Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 18 – Vi Tử

Luận Ngữ – Chương 18 – Vi Tử

by Hậu Học Văn
248 views

VI TỬ ĐỆ THẬP BÁT

1. Vi Tử bỏ đi; Cơ Tử làm đứa ở; Tỷ Can can ngăn mà bị giết. Đức Khổng Tử nói: “Nhà Ân có ba người nhân.”

BÌNH GIẢI:

Nhà Ân (Thương) khởi đầu từ vua Thành Thang (khoảng năm 1766 trước Công nguyên) kéo dài cho tới vua Trụ (1154-1122 trước Công nguyên) thì chấm dứt. Sau khi đuổi vua Kiệt (nhà Hạ)ï, vua Thành Thang khai sáng nhà Thương, đóng đô ở đất Bạc. Về sau để tránh sự xâm lấn của các dân du mục ở phía tây, nhà Thương phải di chuyển về phương đông; lần cuối cùng đóng đô ở đất Ân Khư, nên đổi quốc hiệu là Ân. Vị vua cuối cùng là Trụ Vương, một hôn quân vô đạo, không biết nghe lời phải của công thần, đã thi hành một chính sách hà khắc, tàn bạo với dân chúng.

Vi Tử là em cùng cha khác mẹ với vua Trụ, đã phải bỏ nước ra đi để giữ gìn dòng tộc. Tương truyền, Vi Tử sang phía đông bắc, lập ra nước Triều Tiên.

Cơ Tử và Tỷ Can là chú vua Trụ. Cơ Tử vì can vua mà bị bỏ ngục và phải trở thành nô lệ, làm tôi tớ cho người. Tỷ Can cũng vì khảng khái khuyên can mà bị giết chết moi tim.

Ba vị vương tử ấy đều muốn vua Trụ thi hành đức nhân để cho thiên hạ được an cư lạc nghiệp, triều đình giữ được đạo thống; cho nên đã biểu hiện ý nguyện bằng ba phương thức khác nhau: một người chạy trốn, một người cam phận nô lệ, một người chịu chết.

Tuy ba cách thức biểu hiện có khác nhau nhưng cùng một mục đích chung là muốn vua Trụ cải tà quy chánh, thực hiện nhân đức cho dân chúng và dòng họ được hưởng nhờ. Mục đích của ba người đều hướng về đức nhân là duy trì tình người tốt đẹp. Vi Tử, Cơ Tử, Tỷ Can đều là người có đức nhân.

2. Liễu Hạ Huệ làm quan tư pháp, mấy lần bị loại bỏ. Có người nói: “Thầy chưa chịu bỏ đi ư?”

Đáp: “Lấy đường lối ngay thẳng phụng sự người, đi đâu mà chẳng bị loại bỏ mấy lần. Dùng đường lối tà vạy phụng sự người, sao phải bỏ nước của cha mẹ mà đi?”

BÌNH GIẢI:

Chữ tam () là ba, nhưng khi phát âm là tám thì có nghĩa là vài lần hay mấy lần, chứ không xác định hẳn là ba lần.

Liễu Hạ Huệ làm quan tư pháp ở nước Lỗ coi về việc hình án. Ông hành động theo chính đạo, xét xử ngay thẳng, không xử oan cho ai, cũng không vị nể người có chức quyền mà bẻ cong cán cân công lý; do đó bị mất chức mấy lần.

Có người thấy vậy tỏ ý ngạc nhiên sao ông không bỏ nước Lỗ sang nước khác để được trọng dụng hơn. Ông lý luận rằng lấy đường lối ngay thẳng phụng sự vua mà không được tin dùng, đó là lẽ thường bấy giờ. Thiên hạ đại loạn, ở nước nào cũng có tình trạng như thế. Nếu dùng đường lối tà vạy, nịnh hót, uốn mình theo ý của cấp trên hay các thế lực trong triều, ắt sẽ được trọng dụng ngay, chẳng những ở nước Lỗ mà ở đâu cũng vậy. Đã thế, đâu cần bỏ nước Lỗ là quê hương của cha mẹ mà đi! Nói vậy thôi, chứ Liễu Hạ Huệ đâu chịu theo đường lối tà vạy. Vì thế, ông cứ bị mất chức mấy lần.

Câu trả lời của Liễu Hạ Huệ chứng tỏ tình thế nước Trung Hoa thời Xuân Thu đã suy sụp đến mức nào. Bằng chứng là Đức Khổng Tử đã bỏ nước Lỗ ra đi, lang thang trong nhiều năm, cũng không có vua nước nào trọng dụng. Phải chăng cách xử thế của Liễu Hạ Huệ đã chứng tỏ ông thấu tình đạt lý hơn Đức Khổng Tử?

