Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 20 – Nghiêu Viết

Luận Ngữ – Chương 20 – Nghiêu Viết

by Hậu Học Văn
418 views

NGHIÊU VIẾT ĐỆ NHỊ THẬP

1. Vua Nghiêu nói: “Này hỡi! Thuấn ngươi, vận số thay đổi của Trời ở mình người. Hãy thành thực giữ lấy đức trung chính của mình. Bốn biển mà cùng khổ, lộc Trời sẽ chấm dứt hẳn.” Vua Thuấn cũng truyền mệnh lệnh ấy cho vua Vũ (nhà Hạ).

Rằng: “Tôi, đứa nhỏ tên Lý này, mạnh dạn dùng con bò đực đen; xin bộc bạch thưa trình cùng Đức Thượng Đế chí tôn: kẻ có tội, không dám tha; bầy tôi Thượng Đế không dám giấu, lòng Thượng Đế đã phân biệt rồi. Mình tôi có tội, đừng phạt tới muôn phương. Muôn phương có tội, tội ở mình tôi.

Nhà Chu được ban ơn lớn, người tốt dồi dào. “Tuy có người thân khắp nơi, không bằng có người nhân hiền. Trăm họ có lỗi, tại một mình tôi thôi.”

Cẩn thận việc cân đo; xét rõ các luật lệ chi phối sinh hoạt chính trị; chỉnh sửa các quan bị bỏ: nền chính trị bốn phương được tiến hành. Làm cho nước bị diệt được dấy lên; làm cho dòng dõi bị mất nước tiếp nối; cất nhắc kẻ sĩ ẩn dật; dân trong thiên hạ đem lòng quy phục. Chú trọng đến những việc này của dân: ăn uống, tang chế, tế tự. Tha thứ thì thu được dân chúng; tạo niềm tin thì được dân tín nhiệm; chăm chỉ thì được thành công; công bằng thì được vui vẻ.

BÌNH GIẢI:

Có lẽ những đoạn trên là lời tường thuật của Đức Khổng Tử về “truyện đời xưa” cho các đệ tử nghe. Đó là: truyện của vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, truyện của vua Thành Thang tâu trình cùng Thượng Đế chí tôn, truyện về nhà Chu được thiên hạ và cai trị đất nước.

Qua truyền ngôn của vua Nghiêu nhà Đào Đường (2356-2255 trước Công nguyên) nói với vua Thuấn nhà Hữu Ngu (2255-2205 trước Công nguyên), chúng ta biết rằng: vận số của Trời không ở mãi với một dòng họ hay một người, mà sẽ có lúc chuyển đến một người khác. Nay vận số ấy đã đến với vua Thuấn. Muốn xứng đáng ngôi vua, hãy thành thực giữ lấy đức trung chính của mình. Hai chữ “kỳ trung” (đức trung chính của mình) muốn nói lên rằng: ai cũng có đức trung chính ở tại nơi mình, phù hợp với mình, không cần tìm ở đâu khác. Nghĩa là ai cũng có khả năng hoàn thiện ở nơi mình.

Người làm vua cai trị muôn dân càng phải thực hiện trung chính, phát huy trung chính nơi mình để làm gương cho mọi người. Nếu cả vua lẫn dân đều thực hiện trung chính thì toàn dân (bốn biển) không bao giờ bị cùng khổ. Khi toàn dân bị cùng khổ ấy là do vua đã không giữ đức trung chính. Bấy giờ, lộc Trời sẽ chấm dứt hẳn nơi vua; và quyền cai trị sẽ được chuyển sang tay người khác. Mệnh lệnh quyết liệt này của vua Nghiêu về sau cũng được vua Thuấn trao cho vua Vũ nhà Hạ như vậy Nhà Hạ của vua Vũ truyền đến vua Kiệt thì lộc Trời chấm dứt. Vận số được chuyển cho vua Thành Thang nhà Thương tên là Lý. Khi vua Thành Thang lên ngôi, ông đã tổ chức lễ tế cáo lên Thượng Đế chí tôn và bày tỏ lời khẩn nguyện đại ý:

– Không dám tha thứ cho kẻ có tội, tiêu biểu là việc đuổi vua Kiệt ra khỏi ngai vàng.

