Trang chủ » Chương 2. Giáo dục xét như là một chức năng của Xã hội

Chương 2. Giáo dục xét như là một chức năng của Xã hội

by Hậu Học Văn
174 views
❁ Lời Nói Đầu & Chương 1. Giáo dục xét như là một tất yếu của Sự sống ❁ Chương 2. Giáo dục xét như là một chức năng của Xã hội ❁ Chương 3. Giáo dục xét như là điều khiển ❁ Chương 4. Giáo dục xét như là sự tăng trưởng ❁ Chương 5. Sự chuẩn bị, sự bộc lộ và phương pháp rèn luyện hình thức ❁ Chương 6. Nền giáo dục bảo thủ và nền giáo dục tiến bộ ❁ Chương 7. Khái niệm dân chủ trong giáo dục ❁ Chương 8. Mục tiêu trong giáo dục ❁ Chương 9. Sự phát triển tự nhiên và hiệu quả xã hội xét như là mục tiêu ❁ Chương 10. Hứng thú và Kỷ luật ❁ Chương 11. Kinh nghiệm và Tư duy ❁ Chương 12. Tư duy trong giáo dục ❁ Chương 13. Bản chất của phương pháp ❁ Chương 14. Bản chất của nội dung ❁ Chương 15. Giải trí và làm việc trong chương trình học của nhà trường ❁ Chương 16. Ý nghĩa của môn Địa lý và môn Lịch sử ❁ Chương 17. Khoa học trong chương trình học ❁ Chương 18. Giá trị của Giáo dục ❁ Chương 19. Lao động và nhàn hạ ❁ Chương 20. Môn học lý thuyết và môn học thực hành ❁ Chương 21. Các môn học tự nhiên và môn học xã hội: Thuyết duy tự nhiên và thuyết nhân văn ❁ Chương 22. Cá nhân và Thế giới ❁ Chương 23. Những khía cạnh nghề nghiệp của giáo dục ❁ Chương 24. Triết lý giáo dục ❁ Chương 25. Những lý luận về Nhận thức ❁ Chương 26. Những lý luận về Đạo đức ❁ Mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ

1. Bản chất và ý nghĩa của môi trường.

Chúng ta đã thấy rằng, một cộng đồng hoặc một nhóm xã hội duy trì sự tồn tại của nó dựa vào tiến trình liên tục tự khôi phục và sự khôi phục đó xảy ra nhờ sự tăng trưởng có tính giáo dục của các thành viên non nớt trong cộng đồng. Bằng các phương thức khác nhau, dù là ngẫu nhiên hay có chủ đích, xã hội biến đổi những cá nhân không biết gì và có vẻ như là những người thuộc về thế giới khác, để họ trở thành người đáng tin cậy nhằm duy trì nguồn lực và những lý tưởng của xã hội. Như vậy, giáo dục là một quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm chút.

Tất cả những từ ngữ này đều hàm ý sự quan tâm tới những điều kiện của phát triển. Chúng ta còn nói tới nuôi nấng, chăm nom, dạy dỗ – những từ ngữ bao hàm mức độ khác nhau của giáo dục. Về mặt từ nguyên, [giáo dục] chỉ có nghĩa là một quá trình dẫn dắt hoặc nuôi dạy. Nếu chúng ta định nói tới kết quả do quá trình đó đem lại, chúng ta sẽ nói tới giáo dục như là hoạt động gây ảnh hưởng, đào tạo, uốn nắn – tức một quá trình hình thành dạng thức hoạt động xã hội được thừa nhận. Tại chương này chúng ta đề cập những tính chất tổng quát của phương cách mà một nhóm xã hội giáo dục các thành viên non nớt để chúng thích nghi với dạng thức xã hội của nhóm đó.

Bởi vì kinh nghiệm cần thiết phải trải qua một quá trình biến đổi về đặc tính cho tới khi nó tham dự vào những mối hứng thú, mục đích và quan niệm thịnh hành của nhóm xã hội, thì hiển nhiên [giáo dục] không chỉ là huấn luyện thể xác đơn thuần. Đồ vật có thể được di chuyển trong không gian một cách vật lý; có thể di chuyển chúng như một khối trọn vẹn. Niềm tin và khát vọng thì không thể lấy ra và đưa vào. Vậy thì niềm tin và khát vọng được truyền đạt bằng cách nào? Vì niềm tin và khát vọng không thể lây truyền trực tiếp hoặc không thể trực tiếp ghi khắc trong đầu, hiểu theo nghĩa đen, cho nên vấn đề của chúng ta là phải khám phá phương pháp mà trẻ em sử dụng để hấp thu quan điểm của người lớn, hay nói cách khác, phương pháp mà người lớn dùng để dạy cho trẻ em trở thành những người đồng điệu với họ.

Để phát biểu một cách tổng quát, câu trả lời là: bằng sự tác động của môi trường để tạo ra những phản ứng nhất định. Không thể nhồi nhét những niềm tin cần thiết; không thể đắp lên những thái độ ứng xử cần thiết. Song, môi trường cụ thể mà một cá nhân đang tồn tại trong đó, hướng dẫn anh ta hiểu và cảm nhận được điều này chứ không phải điều khác; hướng dẫn anh ta có những quyết định sao cho có thể cư xử với người khác theo đúng mục đích mong đợi; nó củng cố những niềm tin này và làm yếu đi những niềm tin khác, bởi đó là điều kiện để nhận được sự tán thành của người khác.

Như vậy, môi trường dần dần tạo ra trong anh ta một hệ thống hành vi nhất định, một khuynh hướng hành động nhất định. Các từ “môi trường” (environment), “môi trường trung gian” (medium) có hàm nghĩa rộng hơn là môi trường vật chất mà một cá nhân đang sống trong đó. Chúng hàm nghĩa tính liên tục cụ thể giữa môi trường vật chất và những khuynh hướng thực sự của riêng anh ta. Một vật vô tri vô giác dĩ nhiên vẫn tồn tại liên tục cùng với môi trường vật chất; song, những tình huống tạo thành môi trường đó không làm thành một môi trường, trừ phi nói một cách ẩn dụ. Bởi vật vô tri vô giác không can dự vào những ảnh hưởng tác động tới nó.

