Trang chủ » Dhyāna và Samādhi

Dhyāna và Samādhi

by Trung Kiên Lê
62 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Chúng ta đã xem lướt qua những giai đoạn khác nhau trong pháp môn Rāja-yoga, ngoài trừ giai đoạn tinh tế nhất là tập trung tư tưởng; đó là mục đích, mục tiêu mà Rāja-yoga sẽ đưa ta đến. Với tư cách là những con người, chúng ta thấy rằng mọi tri thức gọi là duy lý của chúng ta đều quy chiếu đến ý thức.

Tôi ý thức được cái bàn này, tôi ý thức được sự hiện hữu của các bạn, v.v… và điều đó khiến tôi biết được rằng các bạn đang ở nơi đây, cái bàn đang ở nơi đây, và những sự vật mà tôi nhìn thấy được, cảm nhận được và nghe thấy được đều đang ở nơi đây.

Đồng thời, lại có phần rất lớn trong sự tồn tại của tôi mà tôi không ý thức được – tất cả những cơ quan bên trong cơ thể, những bộ phận khác nhau của não, bản thân của não, không một ai ý thức được những sự vật đó cả.

Khi ăn uống thì tôi làm điều đó một cách có ý thức, nhưng khi tiêu hóa thức ăn thì tôi lại làm điều đó một cách vô thức, và khi thức ăn chuyển hóa thành máu thì điều đó cũng được thực hiện một cách vô thức, khi máu nuôi dưỡng những thành phần khác nhau của cơ thể thì điều đó cũng được thực hiện một cách vô thức.

Tuy nhiên, chính tôi thực hiện tất cả những điều này, không thể có đến hai mươi người trong cùng một cơ thể. Làm thế nào mà tôi biết được rằng tôi là người thực hiện những điều đó chứ không phải một ai khác?

Người ta có thể dẫn chứng rằng phần tôi chỉ việc ăn rồi tiêu hóa thực phẩm, và một ai nào khác chứ không phải tôi đã dùng thực phẩm đó để nuôi dưỡng thể xác này.

Nhưng không thể thế được, bởi vì có thể chứng minh được rằng hầu hết những hoạt động mà chúng ta không hề hay biết đều có thể được nâng lên bình diện của ý thức.

Trái tim đập, rõ ràng là không có sự điều khiển của chúng ta, không một ai trong chúng ta ở đây có thể điều khiển được trái tim, nó cứ hoạt động theo cách riêng của nó. Nhưng do luyện tập, người ta thậm chí có thể điều khiển được trái tim, bắt nó đập nhanh hay chậm tùy ý, hoặc hầu như là ngưng đập hẳn.

Hầu như mọi bộ phận của cơ thể đều có thể được đặt dưới quyền điều khiển. Điều này chứng tỏ được gì? Rằng những chức năng nằm dưới tầng ý thức cũng đều do chúng ta thực hiện, chỉ có điều chúng ta thực hiện một cách vô thức mà thôi. Vậy thì ta có đến hai bình diện để tâm trí con người hoạt động.

Thứ nhất là bình diện ý thức, trong đó mọi công việc đều đi cùng cảm giác về “Cái Tôi”. Kế đó là bình diện vô thức, trong đó mọi công việc đều không đi cùng cảm giác về “Cái Tôi”.

Phần hoạt động của tâm trí không đi cùng cảm giác về lòng vị kỷ là hoạt động vô thức, còn phần hoạt động của tâm trí đi cùng cảm giác về lòng vị kỷ là hoạt động có ý thức. Nơi loài vật thấp kém, hoạt động vô thức này được gọi là bản năng.

Còn nơi loài vật cao cấp hơn – và nơi loài vật cao nhất là con người – thì phần hoạt động của tâm trí đi cùng cảm giác về lòng vị kỷ chiếm ưu thế, và được gọi là hành động có ý thức. Nhưng sự việc chưa dừng ở đây. Vẫn còn có một bình diện cao hơn nữa mà tâm trí có thể hoạt động được.

Nó vượt ngoài tầm ý thức. Giống như hoạt động vô thức nằm bên dưới bình diện ý thức, có một hoạt động khác nằm bên trên ý thức, và không đi cùng với lòng vị kỷ. Cảm giác về “Cái Tôi” chỉ là bình diện trung gian. Khi tâm trí ở trên hoặc ở dưới bình diện đó thì không có cảm giác về “Cái Tôi”, tuy nhiên tâm trí vẫn hoạt động.

