Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 11 – Tiên Tiến

Luận Ngữ – Chương 11 – Tiên Tiến

by Hậu Học Văn
438 views

TIÊN TIẾN ĐỆ THẬP NHẤT

1. Đức Khổng tử nói: “Người đời trước, về mặt lễ nhạc bị xem là nhà quê. Người đời sau, về lễ nhạc được xem là quân tử. Nếu như dùng lễ nhạc, thì ta theo người đời trước.”

BÌNH GIẢI:

Các đại nho đời Tống đều cho rằng “tiên tiến” chỉ những người sống vào đầu đời Chu (tiền bối), “hậu tiến” chỉ những người sống vào đời Chu mạt (hậu bối); đó cũng là thời Xuân Thu mà Đức Khổng tử đang sống.

Vào đầu đời Chu, sau khi Chu Công chế lễ tác nhạc thì lễ nhạc đầy đủ cả chất lẫn văn. Chất là tính đạo đức hàm ngụ ở trong; văn là cái đẹp, cái hay bề ngoài. Văn của lễ là y phục đẹp đẽ, động tác dễ coi; văn của nhạc là giai điệu du dương trầm bổng. Nhờ có cả hai đặc tính chất văn, lễ nhạc đầu đời Chu mang tính giáo hoá cao, giúp cho xã hội có trật tự ổn định.

Vào đời Chu mạt, người ta chê các tiền bối (tiên tiến) là quê mùa, mộc mạc, cổ hủ, lễ nhạc lỗi thời. Dĩ nhiên người ta đổi mới lễ nhạc và tự nhận họ mới là những bậc hiền sĩ đại phu thức thời, tiến bộ (quân tử). Lễ nhạc của các hậu bối (hậu tiến) này chỉ chú ý tới văn, tức là hình thức đẹp đẽ sang trọng, giai điệu du dương gợi cảm, mà bỏ qua chất, tức là không chú ý tới đạo đức tính của lễ nhạc. Do đó xã hội đã suy, lại càng tồi tệ hơn. Từ triều đình tới chốn dân dã, đạo đức nhân nghĩa chẳng được mấy người lưu tâm.

Vì thế, Đức Khổng tử mới chủ trương theo các bậc tiền bối (tiên tiến) về mặt lễ nhạc, chú trọng cả chất lẫn văn.

2. Đức Khổng tử nói: “Những người đã theo ta ở nước Trần, nước Thái đều không đi học nữa.” Về đức hạnh có Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; về ngôn ngữ có Tể Ngã, Tử Cống; về việc chính trị có Nhiễm Hữu, Quí Lộ; về văn học có Tử Du, Tử Hạ.

BÌNH GIẢI:

Trong những năm bỏ nước Lỗ đi chu du liệt quốc, Đức Khổng tử và một số đệ tử đi theo đã từng bị hoạn nạn ở khoảng ranh giới hai nước Trần, Thái.

Sách Sử ký của Tư Mã Thiên có ghi chép rằng, bọn đại phu cầm quyền hai nước Trần, Thái sợ vua nước Sở dùng Đức Khổng tử thì nguy cho họ, bởi vì họ có nhiều lỗi lầm mà ngài đã nhận ra. Do đó, họ cùng nhau sai quân đến bao vây thầy trò Đức Khổng tử. Giữa rừng hoang vắng, thiếu lương thực, có đệ tử ngã bệnh vì đói. Trong nhóm đệ tử đó, Tư Mã Thiên nhắc đến ba người: Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Hồi.

Sau đó, Đức Khổng tử sai Tử Cống cố thoát đến nước Sở cầu cứu. Vua Sở Chiêu Vương cho quân đi đón Đức Khổng tử; nhờ vậy thầy trò được thoát nạn.

Khi Đức Khổng tử nói câu trên là lúc ngài đã về quê nhà dạy học, chấm dứt 13 năm lang thang đây đó. Ngài nói câu đó với tâm trạng hoài cảm về kỷ niệm đã qua. Bấy giờ các đệ tử cùng chịu hoạn nạn với thầy ở Trần, Thái chẳng còn đến học nữa. Tử Lộ đi làm quan ở xa; Tử Cống đi buôn; Nhan Hồi đã mất, v.v.

Trong số đệ tử của Đức Khổng tử, theo lời kể lại của ai đó, có 10 người xuất sắc nhất: Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung xuất sắc về đức hạnh; Tể Ngã, Tử Cống xuất sắc về tài ứng đối ngoại giao (ngôn ngữ); Nhiễm Hữu, Quí Lộ xuất sắc về chính trị; Tử Du, Tử Hạ xuất sắc về văn học.

Như thế, trong cửa Khổng, ngoài việc học đạo đức tu thân, các đệ tử còn được học về tài ăn nói ngoại giao, về việc cai trị và cả về văn học. Đức Khổng tử đã thông bác về cả bốn môn đó.

3. Đức Khổng tử nói: “Trò Hồi chẳng giúp ta vậy; đối với lời ta nói, chẳng chỗ nào trò không vui lòng.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử nói câu trên chẳng phải thật sự trách trò Hồi, mà là khen ngợi hết mức. Lời nào Đức Khổng tử nói ra, Hồi đều hiểu thấu đáo hết, chẳng thắc mắc hỏi han, phản biện gì cả, chỉ cảm thấy vui lòng và hưởng ứng thôi. Nhưng vì Nhan Hồi không đặt câu hỏi thắc mắc hay phản biện, cho nên ngài không thể nhân đó đào sâu thêm, phân giải thêm được nghĩa lý gì mới.

4. Đức Khổng Tử nói: “Có hiếu thay trò Mẫn Tử Khiên! Người ta không thể chê những lời của cha mẹ, anh em nói về trò ấy được.”

BÌNH GIẢI: 

Mẫn Tử Khiên nổi tiếng về đức hiếu thảo, người ngoài xác nhận những lời khen ngợi của cha mẹ, anh em đối với ông là đúng sự thực.

Câu chuyện về ông được ghi trong sách “Nhị thập tứ hiếu” (24 gương hiếu) đại ý như sau : Mẹ của Mẫn Tử Khiên mất sớm; cha ông tục huyền, sinh được 2 người con. Bà kế mẫu này chỉ chăm sóc 2 con riêng. Vào mùa đông lạnh lẽo, bà cho 2 đứa con riêng mặc áo kép ấm áp; còn Mẫn Tử Khiên chỉ có áo đơn, không đủ ấm. Một hôm, Mẫn Tử Khiên đẩy xe cho cha. Vì lạnh quá tay chân bị cóng, ông lóng ngóng làm đổ xe. Bấy giờ người cha mới nhận ra ông bị thiếu áo mặc. Người cha tức giận với vợ kế, muốn đuổi bà này đi. Mẫn Tử Khiên can cha rằng: “Xin cha đừng đuổi. Nếu bà còn ở lại, thì chỉ một mình con chịu rét; bà ra đi thì ba anh em chúng con đều bị rét cả.” Lời can ngăn chân thành của ông đã khiến cho cả cha ruột, kế mẫu và hai em đều cảm động. Từ đó, bà kế mẫu đã thương Mẫn Tử Khiên như hai con riêng của mình. Đức hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên được cha mẹ và hai em ông nói ra, làm thay đổi bầu không khí gia đình; cho nên người ngoài không thể chê được.

