Trang chủ » Maya và tự do

Maya và tự do

by Trung Kiên Lê
73 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 22 tháng 10, 1896) Một nhà thơ đã nói “Chúng ta đến, mang theo những đám mây rực rỡ huy hoàng”. Chẳng có ai trong chúng ta đến và mang theo những đám mây rực rỡ huy hoàng, mà một số người còn mang theo những đám sương mù thê lương, thảm đạm.

Điều này cũng chẳng có vấn đề gì. Chúng ta đến nơi đây với tiếng khóc than, nỗ lực hết sức bình sinh để chiến đấu vạch ra cho mình một con đường xuyên qua biển đời mênh mông vô tận.

Chúng ta cứ làm như thế, cho đến khi cái chết đến và mang chúng ta ra khỏi bãi chiến trường; ta không hề biết được mình chiến thắng hay thất bại. Và đây là māyā. Thuở thiếu niên, tâm hồn con người ngập tràn hy vọng. Cả thế giới là cảnh tượng hoàng kim mở ra trước ánh mắt trẻ thơ, đứa bé ngỡ rằng ý chí của nó sẽ là tối thượng.

Khi nó bước tới trước, thiên nhiên dựng lên một bức tường rắn như kim cương tại mỗi bước chân đi, ngăn không cho nó tiến ra hơn. Nó càng đi xa thì lý tưởng càng lùi ra xa hơn nữa, cho đến khi cái chết đến, và có lẽ nó trút bỏ được gánh nặng.

Và đây là māyā. Con người khoa học vùng dậy. Anh ta khát khao tìm hiểu. Đối với anh ta thì không có gì là quá sức vĩ đại, không có sự đấu tranh nào dẫn đến tuyệt vọng.

Anh ta tiến tới, khám phá hết bí mật này đến bí mật khác trong thiên nhiên, tìm cho ra những điều huyền mật trong tận cùng sâu thẳm nơi tâm hồn con người – rồi để làm gì nữa? Rốt cuộc, tất cả những thứ đó để làm gì? Vì sao chúng ta phải tôn vinh người đó?

Vì sao anh ta có được danh tiếng? Há chẳng phải thiên nhiên còn làm được vô vàn những thứ hơn hẳn con người đó sao? Mà thiên nhiên thì vô tri, vô giác. Vậy thì tại sao việc bắt chước cái thiên nhiên vô tri, vô giác đó lại được tôn vinh?

Thiên nhiên có thể giáng một trận sấm chớp lớn nhỏ bất kỳ xuống bất cứ nơi nào. Nếu có người nào có thể làm được một phần nhỏ điều đó thì chúng ta ca ngợi anh ta và tôn vinh như thần thánh. Vì sao? Vì sao chúng ta lại ca ngợi kẻ bắt chước thiên nhiên, mô phỏng cái chết, học theo thói vô tri vô giác?

Sức mạnh của trọng lực có thể xé tan tành những khối vật thể khổng lồ từng tồn tại; song đó vẫn là sức mạnh vô tri giác. Mô phỏng sức mạnh vô tri giác đó, thử hỏi có vinh quang gì? Vậy mà chúng ta vẫn cứ miệt mài theo đuổi điều đó. Và đây là māyā.

Các giác quan kéo tâm hồn con người hướng ngoại. Con người đi tìm lạc thú và hạnh phúc tại một nơi mà những thứ đó không hề được tìm thấy. Trong hàng vô lượng kiếp, tất cả chúng ta đều được dạy rằng đó là điều hoang đường hư ảo, rằng không hề có hạnh phúc trong thế gian này.

Nhưng chúng ta không thể học hỏi, chúng ta không thể làm được điều đó trừ phi bằng sự trải nghiệm của chính bản thân. Chúng ta thử nghiệm và nhận được một cú đấm. Chúng ta có học hỏi được chăng? Chẳng được gì.

Như những con thiêu thân lao vào lửa để tự hủy hoại mình, chúng ta cũng lao vào những thú vui nhục dục để tự hủy hoại bản thân, hy vọng rằng sẽ tìm được sự thỏa mãn. Chúng ta cứ quanh đi quẩn lại điều đó với nguồn hoạt lực tươi tắn mạnh mẽ, rồi cứ tiếp tục như vậy cho đến khi chết đi trong tình trạng què quặt và bị phỉnh lừa.

Và đây là māyā. Trí năng chúng ta cũng vậy. Trong khát vọng giải đáp những điều huyền ẩn của vũ trụ, ta không thể ngừng tra vấn, chúng ta cảm nhận rằng mình phải biết, mà lại không thể tin rằng ta hoàn toàn không thể thu hoạch được một chút kiến thức nào.