– Không dám giấu diếm những bầy tôi của Thượng Đế là các bậc hiền nhân, mà phải cất nhắc. Sở dĩ làm như vậy, vì tôi biết lòng Thượng Đế đã phân biệt rõ kẻ ác, người thiện.

– Giả như tôi có tội, xin hãy phạt một mình tôi, đừng phạt lây tới dân chúng cả nước.

– Nếu dân chúng cả nước có tội, đó là trách nhiệm của tôi, do tội lỗi của tôi gây nên; do đó, chỉ xin phạt một mình tôi thôi.

Lành thay, lời khẩn nguyện của bậc thánh vương đời xưa!

Câu “Chu hữu đại lại, thiện nhân thị phú” có thể được hiểu thành hai cách:

– Nhà Chu được (Trời) ban ơn lớn, người tốt dồi dào Nhà Chu ban ơn lớn (cho dân), những người tốt được giàu có.

Ngày nay, khó mà biết được Đức Khổng Tử nói câu đó theo ý nào; nhưng hiểu theo ý thứ nhất có vẻ hay hơn và ứng với Khương Thái Công ở câu dưới.

Câu “Tuy có người thân khắp nơi, không bằng có người nhân hiền. Trăm họ có lỗi, tại một mình tôi thôi” dường như do Chu Vũ Vương nói khi phong tước cho Khương Tử Nha làm Thái Công nước Tề. Đại ý, Vũ Vương khen Khương Thái Công là người nhân hiền; nhà Chu có Khương Thái Công còn hơn vua Trụ nhà Ân có người thân ở khắp nước. Trong câu này, Vũ Vương cũng nhắc lại ý tưởng, nhân đức của vua Thành Thang, nhận mình có lỗi thay cho dân chúng cả nước.

Sau khi diệt vua Trụ, với sự giúp đỡ của Chu Công Đán, Vũ Vương cẩn thận đặt lại việc cân đo đong lường cho thống nhất; xét rõ và tu chính pháp độ bao gồm tất cả luật lệ chi phối sinh hoạt chính trị trong nước như: hình luật, luật kinh tế, thương mãi, giao thông, điền sản… Vũ Vương lại cho điều tra về trường hợp các quan bị bãi chức dưới thời vua Trụ; ông nào có tài đức đều được phục chức hoặc giao việc mới. Vì thế guồng máy cai trị từ trung ương tới địa phương được tiến hành trôi chảy. Những nước chư hầu nào bị diệt dưới triều đại nhà Ân thì được phục hồi và tạo điều kiện cho phát triển. Con cháu của những dòng dõi bị diệt được nâng đỡ để tiếp nối sự nghiệp cha ông. Những kẻ sĩ ẩn dật lâu nay sống thanh bần, lam lũ ở quê nhà được mời ra làm việc nước. Do đó, toàn dân trong thiên hạ hết lòng quy phục nhà Chu.

Nhà nước chú trọng tới những việc liên hệ mật thiết với đời sống dân chúng: lo cho mọi người có đủ lương thực, không bị đói khát; ổn định việc tang chế, việc tế tự cho có quy củ, tránh sự phiền tối, hao tốn và mê tín dị đoan.

Kết quả việc sửa sang chính trị của nhà Chu là: do khoan thứ độ lượng mà thu phục được dân chúng; do gây được niềm tin đối với dân mà dân tin cậy, sẵn sàng tuân hành chính sách; vua quan và mọi người chăm chỉ làm việc mà sự nghiệp thành công, đất nước hưng vượng; do xử lý công bằng, không có ai bị oan ức cho nên mọi người được vui vẻ.

Đó là chính sách Vương đạo của các vua đầu đời nhà Chu; tuy không đạt tới mức tốt đẹp như dưới thời Nghiêu Thuấn cai trị bằng Đế đạo, nhưng đáng khen ngợi hơn thời Xuân Thu rất nhiều.

Đức Khổng Tử chỉ mong nền chính trị thời Xuân Thu theo được như thế; cho nên Ngài mới thuật lại cho các đệ tử nghe.

2. Tử Trương hỏi Đức Khổng Tử rằng: “Thế nào thì có thể theo việc chính trị được?”

Đức Khổng Tử nói: “Tôn trọng năm điều tốt đẹp, trừ bỏ bốn điều xấu, có thể theo việc chính trị được.”

Tử Trương hỏi: “Năm điều tốt đẹp là gì?”

Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử ban ơn mà không hao tốn, khiến cho mệt nhọc mà không oán, ham muốn mà không tham lam, khoan thứ mà không kiêu căng, tôn nghiêm mà không dữ tợn.”

Tử Trương hỏi: “Ban ơn mà không hao tốn là gì?”

Đức Khổng Tử nói: “Nhân cái lợi của dân mà làm lợi cho dân: ấy lại chẳng phải là ban ơn mà không hao tốn sao? Chọn điều đáng mệt nhọc mà khiến dân mệt nhọc: ai lại oán? Muốn điều nhân mà được điều nhân: sao lại là tham? Người quân tử không kể nhiều ít, không kể nhỏ lớn, không dám khinh thường: ấy lại chẳng phải là khoan thứ mà không kiêu căng sao? Người quân tử, áo mũ ngay ngắn, ngắm nhìn tôn kính, nghiêm trang, người ta nhìn vào mà sợ sệt: ấy lại chẳng phải là tôn nghiêm mà không dữ tợn sao?”

Tử Trương hỏi: “Bốn điều xấu là gì?”

Đức Khổng Tử nói: “Không dạy bảo mà giết, gọi là ác nghiệt. Không răn đe lại muốn thấy thành tựu, gọi là tàn bạo. Ra lệnh không cấp bách, lại đòi đúng kỳ hẹn, gọi là làm hại. Còn giao tiếp với người mà đưa ra thu vào bủn xỉn, gọi là nhỏ nhen.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Trương hỏi Đức Khổng Tử về những điều kiện để có thể tham dự vào việc chính trị. Dĩ nhiên, dưới quan điểm của Nho giáo chính truyền thì đây là chính trị vương đạo. Khác với chính trị bá đạo chủ trương dùng mưu thuật lừa đảo, dùng vũ lực áp chế để cai trị, chính trị vương đạo chủ trương lấy đạo đức, nhân nghĩa làm căn bản; cho nên điều kiện tiên quyết đòi hỏi người tham gia chính trị phải là người quân tử, chứ không phải là tiểu nhân. Người nào không học tập tu đức trở nên quân tử thì không xứng đáng dự vào việc chính trị.

Đã là người quân tử rồi; muốn theo việc chính trị cần phải tôn trọng năm điều tốt đẹp và trừ bốn điều xấu.

Năm điều tốt đẹp là:

Ban ơn mà không hao tốn:

Người cai trị không cần lấy công quĩ của nhà nước hoặc lấy tài vật của riêng mình mà ban cho dân. Nếu cứ lấy công quĩ mà ban phát, chẳng bao nhiêu cho đủ. Đức Khổng Tử cho biết rằng hãy nhân cái lợi của dân mà làm lợi cho dân.

Ví dụ, dân ở rừng thì hướng dẫn dân cách khai thác lâm nghiệp. Dân ở gần sông, biển, hồ, ao thì dạy dân cách khai thác thủy, hải sản. Dân vùng thấp thì dạy dân trồng lúa, ngô, khoai….. Dân ở vùng cao thì trồng cây công nghiệp, hoa trái… Đó là cách ban ơn cho dân bằng chính cái lợi của dân.

Khiến cho mệt nhọc mà không oán:

Dân sở dĩ oán than vì dân bị bắt phải làm những việc mệt nhọc vô ích, không được điều nghiên kỹ lưỡng, hoặc chỉ có lợi cho nhà cầm quyền. Nếu biết chọn những việc đáng mệt nhọc, tức là những việc cần thiết cho dân; dù có mệt nhọc bao nhiêu, dân cũng không oán, mà còn hăng hái hy sinh.

Ví dụ, khiến dân đắp đê ngăn nước tránh lũ; khai kênh mương dẫn thuỷ nhập điền để tăng gia sản xuất canh nông; mở đường sá, xây cầu cống để dân có phương tiện giao thông…

Ham muốn mà không tham lam:

Để tránh tiếng tham lam, người làm chính trị đừng ham muốn của cải, tiện nghi cho riêng mình, mà chỉ ham muốn điều nhân, phát triển điều nhân. Nếu đạt được điều nhân, không ai chê là tham lam được.