3. Tề Cảnh Công tiếp đãi Đức Khổng Tử, nói rằng: “Giống như họ Quý thì ta không thể. Tiếp đãi ông ấy vào khoảng giữa họ Quý, họ Mạnh vậy.” Lại nói: “Ta già rồi; không thể dùng ông ấy được nữa.” Đức Khổng Tử ra đi.

BÌNH GIẢI:

Có lần, nước Lỗ bất ổn, Đức Khổng Tử sang nước Tề với ý muốn tham gia chính sự. Vua Tề Cảnh Công bàn với quần thần việc tiếp đãi Đức Khổng Tử. Nhìn sang nước Lỗ, vua Tề thấy họ Quý có nhiều quyền hành nhất; rồi đến họ Thúc, họ Mạnh. Vua Tề không muốn trao nhiều quyền hành cho Đức Khổng Tử như vua Lỗ trao cho họ Quý, vì sợ Ngài chuyên quyền. Vua Tề tỏ ý muốn đãi Đức Khổng Tử vào mức trung bình như khoảng giữa họ Quý và họ Mạnh. Tuy nhiên, có lẽ quần thần nước Tề sợ rằng Đức Khổng Tử sẽ nắm lấy cơ hội tước bỏ quyền lợi của họ; cho nên không hưởng ứng ý kiến của nhà vua.

Vì thế, vua Tề Cảnh Công lấy cớ mình đã già nua, không thể dùng tài năng Đức Khổng Tử để xây dựng đất nước được. Biết quan điểm của vua tôi nước Tề như vậy; Đức Khổng Tử ra đi.

4. Người nước Tề đưa tặng đoàn nữ nhạc, Quý Hoàn Tử tiếp nhận, ba ngày không họp bàn việc nước, Đức Khổng Tử ra đi.

BÌNH GIẢI:

Vào thời vua Lỗ Định Công, Đức Khổng Tử giữ chức Tư khấu (Bộ Hình) kiêm Nhiếp tướng sự (Tể Tướng) tại nước Lỗ. Nhờ vậy, nước Lỗ trở nên thịnh vượng về mọi mặt. Vua quan nước Tề sợ nước Lỗ cường thịnh sẽ gây nên mối họa hại; bèn dùng kế dâng một đoàn nữ nhạc gồm các nữ công tuyệt sắc, múa khéo, hát hay và một bầy ngựa quý cho vua Lỗ.

Quý Hoàn Tử thay mặt vua Lỗ đón nhận và vua tôi cùng nhau thưởng thức hát múa, say mê xem ngựa sải vó; ba ngày triều đình không họp bàn việc nước. Đức Khổng Tử thấy tình hình chính trị đã hỏng, không có cơ cứu vãn được nên đã từ quan, cùng với các đệ tử bỏ nước Lỗ sang nước Vệ, mở đầu chuyến chu du liệt quốc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa thời Xuân Thu, kéo dài 14 năm. Bấy giờ là vào năm 496 trước Công nguyên, Đức Khổng Tử được 56 tuổi.

5. Người ngông cuồng nước Sở là Tiếp Dư đi qua Đức Khổng Tử hát rằng: “Chim phượng kia! Chim phượng kia! Sao đức suy kém thế! Chuyện đã qua không thể can ngăn; chuyện sắp tới còn có thể kịp đó. Thôi mà! Thôi mà! Ngày nay theo việc chính trị nguy lắm.”

Đức Khổng Tử xuống xe, muốn cùng nói chuyện. Người ấy rảo bước tránh đi, không cùng nói chuyện được.

BÌNH GIẢI:

Sở Cuồng Tiếp Dư là một vị ẩn sĩ. Đệ tử Đức Khổng Tử ghi lại sự việc xảy ra này trong sách Luận Ngữ, không biết tên vị ẩn sĩ ấy; cho nên đã lấy hành vi đến gần (tiếp) cái xe () của Đức Khổng Tử làm tên: Tiếp Dư. Chỉ biết đó là người cuồng nước Sở.

