Trang chủ » Luận ngữ – Chương 6 – Ung Dã

Luận ngữ – Chương 6 – Ung Dã

by Hậu Học Văn
789 views

Ung Dã Đệ Lục

1. Đức Khổng tử nói: “Trò Ung, có thể khiến quay mặt về hướng nam.”

Trọng Cung hỏi về ông Tử Tang Bá Tử. Đức Khổng tử nói: “Khá đấy! Giản dị.”

Trọng Cung nói: “Sinh hoạt kính cẩn mà hành động giản dị, lấy đó đến với dân, lại chẳng khá sao? Sinh hoạt giản dị mà hành động giản dị, như thế chẳng phải giản dị thái quá sao?

Đức Khổng tử nói: “Lời trò Ung phải đó.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Ung, tức là Trọng Cung, học trò Đức Khổng tử. Đức Khổng tử nói có thể khiến thầy Ung quay mặt về hướng nam, nghĩa là nhân cách thầy Ung có thể đảm đương chức vụ nguyên thủ quốc gia được. Ngày xưa, vị quân vương khi ngồi thiết triều thường quay lưng về hướng bắc, quay mặt về hướng nam. Hướng bắc là hướng của sao Bắc đẩu. Theo quan niệm thiên văn cổ, trái đất và một số chòm sao trên bầu trời phải hướng về Bắc đẩu làm chuẩn. Quân vương là người lãnh đạo đất nước cho nên ở ngôi chủ trì như Bắc đẩu, các quan và toàn dân phải hướng về chịu mệnh.

Cuộc đối thoại giữa thầy Trọng Cung và Đức Khổng tử chứng tỏ kiến thức và bản lĩnh của ông. Tử Tang Bá Tử được Đức Khổng tử khen là người khá vì có tính giản dị. Tử Tang Bá Tử giản dị trong cách hành động và giản dị cả trong sinh hoạt. Giản dị trong hành động là dễ dãi, phóng khoáng, không câu nệ, không chặt chẽ. Giản dị trong sinh hoạt là ăn ở xuề xoà, không cẩn thận trong cách ăn mặc, trong cách giao tiếp đi, đứng, nằm, ngồi.

Trọng Cung cho rằng sinh hoạt phải kính cẩn, có nghĩa là cách ăn ở cần phải giữ lễ, ăn mặc phải tươm tất, giao tiếp phải lịch sự, đi đứng nằm ngồi phải tỏ ra nghiêm trang. Đó là cách sinh hoạt của người quân tử.

Có sinh hoạt kính cẩn rồi, từ đấy mới đem tấm lòng quảng đại, khoan dung đến với dân bằng hành động giản dị, không cầu kỳ, kênh kiệu, ngạo mạn, thì dân mới mến mộ, cảm phục. Do đó, việc cai trị sẽ tiến hành tốt đẹp.

Nếu sinh hoạt giản dị tức là ăn ở xuề xoà, phục sức lôi thôi, phong cách thiếu nghiêm trang, mà lại hành động dễ dãi; đó là giản dị thái quá. Cai trị dân mà giản dị thái quá thì dân sẽ khinh nhờn, không chịu chấp hành mệnh lệnh, trễ nải công việc; vì thế, việc trị dân bất thành. Quan điểm đó của thầy Trọng Cung đã được Đức Khổng tử khen ngợi là phải lẽ.

2. Vua Ai Công hỏi: “Học trò ngài có ai hiếu học?”

Đức Khổng tử trả lời: “Có Nhan Hồi là người hiếu học. Không dời đổi nổi giận, không phạm lỗi hai lần. Chẳng may, mệnh ngắn ngủi, đã mất! Nay thì không có, chưa nghe thấy người nào hiếu học.”

BÌNH GIẢI:

Ai Công là vua nước Lỗ. Căn cứ vào câu trả lời của Đức Khổng tử, chúng ta biết vua Ai Công hỏi về việc ham học đạo lý, chứ không phải học một chuyên môn nào về văn hoá hay công nghệ. Về việc học đạo lý, Nhan Hồi là người hiếu học nhất trong cửa Khổng. Vì chăm học đạo lý, cho nên Nhan Hồi có đạo hạnh hơn người. Đức Khổng tử kể ra hai trường hợp tiêu biểu:

– Hồi có giận ai điều gì thì không giận lây (dời đổi) sang người khác. Thói thường của người đời là hay giận lây. Giận con mà lây sang cha mẹ, anh em, họ hàng. Tục ngữ nói: “Giận cá chém thớt.” Vì giận lây, cho nên ngày xưa có thói báo thù tàn bạo. Một người trong họ, trong làng chống lại vua có thể bị giết cả họ, cả làng.

– Hồi có phạm điều gì lỗi; khi được dạy bảo hay tự nhận ra thì không tái phạm đến lần thứ hai.

Nhưng không may cho cửa Khổng, Nhan Hồi ngắn mệnh, mất sớm. Sau khi Nhan Hồi qua đời, Đức Khổng tử không còn thấy có ai đáng gọi là người hiếu học nữa.

3. Thầy Tử Hoa đi sứ nước Tề. Thầy Nhiễm Dư vì mẹ của ông xin thóc. Đức Khổng tử nói: “Cấp cho một hũ.” Xin thêm. Ngài nói: “Cấp cho một dũ.”

Nhiễm Dư cấp cho năm bỉnh thóc. Đức Khổng tử nói: “Trò Xích đi đến nước Tề, cưỡi ngựa mập, mặc áo lông cừu nhẹ. Ta có nghe rằng: Người quân tử chu cấp, không tiếp cho kẻ giàu.”

Thầy Nguyên Tư làm quan Tể, được cấp cho chín trăm (hộc) thóc. Ông khước từ. Đức Khổng tử nói: “Ấy chớ! Lấy để cho bà con xóm làng chứ?”

