Trang chủ » Luận ngữ – Chương 8 – Thái Bá

Luận ngữ – Chương 8 – Thái Bá

by Hậu Học Văn
636 views

THÁI BÁ ĐỆ BÁT

1. Đức Khổng tử nói: “Ông Thái Bá có thể được gọi là bậc đức hạnh hết mức vậy. Đem thiên hạ nhường đi nhường lại, dân không được biết mà ca ngợi.”

BÌNH GIẢI:

Ông Thái Bá là con trưởng của Chu Thái Công, một vị vua chư hầu của nhà Ân. Chu Thái Công có ba con trai: Thái Bá, Trọng Ung và Quí Lịch. Quí Lịch có một con trai là Cơ Xương, khôn ngoan, đức hạnh tuyệt vời. Chu Thái Công muốn tạo cơ hội cho Cơ Xương trong tương lai nối ngôi để mở đại nghiệp cho nhà Chu, cho nên có ý định truyền ngôi cho Quí Lịch. Quí Lịch làm vua thì ngôi vua tương lai sẽ truyền đến Cơ Xương.

Hiểu được thâm ý của cha, ông Thái Bá mặc dầu là con trưởng có quyền dành ngôi vua theo cổ lệ, nhưng ông đã kín đáo rủ Trọng Ung là em kế mình, cùng nhau kiếm cớ đi hái thuốc, bỏ trốn khỏi nước để cho ý định của Chu Thái Công được thành tựu tốt đẹp. Do đó, sau này Cơ Xương mới được lên ngôi Chu Văn Vương, mở nghiệp nhà Chu, thay thế cho vua Trụ, bạo vương của nhà Ân.

Thế là ông Thái Bá đã kín đáo nhường ngôi cho em út là Quí Lịch, đồng thời cũng là nhường ngôi cho cháu là Cơ Xương sau này. Ông Thái Bá hành động kín đáo, tế nhị như vậy, cho nên dân chúng không biết được để mà ca ngợi công đức. Có đức lớn mà lại biết giấu cái đức ấy đi chính là bậc chí đức vậy.

2a. Đức Khổng tử nói: “Cung kính mà không có lễ thì nhọc nhằn; thận trọng mà không có lễ thì sợ hãi; mạnh mẽ mà không có lễ thì rối loạn; ngay thẳng mà không có lễ thì khắc nghiệt.”

BÌNH GIẢI:

Chữ lễ ở đây không chỉ có nghĩa hẹp là lễ nghi, mà lễ có nghĩa là nguyên tắc hành động, ứng xử có mức độ, chừng mực, thích hợp. Biết lễ là biết sống vừa phải, không thái quá, không bất cập, thuận tiện cho mình và đẹp lòng mọi người.

Cung kính mà không có lễ tức là không biết cung kính trong một mức độ phù hợp với phẩm giá, với địa vị của mình. Như vậy, cung kính sẽ trở thành thái độ quị lụy, phiền hà, nhọc nhằn, mất công, mất cả phẩm giá.

Thận trọng mà không có lễ tức là không biết thận trọng đến đâu là đủ; thận trọng quá đáng sẽ khiến người ta e dè, sợ hãi, chậm chạp trong công việc, hay không dám hành động điều gì, lúc nào cũng chần chừ, thiếu chí tiến thủ.

Mạnh mẽ mà không có lễ tức là mạnh mẽ càn bậy, không được ước thúc trong lề luật; mạnh mẽ càn sẽ tạo nên hành động hung hăng, gây ra sự rối loạn, phá phách, có hại cho mọi người.

Ngay thẳng mà không có lễ tức là ngay thẳng quá đáng, thiếu tế nhị uyển chuyển, thiếu lịch sự, điều đó sẽ dẫn đến sự hà khắc, gắt gao, làm mất lòng người, khiến người khác phải oán giận.

Lễ rất quan trọng và có ý nghĩa rất rộng rãi, chứ không phải sự gò bó của lễ nghi phiền tạp thông thường. Hiểu rõ lễ và sống đúng lễ mới là người khôn ngoan, khéo léo, lịch duyệt, làm vui lòng người khác, nâng cao phẩm giá của chính mình và dễ thành công trong đời.

2b. Người quân tử hết lòng với người thân thì dân chúng hưng khởi đức nhân; không bỏ bạn bè cũ thì dân chúng không bạc bẽo.

BÌNH GIẢI:

Câu trên cũng là lời của Đức Khổng tử. Có sách tách câu này ra một tiết riêng; có sách đặt cùng một tiết với câu trong tiết 2. Ở đây, xin theo bản cổ văn Luận ngữ “Quốc học cơ bản tùng thư” của Trí Dương Xuất bản xã tại Đài Loan, đặt câu này trong tiết 2 nhưng tách riêng ra để giải thích cho rõ.

Dĩ nhiên, cả câu này phải được hiểu trong tinh thần lễ mới đúng. Ở đây, người quân tử đứng cương vị nhà cầm quyền. Người thân chỉ cho cha mẹ, anh em, con cháu, họ hàng. Hết lòng với người thân tức là hiếu đễ với cha mẹ anh em, thương yêu nâng đỡ con cháu, họ hàng cho trọn tình nghĩa; chứ không phải đem tài sản quốc gia chia cho người thân, đem quyền bính đặt vào tay người thân theo kiểu gia đình trị. Nếu người nào cầm quyền mà trao trọn tài sản, quyền bính quốc gia cho người thân lại là trái lễ.

Người quân tử cầm quyền hết lòng với người thân theo Lễ thì dân chúng sẽ theo gương mà dấy lên đức nhân, cũng hiếu đễ với cha mẹ anh em, thương yêu nâng đỡ con cháu, họ hàng.