Trên đường chu du liệt quốc, khi đến nước Sở, Đức Khổng Tử gặp người này, cũng là một ẩn sĩ vô danh như người giữ cửa Thạch môn và người đội cỏ ở nước Vệ vậy (Luận Ngữ, Chương XIV). Ông ta dùng hình ảnh chim phượng (đứng đầu các loài chim) để biểu thị Đức Khổng Tử; đó là tỏ ý tôn trọng Ngài. Ông muốn can ngăn Đức Khổng Tử đừng hoài công chạy theo việc chính trị nữa. Vào thời buổi đại loạn ấy, làm chính trị ngay thẳng chẳng những đã thất bại lại còn nguy đến tính mệnh, bởi vì có nhiều người ghét. Các vua quan lợi dụng việc chính trị để thủ lợi riêng cho nên ghét người ngay thẳng. Chỉ có dân chúng thương mến thôi, nhưng dân chúng chẳng có thế lực gì; sống ngày nào biết ngày ấy.

Sở Cuồng Tiếp Dư chê Đức Khổng Tử suy kém về đức hạnh; lý do là Tiếp Dư thuộc phái Tỵ thế, chủ trương người thực sự có đức phải biết thu giấu đức hạnh, tài năng của mình.

6. Trường Thư, Kiệt Nịch cùng cùng cày ruộng với nhau. Đức Khổng Tử đi qua, sai Tử Lộ hỏi thăm bến đò.

Trường Thư hỏi: “Này, người giữ xe là ai vậy?” Tử Lộ đáp: “Là Khổng Khâu.”

Hỏi: “Đó là Khổng Khâu nước Lỗ chăng?”

Đáp: “Phải đấy.”

Người ấy nói: “Thế thì biết bến đò rồi.”

Hỏi sang Kiệt Nịch. Kiệt Nịch hỏi: “Ngươi là ai?”

Đáp: “Là Trọng Do.”

Hỏi: “Có phải là đệ tử của Khổng Khâu nước Lỗ chăng?”

Đáp rằng: “Đúng rồi.” Người này nói: “Cuồn cuộn như nước chảy, thiên hạ đều thế cả, cùng với ai mà thay đổi được? Vả lại cùng đi theo kẻ sĩ lánh người, sao bằng đi theo kẻ sĩ lánh đời chứ?” Người này bừa phủ đất mà chẳng thôi.

Tử Lộ đi trình lại. Đức Khổng Tử bùi ngùi nói: “Chẳng thể sống cùng bầy với chim thú! Ta chẳng cùng đoàn lũ với đám người kia thì với ai? Thiên hạ mà có đạo, Khâu này chẳng mong thay đổi làm gì.”

BÌNH GIẢI:

Tương tự trường hợp Tiếp Dư ở trên, hai người cày ruộng ở đây là những vị ẩn sĩ. Có lẽ đệ tử của Đức Khổng Tử cũng không biết tên hai người này, bèn lấy tình trạng và nơi sinh hoạt của họ mà đặt tên. Trường Thư là chỗ đất trũng dài; Kiệt Nịch là người chịu dìm ngâm trong nước bùn.

Khi biết người ngồi trên xe là Đức Khổng Tử, Trường Thư trả lời cho Tử Lộ: “Thế thì biết bến đò rồi.” Câu ấy hàm ý mỉa mai: Khổng Tử là người biết nhiều, dẫn đường chỉ lối cho nhiều người, lại đã đi chu du nhiều nước, ắt phải biết bến đò ở đâu chứ!

Thất vọng với câu trả lời của Trường Thư, Tử Lộ quay sang hỏi thăm Kiệt Nịch. Khi biết người hỏi mình là Trọng Do, đệ tử Đức Khổng Tử, người này không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chất vấn lại Tử Lộ. Người này lý luận đại ý rằng: Thiên hạ đại loạn, mọi người đua nhau tranh danh đoạt lợi cuồn cuộn như nước chảy, có thể hợp tác với ai mà ngăn loạn, đổi ác ra thiện được? Khổng Tử là kẻ sĩ lánh người, tức là kẻ tránh các vua quan hôn ám vô đạo, thì tránh sao cho hết. Người đi theo Khổng Tử lánh người chẳng uổng công sao? Chẳng bằng đi theo ta lánh đời thì hơn. Lánh đời tức là ẩn dật, gác bỏ mọi chuyện thiên hạ ngoài tai.

Tử Lộ đem những ý ấy trình lại Đức Khổng Tử. Ngài bùi ngùi xúc động và bày tỏ lập trường của mình: Thiên hạ đại loạn đã đành, nhưng là con người; sao có thể vào rừng họp đoàn với chim thú được. Chi bằng ở lại với đám người thế gian và chia sẻ với họ, sửa đổi được ít nào hay ít ấy. Nếu thiên hạ đã tốt lành cả rồi, còn cần gì phải nói đến việc thay đổi nữa.