BÌNH GIẢI:

Trong thời gian Đức Khổng tử giữ chức Tư khấu (Bộ Trưởng Bộ Hình) hay giữ chức Nhiếp tướng sự (Thủ tướng) ở triều đình nước Lỗ, có phái Tử Hoa, một đệ tử của ngài, đi sứ nước Tề. Bấy giờ, Nhiễm Dư, bạn học của Tử Hoa, đến xin thóc cho mẹ Tử Hoa. Nhiễm Dư (chắc cũng làm quan lớn) đã vì tình bạn mà cấp cho mẹ Tử Hoa nhiều thóc hơn mức đã định. Thấy vậy, Đức Khổng tử nhận xét: “Trò Xích (Tử Hoa) cưỡi ngựa mập, mặc áo lông cừu nhẹ đi sứ, chứng tỏ ông là kẻ giàu có. Thế mà đạo lý của người quân tử là chỉ chu cấp cho kẻ nghèo, chứ không tiếp thêm cho kẻ giàu. Như thế, Nhiễm Dư đã làm trái đạo Trời. Bởi vì đạo Trời là: “Bớt chỗ thừa, bù chỗ thiếu.” (Tổn hữu dư, bổ bất túc.)

Còn trường hợp của Nguyên Dư, cũng là đệ tử của Ngài, được làm quan Tể (cai quản gia thần). Đức Khổng tử cấp cho chín trăm (hộc) thóc. Ông từ chối nhận số bổng lộc này, có lẽ cho rằng quá nhiều đối với mình. Đức Khổng tử bảo rằng: Cứ nhận lấy để đem về giúp đỡ cho bà con, lối xóm.

Lương bổng là thù lao của triều đình cấp cho tùy theo cấp bậc, chức vụ. Nhận lấy là chuyện tự nhiên; chẳng tội tình gì. Nếu mình không dùng hết thì đem chia cho kẻ nghèo.

So sánh Nguyên Tư và Nhiễm Dư, thì Nguyên Tư quả là có đạo đức hơn Nhiễm Dư vậy.

4. Đức Khổng tử nói về thầy Trọng Cung rằng: “Con của con bò lang, có lông tơ đỏ lại đủ sừng, tuy [người ta] không muốn dùng [để tế], [nhưng thần] núi sông nào có chối bỏ?”

Giải thích:

Nói về trường hợp của thầy Trọng Cung, không được triều đình trọng dụng, mặc dầu ông có tài đức, Đức Khổng tử đem chuyện con bò tơ đỏ ra ví dụ.

Ngày xưa, trong tục tế thần núi, thần sông, người ta không dùng con bò lang, cho rằng bò lang không xứng đáng làm tế phẩm. Nhưng bò tơ sắc đỏ, con của bò lang thì dùng được. Thần núi sông nào có chối bỏ đâu?

Tương tự như vậy, Trọng Cung là người đức hạnh, có nhân cách đảm đương chức vụ lãnh đạo cao cấp, thậm chí còn có thể khiến lãnh trách nhiệm nguyên thủ quốc gia (quay mặt về hướng nam). Chỉ vì dòng dõi kém cỏi, có lẽ người cha chẳng ra gì, mà Trọng Cung không được dùng. Như vậy chẳng uổng lắm sao? Lẽ ra, thần núi sông không chê con bò tơ đỏ, thì triều đình cũng đừng chối bỏ Trọng Cung mới phải.

5. Đức Khổng tử nói: “Trò Hồi ba tháng lòng không lìa đức nhân, ngoài ra [những người khác] thì được một ngày, một tháng mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Trong cửa Khổng chỉ có thầy Nhan Hồi giữ được đức nhân ba tháng liền. Đức nhân đứng đầu Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) là nền tảng của đạo lý làm người. Đức Khổng tử đã từng dạy Nhan Hồi về đức nhân ở trình độ cao nhất: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. 克己復禮為仁。”- (Tự chế phục mình, tuân theo lẽ trời là nhân.) Trong bước thực hành, Ngài dạy thêm: “Phi lễ vật thị, phi lễ vẫt vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. -非禮勿視,非禮 勿聽,非禮勿言,非禮勿動。(Không phải lễ chớ nhìn, không phải lễ chớ nghe, không phải lễ chớ nói, không phải lễ chớ hành động.” Người biết tự chế phục mình thì không nhìn, không nghe, không nói, không làm những gì trái lễ, luôn sống công chính trong đạo Trời, đó là người lý tưởng, trở nên bậc thánh hiền. Nhan Hồi sống trong đức nhân được ba tháng, tức là đã đạt tới ngưỡng cửa của bậc thánh hiền rồi. Ngoài ra, những đệ tử khác trong cửa Khổng, người thì giữ đức nhân được một ngày, người được một tháng mà thôi.

6. Quí Khang Tử hỏi: “Thầy Trọng Do có thể khiến theo việc chính trị được chăng?”

Đức Khổng tử nói: “Do quả cảm, theo việc chính trị thì có sao?” Lại hỏi: “Thầy Tứ, có thể khiến theo việc chính trị được chăng?” Trả lời: “Tứ thông hiểu sự lý, theo việc chính trị thì có sao?”

Lại hỏi: “Thầy Cầu, có thể khiến theo việc chính trị được chăng?” Trả lời: “Cầu có tài nghề kỹ thuật, theo việc chính trị thì có sao?”

BÌNH GIẢI:

Quí Khang Tử là một nhân vật nhiều thế lực ở nước Lỗ, quyền hành lấn áp cả vua, đứng đầu một trong ba họ lớn: Quí, Thúc, Mạnh. Một hôm, Quí Khang Tử hỏi Đức Khổng tử về ba người đệ tử thân tín của ngài. Trọng Do là Tử Lộ, Tứ là Tử Cống, Cầu là Nhiễm Hữu. Qua những câu trả lời của Đức Khổng tử, chúng ta có thể biết:

– Tử Lộ là người quả cảm. Quả cảm là sẵn sàng dấn thân hết mình cho công việc, không ngại khó, không sợ sệt.

– Tử Cống là người thông hiểu sự lý. Thông hiểu sự lý thì giỏi chỉ huy, có thể quán xuyến, biết cắt đặt công việc, dùng người đúng chỗ.

– Nhiễm Hữu là người có tài nghề kỹ thuật, có thể hướng dẫn dân chúng phát triển công nghệ, mở mang kinh tế.