Ngoài ra, người quân tử cầm quyền không bỏ bạn bè cũ, biết nâng đỡ, duy trì tình cảm tốt đẹp với họ theo đúng lễ, chứ không phải kết bè kết đảng với bạn bè cũ để khuynh đảo quốc gia, thì dân chúng sẽ bắt chước theo mà duy trì tình xưa nghĩa cũ một cách trung hậu, không bạc bẽo, không cạn tình dứt nghĩa với bạn cũ, người quen.

3. Tăng Tử có bệnh, gọi các học trò lại, nói: “Hãy mở tay ta ra! Mở chân ta ra!” Kinh Thi rằng: ’Sợ hãi nơm nớp, như xuống vực sâu, như bước trên băng mỏng.’ Từ bây giờ về sau, ta biết được thoát khỏi đấy rồi! Hỡi các trò!”

BÌNH GIẢI:

Tăng Tử là một cao đệ của Đức Khổng tử, được sắp thứ hai sau Nhan Hồi. Ông là người thận trọng, chậm chạp, ít phóng khoáng, nhưng hiểu biết sâu sắc về đạo lý của thầy và rất chú trọng về đạo hiếu. Cha ông là Tăng Điểm, cũng là học trò của Đức Khổng tử, có chí hướng cao khiết.

Vì có hiếu cho nên ông không muốn cha mẹ đau lòng hay mang tiếng vì con. Vào thời Xuân Thu, kẻ nào vi phạm phép nước, nặng thì bị tử hình, nhẹ thì bị chặt tay, chặt chân… Bị thảm hình như vậy tức là khiến cho cha mẹ phải đau lòng hay xấu hổ với mọi người. Do đó, một người con có hiếu cần phải biết cẩn thận giữ gìn thân thể khỏi bị tai nạn, thương tật. Tăng Tử cẩn thận suốt đời, tuy nhiên, cho đến khi sắp lìa trần ông mới dám chắc là mình bảo toàn được thân thể trọn vẹn, thoát khỏi các tai họa. Ông cho các học trò thấy tay chân của mình còn nguyên vẹn tức là muốn dạy cho họ bài học về giữ trọn vẹn thân thể.

4. Tăng Tử có bệnh, Mạnh Kính Tử hỏi thăm. Tăng Tử nói rằng: “Con chim sắp chết, kêu tiếng bi thương; con người sắp chết, nói lời tốt lành. Bậc quân tử yêu quí đạo đức có ba điều: dáng vẻ cử chỉ lánh xa sự tàn bạo, khinh nhờn; sắc mặt chính đáng gần gũi niềm tin; nói ra thì lánh xa sự thô bỉ, phản nghịch. Việc sắp đặt đồ cúng tế, thì dành cho viên chức cấp dưới.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Kính Tử tên là Trọng Tôn Tiệp, làm quan đại phu nước Lỗ. Căn cứ vào ngôn ngữ của Tăng Tử, có lẽ ông bị ốm nặng. Câu “Con chim sắp chết, kêu tiếng bi thương; con người sắp chết, nói lời tốt lành” đã trở nên một thành ngữ phổ thông trong dân gian.

Trong lúc sắp từ giã cõi đời, Tăng Tử có vài lời khuyên chân thành đối với Mạnh Kính Tử, đại diện cho lớp người quân tử ở cương vị cầm quyền. Người quân tử cầm quyền thiết tha với đạo đức cần phải giữ ba điều:

Dáng vẻ cử chỉ lánh xa sự tàn bạo, khinh nhờn.

Ở địa vị tôn quí, có chức quyền, người ta thường muốn bày tỏ quyền uy với dân và có thái độ khinh nhờn đối với cấp dưới. Muốn đắc dân tâm, muốn cấp dưới hết lòng giúp đỡ mình trong công việc, người cầm quyền phải bỏ dáng vẻ cử chỉ tàn bạo, khinh nhờn. Như vậy dân mới quí mến, không chống đối và hết lòng vâng phục, nghe lệnh.

Sắc mặt chính đáng gần gũi niềm tin.

Sắc mặt là biểu hiện của tâm hồn. Sắc mặt chính đáng thể hiện sự tự tin, sẽ khiến cho dân đặt hết cả niềm tin vào mình, vui vẻ chịu sự sai sử của mình.

Nói ra thì lánh xa sự thô bỉ, phản nghịch.

Lời nói ở miệng lưỡi nhưng có gốc ở tâm hồn. Giữ gìn lời nói được tao nhã, chân thành, tránh sự thô bỉ, phản nghịch thì tâm hồn không xa chính đạo. Lời nói thể hiện chính đạo sẽ có sức thuyết phục đối với dân, khiến mọi người theo mình giữ chính đạo mà không có manh tâm phản trắc.

Ba điều đó là những điều quan trọng cần thiết dành cho bậc quân tử cầm quyền, đem lại sự ổn định và thăng tiến tốt đẹp trong xã hội. Bậc quân tử cầm quyền không phải để ý đến những chuyện nhỏ nhặt như sắp đặt đồ cúng tế… Những chuyện ấy dành cho viên chức cấp dưới lo.

Lời khuyên của Tăng Tử được nhấn mạnh hết mức qua câu “Con người sắp chết, nói lời tốt lành”, cốt để cho Mạnh Kính Tử và các thế hệ cầm quyền đời sau tin tưởng, ghi nhớ. Ba lời khuyên đó là những điều thật tốt lành được nói ra vào lúc cuối đời của một bậc đại nho trong cửa Khổng. Người cầm quyền mà ghi nhớ thì phúc đức trăm đời cho đất nước. Đó là tấm lòng ưu mẫn của Tăng Tử, một nho sĩ chân chính, đối với đời.