Mặt khác, nhiều sự vật cách biệt về không gian và thời gian với một sinh vật sống, đặc biệt là con người, lại có thể tạo thành môi trường của người đó, thậm chí đó còn là môi trường thực sự hơn cả nhiều sự vật gần gũi với anh ta. Những gì mà cùng với chúng một con người biến đổi thì đó chính là môi trường đích thực của anh ta. Như vậy, hoạt động của nhà thiên văn học thay đổi theo những ngôi sao mà ông ta quan sát hoặc suy nghĩ về chúng. Nằm trong môi trường vật chất trực tiếp của nhà thiên văn ấy, chiếc kính viễn vọng là môi trường gần gũi nhất của ông ta. Môi trường của một nhà sưu tầm đồ cổ, với tư cách một người sưu tầm đồ cổ, bao gồm thời đại quá khứ của đời sống con người mà ông ta quan tâm, những di tích, những chữ khắc v.v… mà nhờ đó ông ta thiết lập mối liên hệ với thời đại đó.

Nói ngắn gọn, môi trường bao gồm những điều kiện khuyến khích hoặc cản trở, kích thích hoặc kiềm chế các hoạt động đặc thù của một sinh vật sống. Nước là môi trường của một con cá bởi vì nước cần thiết cho các hoạt động của con cá – tức cần thiết cho sự sống của nó. Điểm cực bắc của Trái đất là một yếu tố quan trọng trong môi trường của một nhà thám hiểm Bắc cực, cho dù anh ta có đến được nơi đó hay không, bởi nó định nghĩa các hoạt động của anh ta, làm cho các hoạt động đó là của riêng anh ta không thể nhầm lẫn. Chính bởi vì sống không có nghĩa là tồn tại thụ động (ví thử như có một điều như thế), mà là một phương thức hoạt động, nên môi trường hoặc phương tiện trung gian nghĩa là cái tham gia vào hoạt động đó xét như một điều kiện duy trì hoặc cản trở.

2. Môi trường xã hội.

Bất kỳ ai có hoạt động liên quan đến người khác thì đều có một môi trường xã hội. Việc anh ta làm gì, anh ta có thể làm được gì, phụ thuộc vào những kỳ vọng, yêu cầu, sự tán thưởng và sự lên án của người khác. Nếu một người có mối liên kết với những người khác, người ấy không thể hành động mà không tính đến hành động của những người kia. Bởi vì họ là những điều kiện không thể thiếu để anh ta nhận ra những khuynh hướng của mình. Nếu anh ta di chuyển, anh ta sẽ kích thích những người khác di chuyển theo và ngược lại.

Nếu chúng ta tưởng rằng có thể định nghĩa được hoạt động của một cá nhân theo những hành động biệt lập của anh ta, thì chỉ cần hãy tưởng tượng một thương gia đang làm công việc kinh doanh, mua và bán, hoàn toàn chỉ có một mình. Dù ngồi lập kế hoạch một cách kín đáo trong phòng tài vụ của mình hay khi đang mua nguyên liệu hoặc tiêu thụ thành phẩm, nhà sản xuất vẫn thực sự chịu sự điều khiển của xã hội như nhau. Suy tư và tình cảm nào có liên quan tới hành động trong mối liên kết với những người khác thì đó cũng là một phương thức của ứng xử xã hội hệt như hành động hợp tác hoặc thù địch bộc lộ rõ ràng ra ngoài.

Chúng ta cần chỉ ra cụ thể hơn rằng, bằng cách nào môi trường xã hội có thể giáo dục các thành viên non nớt của nó. Hiểu được bằng cách nào môi trường ảnh hưởng tới những thói quen hành động bên ngoài, là điều không khó. Ngay cả loài chó và mèo cũng thay đổi hành vi khi tiếp xúc với con người; chúng nhiễm thói quen mới bởi vì con người can dự vào điều chúng làm.

Con người điều khiển súc vật bằng cách điều khiển tác nhân kích thích tự nhiên nào gây ảnh hưởng tới chúng; nói cách khác, bằng cách tạo ra môi trường nhất định nào đó. Con người sử dụng những mẩu thức ăn, dây cương, tiếng động, xe cộ để hướng dẫn cách thức xuất hiện của các phản ứng tự nhiên hoặc bản năng ở con ngựa. Bằng cách kiên trì điều khiển như vậy cho tới khi kích thích được hành vi nhất định nào đó, các thói quen được hình thành và vận hành theo một cách bất biến như thể lần đầu tiên chúng bị kích thích. Nếu bỏ một con chuột vào một mê cung và con chuột tìm được thức ăn sau khi thực hiện một số lần đổi hướng nhất định theo một trình tự nhất định, hành động đó của con chuột sẽ dần dần bị điều chỉnh cho tới khi con chuột có thói quen đi theo đúng lộ trình đó thay vì lộ trình khác khi nó đói.

Hành vi của con người cũng bị điều chỉnh theo một cách tương tự. Một đứa trẻ bị bỏng thì sợ lửa; nếu một ông bố bà mẹ thu xếp những điều kiện sao cho hễ khi nào đứa trẻ chạm vào một đồ chơi nhất định nào đó thì nó bị bỏng, thì đứa trẻ đó sẽ học cách tránh đồ chơi đó một cách máy móc hệt như nó tránh đụng vào lửa. Tuy nhiên, cho tới đây chúng ta đang đề cập tới cái có thể được gọi là huấn luyện để phân biệt với việc dạy mang tính giáo dục.

Những sự khác biệt được xem xét đến nằm ở hành động bề ngoài hơn là nằm trong xu hướng tinh thần và tình cảm của hành vi. Tuy vậy, sự phân biệt [giữa huấn luyện và giáo dục] là không dễ nhận ra. Có thể tin rằng, theo thời gian, một mối ác cảm quá đáng sẽ hình thành trong đứa trẻ đó, không chỉ đối với cái đồ chơi cụ thể nói trên mà còn đối với loại đồ chơi giống như thế. Mối ác cảm có thể tồn tại dai dẳng cho tới khi đứa trẻ đó quên những lần bị bỏng đầu tiên; khi lớn lên nó có thể bịa ra lý do nào đó để giải thích mối ác cảm dường như vô lý đó của mình.

