Trang chủ » Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

by Trung Kiên Lê
74 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 20 tháng 10, 1896)

Chúng ta thấy rằng quan niệm về māyā – có thể nói là một trong những học thuyết trụ cột của Tuyệt đối luận Vedānta – ngay từ buổi ban đầu đã được nảy sinh trong những Samhitā, và trên thực tế thì mọi tư tưởng được phát huy trong các Upanishad đều đã có sẵn trong các Samhitā dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đến hôm nay, phần lớn các bạn đã quen dần với khái niệm māyā, và đã hiểu rằng đôi khi nó bị giải thích một cách lệch lạc như là ảo tưởng, ảo giác. Diễn dịch ý nghĩa của danh từ này chẳng thú vị gì mà lại không chính xác. Māyā không phải là một học thuyết, nó chỉ đơn thuần là lời phát biểu về một vũ trụ y như thực.

Muốn hiểu được māyā, ta phải truy nguyên về các Samhitā và bắt đầu với quan niệm này từ buổi phôi thai. Chúng ta đã thấy chư thiên (Deva) xuất hiện như thế nào. Thoạt tiên, chư thiên được hiểu như là những sinh thể đầy quyền năng, chứ không là gì khác.

Hầu hết các bạn đều khiếp hãi khi đọc các cổ thư của người Hy Lạp, người Do Thái, người Ba Tư hoặc của những dân tộc khác, vì thấy đôi lúc những vị thần thời cổ đại đó làm những điều mà ta thấy rất là ghê tởm.

Nhưng khi đọc những cổ thư đó, ta hoàn toàn quên mất rằng chúng ta là những người của thế kỷ hiện đại, còn những vị thần đó đã sống cách đây hàng mấy ngàn năm. Chúng ta cũng quên mất rằng những dân tộc thờ phụng những vị thần đó không thấy có gì là phi lý trong nhân cách chư thần, không thấy có gì khiến họ phải sợ hãi, bởi vì chư thần rất giống với bản thân họ.

Tôi cũng xin lưu ý rằng đó là một trong những bài học vĩ đại nhất mà ta đã học được trong suốt đời mình. Khi phán xét những kẻ khác, ta luôn phán xét họ bằng những lý tưởng riêng của ta. Đó là điều không nên.

Mọi người cần phải được phán xét theo chính lý tưởng riêng của họ, chứ không phải bằng bất kỳ một lý tưởng nào khác.

Khi cư xử với người đồng loại, ta thường xuyên phạm phải sai lầm này, và tôi cho rằng phần lớn những cuộc tranh cãi của chúng ta với người khác chỉ do một nguyên nhân này: ta luôn luôn đem thần thánh của chúng ta để phán xét thần thánh trong các tín ngưỡng khác, đem lý tưởng của chúng ta để phán xét lý tưởng của người khác, đem những động cơ của chúng ta để phán xét động cơ của người khác.

Trong một số tình huống cụ thể thì tôi có thể làm một số việc nào đấy, và khi tôi thấy người khác cũng hành động y như vậy thì tôi lại cho rằng động cơ để anh ta và tôi hành động là như nhau, mà ít khi chịu nghĩ rằng mặc dù kết quả là như nhau, nhưng nhiều nguyên nhân khác nhau cũng có thể cho ra cùng một kết quả như nhau.

Người kia có thể hành động như tôi, nhưng với những động cơ hoàn toàn khác hẳn với động cơ đã thôi thúc tôi. Bởi vậy, khi phán xét những tôn giáo cổ đại, ta không được dựa vào thiên kiến, mà phải đặt ta vào lập trường tư tưởng và đời sống tại thời điểm cổ xưa ấy.

Ý nghĩ về một đức Jehovah độc ác và tàn bạo trong kinh Cựu Ước đã làm cho biết bao nhiêu người phải kinh hãi – nhưng vì sao lại thế? Những người đó lấy quyền gì để cho rằng đức Jehovah của người Do Thái cổ đại là đại diện cho ý tưởng về Thượng Đế quy ước ngày nay?

Đồng thời, ta cũng không được quên rằng những thế hệ mai sau cũng sẽ có người cười nhạo ý tưởng của chúng ta về tôn giáo và Thượng Đế, giống như ta cười nhạo ý tưởng về tôn giáo và Thượng Đế của người cổ đại.

Tuy vậy, sợi chỉ vàng chạy xuyên suốt qua tất cả những quan niệm khác nhau đó là tính nhất quán; và mục tiêu của triết học Vedānta là khám phá ra được sợi chỉ này.

”Ta là sợi chỉ chạy xuyên suốt qua tất cả những quan niệm khác nhau này, mà mỗi ý tưởng đều giống như một hạt ngọc”, thần Krishna đã nói vậy; và nhiệm vụ của triết học Vedānta là xác lập được sợi chỉ liên kết đó, cho dù những ý tưởng này có thể không phù hợp hoặc đáng kinh sợ khi phán xét theo quan niệm ngày nay.