5. Tăng Tử nói: “Giỏi mà hỏi nơi dở, nhiều mà hỏi nơi ít, có mà giống như không, đầy đủ mà giống như trống rỗng, bị xúc phạm mà không tranh giành, ngày xưa bạn ta từng theo được những việc như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trên đây nói về đức hạnh của người muốn tiến lên bậc thánh nhân. Người đã tài giỏi rồi, tự cảm thấy chưa hoàn toàn, mà đi hỏi ở người dở hơn mình, tức là thấy người ấy có điểm nào đó hơn mình. Người hiểu biết nhiều mà đi hỏi ở người hiểu biết ít hơn mình, tức là thấy người ấy có kiến thức nào đó mà mình chưa biết. Đó là người nhận ra sự bất toàn của mình: không ai giỏi tất cả và biết tất cả. Bất toàn mà cố gắng cầu toàn là điều đáng ngợi khen. Người có đức hạnh mà tỏ ra như không có, đầy đủ khôn ngoan mà tỏ ra như vụng về, rỗng tuếch, đó là người hết mức khiêm nhượng. Người bị người ta xúc phạm đến danh dự hay bị xâm phạm đến tài sản… mà sẵn sàng bỏ qua, không tranh giành để lấy phần thắng lợi về mình; đó là người có từ tâm, độ lượng, có lòng quảng đại, bao dung.

Tất cả những điều trên đều là hạnh của bậc thánh nhân, hiếm người thực hiện được. Thế mà bạn của Tăng Tử, chắc là thầy Nhan Hồi, đã từng theo được những việc như vậy, quả là người duy nhất trong cửa Khổng thời ấy, và có lẽ cũng là người duy nhất trong lịch sử đạo Nho. Vì thế nên khi con người ấy mất đi, Đức Khổng tử khóc mãi không thôi!

6. Tăng Tử nói: “Có thể giao phó đứa con côi sáu gang; có thể gửi gấm vận mệnh trăm dặm; gặp nguy biến mà không thể bị cướp (ý chí), người ấy có phải quân tử chăng? Người ấy là quân tử vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trong câu này, Tăng Tử đưa ra một mẫu người giả định để cho các đệ tử đánh giá. Đó là một người bầy tôi được vua giao cho việc bảo vệ con côi, và được giao cho trọng trách trông coi vận mệnh đất nước một trăm dặm. Khi xảy ra tình thế nguy biến, người bầy tôi ấy một lòng trung thành với sự ủy thác của vua, không để cho ai chiếm đoạt ý chí kiên định của mình. Tăng Tử hỏi rằng người ấy có phải là bậc quân tử chăng. Và ông đã tự trả lời ngay: Người ấy hẳn là bậc quân tử vậy.

Quân tử là người trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, bao giờ cũng hết lòng trung thành với người đã tín nhiệm mình, mặc dù có gặp những tình huống nguy khốn, biến loạn, hoặc được lợi lãi trăm chiều.

7. Tăng Tử nói: “Người có học không thể không mở rộng và quả quyết. Nhiệm vụ thì nặng mà đường thì xa. Lấy đức nhân làm nhiệm vụ của mình, lại không nặng sao? Cho đến chết là mức sau cùng, lại không xa sao?”

BÌNH GIẢI:

Nhiệm vụ của người có học (sĩ) là phải đem cái biết của mình về chân lý truyền bá cho mọi người được biết (hoằng), không thể giữ cho riêng mình; lại còn phải quả quyết (nghị) duy trì cái chân lý mà mình đã biết. Việc ấy giống như người được trao cho bó đuốc trong đêm thì phải châm đuốc cho những người khác để ánh sáng được truyền lan khắp nơi, khiến cho đêm tối trở thành sáng rực và phải quả quyết giữ cho bó đuốc ấy được sáng mãi. Như thế, nhiệm vụ của người có học rất nặng nề (nhậm trọng) và con đường truyền bá rất xa xôi (đạo viễn).

Cái học trong đạo Nho không chỉ bao gồm kiến thức về lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), mà chính yếu là thể hiện đức nhân. Người có học phải hiểu thấu đáo đức nhân và phát huy đức nhân, đem đức nhân đến cho mọi người để nhân hoá con người trong xã hội. Khi con người được nhân hoá, con người mới trở nên người đích thực (Nhân giả nhân dã – 仁者人也). Con người đích thực nếu giải thích theo khuôn khổ triết lý Ngũ hành (5 = 3 + 2), thì yếu tố tâm linh là dương giữ số 3, yếu tố thể chất là âm giữ số 2. Có nghĩa là tâm linh làm chủ thể chất; thể chất giữ vai trò thứ yếu, tâm linh (yếu tố thánh thiêng) giữ vai trò chủ đạo, chỉ huy thể chất.

Con người được nhân hoá tức là sống trong đức nhân, không phải con người thuần tính động vật, không bị sự vật sai sử. Con người thuần tính động vật (vật hoá) là người đi trong đêm tối của vô minh, của dục vọng tàn ác, cho nên thường xuyên bị khổ đau và gây khổ đau cho người khác. Xã hội đầy những con người thuần vật là xã hội cực kỳ rối loạn, tàn nhẫn, đau thương…

Bởi vì người có học lấy việc triển khai đức nhân là nhiệm vụ của mình cho nên đó là một gánh vác rất nặng nề. Truyền bá đức nhân cho mọi người không phải trong một sớm một chiều thành tựu, mà phải truyền bá cả đời cho đến lúc chết mới được nghỉ ngơi; do đó mới nói con đường hoằng đạo rất xa xôi.

Tăng Tử là người môn đệ đứng thứ hai sau Nhan Hồi, cho nên đã ý thức được đúng đắn cái học của Đức Khổng tử. Sau này, hậu nho xếp Tăng Tử vào hàng Tứ phối (Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Kha), sánh với Đức Khổng tử, quả là không sai.

8. Đức Khổng tử nói: “Phát khởi ở Thi, đứng vững ở Lễ, thành tựu ở Nhạc.”