Trong nhiều trường hợp, thay đổi môi trường để tác động tới tác nhân kích thích nhằm thay đổi thói quen hành động trước kích thích bên ngoài sẽ làm thay đổi luôn cả khuynh hướng tinh thần liên quan đến hành động ấy. Tuy vậy, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra; một người được huấn luyện để tránh một cú đánh đe dọa có thể tự động tránh được cú đánh mà không hề có ý nghĩ hoặc cảm xúc tương ứng. Như vậy, chúng ta buộc phải tìm ra một số dấu hiệu phân biệt giữa huấn luyện và giáo dục.

Có thể tìm thấy đầu mối trong sự kiện rằng, hành động của con ngựa không thực sự đóng góp vào mục đích xã hội. Nếu có ai đó khác sử dụng con ngụa để đạt được một kết quả có lợi hơn bằng cách bắt con ngựa thực hiện hành động có lợi hơn – anh ta kiếm thức ăn cho nó v.v… Song, con ngựa có lẽ không có thêm bất kỳ mối quan tâm mới mẻ nào. Nó quan tâm đến thức ăn chứ không quan tâm đến sự phục vụ mà nó đem lại. Nó không phải là cộng sự trong một hoạt động có sự chia sẻ trách nhiệm. Nếu như con ngựa có thể trở thành một cộng sự, thì trong khi nó tham gia vào hoạt động kết hợp, nó sẽ phải có cùng mối quan tâm tới kết quả công việc của nó giống như các cộng sự khác. Nó sẽ phải chia sẻ những ý kiến và cảm xúc.

Bởi chưng, trong rất nhiều trường hợp – quá nhiều trường hợp là đằng khác – hoạt động của trẻ em non nớt chỉ đơn thuần được lợi dụng nhằm giữ cho chúng có được các thói quen có ích. Trẻ em được huấn luyện như một con vật hơn là được giáo dục như một con người. Các bản năng của nó vẫn gắn với những đối tượng của đau đớn và khoái lạc lần đầu tiên nó gặp phải.

Nhưng để có được hạnh phúc hoặc để tránh đau khổ do thất bại, nó phải hành động theo cách nào đó mà người khác tán thành. Trong những trường hợp khác, nó chia sẻ hoặc tham gia thực sự vào hoạt động chung. Trong trường hợp như vậy, động năng ban đầu của nó bị điều chỉnh. Trẻ em không chỉ hành động theo một cách nào đó phù hợp với hành động của người khác, mà trong khi làm điều ấy, những ý kiến và xúc cảm xuất hiện trong nó cũng truyền sức sống sang những người khác. Một bộ lạc chẳng hạn, là cộng đồng hiếu chiến. Những thành công mà bộ lạc cố gắng để đạt được, những thành tựu mà bộ lạc đó đề cao, đều có liên hệ với chiến đấu và thắng lợi.

Trong môi trường như vậy, một đứa trẻ sẽ được khuyến khích bộc lộ những tình cảm hiếu chiến, đầu tiên là trong các trò chơi, sau đó là trong chiến đấu thực sự khi mà nó có đủ sức mạnh. Chừng nào mà nó chiến đấu, nó nhận được sự tán thưởng và công nhận; nếu nó không làm điều đó, nó sẽ bị ghét bỏ, bị chế nhạo, bị từ chối sự khen ngợi. Không có gì lạ, rằng những khuynh hướng và tình cảm hiếu chiến của nó được củng cố trong khi những khuynh hướng và tình cảm khác bị hi sinh; rằng hiểu biết của nó bắt đầu hướng tới những điều gắn liền với xung đột. Chỉ có bằng cách như vậy nó mới trở thành một thành viên được cộng đồng công nhận chính thức. Như vậy, những thói quen tinh thần của nó dần dần được điều chỉnh để đồng hóa vào những thói quen của cộng đồng.

Nếu chúng ta phát biểu nguyên lý liên quan tới thí dụ minh họa trên, chúng ta sẽ thấy rằng môi trường xã hội không trực tiếp làm cho đứa trẻ quen với những mong muốn và quan niệm nhất định, nhưng cũng không đơn thuần thiết lập những thói quen hành động thuần túy cơ bắp nhất định nào đó, chẳng hạn nhắm mắt hoặc tránh một cú đánh “theo bản năng”. Cung cấp các điều kiện để kích thích cách hành động hữu hình và cụ thể nào đó, chỉ là bước đầu tiên. Làm cho một cá nhân trở thành một người biết chia sẻ hoặc là cộng sự trong hoạt động chung sao cho cá nhân ấy coi thành bại của cộng đồng cũng là thành bại của chính mình, mới là bước hoàn thành.

Ngay sau khi cá nhân ấy bị kiểm soát bởi thái độ tình cảm của cộng đồng, anh ta sẽ nhạy bén nhận ra được những mục đích riêng mà cộng đồng ấy nhắm tới và những phương tiện được sử dụng để đạt được mục đích. Nói cách khác, anh ta hình thành những niềm tin và hiểu biết giống như những niềm tin và hiểu biết của những người khác trong cộng đồng. Ngoài ra, anh ta sẽ tích lũy được kho hiểu biết hầu như không khác gì so với những người khác bởi những hiểu biết đó gắn liền với những hoạt động quen thuộc của anh ta.

Vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong việc tiếp thu sự hiểu biết chắc chắn là nguyên nhân chính dẫn tới quan niệm phổ biến cho rằng có thể truyền trực tiếp sự hiểu biết từ người này sang người khác. Dường như thể tất cả những gì chúng ta phải làm để truyền một hiểu biết vào tâm trí của người khác là truyền một âm thanh vào tai người ấy. Như vậy, truyền đạt kiến thức trở nên đồng nghĩa với một quá trình vật lý đơn thuần.