Chính trị là việc trị dân sao cho yên ổn, phát triển thịnh vượng về mọi mặt. Vì thế cần có nhiều vị quan, có những đức hạnh và tài năng chuyên môn; mỗi người một việc, hợp tác với nhau thì việc chính trị mới thành tựu tốt đẹp. Cho nên Đức Khổng tử cho rằng cả ba đệ tử của ngài đều có thể tham dự việc chính trị được cả.

7. Họ Quí mời thầy Mẫn Tử Khiên làm quan Tể ấp Phí. Mẫn Tử Khiên nói: “Hãy khéo vì tôi mà tạ từ. Như còn trở lại mời tôi nữa, thì tôi ắt đến ở phía trên sông Vấn thôi.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Mẫn Tử Khiên, tên là Mẫn Tổn, học trò Đức Khổng tử. Sách Nhị thập tứ hiếu cho biết thầy là người hiếu nghĩa, sẵn sàng chịu rét để cho kế mẫu và em (cùng cha khác mẹ) được bảo toàn.

Nguyên một lần kia, khi đẩy xe chở cha, Mẫn Tử Khiên rét run lẩy bẩy làm đổ cả xe. Khi biết rõ Tử Khiên bị kế mẫu rẻ rúng, không cho mặc đủ ấm, người cha định đuổi kế mẫu đi. Nhưng Tử Khiên xin cha đừng làm vậy vì sợ kế mẫu và em sẽ bị khổ sở.

Ấp Phí là cơ nghiệp riêng của họ Quí, một trong ba nhà quyền thế nước Lỗ. Bấy giờ, quyền hành họ Quí lấn áp cả vua, cho nên Mẫn Tử Khiên không muốn nhận chức quan Tể ấp Phí để làm vây cánh cho họ Quí uy hiếp vua.

Đó là lý do mà Mẫn Tử Khiên từ chối lời mời của họ Quí. Ông thỉnh cầu sứ giả hãy nói khéo với họ Quí về sự từ chối của mình. Ông cho biết nếu họ Quí còn cho người đến mời nữa thì ông sẽ lên đầu nguồn sông Vấn, ở phía Bắc nước Lỗ, nơi tiếp giáp với nước Tề để sống ẩn dật. Câu trả lời này nhằm tỏ rõ quyết tâm của ông, thà bỏ nước mà đi chứ không chịu để bị ép làm quan cho họ Quý.

8. Thầy Bá Ngưu có bệnh. Đức Khổng tử viếng thăm. Từ cửa sổ, cầm tay thầy mà nói: “Mất thôi, số mệnh đó mà! Người như thế này mà lại có bệnh thế này! Người như thế này mà lại có bệnh thế này!”

BÌNH GIẢI:

Thầy Bá Ngưu, tên là Nhiễm Canh, học trò của Đức Khổng tử. Ở đây, bản văn không nói rõ Bá Ngưu mắc bệnh gì; tuy nhiên theo cách tiếp xúc của Đức Khổng tử, người đời sau đoán Bá Ngưu mắc bệnh phong cùi, một trong tứ chứng nan y (phong, lao, cổ, lại). Có lẽ vì tránh lây nhiễm, Đức Khổng tử không vào trong nhà mà chỉ đứng ngoài cửa sổ nắm tay bệnh nhân, tỏ lời tiếc thương.

Đức Khổng tử đã dùng chữ “mệnh” để an ủi Bá Ngưu. Mệnh là cái phần số của mỗi người; phải sao chịu vậy, không thể tránh được và cũng khó lòng giải thích. Mệnh có thể là cái quả được kết tập do nhiều nhân duyên: yếu tố di truyền, hoàn cảnh xã hội, môi trường sinh hoạt, v.v.

Lời than tiếc của Đức Khổng tử cho thấy Bá Ngưu cũng là một người có tài đức nhưng không may mắc phải bệnh nan y. Đức Khổng tử thân hành đến thăm, tỏ lời an ủi, vĩnh biệt, chứng tỏ cái tình của ngài đối với học trò cũng đằm thắm biết bao!

9. Đức Khổng tử nói: “Đức hạnh thay trò Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở ngõ hẹp; người ta không chịu đựng được sự buồn lo ấy, mà trò Hồi thì không đổi niềm vui đó. Đức hạnh thay trò Hồi!”

BÌNH GIẢI:

Thầy Nhan Hồi tự là Tử Uyên, đệ tử hàng đầu của Đức Khổng tử. Ở đây, Đức Khổng tử đã hết lời ngợi khen đức hạnh của ông. Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngỏ hẹp, ăn uống sơ sài, chẳng có cao lương mỹ vị. Người khác trong cảnh ngộ ấy thì chịu không nổi, suốt ngày than thân trách phận và lo lắng chạy chọt để kiếm địa vị cao sang. Nhưng Nhan Hồi lúc nào cũng cảm thấy vui; bởi vì chí hướng của ông đặt cả vào đạo. Lý tưởng thành nhân đã khiến ông không còn chú tâm vào đời sống vật chất nữa. Chú tâm vào đạo thì bằng lòng với hiện tại, bằng lòng với những gì mình đã có, cho nên tinh thần luôn được an vui, không mơ ước gì khác.

10. Thầy Nhiễm Cầu nói: “Chẳng phải không vui thích đạo của thầy, [chỉ vì] không đủ sức thôi.”

Đức Khổng tử nói: “Người không đủ sức thì giữa đường bỏ dở, nay ngươi thì [tự] vạch giới hạn cho mình.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Nhiễm Cầu muốn biệân hộ cho mình về lý do không vui thích tiếp tục học Đạo nữa. Ông nói mình không đủ năng lực. Đức Khổng tử đã vạch ra sự lười biếng, sự thối chí của Nhiễm Cầu. Người thực sự không đủ năng lực thì học được nửa chừng sẽ bỏ dở vì đau yếu, bệnh tật hay bỏ dở vì lo kiếm kế sinh nhai. Nay Nhiễm Cầu không phải vì những lý do ấy mà muốn thôi học tức là lười biếng, tự vạch giới hạn cho mình, không muốn tiến bước nữa.