5. Nam Dung đọc đi đọc lại thơ Bạch Khuê, Đức Khổng Tử bèn đem con của anh mình gả cho.

BÌNH GIẢI:

Trong Kinh Thi, thiên Đại Nhã, chương Ức, bài thứ 5, có 4 câu thơ Bạch Khuê như sau:

“Bạch Khuê chi điểm,

Thượng khả ma dã.

Tư ngôn chi điểm,

Bất khả vi dã.”

Nghĩa là:

Viên ngọc bạch khuê có chỗ bị sứt mẻ,

Thì còn có thể mài cho phẳng được.

Lời nói mà có chỗ hư hỏng sai lầm,

Thì không thể làm gì được, cứu chữa gì được.

Dịch thơ:

Ngọc bạch khuê bị trầy bị mẻ,

Mài láng trơn có thể thành công.

Lời sai lầm trót nói xong,

Chẳng làm gì được, răn lòng khắc ghi.

(Tạ Quang Phát, Kinh thi II, trang 670-671, NXB Văn học 2004)

Ông Nam Dung hay đọc đi đọc lại bài Kinh Thi này, chứng tỏ ông rất để tâm tới ngôn hạnh, thận trọng lời nói. Đức Khổng Tử thấy vậy, biết ông là người có thể tín nhiệm được, mới đem con gái của anh trai (Mạnh Bì) gả cho. Cũng trong sách Luận Ngữ, chương 5, tiết 1, Đức Khổng Tử nói về Nam Dung rằng: “Nước có đạo, không bị bỏ; nước không có đạo, tránh khỏi bị giết vì phạm luật.” (Bang hữu đạo, bất phế; bang vô đạo, miễn ư hình lục ). Điều đó hẳn cũng nhờ Nam Dung khéo giữ miệng lưỡi vậy.

6. Quý Khang Tử hỏi: “Trong hàng đệ tử [của Ngài], ai được gọi là hiếu học?”

Đức Khổng Tử đáp: “Có Nhan Hồi hiếu học. Không may, số mệnh ngắn ngủi đã mất rồi. Ngày nay thì không có ai.”

BÌNH GIẢI:

Quý Khang Tử tức là Quý Tôn Phì, con của Quý Hoàn Tử (Quý Tôn Tư). Thuở trước, Quý Hoàn Tử khuyên vua Lỗ nhận gái đẹp, ngựa quý của nước Tề, khiến Đức Khổng Tử phải bỏ nước ra đi. Khi sắp mất, Quý Hoàn Tử dặn Quý Khang Tử mời Đức Khổng Tử về nước tham chính, nhưng Khang Tử lại mời học trò Đức Khổng Tử là Nhiễm Cầu. Sau đó một thời gian, Quý Khang Tử mới cho đón Đức Khổng Tử về nước. Lúc này, ngài đã già, không tham chính nữa, chỉ còn dạy học; và Nhan Hồi cũng đã chết.

Quý Khang Tử hỏi Đức Khổng Tử về người hiếu học, không rõ có ý định muốn mời tham chính chăng. Nhưng Đức Khổng Tử cho biết người hiếu học trong Cửa Khổng không còn ai nữa. Người hiếu học là kẻ yêu thích việc học, nhất là học đạo lý để nên người đức hạnh, chứ không chủ ý cầu tước lộc.

Người hiếu học thì ham học cả đời và thấy vui trong việc học. Còn học để cầu tước lộc, khi đã có địa vị của cải thì thôi học; không đạt ý nguyện thì chán nản, bỏ dở.

7. Nhan Uyên chết, Nhan Lộ hỏi xin xe của Đức Khổng Tử để mua lấy cái quách.

Đức Khổng Tử nói: “Có tài, chẳng có tài, cũng đều nói là con cả. Tên Lý chết, có áo quan mà không có quách. Ta chẳng lẽ đi bộ để mua quách, nhân vì ta theo sau hàng đại phu, chẳng thể đi bộ vậy.”

BÌNH GIẢI:

Nhan Lộ là cha của Nhan Uyên (Hồi); ông cũng là học trò của Đức Khổng Tử, kém thầy 6 tuổi, có tiếng không tốt. Vì Nhan Uyên là học trò giỏi của Đức Khổng Tử, được thầy coi như con ruột; cho nên khi Nhan Uyên chết, Nhan Lộ vịn vào tình thương mến của Đức Khổng Tử, mới xin ngài bán cái xe đi để lấy tiền mua quách cho con. Quách là cái vỏ bao ngoài áo quan, thường dùng cho những người chết có quyền chức hay giàu sang. Lễ an táng có đủ quan quách là lễ lớn.

Đức Khổng Tử phân bua rằng cho dù có tài hay chẳng có tài thì cũng là con thôi. Tên Lý (Bá Ngư) là con ruột của ngài, tuy chẳng có tài cũng là con. Nhan Uyên, đựơc thầy coi như con, nhưng có tài hơn Lý, thì cũng là con thôi. Khi Lý chết, chỉ được an táng bằng nghi lễ thường không có quách; bây giờ chẳng lẽ Nhan Uyên chết lại phải bán xe mua quách; chẳng là Uyên được trọng hơn Lý sao? Mặc dầu, giờ đây Đức Khổng Tử không còn là đại phu đương nhiệm của triều đình, nhưng cũng còn tước hàm đại phu, chẳng lẽ ngài phải đi bộ, coi sao được? Nhan Lộ không biết phận nghèo mà đòi hỏi quá mức, đó là điều không tốt vậy.

8. Nhan Uyên chết, Đức Khổng Tử nói: “Than ôi! Trời hại ta! Trời hại ta!”

BÌNH GIẢI:

Trong cửa Khổng, Nhan Uyên là người hiếu học, thông minh, đạo đức bậc nhất, lại còn trẻ. Đức Khổng Tử kỳ vọng rất nhiều ở ông sau này có thể kế thừa sự nghiệp của thầy, hoằng dương đạo lý trong thiên hạ.

Nay, Nhan Uyên mất, Đức Khổng Tử nhận thấy rằng trong hàng đệ tử không còn ai có thể thay thế được ông. Như vậy, đạo thống không có người kế thừa, phát huy; đó là điều rất đáng tiếc. Vì thế, ngài đã đau đớn than thở, đau đớn vì đạo không truyền ra được.

Nhan Uyên giữ đạo mà tinh thần phóng khoáng thảnh thơi giống như thầy, không gò bó câu thúc như Tăng Sâm; sống bần hàn trong ngõ hẹp nhưng lúc nào tâm hồn cũng thư thái. Sau này, Tăng Sâm đã đưa Nho giáo nghiêng về đạo hiếu, không phát huy được sự mênh mông của đạo nhân. Cũng có lẽ vì Nhan Uyên mất sớm mà Nho giáo sau này đã bị chuyển sang hướng tôn quân, hỗ trợ chế độ quân chủ quá mức trong thời Hán, bị thua sút Lão giáo, Phật giáo vào thời Ngụy Tấn, Lục Triều; hơn nữa, vào thời Tống, Nho giáo còn rơi vào nẻo từ chương khoa cử. Người ta học Nho cốt để thi đậu, làm quan, mà chẳng thiết tha gì tới Thiên đạo nhân đạo.