Khi tâm trí vượt ra khỏi bình diện của ý thức về tự ngã thì nó trải nghiệm một trạng thái gọi là samādhi, hay siêu thức.

Nhưng làm thế nào để ta biết được rằng một người trong trạng thái samādhi – hay nhập định – đã không đi bên dưới tầng ý thức, đã không làm suy đồi ý thức, mà thay vào đó là đi đến cảnh giới cao hơn? Trong cả hai trường hợp, kinh nghiệm đó không đi cùng với cảm nhận về “Cái Tôi”.

Lời giải đáp là: nhờ vào hiệu quả, nhờ vào kết quả của những hoạt động đó mà chúng ta biết được cái nào ở dưới, cái nào ở trên. Khi một người ngủ say thì anh ta đi vào trạng thái nằm dưới tầng ý thức.

Chức năng của cơ thể anh ta hoạt động suốt thời gian đó, anh ta hít thở, có lẽ còn vận động cả cơ thể trong giấc ngủ, mà không có cảm nhận về “Cái Tôi” đi cùng, anh ta hoàn toàn vô thức, khi tỉnh giấc thì anh ta trở lại chính là người đã đi vào trong giấc ngủ đó.

Tổng số tri thức mà anh ta có được trước khi chìm sâu trong giấc ngủ vẫn còn y nguyên như cũ, nó không hề tăng lên được chút nào. Không có sự giác ngộ nào. Nhưng đối với một người nhập định, nếu trước khi đi vào trạng thái đó anh ta là một kẻ khù khờ thì sau khi xuất định, anh ta là nhà hiền triết.

Cái gì tạo nên sự khác biệt đó? Đối với trạng thái trong giấc ngủ, khi đi ra khỏi trạng thái đó, anh ta vẫn y nguyên là con người cũ, còn đối với trạng thái nhập định thì khi đi ra khỏi trạng thái đó, anh ta đã giác ngộ, trở thành một nhà hiền triết, một nhà tiên tri, một vị thánh, toàn bộ tính cách anh ta đều chuyển hóa, cuộc đời anh ta biến đổi và bừng sáng. Đây là hai hiệu quả.

Quả đã khác nhau thì nhân cũng phải khác nhau.

Trạng thái giác ngộ – mà con người quay trở lại sau khi xuất định – cao hơn rất nhiều so với mức độ có được từ trạng thái vô thức, hoặc cao hơn rất nhiều so với mức độ có được từ lập luận trong trạng thái có ý thức, nên nó phải là siêu thức, và samādhi được gọi là trạng thái siêu thức. Tóm lại, đó là quan niệm về samādhi. Ứng dụng của nó là gì? Ứng dụng đó là đây.

Phạm vi của lý tính, hay của những hoạt động có ý thức của tâm trí, rất hạn hẹp và hạn chế. Có một vòng tròn nhỏ bé mà lý tính con người sẽ phải vận động trong đó. Nó không thể vượt ra ngoài phạm vi đó. Mọi cố gắng vượt ra khỏi phạm vi đó đều vô ích.

Tuy nhiên, tất cả những thứ thân thiết nhất với con người đều nằm bên ngoài phạm vi đó. Mọi thắc mắc – như có Linh Hồn bất tử hay không, có Thượng Đế hay không, có một Trí Tuệ tối thượng điều hành vũ trụ này hay không – đều nằm bên ngoài phạm vi của lý tính.

Lý tính không bao giờ có thể giải đáp được những câu hỏi này. Lý tính nói gì? Nó nói: “Tôi theo thuyết bất khả tri, tôi không biết phải nói có hay là không”.

Tuy vậy, những câu hỏi đó lại rất quan trọng đối với chúng ta. Nếu không được giải đáp thỏa đáng thì đời người sẽ không có mục đích. Mọi nền đức lý của chúng ta, mọi hành vi đạo đức của chúng ta, tất cả những gì tốt đẹp và cao quý trong bản tính con người đều đã được định hình từ những câu hỏi xuất phát từ bên ngoài phạm vi đó.