Song, sự học tập dựa vào ngôn ngữ, khi được đem ra phân tích, được thấy rằng nó khẳng định cái nguyên lý vừa được thừa nhận ở trên. Có lẽ chúng ta sẽ không mấy do dự thừa nhận rằng một đứa trẻ học khái niệm chiếc mũ, chẳng hạn, bằng cách bắt chước cách sử dụng chiếc mũ giống như người khác; bằng cách đội chiếc mũ lên đầu, đưa chiếc mũ cho người khác để người đó đội lên đầu, yêu cầu người khác đội mũ khi ra khỏi nhà v.v…

Song người ta có thể vặn hỏi rằng bằng cách nào nguyên lý hành động chia sẻ nói trên có thể áp dụng đối với trường hợp học một khái niệm dựa vào phương tiện lời nói và đọc, khái niệm một chiếc mũ sắt của người Hy Lạp chẳng hạn, khi mà không có bất kỳ sự sử dụng trực tiếp nào giống như trường hợp của chiếc mũ nói trên. Hành động chia sẻ nào xảy ra trong quá trình tìm hiểu một cuốn sách nói về sự phát hiện ra châu Mỹ?

Bởi vì ngôn ngữ có khuynh hướng trở thành công cụ chính yếu để học rất nhiều điều, chúng ta hãy xem thử nó hoạt động thế nào. Đứa trẻ mới sinh ra dĩ nhiên chỉ bắt đầu với những âm, những tiếng phát ra và giọng nói không có nghĩa, tức chẳng bày tỏ một ý kiến nào cả.

Âm thanh chỉ là một loại tác nhân kích thích để tạo ra sự phản ứng trực tiếp, một số âm thanh có tác dụng xoa dịu, số khác có khi khiến người ta giật mình v.v… Âm h-a-t sẽ vẫn mãi là một âm thanh vô nghĩa như thể một âm trong ngôn ngữ của bộ tộc người Mỹ bản địa Choctaw, giống như một âm thanh cằn nhằn không cấu âm rõ ràng, nếu như nó không được nói ra trong mối liên hệ với một hành động có nhiều người cùng tham gia.

Khi người mẹ đem đứa bé ra ngoài trời, bà ta nói “hat” trong khi đặt vật gì đó lên đầu đứa bé. Việc được đem ra ngoài trời trở thành một mối hứng thú đối với đứa bé; bà mẹ và đứa con không chỉ cùng nhau ra ngoài trời theo nghĩa cụ thể, mà cả hai còn liên quan tới hành động đi ra ngoài trời đó; hai mẹ con cùng hưởng chung cảm giác vui thú khi ở ngoài trời. Cùng với những yếu tố khác nữa gắn liền với hành động, âm “hat” nhanh chóng có cùng chung một nghĩa đối với đứa bé cũng như đối với mẹ của nó; nó trở thành một dấu hiệu báo cho đứa bé biết hành động mà nó sắp tham gia. Chỉ duy sự thật rằng ngôn ngữ gồm những âm có thể hiểu được với cả hai bên tự nó đã đủ để cho thấy rằng nghĩa của ngôn ngữ phụ thuộc vào mối liên hệ gắn với một trải nghiệm được chia sẻ.

Nói ngắn gọn, âm “h-a-t” trở thành âm thanh có nghĩa theo đúng như cách mà đồ vật “cái mũ” có được ý nghĩa đó, tức bằng cách chúng được sử dụng theo một phương cách nhất định nào đó. Và đứa trẻ và người lớn đều có cách hiểu như nhau đối với âm h-a-t và đồ vật “cái mũ” bởi âm h-a-t và cái mũ đều được sử dụng trong một kinh nghiệm chung mà cả hai cùng tham gia. Điều đảm bảo để có được cách sử dụng giống nhau [giữa âm và đồ vật] nằm ở sự kiện rằng đồ vật và âm trước hết được sử dụng trong một hành động chung xét như là một phương tiện để thiết lập mối liên hệ thực sự giữa đứa trẻ và một người trưởng thành.

Đứa trẻ và người trưởng thành có cùng những cách hiểu hoặc ý nghĩa như nhau bởi vì họ tham gia như các cộng sự vào một hành động nơi mà điều mỗi người làm phụ thuộc và ảnh hưởng tới điều mà người kia làm. Nếu hai người man rợ cùng tham gia vào một cuộc đi săn thú rừng, và có một hiệu lệnh nào đó có nghĩa là “di chuyển sang bên phải” đối với người nói ra song lại có nghĩa “di chuyển sang bên trái” đối với người nghe thấy hiệu lệnh đó, thì rõ ràng họ không thể cùng nhau tiếp tục thực hiện chuyến đi săn một cách thành công. Người này hiểu được người kia có nghĩa là những đối tượng, trong đó có các âm, phải có cùng giá trị đối với cả hai người liên quan đến việc thực hiện một công việc chung.

Sau khi âm đã có nghĩa nhờ mối liên hệ với đồ vật được sử dụng trong hành động chung, chúng có thể được sử dụng trong mối liên hệ với các âm khác có nghĩa tương tự, để tạo ra nghĩa mới, hệt như cách mà đồ vật được chuyên chờ nghĩa bởi các âm đó kết hợp với nhau.

Như vậy, những từ mà một đứa trẻ nghe thấy, chẳng hạn “mũ sắt Hy Lạp”, khởi thủy mang một nghĩa nào đó (hoặc được hiểu theo một nghĩa nào đó) bởi nó được sử dụng trong một hành động có mối hứng thú và mục đích chung. Giờ đây từ “mũ sắt Hy Lạp” làm xuất hiện một nghĩa mới bằng cách nó kích thích người nào nghe thấy âm hoặc đọc chữ “mũ sắt Hy Lạp” phải hình dung trong đầu các hoạt động có sử dụng chiếc mũ sắt đó. Lúc này, người hiểu được nghĩa của từ “mũ sắt Hy Lạp” đã trở thành cộng sự trong tưởng tượng của những người đã từng đội loại mũ sắt đó. Anh ta tham gia tưởng tượng vào một hành động chung. Hiểu được nghĩa đầy đủ của từ là điều không dễ.