9. Nhan Uyên mất, Đức Khổng Tử thương xót quá khóc to. Đệ tử theo hầu nói: “Thầy thương xót quá vậy!”

Ngài nói: “Có thương xót quá chăng? Chẳng thương xót người ấy, còn vì ai nữa?”

BÌNH GIẢI:

Học trò chết mà thầy thương khóc thảm thiết; quả là một trường hợp đặc biệt. Đệ tử theo hầu cho rằng như vậy là hơi quá; nhưng Đức Khổng Tử xác định ngài thương khóc Nhan Uyên là phải, vì tiếc cho một nhân tài yểu mệnh.

Trong cửa Khổng chẳng có đệ tử nào đáng cho ngài thương khóc bằng Nhan Uyên!

10. Nhan Uyên mất, các bạn đồng môn muốn mai táng trọng thể. Đức Khổng Tử nói: “Không được.”

Các bạn đồng môn vẫn mai táng trọng thể, Đức Khổng Tử nói: “Trò Hồi xem ta như cha, ta lại chẳng được xem nó như con. Chẳng phải tại ta; ấy là tại các học trò vậy.”

BÌNH GIẢI:

Các bạn đồng môn trong cửa Khổng muốn hậu táng cho Nhan Hồi một phần vì thương nhớ người bạn tốt, một phần nữa có lẽ do sự thúc đẩy của Nhan Lộ, cha Nhan Hồi. Đức Khổng Tử không đồng ý, bởi vì theo lễ, một học trò nghèo lại chẳng có địa vị trong xã hội chỉ được an táng đơn giản; tổ chức hậu táng là trái lễ, lại thêm tốn phí. Tuy nhiên các bạn đồng môn đã không nghe, vẫn tổ chức tang lễ, cũng có thể dùng tới cả quan lẫn quách.

Thấy vậy, Đức Khổng Tử tỏ lời bất bình. Ngài nói đại ý: Nhan Hồi xem ngài như cha, tức là Hồi ngang hàng với Lý (Bá Ngư), con ruột ngài. Trước kia, khi an táng Lý, ngài chỉ dùng nghi lễ đơn sơ, có áo quan mà không có quách. Nay Hồi được hậu táng thì đâu ngài có được xem Hồi như con! Điều này xảy ra không phải tại ngài, mà tại các đệ tử của ngài, có lẽ đã nghe theo sự thúc thẩy của Nhan Lộ, làm việc trái lễ đó.

Trong chương này, người viết sách Luận Ngữ đã dùng tới 5 tiết (6, 7, 8, 9 và 10) để nói về cái chết của Nhan Hồi. Điều đó chứng tỏ rằng sự ra đi của Nhan Hồi là một biến cố lớn trong cửa Khổng lúc bấy giờ, đã gây xúc động sâu xa cho cả thầy trò Đức Khổng Tử. Đủ biết nhân cách của Nhan Hồi đã gây ấn tượng mãnh liệt như thế nào đối với những người xung quanh mình.

11. Quý Lộ hỏi về thờ phụng các linh lực siêu nhiên. Đức Khổng Tử nói: “Chưa có sức thờ phụng người, sao có sức thờ phụng các linh lực siêu nhiên?”

Liền nói: “Dám xin hỏi về sự chết?” Đáp: “Chưa hiểu biết về sự sống, sao hiểu biết về sự chết?”

BÌNH GIẢI:

Người xưa gọi các linh lực siêu nhiên tác động trên con người, trên thiên nhiên là “quỉ thần”. Quỉ thần không phải là những con quỉ và ông thần mang vóc dáng nhân hình dữ tợn hay oai phong theo quan niệm bình dân mà thợ vẽ đã phác hoạ ra. Các linh lực siêu nhiên là những thực tại siêu hình mà người thường khó bề hiểu thấu, khó bề cảm nghiệm và diễn tả.

Quý Lộ là người hiếu dũng, chỉ có óc thực tế, chưa có khả năng đi vào lãnh vực siêu hình (Hình nhi thượng); cho nên Đức Khổng Tử mới tránh trả lời trực tiếp. Đối với những người bình thường như Quý Lộ thì chỉ nên nói về việc thờ phụng con người. Việc thờ phụng con người gồm có:

– Hiếu kính cha mẹ.

– Thương yêu anh em, vợ con, họ hàng, bằng hữu…

– Hợp tác trung thành với vua (nhà cầm quyền) để phụng sự xã hội.

Những việc thờ phụng con người đó chưa có sức làm tròn mà lo tới việc thờ phụng các linh lực siêu nhiên, chẳng phải là xa vời sao? Nếu không hiểu thấu về các linh lực siêu nhiên mà thờ phụng theo kiểu thờ người (tế cúng đồ ăn, thức uống…), có khi lại sa vào con đường mê tín dị đoan và hao tốn tài vật!

Còn về sự chết, Đức Khổng Tử trả lời rất thực tế. Ngài có ý nói: Với tư cách là con người, sự sống còn chưa ai đủ kinh nghiệm thấy tỏ hết, sao có kinh nghiệm thấu tỏ về sự chết? Chưa có kinh nghiệm về sự chết mà nói về sự chết, chẳng phải là mơ hồ, là hoang đường hay sao?

12. Mẫn Tử hầu bên cạnh thầy, dáng vẻ dịu dàng; Tử Lộ thì có dáng cương cường; Nhiễm Hữu, Tử Cống thì có dáng cứng cỏi. Đức Khổng Tử tỏ vẻ vui. Ngài nói: “Như trò Do đây, chẳng được chết bình thường.”

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên nói về một nhóm đệ tử thân cận đứng bên cạnh Đức Khổng Tử. Bốn con người có ba kiểu diện mạo. Diện mạo biểu hiện cái tâm con người. Tâm là tinh thần bên trong, siêu hình, vô ảnh. Diện mạo là sự thể hiện thấp thoáng hình tượng của cái tâm ra bên ngoài. Cái tâm thì siêu hình nhưng bao trùm cả quá khứ, hiện tại, tương lai một con người.

Mẫn Tử có dáng vẻ dịu dàng (ngân ngân). Dịu dàng thể hiện ngôn ngữ hoà nhã, rành rẽ, chừng mực; cho nên hành xử phải chăng, không câu nệ, không cố chấp, không cực đoan.

Nhiễm Hữu, Tử Cống có dáng mạo cứng cỏi (khản khản). Cứng cỏi trong dáng mạo thể hiện một lập trường vững vàng, phân minh.

Tử Lộ thì có dáng cương cường (hàng hàng) như một đội binh sắp sửa lâm trận. Cương cường thể hiện sự dũng mãnh, hiếu thắng, không khoan nhượng, thiếu mềm dẻo, uyển chuyển trong hành động. Dáng mạo của Tử Lộ đã biểu hiện một cái tâm bất khuất tới cùng, không hề biết nhượng bộ. Đã bất khuất cương cường thì khi gặp việc bất như ý sẽ dễ đi đến hành động thô bạo, cứng rắn, thiếu linh động. Đó là mối nguy tiềm tàng trong sinh mệnh của người mang tâm ấy.

