Trang chủ » Giới thiệu Tứ Thư Bình Giải

Giới thiệu Tứ Thư Bình Giải

by Hậu Học Văn
425 views

TỨ THƯ BÌNH GIẢI

Luận Ngữ Mạnh Tử Đại Học Trung Dung
(LÝ MINH TUẤN
dịch và bình giải
NGUYỄN MINH TIẾN
hiệu đính và giới thiệu )

❁ ❁ ❁

LỜI GIỚI THIỆU

Từ khoảng cuối thế kỷ 19, sau hàng nghìn năm ngự trị trong nền văn hóa Á Đông, Nho giáo đã hầu như suy sụp hoàn toàn trước sự tấn công ồ ạt của nền vă minh phương Tây. Nhà thơ Tú Xương, một trong số những “ông tú, ông nghè” hiếm hoi còn sót lại trong xã hội thời ấy đã phải ai oán kêu lên:

 Cái học nhà Nho đã hỏng rồi, Mười người đi học chín người thôi!

Một nền học thuật dù cao siêu đến đâu mà không còn ai theo đuổi thì tự nó đã tỏ rõ dấu hiệu diệt vong, bởi ý nghĩa của một nền học thuật là gì nếu không phải là mang đến cho người học những giá trị đích thực của nó? Khi người ta đã từ chối không theo học thì mọi giá trị cao siêu ắt sẽ không còn điều kiện để phát huy được nữa. Nhìn thấu ý nghĩa đó, cụ Trần Trọng Kim đã viết trong lời tựa sách Nho giáo như sau:

 “… … thời thế đã xoay vần, cuộc đời biến đổi, người trong nước đang háo hức về sự bỏ cũ theo mới, không ai nghĩ đến cái nhà cổ ấy nữa…”

 “Cái nhà cổ” mà cụ Trần nhắc đến ở đây chính là căn nhà Nho giáo mà cụ đang ra công “giữ lấy di tích” vì e rằng sẽ đến lúc nó triệt tiêu hoàn toàn trong lòng người. Dù vậy, bộ sách Nho giáo mà cụ Trần đã dày công biên soạn, được xuất bản vào khoảng đầu những năm 1930, dường như ngày nay cũng chẳng còn mấy ai tìm đọc!

 Và đã gần một thế kỷ đã qua đi kể từ khi những đại biểu cuối cùng của Nho giáo chấp nhận buông xuôi trong cuộc giằng co “cũ – mới”, bởi những nhu cầu thực tiễn của một xã hội văn minh hiện đại không ngừng phát triển hầu như không thể được đáp ứng trong khuôn khổ của những gì mà Nho giáo mang đến cho người học.

Thế nhưng, nền văn minh hiện đại cũng không phải là cây đũa thần mang đến cho nhân loại tất cả. Với một khuynh hướng đã, đang và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các giá trị vật chất, nền văn minh hiện đại đã không lưu tâm nhiều đến những giá trị tinh thần trong cuộc sống, và đây chính là lý do khiến cho nhiều người sớm nhận ra rằng không ít những giá trị tinh túy của Nho giáo giờ đây lại trở thành cái mà con người cần đến để tạo sự quân bình trong cuộc sống hiện đại. Hơn thế nữa, xét cho cùng thì những giá trị ấy thật ra là chưa từng mất đi mà vẫn được âm thầm truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác qua sự giáo dục dựa trên nền tảng gia đình và luân lý đạo đức xã hội Việt Nam, vốn có phần đóng góp rất lớn của Nho giáo từ nhiều thế kỷ qua.

 Và như vậy, khi quay nhìn lại cội nguồn phát xuất của nhiều lý tưởng cao đẹp trong đời sống như lòng nhân ái, đức khoan dung, tinh thần vị tha, cũng như những đức tính căn bản mà ai ai cũng cần đến và trân trọng như nhân nghĩa, hiếu đễ, thành tín… hẳn chúng ta không khỏi lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng trí tuệ của người xưa đã vô cùng sâu sắc khi nhận ra được những giá trị và ý nghĩa thực sự của đời sống vốn không phụ thuộc hoàn toàn vào vật chất, mà quan trọng hơn lại chính là sự hàm dưỡng một tâm hồn cao đẹp. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ càng ngạc nhiên hơn khi nghe người xưa mô tả về những đức tính cần có của một nhà lãnh đạo để có thể được xem là thực lòng lo cho dân cho nước. Những chuẩn mực lý tưởng này nếu chỉ được áp dụng một phần nào thôi, chắc chắn cũng sẽ xoá bỏ được rất nhiều những tệ nạn mà xã hội văn minh hiện đại của chúng ta đang đối mặt.