Điều đó rất quan trọng, bởi vậy chúng ta cần phải giải đáp cho được những câu hỏi đó. Nếu cuộc sống chỉ là một vở tuồng ngắn ngủi, nếu vũ trụ chỉ là “sự phối hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử” thì việc gì tôi phải làm điều tốt cho người khác chứ? Việc gì cần phải có lòng nhân từ, công lý và tình đồng loại?

Con người sống trong thế giới này thì tốt nhất là hãy tranh thủ thời cơ, ai cũng sống vì bản thân mình. Nếu không có hy vọng thì việc gì tôi lại phải thương yêu người anh em của mình, mà không cắt cổ anh ta đi?

Nếu không còn có gì ở bên ngoài cõi đời này, nếu không có giải thoát mà chỉ là những quy luật khắt khe của cái chết thì kiếp này tôi chỉ việc hưởng thụ để bản thân mình được sung sướng. Ngày nay, các bạn sẽ thấy mọi người bảo rằng họ vụ lợi trên nền tảng đạo đức.

Nền tảng đó là gì? Là tìm mọi cách để hưởng thụ tối đa. Vì sao tôi nên làm điều đó? Vì sao tôi lại không gây nên đủ thứ bất hạnh cho thật nhiều người, nếu như điều đó phục vụ cho mục đích của tôi? Những người theo thuyết vị lợi sẽ trả lời ra sao cho vấn đề này? Làm thế nào để các bạn biết cái gì đúng, cái gì sai?

Tôi bị thôi thúc bởi tham vọng đi tìm hạnh phúc và tôi thực hiện điều đó, nó nằm trong bản tính của tôi, ngoài ra, tôi không biết điều gì khác nữa. Tôi có những tham vọng này và phải thực hiện chúng.

Vì sao các bạn lại phàn nàn? Những chân lý về đời người, về đạo lý, về linh hồn bất tử, về Thượng Đế, về thương yêu và cảm thông, về việc thiện, và trên hết là đời sống vị tha, tất cả những điều đó từ đâu mà có?

Mọi nền đạo đức, mọi hoạt động và tư tưởng của con người đều dựa trên quan niệm duy nhất về lòng vị tha, và toàn bộ nhân sinh quan của con người được thu gọn trong một từ duy nhất: lòng vị tha.

Vì sao chúng ta cần phải vị tha? Đâu là tính thiết yếu, sức mạnh, và năng lực buộc tôi phải vị tha? Vì sao tôi cần phải vị tha? Các bạn có thể tự cho mình là người duy lý, một người vụ lợi, nhưng nếu các bạn không đưa ra được lý do thì tôi vẫn bảo các bạn là người phi lý.

Hãy đưa cho tôi thấy lý do vì sao tôi không nên ích kỷ. Yêu cầu một người nào đó sống vị tha thì điều đó nghe ra có vẻ thơ mộng, nhưng thơ mộng không phải là là lý do. Hãy cho tôi thấy một lý do. Vì sao tôi lại phải có lòng vị tha và sống lương thiện? Nếu vì ông X, bà Y, v.v… đã nói thế thì điều đó không có ý nghĩa gì với tôi cả.

Sống vị tha thì tôi được lợi ích gì? Nếu lợi ích có nghĩa là có được nhiều hạnh phúc nhất thì lợi ích cho tôi có nghĩa là sống vị kỷ. Câu trả lời là gì? Người theo thuyết vị lợi không đưa ra được câu trả lời.

Mà câu trả lời là như vầy: thế giới này chỉ là một giọt nước trong đại dương vô biên, một khoen nối trong dây xích dài vô tận. Những người rao giảng đức vị tha và dạy nó cho loài người, họ lấy quan niệm đó từ đâu? Chúng ta biết đó không phải là bản năng, loài vật hành động theo bản năng nhưng không biết đến nó.

Nó cũng chẳng phải là lý tính, lý tính không biết gì nhiều về những quan niệm như thế.

Vậy thì chúng từ đâu tới? Khi nghiên cứu lịch sử, chúng ta thấy tất cả những vị đại đạo sư tôn giáo trên thế giới đều có một điểm chung, đó là họ tuyên bố họ đã tiếp thu những chân lý đó từ bên ngoài, chỉ có điều là nhiều vị trong số đó không biết mình tiếp thu chúng từ đâu.

Chẳng hạn, vị này thì bảo rằng có thiên sứ hiện đến trong hình dáng con người mang đôi cánh, và nói: “Này, người kia, hãy nghe đây! Đó là thông điệp”. Vị khác thì bảo rằng có một deva – tức vị thần mang thân thể chói ngời – xuất hiện trước mặt mình.