Đức Khổng Tử đã xét thấu đáo tâm tư các đệ tử, thấy tương lai sinh mệnh Tử Lộ có điều bất thường; cho nên ngài đã cảnh giác ông: “Như trò Do đây, chẳng được chết bình thường.” “Bất đắc kỳ tử” nghĩa là không được sống tròn tuổi thọ, không được chết an lành như những người bình thường (chết già). “Bất đắc kỳ tử” chỉ những trường hợp chết đau đớn, bất ngờ…

Đức Khổng Tử nói câu đó như một lời tiên tri cho Tử Lộ. Quả nhiên, khi làm quan ở nước Vệ, Tử Lộ đã bị giết đau thương trong một cuộc chính biến vô nghĩa ở Tích thành. Bấy giờ, Đức Khổng Tử còn sống và đang dạy học tại quê nhà.

13. Người nước Lỗ làm cái kho Trường phủ. Mẫn Tử Khiên nói: “Vẫn giữ cái cũ, như thế chẳng được sao? Sao lại phải làm cái khác?”

Đức Khổng Tử nói : “Ồ, con người không nói, hễ nói ắt trúng.”

BÌNH GIẢI:

Căn cứ vào lời của Mẫn Tử, có lẽ bấy giờ quan chức nước Lỗ cất một cái kho mới tên là Trường phủ, trong khi đã có sẵn một cái kho cũ. Mẫn Tử là người tiết kiệm, thấy việc đó là phí phạm, hao tốn tiền của, công sức; cho nên ông mới nêu ý kiến: giữ cái kho cũ, nếu cần thì tu sửa thêm, vẫn còn dùng được.

Đức Khổng Tử đồng quan điểm với Mẫn Tử, khen ngợi ông có ý kiến hợp lý. Ngài nhận xét Mẫn Tử không hay nói. Người ít nói là người thâm trầm, chín chắn, chừng mực, không sa vào các nhận định cực đoan lệch lạc. Người ấy đã không nói thì thôi, mà hễ nói thì lời nói ắt chính xác, trung thực.

14. Đức Khổng Tử nói: “Cây đàn sắt của trò Do sao lại trỗi lên ở cửa nhà Khâu này vậy?” Vì thế, các bạn đồng môn chẳng kính trọng Tử Lộ.

Đức Khổng Tử nói: “Trò Do đã bước lên nhà rồi, nhưng chưa vào được căn phòng chính giữa (chốn cao cả).”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử trách tiếng đàn của trò Do (Tử Lộ) nhằm chê rằng tiếng đàn ấy chưa đạt; đem tiếng đàn ấy trình tấu tại cửa Khổng là không hợp! Ngài nói vậy chỉ có ý muốn giáo dục thêm cho Tử Lộ mà thôi.

Tại sao tiếng đàn của Tử Lộ bị chê?

Chúng ta biết Tử Lộ là người hiếu dũng, hung hăng; sự dũng mãnh, hiếu thắng trong tâm của Tử Lộ đã hiện ra ở sắc diện cương cường (hàng hàng). Nhìn thấy sắc diện Tử Lộ, Đức Khổng Tử đã cảnh giác rằng ông không được chết bình thường (tiết 12). Ở đây, tiếng đàn của Tử Lộ lại biểu hiện cái khí dũng mãnh cương cường ấy nữa. Hẳn là tiếng đàn của Tử Lộ có khí sắc sát phạt. Đó là dấu hiệu bất thường (chẳng lành) trong âm nhạc; người có trình độ thẩm âm cao như Đức Khổng Tử ắt nhận thấy điều bất thường ấy, nên ngài mới thương, mới trách, muốn cho Tử lộ sửa đổi. Nếu sửa đổi được cái tâm, thì tiếng đàn sẽ đổi khác; có thể tránh được “bất đắc kỳ tử”.

Chúng ta hãy xem thi hào Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thúy Kiều để xét tâm trạng và những khúc mắc trong đời nàng. Thúy Kiều là một người sành âm nhạc, cho nên tiếng đàn ắt biểu hiện chính xác tâm tình của nàng.

Khi nàng gảy đàn cho Kim Trọng lần đầu, trong lúc tình yêu mới chớm nở thế mà tiếng đàn đã nảy ra những cung bậc khác thường:

“Khúc đâu Hán Sở chiến trường,

Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau.

Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,

Nghe ra như oán như sầu phải chăng…”

Tiếng đàn của Thúy Kiều thật hay nhưng đã thể hiện điều bất thường đến nỗi Kim Trọng ngồi không yên:

Khi tựa gối, khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày,

Rằng: Hay thì thật là hay,

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”

Tiếng đàn ấy dường như đã báo hiệu cuộc đời luân lạc cay đắng của nàng. Đến khi gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe, tiếng đàn ấy mới thể hiện hết nỗi đau đớn cực kì bi thiết:

“Một cung gió tủi, mưa sầu,

Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.”

Tiếng đàn thất vọng này dường như muốn báo hiệu cảnh tượng nàng Kiều “bất đắc kỳ tử” trên sông Tiền Đường (tự trầm).

Tuy nhiên, sau khi được Giác Duyên cứu nạn, Thúy Kiều cùng tu với Giác Duyên ở thảo am, cảnh “gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng” đã khiến cho nàng giác ngộ. Bao nhiêu tham, sân, si đã chấm dứt, cái tâm Thúy Kiều lúc này trở nên thanh tịnh, thảnh thơi. Vì thế, khi tái hợp Kim Trọng, gảy đàn cho người tình cũ nghe, tiếng đàn của nàng đã đổi khác:

“Khúc đâu đầm ấm dương hoà,

Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh?

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy là Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu dỏ duềnh quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!”

Tóm lại, tiếng đàn biểu hiện cái tâm con người. Tâm sao âm thanh vậy; tâm sao đời vậy. Vận mệnh con người chỉ là sự thể hiện của cái tâm trong không gian, thời gian. Tâm là nhân; đời là quả.

Đức Khổng Tử vì thương Tử Lộ, muốn Tử Lộ sửa đổi tính khí mà chê trách tiếng đàn ấy. Trong khi đó, thấy thầy chê, các bạn đồng môn có vẻ xem nhẹ Tử Lộ. Đức Khổng Tử mới nhận định về con đường tu học của Tử Lộ như sau: “Trò Do đã bước lên nhà rồi, nhưng chưa vào được căn phòng chính giữa.”

Để có thể hiểu được lời nhận định của Đức Khổng Tử, chúng ta hãy chú ý tới triết lý tiềm ẩn trong Lạc thư:

Lạc Thư là mô hình tương truyền do vua Hạ Vũ phác họa khi Ngài nhìn thấy hình vẽ ấy trên lưng con rùa xuất hiện ở sông Lạc. Mô hình ấy tiềm ẩn một nền minh triết sâu sắc, tác động rất nhiều tới các thánh hiền trong Khổng Giáo. Nó thể hiện đạo Trời trong cõi nhân sinh.

Tám con số trong Lạc Thư chỉ những con người trong đời. Những con người ấy liên kết với nhau thành từng cặp âm dương (4 và 9, 3 và 8, 1 và 6, 7 và 2) để sinh hoạt tốt đẹp. Những con số ấy vây quanh con số 5 (số dành cho ngôi Thái cực) mang ý nghĩa rằng mọi người phải quy chiếu về ngôi Thái cực để tiếp nhận linh lực. Thái cực không ở đâu xa, Thái cực là năng lực siêu hình tiềm tại trong tâm mỗi người, Thái cực là đạo tâm tinh vi, huyền diệu (Đạo tâm duy vi).