Hầu hết chúng ta có lẽ chỉ dừng lại ở suy nghĩ cho rằng “mũ sắt” hàm nghĩa một vật đội đầu kỳ quặc mà một dân tộc có tên là Hy Lạp một thời đã dùng nó. Vì thế, chúng ta kết luận rằng, sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải và học các khái niệm tức là mở rộng và làm tinh tế nguyên lý cho rằng sự vật có nghĩa bởi chúng được sử dụng trong một kinh nghiệm chia sẻ hoặc trong một hành động chung; điều này không mâu thuẫn với nguyên lý trên, hiểu theo bất kỳ nghĩa nào. Khi từ ngữ không tham gia như các nhân tố trong một tình huống chia sẻ, hoặc công khai hoặc trong trí tưởng tượng, chúng hoạt động như là kích thích vật lý chứ không phải cái có nghĩa hoặc có giá trị trí tuệ. Chúng bắt hành động vận hành theo một lối mòn nhất định nhưng không hề có bất kỳ mục đích hoặc ý nghĩa hữu thức nào đi kèm.

Như vậy, chẳng hạn, dấu cộng có thể là một kích thích để tạo ra hành động viết một con số bên dưới một con số khác và cộng các con số với nhau, song người thực hiện hành động đó sẽ thao tác gần như một người máy trừ phi anh ta hiểu được ý nghĩa của điều mình đang làm.

3. Môi trường xã hội xét như là mang tính giáo dục.

Cho đến đây, kết luận cuối cùng của chúng ta là, môi trường xã hội hình thành nên xu hướng tinh thần và tình cảm của hành vi bằng cách kích thích cá nhân tham gia vào hoạt động làm khơi dậy và củng cố những động lực nào đó – tức những hoạt động có mục đích và đưa đến những hệ quả nhất định. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình gồm các nhạc sĩ, bất kể nó có năng khiếu gì về âm nhạc, nó sẽ không tránh khỏi bị kích thích, và so với những năng khiếu khác có thể được đánh thức trong một môi trường khác, thì năng khiếu âm nhạc dễ bị đánh thức hơn cả.

Nếu đứa trẻ đó không có hứng thú với âm nhạc và nếu nó không có một năng lực nhất định về âm nhạc, nó sẽ thấy “lạc lõng”; nó không thể tham gia vào cuộc sống của nhóm mà nó thuộc về. Không cá nhân nào tránh khỏi trải qua một số kiểu tham gia vào cuộc sống của những người mà họ sống cùng; môi trường xã hội tạo ra ảnh hưởng có tính giáo dục hoặc đào tạo tới các cá nhân một cách vô tình và độc lập với mọi mục đích có trước.

Ở những cộng đồng dã man và chưa văn minh, sự tham gia trực tiếp như vậy (làm thành giáo dục gián tiếp và ngẫu nhiên mà chúng ta đã đề cập [tại Chương 1]) gần như là ảnh hưởng duy nhất nhằm dạy cho trẻ em những kinh nghiệm và niềm tin của cộng đồng. Thậm chí ở các xã hội của ngày hôm nay, sự tham gia đó vẫn là phương thức học tập cơ bản đối với ngay cả những trẻ em được hưởng giáo dục nhà trường một cách bắt buộc. Có những điều nào đó đã trở thành đối tượng được đề cao, phù hợp với các mối hứng thú và việc làm của cộng đồng; số khác lại là đối tượng của sự ác cảm.

Đời sống cộng đồng không tạo ra những động năng hoặc tình cảm yêu và ghét, song nó cung cấp những đối tượng gần với yêu và ghét. Cách thức mà cộng đồng hoặc giai cấp của chúng ta làm điều này điều nọ, đều hướng tới việc quyết định nên những đối tượng được chú ý thực sự và do đó đặt ra những sự điều khiển và ranh giới của quan sát và ghi nhớ. Cái gì kỳ lạ hoặc xa lạ (nghĩa là nằm ngoài những hoạt động của cộng đồng) thì có xu hướng dễ bị cấm về mặt đạo đức và bị ngờ vực trên phương diện tinh thần.

Dường như không thể tin nổi rằng, chẳng hạn, những điều mà chúng ta biết rất tường tận thì chúng lại có thể bị bỏ sót tại những thời đại trong quá khứ. Chúng ta có xu hướng giải thích điều đó bằng cách quy sự ngu dốt bẩm sinh cho tổ tiên của mình và cho rằng chúng ta có trí thông minh bẩm sinh cao hơn họ. Song, lý do [thực sự] là, các phương thức sống của họ [tổ tiên chúng ta] không gợi ra sự chú ý tới những sự kiện đó [những điều mà bây giờ chúng ta biết tường tận], mà họ bị thu hút vào những điều khác. Hệt như các giác quan chỉ bị kích thích trước những đối tượng mà chúng có thể nhận ra được, năng lực quan sát, hồi tưởng và tưởng tượng không hoạt động tự phát, chúng được khởi động bởi nhu cầu xuất phát từ những nghề nghiệp xã hội hiện thời.

Xu hướng tính cách được hình thành chủ yếu bởi những ảnh hưởng như vậy, độc lập với giáo dục nhà trường. Giáo dục có chủ tâm và hữu thức nhất cũng chỉ giải phóng các năng lực được hình thành theo cách trên để chúng được sử dụng trọn vẹn hơn, loại bỏ những gì thô tục, và cung cấp những đối tượng để giúp cho hoạt động của chúng sản sinh ra ý nghĩa.

Mặc dù “ảnh hưởng vô thức của môi trường” nói trên là rất tinh tế và có mặt ở khắp nơi đến mức chúng gây ảnh hưởng tới từng đặc điểm của tính cách và trí tuệ, nhưng sẽ là quan trọng nếu như nêu cụ thể một vài phương diện cho thấy ảnh hưởng rõ rệt nhất của chúng.