Vị thứ ba thì bảo mơ thấy tổ tiên hiện về bảo cho mình những điều gì đó, và ngoài ra ông ta không biết gì hơn nữa. Nhưng có một điểm chung: tất cả các vị đó đều quả quyết rằng tri thức đó đến với họ từ cõi ngoài, chứ không phải bằng năng lực lý luận.

Khoa học Yoga dạy điều gì về chuyện đó? Nó dạy rằng tất cả những vị đó đều đúng khi tuyên bố tri thức đó đến với họ từ cõi ngoài phạm vi lý luận, nhưng nó lại đến từ chính nội tâm của họ.

Các hành giả yogi dạy rằng bản thân tâm trí có một trạng thái tồn tại cao hơn vượt trên lý tính, đó là trạng thái siêu thức, và khi tâm trí đạt đến trạng thái đó thì tri thức vượt ngoài lý tính này – một loại tri thức siêu hình và siêu việt – sẽ đến với người đó.

Đôi khi trạng thái siêu quá lý tính, vượt ngoài tri thức thông thường của con người này lại tình cờ đến với người không hiểu gì về khoa học yoga, và anh ta, có thể nói như vậy, chỉ tình cờ phát hiện ra nó. Và khi tình cờ phát hiện như thế thì anh ta thường giải thích rằng nó đến từ bên ngoài.

Bởi thế, điều này giải thích tại sao một cơn thần hứng hoặc một tri thức siêu việt lại có thể giống nhau tại những xứ sở khác nhau, nhưng ở xứ sở này thì nó có thể đến thông qua hình ảnh một một thiên sứ, ở xứ sở khác nó đến dưới hình dạng một deva, và ở xứ sở khác nữa thì nó lại đến thông qua Thượng Đế.

Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là tâm trí đã làm phát sinh ra tri thức đó từ chính nó, và cách tìm ra tri thức đó đã được giải thích theo tín ngưỡng và nền giáo dục của người tiếp thu nó. Sự thật là những con người đa dạng đó, có thể nói như vậy, đã phát hiện ra trạng thái siêu thức này do tình cờ mà thôi.

Hành giả yogi bảo rằng có nguy cơ tiềm ẩn khi tình cờ phát hiện ra trạng thái này.

Trong nhiều trường hợp, não có nguy cơ bị rối loạn, và lẽ tất nhiên là các bạn thấy rằng tất cả những người tình cờ phát hiện trạng thái siêu thức mà không hiểu được nó thì dù vĩ đại bao nhiêu đi nữa, họ vẫn mò mẫm trong bóng tối, và đi cùng với tri thức đó thường là thói mê tín quái dị. Họ sẵn sàng đón nhận các ảo giác.

Mohammed quả quyết rằng Thiên sứ Gabriel một hôm đã đưa ông đến một hang động, và đặt ông lên con thiên mã Harak để đi tham quan các cõi trời. Thế nhưng, cùng với tất cả những thứ đó, Mohammed cũng đã nói ra một vài chân lý tuyệt diệu.

Nếu đọc kinh Koran, các bạn sẽ thấy những chân lý tuyệt diệu xen lẫn với nhiều điều mê tín. Các bạn sẽ giải thích điều đó như thế nào? Mohammed đã trải qua một cơn thần hứng, đó là điều chắc chắn, nhưng cơn thần hứng đó, có thể nói như vậy, chỉ xảy đến tình cờ.

Vì không phải là một hành giả yogi lão luyện, nên ông ta không hiểu lý do của những điều mình đã làm. Thử nghĩ đến những điều tốt đẹp mà Mohammed đã mang lại cho thế giới, và thử nghĩ đến tội ác tày trời mà óc cuồng tín của ông đã gây ra!

Hãy nghĩ đến hàng triệu người bị thảm sát vì giáo lý của ông, mẹ phải lìa con, con cái thành trẻ mồ côi, nhiều quốc gia bị hủy diệt hoàn toàn, hàng triệu triệu người bị giết hại!

