Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 12 – Nhan Uyên

Luận Ngữ – Chương 12 – Nhan Uyên

by Hậu Học Văn
775 views

NHAN UYÊN ĐỆ THẬP NHỊ

1. Nhan Uyên hỏi về điều nhân. Đức Khổng Tử nói: “Khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép là làm điều nhân. Một ngày khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép, mọi người sẽ trở về điều nhân. Làm điều nhân do mình, chứ do người ư?”

Nhan Uyên nói: “Xin hỏi về điều mục.”

Đức Khổng Tử nói: “Chẳng hợp khuôn phép chớ nhìn, chẳng hợp khuôn phép chớ nghe, chẳng hợp khuôn phép chớ nói, chẳng hợp khuôn phép chớ hành động.”

Nhan Uyên nói: “Hồi tuy không sáng suốt, nhưng xin làm theo những lời thầy.”

BÌNH GIẢI:

Trong Luận Ngữ, nhiều lần Đức Khổng Tử dạy về điều nhân; nhưng mỗi lần lại khác nhau tùy theo tâm lý và trình độ của từng đệ tử. Ở đây, những lời dạy cho Nhan Uyên về nhân có lẽ là cao nhất.

Đa số người đời thường cho rằng nhân là đạo lý hướng về người khác như: yêu thương, tha thứ, giúp đỡ… Tuy nhiên, trước hết nhân phải hướng về chính mình; mình có nhân tức là có trở nên tốt mới đem cái tốt đến cho người khác được. Vì thế, đối với Nhan Uyên là đệ tử có thiện chí, Đức Khổng Tử dạy về cách làm điều nhân nơi chính mình.

Làm điều nhân là: khắc chế những tật xấu, thói hư của mình; đánh đổ những dục vọng riêng tư của mình. Song song với việc khắc chế, đánh đổ, chính mình lại trở về với những khuôn phép tốt đẹp (phục lễ) của các thánh hiền xưa để lại mà cha mẹ, họ hàng, thầy giáo… đã dạy bảo mình. Như vậy, làm điều nhân là hoàn thiện chính mình, khiến cho mình trở nên con người lý tưởng.

Trong phạm vi thuộc về ảnh hưởng của mình (chữ “thiên hạ” trong câu nói của Đức Khổng Tử chỉ mọi người nằm trong ảnh hưởng của mình), nếu một ngày khắc chế lấy mình, trở lại khuôn phép, thì mọi người thuộc phạm vi của mình sẽ bắt chước mình trở về điều nhân (thiên hạ quy nhân yên).

Chẳng hạn như trong gia đình, người cha làm điều nhân sẽ khiến vợ con bắt chước theo. Trong một ấp, vị quan Tể làm điều nhân sẽ khiến cho dân trong ấp bắt chước. Trong một nước, ông vua làm điều nhân sẽ khiến cho các quan và toàn dân bắt chước. Điều nhân là điều tốt đẹp nhất của con người cho nên có sức cuốn hút mạnh như vậy.

Làm điều nhân chủ yếu là ở nỗ lực tự giác của chính mình, chẳng ai có thể khiến mình làm điều nhân đựơc. Chính mình không khắc chế tật xấu, không trở lại khuôn phép, ai có thể giúp mình đựơc? Người ta có thể giúp mình cơm áo, tiền bạc, nhưng không thể giúp mình hoàn thiện nếu chính mình không muốn. Đó là yếu chỉ về nhân. Còn các chi tiết (điều mục) để thực hành là:

– Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ nhìn.

– Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ nghe.

– Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ nói.

– Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ hành động.

Người ta cần phải biết tránh né những điều trái lễ, những điều xấu như tránh một con thú dữ nguy hiểm.

Nếu nhìn, nghe, nói, hành động những điều chẳng hợp khuôn phép, tâm ta sẽ vọng động, cả con người ta sẽ đi theo đường trái, làm những điều xấu xa, tai hại. Tâm ta đã hướng về đường trái thì chẳng khác gì con trâu hung dữ phá phách trong đồng hoang, khó kềm giữ lại được.

2. Trọng Cung hỏi về điều nhân. Đức Khổng Tử nói: “Ra cửa như thấy khách lớn; sai khiến dân như đảm đương lễ lớn, điều gì mình không muốn chớ đem cho người. Trong nước không có điều oán giận, trong nhà không có điều oán giận.”

Trọng Cung nói: “Ung tuy không sáng suốt, nhưng xin làm theo những lời thầy.”

BÌNH GIẢI:

Trọng Cung (tức Nhiễm Ung) là người đã từng được Đức Khổng Tử khen rằng có khả năng làm vua. (Ung dã, khả sử Nam diện (Trò Ung, có thể khiến quay mặt về hướng Nam.) Vì thế, khi Trọng Cung hỏi về điều nhân, câu trả lời của Đức Khổng Tử có ý hướng về việc chính trị để dạy cho ông cách vận dụng điều nhân trong tư cách một nhà cai trị. Khi ra cửa, người nhân phải có dáng nghiêm trang kính cẩn như đón tiếp quan khách. Ở cương vị lãnh đạo, khi sai khiến dân làm việc gì, phải thận trọng như đang đảm đương lễ tế lớn, không được coi thường khinh rẻ dân. Những điều gì mình không muốn chớ đem làm cho dân.

Chẳng hạn, mình không muốn bị bóc lột, bị đàn áp thì đừng bóc lột, đàn áp dân. Nếu biết tôn trọng dân như vậy, ắt trong nước sẽ không có điều oán giận. Với cách cư xử ấy, trong gia đình cũng không có điều oán giận. Con người làm cho cả trong nhà, ngoài nước được an vui, cởi mở, không có điều oán giận, người ấy ắt phải là bậc đại nhân rồi.