Mới bước đi được vài bước thì bức trường thành của thời gian vô thủy vô chung đã sừng sững nổi lên, mà ta không sao vượt qua nổi; và toàn thể vũ trụ đều bị ràng buộc trong bức trường thành của quan hệ nhân quả không sao biến đổi.

Ta không thể nào vượt được qua chúng. Vậy mà ta vẫn đấu tranh, và vẫn mãi còn đấu tranh. Và đây là māyā. Với từng hơi thở, với mỗi nhịp đập của trái tim nhịp theo nhất cử nhất động của chính mình, chúng ta ngỡ rằng mình tự do, đồng thời cũng trong từng nhất cử nhất động đó, ta lại thấy mình không hề có tự do.

Chúng ta là những kẻ nô lệ bị trói buộc vào thiên nhiên, bị trói buộc trong thể xác và tâm trí, trong tư tưởng và cảm giác. Và đây là Māyā. Chẳng có người mẹ nào lại không cho rằng con mình là một thiên tài bẩm sinh, là đứa trẻ kỳ diệu nhất từng được sinh ra.

Đứa bé lớn lên, có thể trở thành kẻ nghiệp ngập, một tên thô lỗ cục súc, ngược đãi người mẹ; và nó càng ngược đãi bao nhiêu thì người mẹ lại càng yêu thương con bấy nhiêu. Thế gian ca ngợi đó là tình yêu vị tha của người mẹ, ít có người nghĩ rằng bà mẹ là một nô lệ bẩm sinh, bà không thể không làm thế.

Cả ngàn lần bà muốn vất cái nợ đời đó đi, nhưng không thể. Bởi vậy, bà đem muôn ngàn đóa hoa phủ lên cái tình cảm mà bà gọi là tình yêu kỳ diệu đó. Và đây là māyā. Tất cả chúng ta đều giống nhau thế đấy trong cái thế gian này.

Truyền thuyết kể rằng có lần Nārada hỏi thần Krishna: “Thưa sư phụ, hãy chỉ cho con biết thế nào là māyā”. Một vài ngày trôi qua, thần Krishna yêu cầu Nārada đi theo ngài vào sa mạc, sau khi đi được vài dặm, thần Krishna bảo: “Này Nārada, ta khát nước; con đi kiếm cho ta một ít nước được không?” Nārada đáp: “Con sẽ đi mang nước về cho sư phụ liền”, rồi đi ngay.

Cách đó không xa có một ngôi làng, Nārada đi vào làng kiếm nước và gõ cửa một ngôi nhà nọ thì có một cô gái tuyệt đẹp bước ra mở cửa. Vừa nhìn thấy nàng ta, Nārada đã quên hết mọi sự và bắt đầu chuyện trò với nàng. Suốt ngày hôm đó, anh ta không quay về với vị sư phụ của mình.

Hôm sau, Nārada lại đến ngôi nhà đó và trò chuyện với cô gái. Câu chuyện chín muồi thành tình yêu, Nārada liền ngỏ lời với ông bố để xin được cưới cô gái. Họ sống với nhau và sinh con đẻ cái. Mười hai năm cứ trôi qua như thế. Người bố qua đời, và Nārada được thừa hưởng gia tài.

Anh ta sống một đời hạnh phúc với vợ đẹp, con ngoan cùng gia tài điền sản. Rồi một trận lụt xảy tới. Chỉ trong một đêm, nước sông dâng lên nhấn chìm cả ngôi làng. Nhà cửa sụp đổ, người và súc vật bị nhấn chìm, tất cả đều bị cuốn trôi theo dòng nước chảy xiết. Nārada phải lo tháo chạy.

Một tay dắt vợ, một tay ẵm con, đứa thứ hai thì ngồi trên vai, Nārada cố gắng băng qua cơn lũ khủng khiếp. Mới đi được vài bước thì dòng nước chảy xiết quá mạnh, đứa bé trên vai anh ngã xuống và bị dòng nước cuốn trôi đi. Nārada kêu gào tuyệt vọng.

Khi cố gắng cứu đứa bé, Nārada sổng tay làm rơi luôn đứa con đang ẵm, rồi nó cũng bị nước lũ cuốn trôi. Cuối cùng, người vợ mà anh nắm chặt trong tay cũng bị cơn lũ cuốn đi mất hút; Nārada trôi dạt đến một bờ sông, khóc lóc kêu gào thảm thiết.