BÌNH GIẢI:

Đạo Nho thời Đức Khổng tử có Lục kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu. Sau khi Tần Thủy Hoàng thi hành chính sách đốt sách chôn học trò, Kinh Nhạc bị mất, còn lại Ngũ Kinh.

Kinh Thư nói về việc chính trị. Kinh Dịch nói về qui luật biến động. Kinh Xuân Thu ghi chép về lịch sử. Ba kinh Thi, Lễ, Nhạc là những quyển sách cần thiết cho đạo làm người. Người học đạo Nho để trở nên bậc quân tử, trước hết phải học Thi, rồi đến học Lễ và cuối cùng học Nhạc.

Học Thi để phát khởi tình người, bắt đầu là mối tình nam nữ. Tình nam nữ có phát triển tốt đẹp, người ta mới nên vợ nên chồng để có một xã hội ổn định phù hợp với qui luật âm dương của đạo Dịch. Kinh Thi bao gồm những bài ca dao, đặc biệt là phần Quốc phong; trong đó mối tình nam nữ được đề cập đến một cách đơn sơ, chân thành, đằm thắm, chẳng hạn như trong bài thơ Quan thư sau đây:

關關雎鳩, 在河之洲。 窈宨淑女, 君子好逑。

Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu.

(Tạ Quang Phát, Kinh Thi I, NXB Văn học 2004, trang 35)

(Quan quan cái con thư cưu,

Con sống, con mái cùng nhau bãi ngoài.

Dịu dàng thục nữ như ai,

Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.)

Tản Đà dịch

Tiếp theo, người ta phải học lễ để biết cách cư xử theo trật tự, thứ bậc, gần xa. Kinh lễ giúp cho người học đạo đứng vững trong xã hội với những tương quan giao thiệp có chừng mực hợp đạo đức, luân lý. Mục đích của lễ là tụ hội mọi điều đẹp đẽ. Trong lễ có nghĩa. Nghĩa là sự điều hoà các mối tương giao để làm lợi cho mọi người, mọi vật: “Gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hoà nghĩa.” (Gom góp mọi điều tốt đẹp đủ để cho hợp với lễ, làm ích lợi cho mọi vật đủ để điều hoà điều nghĩa.) (Kinh Dịch: Quẻ Càn, Văn ngôn truyện)

Cuối cùng, để có thể thành tựu nhân tính với tâm linh, thể chất hài hoà và tạo nên hoà khí với tha nhân trong xã hội, người ta phải học nhạc. Hiểu sâu sắc về nhạc và khéo vận dụng nhạc, người ta mới có thể xây dựng nên một xã hội thái hoà; mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi đoàn thể hoà hợp trong một đại hoà điệu yêu thương. Đức Khổng tử nói: “Trí Nhạc dĩ trị tâm, tắc dị, trực, từ, lượng chi tâm du du nhiên sinh hỹ.” (Vận dụng nhạc đến cùng để ổn định lòng người, tức thì cái lòng giản dị, ngay thẳng, nhân từ, thành tín tự nhiên phơi phới sinh ra.) (Lễ Ký: Tế Nghĩa).

Thiên Nhạc Ký lại viết: “Nhạc dã giả, thánh nhân chi sở lạc dã, nhi khả dĩ thiên dân tâm, kỳ cảm nhân thâm, kỳ di phong dịch tục, cố tiên vương trứ kỳ giáo yên.” (Nhạc là cái vui của thánh nhân mà có thể khiến cho lòng dân nên tốt, cảm được lòng người sâu xa, thay đổi được phong tục, cho nên tiên vương mới đặt ra dạy nhạc.”

9. Đức Khổng tử nói: “Dân có thể khiến noi theo, không thể khiến cho biết.”

BÌNH GIẢI:

Vì câu nói trên, đã không ít người, nhất là ở cao trào dân chủ đầu thế kỷ 20, cho rằng Đức Khổng tử chủ trương đường lối ngu dân! Nghĩa là không cần giảng giải cho dân hiểu biết, chỉ cần sai bảo họ làm theo ý nhà cầm quyền.

Cũng có học giả muốn bênh vực Đức Khổng tử, đã đặt giả thuyết cho rằng “Hay là cường hào hậu thế gán cho Đức Khổng tử đặng dễ sai dân?” (Đoàn Trung Còn. Luận Ngữ, Trí Đức Tòng Thơ xuất bản: trang 125).

Ở đây, chúng ta cần xét lại. Vào thời Đức Khổng tử, cách nay khoảng 2.500 năm trước, hầu hết dân chúng không có học, chỉ có những người ở giai cấp lãnh đạo

được học thôi. Việc học chưa được mở mang, chữ nghĩa ít ỏi! Do đó, có những vấn đề thuộc các lãnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế… ảnh hưởng sâu xa tới vận mệnh đất nước, không thể một sớm một chiều giảng giải cho toàn dân thông suốt được. Để đáp ứng với tình thế, nhà cầm quyền chỉ việc khiến dân noi theo mà không thể nhất thời giảng cho dân biết. Dĩ nhiên, nhà cầm quyền này phải là bậc quân tử trong cái học lý tưởng của đạo Nho.

Mở đầu sách Đại Học, Đức Khổng tử nói: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện – 大學之道在明明德,在親民,在止於 至善。: Đường lối của bậc đại học ở chỗ làm sáng lên cái năng lực sáng láng nơi mình, ở chỗ thân yêu dân chúng, ở chỗ nhắm tới chí thiện.” Với một nhà cầm quyền theo cương lĩnh như thế, câu trên thật là thích hợp. Dân chúng dốt nát, kém cỏi giống như những đứa con thơ dại; nhà cầm quyền sáng suốt thương dân giống như cha mẹ thương con, chỉ khiến con làm những điều tốt, điều phải mà thôi.