3. 

Tư Mã Ngưu hỏi về điều nhân. Đức Khổng Tử nói: “Người nhân, nói năng phải thận trọng.”

Lại hỏi: “Nói năng phải thận trọng, như thế gọi là nhân được chăng?” Đức Khổng Tử nói: “Làm thì khó, vậy chứ nói năng mà không nên thận trọng sao?”

BÌNH GIẢI:

Tư Mã Ngưu, học trò Đức Khổng Tử, tên Canh, tự Tử Ngưu, người nước Tống. Có lẽ ông này hay bồng bột, nóng nảy trong lời nói, cho nên khi ông hỏi về điều nhân, câu trả lời của Đức Khổng Tử hướng về lời nói: “Người nhân, nói năng phải thận trọng.

Nói năng thận trọng nghĩa là trước khi nói phải nghĩ ngợi đắn đo thấu đáo. Có thì nói có; không thì nói không. Và cũng có những điều không nên nói ra, hay không nên nói hết. Lại có những điều nói được ở nơi này, lúc này, mà không nên nói ở nơi kia, lúc kia. Biết thận trọng trong lời nói là biết cân nhắc xem lời nói của mình có đem ơn ích cho người nghe không, có làm phật lòng người nghe không, có gây những hậu quả tai hại không. Một người biết cân nhắc lời nói như vậy hẳn là người nhân, tức là người có những đức tính tốt ở trong lòng, lại thêm có kinh nghiệm xử thế.

Nghe câu trả lời của thầy, Tư Mã Ngưu tỏ ý nghi ngờ: “Nói năng phải thận trọng, như thế gọi là nhân được chăng?” Ông ta thầm nghĩ, làm người nhân đâu có giản dị như vậy, phải chăng còn có điều gì cao kiến hơn?

Hiểu được nỗi nghi ngờ ấy, Đức Khổng Tử mới giảng thêm: Làm thì khó. Người thiếu đức nhân không lường được cái khó trong việc làm, cho nên mở miệng ra là nói cho thỏa thích, không nghĩ rằng sau này mình có làm được như lời đã nói không. Vì thế, tập làm người nhân, trước hết là phải thận trọng (nhẫn nhịn) lời nói của mình, liệu mình có làm được hãy nói.

4. Tư Mã Ngưu hỏi về người quân tử. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử không lo buồn, không sợ hãi.”

Lại hỏi: “Không lo buồn, không sợ hãi, như thế gọi là quân tử được chăng?”

Đức Khổng Tử nói: ”Tự xét trong lòng mà không có điều đau đớn, thì sao phải lo buồn, sao phải sợ hãi?”

BÌNH GIẢI:

Hai chữ “quân tử” đã có từ lâu trong xã hội Trung Hoa. Mới đầu, “quân tử” chỉ những người ở địa vị cai trị; còn “tiểu nhân” chỉ những dân thường. Đến thời Đức Khổng Tử, “quân tử” chỉ những người có đạo đức xứng đáng ở vị trí lãnh đạo dân chúng.

Sách Luận ngữ có nhiều câu nói về đức độ của người quân tử, ngược lại với tính khí của tiểu nhân. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy của Đức Khổng Tử không bao giờ đưa ra một định nghĩa đầy đủ tổng quát, mà chỉ gợi ý bằng lời nói ngắn gọn, căn cứ vào tính khí của mỗi đệ tử rồi cho một nghĩa thích hợp. Tư Mã Ngưu đã hỏi về nhân, nay lại hỏi về quân tử; Đức Khổng Tử thể theo tính khí của ông mà trả lời: “Người quân tử không lo buồn, không sợ hãi.

Người quân tử không lo buồn, bởi vì người quân tử biết được khả năng của mình đến đâu, lại biết thời cơ, biết mệnh Trời, cho nên không lo buồn trước những cảnh ngộ mà mình gặp. Người quân tử không sợ hãi, bởi vì người quân tử không làm điều gì trái đạo lý, trái phép nước, không gây thù chuốc oán với ai, cho nên không sợ hãi bị tai vạ.

Để đạt đến tình trạng không lo buồn, không sợ hãi, người ta phải học hỏi và tu đức thật nhiều. Học hỏi và tu đức đến một trình độ cao mới trở nên người quân tử được. Do đó, trả lời cho nỗi thắc mắc hoài nghi của Tư Mã Ngưu, Đức Khổng Tử nói rõ thêm ý tứ rằng: Khi người ta tự xét trong lòng (nội tỉnh) thấy mình không làm điều gì sai trái đáng phải hối hận tủi hổ; đã không có điều sai trái đáng hối hận thì tâm tư mình sẽ không bị day dứt, đau đớn (bất cứu), mà luôn luôn được an nhiên tự tại; như thế, làm sao phải lo buồn, sợ hãi? Người nào có được tấm lòng trong sáng an nhiên, người ấy hẳn là quân tử vậy.

5. Tư Mã Ngưu buồn rầu nói: “Người ta đều có anh em, riêng tôi thì không.”

Tử Hạ nói: “Thương này nghe rằng: ‘Chết sống có số phận, giàu sang do Trời.’ Người quân tử giữ tôn kính mà không lỗi lầm; giao thiệp với người thì khiêm cung mà có lễ phép; bên trong bốn biển, đều là anh em cả. Người quân tử lo gì không có anh em?”

BÌNH GIẢI:

Tư Mã Ngưu vốn có anh em ở nước Tống. Nhưng anh em ông can dự vào việc phản loạn, có thể vong mạng; cho nên ông mới buồn rầu than thở như trên.