Muốn sống tốt giữa đời, mọi người phải thường xuyên trở về trung cung nội tâm của mình để tìm đạo. Học đạo thánh hiền tức là học để nhận ra Thái cực (đạo tâm) ở trong lòng mình mà “duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung” (giữ lòng cho tinh thuần, chuyên nhất, mới giữ chắc được đức trung).

Triết lý Lạc Thư này đã được minh họa trong mô hình nhà Minh Đường như sau:

Trong mô hình này, Huyền Đường chỉ cõi đạo; đó là nơi con người sinh hoạt, hành xử theo nghĩa lý, theo lương tâm, tức là đã trở thành bậc quân tử.

Tuy nhiên, để trở nên bậc thánh hiền, người quân tử cần phải tu thân để vào hẳn căn Thái Thất, là căn phòng ở giữa, là nơi hội thông của Tam tài: Thiên Địa Nhân, là nơi liên kết với linh lực Thái cực.

Nhập thất (vào căn phòng ở giữa) tức là vào trong cung Thái Thất để kết hiệp với Trời (phối Thiên). Con người nhập thất là con người lý tưởng, có sức sống sung mãn thánh thiện, nhận ra đạo tâm nơi mình, có hành vi siêu xuất thế gian. Con người ấy mới có thể lướt qua được những tình huống trắc trở của thế gian để sống trọn tuổi thọ, tránh khỏi “bất đắc kỳ tử”. Con người nhập thất là con người phi thường: Thánh, Tiên, Phật.

Tử Lộ mới “thăng đường” tức là mới bước vào căn “Huyền Đường”, mới trở nên quân tử mà chưa “nhập thất” , chưa thành tựu con người lý tưởng vậy.

15. Tử Cống hỏi: “Anh Sư và anh Thương, ai hơn?”

Đức Khổng Tử nói: “Sư thái quá, Thương thì chẳng đủ.” Lại nói: “ Vậy thì anh Sư hơn ư ?”

Đức Khổng Tử nói: “Thái quá cũng như chẳng đủ.”

BÌNH GIẢI:

Thái quá là vượt qua mức cần thiết, bất cập là không đủ mức cần thiết.

Hai mức này đều đưa đến hậu quả như nhau. Ví dụ:

– Ăn uống nhiều hơn mức cần thiết cho cơ thể hoặc ăn uống không đủ mức cần thiết, cả hai trường hợp đều khiến cơ thể sinh yếu đuối, bệnh tật.

– Cố gắng làm việc thái quá sẽ khiến cho cơ thể nhọc mệt, không đủ sức đạt tới kết quả chung cuộc; không cố gắng đủ cũng không giúp đạt tới kết quả chung cuộc.

– Giữ lễ thái quá với người trên kẻ dưới sẽ tạo ra sự giả dối, sự xa cách, không thân thiết; không giữ đủ lễ với người trên kẻ dưới sẽ tạo ra sự khinh mạn, khiến cho mối tương giao trở thành xa cách, không thân thiết.

– Mưa nhiều quá sẽ sinh lũ lụt, hại đến đời sống; mưa không đủ sẽ sinh khô hạn, cũng hại đến đời sống.

Như thế, thái quá bất cập đều gây nên hậu quả không tốt như nhau. Người quân tử học đạo phải đạt mức trung dung, không thái quá cũng không bất cập, bao giờ cũng đáp ứng đủ cho nhu cầu cần thiết. Ví dụ: khôn ngoan là mức trung dung cần thiết để sống tốt ở đời. Khôn ngoan quá hoá thành xảo trá, quỉ quyệt; kém khôn ngoan hoá thành khờ khạo, dại dột. Cả hai trường hợp đều không làm nên người quân tử.

16. Họ Quý giàu hơn cả Chu Công, mà tên Cầu lại vì y thu góp làm cho y nhiều thêm.

Đức Khổng Tử nói: “Chẳng phải học trò ta nữa, các trò hãy cùng nhau lên tiếng công kích y được rồi.”

BÌNH GIẢI:

Chu Công, em của Vũ Vương, là thượng khanh nhà Chu, giàu có đã đành. Họ Quý tức là Quý Khang Tử, chỉ là đại phu một nước chư hầu, thế mà giàu hơn Chu Công, quả là trái lẽ.

Nhiễm Cầu, kẻ học đạo lý trong cửa Khổng, lại còn ra sức thu gom thuế má gắt gao trong dân để đắp thêm cho họ Quý thì thật đáng trách. Đạo trời là “lấy chỗ dư bù chỗ thiếu” (Tổn hữu dư, bổ bất túc); nay Nhiễm Cầu đã làm trái đạo trời, đem chỗ thiếu đắp vào chỗ dư. Vì thế Đức Khổng Tử không còn nhận Nhiễm Cầu là học trò nữa và kêu gọi các đồng môn cùng nhau công kích y.

Ngày trước, vì Quý Tôn Tư (cha của Quý Tôn Phì) khuyên vua Lỗ nhận gái đẹp, ngựa quý của nước Tề, khiến cho Đức Khổng Tử phải bỏ nước ra đi. Về sau, có lẽ thấy việc chính trị bị hỏng, trước khi mất Quý Tôn Tư trối cho Tôn Phì mời Đức Khổng Tử về giữ việc triều chính. Tôn Phì đã không nghe, mà mời Nhiễm Cầu. Giờ đây, Cầu hết lòng làm giàu thêm cho Tôn Phì (Quý Khang Tử), quả đúng là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Quý Tôn Phì là trâu ắt phải tìm con trâu là Nhiễm Cầu, chứ đâu có đi tìm con ngựa quý là Đức Khổng Tử được?

17. Trò Sài kém hiểu biết; trò Sâm không lanh lợi; trò Sư ưa làm bộ; trò Do quê mùa.

BÌNH GIẢI:

Trên đây là lời nhận xét của Đức Khổng Tử về bốn đệ tử, chắc là để giúp họ nhận ra nhược điểm của mình mà sửa đổi. Sài là Cao Sài (Tử Cao); Sâm là Tăng Sâm (Tăng Tử); Sư là Tử Trương và Do là Tử Lộ.

Cao Sài thì kém hiểu biết, có lẽ do trí khôn của ông trì độn, không nhạy bén, cho nên tiếp thu kiến thức hạn chế.

Tăng Sâm thì không lanh lợi, không sáng suốt, chậm lụt; vì thế sự hiểu biết đạo lý cũng kém sâu sắc, vận dụng thiếu linh hoạt và thiếu tính sáng tạo.

Tử Trương thì ưa chưng diện bề ngoài, ưa làm bộ làm tịch; đó là con người chú trọng hình thức, cho nên cũng không tiếp thu được đạo lý siêu việt tâm truyền.

Tử Lộ thì quê mùa thô thiển, cho nên chỉ có nhiệt tình mà không lãnh hội được chỗ vi diệu của đạo.

Trong bốn đệ tử ấy, chỉ có Tăng Sâm và Tử Lộ lưu danh về sau. Tăng Sâm là người kế thừa Khổng học chính truyền (vì Nhan Hồi, đệ tử thứ nhất, đã mất). Ông giảng cho các đệ tử; các môn đệ chép lời giảng thành cuốn Đại Học, là sách nhập môn của đạo Nho. Về sau, ông được các hậu nho liệt vào hàng Tứ phối (Nhan Hồi, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử), tức là sức học có thể sánh với Đức Khổng Tử. Tuy nhiên, bởi vì Tăng Sâm tư chất vốn chậm lụt, cho nên đạo Nho do Tăng Sâm truyền nghiêng sang đạo Hiếu (Hiếu Kinh), thiếu tính phóng khoáng, nặng về lễ nghi, đặc biệt là không phát huy được nghĩa lý huyền diệu siêu hình; đến nỗi bị thua sút đạo Lão, đạo Phật, vào thời Ngụy Tấn và Lục Triều.