Bỗng đàng sau anh, một tiếng nói nhẹ nhàng vọng tới: “Này con ơi, nước đâu rồi? Ta đang chờ con đi mang nước về đây, con đi đã cả nửa giờ rồi đó”. “Nửa giờ!”, Nārada kêu lên thảng thốt. Mười hai năm đã trôi qua trong tâm trí anh, và tất cả những cảnh tượng đó chỉ diễn ra trong vòng nửa tiếng đồng hồ! Và đây là māyā.

Dưới hình thức này hay hình thức khác, tất cả chúng ta đều lạc mất trong māyā. Đó là một trạng thái sự vật cực kỳ rối rắm và khó hiểu. Māyā được truyền giảng tại mọi quốc gia, được giảng dạy ở khắp mọi nơi, nhưng chỉ có số rất ít người tin, bởi vì chỉ khi nào tự thân trải nghiệm thì ta mới tin được.

Điều đó cho thấy gì? Một cái gì đó vô cùng khủng khiếp. Bởi vì tất cả đều hão huyền vô ích. Thời gian – kẻ phục cừu cho vạn vật – đến và không để lại gì. Nó nuốt chửng cả vị thánh lẫn kẻ phạm tội, vị hoàng đế lẫn bác nông phu, kẻ đẹp lẫn người xấu; và không để lại gì.

Tất cả sự vật đều đang lao đến mục tiêu hủy diệt đó. Kiến thức, nghệ thuật, khoa học, tất cả những thứ khác của chúng ta đều đang lao đến mục tiêu hủy diệt. Không một ai ngăn được cơn thủy triều này, cũng không một ai có thể trì hoãn được một phút.

Tất cả chúng ta đều cố gắng quên điều đó. Giống như những cư dân trong một thành phố bị bệnh dịch cố quên đi điều đó bằng cảnh tiệc tùng, nhảy múa cùng bao điều vô ích khác, rồi trở nên tê liệt hết. Chúng ta cũng cố tìm quên như thế đó bằng mọi lạc thú của giác quan.

Và đây là māyā. Có hai giải pháp được đề nghị. Giải pháp thứ nhất, mà mọi người đều biết, rất được phổ biến, đó là: “Điều đó rất có thể là sự thật, nhưng đừng nghĩ đến nó làm chi. ‘Hãy phơi rơm khi trời nắng’ như lời một câu tục ngữ.

Tất cả điều đó đều là sự thực, nhưng đừng bận tâm làm gì. Hãy tận hưởng những lạc thú ít ỏi mà bạn có thể hưởng, hãy làm một ít việc mà bạn có thể làm, đừng nhìn vào mặt tối của bức tranh, mà hãy luôn luôn tiến tới với tinh thần tích cực đầy hy vọng”.

Quan niệm đó có phần đúng, nhưng 106  SWAMI VIVEKANANDA cũng có phần nguy hiểm. Đúng, vì nó là động lực rất tốt để thúc đẩy ta tiến tới. Niềm hy vọng và lý tưởng tích cực là những động lực rất tốt đẹp cho đời sống chúng ta, nhưng bên trong chúng lại tiềm ẩn nguy cơ.

Sự hiểm nguy nằm ở chỗ chúng ta có thể từ bỏ đấu tranh vì tuyệt vọng. Đó là trường hợp của những người thuyết giảng: “Hãy nhận thức thế giới này y như thực, hãy lặng lẽ ngồi xuống trong tư thế vô cùng thoải mái, và hãy an phận với tất cả những khổ đau này.

Khi bị một cú đấm, bạn hãy bảo rằng đó là đóa hoa chứ không phải là cú đấm; khi bị lôi đi như những kẻ nô lệ, bạn hãy tự nhủ rằng mình đang tự do. Cả ngày lẫn đêm hãy nói những lời dối trá đó với những kẻ khác và với chính tâm hồn bạn, bởi vì đó là cách duy nhất để sống hạnh phúc”.

Đó là cái mà ta gọi là minh triết thực tiễn, và chưa bao giờ quan niệm đó lại tràn ngập trên khắp thế giới như ở thế kỷ 19 này, bởi vì chưa bao giờ có những cú đấm lại mạnh hơn như thời hiện đại, chưa bao giờ sự cạnh tranh lại gay gắt hơn, chưa bao giờ con người lại tàn ác với đồng loại hơn bây giờ; do đó, phải cần đến sự vỗ về an ủi này.