Tử Hạ (tên Thương), một bạn đồng môn trong cửa Khổng đã tìm lời khuyên giải. Tử Hạ có nghe nói rằng: “Chết sống có số phận, giàu sang do Trời.” Ông lấy câu này để an ủi Tư Mã Ngưu: đã vậy, làm người quân tử còn phải lo buồn nỗi gì; luôn luôn có thái độ tôn kính mà không phạm lỗi, giao thiệp với người giữ thái độ khiêm cung và có lễ phép. Lúc nào cũng cư xử như thế, thì tất cả những người trong nước (bên trong bốn biển), ai chẳng là anh em, ai chẳng mến yêu và giúp đỡ. Do đó, việc có anh em ruột thịt hay không chẳng thành vấn đề nữa.

6. Tử Trương hỏi về sự sáng. Đức Khổng Tử nói: “Những lời gièm pha ngấm dần dần, những lời tố cáo ở ngoài, chẳng tác động đến; có thể được gọi là sáng ấy vậy. Những lời gièm pha ngấm dần dần, những lời tố cáo ở ngoài, chẳng tác động đến; cóù thể gọi được là cao xa nữa.”

BÌNH GIẢI:

Sự sáng mà Tử Trương đem ra hỏi Đức Khổng Tử ở đây không phải là sự thông sáng của trí khôn, nhạy bén tiếp thu kiến thức, được vận dụng trong học tập. Căn cứ vào câu trả lời của Đức Khổng Tử, sự sáng theo yêu cầu của Tử Trương phải được hiểu là sự sáng trong đời làm quan.

Chúng ta đã biết, phương pháp giảng dạy của Đức Khổng Tử là tùy theo nhu cầu của đệ tử mà đưa ra lời giảng thích đáng (tùy bệnh cho thuốc). Trong chương Vi Chính có nói: “Tử Trương học can lộc –子張學干錄。 (Tử Trương học để cầu bổng lộc.” (Vi Chính, 18). Như thế, câu hỏi của Tử Trương phải được đặt trong trường hợp ông ta đang làm quan, hay có ý định sắp làm quan. Vì thế, câu trả lời của Đức Khổng Tử cần được hiểu rằng: khi đang làm quan, ắt có những lời gièm pha của những kẻ không ưa mình cứ ngấm ngầm lan đến mình, hoặc có những lời tố cáo, vu vạ vô căn cứ ở bên ngoài; thế mà mình bỏ qua được, không để cho lòng mình vướng bận vào đó, mình vẫn ngay thẳng tiến lên, thì gọi được là sáng. Chẳng những là sáng mà thôi, một khi những lời gièm pha tố cáo đó không làm nhụt chí tiến thủ của mình, điều đó còn chứng tỏ là người có chí cao xa (viễn) nữa.

Lời dạy này của Đức Khổng Tử có lẽ phù hợp với một câu ngạn ngữ cổ Tây phương: “Chó sủa mặc chó, khách bộ hành cứ đi.

7. Tử Cống hỏi về chính trị. Đức Khổng Tử nói: “Đủ lương thực, đủ binh lính, được dân tin.”

Tử Cống nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong ba thứ đó, bỏ thứ nào trước?”

Đáp: “Bỏ binh lính.”

Tử Cống lại nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong hai thứ [còn lại] đó, bỏ thứ nào trước?”

Đáp: “ Bỏ lương thực. Từ xưa đều có người chết; dân mà mất niềm tin thì không thành tựu được đâu.”

BÌNH GIẢI:

Chính trị là việc cai trị dân. Muốn cai trị dân cần phải có chính quyền. Chính quyền tồn tại trên ba yếu tố: có lương thực nuôi dân, có binh lính bảo vệ dân và tạo được niềm tin ở dân. Ba yếu tố đó là nền tảng của chính quyền. Về vấn đề này, Đức Khổng Tử đã tham khảo phép cai trị của các triều đại trước, nhất là ngài có kinh nghiệm khi đảm đương việc cai trị trong triều đình nước Lỗ.

Để biết rõ trong ba yếu tố đó, yếu tố nào quan trọng nhất, Tử Cống nêu ra trường hợp giả định trước hết: nếu phải bỏ một, thì bỏ gì trước? Ngài đáp: “Bỏ binh lính.”

Binh lính tuy cần thiết để bảo vệ chính quyền nhưng chỉ là thứ yếu. Nếu còn dân và lương thực thì dân sẽ trở thành binh lính để duy trì chính quyền.

Tử Cống đưa ra trường hợp giả định thứ hai: trong hai yếu tố còn lại, nếu phải bỏ một, thì bỏ điều gì? Ngài đáp: “Bỏ lương thực.”

Nếu gặp trường hợp quá ngặt nghèo, bị quân địch tấn công gấp rút, lương thực có thể bỏ được. Bởi vì người ta có thể nhịn ăn vài ngày, và với ý chí kiên cường, người ta có thể thắng được địch quân để lấy lại lương thực. Còn lại niềm tin của dân vào chính quyền thì không thể bỏ được. Từ xưa, ai cũng phải chết, nhiều hoặc ít, nhưng không thể chết hết dân. Nếu còn dân và dân còn tin vào nhà cầm quyền thì chính quyền vẫn tồn tại, và đất nước không thể mất được.

Nhưng muốn cho dân tin thì phải làm sao? Thưa rằng, nhà cầm quyền phải bỏ hết quyền lợi riêng tư, luôn luôn thành khẩn với dân, không được dối gạt dân.

8. Cức Tử Thành nói: “Người quân tử, có chất là được rồi. Cần đến văn làm gì?”

Tử Cống nói: “Tiếc thay! Lời luận bàn của phu tử về người quân tử. Xe bốn ngựa cũng không đuổi kịp lời đã nói ra! Văn cũng như chất; chất cũng như văn. Da đã cạo lông của con cọp, con beo cũng như da đã cạo lông của con chó, con dê thôi.