Trong bối cảnh thời quá khứ, những ý tưởng này rất hài hòa, và không hề gớm guốc hơn những ý tưởng của chúng ta ngày nay. Chỉ khi nào ta mang chúng ra khỏi bối cảnh của chúng, và đem áp dụng vào tình trạng hiện hành của chúng ta thì sự ghê tởm ấy mới hiện rõ ra.

Bởi vì những môi trường cổ xưa đã mất đi và không còn nữa. Cũng như những người Do Thái cổ đã phát triển thành người Do Thái sắc bén, tinh tế hiện đại; người Aryan cổ xưa phát triển thành những người Ấn Độ trí thức; tương tự như vậy, đức Jehovah cũng phát triển và chư thiên cũng phát triển.

Sai lầm lớn lao nằm ở chỗ công nhận sự tiến hóa của những người sùng bái mà lại không chịu thừa nhận sự tiến hóa của đối tượng được sùng bái. Người ta không chịu tin rằng Thượng Đế đi đôi cùng với sự tiến bộ mà tín đồ Ngài đã tạo ra.

Điều đó muốn nói rằng các bạn và tôi, hiểu theo nghĩa là những ý tưởng tượng trưng, cũng đã phát triển; chư thần, hiểu theo nghĩa là những ý tưởng tượng trưng, cũng đã phát triển. Điều này có thể khiến cho các bạn tò mò – đó là quan niệm cho rằng Thượng Đế cũng có thể phát triển.

Ngài không thể. Tương tự theo nghĩa đó, con người chân thực không bao giờ phát triển. Nhưng quan niệm của con người về Thượng Đế thì thường xuyên biến đổi và lớn mạnh. Ở đoạn sau, chúng ta sẽ thấy đằng sau mỗi biểu hiện mang tính người này là một con người chân thực bất động và bất biến như thế nào, luôn thuần tịnh và viên mãn ra làm sao.

Cũng tương tự như thế đó, ý tưởng mà chúng ta dùng để định hình Thượng Đế cũng chỉ thuần là sự biểu hiện, là sự sáng tạo của chính ta. Đằng sau đó là một Thượng Đế Bất Biến, đấng Bản Lai Thuần Tịnh, đấng Như Như Bất Động.

Nhưng sự biểu hiện thì luôn luôn biến động, phát lộ thực tại càng lúc càng nhiều. Khi nó phát lộ được nhiều hơn nữa những sự kiện nằm ở đằng sau thì ta gọi đó là sự tiến bộ, còn khi nó che giấu được nhiều hơn nữa những sự kiện đằng nằm ở sau thì ta gọi đó là sự thoái bộ.

Do vậy, khi chúng ta phát triển thì chư thần cũng phát triển. Xét từ quan điểm bình thường, trong quá trình tiến hóa chúng ta biểu lộ được bản thân mình như thế nào thì chư thần cũng biểu lộ được tự thân như thế ấy. Bây giờ chúng ta sẽ đứng tại một lập trường để tìm hiểu học thuyết māyā.

Mọi tôn giáo trên thế giới đều nêu ra một vấn đề để thảo luận, là như vầy: Vì sao lại có sự bất hài hòa trong vũ trụ này? Vì sao lại có điều xấu xa trong vũ trụ này? Ta không hề tìm thấy câu hỏi này trong bất kỳ tư tưởng nào của những tôn giáo cổ sơ; bởi vì đối với người nguyên thủy thì thế giới không có gì là vô lý.

Tình cảnh nào đối với họ cũng êm giầm xuôi mái; không hề có xung đột về ý tưởng; đối với họ không hề có sự đối kháng giữa thiện và ác. Trong tâm hồn họ, chỉ có một cảm xúc cất lên tiếng nói “ừ” với vật này, và “không” với vật kia.

Người nguyên thủy là con người của cảm xúc bồng bột. Chư thần cũng vậy, họ là những tạo vật của cảm xúc bồng bột. Indra đến và đánh cho thế lực ma quỷ thua tan tác; đức Jehovah thì hài lòng với người này, bất mãn với người kia, vì những lý do không một ai hiểu mà cũng chẳng ai thắc mắc.

Thói quen tra hỏi chưa khởi dậy, và chư thần làm điều gì cũng được xem là đúng. Không có ý tưởng về thị phi, thiện ác.

Chư thiên làm nhiều điều tà ác theo nhận thức của ta về thế giới; Indra thì năm lần bảy lượt cùng các vị thần phạm nhiều điều tà ác, nhưng những tín đồ sùng bái thần Indra chưa có ý niệm về tà ác, nên họ không hề tra hỏi chư thần.

Chỉ khi ý tưởng về đạo đức tiến bộ thì mới xảy ra đấu tranh. Một cảm thức nào đó trỗi dậy trong con người, được những quốc gia khác nhau gọi bằng những tên gọi khác nhau.

Dù gọi nó là tiếng nói của Thượng Đế, hay là kết quả của giáo dục thời cổ, hoặc bằng bất kỳ tên gọi nào các bạn thích thì hiệu quả của nó vẫn là chế ngự những cảm xúc bồng bột tự nhiên của con người.