Còn Tử Lộ thì hiếu dũng và thiếu linh hoạt, cố chấp, cho nên đã bị giết uổng trong cuộc biến động chính trị ở nước Vệ. Tương truyền thi thể ông bị kẻ thù vằm nát như tương. Đến nỗi theo sách Lễ Ký nói, khi Đức Khổng Tử nhận được hung tin về cái chết của Tử Lộ, ngài đã sai đem đổ hũ tương đi (Lễ Ký: Đàn cung thượng).

18. Đức Khổng Tử nói: “Trò Hồi đã gần đạt đạo rồi; thường nghèo nàn. Trò Tứ thì không chịu nhận số phận mà đi buôn bán sinh lợi; liệu lường thường trúng.”

BÌNH GIẢI:

Nhan Hồi được Đức Khổng Tử khen là đã gần đạt đạo, không có nghĩa ông chỉ đạt tới đạo quân tử như Tử Lộ, mà là người gần đạt tới trình độ “nhập thất”, tức là bước vào căn Thái Thất chính giữa của ngôi nhà biểu tượng Minh 

Đường (xin xem lại tiết 14 giải thích về Tử Lộ). “Nhập thất” chỉ việc đạt tới mức “An thổ” như trong câu Kinh Dịch: “An thổ, đôn hồ nhân, cố năng ái.” (An nghỉ trong cõi đạo, đầy đặn thêm đức nhân, nên thường yêu mến.” (Hệ từ thượng: chương4, tiết 3). Trong triết lý Ngũ Hành, hành thổ ở vị trí trung cung, cũng là vị trí của Thái Thất trong biểu tượng nhà Minh Đường (đời Chu).

An thổ hay nhập thất là tình trạng con người đã thể nhập chân lý tối hậu, tức là đắc đạo. Nhan Hồi vì đã gần đắc đạo, được thấm nhuần vị “ngọt” của đạo cho nên sống trong ngõ hẹp, luôn luôn thiếu thốn, nghèo nàn mà không hề mất niềm vui. Vì vậy, ông không cần phải tìm cách thay đổi phận nghèo của mình.

Trái lại, Tử Cống cũng là một đệ tử xuất sắc của Đức Khổng Tử; ông có tài ngôn ngữ, nhưng chỉ mới đạt đạo quân tử, còn xa mức độ “nhập thất”, cho nên ông không chịu nổi phận nghèo (bất thụ mệnh), mà vận dụng trí lự của mình vào nghề buôn bán để kiếm lợi (hoá thực). Vì ông thông minh, khôn ngoan, cho nên liệu việc thường trúng; do đó, trở nên giàu có.

19. Tử Trương hỏi về đường lối của người tốt lành. Đức Khổng Tử nói: “Không noi theo dấu cũ, nhưng không vào được căn phòng chính giữa (chốn cao cả).”

BÌNH GIẢI:

Thiện nhân ở đây chỉ những con người sinh ra bẩm tính tốt lành. Tử Trương muốn hỏi về đường lối của loại người ấy ra sao, có thể đạt tới trình độ nào. Đức Khổng Tử trả lời cho biết: đó là loại người tốt tự nhiên, không cần học tập theo đường lối của người xưa.

Tuy nhiên, nếu không được dạy dỗ và tu luyện thêm, người ấy không thể đạt tới chốn cao cả của đạo. Hiểu theo nghĩa tượng trưng bằng cơ cấu nhà Minh Đường, người ấy không vào được tới căn Thái Thất, tức là không đạt tới bậc Thánh, thấu hiểu đạo Trời (xin xem lại tiết 14, nói về Tử Lộ).

20. Đức Khổng Tử nói: “Dốc lòng tham dự vào việc đàm luận, là bậc quân tử chăng, hay là người có bề ngoài nghiêm cẩn mà thôi?”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử dạy các đệ tử cần phải tinh tế, thận trọng khi đoán xét người. Có người khi đàm luận về đạo lý thì dốc lòng tham dự vào, với toàn tâm toàn ý, có vẻ nhiệt thành và lý luận thấu đáo, rành mạch. Tuy nhiên cần phải xét xem quá khứ hiện tại của ngưòi ấy có thực sự sống như một bậc quân tử hay không, hay chỉ là người giả bộ nghiêm trang, kính cẩn, đóng vai quân tử tha thiết với đạo lý để dối gạt mọi người thôi!

21. Tử Lộ hỏi: “Nghe xong thì hành động chăng?”

Đức Khổng Tử nói: “Còn có cha anh, sao lại nghe xong thì hành động ngay?”

Nhiễm Hữu hỏi: “Nghe xong thì hành động chăng ?”

Đức Khổng Tử nói: “Nghe xong thì hành động ngay.”

Công Tây Hoa nói: “Anh Do hỏi: nghe xong thì hành động chăng? Thầy nói: ‘Còn có cha anh.’ Anh Cầu hỏi :nghe xong thì hành động chăng? Thầy nói: Nghe xong thì hành động ngay. Xích này nghi ngờ, xin hỏi.”

Đức Khổng Tử nói: “Trò Cầu ưa thụt lùi, nên thúc cho tiến lên. Trò Do là người hiếu thắng, nên kéo lùi lại.”

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên thể hiện phương pháp giáo dục của Đức Khổng Tử. Trong cách hành động, ngài dạy cho các đệ tử không hoàn toàn giống nhau. Tùy theo tính khí của mỗi người, ngài dạy một lối hành xử thích hợp. Vì thế, có khi cùng hỏi về một vấn đề mà các đệ tử nhận được câu trả lời của thầy khác nhau.

Tử Lộ (tên là Do) là người mau mắn, hiếu thắng, cường dũng. Nghe thấy điều gì hay là ông muốn tiến hành liền, không kịp suy nghĩ chín chắn. Điều đó có thể nguy hại. Cho nên, Đức Khổng Tử khuyên Tử Lộ hãy thong thả, hỏi qua ý kiến cha anh đã, rồi hãy tiến hành.

Còn Nhiễm Hữu (tên là Cầu) là người rụt rè, hay thối chí, thiếu tinh thần phấn đấu dũng tiến, cho nên Đức Khổng Tử phải thúc đẩy cho tiến mau lên.

Nhờ sự thắc mắc hỏi han của Công Tây Hoa (tên là Xích), ngày nay chúng ta mới hiểu rõ được ý tứ của Đức Khổng Tử khi vận dụng phương pháp giảng dạy cho mỗi đệ tử.

22. Đức Khổng Tử gặp chuyện hoảng sợ ở đất Khuông; Nhan Uyên đi sau.

Đức Khổng Tử nói: “Ta cứ tưởng ngươi đã chết rồi” Trả lời: “Thầy còn sống, Hồi sao dám chết?”