BÌNH GIẢI:

Quan đại phu nước Vệ là Cức Tử Thành chủ trương rằng: người quân tử, chỉ cần chất là đủ, không cần gì đến văn. Chất là tài năng, đức hạnh tiềm tàng ở trong; văn là dáng vẻ nghiêm trang, lịch sự, khiêm tốn, nhã nhặn bên ngoài.

Trong khi đó, thầy trò Đức Khổng Tử chủ trương: phải đầy đủ cả văn lẫn chất mới thành người quân tử (Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử –文質 彬彬,然後君子。 (Văn chất tốt đẹp thì sau mới nên quân tử.)

Vì thế, Tử Cống đã phản đối Cức Tử Thành, cho rằng ông đã lập thuyết sai lầm, có hại cho học thuật đời sau. Một lời sai đã nói ra, xe tứ mã khó đuổi kịp. Tử Cống giải thích rõ thêm: văn và chất cần thiết như nhau. Văn cần có chất đi kèm, chất cần có văn hỗ trợ. Một người dù có tài đức (đủ chất) nhưng dáng vẻ bề ngoài quê mùa cục mịch hoặc dơ dáy lôi thôi (thiếu văn), thì chẳng ai tín nhiệm người ấy để mời hợp tác, hay trao cho quyền bính. Văn và chất của người quân tử cũng ví như lớp lông và lớp da của con cọp, con beo. Nếu da cọp beo (chất) mà cạo bỏ lớp lông đẹp (văn) đi, thì cũng như là da chó dê cạo bỏ lông mà thôi. Nào có quý hơn gì?

9. Ai Công vấn ư Hữu Nhược viết: “Niên cơ, dụng bất túc, như chi hà?” Hữu Nhược đối viết: “Hạp triệt hồ?”

Viết: “Nhị, ngô do bất túc, như chi hà kỳ triệt dã?”

Đối viết: “Bách tính túc, quân thục dữ bất túc? Bách tính bất túc quân thục dữ túc?”

Dịch nghĩa:

Vua Ai Công hỏi Hữu Nhược rằng: “Năm nay mất mùa, không đủ chi dùng, phải làm sao?”

Hữu Nhược đáp rằng: “Sao chẳng lấy thuế triệt?”

Vua nói: “Lấy hai phần, ta còn không đủ, sao lại lấy thuế triệt thôi?”

Đáp rằng: “Dân chúng đủ ăn, thì vua chẳng đủ với ai? Dân chúng chẳng đủ ăn, thì vua đủ với ai?”

BÌNH GIẢI:

Vua Ai Công nước Lỗ than thở với Hữu Nhược, đệ tử của Đức Khổng Tử, về tình trạng không thu đủ tiền thuế để chi dùng. Hữu Nhược nhắc vua về phép thu thuế triệt. Triệt là một thứ thuế được đặt ra vào đời Chu, trong đó, nhà nước lấy một phần mười trên hoa lợi mùa màng của dân chúng. Vào năm được mùa, dân thu được hoa lợi nhiều, thuế ấy được nhiều. Năm nào mất mùa, dân thu được ít, thuế ấy sẽ được ít. Giờ đây, vì được ít quá, nhà vua đã lấy tới hai phần mười, tức là lấy gấp hai lần theo tiêu chuẩn thuế triệt; vậy mà vẫn chưa đủ tiêu!

Nghe nói vậy, Hữu Nhược mới cảnh tỉnh nhẹ nhà vua, có ý nhắc khéo rằng việc chi tiêu của triều đình phải tiết kiệm tùy theo tình trạng kinh tế của dân, không thể phung phí hao tổn, trong khi dân chúng đói kém. Nếu dân no đủ, chắc chắn vua phải đầy đủ; còn nếu dân thiếu thốn, thì vua phải hạn chế chi tiêu theo, chứ đòi đầy đủ với ai? Nguồn lợi của dân mà bị nhà nước vắt kiệt, ắt xảy ra đại loạn hoặc mất nước.

10. Tử Trương hỏi về việc tôn trọng đức hạnh, làm rõ sự mê lầm. Đức Khổng Tử nói: “Chuyên chú vào điều trung tín, làm theo điều nghĩa, đó là tôn trọng đức hạnh. Yêu ai thì muốn cho sống; ghét ai thì muốn cho chết; đã muốn cho sống lại muốn cho chết, chính là mê lầm vậy.”

BÌNH GIẢI:

Tử Trương vốn có khuynh hướng về đường làm quan để hưởng bổng lộc, cho nên lời dạy của Đức Khổng Tử cho Tử Trương vẫn có thâm ý hướng về sự nghiệp của ông ta. Ngài cho biết việc tôn trọng đức hạnh hướng về hai điểm, chuyên chú vào điều trung tín và làm theo điều nghĩa.

Chuyên chú vào điều trung tín:

Trung là lòng thành thực, không dối trá. Tín là giữ sự thành thực đối với người khác, không dối trá, lừa gạt người.

Làm theo điều nghĩa:

Điều nghĩa là sự tốt đẹp trong việc giao thiệp cư xử với người khác. Giữa vua và bầy tôi có nghĩa quân thần; giữa vợ chồng có nghĩa phu phụ, giữa anh em bạn bè có nghĩa huynh đệ bằng hữu; giữa bà con trong nước với nhau có nghĩa đồng bào, v.v. Nghĩa luôn luôn đi với tình. Tình là sự luyến mến tinh thần, nghĩa là sự cư xử thích hợp. Người đời thường thấy lợi thì quên điều nghĩa. Người quân tử tôn trọng đức hạnh phải luôn luôn đặt điều nghĩa trên điều lợi.