Thứ nhất: các thói quen ngôn ngữ. Các phương thức ngôn ngữ cơ bản, số lượng từ vựng hình thành trong quá trình giao tiếp bình thường trong cuộc sống, được duy trì không phải như một phương tiện truyền đạt cố định mà như một tất yếu xã hội. Đứa trẻ tập nhiễm, chúng ta hoàn toàn có thể nói như vậy, tiếng mẹ đẻ. Mặc dù những thói quen nhiễm phải như vậy có thể được sữa chữa hoặc thậm chí được thay thế dựa vào giáo dục có tính hữu thức, song vào những thời điểm kích động, những cách ăn nói học được một cách có chủ đích lại thường biến mất và cá nhân lại quay trở lại với ngôn ngữ thực sự bẩm sinh của họ.

Thứ hai: cách cư xử. Làm gương bao giờ cũng nổi tiếng là có sức thuyết phục hơn lời giáo huấn. Cư xử lịch sự, như chúng ta thường nói, xuất phát từ sự giáo dục lễ phép trong gia đình hoặc đúng hơn nó chính là sự giáo dục lễ phép trong gia đình; và người ta học được phép lịch sự bằng hành động lặp đi lặp lại thường xuyên để trả lời tác nhân kích thích lặp đi lặp lại thường xuyên, chứ không phải bằng truyền đạt thông tin. Bất chấp sự uốn nắn và dạy dỗ hữu thức diễn ra không bao giờ ngừng, bầu không khí xung quanh và sự sống xung quanh rốt cuộc mới là tác nhân chính hình thành nên cách cư xử. Và cách cư xử lễ phép chỉ là đạo đức dành cho người vị thành niên. Hơn nữa, ở đạo đức dành cho người thành niên, giáo dục hữu thức có thể chỉ đem lại hiệu quả trong chừng mực nó chiều theo “cách đi đứng và ăn nói” phổ biến của những người làm thành môi trường xã hội của đứa trẻ.

Thứ ba: sở thích tao nhã và khả năng cảm thụ thẩm mỹ. Nếu đôi mắt thường xuyên nhìn thấy những vật cân đối, có hình dáng và màu sắc tao nhã, một chuẩn mực về sở thích sẽ đương nhiên phát triển. Một môi trường lòe loẹt, lộn xộn và được trang hoàng thái quá sẽ làm hỏng sở thích, hệt như khung cảnh nghèo nàn và cằn cỗi không tạo ra sự khát khao cái đẹp. Trước sự bất lợi như vậy, giáo dục hữu thức hầu như chỉ có thể truyền đạt kiến thức trung gian (second-hand knowledge) liên quan đến những gì mà người khác nghĩ.

Với tính chất như vậy, sở thích không bao giờ trở thành mang tính tự phát và ăn sâu trong cá nhân, mà nó vẫn tiếp tục là một sự nhắc nhở lặp đi lặp lại về suy nghĩ của những người mà ta được dạy phải kính trọng. Nói rằng một người hình thành nên các chuẩn mực đánh giá giá trị sâu sắc hơn qua các tình huống tham gia quen thuộc của anh ta, là chưa đủ để đề cập thành điểm thứ tư, bởi đó là sự hợp nhất của những điểm đã được trình bày. Chúng ta hiếm khi phân biệt được phạm vi của phán đoán hữu thức về điều gì có giá trị và điều gì vô giá trị, bởi chúng ta không hề ý thức được các chuẩn mực đánh giá.

Nhưng nhìn chung có thể nói rằng, những điều mà chúng ta cho là hiển nhiên mà không cần tìm hiểu hoặc ngẫm nghĩ kỹ lưỡng, thì đó là những điều định đoạt suy nghĩ hữu thức và các quyết định của chúng ta. Và những thói quen nằm ở bên dưới cấp độ của suy tưởng như vậy chính là những thói quen được hình thành qua sự trao đổi diễn ra liên tục giữa chúng ta và những người khác.

4. Nhà trường xét như là một môi trường đặc biệt.

Phát biểu trên [nhà trường xét như là một môi trường đặc biệt] về quá trình có tính giáo dục diễn ra liên tục mà không cá nhân nào tránh khỏi, có ý nghĩa quan trọng bậc nhất ở chỗ nó khiến chúng ta lưu ý rằng cách duy nhất để người lớn kiểm soát một cách hữu thức trẻ em tiếp nhận kiểu giáo dục gì, là kiểm soát môi trường hoạt động của chúng và do đó kiểm soát cả môi trường của suy tư và cảm xúc. Chúng ta không thể nào giáo dục một cách trực tiếp, song có thể giáo dục gián tiếp thông qua môi trường. Chúng ta cho phép các môi trường ngẫu nhiên làm công việc giáo dục ấy hoặc chúng ta thiết kế các môi trường để dùng vào mục đích giáo dục, là điều khác biệt lớn. Và mọi môi trường đều là môi trường ngẫu nhiên trong chừng mực liên quan đến ảnh hưởng có tính giáo dục, nếu như nó không được điều chỉnh một cách có chủ tâm theo hiệu quả giáo dục.

Khác biệt chủ yếu giữa một gia đình có hiểu biết và một gia đình thiếu hiểu biết là ở chỗ, các thói quen sinh hoạt và giao tiếp phổ biến của họ đã được lựa chọn, hoặc ít nhất đã được làm cho thay đổi xuất phát từ sự lưu tâm tới mối liên quan giữa những thói quen ấy và sự phát triển của con cái. Nhưng nhà trường dĩ nhiên vẫn là ví dụ tiêu biểu về các môi trường được tổ chức với mối liên hệ rõ ràng với việc gây ảnh hưởng tới xu hướng tinh thần và đạo đức của các thành viên của nhà trường.

Nói đại để, nhà trường xuất hiện khi truyền thống xã hội đã trở nên quá phức tạp đến nỗi phần lớn những thành tựu xã hội đã được chuyển thành dạng văn bản và được truyền dạy dựa vào biểu trưng chữ viết. So với tiếng nói, biểu trưng chữ viết thậm chí còn nhân tạo hoặc mang tinh ước lệ nhiều hơn; không thể học được chúng trong giao tiếp ngẫu nhiên, với người khác.