Bởi vậy chúng ta thấy được nguy cơ này khi nghiên cứu cuộc đời của một bậc đạo sư vĩ đại như Mohammed: bất cứ khi nào một nhà tiên tri nhập vào trạng thái siêu thức bằng cách nâng cao cảm xúc tự nhiên thì ông ta rút ra từ cảnh giới đó không chỉ một vài chân lý, mà còn rút ra óc cuồng tín và mê tín – những thứ này gây tổn hại cho thế gian cũng ngang bằng với những lợi ích mà giáo lý vĩ đại đó mang lại.

Tuy nhiên, đồng thời chúng ta lại thấy rằng tất cả những bậc đại đạo sư đều trải qua cơn thần hứng.

Để tìm ra một ý nghĩa bất kỳ nào từ khối ngẫu nhiên mà ta gọi là đời người, ta cần phải vượt lên trên lý tính, nhưng ta phải thực hiện điều đó một cách khoa học, từ tốn bằng cách tập luyện đều đặn, và phải vất bỏ tất cả những điều mê tín.

Chúng ta phải tiếp thu việc nghiên cứu trạng thái siêu thức này như những bộ môn khoa học khác. Chúng 632 ta phải đặt công việc nghiên cứu trên cơ sở lý tính. Chúng ta phải để lý tính dẫn ta đi đến hết khả năng của nó, và chừng nào lý tính thất bại thì tự nó chỉ cho chúng ta con đường đi đến cảnh giới cao hơn.

Bởi vậy, bất cứ khi nào các bạn nghe người nào đó bảo: “Tôi được thiên khải” rồi nói ra những điều phi lý thì hãy khước từ anh ta. Vì sao? Vì ba trạng thái này – bản năng, lý tính, và siêu thức, hay vô thức, ý thức, và siêu thức – đều thuộc về cùng một tâm trí duy nhất.

Không hề có ba tâm trí nơi một con người, mà trạng thái tâm trí này phát triển thành trạng thái kia. Bản năng phát triển thành lý tính, lý tính phát triển thành siêu thức, bởi vậy trạng thái này không bao giờ mâu thuẫn với trạng thái kia.

Cơn thần hứng thực sự không hề mâu thuẫn với lý tính mà chỉ tựu thành cho lý tính. Giống như một nhà tiên tri vĩ đại đã nói: “Ta đến đây không phải để phá hủy mà để tựu thành”[1] thì cơn thần hứng này luôn luôn đến để tựu thành cho lý tính, và hài hòa với lý tính.

Tất cả những giai đoạn khác nhau của yoga đều nhằm mục đích đưa chúng ta đến trạng thái siêu thức – hay samādhi – một cách khoa học. Hơn nữa, cần phải hiểu điểm cốt tử này: cơn thần hứng vẫn có trong bản tính mỗi người, nhiều như trong bản tính của những nhà tiên tri thời cổ.

Những nhà tiên tri này không phải là trường hợp đặc thù duy nhất, họ cũng chẳng khác gì các bạn và tôi. Họ là những hành giả yogi vĩ đại. Họ đã đạt đến trạng thái siêu thức này, các bạn và tôi cũng có thể đạt được điều tương tự. Họ không phải là những con người đặc biệt.

Chính sự kiện một người đã từng đạt đến trạng thái đó chứng tỏ rằng mọi người đều có thể làm được điều đó. Không những là có thể, mà tất cả mọi người rốt cuộc đều phải đạt đến trạng thái đó, và đó là tôn giáo. Kinh nghiệm là người thầy duy nhất của chúng ta.

Chúng ta có thể nói và lý luận suốt đời, nhưng chúng ta không hiểu được một chữ nào về chân lý, cho đến khi nào tự mình trải nghiệm. được nó. Các bạn không thể mong đợi biến một người thành bác sĩ giải phẫu bằng cách đưa cho anh ta vài cuốn sách.

Các bạn không thể làm thỏa mãn trí tò mò muốn tham quan một thành phố của tôi bằng cách đưa cho tôi một tấm bản đồ, mà tôi phải trải nghiệm thực sự. Những tấm bản đồ chỉ gợi nên chút ít tò mò trong chúng ta để đạt được một tri thức hoàn hảo hơn.

Ngoài ra, chúng chẳng có một giá trị nào khác. Bám vào kinh sách chỉ làm suy đồi tâm trí con người.

Có điều bất kính nào đáng kinh tởm hơn lời tuyên bố rằng tất cả tri thức về Thượng Đế đã được gói gọn trong cuốn kinh này hay sách nọ?

