Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 3 – Bát Dật

Luận Ngữ – Chương 3 – Bát Dật

by Hậu Học Văn
1579 views

BÁT DẬT ĐỆ TAM

1. Đức Khổng tử bảo họ Quí: “Múa tám hàng ở sân miếu, điều ấy có thể nỡ làm thì điều gì không nỡ làm?”

BÌNH GIẢI:

Để hiểu ý Đức Khổng tử, chúng ta nên biết qua về “Múa tám hàng” (Bát  dật vũ). Múa tám hàng là nghi lễ dành cho thiên tử nhà Chu (bậc Vương) khi  cúng tế các tiên vương. Chu Lễ ấn định rằng:

  – Lễ cúng tế tổ tiên dành cho thiên tử được dùng 8 hàng, mỗi hàng 8 người,  tổng cộng có 64 vũ công múa trước sân miếu (Bát dật). 

– Lễ cúng tế tổ tiên dành cho vua chư hầu (bậc Công) được dùng 6 hàng,  mỗi hàng 6 người múa, tổng cộng 36 người (Lục dật).Vua nước Lỗ ở vào  bậc này 

– Lễ cúng tế tổ tiên dành cho bậc đại phu được dùng 4 hàng, mỗi hàng 4  người múa, tổng cộng 16 người (Tứ dật). Họ Quí ở vào bậc này. 

– Lễ cúng tế tổ tiên dành cho bậc quan sĩ được dùng 2 hàng, mỗi hàng 2  người múa, tổng cộng 4 người (Nhị dật). 

Họ Quí là quan đại phu nước Lỗ, theo Chu lễ thì chỉ được dùng lễ Tứ dật.  Nay họ Quí dùng lễ Bát dật, đó là vượt cả vua Lỗ, đặt mình ngang hàng với  thiên tử nhà Chu. Như thế là lạm dụng nghi lễ bậc trên; đó là một hình thức  phạm thượng.  Nghi lễ được đặt ra mang ý nghĩa sắp đặt một trật tự xã hội từ trên xuống  dưới, tùy theo công lao đối với triều đại, đối với quốc gia. Trật tự được tuân  giữ thì xã hội mới ổn định. Họ Quí đã lạm dụng nghi lễ, tỏ ý phạm thượng;  điều đó biểu lộ thái độ tự cao tự đại; vô tình hay cố ý đã thể hiện ý muốn làm loạn hay khinh thị bậc trên. Đức Khổng tử cho rằng họ Quí nỡ làm việc tiếm lễ như thế, thì còn điều gì mà không thể nỡ làm, kể cả việc cướp ngôi. Đó là điều nguy hiểm và đáng trách vậy.

2. Ba nhà lấy Ung thi để dẹp đồ tế. Đức Khổng tử nói: “’Duy vua chư hầu trợ tế, Thiên tử tỏ lòng cung kính!’ Sao lại dùng Ung thi để dẹp đồ tế ở miếu đường ba nhà?”

BÌNH GIẢI:

Theo Chu Lễ, mỗi khi có cuộc cúng tế ở tông miếu, thiên tử (vua nhà Chu)  đứng chủ tế, còn các vua chư hầu làm trợ tế. Sau khi tế xong, người ta hát  Ung thi, một thiên trong phần Chu tụng của Kinh Thi để dẹp đồ tế. Nghi thức  ấy chỉ dành riêng cho thiên tử nhà Chu, các vua chư hầu cũng không được  lạm dụng.  Nay, ba nhà quyền thế thuộc hàng đại phu ở nước Lỗ là họ Mạnh Tôn, họ  Thúc Tôn và họ Quí Tôn dùng Ung thi để dẹp đồ tế ở miếu đường nhà mình.  Đức Khổng tử đã đọc hai câu đầu bài Ung thi: “Duy vua chư hầu trợ tế, thiên  tử tỏ lòng cung kính” và nói lên lời thống trách ba nhà Mạnh Tôn, Thúc Tôn,  Quí Tôn. Việc này cũng tương tự như múa Bát dật ở nhà họ Quí Tôn vậy. Ngài  cho đó là hành vi tiếm lễ, phạm thượng, chứng tỏ họ vừa không hiểu biết vừa  ngạo mạn, tỏ ý vượt quyền vua Lỗ.

3. Đức Khổng tử nói: “Người mà không có lòng nhân, hành lễ được sao? Người mà không có lòng nhân, tấu nhạc được sao?”

BÌNH GIẢI:

Trong Nho Giáo, nhân là đức hạnh nền tảng của con người. Với chiều kích  thấp hẹp, nhân là lòng yêu thương mọi người; với chiều kích cao sâu, nhân  là lòng trung thành với đạo trời, là sợi dây liên kết giữa người với Trời. Sách  Trung dung nói: “Nhân giả, nhân dã – 仁者, 人也.” (Có lòng nhân ấy là người  vậy.). Điều đó có nghĩa là: Người có lòng nhân mới là con người đích thực; còn  người không có lòng nhân chẳng phải là con người đúng nghĩa.

  Theo quan niệm của Nho giáo, lễ không chỉ là hình thức lễ nghi bên ngoài;  lễ là sự tôn kính, sự từ nhượng ở trong lòng. Cũng theo quan niệm này, Nhạc  không chỉ là những giai điệu tiết tấu âm thanh phát ra từ các nhạc khí; nhạc  là sự hoà mục trong lòng, sự hoà mục với tha nhân, với thiên nhiên vạn vật. 

Với quan niệm lý tưởng như vậy về lễ nhạc, thì lễ nhạc là sự phát tiết của  tâm tình tôn kính, từ nhượng, hoà mục ra bên ngoài, biểu hiện trên hình thức  tương giao và trên cung bậc âm thanh. Thế mà tâm tình tôn kính, từ nhượng,  hoà mục chỉ có ở con người có lòng nhân. Còn ở người bất nhân thì chẳng có  những tâm tình ấy. Vì vậy, người bất nhân không thể hành lễ đúng nghĩa  được, không thể tấu nhạc cho nên được. Người bất nhân dù có hành lễ, đó chỉ  là lễ giả dối với những nghi tiết rườm rà, những y phục lòe loẹt, những dáng  điệu gượng gạo, chứ không phải thực lễ.

Người bất nhân dù có tấu nhạc, đó  chỉ là sự kết hợp của các nhạc khí, giai điệu âm nhạc chỉ là sự pha trộn của  các cung bậc bổng trầm một cách rối loạn, chứ không phải thực nhạc. Thực lễ  tạo nên niềm tin, tạo nên sự hoà ái sâu xa. Thực nhạc tạo nên niềm an vui,  giao cảm tốt lành. Còn lễ nhạc giả dối gây nên sự khó chịu, sự chia rẽ, bất  bình, sự khắc khoải, bất an.  Có hiểu thấu đáo chữ nhân, chữ lễ, chữ nhạc trong Nho giáo, mới hiểu  được ý tứ của Đức Khổng tử trong câu nói trên.

4. Lâm Phỏng hỏi về gốc lễ. Đức Khổng tử nói: “Câu hỏi lớn lao thay. Lễ, ví bằng xa xỉ, thà tiết kiệm còn hơn; tang, ví bằng coi thường, thà thương xót còn hơn.”

BÌNH GIẢI:

Lễ, theo nghĩa phổ thông chỉ các nghi thức được tổ chức vào những trường  hợp đặc biệt trong đời sống xã hội, như lễ tế, lễ mừng, lễ hôn nhân, lễ an táng  v.v… Lâm Phỏng đã hỏi Đức Khổng tử về gốc của lễ. Ngài khen ngợi ông về  câu hỏi này, bởi vì đó là điều quan trọng mà nhiều người không biết. Người  ta cứ tưởng rằng lễ là các nghi thức bao gồm những sự trang trí, nhạc khí, y  phục, ẩm thực v.v… Hiểu như vậy nên mỗi khi tổ chức một buổi lễ lớn, người  ta chỉ lo sắm các đồ trang trí đẹp đẽ, đắt tiền, nhạc khí đầy đủ, y phục sang  trọng, ăn uống linh đình v.v… mà không mấy chú trọng đến ý nghĩa thực sự  của buổi lễ. Tuy nhiên những thứ xa xỉ, hao phí tiền của bên ngoài đó không  phải gốc của lễ. 