Những người tham gia vào việc cai trị để tìm bổng lộc như Tử Trương rất dễ bỏ đức hạnh, tức là bỏ điều thành thực và hay dối trá người khác, lại thường thấy lợi quên nghĩa. Vì thế, Đức Khổng Tử nhấn mạnh những điều này cho Tử Trương.

Ngoài ra, trong đời sống chính trị thường xảy ra chuyện yêu ghét. Kẻ nào làm lợi cho mình thì yêu; kẻ nào làm hại đến quyền lợi, địa vị, danh tiếng của mình thì ghét. Khi yêu ai thì muốn cho kẻ đó sống lâu. Cùng kẻ đó, khi mình ghét, thì lại muốn cho chóng chết, nhanh chừng nào tốt chừng ấy. Đó là một điều mê lầm to lớn mà kẻ học đạo quân tử phải biết.

Số phận của con người sống lâu hay chóng, bao giờ chết; con người không thể định đoạt được (Tử sinh hữu mệnh). Không phải muốn cho ai sống lâu, người ấy được sống; không phải muốn cho ai chóng chết, người ấy phải chết; trừ phi ai đó dùng tới biện pháp trái đạo. Sự sống chết của con người, y học có giỏi bao nhiêu cũng không thể can thiệp tích cực được. Điều đó thuộc về quyền năng bí mật của Đấng Tạo Hoá. Người nào can thiệp vào bằng ý muốn là mê lầm vậy.

11. Tề Cảnh Công hỏi về chính trị với Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử đáp rằng: “Vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con.”

Công nói:”Tốt lành thay! Không ngờ gì như vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, tuy có thóc lúa, ta có được ăn chăng?”

BÌNH GIẢI:

Chính trị có nhiều việc cho mỗi cấp độ cai trị. Ở đây người hỏi là Tề Cảnh Công, một vị vua chư hầu lớn, cho nên câu trả lời của Đức Khổng Tử về chính trị là một câu thuộc về đạo lược. Dưới đạo lược chính lược, dưới chính lược chính thuật.

Đạo lược dành cho vua; chính lược dành cho các quan khanh; chính thuật dành cho các quan chức cấp nhỏ thi hành chính sách.

Đạo lược là sách lược về đạo. Đó là đường lối cao cấp thống suất cả đất nước. Đạo lược về chính trị dành cho một vị vua là:

Vua phải cho ra vua, bấy giờ bề tôi mới ra về tôi. Cha phải cho ra cha, thì con mới ra con.

Đối với đất nước, vua là vua; đối với gia đình vua cũng là cha; cho nên đạo lược bao gồm cả vua lẫn cha.

Ai cũng biết, bề tôi phải theo mệnh vua, phải trung thành với vua. Nhưng nếu vua chẳng ra vua, làm sao đòi hỏi bề tôi phải trung thành và theo mệnh vua được? Vua phải cho ra vua, tức là vua phải thi hành bổn phận của vua. Bổn phận của vua là thương yêu dân, hết lòng phục vụ dân. Nếu vua thi hành đúng bổn phận của mình, ắt bề tôi cũng vâng lệnh vua mà phục vụ dân. Bấy giờ dân sẽ được an lạc, thái bình.

Ai cũng biết con phải hiếu với cha, nhưng nếu cha chẳng ra cha, sao đòi hỏi con phải hiếu với cha được? Cha phải cho ra cha tức là cha phải thi hành bổn phận của cha. Bổn phận của cha là thương yêu con, chăm sóc con, lo cho con cơm ăn, áo mặc và giáo dục con tử tế. Nếu cha thi hành đúng bổn phận của mình thì con sẽ hết lòng với cha. Bấy giờ gia đình sẽ êm ấm.

Nếu vua sống cho ra vua, thì vua sẽ nên gương cho những người cha trong các gia đình cả nước cũng bắt chước theo. Bấy giờ, đất nước sẽ an lạc, gia đình được êm ấm. Đó là tất cả bí quyết của đạo lược dành cho chính trị cao cấp.

Nếu trong một đất nước, từ trên xuống dưới, vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, thì đất nước ấy ắt đại loạn; mặc dù trong kho có nhiều thóc lúa, nhưng còn có đủ thời gian để ăn nữa hay không?

12. Đức Khổng Tử nói: “Nửa lời nói có thể giải quyết xong vụ án kiện, anh Do đấy mà!” Tử Lộ không chấp nhận chần chừ.

BÌNH GIẢI:

Tử Lộ là một người có tính cả quyết, ngay thẳng, mau mắn trong lời nói và việc làm. Ông đã chấp nhận làm một điều gì thì làm ngay, không chần chừ, để lâu (vô túc nặc). Vì vậy, đối với những án kiện đến tay ông, ông phán đoán rõ ràng và giải quyết một cách mau lẹ, không cần nghe đi nghe lại, không cần nói đi nói lại. Sự minh sát của ông có thể được nhận ra trong nửa lời nói.

13. Đức Khổng Tử nói: ”Xử kiện, ta cũng như người. Ắt là phải khiến cho đừng kiện cáo nữa chứ?”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử đã có thời giữ chức quan Tư khấu (Bộ trưởng Tư pháp) ở nước Lỗ. Tư khấu là chức quan phụ trách về hình luật, dĩ nhiên ngài biết vận dụng luật pháp để giải quyết những vụ kiện như quan toà; có thể nói còn xuất sắc hơn những quan toà nữa, vì ngài đứng đầu ngành luật pháp nước Lỗ.

Tuy nhiên, điều ngài ưu tư là phải làm sao khiến cho dân sống hoà thuận, đừng đưa nhau kiện cáo nữa, mới hay! Muốn cho dân đừng kiện cáo nhau thì phải sống trong luật pháp, tôn trọng quyền lợi của nhau. Đó là công việc chính trị to tát bao gồm nhiều phương diện, đặc biệt nhất là phương diện giáo dục.