Khoan thứ mà không kiêu căng:

Khi tiếp xúc với dân, không kể đám dân ấy nhiều hay ít, không kể người thường hay người có chức sắc, địa vị, không kể nghèo giàu, không kể vô học hay trí thức, người cai trị đều xem bình đẳng, không dám khinh thường ai, mà luôn luôn tỏ ra lịch sự, rộng lượng bao dung và cố gắng lắng nghe để đáp ứng nguyện vọng của họ. Được như vậy, sao bị tiếng là kiêu căng được? Trái lại, người cai trị ấy ắt được dân ca ngợi là vị quan khoan thứ độ lượng, là “dân chi phụ mẫu”.

Tôn nghiêm mà không dữ tợn.

Người cai trị không cần phải có những biện pháp dữ dằn, ra oai để cho dân sợ. Chỉ cần người ấy ăn mặc chỉnh tề, kính cẩn nghiêm trang trong cách ngắm nhìn, đi đứng tử tế, nói năng mực thước; ấy là dân chúng phải kính sợ, trọng nể. Đó là cách biểu lộ tôn nghiêm mà không dữ tợn vậy.

Bốn điều xấu là:

Ác nghiệt:

Muốn cho dân sống lương thiện và chấp hành mệnh lệnh của nhà nước, phải dạy bảo cho dân thông suốt về các luật lệ cần phải tôn trọng, các bổn phận phải chấp hành và sự ích lợi của sự chấp hành. Nếu không giáo hoá mà khi dân phạm tội lại đem giết ngay. Đó là ác nghiệt.

Tàn bạo:

Muốn cho dân hoàn thành những việc công ích cần phải chỉ bảo khuyên răn. Không khuyên răn mà muốn nên việc ngay; không tạo được thành tích thì phạt; đó là tàn bạo.

Làm hại:

Khi ban hành lệnh thì thong thả, trì hoãn; thế rồi lại đòi xong đúng kỳ hẹn gấp gáp, làm cho dân không kịp trở tay xoay sở; ấy là làm hại dân.

Nhỏ nhen:

Khi ban thưởng cho dân mà đưa cái này ra lại muốn thu cái khác (xuất nạp); dè sẻn, bủn xỉn theo kiểu cách của một quan chức thấp (hữu tư) ở tỉnh lẻ quê mùa; ấy là nhỏ nhen.

Người học đạo Nho trở nên quân tử, muốn nhập thế hành đạo để đóng góp vào việc chính trị ổn định xã hội, cần phải ghi nhớ về năm điều tốt đẹp và trừ bỏ bốn điều xấu trên.

3. Đức Khổng Tử nói: “Không biết Mệnh, không lấy gì làm quân tử được. Không biết lễ, không lấy gì để đứng vững. Không biết lời nói, không lấy gì để biết người.”

BÌNH GIẢI:

Chữ Mệnh trong Nho giáo có tới ba nghĩa, tùy theo từng trường hợp, từng văn mạch.

Trong câu “Thiên mệnh chi vị tính ” của sách Trung Dung, mệnh nghĩa là phần tinh túy Trời trao cho con người. Mệnh ở đây cũng là “minh đức” (năng lực sáng láng) trong sách Đại Học.

Trong câu “Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân. Cố quân tử cư dị dĩ sĩ mệnh (Trên không oán Trời, dưới không trách người. Cho nên người quân tử sống đơn sơ để đợi mệnh) (Trung Dung, chương 14) thì mệnh ở đây là phận sự Trời trao cho con người trong đời. Có người có phận sự làm thầy hướng dẫn mọi người; có người có phận sự cai trị để ổn định xã hội; lại có người có phận sự làm thợ đáp ứng nhu cầu của sinh hoạt xã hội…

Trong câu “Đạo chi tương hành dã dư, mệnh dã. Đạo chi tương phế dã dư, mệnh dã (Đạo thi hành được, do mệnh vậy. Đạo bị bỏ đi, do mệnh vậy) (Luận Ngữ, Hiến vấn, 36) thì mệnh ở đây là ý chí của Trời sắp đặt trên tạo vật. Do ý chí của Trời mà xã hội có những điều cát (lành), hung (dữ), hoạ, phúc. Chữ mệnh này bao hàm quy luật nhân quả. Xã hội tạo nhân lành thì gặt hái được lành; xã hội gieo nhân dữ thì có quả dữ xảy đến. Cát, hung, hoạ, phúc trong đời người cũng chịu sự chi phối của quy luật nhân quả này.