Quan niệm này được đề xuất theo giải pháp mạnh mẽ nhất thời hiện đại, nhưng nó đã thất bại, như đã từng luôn luôn phải thất bại. Ta không thể dùng hoa hồng để che đậy một xác chết thối rữa, vì như thế sẽ khiến tình trạng xác chết lại càng tồi tệ hơn trước đó.

Đối với cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Chúng ta có thể dùng gấm vóc lụa là để che phủ ung nhọt mưng mủ kinh niên của mình, nhưng sẽ đến một ngày tấm lụa đó bị gỡ ra, và cái ung nhọt mưng mủ gớm ghiếc đó lại hiện ra.

Vậy thì không có hy vọng gì sao? Trên thực tế, chúng ta là những nô lệ của māyā, sinh ra trong māyā, và sống trong māyā.

Phải chăng không còn con đường nào thoát ra ngoài, và không còn hy vọng? Tất cả chúng ta đều là những kẻ khốn khổ, thế giới thực sự là một ngục tù, ngay cả cái mà chúng ta gọi là cảnh tượng đẹp đẽ cũng chỉ là một nhà tù, thậm chí đến trí năng và tâm thức của chúng ta cũng là những nhà tù; điều đó đã được nhận biết qua hàng bao thời đại.

Chưa từng có một người nào lại không cảm nhận được ít nhiều về điều này, dù anh ta có nói gì đi nữa. Những người già thì cảm thụ sâu sắc hơn, vì họ tích lũy được kinh nghiệm cả đời người, vì họ không để bị lừa phỉnh bởi những lời dối trá của thiên nhiên.

Vậy thì không còn con đường nào thoát ra ngoài chăng? Ta thấy rằng với tất cả những điều này, với sự kiện khủng khiếp đang bày ra trước mắt, giữa sự phiền não khổ đau, thậm chí trong một thế giới mà tử sinh bình đẳng, sống chết đồng nghĩa thì ngay cả nơi đây vẫn có một tiếng nói khe khẽ vang vọng qua bao thời đại, xuyên qua mọi quốc gia và ngập tràn trong mỗi trái tim: “Māyā này của Ta là thần thánh, được cấu thành bằng những phẩm chất thượng đẳng và rất khó vượt qua.

Thế nhưng hỡi những kẻ nào đến với Ta, hãy băng qua dòng đời”. “Hỡi những kẻ đang lao động miệt mài và mang nặng khổ đau, hãy đến với Ta, và Ta sẽ đem đến cho các ngươi sự bình an”. Tiếng nói đó đã giúp chúng ta tiến tới.

Con người đã từng nghe và đang nghe tiếng nói đó vọng qua mọi thời đại.

Tiếng nói đó vọng đến với con người khi họ gần như đánh mất tất cả, và mọi hy vọng đều tan biến, khi sự nương tựa vào sức mạnh bản thân bị sụp đổ tan tành, mọi thứ dường như đều trôi vuột khỏi tầm tay, và cuộc sống chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn đầy tuyệt vọng.

Rồi họ lại nghe ra tiếng nói đó. Điều này được gọi là tôn giáo. Bởi vậy, một mặt là sự khẳng định dũng cảm rằng tất cả điều này đều vô nghĩa, rằng đây là māyā; nhưng đi cùng với điều đó là sự khẳng định tràn trề hy vọng cho rằng bên kia māyā vẫn có một lối thoát.

Mặt khác, những người thực tiễn lại bảo với ta: “Đừng bận tâm chi tới những thứ vớ vẩn như tôn giáo hay siêu hình học cho mệt óc. Hãy sống ở nơi đây đi; tuy đây là một thế giới vô cùng tồi tệ, nhưng hãy tận hưởng nó”.

Nói một cách nôm na là hãy sống một đời giả dối, cứ tiếp tục tự lừa dối mình, cứ dùng đủ thứ hoa mỹ có được để che đậy tất cả những vết thương mưng mủ. Hãy đắp mảnh vá này lên mảnh vá khác, cho đến khi tất cả mất hết và bạn chỉ còn là một đống nùi giẻ chắp vá.

Đấy là cái được gọi là cuộc sống thực tế. Những kẻ nào thỏa mãn với đống nùi giẻ chắp vá đó sẽ không bao giờ đến được với tôn giáo.

Tôn giáo bắt đầu bằng sự bất mãn cùng cực với tình trạng hiện tại của sự vật, với cuộc sống của chúng ta, bằng sự căm phẫn mãnh liệt với lối sống chắp vá, bằng sự kinh tởm vô bờ bến với sự lừa bịp và dối trá.