14. Tử Trương hỏi về việc chính trị. Đức Khổng Tử nói:”Phụ trách công việc thì không mệt mỏi, thi hành công việc thì thành thực.”

BÌNH GIẢI:

Người đang làm chính trị tức là đang phụ trách một công việc nào đó trong guồng máy cai trị, thì lúc nào cũng để tâm vào việc ấy không mệt mỏi, không chểnh mảng. Có luôn để tâm vào công việc mới phát huy được sáng kiến mới, mới nhận ra những điểm thiếu sót, sai trái mà chỉnh sửa. Mỗi khi thi hành công việc do cấp trên giao phó thì thành thực trong hành vi, làm tận tình đến nơi đến chốn, không dối trá cấp trên, không lừa gạt cấp dưới, tiến hành công việc cho được thập phần mỹ mãn.

15. Đức Khổng Tử nói:”Quân tử thành tựu điều tốt đẹp cho người, không thành tựu điều xấu cho người. Tiểu nhân thì trái lại.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử luôn sống trong điều nhân, coi mọi người là anh em, cho nên muốn làm điều tốt đẹp cho người cũng như cho mình. Trái lại, tiểu nhân chỉ nghĩ đến mình, bao giờ cũng muốn mình vượt trội hơn người, thấy ai bằng mình hay hơn mình thì ghen tỵ, cho nên sẵên sàng làm điều xấu cho người, không bao giờ muốn cho người được hơn mình.

16. Quý Khang Tử hỏi Đức Khổng Tử về chính trị. Đức Khổng Tử đáp rằng: ”Chính trị là làm cho chính đáng. Ông làm gương chính đáng, ai dám không chính đáng?”

BÌNH GIẢI:

Quý Khang Tử, một đại thần rất có thế lực ở nước Lỗ, hỏi Đức Khổng Tử về việc chính trị. Đức Khổng Tử đã trả lời rất vắn tắt và đơn giản: “Chính trị là làm cho chính đáng.” Câu này nói lên lập trường rõ rệt nhất của đạo Nho về chính trị và nó có giá trị muôn đời.

Quốc gia là một tổ chức lớn lao bao gồm nhiều thành phần, nhiều đoàn thể, nhiều loại người, dĩ nhiên có rất nhiều công việc. Chính trị là sắp xếp, cai trị tổ chức lớn đó cho ổn định tốt đẹp: mỗi loại người một công việc khác nhau, hỗ trợ cho nhau, nương tựa vào nhau, dẫn dắt nhau, nuôi nấng nhau, giữ gìn an ninh cho nhau để mọi người cùng nhau tồn tại, cùng nhau thăng tiến, cùng nhau sống hoà vui. Tuy có nhiều công việc, nhưng tất cả mọi công việc đều đòi hỏi phải làm một cách chính đáng, thẳng thắn. Nếu thiếu chính đáng trong một thành phần nào, lãnh vực nào, chỗ ấy sẽ có rối loạn ngay.

Nếu như trên từ vua xuống tới các quan, rồi các gia đình đều thiếu chính đáng, dối gạt lẫn nhau, quốc gia đó ắt bại vong lập tức. Trong sớm chiều, quân thù sẽ tiến vào làm cỏ quốc đô, và mọi người sẽ trở thành thân trâu ngựa.

Vì thế, tóm tắt của việc chính trị chỉ là làm mọi công việc chính đáng mà thôi. Thế mà điều kiện tiên quyết để cho mọi người trong nước đều sinh hoạt chính đáng là người lãnh đạo tối cao phải nêu gương chính đáng trước. Nay Quý Khang Tử thay vua cầm quyền lãnh đạo đất nước mà nêu gương chính đáng, thì còn ông quan thuộc cấp trong triều đình nào dám không chính đáng? Các quan trong triều đã chính đáng thì các quan chức địa phương nào dám không chính đáng? Cả guồng máy cai trị từ trên xuống dười, từ trung ương đến địa phương đều chính đáng, thì toàn thể dân chúng đều như cỏ phải nghiêng theo ngọn gió chính đáng mà sinh hoạt. Thế là việc chính trị được toàn hảo.

17. Quý Khang Tử lo lắng về nạn trộm cắp, hỏi Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử đáp rằng: “Vì bằng ông không tham muốn, tuy có thưởng, cũng không có trộm cắp.”

BÌNH GIẢI:

Ở trên, trả lời cho Quý Khang Tử về chính trị, Đức Khổng Tử đã đứng ở quan điểm đạo lược. Bây giờ trả lời về nạn trộm cướp, ngài cũng nói ở trình độ ấy.

Đối với người thường, người ta cho rằng để chống nạn trộm cướp thì phải tăng cường an ninh bảo vệ và dùng biện pháp nghiêm ngặt răn đe. Nhưng Đức Khổng Tử cho rằng chỉ cần người trên bỏ lòng tham muốn, tự khắc trong dân chúng không còn nạn trộm cắp nữa. Tại sao vậy?

Bởi vì, có nạn trộm cắp là do có người thiếu thốn. Sở dĩ có người thiếu thốn vì xã hội đầy bất công. Xã hội đầy bất công vì quan lại tham nhũng, thiếu đạo đức, lấy của dân chúng. Quan lại tham nhũng vì theo gương tham dục của vua, tể tướng và các đại thần, đồng thời phải cung phụng, đút lót cho các bậc trên ấy.

Nay vua, tể tướng bỏ lòng tham muốn, sống giản dị, hết lòng phục vụ dân chúng, không nhận của đút lót, thì quan lại các cấp lớn nhỏ đều theo gương ấy mà không tham lam. Thế là dân chúng no đủ, xã hội ổn định, sao còn nạn trộm cắp? Ca dao thường nói:

“Con ơi, mẹ bảo con này.