11. Đức Khổng tử bảo thầy Tử Hạ rằng: “Ngươi hãy làm nhà nho quân tử, đừng làm nhà nho tiểu nhân.”

BÌNH GIẢI:

Nhà nho là người học rộng, biết về thiên văn, địa lý, nhân sự… Nhà nho quân tử là người có nhiều kiến thức mà sống theo đạo đức nhân nghĩa, cư xử đại lượng, bao dung… Nhà nho tiểu nhân là người có nhiều kiến thức nhưng lại ăn ở thất đức, vô hạnh, tính tình ti tiện, nhỏ nhen; cư xử thiếu lịch sự, không nhã nhặn, không khiêm tốn.

Nhà nho quân tử đem đạo vào đời để xây dựng xã hội ổn định, tốt đẹp. Nhà Nho tiểu nhân chỉ vận dụng kiến thức của mình để thủ lợi, gây chia rẽ, bất an trong xã hội.

12. Thầy Tử Du làm quan Tể ấp Võ Thành, Đức Khổng tử nói: “Ngươi có được người nào hợp với ngươi chăng?”

Thưa: “Có ông Đam Đài Diệt Minh, đi không dùng lối tắt; chẳng phải việc công thì chưa từng đến nhà Yển này.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Du tên tục là Yển, học trò Đức Khổng tử, làm quan Tể ấp Võ Thành, nước Lỗ. Chắc hẳn Tử Du cũng là một cao đệ trong cửa Khổng, cho nên theo sách Lễ ký (thiên Lễ vận), Đức Khổng tử đã từng nói với Tử Du về thời Đại đồng và thời Tiểu khang, những thời đại có nền chính trị tốt.

Ở đây, Đức Khổng tử hỏi Tử Du xem ở ấp Võ Thành có viên chức nào kết hợp được với ông trong việc cai trị. Thời ấy, ấp là một đơn vị hành chính bao gồm trên dưới 1.000 hộ, được coi như một đô thị khá sầm uất. Tử Du nêu tên Đam Đài Diệt Minh là một quan chức duy nhất có đức hạnh tốt. Đam Đài Diệt Minh không đi lối tắt, không vì việc công thì không đến nhà riêng của quan Tể. Có nghĩa ông là người ngay thẳng, không quen luồn cúi, đi cửa hậu, đến nhà riêng của cấp trên để nịnh hót, cầu cạnh chuyện riêng tư. Cả một ấp như vậy có biết bao quan viên thuộc cấp, thế mà chỉ duy nhất có một người ngay thẳng, bảo sao nước Lỗ lúc bấy giờ không lụn bại!

13. Đức Khổng tử nói: “Ông Mạnh Chi Phản không khoe công, khi thua chạy thì đi sau, sắp vào cửa thành, quất con ngựa của mình mà nói: “Chẳng phải dám ở lại sau, vì con ngựa không tiến lên vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử đã đem phẩm cách ông Mạnh Chi Phản ra để dạy học trò. Mạnh Chi Phản là quan đại phu dưới triều Lỗ Ai Công. Khi quân Tề xâm lấn ở biên giới phía Bắc, ông đã cùng đoàn quân Lỗ chống cự. Lúc quân Lỗ thua trận, các tướng lãnh tháo lui thì Mạnh Chi Phản ở lại sau, cố gắng đương đầu với quân Tề để bảo vệ quân Lỗ. Đó là một chiến tích đáng ghi mà ông chẳng muốn khoe công. Vào đến cửa thành nước nhà, ông lại khiêm nhượng thanh minh với mọi người: Không phải ông gan dạ, tài giỏi gì mà dám đi sau, chẳng qua là tại con ngựa của ông chậm chạp, không tiến lên phía trước được.

Đó là đức hạnh của một người quân tử mà Đức Khổng tử muốn nhắc nhở cho các học trò bắt chước.

14. Đức Khổng tử nói:“Không có sự khéo nói của quan Chúc Đà và vẻ đẹp của công tử Triều nước Tống thì khó tránh khỏi bị người đời nay từ bỏ.”

BÌNH GIẢI:

Chúc Đà tức là quan đại phu tên Đà, phụ trách nghi lễ trong tông miếu nước Vệ. Vì giữ việc chúc tụng cho nên ông khéo nói và khéo nịnh hót, tâng bốc. Công tử Triều nước Tống là một người nổi tiếng đẹp trai thời Xuân Thu. Cả hai người ấy đều được thiên hạ thời bấy giờ ái mộ.

Đức Khổng tử nói câu trên có ý than rằng người thời ấy chỉ ưa nịnh hót và sắc đẹp chứ không yêu thích người có tài đức.

15. Đức Khổng tử nói:“Có ai ra ngoài không do cửa ngõ? Sao chẳng ai do đạo này tiến ra?”

BÌNH GIẢI:

Cửa ngõ là chỗ ra vào tất yếu của con người trong một căn nhà. Đạo là qui luật thiết định đời sống con người. Ở chiều kích vũ trụ, đạo là qui luật thiết định sự vận hành bất biến của thế giới thiên nhiên. Vì thế, con người muốn sống tốt đẹp, khỏe mạnh trong gia đình, trong xã hội, trong thiên nhiên, cũng cần phải theo đạo; tức là từ đạo mà sinh hoạt, từ đạo mà hành động. Không từ đạo tiến ra chẳng khác gì con người không ra ngoài bằng cửa ngõ. Nếu không ra ngoài bằng cửa ngõ, ắt là phải đục khoét tường vách mà ra. Như thế căn nhà sẽ mất vẻ mỹ thuật, sẽ bị suy yếu, hư hoại rồi sụp đổ.

Người không theo đạo mà sinh hoạt, lại sinh hoạt vô kỷ cương, vô luân thường đạo lý cũng sẽ bị suy thoái, hư hoại như căn nhà bị đục khoét tường vách. Cái lý đương nhiên là như vậy. Thế mà nhiều người không nhận ra.