Hướng đến được với tôn giáo chỉ có thể là người mạnh dạn tuyên bố, như Đức Phật dũng mãnh tuyên bố dưới gốc Bồ Đề, khi tư tưởng về đời sống thực tiễn này xuất hiện trước mặt ngài, và ngài thấy rằng đời sống đó thật là vô nghĩa, nhưng ngài không sao tìm được lối thoát ra ngoài.

Khi bị cám dỗ để từ bỏ sự tìm cầu chân lý, để quay lại với thế gian và sống một đời dối trá, gọi sự vật bằng những danh xưng sai lệch, nói những điều dối trá cho chính bản thân mình cùng tất cả bao người khác thì ngài– bậc vĩ nhân – đã chiến thắng được sự cám dỗ đó và tuyên bố: “Chết còn tốt hơn là sống một đời ngu si như cây cỏ; chết giữa chiến trường còn tốt hơn là sống một đời thất bại”.

Đây là nền tảng của tôn giáo. Khi con người đứng trên lập trường này là anh ta đang trên đường đi đến chân lý, đang trên đường đến với Thượng Đế. Quyết tâm này phải là động cơ đầu tiên hướng đến tinh thần tôn giáo. Tôi phải tự khai phá cho mình một con đường.

Tôi sẽ biết được chân lý hoặc sẽ bỏ mạng trong nỗ lực này. Bởi vì ở bên này chẳng hề có gì cả, tất cả đều tàn diệt, và đang tan biến từng ngày. Người trẻ đẹp và tràn đầy hoài vọng hôm nay sẽ thành người già cỗi trong ngày sau.

Hy vọng, niềm vui cùng sự hoan lạc sẽ chết đi như những đóa hoa lụi tàn trong sương giá ngày mai. Bên này là vậy; còn bên kia là sự hấp dẫn mãnh liệt của sự chinh phục và chiến thắng trước mọi điều xấu xa trong cuộc sống, là cuộc chinh phục chính cuộc sống, chinh phục cả vũ trụ.

Con người đứng trên bờ bên ấy. Do đó, những ai dũng cảm đấu tranh vì chiến thắng, vì chân lý, vì tôn giáo mới là những người đi đúng đường; và đó là điều mà kinh điển Veda truyền giảng: “Đừng tuyệt vọng, con đường này rất gập ghềnh khó khăn, giống như bước đi trên lưỡi dao cạo; nhưng đừng có tuyệt vọng, hãy đứng dậy, thức tỉnh và tìm cho ra lý tưởng, mục đích”.

Giờ đây, tất cả những biểu hiện hiện khác nhau đó của tôn giáo, dù đã đến với nhân loại dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều có chung nền tảng trung tâm này. Đó là sự truyền giảng về tự do, về phương thức giải thoát khỏi thế gian.

Những lời thuyết giảng đó không bao giờ đến để hòa giải thế gian và tôn giáo, mà để giải quyết vấn đề một cách dứt khoát, để thiết lập tôn giáo trên lý tưởng của chính nó chứ không phải để thỏa hiệp với thế gian.

Đó là những gì mà mọi tôn giáo đều thuyết giảng; và nhiệm vụ của triết học Vedānta là hòa hợp mọi nguồn cảm hứng đó, đồng thời làm hiển lộ nền tảng chung của tất cả mọi tôn giáo trên thế giới, cao cả nhất cũng như thấp kém nhất.

Cái mà chúng ta gọi là sự mê tín dị đoan nhảm nhí nhất và nền triết học cao siêu nhất đều thực sự có chung một mục tiêu, đó là cả hai đều cố gắng chỉ ra con đường giải thoát khỏi những nỗi gian khó giống nhau; và trong phần lớn các trường hợp thì con đường đó dựa vào sự trợ giúp của những vị đạo sư đã đạt đến cảnh giới tự tại, không còn bị ràng buộc bởi những quy luật tự nhiên.

Dù có vô vàn điều khó khăn và sự khác biệt trong quan niệm về bản chất của tác nhân tự do tự tại duy nhất đó, xem Ngài có phải là một Thượng Đế Nhân Thể hay không, hay chỉ là một đối tượng mang bản chất phù du tử diệt như con người, là nam hay nữ hay trung tính – những cuộc tranh luận kiểu này kéo dài đến vô tận – thì ý tưởng nền tảng vẫn tương đồng, không có gì khác biệt.