Trong tâm trí ta có một cảm xúc bồng bột bảo: “Hãy làm đi!”, nhưng đằng sau nó lại có một tiếng nói vang lên: “Đừng!”.

Có một lô ý tưởng trong tâm trí ta luôn đấu tranh để thoát ra ngoài thông qua những kênh giác quan, và đằng sau đó vẫn có một tiếng nói vang vọng mênh mang nhưng vô cùng yếu ớt: “Đừng hướng ngoại!”.

Trong tiếng Phạn có hai mỹ từ chỉ những hiện tượng này: Pravritti nghĩa là hướng ngoại và Nivritti nghĩa là nội quán. Bản chất hướng ngoại thường ước thúc hành vi của chúng ta. Tôn giáo khởi đầu với bản chất nội quán. Tôn giáo khởi đầu với chữ “đừng” này.

Tâm linh cũng khởi đầu với chữ” đừng” này. Khi chữ “đừng” không còn nữa thì tôn giáo đã không khởi đầu. Và chữ” đừng” này đã đến khiến tư tưởng con người phát triển, mặc kệ những vị thần ham chiến đấu mà họ thờ phụng.

Một chút yêu thương thức dậy trong trái tim nhân loại. Nó thực sự rất nhỏ, và thậm chí đến bây giờ nó cũng chẳng lớn hơn. Thoạt tiên, tình yêu thương đó có lẽ hạn chế trong việc những thành viên trong một bộ lạc ôm hôn nhau.

Những vị thần này yêu thương bộ lạc mình, và mỗi vị thần chỉ là vị thần trong bộ lạc, là thần bảo vệ bộ lạc đó. Và đôi khi những thành viên trong bộ lạc nghĩ rằng mình là hậu duệ của vị thần họ thờ phụng, cũng như những thị tộc tại một số quốc gia nghĩ rằng mình là hậu duệ của người sáng lập ra thị tộc.

Trong thời cổ đại, thậm chí cả bây giờ, một số dân tộc tuyên bố rằng họ thuộc dòng dõi không chỉ của những vị thần bộ lạc mà còn là hậu duệ của Mặt Trời và Mặt Trăng. Các bạn đọc trong các cổ thư Sanskrit sẽ thấy những vị hoàng đế anh dũng vĩ đại thuộc các triều đại mặt trời và mặt trăng.

Thoạt tiên, họ là những người thờ Mặt Trời và Mặt Trăng, dần dần đến lúc họ cho rằng mình là hậu duệ của Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng. Do đó, khi những tư tưởng mang tính bộ lạc này bắt đầu phát triển thì nảy sinh một chút yêu thương, một chút ý tưởng về bổn phận đối với kẻ khác, và một tổ chức xã hội nhỏ bé.

Rồi theo lẽ tự nhiên, tư tưởng này đã đến: Làm sao ta có thể sống cùng nhau nếu không biết nhẫn nại chịu đựng và khoan dung tha thứ cho nhau? Làm thế nào một người có thể sống với đồng loại mà không thỉnh thoảng kiềm chế những cảm xúc bồng bột của mình, biết tự chủ để không làm những điều mà tâm trí cứ nhắc nhở phải làm? Điều đó bất khả.

Từ đó mới nảy sinh ý tưởng kiềm chế. Toàn bộ kết cấu của xã hội đều dựa trên ý tưởng kiềm chế này, và tất cả chúng ta đều biết rằng bất kỳ ai, dù là nam hay nữ, nếu không biết đến bài học vĩ đại về lòng nhẫn nại và khoan thứ thì sẽ sống một đời khốn khổ.

Đến lúc này, khi những ý tưởng về tôn giáo nảy sinh thì cái nhìn vào một cảnh giới cao thượng hơn, đạo đức hơn đã đem ánh bình minh lan tỏa trên trí năng nhân loại.

Người ta thấy các vị thần thời cổ đại luôn mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất; đó là những vị thần hung dữ ồn ào, phàm ăn tục uống của người cổ đại, chỉ tìm thấy khoái lạc trong mùi thịt nướng và rượu mạnh được dâng cúng.

Thần Indra đôi khi uống say bí tỉ đến mức ngã lăn quay và nói năng những điều nhảm nhí. Những vị thần đó khó lòng được khoan dung thêm nữa. Quan niệm này đã nảy sinh từ việc muốn tìm kiếm các căn nguyên bên trong của những hành vi đó, và chư thần đã xuất hiện để chia sẻ công cuộc tìm kiếm.

Người ta cần hiểu nguyên cớ của những hành vi như thế và phải cần đến lý trí. Do đó, con người đã từ bỏ chư thần kiểu này, và hơn thế nữa, họ đã phát triển những ý tưởng cao viễn hơn về chư thần.

Có thể nói là họ giám sát mọi hành vi và phẩm chất của chư thần và loại bỏ những vị thần nào không thích hợp, mà chỉ giữ lại những vị thần nào họ có thể hiểu được, rồi phối hợp với nhau để gán cho một cái tên chung: Deva – deva, có nghĩa là Thượng Đế hay Thần của Chư thần.