16. Đức Khổng tử nói: “Bản thể chân thực hơn dáng vẻ bên ngoài là quê mùa; dáng vẻ bên ngoài hơn bản thể chân thực là chải chuốt. Bản chất và dáng vẻ đều đầy đủ, vậy sau mới ra người quân tử.”

BÌNH GIẢI:

Xưa nay, học đạo thánh hiền, ai cũng tưởng rằng quân tử là người có phẩm chất đạo đức hơn người. Vì thế, học làm quân tử thì cứ chú trọng vào việc trau dồi đức hạnh mà có khi bỏ quên dáng vẻ bên ngoài; quên đến nỗi trở thành xuề xoà, quê mùa, cục mịch. Ở đây, Đức Khổng tử nói rõ người quân tử học đạo cần phải chú trọng tới cả hai: bản chất đạo đức bên trong và dáng vẻ tốt đẹp bên ngoài. Được đầy đủ cả hai mới xứng đáng là quân tử.

17. Đức Khổng tử nói: “Đời sống con người phải ngay thẳng, sống gian dối thì may mắn mà thoát khỏi thôi.”

BÌNH GIẢI:

Câu này của Đức Khổng tử có một ý nghĩa rất thực tế. Đời sống con người trong xã hội cần phải ngay thẳng, nghĩa là sống theo qui định của luân lý, đạo đức và pháp luật. Kẻ nào sống gian dối, vi phạm pháp luật ắt bị nhà cầm quyền xử theo hình luật: tù tội hoặc tử hình; kẻ nào sống gian dối mà thoát khỏi hình luật chỉ là do may mắn mà thôi. Dĩ nhiên người ta không thể gặp may mắn mãi được. Nếu cứ tiếp tục gian dối (trộm cướp, lường gạt) ắt có ngày sa lưới pháp luật và bị xử trị theo phép nước.

Còn nói đến việc Trời phạt thì ở ngoài sự liệu đoán của trí khôn con người. Chưa đến lúc Trời phạt thì còn có thể nói chuyện may mắn. Trời đã phạt thì không có sự may mắn nào hết; người ta không thể tránh được. Con người chỉ có thể nói chuyện may mắn đối với pháp luật trần gian, không thể nói chuyện may mắn đối với Trời. Tục ngữ nói: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. 天 罔恢恢, 疏而不漏。” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt.)

18. Đức Khổng tử nói: “Biết không bằng ưa thích; ưa thích không bằng vui trong đó.”

BÌNH GIẢI:

Câu này của Đức Khổng tử nói về việc học đạo lý. Học đạo lý để sống cho ra con người chân thực là điều cần thiết. Vì thế cần phải học hỏi cho biết. Nhưng biết đạo lý không bằng ưa thích đạo lý. Có ưa thích mới ham học. Tuy nhiên, ưa thích đạo lý cũng chưa bằng vui trong đạo lý. Vui trong đạo lý thì đạo lý mới thành hiện thực rõ rệt trong đời sống. Do đó, đạo lý mới biến cải được con người, biến cải được xã hội nên tốt. Người sống vui trong đạo lý mới nhận ra ý nghĩa của cõi nhân sinh, khiến cho người ta nhìn ra giá trị của đời người, của tha nhân đồng loại, của thiên nhiên vạn vật.

Câu này cũng có thể áp dụng cho bất kỳ một môn học nào. Muốn học một môn nào, một nghề nào để đạt kết quả thấu đáo, người ta phải tìm thấy niềm vui trong môn học ấy và sống vui với những kiến thức mà mình thu lượm được.

19. Đức Khổng tử nói: “Người trung bình trở lên, có thể nói những điều cao siêu; người trung bình trở xuống, không thể nói những điều cao siêu.”

BÌNH GIẢI:

Mọi người trong trần gian có thể được chia thành hai loại: Người có trình độ trung bình trở lên và người có trình độ trung bình trở xuống (trên trung bình và dưới trung bình). Người trên trung bình có khả năng suy tư và thấu hiểu những nghĩa lý cao xa siêu hình. Người dưới trung bình chỉ có khả năng suy và hiểu những sự kiện hữu hình thuộc về giác quan và có liên quan tới đời sống hằng ngày. Đem những điều cao siêu nói với những người dưới trung bình thì họ không hiểu được.

Vì thế, trong cửa Khổng có hai phần học: Hình nhi thượng học và Hình nhi hạ học.

Phần Hình nhi thượng bàn về những thực tại, những qui luật, những vấn đề bên trên thế giới hình thể. Đó là những đề tài siêu hình vượt ngoài giác quan, chỉ có thể lãnh hội được bằng trí minh mẫn và tâm sâu sắc. Trí để suy xét, tâm để cảm nghiệm. Những vấn đề ấy thuộc về vũ trụ quan và nhân sinh quan. Nội dung của Hình như thượng học gồm những đề tài như: khởi nguyên vũ trụ, con người trong trời đất, đức lớn của trời đất, tính mệnh, đạo trung dung, đức nhân, đức thành, thiên mệnh, quỷ thần, sinh tử,, v.v.

Phần Hình nhi hạ nói về cách cư xử của con người trong cõi đời: trước hết là tạo cho mình trở thành một con người tốt đẹp về nhân cách, sau là tạo nên mối tương quan tốt đẹp với gia đình và xã hội. Nội dung của Hình nhi hạ học gồm những đề tài: quân tử và tiểu nhân, tu thân, lễ nhạc, cư xử, xét đoán người, vấn đề chính trị, chính danh định phận, quân quyền và dân chúng, vai trò hình pháp, v.v.

20. Thầy Phàn Trì hỏi về sự hiểu biết. Đức Khổng tử nói: “Chăm chú về điều nghĩa đối với dân, kính những năng lực siêu nhiên mà không gần gũi, có thể gọi là hiểu biết vậy.”