Đức Khổng tử có ý muốn nói: Tổ chức lễ mà phải hao tốn như vậy, thà rằng  tiết kiệm còn hơn. Tiết kiệm thì không nghèo. Không nghèo thì không phải  mất công kiếm tài lợi bằng phương thế bất chính. Ngài đưa ra một ví dụ về lễ  tang. Gốc của lễ tang là biểu lộ lòng thương xót đối với người đã khuất. Nếu  tổ chức lễ tang mà chú trọng hình thức hao tốn tiền của, còn trong lòng coi  thường người đã khuất thì thà rằng biểu lộ lòng thương xót còn hơn.  Gốc của lễ ở trong lòng. Gốc của lễ tế (kỵ giỗ) là lòng tôn kính. Gốc của lễ  mừng là lòng yêu mến. Gốc của lễ hôn nhân là tình yêu khăng khít của vợ  chồng. Gốc của lễ tang là lòng thương xót. 

5. Đức Khổng tử nói: “Những rợ Di, Địch còn có vua, chẳng như các nước ở Hoa Hạ bỏ mất vua.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Xuân Thu (722 – 480, trước Công nguyên) nước Trung Hoa (Hoa  Hạ) bao gồm khoảng 100 nước nhỏ; đứng đầu là thiên tử nhà Chu, dưới quyền  là các vua chư hầu lãnh đạo các nước nhỏ. Tuy nhiên, tình thế loạn lạc hết  mức. Nhà Chu suy vong, thiên tử chỉ ngồi làm vì, các vua chư hầu không còn  tôn trọng quyền bính trung ương. Trong các nước chư hầu, các đại thần cũng  lấn quyền vua, khiến cho kỷ cương mất cả. Tiêu biểu là ở nước Lỗ (quê hương  Đức Khổng tử), họ Quí dùng lễ Bát dật ở miếu đình, ba nhà Mạnh Tôn, Thúc  Tôn, Quí Tôn hát Ung thi khi dẹp đồ tế cúng. Đó là những hành vi tiếm lễ, vượt quyền vua chư hầu và khinh thị thiên tử nhà Chu. Tiếm lễ là đầu mối  gây nên những mối họa hoạn khác trong xã hội.

 Trước tình hình như vậy, Đức Khổng tử than thở câu trên có ý cho rằng  nước Trung Hoa có vua cũng như không. Thế là Trung Hoa đã thua kém các  rợ Di Địch ở lân bang về lễ giáo và sự ổn định. 

6. Họ Quí tế thần ở Thái Sơn. Đức Khổng tử bảo Nhiễm Hữu rằng: “Ngươi không thể ngăn cản được ư?” Nhiễm Hữu đáp: “Không thể được.” Đức Khổng tử nói: “Than ôi! Đã từng cho rằng [thần núi] Thái Sơn chẳng bằng Lâm Phỏng sao?”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, người ta thường quan niệm những gì to lớn và lâu đời hay toát  ra những năng lực siêu nhiên có ảnh hưởng tới con người và cả động vật, thực  vật ở xung quanh. Những năng lực ấy được gọi là thần. Thái Sơn là ngọn núi  hùng vĩ nằm trong địa giới nước Lỗ, cũng được cho là có thần, gọi là thần Thái  Sơn. Muốn cho quốc thái dân an, mùa màng phong thịnh, vào thời Xuân Thu,  thiên tử nhà Chu có lệ ủy thác cho vua Lỗ thay mình ra tế lễ ở Thái Sơn, gọi  là tế lữ; vì Thái Sơn nằm trong địa giới nước Lỗ.

Vậy thẩm quyền tế lữ ở Thái  Sơn chỉ thuộc về Lỗ hầu. Nay họ Quí (Quí Khương tử) là một quan đại phu  dưới quyền vua Lỗ đã đến Thái Sơn tế lữ; đó là sự phạm lễ, tỏ ý lấn áp quyền  vua, tạo ra mầm mống rối loạn trong nước.  Nhiễm Hữu là môn đệ Đức Khổng tử, được Quí Khương tử dùng làm gia  thần giúp việc chính trị. Nhiễm Hữu đã được học lễ, cho nên Đức Khổng tử hỏi  Nhiễm Hữu tại sao không ngăn cản việc ấy. Nhiễm Hữu thưa rằng: “Không  thể được.”

Do đó, Đức Khổng tử mới cho rằng họ Quí đã cả gan coi linh lực  siêu nhiên (được nhân cách hoá thành thần) ở Thái Sơn không hiểu lễ bằng  Lâm Phỏng; bởi vì Lâm Phỏng đã từng hỏi về căn bản của lễ với Đức Khổng  tử (đoạn trên đã thuật). Lâm Phỏng biết về gốc lễ, tức là biết về tôn ti trật tự trong xã hội; chẳng lẽ thần Thái Sơn lại không bằng Lâm Phỏng mà đi tiếp nhận tấm lòng kính ngưỡng nhưng “vô lễ” của họ Quí hay sao! Đức Khổng tử thống trách họ Quí cốt để cảnh giác người đời về nguy cơ rối loạn xã hội.

7.Đức Khổng tử nói: “Bậc quân tử không có chuyện tranh giành; ắt có thì ở cuộc bắn thôi. Vái chào nhún nhường khi lên, xuống thì mời uống. Tranh giành như thế là bậc quân tử.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử quan niệm bậc quân tử phải trọng lễ. Lễ là sự cư xử hoà  hoãn, nhường nhịn, không tranh giành giữa người này và người kia. Ngay cả  trong cuộc thi bắn cung (xạ), đó là nơi có sự ganh đua hơn thua, thắng bại,  bậc quân tử cũng phải giữ lễ.

 Ngày xưa, bắn cung là một môn học trong Lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư,  số). Do đó, thi bắn cung là một cách biểu lộ tài năng để được tuyển chọn ra  làm người đảm đương việc nước. Tài năng phải đi đôi với đức hạnh, cho nên  cuộc thi bắn cung là nơi các thí sinh biểu lộ tài đức. Chẳng những đối với các  thí sinh mà thôi, ngay cả các khán giả cũng được tuyển chọn theo tiêu chuẩn  đức hạnh.

 Sách Lễ Ký đã tường thuật cuộc thi bắn cung do Đức Khổng tử chủ trì  cùng với các phụ tá là Tử Lộ, Công Võng Chi Cầu và Tự Điểm. Tiêu chuẩn  dành cho những người dự khán là:

 – Đối với người trẻ, đã thấu được lẽ hiếu thuận với phụ mẫu, thương yêu  anh em.

 – Đối với người già, thường yêu thích lễ nghĩa, lấy việc tu dưỡng phẩm chất  đạo đức làm mục tiêu, không theo lưu tục, được gọi là khách quí ngồi  chỗ danh dự: 

– Đối với người trẻ, siêng năng học hành mà không chán, yêu thích lễ nghĩa mà không đổi.

– Đối với người già, phụng hành chính đạo, tuyệt không hồ đồ làm càn bậy.

Đối với các thí sinh, mỗi người đều vái chào và nhường nhau lên giàn bắn. Bắn xong, đi xuống, các thí sinh cùng nhau mời rượu uống để tỏ niềm hoà khí. Đó là sự tranh giành lịch sự nhã nhặn của bậc quân tử.