Câu trên của Đức Khổng tử không dành cho những bạo chúa, cường quyền, chỉ tìm cách áp bức dân chúng phục vụ cho quyền lợi riêng của mình. Câu nói của Đức Khổng tử phải đặt trong học thuyết Chính danh mới hợp lý: “Quân quân, thần thần… : Vua phải cho ra vua, bầy tôi phải cho ra bầy tôi… ”

Dĩ nhiên, câu trên cũng không còn thích hợp cho thời nay, khi mà việc giáo dục đã phổ biến rộng khắp; trong dân chúng có nhiều người giỏi giang sáng suốt, đức độ… Vì thế, nền chính trị ngày nay chủ trương dân chủ, lấy ý kiến dân làm ý kiến nhà cầm quyền mới đúng.

10. Đức Khổng tử nói: “Ưa thích sức mạnh, giận ghét cảnh nghèo, sẽ làm loạn. Người không có lòng nhân, bị giận ghét thái quá, sẽ làm loạn.”

BÌNH GIẢI:

Câu trên nói đến hậu quả tâm lý của hai loại người. Người ưa thích sức mạnh mà lại giận ghét cảnh nghèo, nếu cứ bị sống trong cảnh nghèo mãi, ắt sẽ dùng sức mạnh của mình để đổi cảnh nghèo. Như thế, loại người ấy ắt sẽ dấy loạn. Người không có lòng nhân, tức là nặng thú tính hơn nhân tính, nếu bị giận ghét thái quá, thú tính nổi lên, ắt sẽ dấy loạn, chống đối.

Đức Khổng tử đưa ra câu này có ý khuyên các đệ tử đứng ở cương vị cầm quyền phải phòng ngừa và tìm cách hoá giải hai loại người trên. Đối với người ưa thích sức mạnh, hãy dùng sức mạnh của họ cho đúng chỗ, đừng để cho họ sống trong cảnh nghèo hèn. Đối với người không có lòng nhân, đừng bao giờ giận ghét họ thái quá; trái lại, hãy vuốt ve, an ủi để cho thú tính của họ không có cơ hội nổi lên, rồi dần dần được thuần hoá. Làm người quân tử trị nước mà khéo léo xử trí như thế mới có thể tránh được sự dấy loạn trong đất nước.

11. Đức Khổng tử nói: “Như có tài năng, đẹp đẽ như Chu Công, mà tỏ ra kiêu căng lại keo kiệt, thì những gì thêm ra không đủ xét đến nữa.”

BÌNH GIẢI:

Câu trên của Đức Khổng tử nhằm chê bai tính kiêu căng và keo kiệt. Kiêu căng là tự thị, khinh người. Keo kiệt là thu quén, tích cóp của cải cho riêng mình, không bao giờ muốn giúp đỡ, bố thí cho ai. Một người như thế giá như có tài năng, đẹp đẽ như Chu Công cũng trở thành vô dụng.

Chu Công là con của Văn Vương, em của Võ Vương, có tài năng đức hạnh lỗi lạc, đã giúp Võ Vương dựng nên sự nghiệp thịnh vượng lâu dài cho nhà Chu. Sở dĩ vô dụng và không đáng xét đến những tài năng, sự đẹp đẽ ấy, bởi vì tính kiêu ngạo và tính keo kiệt khiến cho mọi người phải xa lánh người ấy, không còn ai muốn ở gần và hợp tác nữa. Đó là con người không ai trợ giúp. Đã không ai trợ giúp, đơn thương độc mã thì dù có tài năng đến mấy cũng không thể làm nên được chuyện gì trong đời. Chẳng những thế, người ấy còn bị người ta ghét bỏ, vùi dập.

12. Đức Khổng tử nói: “Học ba năm mà không để tâm vào bổng lộc, không dễ được vậy!”

BÌNH GIẢI:

Hầu hết những người đi học đều cầu mong một ngày kia có địa vị để đạt được nhiều bổng lộc. Thực ra đó không phải là lý tưởng của đạo Nho. Lý tưởng của đạo Nho là thành nhân, tức là thành tựu nhân tính đích thực, trở nên bậc quân tử, thánh hiền. Đi học là một quá trình “minh minh đức” (làm sáng cái minh đức nơi mình). Sau này, có ra làm quan cũng chỉ là tìm cơ hội để “minh minh đức ư thiên hạ” (làm sáng cái minh đức nơi mọi người). Tuy nhiên, giữ được lý tưởng này, không để tâm tới bổng lộc, không dễ được mấy người! Có Đức Khổng tử và Nhan Hồi thôi chăng?

13. Đức Khổng tử nói: “Dốc lòng tin, ham học, khéo giữ đạo cho đến chết. Không vào nước lâm nguy, không ở nước loạn lạc. Thiên hạ có đạo thì xuất hiện, không có đạo thì ẩn dật. Nước có đạo mà nghèo lại hèn, thì đáng hổ thẹn. Nước không có đạo mà giàu lại sang, thì đáng hổ thẹn.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử giảng dạy câu trên có lẽ vào lúc ngài cùng các đệ tử chu du liệt quốc. Thuở ấy, Trung Hoa bị chia thành khoảng 100 nước (bang) lớn nhỏ; tất cả đều là chư hầu của nhà Chu. Vì nhà Chu suy yếu, quyền bính trung ương không được tôn trọng, đạo nhân nghĩa suy đồi, nước nọ thôn tính nước kia. Có nước đang lâm nguy, có nước đang loạn lạc. Đức Khổng tử dạy đạo lý cho các đệ tử trong ý hướng muốn ổn định xã hội. Vì thế, ngài bảo các đệ tử phải dốc lòng tin vào đạo, chỉ có đạo mới ổn định được xã hội. Có niềm tin vững vàng rồi, cần phải ham học để phát triển tài đức và quyết tâm giữ đạo cho đến chết.