Hỏi về điều nhân. Đáp: “Người nhân trước là làm những việc khó, sau đó đạt được, có thể gọi là nhân vậy.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Phàn Trì hỏi Đức Khổng tử về điều trí, tức là hỏi về sự hiểu biết, sự mở mang kiến thức. Ý thầy muốn hỏi rằng người ta cần mở mang kiến thức về những vấn đề gì. Trong buổi đại loạn của thời Xuân Thu lúc bấy giờ, chưa có vấn đề mở mang kiến thức khoa học, Đức Khổng tử cho rằng những kiến thức cần chú trọng nhất là chăm chú làm điều nghĩa đối với dân chúng. Điều nghĩa là những mối tương quan tốt đẹp giữa mọi người với nhau. Như làm một vị quan cai trị dân, phải chăm chú vào việc làm cho dân được thái bình, an lạc, thịnh vượng. Muốn vậy, phải loại bỏ những điều bất công trong cơ cấu cai trị để cho dân được yên ổn sinh hoạt, không bị bắt nạt, bóc lột, giải trừ các tệ đoan cho dân, khiến dân được phát huy các tài năng, đức hạnh mà không bị thiếu thốn, đói khát.

Ngoài ra, đối với các năng lực siêu nhiên trong trời đất (người xưa thường gọi chung là quỉ thần) thì tỏ lòng kính ngưỡng nhưng xa ra, không gần gũi. Các năng lực siêu nhiên như năng lực gió bão, sấm sét, núi sông… (người xưa cho là các thần linh), như các âm hồn người quá cố… thì có thể đầy rẫy trong thiên nhiên nhưng ở dạng vô hình, ở ngoài tầm hiểu biết, ngoài sự điều động của con người. Nếu cứ gần gũi, nghĩa là cứ khấn vái cầu cạnh thì dễ sa vào tình trạng mê tín dị đoan, có hại cho sinh lực con người, làm hao phí tiền của.

Hiểu biết như thế có thể gọi được là có đức trí, tức là hiểu biết sáng suốt. Còn về điều nhân, Đức Khổng tử cho rằng người nhân phải làm những việc khó trước. Theo lời dạy của ngài đối với thầy Nhan Hồi, cái điều nhân khó làm nhất là tự chế phục mình và tuân theo lễ tiết, tức là tuân theo thiên lý lưu hành trong thiên nhiên, tuân theo đạo lý trong cõi nhân sinh (Khắc kỷ phục lễ vi nhân – 克己復禮為仁。). Ra sức tự chế phục mình, đừng để mình sa vào những điều càn bậy, vô lễ; thế rồi thu lượm những thành quả đạt được để thăng tiến nhân cách, trở nên quân tử, thánh hiền. Như thế có thể được gọi là người nhân vậy.

21. Đức Khổng tử nói: “Người trí thích nước; người nhân thích núi; người trí thì hiếu động, người nhân thì yên tĩnh; người trí vui thích, người nhân sống lâu.”

BÌNH GIẢI:

Người trí là người có trí khôn phát triển một cách đặc biệt. Trí khôn là năng lực tinh thần hướng ra ngoại vật qua các cửa ngõ thân xác tạo thành ngũ quan: nhãn quan (mắt), nhĩ quan (tai), tỵ quan (mũi), thiệt quan (lưỡi), thân quan (thân thể). Ngũ quan đón nhận các cảm giác do ngoại vật tác động vào thân xác con người, rồi được thu gom vào thành các ý tưởng. Các ý tưởng lại quay trở ra ngoại vật và đặt vấn đề trên ngoại vật.

Quá trình hướng ra và thu vào đó của trí khôn liên tiếp diễn ra làm cho tâm hồn người trí luôn luôn bị dao động, bận rộn, không ngừng. Tính cách dao động này của trí khôn rất gần gũi với tính lưu động của nước. Nước luôn luôn chảy theo thế cao thấp của đất và luôn luôn bị xao động do tác động của gió. Nước còn thay đổi dạng thức do tác động của hàn và nhiệt: co lại, đông cứng, giãn nở hoặc bốc hơi. Vì vậy, trí khôn và nước dường như có ái lực với nhau theo qui luật thanh khí (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Bởi thế, người trí rất ưa thích nước, thích gần gũi nước.

Trong lịch sử các nền văn minh, những người trí thường hay giao lưu với nhau và tụ họp thành một tập thể sống chung trong một đô thị. Ở đấy, người ta buôn bán, đổi chác, thi triển các tài năng nghệ thuật như âm nhạc, ca vũ, kịch nghệ… Và thực tế cho thấy các đô thị thường được thiết lập bên một bờ sông, bờ biển hay bờ hồ, là những nơi có nhiều nước. Ở đó, người ta phát triển ngành giang thuyền, hàng hải và các ngành giải trí, thể thao như bơi lội, đua thuyền, v.v. Điều đó chứng tỏ rằng những người trí đều ưa thích nước. Các trẻ em, các thanh thiếu niên, khi trí khôn bắt đầu phát triển mạnh đều ưa thích nước.

Người nhân là người hướng về sự chế phục chính mình, trước hết là chế phục các giác quan, hạn chế sự hướng về ngoại vật của các giác quan. Họ chế ngự cảm giác để tạo nên một tâm hồn vững vàng, uy nghiêm, lặng lẽ. Tính chất vững vàng, uy nghiêm của người nhân xem ra rất gần gũi với tính chất chắc chắn, cố định của núi. Cũng theo qui luật thanh khí của vạn vật mà người nhân ưa thích núi, sống gần núi, dạo chơi, nghỉ mát trên núi. Họ chiêm ngắm núi và trầm tư để tìm ra ý nghĩa nhân sinh, tìm ra phương thế đạt tới sự vĩnh hằng và muốn tạo lập đời mình theo mẫu mực của núi. Vì thế, người nhân có khuynh hướng ẩn dật, có lượng bao dung cao cả, thích cảnh thái bình an nhiên tự tại của một đạo sĩ.

Hậu quả của hai khuynh hướng trí và nhân đó là: người trí thì hiếu động, thích sự tiến bộ vật chất, thích sự chinh phục, thích tranh thủ những thành công về khoa học kỹ thuật…; người nhân thì yên tĩnh, thích sự trầm lặng, hài hoà, thanh nhàn trong nếp sống ít đổi thay. Về phương diện tâm lý, người trí thuộc loại hướng ngoại, người nhân hướng nội.