Con người đã gọi Thượng Đế là đấng Vô Biên, mà đồng thời lại cố nhồi nhét Ngài vào trong cái bìa sách nhỏ nhoi kia, quả là liều lĩnh! Hàng triệu người đã bị giết vì đã không tin vào những lời trong các cuốn kinh sách đó, bởi vì họ không muốn thấy tất cả tri thức về Thượng Đế đều nằm bên trong bìa một cuốn sách.

Mọi chuyện tàn sát, giết chóc đã đi qua[2], nhưng thế giới này vẫn còn bị trói buộc khủng khiếp bởi đức tin vào kinh điển. Để đạt đến trạng thái siêu thức một cách khoa học, cần phải trải qua nhiều giai đoạn của Rāja-yoga mà tôi đã giảng giải.

Sau các giai đoạn pratyāhāra và dhāranā, chúng ta đến giai đoạn dhyāna hay tham thiền, quán tưởng2. Sau khi luyện tập để chú tâm vào một điểm nào đó tại ngoại giới hay nội tâm thì, có thể nói như vậy, có một dòng năng lượng luân lưu bất tận chảy về điểm đó.

Trạng thái đó được gọi là dhyāna. Khi hành giả tăng cường năng lượng quán tưởng đến mức có thể loại bỏ phần nhận thức thế giới bên ngoài, mà chỉ còn quán tưởng đến một bộ phận bên trong, tức phần có ý nghĩa thì trạng thái đó được gọi là samādhi hay định.

Cả ba trạng thái dhāranā, dhyāna và samādhi (định tâm, tham thiền và định) cùng hợp nhất lại được gọi là samyama, hay tam chi tịnh hợp.

Điều đó có nghĩa là, nếu ban đầu tâm trí có thể tập trung vào một đối tượng, và có thể kéo dài trạng thái đó trong một thời gian dài rồi, bằng khả năng tập trung liên tục đó, có thể chỉ định tâm vào phần bên trong của nhận thức – mà đối tượng đó là quả – thì mọi sự vật đều nằm dưới quyền điều khiển của tâm trí.

Trạng thái tham thiền này là trạng thái tồn tại cao nhất. Chừng nào trong lòng ta còn tham dục thì không thể có hạnh phúc chân thực. Chỉ có trầm tư quán tưởng về sự vật như một nhân chứng mới đem lại cho chúng ta sự hưởng thụ và lạc phúc chân thực.

Loài vật có được hạnh phúc trong phạm vi giác quan, loài người trong tri thức, và thần thánh trong sự trầm tưởng về tâm linh. Chỉ có những linh hồn nào đạt đến trạng thái quán tưởng đó mới thực sự trở nên đẹp đẽ.

Đối với người không còn tham dục, và không hòa mình vào những tham dục đó thì cảnh tượng biến đổi đa dạng muôn hồng nghìn tía của thiên nhiên là một bức tranh toàn cảnh xinh đẹp và hoành tráng. Ta cần phải hiểu những quan niệm này trong dhyāna hay tham thiền.

Ta nghe một âm thanh. Thoạt đầu, có một dao động bên ngoài, bước thứ hai là dây thần kinh rung động để truyền âm thanh đó vào tâm trí, bước thứ ba là phản ứng của tâm trí, cùng với phản ứng đó là tri thức về một sự vật – được xem là nhân ngoại tại của những thay đổi khác nhau này, từ những dao động của ê-te đến phản ứng của tâm trí.

Trong pháp môn yoga, ba điều này được gọi là sabda (âm thanh), artha (ý nghĩa) và jnana (tri thức). Nói theo ngôn ngữ sinh lý học thì chúng được gọi là dao động của ê-te, chuyển động của thần kinh và não, và phản ứng của tinh thần.

Bây giờ, cả ba điều này, dù là những tiến trình khác biệt, lại hòa quyện lẫn nhau theo cách sao cho chúng trở thành hoàn toàn bất khả phân. Trong thực tế, bây giờ chúng ta không thể nhận thức được bất kỳ cái nhân nào, mà chỉ nhận thức được cái quả của một trong các nhân đó, cái quả đó ta gọi là đối tượng ngoại tại.

Mỗi hành động nhận thức đều bao hàm cả ba tiến trình này, và không có lý do vì sao chúng ta lại không thể phân biệt được chúng với nhau.

