Trang chủ » Lời Phật dạy – Quả Dự Lưu

Lời Phật dạy – Quả Dự Lưu

by Hậu Học Văn
166 views

❁ Trà đạo ngày 30.7.2016

❁ Đừng hiểu lầm lời Phật dạy

Hỏi: Trong nhiều bản kinh Đức Phật khuyến khích hành giả ngồi thiền định, nên hiểu như thế nào?

Khi Đức Phật chưa xuất hiện ở đời, hầu hết các tôn giáo ở Ấn Độ xem thiền định là tối cao nên họ cho rằng vào rừng tu là mục đích tối thượng, nếu không ngồi thiền định bị họ cho là không tu hành gì cả. Khi mới xuất gia thái tử Siddhattha cũng tu thiền định với hai vị đạo sĩ và đã đắc hết các tầng định Sắc giới và Vô sắc giới của họ nhưng thấy thiền định này không đưa đến giác ngộ giải thoát – vẫn còn bị ràng buộc trong sắc ái và vô sắc ái – nên ngài đã từ bỏ. Tuy nhiên, vì lợi ích hiện tại lạc trú, về sau trong giáo pháp của ngài thiền định này vẫn được duy trì cho những ai tâm còn nhiều vọng động với cảnh báo rằng đó không phải là hạnh đoạn giảm trong hành trình “xả ly, ly tham, đoạn diệt” để đưa đến chánh trí giác ngộ Niết-bàn (xem Kinh Đoạn Giảm, Trung Bộ).

Pháp hành Tứ Niệm Xứ chưa hề có trước đó, cho đến Đức Phật dạy pháp hành này cho người dân xứ

Kuru, ở đó mọi người đi làm lụng, sinh hoạt bình thường nhưng vẫn thực hành Tứ Niệm Xứ một cách tự nhiên, đặc biệt Đức Phật dạy: Thân thế nào thấy như vậy, thọ thế nào thấy như vậy, tâm thế nào thấy như vậy, trải nghiệm với pháp thế nào cũng chỉ thấy như vậy… đó chính là tu, là thiền minh sát, là pháp hành duy nhất đưa đến chứng ngộ Niêt-bàn. Trong pháp hành này đã có đủ giới định tuệ, nhưng định ở đây là chánh định vô vi vô ngã, không phải là định hữu vi hữu ngã trong thiền Hữu sắc và Vô sắc của ngoại đạo. Đó là lý do vì sao Đức Phật không dạy thiền định cho Bāhiya mà chỉ ngay thiền minh sát: Trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong xúc chỉ xúc, trong biết chỉ biết… không có cái ngã Bāhiya nào ở đó… thì Bāhiya liền chứng quả A-la-hán.

Trong kinh Kālāma Đức Phật cũng nêu rõ rằng đừng vội tin vào kinh điển, lời truyền tụng, những tin đồn hay bất cứ điều gì… mà mỗi người phải tự thực nghiệm để thấy ra Sự Thật. Những văn ngôn trong kinh điển trải qua cả ngàn năm đến lần kết tập thứ 4 mới được ghi thành văn bản Pāli, mà trước đó Tam Tạng được ngài Mahinda – con vua Asoka – đưa từ Ấn Độ sang Tích Lan, được ghi lại bằng văn tự Sihalese và tàng trữ ở Mahāvihāra đã bị phái Abhayagiri Vihāra tiêu hủy và viết lại, như vậy làm sao Tam Tạng còn nguyên vẹn như lần kết tập đầu tiên mà không bị các nhà sư gốc Bà-la-môn thêm thắt theo quan niệm thiền định của họ!

 Trong khi Đức Phật khai thị sự thật tự nhiên phù hợp với căn cơ trình độ của mỗi người thì bây giờ lại trở thành những công thức tu luyện tập thể cứng nhắc… Chính vì vậy trong Kinh Ví Dụ Lõi Cây Đức Phật dạy người học Phật cũng như người vào rừng tìm lõi cây, cần biết rõ đâu là lõi, đâu là giác, đâu là vỏ, đâu chỉ là cành lá, nếu không chỉ lấy được cành lá, vỏ hoặc giác cây đem về mà không tìm được chút lõi nào. Cũng vậy người học Phật nếu chỉ biết nắm giữ những điều thứ yếu mà không biết rõ điều gì là chính yếu trong lời dạy của Đức Phật thì cũng rơi vào nhánh ngọn của thời mạt pháp. Như trong kệ Dhammapāda 12 Đức Phật dạy:

“Chính yếu là chính yếu

Không chính là phụ tuỳ

Thấu đạt điều chính yếu

Đối tượng chánh tư duy”

(Sārañca sāratoAsārañca asārato

Te sāram adhigacchanti

Sammā sankappa gocarā) *

Người nào không thấy Phật dạy điều gì là chính yếu điều gì là phụ tuỳ, cứ nghĩ lời Phật dạy điều gì cũng giống nhau thì người đó không thể thấu đạt được cốt lõi của Phật pháp. Như người không biết đâu là lõi cây nên vào rừng chỉ đem được cành lá, vỏ cây, giác cây đem về mà thôi!