Ngoài ra, hình thức văn bản có khuynh hướng chọn lọc và ghi lại những vấn đề tương đối xa lạ với cuộc sống hằng ngày. Những thành tựu tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác đã được gửi vào hình thức văn bản cho dù nhiều thành tựu đã tạm thời không còn có giá trị nữa. Do đó, ngay khi một cộng đồng phụ thuộc ở một mức độ nào đó vào điều tồn tại bên ngoài lãnh thổ và vượt ra ngoài thế hệ trực tiếp của nó, cộng đồng ấy buộc phải trông cậy vào phương tiện nhà trường do nó đặt ra để đảm bảo việc truyền dạy đầy đủ mọi tài nguyên. Hãy lấy một minh họa hiển nhiên: Cuộc sống của người Hy Lạp và La Mã cổ đại có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của chúng ta, thế nhưng nhìn vào bề ngoài những kinh nghiệm thông thường, chúng ta không thể thấy được họ tác động tới chúng ta theo những cách như thế nào.

Theo cách tương tự, các dân tộc đang tồn tại nhưng cách xa về mặt không gian, người Anh, Đức, Italia, có liên quan trực tiếp tới các vấn đề xã hội của chúng ta, nhưng không thể hiểu được tính chất của mối quan hệ tương giao đó nếu không có sự trình bày và lưu tâm rõ ràng. Hệt như vậy, không thể trông cậy vào các mối liên kết hằng ngày để giải thích cho trẻ em hiểu được vai trò của năng lượng vật chất trừu tượng và những cấu trúc không thể nhìn thấy bằng mắt thường trong các hoạt động của chúng ta. Vì thế, một phương thức giao tiếp xã hội chuyên biệt đã ra đời để lo cho những vấn đề như vậy: đó là nhà trường.

Cần lưu ý rằng, phương thức liên kết nói trên có ba chức năng đủ gọi là đặc thù, so với các liên kết thông thường của đời sống. Thứ nhất, một nền văn minh ở trình độ cao là quá phức tạp để có thể được lĩnh hội một cách toàn bộ. Nó phải được chia nhỏ ra, có thể nói như vậy, và được lĩnh hội từng phần dần dần và theo từng trình độ. Cuộc sống xã hội của chúng ta ngày hôm nay có quá nhiều mối quan hệ và những mối quan hệ đó đan xen lẫn nhau đến nỗi một đứa trẻ dù được đặt trong một hoàn cảnh thuận lợi nhất cũng không thể dễ dàng tham gia vào phần lớn các mối quan hệ quan trọng nhất. Nếu không tham gia vào các mối quan hệ đó, ý nghĩa của chúng sẽ không được truyền đạt tới đứa trẻ, sẽ không thể trở thành bộ phận làm thành xu hướng tinh thần của nó.

Không phải đã có rừng thì đương nhiên nhìn thấy cây. Kinh doanh, chính trị, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo cùng một lúc thu hút sự chú ý; kết quả sẽ là sự rối loạn. Bổn phận hàng đầu của công cụ xã hội mà chúng ta gọi tên là nhà trường, là cung cấp một môi trường được đơn giản hóa. Nhà trường chọn lọc những đặc điểm căn bản rõ rệt và có khả năng được trẻ em phản ứng lại. Sau đó, nhà trường xây dựng một trình tự tiến bộ dần dần, sử dụng các nhân tố đầu tiên học được để làm phương tiện giúp cho việc hiểu sâu sắc cái phức tạp hơn.

Thứ hai, môi trường nhà trường có nhiệm vụ loại bỏ càng nhiều càng tốt những đặc điểm vô giá trị của môi trường hiện tại để chúng không ảnh hưởng tới các xu hướng tinh thần. Nhà trường đưa vào một môi trường hành động đã được chọn lọc. Sự chọn lọc không chỉ nhắm tới việc đơn giản hóa mà còn nhằm tới việc loại bỏ những gì không mong muốn. Xã hội nào cũng vậy, đều bị vướng vào những điều tầm thường, những điều vô giá trị còn lại của quá khứ, và những điều vô lý rõ ràng. Nhà trường có nhiệm vụ không được bỏ sót những thứ như vậy trong môi trường mà nó cung cấp, và bằng cách ấy nó làm hết sức mình để ngăn chặn ảnh hưởng của chúng trong môi trường xã hội bình thường.

Bằng cách chọn lọc ra cái tốt nhất để sử dụng riêng cho mình, nhà trường phấn đấu để khẳng định sức thuyết phục của cái tốt nhất ấy. Khi xã hội trở nên được soi sáng hơn, nó hiểu ra rằng trách nhiệm của nó không phải là truyền dạy và giữ gìn toàn bộ thành tựu hiện hữu, mà trách nhiệm của nó hoàn toàn chỉ là làm thế nào đấy để chuẩn bị cho một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhà trường là phương tiện quan trọng nhất để thực hiện mục đích đó.

Thứ ba, môi trường nhà trường có bổn phận làm cân bằng các yếu tố khác nhau trong môi trường xã hội và đảm bảo sao cho mỗi cá nhân có cơ hội thoát khỏi những hạn chế của nhóm xã hội nơi anh ta sinh ra và bước vào mối tiếp xúc sống động với một môi trường rộng lớn hơn. Những từ ngữ như “xã hội” và “cộng đồng” có thể gây hiểu lầm bởi chúng dễ khiến chúng ta cho rằng ứng với một sự vật duy nhất thì có một từ ngữ duy nhất. Trên thực tế, một xã hội hiện đại tức là nhiều xã hội liên kết với nhau một cách hầu như lỏng lẻo.

Mỗi gia đình, mở rộng ra cả bạn bè gần gũi, làm thành một xã hội; những người sống trong một ngôi làng hoặc nhóm bạn cùng phố, là một cộng đồng; mỗi một nhóm kinh doanh, mỗi một hội đoàn là một cộng đồng. Trong một đất nước như đất nước chúng ta chẳng hạn [nước Mỹ], ngoài những nhóm có quan hệ mật thiết hơn như trên, còn có rất nhiều chủng tộc, những hệ phái tôn giáo, các bộ phận kinh tế khác nhau. So với cả một lục địa tại một thời đại xa xưa, xã hội hiện đại, bất chấp sự thống nhất chính trị trên danh nghĩa, chắc chắn chứa đựng nhiều hơn bên trong nó những cộng đồng, tập quán, truyền thống, khát vọng, hình thái chính quyền hoặc cai trị khác nhau.