Trong sự khôn ngoan của người có học, nước nào đang lâm nguy thì đừng vào; bởi vì có vào cũng không cứu vãn được. Tình trạng nguy khốn của một nước là hậu quả suy đồi đạo lý đã lâu. Nguy khốn sẽ dẫn đến đổ vỡ, tan tác trong một thời gian dài theo đúng qui trình của dịch lý; dù có tài năng cách mấy cũng không thể cứu nguy được. Nước nào loạn lạc thì không ở lại; bởi vì loạn lạc là khởi đầu của sự nguy khốn đang tới. Ở lại đó sẽ bị liên lụy không cứu gỡ được.

Giả như gặp lúc thiên hạ có đạo, tức là tình hình chính trị đã lắng dịu, các giá trị đạo đức được tôn trọng, thì nên xuất đầu lộ diện, đảm đương một chức vụ thích hợp nào đó để xây dựng xã hội. Nếu nước không có đạo, cả chính quyền lẫn dân chúng đều xa rời nhân nghĩa, thì nên ẩn dật, che giấu tài năng, tên tuổi để giữ tròn đạo lý.

Ứng xử như vậy là thi hành đạo lý tùy thời “tùy thời chi biến dĩ tòng đạo dã” (Trình tử), chứ không phải ngoan cố hay hèn nhát. Ngoan cố là thái độ của người ỷ tài làm càn không xét đến thời vụ. Hèn nhát là thái độ trốn tránh bổn phận của mình vì ngại khó, ngại khổ. Bậc quân tử không thuộc hai loại người đó.

Nếu như người nào sống trong nước có đạo mà lại nghèo hèn, thì đáng hổ thẹn, bởi vì người ấy lười biếng hay kém cỏi. Nước có đạo là cơ hội tốt cho mọi người phát triển, thế mà mình lại nghèo hèn thì thật đáng trách.

Nếu như người nào sống trong nước không có đạo, trong khi mọi người phải lầm than khốn khổ, thế mà người ấy lại giàu sang thì cũng đáng hổ thẹn; bởi vì người ấy đã tham gia vào sự bóc lột, chèn ép, nịnh hót hoặc thao túng kinh tế, bất chấp đạo lý.

Bài giảng của Đức Khổng tử trên đây có thể áp dụng cho mọi người trong mọi thời.

14. Đức Khổng tử nói: “Không ở chức vị nào, không mưu tính việc chính trị của chức vị đó.”

BÌNH GIẢI:

Đây là một lời dạy dành cho các đệ tử khi tham gia việc nước. Việc nước có nhiều chức vị cao thấp. Mỗi chức vị lại có một công việc riêng dành cho chức vị đó. Nếu mỗi người tham chính đều biết lo tròn bổn phận trong chức vị của mình, guồng máy cai trị sẽ tiến hành tốt đẹp. Ví bằng ai đó không lo tròn bổn phận mình mà lại mưu tính sang công việc của chức vị khác, tức là mắc vào hai lỗi: lỗi không làm trọn phần mình và lỗi giẫm chân lên phần hành của người khác.

Không làm trọn phần mình thì công việc chung bê trễ, thiếu sót. Giẫm chân lên người khác sẽ khiến người ta khó chịu, chống đối lại mình. Đó là đầu mối của sự rối loạn trong chính sự, là đầu mối gây nên sự trì trệ, trắc trở trong guồng máy cai trị; đồng thời gây nên nhiều sự lo lắng, phức tạp, phiền muộn, bất an cho chính bản thân mình.

15. Đức Khổng tử nói: “Sư Chí khởi đầu, chấm dứt khúc Quan thư, tốt đẹp tràn đầy biết bao, vui tai thay!”

BÌNH GIẢI:

Sư Chí là nhạc sư tên Chí, nhạc trưởng cung đình nước Lỗ. Trong một buổi tấu nhạc ở triều đình, Sư Chí đã khởi tấu, rồi kết thúc khúc nhạc Quan thư với giai điệu tốt đẹp tràn đầy, phơi phới mênh mông như biển, làm vui tai người nghe.

Quan thư là một bài trong Kinh Thi, mở đầu phần Quốc phong, nói lên mối tình thân mật đằm thắm, đứng đắn của một người quân tử với ý trung nhân của mình, trong trắng, trìu mến như đôi chim thư cưu quấn quít trên bãi cỏ bên sông. Giai điệu tiết tấu của bản nhạc do Sư Chí trình tấu đã diễn tả được sự mỹ thịnh của mối chân tình nam nữ yêu nhau trong lễ giáo. Đức Khổng tử đã cảm nhận được ý tình của thanh âm cho nên cất tiếng ngợi khen tài năng của Sư Chí.

Qua đây, chúng ta có thể thấy được triết lý âm nhạc của người xưa và trình độ thẩm âm của Đức Khổng tử. Triết lý âm nhạc của người xưa là vun đắp tình người, tạo nên sự hoà ái, ổn định, an vui trong xã hội. Còn trình độ thẩm âm của Đức Khổng tử thì rất cao; ngài thấu tỏ được ý tình của Sư Chí diễn tả qua các cung bậc thanh âm.

16. Đức Khổng tử nói: “Ngông cuồng mà chẳng ngay thẳng, mù mờ mà chẳng thành thực, ngây ngô mà chẳng giữ niềm tin, ta chẳng biết loại ấy như thế nào!”

BÌNH GIẢI:

Trong câu trên, Đức Khổng tử đề cập đến ba loại người:

– “Ngông cuồng mà chẳng ngay thẳng”: đây là người có nhiều tham vọng, tham vọng quá hoá rồ dại, không tự biết khả năng của mình đến đâu. Đã vậy, trong cách giao thiệp, hành xử, người ấy lại chẳng ngay thẳng, mà lươn lẹo, cong queo, dối trá.