8. Thầy Tử Hạ hỏi rằng: “Cười khéo xinh xắn thay, mắt đẹp long lanh thay, trong trắng mà làm nên sặc sỡ”; ý nghĩa thế nào vậy?” Đức Khổng tử nói: “Vẽ vời nên được theo sau cái nền trong trắng.”  Thưa rằng: “Việc lễ thành tựu sau chăng?”  Đức Khổng tử nói: “Khởi phát được ý ta ấy là trò Thương vậy. Ban đầu  như thế mới có thể cùng nói về Kinh Thi được.” 

BÌNH GIẢI:

Kinh Thi là một tác phẩm có những bài ca dao trong dân gian Trung Hoa  được tuyển chọn. Vào thời thượng cổ, ngôn ngữ loài người bị hạn chế, chưa dồi  dào từ ngữ, nên ý tứ trong những bài ca dao rất súc tích. Các nhà nghiên cứu  thường cho rằng ca dao bao gồm 3 thể: phú, hứng và tỷ. Phú là diễn tả trực tiếp cảnh vật. Hứng là nhân có cảnh vật mà nảy ra tình cảm, tư tưởng. Tỷ là  so sánh cảnh vật với tình ý của mình. 

Nhiều khi trong một bài ca dao có đủ 3 thể: phú, hứng và tỷ. Tiêu biểu là  mấy câu Kinh Thi được thầy Tử Hạ trích dẫn trên đây. Diễn tả vẻ đẹp của nụ  cười xinh xắn và của con mắt long lanh thuộc về thể phú. Nhân cái đẹp ấy mà  nảy ra ý tưởng về cái đẹp tinh thần thuộc về thể hứng. Từ cái đẹp tinh thần  trong trắng đưa đến ý tưởng so sánh với một cái nền vải trắng tinh trước khi  được tô vẽ là thể tỷ.  Bởi vì mấy câu Kinh Thi này hàm chứa ý tưởng phong phú và kín đáo như  vậy nên thầy Tử Hạ không hiểu được. Với sự suy luận phổ thông, dường như  hai câu trên và câu 3 không liên hệ ý tưởng với nhau. Trước sự thắc mắc của  Tử Hạ, Đức Khổng tử chỉ trả lời căn cứ vào câu 3 với gợi ý nho nhỏ để kích  thích óc suy luận của đệ tử.

Và Tử Hạ đã phát hiện ra: Lễ, những cách thế cư  xử tốt đẹp của con người với nhau, như là những nét vẽ vời sặc sỡ đủ màu, chỉ  có thể biểu hiện hết cái đẹp của nó trên cái nền tinh tuyền trong trắng, nhân  hậu, tương tự như những hình vẽ hiện rõ trên cái nền vải trắng tinh.  Thấy Tử Hạ phát hiện được ra thâm ý ấy, Đức Khổng tử ngợi khen đại ý  rằng: có trực giác linh mẫn ban đầu như thế, mới có thể cùng thầy nói về đạo  lý trong Kinh Thi và mới có thể thấu hiểu được minh triết trong cõi đời.

9. Đức Khổng tử nói: “Lễ nhà Hạ, ta có thể nói được, nhưng nước Kỷ không đủ để dẫn chứng. Lễ nhà Ân, ta có thể nói được, nhưng nước Tống không  đủ để dẫn chứng. Những văn kiện và người hiền không đủ để nêu bằng  cớ nữa. Nếu đủ thì ta có thể dẫn chứng ra vậy.” 

BÌNH GIẢI:

Vốn có tâm tư muốn ổn định xã hội, Đức Khổng tử đã để nhiều thời gian  nghiên cứu về lễ của các triều đại, vì lễ thể hiện những mối tương giao trong  xã hội. Mỗi triều đại (nhà Hạ, nhà Ân) đều có lễ tiết của mình; mỗi nền lễ đều  căn cứ vào nền lễ của thời trước rồi sửa đổi đi ít nhiều. Sở dĩ lễ phải thay đổi  vì thời thế thay đổi; lễ cần phải được canh cải để thích ứng với qui luật biến  dịch của vũ trụ nhân sinh. Vì thế, nếu nghiên cứu lễ một cách tinh vi, người  ta có thể biết được ít nhiều sự thay đổi trong cách sinh hoạt và tâm lý con  người theo chiều lịch sử. 

Do nghiên cứu nhiều, Đức Khổng tử biết rõ về lễ của nhà Hạ, nhà Ân. Ngài  có thể thuyết minh được về sự khác nhau và ý nghĩa các lễ tiết của hai thời  ấy. Tuy nhiên ngài không thể dẫn chứng đích xác cho người ta tin vì nước Kỷ  và nước Tống, là hai dòng dõi còn sót lại của hai nhà Hạ và nhà Ân, đã không  còn duy trì được đầy đủ các lễ tiết của tổ tiên nữa. Các lễ tiết không những  chỉ được ghi trong các văn kiện, mà quan trọng hơn còn biểu hiện ra trong  cung cách cư xử của các bậc hiền nhân. Đó là văn hiến của một nước.

Ngày  nay, văn kiện bị thất thoát theo thời gian đã đành, nhưng các hiền nhân hàm  dưỡng tinh thần lễ cũng không còn nữa, thì lấy đâu bằng cớ để trưng dẫn!  Những câu nói trên của Đức Khổng tử không có ý nói về học thuật, nhưng  hàm ý than thở về sự suy thối của tinh thần lễ, lại còn tỏ ý tiếc xót rằng vào  thời bấy giờ, các bậc hiền nhân càng ngày càng trở nên hiếm hoi. Không còn  kiếm đâu ra những con người nhân đức, lễ nghĩa trong thời đại loạn ấy nữa! 

10. Đức Khổng tử nói: “Lễ tế Đế, từ khi rót rượu trở đi, ta không muốn xem nữa!”

BÌNH GIẢI:

Lễ tế Đế là một trong hai lễ (Đế và Thường) do Chu Công đặt ra để tế tổ  tiên nhà Chu. Đó là đại lễ do thiên tử chủ trì, diễn ra 5 năm một lần tại tông  miếu vào mùa xuân (Xuân Đế). Lễ Thường được tổ chức mỗi năm với qui mô  nhỏ hơn vào mùa thu (Thu Thường). 

Trong nghi thức lễ, có tiết mục rót rượu xuống đất để thỉnh vong linh tổ  tiên; sau đó, bài vị tổ tiên được sắp đặt ra. 

Giải thích lý do mà Đức Khổng tử không muốn xem phần nghi lễ sau khi  rót rượu trở đi, học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Khổng Tử không muốn xem  việc bày bài vị đó vì vua Lỗ Văn Công bày bài vị sai, không hợp lễ, đặt bài  vị Hi Công ở trên bài vị Mẫn Công. Hi Công là anh của Mẫn Công, giết Mẫn  Công để cướp ngôi. Văn Công là con Hi Công cho nên đặt cha trên Mẫn Công.  Khổng Tử cho Mẫn Công mới thực là vua, Hi Công thí quân để tiếm vị, phải  đặt bài vị của Mẫn Công lên trên.” (Nguyễn Hiến Lê, Luận Ngữ, NXB Văn  học, năm 1995, trang 60-61). 

11. Có người hỏi về học thuyết tế Đế. Đức Khổng tử nói: “Không biết nữa. Nếu biết học thuyết ấy mà đem ra thiên hạ thì cũng như nhìn xem ở cái này chăng?” Ngài chỉ vào bàn tay của mình. 