Mỗi nhóm như vậy tạo ra ảnh hưởng có tính đào tạo đối với các xu hướng thực sự của các thành viên. Một bè lũ, một hội quán, một băng đảng, một gia đình trộm cắp, tù nhân trong một nhà tù, cung cấp môi trường có tính giáo dục thực sự cho những ai tham gia vào các hoạt động tập thể hoặc hoạt động phối hợp của chúng, chẳng khác gì một nhà thờ, một tổ chức công đoàn, một công ty kinh doanh hoặc một đảng phái chính trị. Mỗi nhóm như vậy là một phương thức tồn tại liên kết hoặc cộng đồng giống như một gia đình, một thị trấn hoặc một nhà nước, xét về tính chất.

Ngoài ra còn có những cộng đồng mà các thành viên có ít hoặc không hề có mối liên hệ trực tiếp với nhau, chẳng hạn như hiệp hội nghệ sĩ, giới văn chương, thành viên của tầng lớp học giả chuyên môn sống rải rác trên khắp Trái đất. Bởi họ có chung những mục đích, và hoạt động của mỗi người bị điều chỉnh trực tiếp bởi việc biết được công việc mà những người khác đang làm.

Vào những thời đại xa xưa, sự đa dạng về nhóm là một vấn đề liên quan chủ yếu đến địa dư. Có rất nhiều xã hội, song mỗi xã hội, trong phạm vi lãnh thổ riêng của nó, là tương đối thuần nhất. Nhưng cùng với sự phát triển của thương mại, giao thông, liên lạc và di cư, các quốc gia như Hoa Kỳ được tạo thành bởi sự kết hợp những nhóm khác nhau với những phong tục truyền thống khác nhau. Hoàn cảnh này có lẽ là nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy yêu cầu phải có một thiết chế giáo dục cung cấp điều gì đó giống như một môi trường thuần nhất và cân bằng cho trẻ em. Chỉ có bằng cách ấy mới có thể chiến thắng các lực li tâm được tạo ra bởi những nhóm khác nhau tồn tại bên cạnh nhau trong một đơn vị chính trị duy nhất.

Trong trường học, việc trộn lẫn trẻ em thuộc các chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau và phong tục khác nhau tạo ra cho tất cả trẻ em một môi trường mới mẻ và rộng lớn hơn. Nhờ có chung nội dung kiến thức, tất cả trẻ em được làm quen với cách nhìn đồng nhất ở tầm rộng hơn so với tầm nhìn mà thành viên của bất kỳ nhóm nào có được khi họ tồn tại biệt lập. Sức đồng hóa của nền giáo dục công lập của nước Mỹ là bằng chứng hùng hồn về hiệu quả của lời kêu gọi phải có một nhà trường của cộng đồng và cân bằng.

Nhà trường còn có chức năng điều hòa các ảnh hưởng đa dạng của môi trường xã hội khác nhau ở bên trong xu hướng nhân cách của mỗi cá nhân khi cá nhân ấy tham gia vào các môi trường đó. Chuẩn mực này được áp dụng phổ biến tại gia đình; một chuẩn mực khác được áp dụng phổ biến ngoài đường phố; một chuẩn mực thứ ba tại xưởng máy hoặc cửa hàng; một chuẩn mực thứ tư trong tổ chức tôn giáo. Khi một người chuyển từ môi trường này sang một môi trường khác, anh ta phải chịu những sức kéo đối lập nhau và anh ta có nguy cơ bị phân tách thành một con người với những chuẩn mực đánh giá và cảm nhận khác nhau cho những hoàn cảnh khác nhau. Chính vì nguy cơ này mà nhà trường bắt buộc phải có bổn phận làm một phương tiện kiểm soát và làm hài hòa.

Tóm lại

Sự phát triển các thái độ ứng xử và xu hướng nhân cách ở bên trong trẻ em, điều cần thiết cho sự tồn tại liên tục và sự tiến bộ của một xã hội, không thể diễn ra dựa vào sự truyền đạt trực tiếp các niềm tin, tình cảm và tri thức. Quá trình đó diễn ra thông qua môi trường trung gian. Môi trường đó bao gồm toàn bộ các điều kiện liên quan tới việc thực hiện hoạt động đặc trưng của một con người. Môi trường xã hội bao gồm toàn bộ hoạt động của các thành viên bị ràng buộc với nhau trong việc duy trì hoạt động của bất kỳ thành viên nào.

Môi trường xã hội mang tính giáo dục thực sự trong chừng mực một cá nhân chia sẻ hoặc tham gia vào hoạt động chung nào đó. Khi thực hiện phần việc của mình trong hoạt động liên kết, cá nhân chọn cho mình mục đích để kích thích hoạt động, làm quen với những phương pháp và nội dung, học được kỹ năng cần thiết và thấm đẫm ý nghĩa cảm xúc của hoạt động ấy.

Khi trẻ em tham gia dần dần vào hoạt động của các nhóm xã hội khác nhau, khi đó vô tình xuất hiện sự đào tạo có tính giáo dục sâu sắc và mật thiết hơn tới tính cách của chúng. Tuy nhiên, khi một xã hội trở nên phức tạp hơn, người ta nhận thấy cần phải có một môi trường xã hội dành riêng cho mục đích chăm lo tới việc giáo dục các thành viên non nớt. Môi trường đặc biệt này có ba chức năng quan trọng nhất: đơn giản hóa và phân loại các yếu tố của xu hướng nhân cách mà nó mong muốn phát triển; chọn lọc và lý tưởng hóa các tập quán xã hội hiện hữu; tạo ra một môi trường rộng và cân bằng hơn so với môi trường mà trẻ em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng bị bỏ mặc.

❁ ❁ ❁
Phạm Anh Tuấn dịch
Bản tiếng Việt © 2008 NXB Tri thức 

Nguồn ebook: http://downloadsach.com/

Ảnh: Joanna Kosinska on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x