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”

Sở dĩ có nạn trộm cướp ban đêm bởi vì ban ngày có nạn quan lại bóc lột dân chúng. Bóc lột là cướp ngày, còn tệ hơn trộm đêm nữa.

Đức Khổng Tử là một hiền triết cho nên quan điểm của ngài thường được nhìn ở tầm cao là đạo lược. Hiền triết có cái nhìn sâu sắc toàn diện và sống đúng với quan điểm của mình, cho nên hiền triết không bàn ngang tán dọc như triết gia. Triết gia nói được một câu đúng thì hai câu sai. Còn hiền triết nói câu nào đúng câu ấy nhưng khó thực hiện, người đời khó lòng theo được. Nếu vua quan theo được, thiên hạ đã không loạn lạc. Nước Trung Hoa mà theo được Khổng, Lão thì đã không có thời Xuân Thu, Chiến quốc!

18. Quý Khang Tử hỏi Đức Khổng Tử về chính trị, rằng: “Như giết kẻ vô đạo để kẻ khác nên có đạo, được chăng?”

Đức Khổng Tử đáp: “Ông làm chính trị, sao cần dùng việc giết? Ông muốn tốt lành, thì dân sẽ tốt lành. Năng lực của quân tử như gió, năng lực của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ ắt cỏ nép xuống.”

BÌNH GIẢI:

Quý Khang Tử nêu ý kiến với Đức Khổng Tử, muốn giết một số kẻ bất lương (vô đạo) để răn đe, khiến dân chúng trở nên những người lương thiện (hữu đạo). Dĩ nhiên đây là phương pháp cai trị bá đạo, được áp dụng phổ biến trong thời bấy giờ (thời Ngũ bá): dùng hình pháp nghiêm ngặt để dân chúng sợ sệt mà không dám phạm pháp.

Tuy nhiên, đấy chỉ là biện pháp ngọn, hiệu quả rất ít. Biện pháp gốc của Đức Khổng Tử là: người trên hãy thực hiện điều tốt lành, ắt dân chúng sẽ bắt chước làm điều tốt lành. Khi đã nên một phong trào, thiên hạ sẽ đua nhau làm lành. Đức hạnh của người quân tử ở cương vị cai trị chẳng khác gì năng lực của gió. Đức hạnh của tiểu nhân ở địa vị dân chúng như sức sống của ngọn cỏ. Gió thổi mạnh trên cỏ, ắt cỏ phải nép xuống theo chiều gió.

19. Tử Trương hỏi: “Người có học như thế nào có thể gọi là thông suốt?”

Đức Khổng Tử nói: “Ngươi gọi thế nào là người thông suốt?”

Tử Trương đáp: “Trong nước có tiếng tăm, trong nhà có tiếng tăm.” Đức Khổng Tử nói: “Thế là có tiếng tăm thôi, chẳng phải thông suốt. Phàm là người thông suốt thì tư chất thẳng thắn mà ưa làm điều nghĩa, xét rõ được lời nói mà nhìn rõ được hình sắc; biết nghĩ ngợi để hạ mình dưới người; trong nước ắt thông suốt, trong nhà ắt thông suốt. Phàm người có tiếng tăm thì giữ điều nhân ở ngoài mặt mà tính hạnh trái nhân; sinh hoạt không nghi ngờ gì; trong nước có tiếng tăm, trong nhà có tiếng tăm.”

BÌNH GIẢI:

Qua những lời đối thoại ở trên giữa Đức Khổng Tử và Tử Trương, chúng ta thấy rõ Tử Trương chỉ là người chú trọng tới bề ngoài. Đó là con người bản chất khinh phù (nhẹ dạ, chú trọng tới bề nổi), không có bản chất đạo đức đích thực.

Ông ta muốn hỏi thầy về sự thông suốt, sự thành tựu của một kẻ sĩ, của một ông quan (cần bổng lộc). Ông ta quan niệm một người thông suốt (đạt nhân) là người được nổi tiếng trong nước cũng như trong nhà, một người nổi tiếng trong triều hay nổi tiếng khi làm gia thần cho một dòng họ quyền thế (cỡ như họ Quý).

Biết rõ ý Tử Trương, Đức Khổng Tử bảo rằng việc có tiếng tăm không phải là thông suốt hay thành tựu đạo lý. Người thông suốt đạo lý phải có tư chất ngay thẳng và ưa đối xử nghĩa khí với mọi người; không những thế, người ấy có khả năng thấu suốt được ngôn ngữ và dáng bộ hình sắc người khác để biết rõ tâm ý thật ở bên trong, lại biết suy nghĩ để giữ sự khiêm tốn với người khác. Như thế, mới đáng gọi là người thông suốt đạo lý, thành tựu học vấn.

Còn người chú trọng vào tiếng tăm thì chỉ có giả bộ bề ngoài nhân đức nhưng hành vi lại trái nhân đức; sống như thế mà cứ bình tĩnh như không, không nghi ngờ, không xét lại hành vi của mình. Đó là kẻ hữu danh vô thực, dù có tiếng tăm khắp nơi, nhưng không phải là bậc đạt nhân quân tử.

20. Phàn Trì theo thầy dạo chơi ở dưới đàn Vũ Vu, nói rằng: “Dám hỏi về việc tôn trọng đức hạnh, sửa điều lỗi và phân tích điều mê lầm.”

Đức Khổng Tử nói: “Tốt lành thay câu hỏi ấy! Phụng sự trước, sau mới đạt được kết quả, chẳng phải tôn trọng đức hạnh ư? Sửa trách điều xấu của mình, không sửa trách điều xấu của người, chẳng phải sửa điều lỗi ư? Cơn giận một sớm để nhãng quên thân mình lại liên lụy đến người thân, chẳng phải mê lầm ư?”