BÌNH GIẢI:

Trong sách Trung dung, chương 19, Đức Khổng tử có nói: “Minh hồ Giao  Xã chi lễ, Đế Thường chi nghĩa, trị quốc kỳ như thị chư chưởng hồ -明乎郊社  之禮,禘嘗之義,治國其如示諸掌乎! ” (Làm sáng tỏ được lễ Giao, lễ Xã,  sáng tỏ được ý nghĩa lễ Đế, lễ Thường, thì việc trị nước như nhìn ở bàn tay  vậy.) Ý nghĩa của câu này cũng tương tự như vấn đề đang được nói ở đây. Đức  Khổng tử chủ trương rằng, muốn xã hội ổn định, cần phải cai trị bằng lễ. Lễ  là phương tiện giáo dục con người, dẫn dắt con người đến điều thiện một cách  tự nhiên mà không cần phải chú trọng tới hình pháp khắc nghiệt.

Lễ Giao, lễ  Xã hướng về hai năng lực trời đất: trời cho ánh sáng, dưỡng khí; đất cho nước,  thực phẩm. Hai lễ Giao, Xã thể hiện lòng tạ ơn Thượng đế đã cho loài người  sự sống qua hai năng lực trời đất (càn khôn) để loài người trưởng thành, phát  triển tài năng và sống vui. Lễ Đế, lễ Thường hướng về tổ tiên là những bậc có  công sinh dưỡng, giáo dục…  Với lễ Giao, lễ Xã, con người biết mình là con của Thượng Đế, có sứ mệnh  cao cả ở trần gian, thì sẽ biết xa lánh hành vi ác, không vi phạm phép nước,  biết yêu mến tha nhân.

 Với lễ Đế, lễ Thường, con người biết tôn kính tổ tiên, noi gương các tiền nhân trong những việc tốt, lại biết quí mến bà con xa gần  của mình.  Trong các nghi lễ trên, lại có sự phân biệt trên dưới, chức việc, tuổi tác, thể  hiện sự kính trọng đối với người tài đức, người già cả, thể hiện sự hoà ái đối  với người trẻ cấp dưới. Do đó, người ta biết phân công, điều phối, bố trí một  cách hợp tình, hợp lý. Thực hành các nghi lễ để biết sống theo thiên đạo, phù  hợp với nhân đạo; vận dụng những điều ấy vào việc trị nước thì sự cai trị sẽ  trở nên dễ dàng và có hiệu quả tốt.

  Đức Khổng tử đã hiểu về ý nghĩa và công dụng của lễ một cách sâu xa,  nhưng ngài chưa có cơ hội và thời gian để thi thố bản lĩnh của mình. Tuy  nhiên, ở đây, ngài trả lời “không biết nữa”, là hàm ý khiêm nhượng trong  ngôn ngữ; đồng thời thể hiện sự tế nhị trước hành vi tiếm lễ của Lỗ hầu lúc  bấy giờ. Vua Lỗ thi hành lễ tế Đế, đó là vượt quyền hạn của một vua chư hầu;  điều đó phương hại đến sự ổn định thống nhất của thiên hạ nhà Chu. 

12. Cúng tế như có sự hiện diện; cúng tế thần linh như có thần linh hiện diện. Đức Khổng tử nói: “Ta không tham dự cúng tế, thấy như không cúng tế.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử quan niệm cúng tế là một việc cần phải được thi hành cẩn  thận. Cúng tế tổ tiên là tỏ lòng tôn kính tổ tiên; vì thế mỗi khi đứng trước bàn  thờ tổ tiên mà cúng tế, phải coi như có sự hiện diện của tổ tiên ở trước mặt.  Như vậy mới tạo nên được mối cảm thông giữa mình và tổ tiên. Cúng tế là  một nỗ lực thăng tiến tinh thần đem lại ơn ích cho người tế. Tinh thần được  tập trung đến cao độ thì con người có thể vượt qua được giới hạn của không  gian và thời gian để tiếp cận với tổ tiên trong siêu nhiên giới.

Nếu không đạt  tới tình trạng tâm cảm chân thành mà chỉ thi hành nghi thức bề ngoài, việc  cúng tế sẽ hoá ra vô ích.  Đối với việc cúng tế thần linh cũng vậy. Thần linh là thực tại siêu việt,  nguyên ủy của vũ trụ vạn vật; hoặc thần linh là linh lực siêu nhiên. Cúng  tế thần linh là bày tỏ sự tôn kính thần linh, là thông dự vào năng lực chính đại huyền diệu của thần linh để nhận lấy linh lực siêu nhiên, đem linh lực  ấy vào cuộc sống của mình.

Muốn vậy, khi cúng tế, cần phải coi như có thần  linh hiện diện trước mặt, mới có thể thành tựu được sự huyền cảm tương giao.  Quan niệm việc cúng tế quan trọng như thế, cho nên mỗi khi Đức Khổng  tử vì mắc bận không đích thân tham dự việc cúng tế mà phải cử người thay  mình, thì ngài cảm thấy áy náy như chưa có cúng tế vậy. 

13. Vương Tôn Giả hỏi rằng: “Đi nịnh thần Áo, thà nịnh thần Táo.” Ý nghĩa thế nào vậy?”

Đức Khổng tử nói: “Không phải vậy. Đã mắc tội với Trời thì không chỗ nào có thể cầu khấn được.”

BÌNH GIẢI:

Vương Tôn Giả là quan đại phu có thế lực ở nước Vệ. Khi Đức Khổng tử  đến nước Vệ, ra mắt Vệ Linh Công; Vương Tôn Giả lấy câu tục ngữ trên hỏi  Đức Khổng tử, có lẽ muốn gợi ý rằng: lấy lòng vua Vệ (thần Áo) chẳng bằng  lấy lòng quan đại phu Vương Tôn Giả hay lấy lòng vợ yêu của vua Vệ như các  nàng Nam Tử và Di Tử Hà thì mới mong được trọng dụng (thần Táo).

 Theo cổ tục Trung Hoa, thần Áo (uyên thâm) là linh lực chủ trì căn nhà;  thần Táo (bếp) là năng lực chủ trì cái bếp. Thần Áo được thờ ở góc nhà tây  nam. Linh lực chủ trì căn nhà thuộc về năng lực đất, biểu thị bằng quẻ khôn  (địa). Theo Hậu thiên bát quái, quẻ khôn được đặt ở tây nam, cho nên năng  lực đất được thờ ở hướng tây nam. Thần Táo được thờ ở cái bếp. Linh lực chủ  trì cái bếp là năng lực làm chín thức ăn; do đó năng lực bếp (thần Táo) được  coi trọng hơn năng lực đất (thần Áo). 

Từ những ý nghĩa cổ truyền đó, câu tục ngữ trên muốn nói rằng: cấp dưới  còn có thế lực hơn cấp trên. Vì thế, muốn cầu quan chức thì hãy lấy lòng cấp  dưới còn hơn lấy lòng vua.  Đức Khổng tử hiểu được ý đó, nhưng ngài nào có thiết tha với việc cầu  quan. Ngài đến nước Vệ hay đến các nước khác chỉ cốt bày tỏ phương thế  trị an đất nước bằng chính đạo; nếu vua nào muốn theo thì ngài giúp, bằng  không thì thôi, chứ nào ngài có muốn cầu cạnh để kiếm bổng lộc gì đâu!

 Nhân câu hỏi của Vương Tôn Giả, Đức Khổng tử đã chuyển hướng câu  trả lời sang một ý khác có tính giáo dục người ta về đường đạo đức mà tránh  những thói cầu cúng dị đoan. Đa số người đời chẳng chịu xa lánh tội lỗi; mỗi  khi gặp chuyện chẳng lành thường chạy đến đền nọ, miếu kia để cầu cúng  xin ơn. Có biết đâu rằng, nếu không sống theo chính đạo mà mắc tội với Trời,  thì dù cầu khấn thần thánh ở đâu cũng chẳng khỏi tội! Thế mà “lưới trời lồng  lộng, thưa mà chẳng lọt”( 天罔恢恢, 疏而不漏 – Thiên võng khôi khôi, sơ nhi  bất lậu.) 