 Tất cả những giá trị tinh túy đó của Nho giáo được gói gọn trong một bộ sách được người xưa trân trọng và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng là nền tảng học thuật của Nho gia từ những điều cơ bản nhất cho đến những gì uyên áo nhất. Bộ sách này gồm 4 quyển sách quý được gọi chung là Tứ thư. Đó là các sách: Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung. Quyển sách mà quý vị đang cầm trên tay chính là được biên soạn từ bộ Tứ thư, đặc biệt bao gồm cả nguyên bản Hán văn, bản Việt dịch cũng như các phần chú thích và bình giải của soạn giả Lý Minh Tuấn.

Ông Lý Minh Tuấn không phải là người đầu tiên dịch và bình chú bộ sách Tứ thư. Trước đây đã từng có các học giả nổi tiếng như Đoàn Trung Còn, Nguyễn Hiến Lê… cũng đã làm công việc này. Tuy nhiên, khi nhận lời đọc lại bản thảo bộ Tứ thư bình giải này trước khi in, tôi đã nhận ra ngay là cách làm của soạn giả hoàn toàn không giống như những người đi trước. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy bộ sách này, ông Lý Minh Tuấn đã có được sự am hiểu nhất định về phương thức truyền đạt những tư tưởng, triết lý của người xưa đến với những độc giả của thời hiện đại.

Đây chính là lý do tạo nên sự khác biệt của sách này. Thay vì lặp lại những gì người đi trước đã nói, soạn giả đặc biệt đã cố gắng vận dụng những kiến thức gần gũi nhất mà người đọc hiện có để giảng giải về những hàm ý trong lời dạy của cổ nhân. Hơn thế nữa, ông cũng nêu ra và so sánh những mối quan hệ giữa Nho giáo với nhiều hệ thống tư tưởng triết học và tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Thông qua đó, người đọc có thể dễ dàng hơn trong sự tiếp thu những tư tưởng sâu xa của bộ sách này.

Cách làm này của soạn giả tất nhiên không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Nếu xét từ góc độ nghiên cứu học thuật, phương thức này có thể không thực sự khách quan và chuẩn xác, bởi nó phụ thuộc vào những nhận thức cũng như luận giải chủ quan của người viết. Yếu tố chủ quan càng bộc lộ rõ hơn khi người viết cố sử dụng những luận cứ trong một hệ thống tư tưởng này để giải thích hay nhận xét về một ý tưởng nào đó vốn thuộc về một hệ thống tư tưởng khác. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ giáo dục thì lại khác, bởi nền tảng chung của các hệ thống tư tưởng, tôn giáo mà soạn giả sử dụng ở đây đều là hướng đến việc giáo dục, rèn luyện con người trở nên tốt đẹp, hướng thiện.

Dựa trên điểm tương đồng đó, việc so sánh các tư tưởng có liên quan nhằm mục đích giáo dục là một ý tưởng hợp lý, vì hiệu quả của một phương thức giáo dục chính là mức độ tiếp thu, nhận hiểu của người học. Và nếu xét riêng từ yếu tố này thì sách Tứ thư bình giải rất có thể sẽ mang đến cho người đọc một cách tiếp cận mới dễ dàng hơn với kho tàng tư tưởng Nho giáo. Hơn nữa, xét cho cùng thì sách này ra đời không phải như một công trình nghiên cứu khoa học, mà là sự hệ thống hoá các bài giảng trong thực tế của soạn giả từ nhiều năm qua.