Chung cuộc, người trí dễ tìm thấy sự vui thích trong sinh hoạt, dễ hoà đồng với mọi người, dễ hội nhập vào tập thể xã hội; còn người nhân thì được sống lâu vì tâm hồn không bị xáo trộn, thân xác ít bị chật vật vì tình trạng theo đuổi nhu cầu.

22. Đức Khổng tử nói: “Nước Tề biến đổi một đợt, theo kịp nước Lỗ; nước Lỗ biến đổi một đợt, theo kịp Đạo.”

BÌNH GIẢI:

Vào giai đoạn Đức Khổng tử đang sống giữa thời Xuân Thu (khoảng trên 500 năm trước Công nguyên), Tề là một nước láng giềng phía bắc nước Lỗ, thịnh vượng cả về quân sự lẫn kinh tế. Dưới sự cai trị của Tề Hoàn Công và nhờ vào tài năng của Tướng quốc Quản Trọng, nước Tề làm bá chủ chư hầu. Thiên tử nhà Chu và nước Sở hùng mạnh ở phương nam cũng phải vị nể. Đến thời Tề Cảnh công, tướng quốc Án Anh cũng khiến cho nước Tề được phát triển và hùng cường. Bấy giờ, kinh thành Lâm Tri là nơi buôn bán sầm uất, công nghệ thịnh vượng, có nhiều khách thương qua lại.

Tuy nhiên về mặt lễ nghi văn hoá, Nước Tề vẫn thua kém nước Lỗ. Nước Lỗ là lãnh địa của con cháu Chu Công, có nhà Thái Miếu thờ Chu Công, là một hiền tài nhà Chu, đã từng san định Chu Lễ và viết Hào Từ của Kinh Dịch. Vì thế nước Lỗ có một truyền thống về lễ nghĩa sâu dày hơn nước Tề. Do đó Đức Khổng tử cho rằng nếu nước Tề biến đổi thêm một đợt, từ sự phồn vinh kinh tế và sức mạnh quân sự phát huy về lễ nghĩa văn hoá thì theo kịp được trình độ nước Lỗ.

Còn nước Lỗ đã sẵn có truyền thống lễ nghĩa văn hoá, nếu biến đổi thêm một đợt nữa, tức là đưa được thực chất của lễ nghĩa văn hoá vào nội tâm thì đạt tới đạo. Bởi vì đạo là linh lực của Trời chi phối con người và vạn vật. Đạo vốn chẳng xa người. Đạo vốn tiềm tàng ở nội tâm con người. Nếu con người không chỉ chú trọng vào hình thức lễ nghi bên ngoài mà biết quay trở vào nội tâm để sống đạo, thì đạo sẽ hiện diện trong mọi sinh hoạt của xã hội. Bấy giờ, quốc gia mới thái bình, hạnh phúc thực sự.

23. Đức Khổng tử nói: “Cái cô mà chẳng phải là cái ly có khía, [gọi] là cái cô được sao, gọi là cái cô được sao?

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, khi tế cúng trời đất, người ta thường dùng cái bình hay cái ly có khía. Những cái khía tạo nên cái ly có ba đợt theo dạng thức chữ vương (王), thể hiện triết lý tam tài: Thiên, địa, nhân. Mỗi khi tế cúng, rượu được rót vào ly, thông lưu cả ba đợt trong ly, tượng trưng cho nguồn sinh lực Thái cực nối kết ba tài năng: trời, đất, người.

Tài năng trời là năng lực càn trao truyền dưỡng khí. Tài năng đất là năng lực khôn trao truyền sinh khí. Tài năng người là đức nhân thể hiện con người lý tưởng nối kết càn khôn. Như vậy, tế cúng là thực hiện sự hiệp thông giữa tam tài. Con người cần phải thực hiện được đức nhân mới xứng đáng là người, mới có thể hiệp thông với càn khôn được.

Ngay ở thời Đức Khổng tử, có khi người ta đã lãng quên ý nghĩa này, cho nên khi tế cúng lại không dùng cái ly có khía theo hình chữ vương; thay vào đó, chỉ dùng cái ly tầm thường không có khía, nghĩa là đã bỏ quên mất ý nghĩa hiệp thông, đồng thời bỏ quên việc thực hiện đức nhân. Dùng cái ly không khía mà người ta vẫn bảo là “cái cô”, thì gọi là cái cô sao được! Đó là lý do khiến Đức Khổng tử than thở.

“Cô bất cô” là hữu danh vô thực. Hữu danh vô thực là tình trạng phổ biến trong nhiều lãnh vực của thời đại suy thoái (chẳng hạn như hàng giả). Vì thế, mới nảy sinh loạn lạc!

24. Thầy Tể Ngã hỏi rằng: “Người nhân, được báo tin rằng có người ngã xuống giếng, vậy có nên nhảy theo chăng?”

Đức Khổng tử nói: “Sao lại làm như vậy? Người quân tử có thể ra đi mà chẳng thể bị hãm hại; có thể bị dối gạt mà chẳng thể bị lừa lọc.”

BÌNH GIẢI:

Người nhân là người đạt tới mức cao trong đức nhân, một đức hạnh đứng đầu trong Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Người nhân không những là người biết yêu thương kẻ khác, có nghĩa khí, mà còn là người có sự hiểu biết sáng suốt (trí). Người nhân chính là một bậc quân tử.

Nay, nghe tin báo có người ngã xuống giếng mà người nhân lại vội vàng nhảy theo để cứu thì chẳng phải là ngu si lắm sao? Đức Khổng tử trả lời thầy Tể Ngã rằng: “Sao lại làm như vậy?” là hàm ý quở trách. Thế rồi, ngài giải thích thêm: Người quân tử có thể đi đến (thệ) cái giếng để tìm phương thế cấp cứu, chứ không thể nhảy xuống theo để bị chết chìm (hãm). Người quân tử có thể bị người ta dối gạt (khi) vì một lời nói hữu lý, nhưng không thể ngu độn đến nỗi bị người khác lừa lọc (võng) mà chết thảm.