14. Đức Khổng tử nói: “Nhà Chu coi xét ở hai triều đại. Văn vẻ rực rỡ thay! Ta theo nhà Chu.”

BÌNH GIẢI:

Nhà Chu là triều đại kế tiếp sau hai triều đại: nhà Hạ của vua Vũ và nhà  Thương của vua Thành Thang. Sau khi thắng vua Trụ, lập ra nhà Chu, Vũ  Vương đã nhờ Chu Công căn cứ vào các lễ tiết của nhà Hạ và nhà Thương để  soạn ra Chu Lễ, hoàn bị hoá công việc cai trị thiên hạ theo vương đạo. Đức  Khổng tử đã từng đến kinh đô nhà Chu ở Lạc Dương để khảo sát về lễ. Ngài  thấy Chu Lễ đầy đủ văn vẻ rực rỡ, bao hàm ý nghĩa sâu xa, cho nên đã lên  tiếng khen ngợi và chấp nhận nghi lễ ấy, không cần thay đổi gì nữa. 

15. Đức Khổng tử vào nhà Thái miếu, mỗi việc đều hỏi. Có người nói: “Ai bảo người ấp Trâu biết lễ? Vào nhà Thái miếu, việc gì cũng hỏi.” Đức Khổng tử nghe thấy bèn nói: “Thế là lễ vậy.”

BÌNH GIẢI:

Thái miếu là tổ miếu của nước Lỗ, trong đó thờ Chu Công, em của Vũ  Vương nhà Chu. Chu Công giúp Vũ Vương soạn Chu lễ, ổn định sự cai trị của  nhà Chu, được phong về nước Lỗ. Dòng tộc Lỗ hầu hằng năm cúng tế tại đó  để tưởng nhớ Chu Công.  Bởi vì Chu Công là người soạn tác Chu lễ, cho nên mỗi vật được sắp đặt,  mỗi việc được diễn ra trong Thái miếu nước Lỗ đều mang ý nghĩa sâu sắc.  Mặc dầu Đức Khổng tử là người đã tìm hiểu về nghi lễ của Tam đại (Hạ,  Thương, Chu) một cách cẩn thận, nhưng ngài vẫn hỏi han kỹ lưỡng từng chi  tiết khi vào Thái miếu nước Lỗ. Đó là thái độ vừa khiêm tốn vừa tôn kính của  Đức Khổng tử đối với Chu Công. 

Ngoài ra, những điều Đức Khổng tử biết về lễ chẳng qua là kiến thức đọc  được trong sử sách hoặc do người ta thuật lại. Vào Thái miếu, ngài mới thấy  tận mắt những chi tiết của Chu lễ được diễn bày. Hỏi han cẩn thận là thái  độ thành khẩn trong học tập để điều chỉnh lại những sự hiểu biết lệch lạc do  căn bệnh chủ quan. Tất cả những điều ấy (khiêm tốn, tôn kính, thành khẩn)  chính là sự biểu hiện của tinh thần biết lễ vậy. 

16. Đức Khổng tử nói: “Bắn không nhằm xuyên đích, vì sức không cùng thứ bậc với nhau. Đường lối xưa như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời cổ ở Trung Hoa, các học trò đều được tập bắn cung (xạ). Bắn cung là một môn học trong Lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Có học thì có thi.

Phép thi bắn đòi hỏi xạ thủ phải bắn trúng tâm bia; ở đó có treo một miếng  da thú (bì), được gọi là cái hộc (chim hộc). Hộc là cái đích mà mọi người bắn  phải nhắm vào. Trúng hộc là trúng đích, nhưng không cần phải xuyên thủng  bì. Xuyên thủng bì đòi hỏi người bắn phải có sức mạnh. Thế mà sức người thì  không giống nhau. Đường lối thi bắn ngày xưa chỉ chú trọng vào nghệ thuật  và vào đạo đức lễ nghĩa để tỏ ra nhân cách và công phu luyện tập của người  bắn, chứ không chú trọng vào việc đọ sức hơn kém. Người nào chú trọng vào  sức để uy hiếp người khác là kẻ vũ phu, không xứng đáng được dự thi bắn  cung .

17. Thầy Tử Cống muốn bỏ con dê sống trong lễ Cốc Sóc. Đức Khổng tử nói: “Này Tứ, nhà ngươi quí con dê, ta thì quí buổi lễ.”

BÌNH GIẢI:

Cốc Sóc là buổi lễ dành cho vua chư hầu tế cáo tổ tiên tại miếu đường mỗi  tháng vào ngày mồng một, trước khi họp tại triều đình cùng bách quan. Cốc  là báo cáo, Sóc là ngày mồng một. Trong buổi lễ ấy có lệ dâng một con dê sống  trước bàn thờ tổ tiên.  Tại nước Lỗ, từ thời Lỗ Văn Công lễ Cốc Sóc bị bãi bỏ, vua hằng tháng  không tế cáo tổ tiên và có khi trễ nãi, cũng chẳng họp triều để bàn việc nước  cùng các quan. Tuy nhiên, người ta vẫn giữ lệ cũ, cứ mỗi tháng dâng một con  dê tại miếu đường. 

Thầy Tử Cống vốn là một nhà buôn nên có đầu óc nặng về kinh tế, thấy  buổi lễ đã bị bãi bỏ mà vẫn tốn phí một con dê, vì thế mới chủ trương bỏ cả  việc dâng con dê. Thấy vậy, Đức Khổng tử bèn trách Tử Cống và tỏ ý muốn  duy trì việc dâng con dê. Thâm ý của Đức Khổng tử là muốn người ta nhớ  đến lễ Cốc Sóc, tuy rằng trên thực tế, lễ ấy chẳng còn. Đức Khổng tử quí lễ  và mong muốn người ta giữ lễ, bởi vì lễ là đầu mối của sự ổn định thái bình  trong một nhà, một nước. Bỏ lễ, trật tự sẽ rối loạn; gia đình, tổ quốc sẽ bất an. 

18. Đức Khổng tử nói: “Phục vụ vua mà giữ trọn lễ, người ta lại cho là nịnh hót.”

BÌNH GIẢI:

Vua là nguyên thủ quốc gia. Giữa vua (quân) và bầy tôi (thần) có mối  tương quan mật thiết là cùng nhau điều khiển guồng máy trị an đất nước.  Mối tương quan đó được gọi là lễ quân thần. Một khi vua hành xử đúng bổn  phận của một nguyên thủ quốc gia, bầy tôi có bổn phận phục vụ và tận trung  với vua. Như vậy, phục vụ vua không phải là phục vụ một cá nhân nào mà  là phục vụ quân quyền trong một nước để guồng máy cai trị được tiến hành.  Vua cư xử với bầy tôi phải theo lễ; bầy tôi phục vụ vua cũng phải theo lễ. Lễ  được tôn trọng thì tương quan quân thần sẽ tốt đẹp, và guồng máy cai trị sẽ  vận động tốt; do đó xã hội sẽ được ổn định, thái bình, thịnh trị.

 Đức Khổng tử ý thức được điều đó, cho nên trong thời gian làm quan ở  nước Lỗ, ngài đã phục vụ vua trọn lễ. Có người không hiểu được ý ngài, không  hiểu hết lễ quân thần, đã cho ngài là người nịnh hót. Thực tế lịch sử nước Lỗ  đã chứng minh cho hành vi của Đức Khổng tử. Nếu quả thực ngài nịnh hót  vua để củng cố địa vị và quyền lợi, sao có chuyện ngài can vua đừng nhận gái  đẹp và ngựïa quí của nước Tề; đến khi thấy vua không nghe mà hướng chiều  theo nịnh thần Quí tôn Tư thì ngài phải từ quan, bỏ nước ra đi!