BÌNH GIẢI:

Ở đất Khuông, nước Vệ, Đức Khổng Tử bị nhận lầm là Dương Hổ, một kẻ gia thần của họ Quý mà người Khuông vốn ghét; cho nên thầy trò ngài bị vây hãm, phải tháo chạy. Trong cơn hoảng loạn đó, Nhan Uyên bị lạc lại sau. Đến khi gặp nhau, Đức Khổng Tử mừng rỡ, nói đùa với Nhan Uyên. Biết thầy quý mình, lo lắng cho sự an nguy của mình, Nhan Uyên cũng nói đùa lại: “Thầy còn sống, Hồi sao dám chết?” Câu này có ý nói rằng: Biết thầy còn sống, cho nên Hồi phải cố gắng duy trì sự sống của mình để được đoàn tụ với thầy, được học với thầy, và được cùng thầy hoằng dương đạo lý.

23. Quý Tử Nhiên hỏi: “Trọng Do, Nhiễm Cầu có thể được gọi là bầy tôi lớn chăng?”

Đức Khổng Tử nói: “Ta cứ tưởng hỏi về người nào khác, bèn là hỏi về anh Do và anh Cầu. Kẻ được gọi là bầy tôi lớn, thì lấy đạo lý mà thờ vua; nếu chẳng thể hiện được thì thôi. Nay anh Do và anh Cầu có thể gọi được là bầy tôi đủ số thôi.”

Lại nói: “Như thế, có thuận theo chăng?”

Đức Khổng Tử nói: “Giết cha và vua thì chẳng thuận theo đâu.”

BÌNH GIẢI:

Quý Tử Nhiên là người trong dòng tộc họ Quý (Quý Hoàn Tử, Quý Khang Tử), một dòng họ quyền thế lấn cả vua nước Lỗ, thời Xuân Thu. Ông ta muốn hỏi dò Đức Khổng Tử xem tài đức của Trọng Do (Tử Lộ) và Nhiễm Cầu (Nhiễm Hữu) như thế nào, và xem Đức Khổng Tử đánh giá ra sao về hai đệ tử này. Dĩ nhiên, để đáng được gọi là bầy tôi lớn phải có tài đức kiêm toàn, nhưng câu trả lời của Đức Khổng Tử ở đây có ý nhắm vào đức độ nhiều hơn. Ngài giải thích đại ý rằng: người bầy tôi lớn phải lấy đạo lý mà thờ vua, chứ không a dua nịnh hót theo vua, vua trái thì phải biết can vua. Nếu thẳng thắn như vậy mà vua không tín nhiệm thì người ấy từ chức. Hiểu về bậc bầy tôi lớn như thế, thì Tử Lộ và Nhiễm Cầu không xứng đáng, có chăng chỉ là hạng bầy tôi cho đủ số mà thôi.

Quý Tử Nhiên lại thăm dò thêm, muốn biết Tử Lộ và Nhiễm Cầu có thuận theo họ Quý chăng. Đức Khổng Tử trả lời bâng quơ nhưng ý tứ rõ ràng nhắn rằng: nếu họ Quý cậy quyền thế mà giết vua Lỗ cướp ngôi, thì Tử Lộ và Nhiễm Cầu sẽ không theo đâu. Tuy ngôn ngữ kín đáo, nhưng Đức Khổng Tử đã tỏ thái độ tôn quân rõ ràng. Vua Lỗ cần phải được tôn trọng thì đất nước mới ổn định.

24. Tử Lộ khiến Tử Cao làm quan Tể ấp Phí. Đức Khổng Tử nói: “Hại con người ta rồi!”

Tử Lộ nói: “Có dân là có người vậy; có đất nước vậy; sao phải đọc sách, rồi sau mới là học ?”

Đức Khổng Tử nói: “Thế nên mới ghét kẻ nói khéo.”

BÌNH GIẢI:

Lúc này, Tử Lộ đang làm gia thần cho họ Quý; ông đã tiến cử bạn mình là Tử Cao đi làm quan Tể ấp Phí của họ Quý. Ở tiết 17, Đức Khổng Tử đã nhận xét: “Sài dã ngu: Trò Sài kém hiểu biết.” Sài tức là Tử Cao. Ông này là người kém hiểu biết, mà được làm quan Tể, thế là Tử Lộ đã hại ông ta vậy. Bởi vì trí khôn kém cỏi thì cai trị dân sao được! Không biết cai trị ấy là đem tai họa đến cho dân và đem cả tai họa đến cho người cai trị.

Tuy nhiên, Tử Lộ đã biện minh đại ý rằng: cai trị dân thì có dân; có dân tức là có người (nhân sĩ) cho mà học hỏi. Cai trị lại có đất nước; có đất nước thì có cơ hội để tế thần đất (Xã), thần Lúa (Tắc); ấy là có hoàn cảnh để học lễ. Sao lại cứ phải đọc sách mới là học?

Tử Lộ biện luận quả là hùng hồn, rành rẽ; nhưng tất cả lý luận đó chỉ là nguỵ biện mà thôi. Nếu những kẻ dốt nát đều trở thành các quan cai trị để rồi lấy dân, lấy nước làm môi trường học tập thì dân nước đó sẽ đi về đâu? Ngụy biện tức là nói khéo, có vẻ hợp lý mà sai sự thật. Đó là lý do Đức Khổng Tử ghét kẻ nói khéo.

25. Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa ngồi hầu. Đức Khổng Tử nói: “Ta coi như lớn hơn các ngươi một ngày tuổi, nhưng đừng ngại gì về ta. Ở nhà, các ngươi hay nói: ‘Chẳng ai biết ta!’, như có ai đó biết các ngươi, thì làm sao?”

Tử Lộ liền hấp tấp đáp rằng: “Một nước ngàn cỗ xe, bị ép giữa khoảng nước lớn, lại thêm nạn binh đao, nhân vì thế mà bị đói kém; Do này nếu được cai trị ở đó, kịp tới ba năm, có thể khiến dân có dũng khí lại có đạo đức nữa.”

Phu tử mỉm cười.

“Anh Cầu, ngươi thế nào?”

Đáp rằng: “Một địa phương cỡ sáu, bảy chục, hay năm, sáu chục dặm; Cầu này nếu được cai trị ở đó, kịp tới ba năm, có thể khiến cho dân no đủ. Còn về lễ nhạc thì xin đợi bậc quân tử.”

“Anh Xích, ngươi thế nào?”

Đáp rằng: “Chẳng dám nói đến tài năng gì, chỉ muốn được học thôi. Còn về việc ở Tông miếu hay ở hội đồng, thì xin mặc áo lễ đoan, đội mũ chương phủ, tình nguyện làm một chức quan nhỏ giúp về việc lễ nghi.” “Anh Điểm, ngươi thế nào?”

Đang nhẹ gẫy cây đàn sắt, kêu tình tang, ông buông đàn đứng dậy, đáp rằng : “Sự lựa chọn của tôi khác với ba anh kia.”

Đức Khổng Tử nói: “Nào hại gì ? Cũng là mỗi người nói lên chí hướng của mình thôi.”

Đáp: “Vào khoảng cuối xuân, áo xuân đã may xong, tôi với năm, sáu thiếu niên, với sáu, bảy đồng tử, tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đàn Vũ Vu rồi ca hát mà trở về.”

Phu tử bùi ngùi than thở rằng: “Ta cũng thích như anh Điểm vậy!”