7. Tử Lộ đi theo ở phía sau, gặp một ông già lấy gậy quảy cái cào cỏ. Tử Lộ hỏi rằng: “Ông có thấy Thầy tôi không?”

Ông già nói: “Tay chân chẳng siêng năng, năm giống thóc lúa chẳng phân biệt được. Ai là thầy chứ?” Rồi cắm gậy xuống mà cào cỏ.

Tử Lộ chắp tay đứng chờ. Ông già đưa Tử Lộ về nghỉ đêm, giết gà nấu cơm cho ăn; đưa hai con ra mắt nữa.

Hôm sau, Tử Lộ đi trình lại. Đức Khổng Tử nói: “Vị ẩn sĩ đấy.” Bèn sai Tử Lộ trở lại gặp. Đến nơi, ông già đã đi rồi. Tử Lộ nói: “Không ra làm quan là không có nghĩa. Thứ bậc lớn nhỏ, không thể bỏ được; đạo nghĩa vua tôi, sao lại bỏ như thế? Muốn trong sạch thân mình mà làm rối loạn nghĩa lớn. Người quân tử ra làm quan là thi hành điều nghĩa thôi. Đạo không thi hành được, đã biết rồi vậy.”

BÌNH GIẢI:

Ông già này cũng là một vị ẩn sĩ vô danh tương tự như trường hợp người giữ cửa Thạch môn, người đội cỏ ở nước Vệ, Sở Cuồng Tiếp Dư, Trường Thư và Kiệt Nịch mà thầy trò Đức Khổng Tử đã từng gặp. Họ là những người tài đức, có tâm sự ưu thời mẫn thế; nhưng thấy thời thế rối loạn cho nên đều sống ẩn dật, làm những công việc ti tiện, che giấu tài mình, không chịu ra làm quan giúp vua trị nước. Đức Khổng Tử rất kính phục những người ấy, nhưng Tử Lộ lại tỏ ý bất bình. Sự bất bình ấy, Tử Lộ nói ra bằng những lời ở đây.

Tử Lộ chê trách ông già này không giữ đạo nghĩa quân thần. Tuy nhiên, muốn giữ trọn đạo nghĩa quân thần, phải có chính danh trong đạo nghĩa ấy. Đã là một bầy tôi thì phải trung thành với vua. Nhưng vua đã chẳng ra vua; vua chẳng giữ được đạo nhân, bầy tôi trung thành sao được với vị vua ấy! Vua phải có nhân, bầy tôi mới nên trung thành. “Quân nhân, thần trung” là đạo lý chính danh ấy.

Nay thiên hạ đại loạn, vua đã bất nhân, thì người quân tử không chịu làm bầy tôi cho vua là lẽ đương nhiên. Đó mới chính là đạo lý của người quân tử. Trong khi vua bất nhân mà Tử Lộ cứ khăng khăng phải ra làm quan để giữ nghĩa vua tôi, đó là Tử Lộ cố chấp mà chẳng hiểu lẽ biến thông. Vì cố chấp như thế, cho nên khi làm quan ở nước Vệ, Tử Lộ đã phải chịu sát thân, thân thể bị vằm nát như tương; thật là điều đáng tiếc. Đức Khổng Tử đoán được điều ấy sẽ xảy ra nhưng không làm gì được. Theo sách Lễ Ký, đang khi dạy học ở quê nhà, được tin Tử Lộ bị băm xác, Đức Khổng Tử đã ngậm ngùi sai người nhà đem đổ hũ tương đi, không ăn nữa để tỏ lòng thương tiếc Tử Lộ. Và việc này, sách Lễ Ký viết: “Khổng Tử khốc Tử Lộ vu trung đình, hữu nhân điệu giả, nhi phụ tử bái chi. Ki khốc, tiến sứ giả nhi vấn kỳ cố, sứ giả viết: ‘Hải chi hỹ.’ Toại mệnh phúc hải.” (Lễ Ký: Đàn Cung Thượng). Nhữ Nguyên và Trần Kiết Hùng diễn giải như sau: “Tử Lộ mất tại Vệ quốc, tin tức lan truyền. Khổng Tử đã chuẩn bị sẵn kỷ án tế lễ ở trong sân phía trước gian nhà chính. Khi có người đến phúng điếu, Khổng Tử tự thân đại diện tang chủ mà bái đáp lễ với người tế lễ. Điếu tế xong, ông bèn mời vị sứ giả thông tri tin tức đến, hỏi về diễn biến tình hình thực tế lúc đó, sứ giả nói: “Đã bị băm nát như tương!” Khổng Tử lập tức kêu người đem chỉnh tương trong nhà đi đổ.” (Nhữ Nguyên, Trần Kiết Hùng: Lễ Ký. NXB Đồng Nai, 1996, trang 42-43).