19. Vua Định Công hỏi: “Vua sai khiến bầy tôi, bầy tôi phục vụ vua, như thế nào?”

Đức Khổng tử trả lời rằng: “Vua sai khiến bầy tôi theo lễ, bầy tôi phục vụ vua thì hết bổn phận.”

BÌNH GIẢI:

Trong đạo quân thần, người ta thường hiểu sai lầm rằng vua có toàn quyền  trên bầy tôi, vua muốn gì bầy tôi cũng phải theo và bầy tôi phải hoàn toàn  trung thành với vua. Vua Lỗ Định Công đã đem vấn đề này ra chất vấn Đức  Khổng tử cho rõ lẽ. Đức Khổng tử đã đáp lời vua Lỗ có ý cải chính quan niệm  sai lầm ở trên.  Thực ra vua và bầy tôi chỉ có tương quan trong việc chính trị; vua và bầy  tôi cùng có bổn phận hợp tác với nhau để việc cai trị dân chúng được tốt đẹp.

 Do đó, mọi hành vi của vua và bầy tôi phải được qui chiếu vào mục tiêu tối  hậu là hạnh phúc của dân chúng. Tương quan giữa vua và bầy tôi đã được  qui định trong lễ; vì thế mỗi khi vua sai khiến bầy tôi thì phải sai khiến theo  lễ. Những gì ngoài lễ là sai trái. Một khi vua đã theo lễ mà sai khiến bầy tôi  thi hành những việc ích quốc lợi dân thì bầy tôi phải làm hết bổn phận và hết  lòng trung thành với vua, là người đại diện cho toàn dân. Dĩ nhiên những bổn  phận của bầy tôi cũng đã được qui định trong lễ.  Giả thử, vua sai khiến bầy tôi không theo lễ mà sai khiến theo ý riêng tư  sai trái, ắt người bầy tôi biết lễ không thể tận trung với vua mà làm hết bổn  phận được. Nếu vua cư xử đúng vai trò của một quân vương, sai khiến bầy  tôi theo lễ mà bầy tôi không hết lòng; bấy giờ mới có thể bảo đó là bất trung. 

Trong Thập nghĩa, tương quan quân thần được qui định như sau: “Quân  nhân, thần trung – 君仁, 臣忠” (Vua nhân từ, bầy tôi trung thành.)  Trong lịch sử chế độ quân chủ phong kiến ở Trung Hoa và Việt Nam, người  ta thường nói: “Trung thần bất sự nhị quân; quân sử thần tử, thần bất tử,  bất trung.” (Bầy tôi trung không thờ hai vua; vua khiến bầy tôi chết, bầy tôi  không chết là bất trung.” Đó là một quan niệm sai lầm, không phải chính  ngôn của Đức Khổng tử. 

20. Đức Khổng tử nói: “Thơ Quan thư, vui mà không quá trớn, buồn mà không tổn hại.”

BÌNH GIẢI:

Quan thư (關睢) là một bài thơ trong Kinh Thi, miêu tả tình cảm của một  người quân tử, xốn xang đi tìm một người thục nữ để nên duyên vợ chồng,  tương tự như đôi chim thư cưu (loài tu hú) ríu rít tìm nhau trên bến sông: 

Quan quan thư cưu,

Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ,

Quân tử hảo cầu.

(Đôi thư cưu ríu ra ríu rít,

Tại bãi bằng dải đất bờ sông.

Yêu kiều thục nữ chưa chồng,

Có người quân tử thật lòng cầu thân.)

Tương truyền, người quân tử trong bài thơ này ám chỉ Văn Vương, một  người quân tử mở nghiệp nhà Chu sau này. Ngài cũng có đủ tình cảm như  mọi người: có lúc vui (lạc), lúc buồn (ai). Nhưng những nỗi vui buồn của ngài  đều đúng chỗ, hợp đạo lý, không quá trớn đến độ gây nên tổn hại. 

21. Vua Ai Công hỏi thầy Tể Ngã về đền xã. Thầy Tể Ngã đáp rằng: “Triều đại nhà Hạ trồng cây thông, người nhà Ân trồng cây bách, người nhà Chu trồng cây giẻ, nói rằng: “Để khiến cho dân run sợ.” 

Đức Khổng tử nghe chuyện ấy, nói rằng: “Việc đã thành không bàn bạc nữa, việc đã trót làm không can gián nữa, chuyện đã qua không trách lỗi nữa.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời thượng cổ ở Trung Hoa, mỗi một triều đại đều thiết lập một đền  xã. Đền xã là đền thờ thổ địa, tức là thờ năng lực đất (khôn). Năng lực đất  (khôn) cùng với năng lực trời (càn) là hai nguồn năng lực âm dương sinh  dưỡng vạn vật. Cả hai nguồn đều thoát thai từ đại năng lực Thái Cực.1  Việc dựng đền xã có chủ ý là tạo một biểu tượng vững bền cho triều đại,  nên người khai sáng triều đại thường chọn một cây có ý biểu trưng để trồng  bên cạnh đền thờ. 

Vua Ai Công nước Lỗ hỏi thầy Tể Ngã, một đệ tử của Đức Khổng tử, về ý  nghĩa biểu tượng này. Thầy Tể Ngã giải đáp một cách vắn gọn như trên. Ở  đây, chúng ta có thể lý giải thêm:  Cây thông (tùng) là một loài thảo mộc có lá xanh về mùa đông, có thể chịu  đựng được khí hậu lạnh giá của sương tuyết, không bị trút lá trơ trụi như  các loài cây khác.

Do đó, cây thông chỉ khí tiết vững vàng và tuổi thọ. Vì vậy,  triều đại nhà Hạ đã trồng cây thông bên đền xã với ý tứ cầu mong sự vĩnh  tồn cho triều đại.  Cây bách (trắc bách) cũng là một loài thông, lá xanh về mùa đông và có  khả năng trị bệnh. Nhà Ân trồng cây bách cũng có ý cầu mong sự vĩnh tồn và  sự hữu ích cho thiên hạ.  Cây giẻ (lật) có hạt ăn được, thơm ngon, gỗ thì bền chắc. Nhà Chu chọn  cây này trồng bên đền xã có lẽ cũng cầu mong cho triều đại được vững bền  lâu dài. Tuy nhiên chữ “lật” (栗) là cây giẻ lại còn có nghĩa là run rẩy, sợ hãi,  được dùng trong cụm từ “chiến lật” (戰栗).

Do đó, Tể Ngã đưa ra một lời giải  thích: có lẽ cây giẻ còn ngụ ý răn đe dân chúng đừng có manh tâm phản loạn  (Sử dân chiến lật: khiến cho dân chúng run sợ.) Đó là một lời phỏng đoán xa  xôi của Tể Ngã, không có gì chắc chắn, nhưng lại có thể phạm tới uy tín chính  trị của nhà Chu; ngoài ra lời giải thích đó vô tình còn có thể khiến cho Lỗ Ai  Công (con cháu Chu Công) dùng tới biện pháp khủng bố tinh thần dân chúng.  Vì thế, Đức Khổng tử mới cảnh giác Tể Ngã: “Việc đã thành không bàn  bạc nữa, việc đã trót làm không can gián nữa, chuyện đã qua không trách lỗi  nữa.” Câu này có ý muốn nói rằng: việc trồng cây giẻ bên đền xã dù mang ý  tứ thế nào cũng là chuyện đã rồi, không nên bàn bạc gì thêm nữa. Đó là thái độ khôn ngoan của một bậc hiền triết muốn cho mọi người thảnh thơi tâm trí mà hướng về việc xây dựng tương lai, không phải bận tâm về những chuyện đã qua.