Vị Thượng Đế được sùng bái này không chỉ là biểu tượng của quyền năng, mà người ta còn yêu cầu một cái gì hơn thế nữa. Ngài là vị thần của đạo lý, ngài yêu thương loài người và ban ân huệ cho loài người. Nhưng ý tưởng về Thượng Đế vẫn còn đó.

Họ phát triển thêm phần ý nghĩa đạo lý của ngài, đồng thời cũng tăng thêm sức mạnh quyền năng. Ngài trở thành một đấng đức độ nhất trong vũ trụ, đồng thời cũng là đấng hầu như toàn năng. Nhưng toàn bộ công trình chắp vá này không giải quyết được gì.

Khi sự lý giải đã phát triển đến một tỷ lệ lớn lao hơn thì điểm khó khăn, mà nó tìm cách giải quyết, cũng phát triển theo một tỷ lệ lớn lao y như vậy. Nếu phẩm chất của chư thần phát triển theo cấp số cộng thì những vấn nạn và sự hoài nghi phát triển theo cấp số nhân.

Vấn nạn về đức Jehovah là điều vô cùng nhỏ bé khi so với vấn nạn về một Thượng Đế trong vũ trụ, và vấn đề đó vẫn còn kéo dài mãi cho đến tận ngày nay. Cớ sao dưới sự cai quản của một đấng Thượng Đế nhân ái toàn năng bao trùm vũ trụ mà thế gian lại có lắm điều xấu xa vậy?

Ta có thể nhắm mắt làm lơ trước những điều đó, nhưng sự thực vẫn cứ sờ sờ ra đấy: thế giới này thật là đáng sợ. Nó quả là địa ngục của Tantalus[1]. Ở đây, chúng ta mang những thói bốc đồng mạnh mẽ và những dục vọng mãnh liệt, nhưng không bao giờ được thỏa mãn.

Ở đó, một cơn sóng nổi lên xô ta tới trước không sao cưỡng nổi, và ngay khi ta vừa bước tới thêm một bước thì nhận ngay một cú đấm. Tất cả chúng ta đều bị kết án phải sống ở đây trong cảnh đọa đày như Tantalus.

Những lý tưởng nảy sinh trong trí não chúng ta vượt xa giới hạn của những lý tưởng thuộc về giác quan, nhưng khi tìm cách để diễn đạt chúng thì ta không sao làm được. Mặt khác, ta còn bị đám đông sôi động quanh ta quật cho vỡ nát tan tành.

Tuy nhiên, nếu tôi từ bỏ mọi cảnh giới lý tưởng và chỉ đấu tranh cả đời vì cái thế giới này thì sự tồn tại của tôi chỉ là sự tồn tại của một kẻ cục súc mọi rợ, và tôi tự làm thoái hóa, suy đồi chính bản thân mình. Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc.

Bất hạnh là số phận của những kẻ được sinh ra và hài lòng sống trong thế giới này. Có một nỗi bất hạnh còn lớn hơn cả ngàn lần, đó là số phận của những kẻ dám đứng lên đi tìm chân lý cùng những điều cao cả hơn, và những kẻ dám yêu cầu một cái gì đó cao viễn hơn sự tồn tại thô thiển nơi đây.

Đó là những sự kiện, nhưng không có lời giải thích – không thể có được lời giải thích. Những kinh điển Vedānta chỉ ra một con đường. Các bạn cần nhớ kỹ rằng tôi buộc lòng phải kể cho các bạn nghe về những sự kiện làm các bạn kinh hãi, nhưng nếu các bạn nhớ lại những gì tôi nói, tư duy về nó và tiêu hóa nó thì nó sẽ là của các bạn.

Nó sẽ nâng các bạn lên một tầm cao hơn, giúp các bạn có thể thấu hiểu được chân lý và sống trong chân lý. Lời phát biểu về sự kiện đó là như vầy: thế giới này là địa ngục dành cho Tantalus, chúng ta không biết một chút gì về cái vũ trụ này, mà đồng thời cũng không thể nói rằng chúng ta không biết.

Tôi không thể bảo sợi xích đó tồn tại khi tôi nghĩ rằng tôi không biết gì về nó. Nó hoàn toàn có thể chỉ là ảo tưởng của trí não tôi. Tôi có thể mơ mộng trong mọi lúc. Tôi đang mơ rằng tôi đang nói chuyện với các bạn, và các bạn đang lắng nghe tôi.

Không một ai có thể chứng minh rằng điều này không phải là giấc mộng. Ngay cả trí não tôi cũng có thể là một giấc mộng, vì không một ai đã từng nhìn được bộ não của mình. Tất cả chúng ta đều xem đó là chuyện tất nhiên. Đối với mọi chuyện cũng đều thế cả.

Tôi xem xác thân tôi là một cái gì đó đương nhiên. Đồng thời tôi lại không thể bảo rằng tôi không biết. Lập trường giữa kiến thức và vô minh, cái cảnh tượng hoàng hôn huyền ảo này, sự hòa trộn lẫn giữa chân và giả đó – và nơi chúng gặp gỡ nhau – là điều không một ai biết.