Vì thế, mục đích chính của nó là cung cấp cho người đọc những hiểu biết nhất định về tư tưởng Nho giáo, nhằm khơi dậy những giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp đã phần nào bị lãng quên qua thời gian cũng như đã ít nhiều bị che mờ đi bởi nhịp sống bon chen hối hả của xã hội văn minh vật chất trong hiện tại. Với mục đích như thế, tôi tin là soạn giả đã hoàn toàn hợp lý khi chọn phương thức bình giải như trong sách này.

Thật ra, các sách Đại học và Trung dung với lời bình giải của soạn giả Lý Minh Tuấn đã được xuất bản trước đây như những tác phẩm riêng lẻ với tựa đề Đại học thuyết minh (NXB Văn hoá thông tin, 2004) và Trung dung thuyết minh (NXB Văn hoá thông tin, 2002). Trong lần xuất bản này, các sách Luận ngữ và Mạnh tử đã được hoàn tất và sắp xếp in chung trọn bộ với nội dung và hình thức đã được chỉnh sửa nhất quán. Ngoài ra, bản in lần này cũng được bổ sung đầy đủ phần Hán văn, rất thuận tiện cho những ai muốn đối chiếu so sánh hoặc nghiên cứu sâu hơn. Cuối sách có thêm phần tra khảo từ vựng, được sắp xếp theo chương mục cũng như theo vần ABC để tiện việc tra khảo cho người đọc.

Về trật tự sắp xếp trong sách này, chúng tôi cũng không dựa theo thói quen truyền thống, mà chú ý nhiều hơn đến sự thuận tiện cho người đọc để có thể tiếp nhận các nội dung theo một trình tự hợp lý. Sách Luận ngữ được trình bày trước nhất vì sách này tập trung những lời dạy thể hiện tư tưởng của Khổng tử một cách rõ nét và đầy đủ nhất. Hầu hết các tác phẩm của Nho gia đời sau đều trích lại lời của Khổng tử từ đây. Tiếp theo là sách Mạnh tử, ghi lại những lời của Mạnh tử, có thể xem là nhân vật thứ hai trong Nho giáo, sau Khổng tử. Sách Mạnh tử giúp người đọc hiểu rõ hơn và sâu rộng hơn những tư tưởng ban đầu của Khổng tử, đồng thời cũng tiếp cận được với không ít những tư tưởng do chính Mạnh tử phát triển dựa trên nền tảng những điều Khổng tử đã nêu ra trước đó.

 Hai quyển Đại học và Trung dung được xếp sau cùng vì mức độ sâu xa uyên áo của chúng, hầu như chỉ có thể tiếp cận sau khi người đọc đã được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản trong hệ thống tư tưởng Nho giáo. Mặc dù vậy, xét chung thì cả bốn quyển sách này vẫn là một tổng thể thống nhất, bổ sung cho nhau để thể hiện được toàn bộ hệ tư tưởng của Nho giáo một cách đầy đủ và hoàn chỉnh nhất; trong đó có cả những nền tảng cơ bản nhất của việc đối nhân xử thế, cho đến những ý nghĩa sâu xa, siêu việt và uyên áo nhất mà tư tưởng người xưa đã từng đạt đến.

Là một bậc thầy thuộc thế hệ đi trước, nay đã bước sang độ tuổi cổ lai hy, soạn giả Lý Minh Tuấn đã biên soạn công trình này với tấm lòng yêu người thương đời rất đáng trân trọng của một nhà giáo dục đã nhiều năm đứng trên bục giảng. Tôi rất vui khi được hân hạnh giới thiệu với quý độc giả bộ sách này và hy vọng nó sẽ góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống, bởi xét cho cùng thì dù trong bất cứ thời đại nào, ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc sống con người vẫn luôn là những giá trị đạo đức và tinh thần tốt đẹp chứ không phải là theo đuổi sự hưởng thụ vật chất. Và với ý nghĩa này thì việc khơi dậy những giá trị đạo đức tốt đẹp trong truyền thống Nho giáo hẳn sẽ mang lại những tác động tích cực nhất định trong việc giúp cho mỗi người chúng ta hướng đến một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn.

Trân trọng,

❁ ❁ ❁

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x