22. Đức Khổng tử nói: “Độ lượng của Quản Trọng nhỏ nhoi thay!”

Có người nói: “Quản Trọng có tiết kiệm chăng?”

Đức Khổng tử nói: “Họ Quản có đài Tam qui; việc quan không cho kiêm nhiệm. Sao gọi được là tiết kiệm?”

“Thế thì Quản Trọng biết lễ chăng?”

Đáp: “Vua chư hầu dựng bình phong che cửa. Họ Quản cũng dựng bình phong che cửa. Vua chư hầu thực hiện sự giao hiếu giữa hai vua (chủ và khách), có cái giá để úp chén. Họ Quản cũng có giá úp chén. Họ Quản mà biết lễ thì còn ai không biết lễ?”

BÌNH GIẢI:

Quản Trọng, tên là Di Ngô, làm tướng quốc nước Tề vào thời Xuân Thu.  Ông là một nhà chính trị lỗi lạc, đã đưa nước Tề lên địa vị hùng cường, thịnh  vượng và giúp Tề Hoàn Công lên ngôi bá chủ chư hầu.  Ở đây, Đức Khổng tử chê Quản Trọng là người có độ lượng nhỏ nhoi, lý do  tại sao? Cuộc đối thoại giữa Đức Khổng tử và một người nào đó trong đoạn  văn trên đã cho biết lý do.  Thứ nhất, Quản Trọng không tiết kiệm. Sau khi thành công về chính trị,  Quản Trọng cho xây đài Tam Qui. Tam Qui là cái đài cao ba tầng, ngụ ý rằng  tài năng của mình đã khiến cho ba hạng người qui phục: dân chúng qui phục,  các chư hầu qui phục, các rợ ngoài biên cương qui phục. Việc xây dựng ấy vừa  là việc xa xỉ vừa biểu lộ tính tự cao tự đại.

Ngoài ra, Quản Trọng không cho  các quan chức kiêm nhiệm công việc khi có thể kiêm nhiệm; điều đó làm hao  phí lương bổng của nhà nước. Vì vậy, không thể bảo Quản Trọng là người tiết  kiệm được.  Thứ hai, Quản Trọng không biết lễ. Vào thời ấy, chỉ các vua chư hầu như  Tề Hoàn Công mới được dựng bình phong che cửa, và được dùng giá úp chén  rượu mỗi khi mời rượu một vua chư hầu khác trong nghi lễ giao hiếu. Nay,  Quản Trọng là một viên quan dưới quyền vua mà cũng sử dụng bình phong  và giá úp chén; như thế là tiếm lễ, dám đặt mình ngang hàng với vua.

 Quản Trọng tuy là một tể tướng có công lớn với quốc gia, nhưng lại tỏ ra  khoe khoang, hãnh diện, xa xỉ và tự cao. Đó là khí độ của hạng tiểu nhân, chứ  không phải khí độ của một bậc hiền nhân quân tử. Là một hiền nhân quân  tử, thì càng có địa vị cao càng khiêm hạ, càng biết tiết kiệm để tránh tốn phí  cho công quỹ; có công lao to lớn thì tìm cách che giấu đi, hoặc thối lui. Quản  Trọng có thái độ và hành vi ngược lại, cho nên Đức Khổng tử mới chê là độ  lượng nhỏ nhoi. Như vậy, Đức Khổng tử đã xét người trên tiêu chuẩn đạo đức,  chứ không phải trên tiêu chuẩn tài năng và sự thành công. 

23. Đức Khổng tử bảo quan Thái sư Nhạc nước Lỗ rằng: “Có thể gọi là biết về âm nhạc như thế này: Ban đầu, khởi sự kết hợp với nhau, triển khai đều đặn, tỏ hiện rõ ràng, tiếp nối không đứt đoạn, mới là thành tựu.

BÌNH GIẢI:

Âm nhạc là một môn học trong Lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Trong  Khổng môn có dạy nhạc; Đức Khổng tử đã từng du học về nhạc bên nước Tề.  Sở trường của ngài là gẩy đàn và đánh khánh. Tương truyền, ngài đã từng  gẩy đàn khiến cho các đệ tử quên đói khi bị tuyệt lương ở các nước Trần, Sái;  ngài đã từng đánh khánh mà biểu hiện được tâm tư ưu thời mẫn thế khi ở  đất Tề. Như vậy trình độ hiểu biết về âm nhạc của Đức Khổng tử không phải  tầm thường.

Trong phần Kinh Nhạc, còn sót lại sau khi bị hỏa thiêu (phần  thư khanh nho) dưới thời Tần Thủy Hoàng, có những câu nói lên triết lý về  âm nhạc rất sâu sắc.  Đức Khổng tử chủ trương “nhạc là hoà”. Âm nhạc chân chính phải tạo nên  mối hoà khí giữa mọi người. Tấu nhạc mà không hoà, không phải là âm nhạc.  Lời nói của Đức Khổng tử với quan Thái sư Nhạc nước Lỗ ở đây về phép tấu  nhạc đã thể hiện triết lý về âm nhạc của ngài.

 Ban đầu, các nhạc công và các nhạc khí phải kết hợp (hấp) với nhau; các  nhạc công thì kết hợp tâm hồn; các nhạc khí thì kết hợp âm thanh. Âm thanh  từ các nhạc khí triển khai ra (túng) phải đều đặn, thuần nhất (thuần); trong  sự thuần nhất phải tỏ hiện rõ ràng (cảo) cung bậc thấp cao và có sự tiếp nối  liên tục giữa các âm thanh (dịch). Như thế, khúc nhạc mới được diễn tấu  thành tựu. Nhạc được diễn tấu thành tựu, sẽ khiến cho những người tấu nhạc  và những người nghe nhạc được cảm thông với nhau, tạo nên sự thư thái, an  bình, ổn định, hoà ái. Đó là công dụng của âm nhạc.

 Khúc nhạc là một sự kết hợp hài hoà giữa các âm thanh, trong đó âm  thanh của mỗi nhạc khí vẫn được tỏ rõ. Trong tỏ rõ có hoà quyện; trong hoà  quyện có tỏ rõ. Điều này nói lên sự tôn trọng cá tính của mỗi người trong  một cộng đồng xã hội. Trong một xã hội lý tưởng, đoàn kết, hợp nhất vẫn có,  nhưng không làm mất đi nét đặc trưng đáng quí của mỗi cá nhân. Đó cũng  là những nét đẹp văn hoá trong một cộng đồng xã hội đa chủng. Ngoài ra, sự  tiếp nối liên tục giữa các âm thanh nói lên tính bền vững liên đới trong cộng  đồng xã hội. Tất cả là những điểm thể hiện mối tương quan giữa âm nhạc và  đời sống. Vì thế, triết lý âm nhạc và triết lý nhân sinh thông giao với nhau.  Đạo lý âm nhạc và đạo lý chính trị không xa rời nhau vậy. 

24. Viên quan giữ bờ cõi ở ấp Nghi xin ra mắt [Đức Khổng tử], nói rằng: “Bậc quân tử nào đến đây, tôi chưa từng không được ra mắt.” Các người đi theo [Đức Khổng tử] cho vào yết kiến. Trở ra, ông nói: “Các ông lo lắng  việc ngài mất chức sao? Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi. Trời sắp dùng  Phu tử làm cái mõ gỗ đấy.” 

BÌNH GIẢI:

Sau khi bỏ nước Lỗ ra đi, Đức Khổng tử dừng chân tại ấp Nghi, một địa  giới thuộc biên cương nước Vệ. Bấy giờ viên quan coi giữ bờ cõi (phong nhân)  nước Vệ ở ấp này đã xin vào yết kiến Đức Khổng tử. Theo như lời ông nói,  không một bậc quân tử nào qua lại nơi đây mà ông không được gặp mặt. Dĩ  nhiên, sự thỉnh cầu của ông đã được đáp ứng. 