Ta đang bước đi giữa một cơn trường mộng trong thể điệu ngủ gật mơ màng, đi suốt cả đời mình giữa lớp sương mù; và đó là số phận của mỗi người chúng ta. Đó là số phận của mọi tri thức thuộc giác quan. Đó là số phận của mọi nền triết học, của mọi nền khoa học khoác lác, của mọi tri thức khoa trương của loài người.

Đó là vũ trụ này. Dù ta có nói về vấn đề vật chất hay tinh thần hoặc bất cứ điều gì khác – mà ta có thể gọi theo tên gì tùy thích – thì một sự kiện vẫn hiện sờ sờ ra đấy: ta không thể bảo rằng chúng hiện hữu, mà cũng không thể bảo rằng chúng không hiện hữu.

Ta không thể bảo rằng chúng đơn nhất, mà cũng không thể bảo rằng chúng đa thù. Tấn tuồng muôn thuở bất khả phân ly, bất khả tách biệt giữa ánh sáng và bóng tối vẫn cứ mãi diễn ra ở đó.

Do tấn tuồng này mà vũ trụ có vẻ như là thực hữu, mà đồng thời cũng là bất thực, và chúng ta có vẻ như là thức tỉnh mà đồng thời cũng là ngái ngủ. Đây là lời phát biểu về sự kiện này, và ta gọi đó là māyā. Chúng ta sinh ra trong māyā này, sống trong đó, tư duy trong đó và mơ mộng trong đó.

Chúng ta là những triết gia trong đó, là những con người tâm linh trong đó, vâng, chúng ta là những con quỷ trong māyā này, và đồng thời cũng là chư thần trong māyā này.

Hãy đưa tư tưởng của các bạn mỗi lúc một lên cao hơn nữa, hãy gọi chúng là cái vô biên hay bằng bất cứ danh từ nào mà bạn thích thì ngay cả những tư tưởng đó cũng nằm trong māyā. Không thể khác đi được. Toàn thể khối tri thức của nhân loại là sự khái quát hóa cái māyā này, là nỗ lực tìm hiểu nó đúng như nó đang hiện hữu.

Đó là sự tạo tác của nāma – rupa, tức danh sắc. Phàm mọi sự vật nào có sắc tướng, hay gợi lên ý tưởng trong tâm ta cũng đều nằm trong phạm vi của māyā; bởi vì tất cả những sự vật nào chịu sự chi phối của quy luật không gian, thời gian và quan hệ nhân quả cũng đều nằm trong phạm vi của māyā.

Ta hãy lùi một chút về với những ý tưởng ban sơ về Thượng Đế, và xem thử cái gì đã biến thành những ý tưởng đó.

Ta lập tức nhận ra ngay rằng ý tưởng về một đấng Hằng Hữu luôn thương yêu chúng ta – một đấng hoàn toàn vô ngã và toàn năng vĩnh viễn, cai quản cả vũ trụ này – cũng không thể làm ta thỏa mãn.“Vị Thượng Đế nhân từ, công chính đó ở nơi đâu?”, triết gia lên tiếng hỏi.

Ngài có thấy hàng triệu hàng triệu những đứa con của Ngài đang diệt vong tàn lụi, dưới hình thức loài người hay loài vật hay không, bởi vì có ai có thể sống một phút giây mà không giết những sinh vật khác? Các bạn có thể thở ra một hơi mà không giết hàng ngàn sinh vật khác hay không?

Bạn sống, vì hàng triệu sinh vật khác đã chết. Từng phút giây trong đời sống các bạn, mỗi hơi thở các bạn thở ra là cái chết của hàng ngàn sinh vật khác. Tại sao chúng lại phải chết đi? Lối ngụy biện cũ mèm cho rằng vì chúng là loài sinh vật rất thấp.

Giả sử là vậy đi chăng nữa thì vấn đề vẫn còn rất đáng hoài nghi, vì ai biết được liệu con kiến vĩ đại hơn con người hay con người vĩ đại hơn con kiến? Ai có thể chứng minh được điều đó bằng cách này hay cách khác?

Ngoài vấn đề đó ra, thậm chí khi mặc nhiên chấp nhận rằng chúng là loài sinh vật cấp thấp đi nữa thì vì sao chúng lại phải chết? Nếu chúng là sinh vật cấp thấp thì chúng lại càng có lý do để tồn tại.

Sao lại không chứ? Bởi vì chúng sống bằng cảm giác nhiều hơn, nên chúng cảm nhận được khoái lạc và khổ đau nhiều hơn các bạn và tôi đến vạn ngàn lần. Ai trong số chúng ta có thể ăn bữa tối một cách khoái trá như một con chó hay con sói?

Không hề có, bởi vì năng lực của chúng ta không nằm trong phạm vi cảm xúc; mà chúng nằm trong trí năng, trong tinh thần.