Trong câu “Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã” của tiết này, chữ mệnh bao hàm hai nghĩa:

– Mệnh là phận sự Trời trao cho.

– Mệnh là những điều cát, hung, hoạ, phúc trong đời người hay trong xã hội, đất nước.

Đức Khổng Tử xác nhận: năm mươi tuổi Ngài biết mệnh Trời (ngũ thập nhi tri thiên mệnh), chữ mệnh cũng có hai nghĩa trên.

Học làm người quân tử, phải học cho biết mệnh của mình, nghĩa là phải biết Trời trao phó cho mình nhiệm vụ gì để chuẩn bị tiếp nhận và thích ứng. Đồng thời người quân tử cũng phải biết xã hội đất nước sẽ gặp những điều cát, hung, họa, phúc ra sao và phỏng đoán thời gian nào sẽ xảy ra những trường hợp đó.

Muốn biết Trời trao cho mình mệnh (phận sự) nào thì phải tự hỏi lòng mình và xem khả năng của mình. Lòng mình hướng chiều về đâu và mình có năng khiếu gì thì sẽ biết mệnh mình ở đấy.

Ví dụ, mình ham thích mở mang trí tuệ cho lớp đàn em, mệnh của mình sẽ là thầy giáo trong ngành giáo dục. Mình ham thích khoa học kỹ thuật, mệnh của mình sẽ là một khoa học gia. Mình thích suy tư về những hiện tượng nhân sinh, tìm hiểu những nguyên lý chi phối đời sống tinh thần, mệnh của mình sẽ là một triết gia…

Muốn biết quốc gia xã hội sẽ gặp những điều cát, hung, họa, phúc ra sao, phải xét tới quy luật nhân qủa. Nếu quốc gia xã hội có nhiều người thiện chí, hướng về những điều thiện thì xã hội sẽ gặp cát; nếu có nhiều người hướng về điều ác, vô kỷ luật, thì xã hội sẽ gặp hung… Nếu không học tập và suy đoán cho ra mệnh, người học không thể trở nên quân tử đúng nghĩa được. Dù cố gắng đóng kịch cho ra vẻ, người ấy cũng chỉ là ngụy quân tử mà thôi.

Người quân tử lại phải biết lễ. Lễ là điều tốt đẹp diễn ra khi có sự giao tiếp giữa mọi người trong xã hội. Xã hội có nhiều thứ bậc: già trẻ, trai gái, người trên kẻ dưới. Lễ chính là sự kính trên nhường dưới, kính già yêu trẻ, trai gái giao tiếp đúng đắn; đó là những sự cư xử, đối đãi cho đẹp lòng người. Không biết lễ, người ta không biết chỗ đứng của mình trong xã hội ở đâu, không thể vững vàng trong vị trí của mình, không được mọi người mến chuộng.

Người quân tử cũng phải biết lời nói; lời nói của người và lời nói của mình. Không phân biệt được lời nói của người cho kỹ lưỡng, mình không thể biết người đối thoại với mình là loại nào, đáng tin cậy hay đáng xa lánh. Ngoài ra người quân tử phải biết lời nói của mình tác dụng ra sao đối với người. Do lời nói hay, hợp tình hợp lý, người tốt sẽ đến với mình. Do lời nói dở, vô lý, thiếu cảm tình, người tốt sẽ xa lánh mình. Lời nói của mình tốt hay xấu sẽ chịu quy luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nếu mình nói toàn điều xấu, mình chỉ có thể tìm bạn trong đám người xấu. Người đời gọi đó là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” (trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa). Không biết người tốt mà gần, không tạo cơ hội cho người tốt gần mình, sao mình có thể trở thành người quân tử và lập được sự nghiệp vẻ vang ở đời?.

Tóm lại, người quân tử phải học cho biết mệnh, biết lễ và biết lời, mới có thể thành công trong đời và sau đó tiến xa vào cõi đạo, nên bậc hiền thánh. Biết mệnh trong cõi nhân sinh, lại còn phải thực hiện “thiên mệnh” tiềm tại trong chính mình, tức là trở về với “tính bản nhiên” của con người, hay là làm sáng lên năng lực sáng láng vốn có tại mình (minh minh đức), người quân tử mới có thể “phối thiên”.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

3 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x