Khi tâm trí, bằng những sự chuẩn bị đã trình bày ở phần trước, trở nên mạnh mẽ và bị chế ngự thì chúng ta đạt được năng lực nhận thức tinh tế hơn, và lúc này thì nên vận dụng tâm trí vào việc tham thiền.

Tham thiền phải bắt đầu những những sự vật thô, rồi từ từ mới nâng lên mức độ ngày càng tế vi dần, cho đến khi không còn đối tượng. Nên vận dụng tâm trí vào việc nhận thức những nguyên nhân ngoại tại của giác quan, rồi đến những chuyển động bên trong, rồi đến phản ứng của tâm trí.

Khi tâm trí đã thành công trong việc nhận thức được những nguyên nhân ngoại tại của chính các giác quan thì nó có khả năng nhận thức mọi dạng tồn tại bằng vật chất tế vi, mọi hình tướng và thể xác tế vi.

Khi tâm trí có thể nhận thức được chính những chuyển động đó bên trong nội tâm thì nó sẽ điều khiển được mọi làn sóng tâm thức, nơi bản thân nó hoặc nơi người khác, thậm chí trước cả khi chúng tự diễn dịch thành những năng lượng hữu hình.

Và khi tâm trí của một hành giả yogi có thể nhận thức được phản ứng của chính nó thì nó sẽ đạt đến nhất thiết trí, bởi vì mọi đối tượng khả giác và mọi tư tưởng đều là kết quả của phản ứng này.

Lúc đó, hành giả sẽ thấy được, có thể nói như vậy, chính những nền tảng của tâm trí mình, và nó hoàn toàn bị chế ngự. Những quyền năng khác sẽ đến với hành giả yogi, nếu ông ta để bị cám dỗ bởi bất kỳ một quyền năng nào thì con đường dẫn đến tiến bộ cao hơn sẽ bị chướng ngại – đó là tai họa của việc chạy theo lạc thú.

Nhưng nếu đủ nghị lực để từ bỏ những quyền năng kỳ diệu này thì hành giả sẽ đạt đến mục tiêu của pháp môn yoga, đó là chế ngự hoàn toàn những đợt sóng dao động trong biển tâm thức.

Khi đó, hào quang của Linh Hồn, do không còn bị xáo động bởi sự phân tán tâm trí hoặc bởi chuyển động của cơ thể, sẽ chói sáng trong tất cả vẻ huy hoàng rực rỡ, và hành giả yogi sẽ thấy chính mình vẫn y nhiên là, và như từng đã là, Cốt Tủy của Tri Thức, là đấng Bất Tử, đấng Toàn Nhiên Thị Hiện trong Vạn Hữu.

Samādhi hay trạng thái nhập định là thuộc tính của mỗi con người – không, đúng hơn là của tất cả mọi loài vật. Từ con vật thấp kém nhất cho đến thiên thần cao cả nhất, tất cả đều sẽ đạt đến trạng thái đó, vào lúc này hay lúc khác, và chỉ đến khi đó tôn giáo mới thực sự khởi đầu.

Trước đó, chúng ta chỉ đấu tranh để hướng đến giai đoạn này mà thôi. Hiện giờ thì chẳng có sự khác biệt nào giữa chúng ta với người không tôn giáo, bởi vì ta chưa có được kinh nghiệm nào cả.

Tập trung tâm trí có ích lợi gì, nếu không phải là đưa chúng ta đến với kinh nghiệm này? Mỗi một giai đoạn trong tiến trình tiến đến trạng thái nhập định đều có cơ sở lý luận, được điều chỉnh phù hợp, được tổ chức một cách khoa học, và nếu được kiên trì luyện tập, chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến với mục tiêu mong muốn.

Lúc đó, mọi phiền não, mọi khốn khổ đều chấm dứt, những mầm mống tạo tác sẽ bị thiêu cháy, và linh hồn sẽ vĩnh viễn tự do.

[1] Lời Chúa Jesus trong Tân Ước (Matthew 5:17).

[2] Thật đáng sợ khi điều này lại đang diễn ra trong thế giới ngày nay bởi các phần tử Hồi giáo IS quá khích. Đó là những kẻ cuồng tín man rợ, gần như mất cả tính người. 2 Từ dhyāna (meditate) được dịch là tham thiền, thiền quán hoặc quán tưởng tuỳ theo ngữ cảnh.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x