phải tuân theo chính đạo. Theo chính đạo là giữ đủ phép tắc của đạo thường (túc pháp), tuân theo pháp luật kỷ cương của quốc gia. Cho dù là một người lãnh đạo đất nước (ông vua), nhưng cũng đồng thời là người cha, là người con, là người anh, là người em trong một gia đình. Ở bất cứ một địa vị nào trong những vai ấy, người lãnh đạo đất nước phải giữ đủ phép tắc để làm gương cho mọi người, không có luật trừ, thì dân chúng mới bắt chước theo (nhi hậu dân pháp chi dã). Như vậy, rõ ràng việc trị nước phải đặt căn bản trên việc điều chỉnh gia đình (Thử vị trị quốc tại tề kỳ gia.)

Tóm lại, tư tưởng cốt lõi của chương này cho rằng “trị quốc” tức là giáo dục mọi người trong nước, thì trước hết phải giáo dục được người trong gia đình mình; và trên hết, phải tự giáo dục chính mình. Người lãnh đạo đất nước phải có hiếu, đễ, từ, phải yêu dân như cha mẹ yêu con. Người lãnh đạo đất nước phát khởi điều nhân trong gia đình mình rồi mới có thể làm dấy lên điều nhân trong cả nước như một nắm men làm dậy men cả chậu bột. Muốn cho dân chúng xa lánh điều ác, người lãnh đạo phải cư xử tốt đẹp với mọi người trong nhà, giữ mình theo đạo thường, theo phép nước thì toàn dân cũng bắt chước như vậy. Đó là đạo “tề gia, trị quốc” của các bậc thánh vương đời xưa. Đạo ấy còn có tên là “Đế đạo”, trên cả Vương đạo và đối lập hẳn với Bá đạo.

Bá đạo dùng mưu thuật, vũ lực để cai trị dân. còn Đế đạo thì chủ trương tự giáo dục mình, giáo dục gia đình mình, rồi sau mới giáo dục cả nước. Cai trị như thế gọi là “vô vi nhi trị”; điều mà cả Khổng tử lẫn Lão tử mỗi khi nhắc đến đều tỏ lòng sùng mộ, tiếc nhớ.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x