– “Mù mờ mà chẳng thành thực”: đây là người không có chút kiến thức nào, sự hiểu biết không hơn một đứa trẻ, thế mà lại chẳng thành thực, dở về điều thiện nhưng lại hay về điều ác.

– “Ngây ngô mà chẳng giữ niềm tin”: đây là loại người có vẻ khờ dại nhưng chẳng giữ niềm tin với ai, luôn luôn thất hứa, thể hiện một tính tình dối trá, lường gạt.

Đó là ba loại người, hay cũng có thể qui về một loại (nếu là một loại người mà như thế thì thật thậm tệ), có vào thời đại loạn Xuân Thu Chiến Quốc. Đức Khổng tử liệt họ vào loại ngoại hạng, khó bề diễn tả, cho nên khó lòng dạy dỗ và không thể dùng vào một việc gì.

17. Đức Khổng tử nói: “Học như là không kịp, bởi sợ mất đi.”

BÌNH GIẢI:

Câu trên nói về lý do nỗ lực học tập. Đức Khổng tử cho rằng người học cần phải luôn luôn cố gắng tiến lên như là không theo kịp; không theo kịp đà phát triển của xã hội, không theo kịp sự biến dịch của dòng thời gian. Xã hội phát triển thì có thêm nhiều điều mới lạ cần phải cập nhật. Thời gian biến dịch nhanh chóng thì tuổi già mau tới, sức khỏe chóng sa sút. Người học không phấn đấu học tập, sao có thể thích ứng được với dòng đời để có thể giúp đỡ người khác. Nếu không nỗ lực phấn đấu thì sợ rằng những điều đã học sẽ rơi mất và những điều mới sẽ trượt qua, không nắm bắt được.

Trong tinh thần nỗ lực học tập này, về sau Nho gia Vương Dương Minh đã nói: “Việc học ví như người bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi.” Bơi thuyền ngược nước mà không nỗ lực chèo sẽ không bao giờ tới bến; dòng nước ắt sẽ cuốn trôi con thuyền ra tận bể khơi.

18. Đức Khổng tử nói: “Cao cả thay! Vua Thuấn, vua Vũ có thiên hạ mà chẳng dính bén vào!”

BÌNH GIẢI:

Vua Thuấn (nhà Ngu) được vua Nghiêu truyền ngôi cho, trị vì trong 50 năm (2255-2205 trước Công nguyên). Vua Vũ (nhà Hạ) được vua Thuấn truyền ngôi cho, trị vì trong 8 năm (2205-2197 trước Công nguyên). Cả hai ngài cai trị thiên hạ bằng đức độ, chẳng dính bén vào tài sản của dân chúng; vì thế, thiên hạ được thái bình. Đức hạnh của hai ngài thật cao cả, các vua đời sau khó lòng sánh kịp.

19. Đức Khổng tử nói: “Lớn lao thay ông Nghiêu làm vua! Cao cả thay, chỉ có Trời là lớn; chỉ riêng vua Nghiêu bắt chước được! Bát ngát thay, dân chúng không thể ca ngợi hết được! Cao cả thay thành công của ông! Rực rỡ thay lễ nhạc pháp độ của ông!”

BÌNH GIẢI:

Vua Nghiêu (nhà Đường), con thứ vua Đế Cốc, được chư hầu tôn lên ngôi Thiên tử, cai trị Trung Hoa khoảng 101 năm (2356-2255 trước Công nguyên). Tương truyền công việc cai trị cùng với lễ nhạc pháp độ rất tốt đẹp, dân chúng thái bình (cửa ngõ không phải đóng, của rơi ngoài đường không có ai nhặt…). Sử Trung Hoa gọi thời này là Đường Nghiêu, cùng với thời Ngu Thuấn, Hạ Vũ tạo nên Hoàng Kim thời đại (thời đại vàng son).

Trong đoạn văn trên, Đức Khổng tử ca ngợi vua Nghiêu hết mức, cho rằng ông đã bắt chước được Trời. Về điểm bắt chước, có lẽ Đức Khổng tử muốn nói tới việc vua Nghiêu biết chỉ đạo làm lịch để thuận theo mùa màng trong thiên nhiên mà dạy dân canh tác có kết quả. Kinh Thư, thiên Nghiêu Điển có chép về vua Nghiêu như sau:

“Đến như xét về vua Nghiêu xưa, công là rất lớn! Ngài kính cẩn, sáng suốt, văn hoa, ý tứ, êm đềm, thực nhún, biết nhường… Ánh sáng khắp bốn phương ngoài, suốt cả trên dưới! Tỏ rõ được đức lớn, để thân với người chín tộc. Chín tộc thuận rồi, rạng đều ra trăm họ. Trăm họ đã rỡ sáng, hợp hoà muôn nước. Dân đen thảy biến đổi! Đời thì yên vui! Bèn sai họ Hy, họ Hoà, kính thuận theo Trời Cả làm lịch, làm tượng,[14] lường mặt trời, mặt trăng, các sao, các độ sao; cẩn thận dạy cho nhân dân biết mùa.”[15]

Nhân đây, xin có ý kiến về quan niệm của nhiều học giả thế kỷ 20 cho chuyện Nghiêu Thuấn là huyền thoại. Họ bảo Đức Khổng tử tạo ra huyền thoại đó để chống đỡ tư tưởng chính trị của ông. Điều đó có nghĩa là học thuyết chính trị của Đức Khổng tử quá lý tưởng không thể đem ra thi hành được, cho nên ông phải tạo ra chuyện Nghiêu Thuấn đã từng cai trị thành công theo học thuyết chính trị đó (Đế đạo, Vương đạo) để người đương thời và các thế hệ sau tin theo rồi bắt chước! Thiết nghĩ, gán cho Đức Khổng tử cách lập ngôn như vậy, thật là quá võ đoán. Họ đã xét người xưa theo lòng dạ thời nay. Ở thời Xuân Thu đâu đã có cách lập ngôn kiểu dối trá như thế. Vả lại, căn cứ vào những ngôn từ của Đức Khổng tử trong các sách Luận ngữ, Đại học, Trung dung, chúng ta thấy rõ ông là người thành thật. Sự thành thật ấy biểu lộ qua câu nói: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã – 知之 為知之,不知為不知,是知也。” (Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy.” Bậc thầy đã nói ra câu ấy đâu có thể là người dùng mưu thuật bịa chuyện để nâng đỡ cho học thuyết của mình?