Nhưng đối với loài vật thì toàn bộ linh hồn chúng đều nằm trong phạm vi cảm giác, nên chúng có thể nổi điên lên hoặc vui sướng hưởng thụ những sự vật mà con người không bao giờ nghĩ đến, và sự đau đớn cũng tương xứng với sự sung sướng. Sung sướng và đau đớn cùng được tan chảy theo một mức độ như nhau.

Nếu con vật cảm nhận được sự sung sướng một cách nhạy bén hơn con người thì hậu quả là chúng cũng cảm nhận được sự đau đớn nhạy bén như con người, nếu không muốn nói là còn nhạy bén hơn cả con người.

Bởi vậy, thực tế là sự đau đớn và nỗi bất hạnh mà con người cảm nhận khi hấp hối mạnh gấp ngàn lần so với con vật, vậy mà ta cứ thản nhiên giết chúng mà không hề bận tâm gì đến tình cảnh khốn khổ của chúng. Đây là māyā.

Nếu ta giả thiết rằng có một Thượng Đế Nhân Thể [ Personal God] toàn năng làm nên mọi sự thì những cái gọi là cách giải thích và học thuyết – vốn cố gắng chứng minh rằng điều thiện xuất phát từ điều xấu xa – đều bất toàn, thiếu sót.

Hãy để cho hai mươi ngàn điều tốt đẹp nảy sinh, nhưng vì sao chúng lại phải xuất phát từ điều xấu xa? Trên nguyên tắc tôi có thể cắt cổ những người khác chỉ để thỏa mãn sự khoái lạc của ngũ quan. Không có lý nào lại thế.

Vì sao điều thiện lại phải xuất phát từ điều xấu xa? Câu hỏi đó vẫn cứ bị bỏ ngỏ không có lời giải đáp, và không thể có lời giải đáp. Nền triết học Ấn Độ bị ép buộc phải chấp nhận sự kiện này. Triết học Vedānta đã từng là (và vẫn đang là) hệ thống tôn giáo dũng cảm nhất.

Nó không dừng chân lại tại bất cứ nơi đâu, và có được lợi thế. Không một ai trong giới tăng lữ tìm cách đàn áp những người cố nói lên chân lý. Luôn có tự do tín ngưỡng tuyệt đối. Tại Ấn Độ, sự ràng buộc của mê tín dị đoan là sự ràng buộc mang tính xã hội; còn ở đây tại phương Tây thì xã hội rất tự do.

Những vấn đề xã hội tại Ấn Độ rất là khắt khe, nhưng tư tưởng tôn giáo thì lại tự do. Tại nước Anh, một người có thể ăn mặc tùy theo sở thích, và ăn uống bất cứ thứ gì anh ta khoái mà chẳng có ai phản đối, nhưng nếu anh ta bỏ một buổi đi lễ nhà thờ thì lời phê phán của cô nàng Grundy[2] lập tức đổ lên đầu anh ta ngay.

Trước hết, anh ta phải thích nghi với quan niệm của xã hội về tôn giáo, rồi sau đó anh ta mới có thể tư duy về chân lý. Trái lại, tại Ấn Độ, nếu một người dùng cơm với người không thuộc chủng cấp của mình thì tất cả những thế lực khủng khiếp của xã hội sẽ vùi dập cho anh ta tan tành tơi tả.

Một người chỉ cần ăn mặc hơi khác với y phục mà tổ tiên anh ta đã mặc hàng bao thế hệ trước đó thì coi như xong đời. Tôi nghe kể có một người bị xã hội trục xuất chỉ vì anh ta đi bộ hàng mấy dặm để xem cho được chuyến xe lửa đầu tiên.

Đấy, chúng ta sẽ xem như điều đó không có thực! Nhưng trong tôn giáo, ta tìm thấy nào là kẻ vô thần, người duy vật, nào là tín đồ Phật giáo, tín điều, tư tưởng, cùng những tư duy tư biện tại mọi giai đoạn với vô vàn sắc thái, nào là những tính chất đáng kinh ngạc, tất cả đều cùng tồn tại bên nhau.

Những nhà truyền giáo của mọi tông phái đi khắp nơi để truyền giảng và tìm kiếm tín đồ; và chính tại những cánh cổng của những đền thờ chư thần, các tu sĩ Brāhman thậm chí vẫn cho phép những người duy vật đứng tại nơi đó để trình bày ý kiến.

Đức Phật viên tịch khi mãn tuổi thọ. Tôi nhớ đến một người bạn của tôi, một nhà khoa học vĩ đại người Mỹ, rất mê đọc về cuộc đời Đức Phật. Anh ta không thích cái chết của Đức Phật, bởi vì ngài không bị đóng đinh. Thật là ý tưởng quá đỗi sai lầm! Bởi vì, phải bị giết hại mới là con người vĩ đại!

Những ý tưởng như thế không bao giờ phổ biến tại Ấn Độ. Đức Phật vĩ đại đã vân du khắp Ấn Độ, phủ nhận thần linh của xứ sở này, thậm chí phủ nhận cả Thượng Đế của vũ trụ, vậy mà Ngài vẫn sống đến mãn tuổi thọ. Ngài đã sống đến tám mươi tuổi, và đã khiến một nửa đất nước này quy y theo Phật.