BÌNH GIẢI:

Phàn Trì là đệ tử trung thành của Đức Khổng Tử, thường đánh xe cho thầy. Nay thầy trò cùng dạo chơi ở dưới đàn Vũ Vu, là nơi vua Lỗ tế Trời; nhân đó, Phàn Trì mới hỏi thầy về những điểm đưa con người đến hoàn thiện. Điều này rất hợp ý Đức Khổng Tử cho nên ngài ngợi khen và phân giải.

Người muốn tôn trọng đức hạnh thì trước tiên phải nghĩ đến phụng sự (tiên sự). Gần thì phụng sự cha mẹ, xa thì phụng sự đất nước, dân chúng. Quên mình mà lo phụng sự sẽ nên người đức hạnh.

Người muốn trở nên hoàn thiện thì ưu tiên sửa trách điều xấu của mình hơn là để ý sửa trách điều xấu của người khác.

Còn biện biệt điều mê lầm thì điều mê lầm gần gũi nhất là: giận mất khôn. Do giận dữ nổi lên nhất thời mà có thể thiệt thân, lại còn liên lụy đến cha mẹ và những người thân khác như vợ con, anh em, v.v. Đó là điều mê lầm lớn cần phải tránh xa vậy.

21. Phàn Trì hỏi về điều nhân. Đức Khổng Tử nói: “Yêu người.” Hỏi về điều trí. Đức Khổng Tử nói: “Biết người.”

Phàn Trì chưa thông suốt. Đức Khổng Tử nói: “Cất nhắc người ngay thẳng, tách rời kẻ gian tà, có thể khiến kẻ gian tà thành người ngay thẳng.”

Phàn Trì lui, gặp Tử Hạ nói: “Lúc nãy, tôi gặp thầy hỏi về điều trí. Thầy nói: ‘Cất nhắc người ngay thẳng, tách rời kẻ gian tà, có thể khiến kẻ gian tà thành người ngay thẳng.’ Là nghĩa thế nào?”

Tử Hạ nói: “Lời nói ấy rộng rãi thay! Vua Thuấn có thiên hạ, tuyển chọn trong dân chúng, cắt cử ông Cao Dao, kẻ bất nhân phải lánh xa. Vua Thang có thiên hạ, tuyển chọn trong dân chúng, cắt cử ông Y Doãn, kẻ bất nhân phải lánh xa.”

BÌNH GIẢI:

Nhân là yêu người. Yêu người là muốn cho người nên tốt.

Trí là biết người. Biết người hay, người dở, người tốt, người xấu để sử dụng người đúng công việc, làm cho nước nhà thịnh vượng, lại còn tạo điều kiện để giáo dục được muôn người, mới là cái biết hết mức của một nguyên thủ quốc gia.

Muốn cho đất nước được thịnh vượng, muốn giáo dục mọi người trong nước nên tốt, bậc nguyên thủ quốc gia phải biết dùng người ngay thẳng và thải bỏ kẻ tà vạy. Người ngay thẳng được đề cao thì kẻ tà vạy không dám bén mảng đến việc nước và lại phải tự sửa mình khỏi điều tà vạy để mong có điều kiện mà thăng tiến. Thế là guồng máy cai trị càng ngày càng thêm được nhiều người ngay thẳng, tài đức giúp dân, và những sự tà vạy, xấu xa trong nước cũng dần dần tan biến đi.

Ngày xưa, Vua Thuấn cất nhắc ông Cao Dao là một hiền thần ngay thẳng mà đất nước được phồn vinh, các tiểu quốc lân bang phải khâm phục. Vua Thang cất nhắc ông Y Doãn cũng là một hiền thần ngay thẳng mà nhà Thương vững bền. Vì thế, vua Thuấn, vua Thang được tiếng là những bậc đại trí trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.

Lời dạy của Đức Khổng Tử về người trí có một phạm vi rộng lớn tầm cỡ quốc gia như thế, cho nên Tử Hạ hết lời ngợi khen. Hiểu cho hết mức chữ nhân, chữ trí và biết cách vận dụng thì có khả năng hưng quốc, đem lại lợi ích cho nhân quần xã hội biết bao! Lời của Đức Khổng Tử quả là thể hiện một tâm sự ưu thời mẫn thế lắm vậy.

22. Tử Cống hỏi về bạn bè. Đức Khổng Tử nói: “Chỉ bảo thành thực mà hướng dẫn khéo léo; không được thì thôi; đừng để bị nhục nhã.”

BÌNH GIẢI:

Trong việc giao thiệp với bạn bè, giữ tình nghĩa tốt đẹp, thân thiết là cần. Nếu bạn có làm điều gì sai trái thì mình nên thành thực chỉ bảo, lại khéo léo hướng dẫn bạn đi sang đường tốt. Ví bằng mình đã hết lòng mà bạn không nghe thì thôi; chẳng nên nói nhiều làm phật ý bạn mà mình lại mang nhục, đến nỗi sinh ra oán thù.

23. Tăng Tử nói: “Người quân tử lấy văn học để họp bạn, lấy bạn để giúp làm điều nhân.”

BÌNH GIẢI:

Người ta có nhiều cách họp bạn. Khác với kẻ tiểu nhân có thể họp bạn bên đám cờ bạc hay cuộc rượu chè, v.v, người quân tử lấy văn học, chữ nghĩa làm cơ hội họp bạn để cùng nhau nói chuyện đạo lý, nghệ thuật và phác họa đời sống lý tưởng. Đồng thời, người quân tử cũng nhờ bạn giúp đỡ, góp ý trong việc làm điều nhân.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x