Chỉ có điều những đức hạnh và công nghiệp của các vua Nghiêu Thuấn, cảnh thái bình của dân chúng trong thời Đường Ngu là do khẩu truyền; Đức Khổng tử cũng chỉ là người được nghe rồi kể lại trong tinh thần “thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” (kể lại mà không sáng tác, tin theo mà ưa thích điều cũ). Sự thật về chuyện Nghiêu Thuấn đúng được bao nhiêu phần trăm, cả Đức Khổng tử và chúng ta ngày nay không thể biết rõ; bởi vì thời Nghiêu Thuấn đã quá xa rồi (cách Đức Khổng tử 1.700 năm, cách chúng ta 4.200 năm). Quá xa trong giai đoạn loài người chưa phát triển chữ viết để ghi chép; chỉ có khẩu truyền thôi!

20. Vua Thuấn có năm bầy tôi mà thiên hạ được trị. Vũ Vương nói: “Ta có mười bầy tôi trị loạn.” Đức Khổng tử nói: “’Người tài khó kiếm.’ Chẳng đúng hay sao? Thời buổi ấy (của Vũ Vương) đông đúc hơn thời buổi nhà Đường, nhà Ngu. Có một người nữ, còn chín người nam thôi. Có hai phần ba thiên hạ mà vẫn thần phục nhà Ân, đức của nhà Chu có thể nói là đức rất cao đó vậy.”

BÌNH GIẢI:

Vua Thuấn có năm người bầy tôi giỏi là: ông Vũ, ông Tắc, ông Tiết, ông Cao Dao, ông Bá Ích. Theo Kinh Thư, thiên Thuấn Điển, ông Vũ giỏi trị thủy khiến dân được an cư lạc nghiệp. Ông Tắc giỏi dạy dân về canh nông. Ông Tiết giỏi dạy dân tuân giữ đạo lý căn bản (cha con, vua tôi, vợ chồng, anh em, bè bạn). Ông Cao Dao giỏi về hình án, gìn giữ luật pháp nghiêm minh. Ông Bá Ích giỏi trông nom cỏ cây, chim muông, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Vua Vũ Vương có mười người bầy tôi giỏi trị loạn là: Chu Công, Triệu Công, Khương Tử Nha, Tất Công, Vinh Công, Thái Điên, Hoành Yên, Tán Nghi Sanh, Nam Cung Quát và bà Ấp Khương (vợ của Vũ Vương).

So sánh với thời nhà Đường (vua Nghiêu) và thời nhà Ngu (vua Thuấn), số nhân tài của nhà Chu (Võ Vương) đã đông đúc hơn. Trong đó có 9 vị thuộc nam giới, 1 vị thuộc nữ giới. Tuy nhiên xét chung cả hai thời đại ấy, số nhân tài vẫn là hiếm.

Nhà Chu dưới sự lãnh đạo của Văn Vương (cha của Vũ Vương) đã có sự tòng phục của hai phần ba thiên hạ, thế mà vẫn một lòng phụng sự nhà Ân, mặc dầu vua Trụ của nhà Ân là một hôn quân vô đạo. Điều đó chứng tỏ đức của nhà Chu, với đại biểu là Văn Vương, quả là cao cả lắm.

21. Đức Khổng tử nói: “Vua Vũ, ta không chê vào đâu được vậy. Ăn uống sơ sài, nhưng rất tôn kính đối với các linh lực siêu nhiên. Y phục tồi tàn, nhưng rất đẹp đẽ trong áo mũ cúng tế. Cung thất thấp kém, nhưng dồn hết sức trong việc [sửa sang] các kênh rạch, sông ngòi. Vua Vũ, ta không chê vào đâu được!”

BÌNH GIẢI:

Vua Vũ, mở đầu nhà Hạ, là một hiền nhân được vua Thuấn truyền ngôi cho. Ông có nhiều đức tính đáng quí: khiêm nhượng, chăm chỉ, giản dị, tiết kiệm… và suốt đời tận tụy chăm lo việc nước. Ông là vị vua đơn sơ, đạm bạc: ăn uống sơ sài, không dùng các sơn hào hải vị; áo quần tầm thường như mọi người, không dùng tơ lụa vải vóc. Tuy nhiên, trong việc tế cúng các linh lực siêu nhiên (quỉ thần) biểu thị quyền năng của Đấng Tối Cao, hoặc là cúng giỗ tổ tiên, ông lại dùng lễ vật trọng hậu và y phục trang trọng (phất miện) đẹp đẽ để tỏ lòng thảo kính hết mức. Đó là cách dạy cho dân biết kính sợ uy Trời và noi gương tổ tiên đi trong đường thiện. Cung thất của ông chỉ là những nhà cửa thấp bé để làm gương cho dân biết tiết kiệm, tránh hao phí, xa xỉ. Tuy nhiên, đối với các công trình thủy lợi, mở kênh rút nước úng, đào mương đưa nước đến vùng khô, ông lại tích cực hết sức. Tương truyền khi còn là một viên quan trông coi việc trị thủy dưới triều vua Thuấn, ông bận rộn vì việc công đến nỗi ba lần đi qua nhà riêng mà không ghé vào. Đó là những hành vi đáng ca ngợi khiến Đức Khổng tử không thể xen vào mà chê bai được điều gì.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x