Rồi có những kẻ theo trường phái Chāvāka truyền giảng những điều vô cùng khủng khiếp, truyền bá một chủ nghĩa duy vật thô thiển nhất, trần trụi nhất, những điều mà ở thế kỷ 19 họ không dám công khai truyền giảng.

Những kẻ theo trường phái Chāvāka được tự do truyền bá từ đền thờ này đến đền thờ khác, từ thành phố này đến thành phố khác rằng tôn giáo là thứ hoàn toàn vô ích, nó là trò lừa đảo của đám tu sĩ, kinh điển Veda chỉ là văn tự của lũ ngu ngốc, lưu manh và xảo quyệt, và không hề có Thượng Đế hay linh hồn bất tử.

Nếu linh hồn có thực thì tại sao nó không quay về lại với thế gian sau khi chết, vì nhớ vợ thương con? Theo quan niệm của họ, nếu linh hồn có thực thì nó vẫn còn biết thương yêu sau khi chết, và vẫn cần tới thực phẩm và y phục.

Tuy vậy, chẳng có ai làm tổn hại đến những kẻ theo trường phái Chāvāka này. Ấn Độ luôn có những tư tưởng hoành tráng về tự do tôn giáo như vậy đó, và các bạn cần phải nhớ rằng tự do là điều kiện đầu tiên để phát triển. Bất cứ thứ gì mà các bạn không để cho tự do thì không thể nào phát triển được.

Quan niệm cho rằng các bạn có thể giúp người khác phát triển, có thể dìu dắt và hướng dẫn họ, và các bạn luôn giữ vai trò tự do của người thầy, quan niệm đó thật là vô nghĩa, là điều dối trá nguy hiểm đã làm trì trệ sự phát triển của hàng triệu người trên thế giới.

Hãy để cho con người có ánh sáng của tự do. Đó là điều kiện duy nhất để phát triển. Tại Ấn Độ, chúng tôi cho phép tự do trong lĩnh vực tâm linh, và chúng tôi đã có được sức mạnh tâm linh vĩ đại trong tư tưởng tôn giáo, ngay cả trong thời đại ngày nay.

Các bạn chấp nhận sự tự do tương tự trong lĩnh vực xã hội, cho nên các bạn có được một tổ chức xã hội huy hoàng. Chúng tôi không chấp nhận mở rộng tự do trong lĩnh vực xã hội nên xã hội chúng tôi là một xã hội tù túng.

Các bạn chưa bao giờ có tự do trong lĩnh vực tôn giáo mà chỉ dùng lửa và lưỡi gươm để cưỡng bức đức tin, và hậu quả là tôn giáo chỉ phát triển èo uột trong tâm thức châu Âu. Tại Ấn Độ, chúng tôi phải tháo gỡ cùm gông ra khỏi xã hội, còn châu Âu thì phải tháo bỏ xích xiềng ra khỏi đôi chân của sự tiến bộ tâm linh.

Như vậy sẽ dẫn đến sự phát triển tuyệt diệu của nhân loại. Nếu ta khám phá ra rằng có sự nhất quán xuyên suốt qua mọi sự phát triển trong lĩnh vực tâm linh, đạo đức và xã hội thì ta sẽ thấy rằng tôn giáo – theo nghĩa đầy đủ nhất của danh từ này – phải nhập thể vào xã hội, vào đời sống hàng ngày.

Dưới ánh sáng của triết học Vedānta, các bạn sẽ hiểu rằng mọi bộ môn khoa học chỉ là sự biểu hiện của tôn giáo, và mọi thứ tồn tại trong vũ trụ này cũng đều vậy cả. Trong xã hội, ta thấy có hai quan điểm: một quan điểm mang tính phê phán chỉ trích, quan điểm kia thì mang tính tích cực và xây dựng.

Thật là rất đỗi lạ lùng khi các bạn tìm thấy điều này trong bất kỳ xã hội nào. Giả sử trong xã hội có điều xấu xa thì các bạn lập tức thấy có một nhóm khác trỗi dậy lên án kịch liệt, không khoan nhượng đến mức đôi khi biến thành sự cuồng tín.

Xã hội nào cũng có những kẻ cuồng tín, và phụ nữ thường gia nhập đám người kêu gào than khóc này, do bản tính bốc đồng. Mọi kẻ cuồng tín nào trỗi dậy lên án một điều gì đó đều có thể tìm được những người ủng hộ.

Đạp đổ thì rất dễ, một kẻ cuồng tín có thể đạp đổ mọi thứ hắn muốn, nhưng y khó lòng mà kiến tạo nên một thứ gì. Những kẻ cuồng tín này có thể làm được một vài đều tốt đẹp theo quan niệm của họ, nhưng thường thì chỉ mang đến tai họa.

Bởi vì những thế chế xã hội không phải được xây dựng trong ngày một ngày hai, nên thay đổi chúng có nghĩa là xóa bỏ luôn căn nguyên kiến tạo. Giả sử có điều xấu xa: phủ nhận nó có nghĩa là xóa bỏ nó, nhưng các bạn phải giải quyết vấn đề ở tận gốc rễ.