Tể Ngã, tức Tể Dư, là một đệ tử có tiếng là ăn nói hồ đồ và có tật ngủ ngày. Ông đã từng bị Đức Khổng tử chê trách nặng nề: “Gỗ mục, không thể chạm khắc, bức tường bẩn thỉu, không thể tô trát.” (Hủ mộc bất khả điêu dã; phẫn thổ chi tường bất khả ô dã – 朽木不可雕也,糞土之牆不可杇也。). Qua câu hỏi này, chúng ta thấy trình độ hiểu biết của ông ta quả thật kém cỏi vậy.

25. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử học rộng về kiến thức; dùng lễ để hạn chế; cũng có thể giải trừ được điều trái vậy.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử là người giữ vai trò lãnh đạo, giáo dục dân chúng, cho nên cần phải học rộng về mọi mặt để có nhiều kiến thức. Vào thời Đức Khổng tử, văn chỉ tất cả mọi ngành học thuật ngoài đạo lý. Thông thường, văn chỉ lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số (lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, đánh xe, chữ nghĩa, toán pháp).

Tuy nhiên, người học rộng nhiều kiến thức thì hay nhiều dục vọng. Dục vọng đưa đến những việc làm trái đạo lý, phạm đến phẩm giá và quyền lợi của người khác. Vì thế, cần phải dùng lễ tiết để hạn chế dục vọng, giữ gìn nhân cách trong phạm vi luân lý, đạo đức. Nhờ có lễ tiết, người ta mới có thể trừ bỏ được những điều trái trong xã hội.

26. Đức Khổng tử ra mắt nàng Nam Tử, thầy Tử Lộ không vui. Ngài thề rằng: “Ta có điều gì không phải, Trời ghét ta, Trời ghét ta!”

BÌNH GIẢI:

Nàng Nam Tử là vợ vua Vệ Linh Công, có tiếng là một phụ nữ thiếu đứng đắn. Nghe tin Đức Khổng tử đến nước Vệ, nàng Nam Tử đã thỉnh ngài đến thăm, có lẽ muốn biết mặt một hiền nhân học rộng, được nhiều người kính trọng và đã từng là Nhiếp tướng sự nước Lỗ, đưa nước Lỗ đến thịnh vượng. Dĩ nhiên, theo phép lịch sự, Đức Khổng tử chẳng thể chối từ.

Trước sự kiện này, thầy Tử Lộ tỏ ý không vui, có lẽ vì sợ Đức Khổng tử và các đệ tử đều bị mang tiếng. Đức Khổng tử đã phải thề thốt với Tử Lộ về nhân cách ngay thẳng của mình. Lời thề đã nại đến Trời chứng giám. Điều này chứng tỏ ngài có một niềm tin rất mãnh liệt vào sự hiện hữu siêu hình của Trời và sự thấu suốt tinh tế nhiệm mầu của Trời đối với mọi tư tưởng, mọi hành vi của con người.

27. Đức Khổng tử nói:“Trung dung là đức hạnh cao cả vậy thay. Người ta ít theo được đã lâu rồi.”

BÌNH GIẢI:

Trình Tử giải thích:“Bất thiên chi vị trung, bất dịch chi vị dung. -不偏之 謂中,不易之謂庸。” (Không thiên lệch gọi là trung, không thay đổi gọi là dung.” Trung là chính đạo, dung là định lý của mọi người. Như vậy, trung dung là không thiên lệch, không rời bỏ đạo.

Ở chiều kích nhân sinh phổ thông, trung dung là đức hạnh của đạo làm người. Ở qui mô vũ trụ, trung dung là thiên đạo chi phối thiên nhiên vạn vật. Ở mức con người lý tưởng, trung dung là đức hạnh của thánh nhân. Thế thì, trung dung là đức hạnh rất cao cả, bao la. Tuy nhiên, ngay thời Xuân Thu, Đức Khổng tử cho rằng người ta ít theo được đức hạnh cao cả trung dung đã lâu rồi. Nói như thế có nghĩa, vào thời xa xưa đã có lúc nhiều người đạt được mức cao cả đó. Thời xa xưa đó là thời nào?

Truyền thuyết cho rằng đó là Hoàng kim thời đại, cái thời có các bậc thánh vương cai trị, như là vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thành Thang… (khoảng 2000 năm trước Công nguyên). Bấy giờ, của rơi ngoài đường không ai nhặt (đạo bất thập di); người nào lỡ đánh rơi thì hôm sau ra đó mà tìm; và nhà nhà không cần đóng cửa cài then vì không có trộm cướp, giặc giã.

28. Thầy Tử Cống nói: “Như có người rộng giúp cho dân, mà hay cứu vớt mọi người, như thế là sao? Có thể gọi là bậc nhân chăng?”

Đức Khổng tử nói: “Điều ấy sao gọi là nhân thôi? Ắt phải là bậc thánh chứ! Vua Nghiêu, vua Thuấn còn kém về chỗ đó. Phàm người nhân là mình muốn nên thì nên cho người; mình muốn thành tựu thì thành tựu cho người. Lấy đó làm ví dụ gần gũi, có thể gọi là phương cách làm điều nhân vậy.”

BÌNH GIẢI:

Nhân là đức hạnh nền tảng trong đạo làm người. Đó là yêu thương, giúp đỡ, cứu vớt mọi người. Đức nhân được thi hành trọn vẹn thì nên bậc thánh. Con người do thầy Tử Cống nêu ra làm ví dụ đó chính là một bậc thánh rồi. Đến vua Nghiêu, vua Thuấn ngày xưa cũng chưa đạt tới mức trọn vẹn như vậy. Bậc nhân lý tưởng là người xem mọi người chung quanh như mình, yêu mọi người như yêu mình; mình muốn điều gì tốt thì thi hành cho mọi người như thế; không có sự phân biệt giữa ta và người. Lấy đó làm ví dụ gần gũi, người ta sẽ biết phương cách thực hành đức nhân. Cứ thực hành liên tục như thế không mệt mỏi, không thay đổi thì trở nên bậc thánh.

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x