Trang chủ » Đoạn 19: Pháp Giới Thông Hóa

Đoạn 19: Pháp Giới Thông Hóa

by Trung Kiên Lê
99 views

M:

PHÁP GIỚI THÔNG HÓA

Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược hữu nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước đa phủ?

– Như thị Thế Tôn! Thử nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước thậm đa.

– Tu-bồ-đề! Nhược phước đức hữu thật, Như Lai bất thuyết đắc phước đức đa, dĩ phước đức vô cố, Như Lai thuyết đắc phước đức đa.

DỊCH:

PHÁP GIỚI THÔNG SUỐT KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy báu đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới dùng bố thí, người ấy do nhân duyên này được phước đức nhiều chăng?

– Bạch Thế Tôn! Như thế! Người này do nhân duyên đó được phước đức rất nhiều.

– Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói được phước đức nhiều.

GIẢNG:

Quí vị hiểu đoạn này như thế nào? Nếu phước đức có thật thì Như Lai không nói phước đức nhiều, bởi phước đức không, tức không thật nên Như Lai nói phước đức nhiều. Vậy là phước đức có hay không? Đó là câu mà đa số chúng ta đều thấy hơi khó hiểu.

Trong đoạn trước tôi nói rằng triết lý kinh Kim Cang là chỉ cho các pháp tự tánh là không, duyên hợp giả có, bởi duyên hợp giả có cho nên nói có nói không chỉ là giả danh chớ không thật.

Nếu chúng ta thấy có thật thì cái thấy đó không đúng, bởi thấy không đúng cho nên nói là không nói phước đức nhiều, mà sở dĩ nói phước đức nhiều là vì thấy rõ Tự tánh phước đức không thật, vì Tự tánh phước đức không thật cho nên tùy duyên tụ họp nhiều thì gọi đó là nhiều, tụ họp ít thì gọi đó là ít.

Tụ họp nhiều thì gọi là nhiều, nhiều đó là tại tùy duyên chớ không phải trên lẽ thật, quí vị nhớ cho thật rõ chỗ đó. Ví dụ có người khuân cả ngàn, cả muôn thùng lúa đổ thành đống, vậy đống lúa đó nhiều hay ít? Quí vị trả lời thế nào?

Nói nhiều, ít thì cái nhiều và ít đó là tướng tùy duyên chớ trên lý chân thật, trên lý Tánh không, các pháp không có nhiều, ít. Tỉ dụ một khối đất bằng nắm tay ta gọi khối đất nhỏ, khối đất bằng cái thùng thiếc chúng ta gọi là khối đất to, cái to, nhỏ đó là tại sao?

Chẳng qua là tướng duyên hợp nhiều ít. Nhiều hạt bụi kết thành khối to gọi là khối đất to, ít hạt bụi kết thành khối nhỏ gọi là khối đất nhỏ. Như vậy to nhỏ là trên sự kết hợp nhiều ít của duyên chớ đâu có gì khác. Quí vị hiểu như vậy mới thấy được ý nghĩa của đoạn này.

Sở dĩ đức Phật nói: “nếu phước đức có thật thì Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói phước đức nhiều” là vì đứng về mặt Tánh không, các pháp do duyên khởi nên Tự tánh là không.

Tôi nhắc lại một lần nữa, vì tất cả chúng ta quen nghe nói cái bàn thì nghĩ cái bàn thật, nghe nói cái nhà thì nghĩ cái nhà thật, nghe nói cái đồng hồ thì nghĩ cái đồng hồ thật, mỗi vật chúng ta đều cho nó là thật, tức là nhận có một cái Thể chân thật ở trong nó.

Người trí tuệ như đức Phật thì không thấy như thế; đồng hồ, nhà, bàn… chỉ là tướng duyên khởi hay là duyên hợp mà Tự tánh cái đồng hồ là không, Tự tánh cái nhà là không, Tự tánh cái bàn là không, do duyên hợp nên giả có.

Vì duyên hợp giả có nên duyên nhiều thì nó to, duyên ít thì nó nhỏ; nó to, nó nhỏ là nói lý tùy duyên. Thế nên đức Phật bảo: Nếu có thật, có Thật thể thì không nói nhiều, nói ít; vì không có Thật thể nên tùy duyên nhiều thì gọi là nhiều, duyên ít thì gọi là ít.

Trên lẽ chân thật, các pháp không cố định nên nói rằng tánh nó là không. Vì thế trên Tánh không mà nói có lớn nhỏ là sai, chỉ trên tướng tùy duyên mới có to, có nhỏ khác nhau.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x