Trước tiên phải tìm cho được căn nguyên rồi xóa bỏ nó đi, hậu quả sẽ được xóa bỏ theo. Kêu gào than khóc suông không thể tạo nên được bất kỳ hậu quả nào, trừ phi nó thực sự tạo nên thảm họa.

Có những người cảm thông từ tận thâm tâm và hiểu được ý tưởng rằng ta phải đi sâu vào tận căn nguyên, đó là những vị thánh vĩ đại. Có một điều mà các bạn phải ghi nhớ, đó là các bậc đạo sư vĩ đại trên thế gian này đều tuyên bố rằng họ đến không phải để phá hủy mà để tựu thành.

Có nhiều lúc thông điệp của họ không được ai hiểu, và sự nhẫn nại của họ được xem là sự thỏa hiệp không tương xứng những quan niệm phổ biến hiện hành.

Thậm chí ngay cả giờ đây, đôi lúc các bạn cũng nghe nói rằng các nhà tiên tri cùng các bậc đạo sư là những người khá hèn nhát vì không dám nói những điều mà họ cho là đúng, nhưng sự thực không phải vậy.

Đám người cuồng tín ít khi hiểu được năng lực vô biên của tình yêu trong trái tim của những vị thánh vĩ đại, vốn thương yêu toàn thể nhân loại như con mình.

Họ là những người cha thực sự, là những thánh thần chân chính, trong tim chan chứa tình yêu bao la và lòng khoan dung vô tận đối với tất cả chúng sinh; họ sẵn sàng chịu đựng và tha thứ.

Họ biết xã hội loài người phát triển như thế nào, nên kiên trì nhẫn nại tìm phương thuốc chắc chắn để chữa trị, không phải bằng cách phủ nhận và đe dọa con người, mà từng bước dìu con người đi lên một cách dịu dàng và nhân ái.

Các tác giả của những kinh thư Upanishad là thế đó. Họ thấu hiểu sự xung khắc giữa những Thượng Đế quan cổ lỗ với những quan niệm đạo đức tiến bộ đương thời khó có thể thể dung hòa như thế nào; họ cũng biết tường tận rằng lời truyền giảng của những kẻ vô thần lại hàm chứa rất nhiều chân lý, vâng, nói cho đúng là chứa đựng những thỏi vàng chân lý; nhưng đồng thời họ lại hiểu rằng người nào muốn cắt đứt sợi dây đang kết nối các hạt ngọc thành xâu chuỗi, muốn xây dựng nên một xã hội mới không tưởng, cũng đều thất bại hoàn toàn.

Chúng ta không bao giờ kiến tạo nên điều gì mới, mà chỉ đơn giản là sắp xếp lại. Chúng ta không bao giờ có được điều gì mới, mà chỉ thay đổi vị trí của sự vật. Hạt giống biến thành cái cây một cách kiên trì và nhẹ nhàng.

Chúng ta phải hướng năng lực của mình đến chân lý đó, tựu thành viên mãn chân lý đã từng tồn tại chứ không phải tạo nên chân lý mới. Bởi vậy, thay vì phủ nhận những Thượng Đế quan cổ lỗ vì chúng không phù hợp với thời hiện đại, các nhà hiền triết thời xưa lại đi tìm thực tại nằm bên trong chúng.

Và kết quả là nền triết học Vedānta ra đời. Từ chư thần cổ đại và từ Thượng Đế độc nhất – đấng Cai Quản Vũ Trụ, họ tiến lên những tư tưởng cao viễn hoằng đại hơn.

Và ý tưởng cao siêu nhất là cái mà họ gọi là Cái Tuyệt Đối Phi Nhân Thể [ Impersonal Absolute], trong đó họ thấy được thể nhất như của vũ trụ. Ai nhìn thấy được Nhất Thể chạy xuyên suốt trong cái thế giới đa thù thiên sai vạn biệt này; ai nhìn thấy được Sự Sống vô biên trong thế giới của sự chết, và ai tìm thấy được Ánh Sáng cùng Trí Tuệ trong cái thế giới vô tri và vô minh này, chỉ người đó mới đón nhận được niềm an lạc vĩnh cửu, chứ không một ai khác.

[1] Tên một ông vua trong thần thoại Hy Lạp. Tantalus muốn kiểm tra quyền năng của các vị thần, nên đã giết con trai mình là Pelops, làm thành thức ăn dâng cúng để đánh lừa chư thần. Để trừng phạt tội ác của Tantalus, chư thần đày y xuống địa ngục, tại một biển nước cao đến thắt lưng với một quả trái cây luôn lơ lửng trên đầu. Mỗi khi Tantalus quỳ xuống để uống, thì mực nước lại rút xuống; còn mỗi lần y vói người lên lấy trái cây, thì cành cây lại nâng cao lên, khiến Tantalus phải chịu sự đói khát bất tận.

[2] Tên một nhân vật nữ trong vở kịch của Thomas Morton, chỉ những người thủ cựu, khó tính.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x