Dù có những mâu thuẫn thâm căn cố đế giữa các hệ thống khác nhau, ta vẫn tìm thấy được sợi chỉ vàng nhất quán chạy xuyên suốt qua tất cả những hệ thống đó, và trong nền triết học này, chúng ta từng bước lần ra đầu mối của sợi chỉ vàng này, và nền tảng chung cho bước đầu tiên hướng đến sự khải thị này là: tất cả đều đang tiến đến cảnh giới tự do.

Một sự kiện lạ lùng hiện diện giữa mọi niềm vui cùng nỗi buồn, giữa mọi khó khăn và tranh đấu của chúng ta, đó là: chúng ta chắc chắn đang ở trong cuộc hành trình hướng đến tự do.

Trong thực tế, có một câu hỏi: “Vũ trụ này là gì? Nó sinh khởi từ đâu? Rồi nó đi về đâu?” Và câu trả lời là: “ Trong tự do nó sinh khởi, trong tự do nó yên nghỉ, rồi trong tự do nó tan biến”. Các bạn không thể phủ nhận quan niệm tự do này.

Những hành động của các bạn, cả cuộc sống của các bạn sẽ bị mất hết nếu không nó. Trong từng giây từng phút, thiên nhiên đều chứng minh cho ta thấy chúng ta là những kẻ nô lệ chứ không được tự do. Tuy nhiên, một quan niệm khác lại đồng thời nảy sinh, đó là chúng ta là những người tự do.

Có thể nói là từng bước chân của chúng ta đều luôn bị māyā quật ngã, và chúng ta thấy mình luôn bị trói buộc triền phược; nhưng cùng với cú đấm này, cùng với cảm nhận mình đang bị trói buộc thì đồng thời chúng ta lại cảm nhận rằng mình đang được tự do.

Một tiếng nói thầm kín từ nội tâm bảo ta rằng ta tự do, tự tại. Nhưng nếu ta cố gắng thực hiện tự do đó, cố gắng biểu hiện nó thì ta sẽ gặp những khó khăn không sao vượt qua nổi. Tuy thế, từ trong nội tâm, tiếng nói đó vẫn cứ luôn khăng khăng khẳng định: “Tôi tự do, tôi tự do”.

Nếu nghiên cứu tất cả những tôn giáo khác nhau trên thế giới thì các bạn sẽ thấy chúng luôn diễn đạt tư tưởng này. 110  SWAMI VIVEKANANDA Không chỉ tôn giáo – các bạn không nên hiểu danh từ này theo nghĩa hẹp – mà trọn cả đời sống xã hội là lời khẳng định về nguyên lý tự do duy nhất này.

Tất cả mọi phong trào, mọi sinh hoạt của xã hội đều là lời khẳng định về tự do duy nhất này. Dù có nhận biết hay không thì tất cả mọi người, ai ai cũng đều đã nghe tiếng nói đó, tiếng nói đã tuyên bố: “Hãy đến với Ta, hỡi những kẻ lao động nhọc nhằn và đang mang gánh nặng”.

Có thể tiếng nói đó không mang cùng một ngôn ngữ hay cùng một hình thức phát ngôn, nhưng dù dưới hình thức này hay hình thức khác thì tiếng nói kêu gọi tự do đó vẫn luôn ở trong ta. Vâng, chúng ta sinh ra tại nơi đây là vì tiếng nói đó, mỗi một hành động của chúng ta đều hướng đến tiếng nói đó.

Tất cả chúng ta đều đang lao đến tự do, đang chạy theo tiếng nói đó, dù chúng ta có biết hay không; giống như những đứa trẻ trong làng bị cuốn hút theo giai điệu của người thổi sáo, chúng ta cũng bị cuốn hút như thế bởi giai điệu của tiếng nói đó, mà không hề hay biết.

Khi đi theo tiếng nói đó, chúng ta trở nên đức hạnh. Không chỉ con người, mà mọi tạo vật, từ loài thấp kém nhất đến loài tiến hóa cao nhất, cũng đều nghe ra tiếng nói đó và lao theo nó; và trong cuộc tranh đấu này, muôn loài đều đang phối hợp với nhau hoặc đang xô đẩy nhau ra khỏi con đường đó.

Do đó mà có sự ganh đua, niềm vui, đấu tranh, sự sống, lạc thú, cái chết; và toàn thể vũ trụ chỉ là kết quả của cuộc tranh đấu điên cuồng để đạt đến tiếng nói đó, chứ chẳng có chi khác. Đây là sự biểu hiện của thiên nhiên. Rồi điều gì sẽ xảy đến? Cảnh tượng bắt đầu dịch chuyển.