Sau khi hội kiến với Đức Khổng tử, được nghe những lời ngài nói, ông đã  nêu ra một nhận định hay đúng hơn là một lời tiên đoán khiến các đệ tử Đức  Khổng tử phải kinh ngạc. Đối với các đệ tử tháp tùng Đức Khổng tử, sự việc  vừa xảy ra ở nước Lỗ đã khiến họ phải lo buồn. Đó là việc vua Lỗ ham mê gái  đẹp và ngựa quý của nước Tề, không còn tín nhiệm Đức Khổng tử, khiến ngài  phải từ chức Tể tướng rồi đi chu du liệt quốc.  Tuy nhiên, viên phong nhân ấp Nghi lại cho đó là một hỷ sự cho thiên hạ. 

Hội kiến với Đức Khổng tử, ông đã nhận ra rằng Đức Khổng tử không có sứ  mệnh là một ông quan dành riêng cho nước Lỗ, mà ngài là một bậc sư phụ  dành cho thiên hạ trăm thế hệ mai sau. Ông nói: “Các ông lo lắng về ngài  mất chức sao? Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi. Trời sắp dùng Phu tử làm  cái mõ gỗ đấy.” 

Mộc đạc là cái mõ gỗ hay cái quả lắc bằng cây, dùng để báo hiệu vào học.  Ngày xưa, mỗi khi triều đình có một hiệu lệnh nào cần tuyên bố cho dân  chúng khắp nơi, trước khi rao đều có một hồi mõ báo hiệu. Bởi vậy, mõ gỗ biểu  thị một bậc quân tử có nhiệm vụ du hành giáo hoá hay mở trường truyền bá  đạo lý. 

Câu nói của Nghi phong nhân gợi ý rằng các đệ tử Đức Khổng tử phải lấy  làm mừng vui khi thấy thầy mất chức quan ở nước Lỗ mới đúng. Bởi vì đó là  dấu chỉ ngài đã được Trời chọn để đi rao giảng thiên đạo cho cả thiên hạ thời  Xuân Thu và mai sau. Làm quan ở nước Lỗ thì chỉ có lợi ích cho một nhóm  người trong một thời; làm sư phụ truyền bá đạo lý cho muôn người mới là lợi  ích lớn cho trăm thế hệ. 

25. Đức Khổng tử bình luận về nhạc Thiều rằng: “Hay hết mức, lại tốt lành trọn vẹn.” [Ngài] bình luận về nhạc Võ rằng: “Hay hết mức, nhưng chưa trọn vẹn tốt lành.” 

BÌNH GIẢI:

Âm nhạc phát khởi từ lòng người. Lòng người tốt lành thì phát hiện ra âm  nhạc tốt lành; lòng người không tốt thì phát hiện ra âm nhạc không tốt. Cái  hay của âm nhạc thể hiện ở giai điệu, ở cung bậc âm thanh. Cái tốt lành của  âm nhạc thể hiện ở hậu quả tác động. Giai điệu âm nhạc tác động vào tâm  tình người nghe mà tạo nên sự thư thái, an vui, hoà ái thì đó là âm nhạc tốt  lành. Mừng, giận, thương, vui… biểu hiện thành âm thanh khác nhau ra sao  thì phát hiện thành âm nhạc cũng khác nhau như vậy.

 Vì thế, do âm nhạc  mà biết được lòng người thiện hay ác. Đồng thời, âm nhạc cũng tác động vào  lòng người để tạo nên tâm tình thiện hay ác.  Vua Thuấn là một người nhân đức. Nhờ lòng nhân đức, ông đã cảm hoá  được người cha ngoan cố, người mẹ kế lắm điều và người em khác mẹ bạo  ngược, khiến họ đều trở nên người tốt. Do đó, ông đã được vua Nghiêu truyền  ngôi cho. Ở ngôi cai trị, cũng nhờ lòng nhân đức mà vua Thuấn đã ổn định  trăm quan, vỗ yên trăm họ, khiến các chư hầu mến phục, mở ra vận hội thái bình cho thiên hạ trong nhiều năm.

 Vì thế, nhạc Thiều của vua Thuấn chẳng  những hay mà còn biểu hiện sự trọn lành.  Khác với vua Thuấn, Võ Vương là một bậc anh hùng. Ông đã dùng võ công  chinh phạt vua Trụ. Một trận Mục Dã với chiến thắng oanh liệt mà thu trọn  giang sơn nhà Ân, lập ra nhà Chu. Thiên hạ đều ngưỡng vọng, tín phục, đất  nước ổn định. Tuy nhiên, vốn là con nhà võ, tâm tư ít nhiều có liên hệ với sự  sát phạt, cho nên nhạc Võ của Võ Vương có hay hết mức, nhưng chưa được  trọn vẹn tốt lành, hoà ái, du dương như nhạc Thiều.  Bình luận về âm nhạc như vậy, chứng tỏ rằng Đức Khổng tử là một hiền  triết chú trọng về đạo đức, nhân nghĩa, thích chủ nghĩa hoà bình hơn là sự  chinh phạt bằng bạo lực .

26. Đức Khổng tử nói: “Ở bậc trên mà chẳng khoan dung, hành lễ mà chẳng cung kính, có tang mà chẳng buồn thương, ta làm sao quan niệm nổi?”

BÌNH GIẢI:

Trong quan niệm lý tưởng của Đức Khổng tử, người ở bậc trên phải là  người quân tử có đầy đủ phẩm hạnh; còn người ở cấp dưới, vì ít học nên có thể  là một tiểu nhân. Tiểu nhân thì kém đạo đức, có thể mắc nhiều lỗi lầm. Vì  là một quân tử, cho nên người ở bậc trên có bổn phận khoan dung cho người  dưới, sẵn sàng tha thứ, nâng đỡ, sửa sai cho người dưới; nhất là khi người  dưới đã biết hối lỗi.

 Nếu ở bậc trên mà chẳng khoan dung, hẳn người ấy chẳng  phải bậc quân tử. Ở bậc trên mà là tiểu nhân thì tai họa biết chừng nào!  Cũng trong quan niệm này, lễ và kính phải đi kèm với nhau. Lễ là hành vi  biểu hiện sự tôn kính: tôn kính đối với Trời, đối với tổ tiên, đối với bậc trưởng  thượng. Thế mà khi hành lễ lại thiếu sự cung kính thì lễ không thành.  Có tang là có sự mất mát người thân. Mất mát người thân thì phải buồn  thương. Có sự buồn thương, đau đớn trong lòng ắt phải biểu lộ ra ngoài mặt,  ra dáng điệu, cử chỉ. Nếu người nào đó có tang mà vẫn tươi cười hớn hở như vô sự, hẳn trong lòng người ấy không có sự xúc động nào trước sự mất mát  người thân.

 Người nào đó, ở vào một trong ba trường hợp trên, đã là đáng tiếc lắm rồi.  Nếu người đó lại cư xử bao gồm cả ba trường hợp trên (chẳng khoan dung với  người dưới, chẳng cung kính khi hành lễ, chẳng buồn thương khi có tang) thì  có thể được liệt vào loại bất nhân, bất nghĩa, không có phẩm giá con người.  Làm sao Đức Khổng tử có thể quan niệm nổi, làm sao có thể xét đoán, làm sao  còn có thể giao thiệp được? Có thể liệt người ấy vào hạng lang sói được chăng? 

Đọc tiếp Chương 4 – Lý Nhân

❁ ❁ ❁

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] Chương 1. Học Nhi ❁ Chương 2. Vi Chính ❁ Chương 3. Bát Dật ❁ Chương 4. Lý Nhân ❁ Chương 5. Công Dã Tràng […]

1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x