Có người cho rằng những lời phê bình về ông già ở phần dưới đoạn văn trên là của Đức Khổng Tử. Một bản Luận Ngữ đời Tống viết như sau: “Tử Lộ phản, Tử viết: “Bất dĩ vô nghĩa… (Tử Lộ trở về, Khổng Tử nói: “Không ra làm quan là không có nghĩa… ” (Theo Nguyễn Hiến Lê: Luận Ngữ. NXB Văn học 1995, trang 304-305.)

Điều đó không đúng. Đức Khổng Tử đâu phải là người câu nệ đạo nghĩa như thế!

8. Về những người ẩn dật: Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, Đức Khổng Tử nói: “Chẳng đè nén chí mình, chẳng hổ thẹn thân mình, Bá Di, Thúc Tề đó chăng? Bảo rằng Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên bị nén chí, bị khuất thân. Lời nói trúng lẽ thường, hành động hợp lý; được như thế mà thôi. Bảo rằng Ngu Trọng, Di Dật sống ẩn dật, buông bỏ lời nói; thân được trong sạch, bỏ về hợp lẽ quyền biến. Ta thì khác như thế. Không có gì là nên, không có gì là chẳng nên.”

BÌNH GIẢI: 

Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên là những vị ẩn sĩ sống vào đời nhà Ân và nhà Chu. Trong đoạn văn này, Đức Khổng Tử bàn luận với các đệ tử về thái độ, hành vi của các vị ấy và cho biết lập trường của mình.

Ngài khen Bá Di, Thúc Tề giữ được chí hướng và giữ thân mình chẳng hổ thẹn. Còn Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên thì chẳng giữ được đúng chí hướng, thân bị khuất; thế là không được như ý. Chỉ có điều hai ông này giữ được ngôn ngữ, hành động hợp lẽ, đúng đạo thường. Ngu Trọng, Di Dật thì giữ mình chẳng khen chê ai, chẳng nghị luận việc chính trị đương thời, bỏ quan đúng lúc và giữ được thân trong sạch, không vướng vào điều xấu.

Không biết vì lý do gì, Chu Trương đã bị bỏ qua, không được bàn tới.

Nhân đó, Đức Khổng Tử xác nhận với các đệ tử rằng Ngài chẳng giống các vị ẩn sĩ ấy! Ngài không bị chết đói như Bá Di, Thúc Tề ở núi Thú Dương; không bị thua thiệt như Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên; không phải câm nín như Ngu Trọng, Di Dật. Ngài tùy thời tiến thối; bỏ quê hương thì đi chậm, trở về quê hương thì đi nhanh; xử trí, hành động phóng khoáng tùy nghi; tuy không được trọng dụng lâu dài nhưng luôn luôn được kính nể; trước sau vua chúa, quan quyền vẫn tôn làm thầy để hỏi ý kiến. Vì biết tùy thời thích nghi mà vẫn tự trọng, giữ được phẩm giá, danh dự của mình; cho nên không thể nói trước trường hợp nào là chẳng nên (vô khả), trường hợp nào là nên (vô bất khả); do đó không ai trói buộc được Ngài, không ai khinh thị Ngài. Ngài vẫn lựa cơ hội mà truyền bá đạo lý, đóng góp vào sự ổn định của xã hội.

9. Quan đứng đầu ban nhạc triều đình, ông Chí đến nước Tề; quan phụ trách âm nhạc bữa cơm thứ hai, ông Can, đi đến nước Sở; quan phụ trách âm nhạc bữa cơm thứ ba, ông Liêu, đi đến nước Thái; quan phụ trách âm nhạc bữa cơm thứ tư, ông Khuyết, đi đến nước Tần; người đánh trống, ông Phương Thúc đi vào miền sông Hoàng Hà; người đánh trống cơm, ông Võ, đi vào miền sông Hán; quan phụ tá Thái sư nhạc, ông Dương và người đánh khánh, ông Tương, đi vào miền biển.