Ngay khi các bạn vừa biết được tiếng nói đó, và hiểu được nó là gì thì toàn bộ cảnh tượng đều thay đổi. Cũng chính cái thế giới mà trước đây là bãi chiến trường khủng khiếp của māyā thì lúc này đã biến thành một cái thứ gì đó tốt lành và đẹp đẽ.

Chúng ta không còn nguyền rủa thiên nhiên, cũng không tuyên bố rằng thế giới này thật quá gớm guốc và tất cả đều phù phiếm vô ích; chúng ta cũng không còn khóc than nữa.

Khi hiểu được tiếng nói đó thì ta lập tức thấy ngay nguyên do vì sao cuộc đấu tranh này lại diễn ra ở nơi đây, hiểu được nguyên do của cuộc chiến đấu này, của cuộc ganh đua này, của nỗi khó khăn này, của sự tàn ác này, của những lạc thú cỏn con và niềm vui nhỏ nhoi này.

Ta sẽ thấy rằng tất cả những thứ đó đều nằm trong bản chất của sự vật, vì nếu không có chúng thì sẽ không có cuộc theo đuổi tiếng nói đó để có thể đạt đến mục đích dành cho chúng ta, dù ta có biết nó hay không. Do đó, trọn cả cuộc sống con người, toàn thể thiên nhiên đều đang đấu tranh để đạt đến tự do.

Mặt trời đang di chuyển đến mục tiêu đó, trái đất xoay quanh mặt trời cũng đang di chuyển đến mục tiêu đó, mặt trăng xoay quanh trái đất cũng đang di chuyển đến mục tiêu đó. Hành tinh này đang di chuyển đến mục tiêu đó, cả bầu khí quyển cũng đang thổi đến mục tiêu đó.

Toàn thể vạn hữu đều đang đấu tranh để hướng đến đến mục tiêu đó. Vị thánh đang hướng đến tiếng nói đó, không sao cưỡng lại được, không có vinh quang gì cho ông ta trong chuyện này.

Kẻ tội lỗi cũng thế. Người nhân đức đang trên đường hướng đến tiếng nói đó, không có gì có thể ngăn cản được; kẻ keo kiệt cũng đang hướng đến cùng một mục tiêu.

Người làm những việc thiện vĩ đại nhất cũng nghe ra cùng một tiếng nói đó từ nội tâm, không sao cưỡng lại nổi, anh ta buộc phải đi đến với tiếng nói đó; kẻ cùng cực lười biếng cũng nghe ra và làm y như thế.

Người này có thể vấp ngã nhiều lần hơn người kia; kẻ vấp ngã nhiều thì ta gọi là người xấu, kẻ ít vấp ngã thì ta bảo là người tốt. Tốt hay xấu, thiện hay ác không bao giờ là hai sự vật khác nhau, chúng là một và tương đồng, sự khác biệt không thuộc về thể loại mà chỉ thuộc về mức độ mà thôi.

Giờ đây, nếu sự hiểu hiện của năng lực tự do này đang thực sự chi phối toàn thể vũ trụ thì khi áp dụng điều đó vào tôn giáo – là điều được chúng ta đặc biệt nghiên cứu – ta sẽ thấy rằng đó là quan niệm duy nhất được khẳng định ở khắp mọi nơi.

Hãy xét hình thức thấp nhất của tôn giáo là thờ cúng tổ tiên đã khuất, hoặc sùng bái những vị thần có quyền năng hay hung bạo nào đấy, thì quan niệm nổi bật về tổ tiên đã khuất hoặc những vị thần đó là gì? Đó là họ vượt trội hơn thiên nhiên, không còn bị thiên nhiên ràng buộc hay câu thúc nữa.

Người sùng bái dĩ nhiên có những quan niệm rất hạn hẹp về thế giới tự nhiên. Anh ta không thể đi xuyên qua tường hay bay lên trời, nhưng những vị thần mà anh ta sùng bái thì có thể làm được điều đó.

Điều đó có nghĩa là gì về phương diện triết học? Đó là sự khẳng định về tự do, và các vị thần mà anh ta sùng bái có nhiều quyền năng hơn cái thế giới tự nhiên mà anh ta biết. Đối với những người sùng bái các vị thần cao siêu hơn thì cũng thế.

Khi quan niệm về thế giới tự nhiên càng mở rộng thì quan niệm về một linh hồn siêu việt thế giới tự nhiên cũng được mở rộng theo, cho đến lúc chúng ta tiến đến cái mà ta gọi là độc thần giáo, cho rằng có một māyā và có một đấng Chúa Tể thống trị māyā đó.