Trong kinh, cần lưu ý điểm quan trọng này: Ngoại trừ một số nguyên lý phổ quát là cốt lõi, còn tất cả trường hợp cá biệt Phật đều tùy duyên mà nói, vì vậy những câu nói đó chỉ đúng với trường hợp của người trong cuộc mà thôi. Như kinh Chuyển Pháp Luân, Phật chỉ nói với nhóm Kiều Trần Như. Vì các vị này tu khổ hạnh, nên Phật mới nhấn mạnh sự thật khổ do nhân vô minh ái dục mà có để họ đừng bám vào lý tưởng khổ hạnh nữa mà chỉ cần buông hết mọi tham cầu cho tâm thanh tịnh trong sáng thì ngay đó thấy được Niết-bàn. Vì vậy cách trình bày trong kinh Chuyển Pháp Luân chỉ là hình thức phù hợp với các vị tu khổ hạnh, còn nội dung Bốn Sự Thật mới là cốt lõi của bài kinh. Nội dung đó Đức Phật và các bậc thánh đệ tử trình bày rất khác trong những tình huống khác nhau. Đánh đồng ý kinh cho mỗi trường hợp – chẳng khác nào đánh đồng các toa thuốc cho mỗi bệnh nhân – là oan cho chư Phật.

Quả Dự Lưu

Hỏi: Có phải trong quả Dự Lưu, hoài nghi là chưa tin vào bản chất giác ngộ có sẵn để trở về với chính mình?

Khi người thực chứng được nguyên lý cốt lõi của Pháp thì được gọi là bậc Dự Lưu hay Nhập Dòng (Tu-đà-hoàn), tức đã sống khế hợp với Thực tánh Chân đế hay Thánh đế. Lúc đó, không còn nghi ngờ gì cả vì đã thấy rõ đâu là Pháp tánh tự nhiên. Thí dụ như người đi lạc đang cố tìm lại ngôi nhà của mình, trên đường khi thấy ngôi nhà nào cũng nghi không biết có phải nhà mình không, đó chính là hoài nghi, đến khi nhận diện đúng ngôi nhà của mình rồi, người ấy liền vào ở, không còn hoài nghi gì nữa.

Vị Nhập Lưu cũng không còn xem ngũ uẩn là “ta” nên không còn thân kiến tức là không chấp vào hiện tượng đời sống trong quan hệ thân-tâm-cảnh mà thường trở về sống với tâm rỗng lặng trong sáng.

Người mê không biết mình đang sống trong thế giới ảo do bản ngã tạo ra, nên họ càng không thấy thế giới duyên khởi do điều kiện giả hợp mà thành, luôn biến đổi không có gì chắc thật như ý muốn. Người ngộ không còn đắm chìm trong thế giới ảo của vọng tưởng mà cũng không còn rơi vào thế giới duyên khởi vì đã thấy tính vô thường, khổ, vô ngã của nó, do đó không còn thân kiến – không còn chấp hiện tượng duyên khởi của thân-tâm-cảnh là “Ta”, không như người mê tạo ra thế giới ảo để rồi nhận giả làm chân.

Vị Nhập Lưu cũng không còn giới cấm thủ tức không còn chấp vào mọi hình thức bề ngoài, họ đã thâm nhập nội dung tinh tế của mỗi hành động nên mọi cử chỉ, mọi dáng dấp đi đứng ngồi nằm đều tự nhiên thoải mái không câu nệ mà vẫn trang nghiêm thanh tịnh. Đôi khi người ta lầm tưởng chứng quả Dự Lưu là một sở đắc bậc thánh. Thực ra còn sở đắc tức còn bám chấp vào sự tướng mà “ta đạt được”, có nghĩa là còn chấp thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ thì làm sao Nhập Dòng được.

❁ ❁ ❁

Soi sáng Thực tại – Thầy Viên Minh

Ảnh: Patrick Hendry on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x