Ba người kia ra, Tăng Tích ở lại sau. Tăng Tích nói: “Lời nói của ba anh kia là thế nào?”

Đức Khổng Tử nói: “Cũng là mỗi người nói lên chí hướng của mình ấy mà.”

Hỏi: “Tại sao thầy mỉm cười anh Do?”

Đáp: “Làm việc nước phải giữ lễ; lời nói của anh ta không có nhún nhường, cho nên ta mỉm cười.”

“Riêng anh Cầu, thì chẳng phải nói về nước đấy ư?”

“Làm sao chỉ thấy một địa phương sáu, bảy chục, hoặc năm, sáu chục dặm mà chẳng phải một nước là thế nào?”

“Riêng anh Xích, thì chẳng phải nói về nước đấy ư?”

“Tông miếu, hội đồng, chẳng phải nước chư hầu là gì? Anh Xích mà làm chức quan nhỏ giúp về lễ nghi thì còn ai có khả năng làm chức quan lớn?”

BÌNH GIẢI:

Đây là một đoạn văn hay, không những bộc lộ cách cư xử phóng khoáng của thầy trò Đức Khổng Tử, mà còn cho thấy chí hướng, cá tính, tâm sự của mỗi người.

Về cách cư xử với nhau, giữa thầy trò Đức Khổng Tử có một tình cảm đơn sơ thân mật; không có sự cách bậc cầu kỳ như ở những giai đoạn sau này.

Vào thời Hán, Đổng Trọng Thư nghiêm nghị đến nỗi ngồi dạy học trò sau một tấm màn, mắt không hề liếc ra sân; trò và thầy không biết mặt nhau; trò chỉ một niềm “kính nhi viễn chi” đối với thầy. Ở Việt Nam ngày xưa, thầy nghiêm khắc với trò, động một chút thì roi vọt; trò sợ hãi thầy, mở miệng ra thì “thưa, bẩm”, cánh tay khoanh tròn trên ngực; nói năng, đi đứng khép nép, chỉ sợ mang tiếng vô lễ.

Trong đoạn văn trên có năm nhân vật thì có tới bốn chí hướng khác nhau.

Tử Lộ có tham vọng chính trị quân sự, muốn làm tể tướng trong một nước chư hầu (nước có một ngàn cỗ xe). Tính tình hiếu dũng của ông thể hiện khi nói ra ý tưởng có thể đương đầu với đại quốc lân bang nếu bị xâm lấn; ông lại còn tự hào khi cho rằng mình có thể giải quyết được nạn binh đao, nạn đói kém, trong vòng ba năm có thể làm cho nước được cường thịnh, lại có đạo đức nữa. Quả là Tử Lộ có vẻ đại ngôn mất rồi, lại còn thiếu lễ nhượng nữa; vì thế Đức Khổng Tử mới mỉm cười.

Nhiễm Hữu có chí hướng nhỏ nhoi thôi; ông ta nhận mình có khả năng cai trị một nước nhỏ. Ngay khi nói về cái nước sáu, bảy chục dặm vuông, rồi lại rút xuống năm, sáu chục dặm vuông, điều đó chứng tỏ ông là người hay thối chí, thiếu tự tin. Ông ta xác nhận mình chỉ có thể làm cho dân no đủ mà không có tài năng chế tác hay chỉnh sửa lễ nhạc.

Công Tây Hoa thì khiêm nhường, hiếu học, không dám so sánh mình với bậc quân tử có tài chỉnh sửa lễ nhạc, nhưng nhận mình có sở thích về lễ nhạc và có thể đảm đương một chức quan nhỏ giúp về việc lễ ở triều đình (tiểu tướng).

Còn Tăng Tích thì chẳng có tham vọng chính trị; ông chỉ thích mỗi chữ nhàn. Cái tính ưa nhàn của ông bộc lộ trong thú đánh đàn. Mặc cho thầy và các bạn đồng môn nói về chính trị, Tăng Tích cứ nhè nhẹ gẩy đàn tình tang. Đến khi thầy hỏi tới, ông mới buông đàn trả lời. Cái sở thích của ông là hoà mình với bọn trẻ nhởn nhơ trong khoảng cuối xuân, cùng nhau đi tắm ở sông Nghi, hóng gió mát ở đàn Vũ Vu rồi ca hát mà về.

Quả thực, Tăng Tích đã tìm thấy niềm vui trong cuộc đời bận rộn; thiên hạ, đất nước chẳng cần đến ông, vua chúa chẳng mời mọc ông, tội gì phải mơ ước đến chuyện chính trị, xã hội. Đó là Tăng Tích có một nghệ thuật sống rất cao vậy.

Trong hàng môn đệ của Đức Khổng Tử, sau khi Nhan Hồi mất, có lẽ Tăng Tích là người gần gũi với Đạo nhất, bởi vì ông thích đánh bạn với trẻ nhỏ. Đi tắm ở sông Nghi là hình ảnh của sự thanh lọc thân xác và tâm hồn; hóng gió mát ở đàn Vũ Vu là hình ảnh tâm hồn tiếp cận với đạo, thể nhập vào đạo; ca hát mà về là thể hiện nếp sống an nhiên tự tại của người đắc đạo.

Tăng Tích trong cửa Khổng chẳng khác gì Trang Chu trong cửa Lão vậy. Các hậu Nho đời sau đã nhìn không ra ưu điểm này của Tăng Tích; cho nên trong hàng Tứ phối (Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Kha) không có tên ông. Lẽ ra, cả ông nữa, phải lập hàng Ngũ phối, tức là những đệ tử có thể sánh được với Đức Khổng Tử.

Đọc đoạn văn trên, chúng ta còn thấy lạ lùng hơn nữa, đó là Đức Khổng Tử cũng thích như Tăng Tích vậy. Thích nhưng mà chưa đạt được (có lẽ còn bận rộn nhiều chuyện) cho nên ngài mới bùi ngùi than thở. Về điểm tìm thấy sinh thú ở đời, tìm thấy nghệ thuật sống trong cõi nhân sinh thì Đức Khổng Tử đã thua học trò, thua hẳn Tăng Tích rồi!

Đọc sách Nho, xem lịch sử cục diện nước Trung Hoa thời Xuân Thu, ai cũng tưởng là Đức Khổng Tử có máu chính trị, ham nắm quyền bính để cải tạo xã hội theo ý mình, muốn cho thiên hạ sống trong khuôn phép đạo lý. Nhưng có biết đâu rằng Đức Khổng Tử cũng thích hưởng nhàn; từ đó mới hiểu ra rằng đạo lý của Đức Khổng Tử cũng chỉ muốn cho thiên hạ được an nhàn, được thảnh thơi mà thôi.

Qua đoạn văn trên, Đức Khổng Tử còn tỏ ra là một bậc thầy rất khiêm nhượng. Trong bốn đệ tử đó, có Tăng Tích cao tuổi nhất, là cha của Tăng Sâm (đệ tử thứ hai sau Nhan Hồi); chắc ông kém Đức Khổng Tử một, hai tuổi gì đó. Thế mà Đức Khổng Tử lại nói rằng: “Ta coi như lớn hơn các ngươi một ngày tuổi.” (Dĩ ngô nhất nhật trưởng hồ nhĩ.). Đủ biết, người có đạo đức thật thì luôn khiêm nhượng, kể cả với học trò.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x