Triết học Vedānta bắt đầu tại đây, nơi mà những quan niệm độc thần giáo lần đầu tiên xuất hiện. Nhưng triết học Vedānta còn muốn giải thích xa sâu hơn nữa.

Kinh điển Vedānta tuyên bố rằng điều giải thích này – cho rằng có một đấng vượt trên tất cả những biến hiện của māyā, đấng cao siêu hơn cả māyā, không phụ thuộc vào māyā, là đấng đang lôi cuốn chúng ta đến với Ngài, và là đấng mà tất cả chúng ta đang hướng đến – là vô cùng tốt đẹp, nhưng nhận thức đó chưa được rõ ràng, sự khải thị hãy còn mù mịt, mơ hồ, mặc dù nó không trực tiếp mâu thuẫn với lý trí.

Giống như trong một bản thánh ca của các bạn có nói: “Hãy gần Người hơn hỡi Thượng Đế”, cũng bài thánh ca đó có thể sẽ rất tốt cho một người theo triết học Vedānta, nhưng anh ta chỉ đổi đi một chữ: “Hãy gần con hơn, hỡi Thượng Đế”.

Quan niệm cho rằng mục tiêu ở quá xa, nằm bên kia thế giới tự nhiên, và đang cuốn hút tất cả chúng ta hướng đến, quan niệm đó phải được đưa về mỗi lúc một gần thêm nữa, mà không làm cho nó sút giảm giá trị hoặc suy biến.

Thượng Đế trên trời biến thành Thượng Đế trong tự nhiên, Thượng Đế trong tự nhiên lại biến thành Thượng Đế đồng nhất với giới tự nhiên, và Thượng Đế đồng nhất với giới tự nhiên lại biến thành Thượng Đế ngự trong đền thờ của thể xác, rồi cuối cùng Thượng Đế ngự trong đền thờ của thể xác biến thành chính đền thờ, trở thành linh hồn và con người – và tại đó, triết học Vedānta đã đạt đến những lời tối hậu mà nó có thể giảng dạy.

Đấng mà các bậc hiền triết mòn mỏi đi tìm ở khắp mọi nơi đang ngự trị trong chính tâm hồn chúng ta; triết học Vedānta bảo rằng tiếng nói mà các bạn đã nghe được là chân thực, nhưng phương hướng mà các bạn gán cho nó lại sai lầm.

Lý tưởng tự do mà các bạn nhận thức là đúng đắn, nhưng các bạn phóng chiếu nó ra bên ngoài tự thân thì đó là sai lầm của các bạn. Hãy đưa tiếng nói đó mỗi lúc mỗi đến gần bạn hơn, cho đến khi bạn thấy rằng tự bản lai nó đã ở bên trong tâm hồn mình rồi, nó chính là Thực Ngã của tự ngã của bạn.

Tự do đó chính là tự tính của bạn, và māyā này chưa hề ràng buộc bạn bao giờ. Thiên nhiên chưa hề có uy quyền gì với bạn cả.

Như một đứa bé bị khủng bố, các bạn đang mơ thấy nó đang bóp cổ mình, và mục tiêu của các bạn là thoát khỏi nỗi sợ hãi đó: không chỉ thấy được nó bằng trí năng, mà còn phải thận thức được nó, hiện thực được nó một cách dứt khoát, gấp nhiều lần cách ta nhận thức thế giới.

Lúc đó, ta sẽ biết được rằng ta đang tự do.

Đến lúc đó, và chỉ đến lúc đó thôi, mọi khó khăn đều tan biến, rồi mọi vấn đề trằn trọc nan giải của tâm hồn đều được xoa dịu, mọi điều cong vênh đều được uốn thẳng, rồi mọi vọng tưởng về tính đa thù và thiên nhiên sẽ tan biến cả; và māyā – thay vì là một cơn ác mộng tuyệt vọng như xưa nay – giờ đây sẽ trở nên đẹp đẽ; và trái đất này – thay vì là một nhà tù – sẽ trở thành một sân chơi cho chúng ta; thậm chí những sự hiểm nguy gian khó, cùng tất cả những khổ đau cũng trở nên thiêng liêng và hiển lộ cho ta thấy chân tính của chúng, chứng minh cho ta thấy rằng đằng sau vạn hữu thì Ngài – bản thể của vạn hữu – đang đứng đó, và Ngài chính là Thực Ngã duy nhất của chúng ta.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x