BÌNH GIẢI:

Vào thời Xuân Thu, các bữa ăn của vua trong ngày đều có tấu nhạc; vì lý do đó mà có các chức quan phụ trách âm nhạc trong các bữa ăn. Sau khi Đức Khổng Tử bỏ nước Lỗ ra đi, triều đình suy sụp; ba họ Quý, Thúc, Mạnh phân chia quyền hành. Nhất là Quý Hoàn Tử (Quý Tôn Tư) không coi vua Lỗ ra gì. Những người có tâm huyết trong triều đình đều ly tán hết. Đoạn văn này kể tên tám nhân vật quan trọng trong dàn nhạc cung đình đã bỏ nước ra đi, mỗi người tìm đến một nơi ẩn náu.

10. Chu Công bảo Lỗ Công rằng: “Người quân tử không bỏ người thân, không làm cho đại thần oán hận vì không dùng họ. Những người quen cũ mà không có lỗi lớn thì đừng sa thải. Không cầu mong sự hoàn toàn ở một người.”

BÌNH GIẢI:

Chu Công là con của Văn Vương, em của Vũ Vương. Ông đã có công giúp Vũ Vương sửa sang triều chính, lập nên cơ nghiệp nhà Chu. Vì thế, con của Chu Công là Bá Cầm được phong cho đất Lỗ làm Lỗ Công và con cháu được nối tiếp cai trị nước Lỗ.

Khi tiễn Lỗ Công đi trấn nhậm chức vụ mới, Chu Công đã khuyên con những điều cần thiết cho việc cai trị vào lúc ban đầu. Sau đây là những điều quan trọng:

Không bỏ người thân: Người thân là những người có họ hàng với mình, có tình nghĩa ruột thịt với mình, đã hiểu mình lâu ngày; phải nhờ họ giúp đỡ mình trong việc nhà cũng như việc nước.

Không làm cho đại thần oán hận vì không dùng họ: Đại thần là các bề tôi đã từng giúp cha anh mình làm việc nước. Họ vừa có công, vừa có nhiều kinh nghiệm; cần phải dùng họ giúp mình cai trị. Nếu có mới nới cũ, khiến cho họ oán hận, cấu kết với nhau để chống lại mình thì nguy.

Những người quen cũ mà không có lỗi lầm lớn thì đừng sa thải: Những người quen cũ đã từng cộng tác với mình, đã quen lề lối làm việc, đã quen tính khí với nhau; nếu họ không có lỗi lớn thì đừng sa thải. Nếu sa thải, sẽ thiếu người hợp tác và sẽ gây nên sự bất mãn, sự thù hận, không có lợi cho việc trị nước.

Không cầu mong sự hoàn toàn ở một người: Bất cứ người nào, dù giỏi tới đâu cũng không hoàn toàn, không thể biết hết và làm đầy đủ được mọi việc. Mỗi người có một khả năng khác nhau; cứ dùng họ theo sở trường của họ và chỉ đòi hỏi họ hoàn thành trách vụ của họ mà thôi. Không nên đòi hỏi một người kiêm nhiệm và làm tốt nhiều công việc khác nhau.

11. Nhà Chu có tám người tài đức: Bá Đạt, Bá Quát, Trọng Đột, Trọng Hốt, Thúc Dạ, Thúc Hạ, Quý Tùng, Quý Oa.

BÌNH GIẢI:

Nhà Chu trải qua hai thời kỳ: Tây Chu và Đông Chu. Tây Chu mở đầu với Chu Vũ Vương; Đông Chu mở đầu với Chu Bình Vương. Đông Chu là thời suy thoái, chư hầu rối loạn. Có lẽ tám vị tài đức nói trên thuộc về thời Tây Chu; nhưng sử sách không ghi chép về công nghiệp của họ.

Có người căn cứ vào các tên phân thành các cặp: Bá, Trọng, Thúc, Quý đã đoán rằng đó là bốn cặp song sinh do một bà mẹ sinh ra. Điều đó không có gì chắc chắn; bởi vì ít khi trong một gia đình có bốn cặp song sinh và các anh em đều là người tài đức cả. Cũng có thể họ là anh em trong bốn gia đình khác nhau; nhưng đó cũng chỉ là điều ức đoán, không có bằng cớ nào. Bốn gia đình, mỗi gia đình có hai anh em đều là người tài đức cũng là điều đặc biệt trong một thời đại, đáng cho Đức Khổng Tử nhắc tới và đệ tử của Ngài chép vào sách Luận Ngữ.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x