Trang chủ » Phần 2 – Những lời dạy cốt tủy về đức hạnh, hạnh phúc và bình an nội tâm

Phần 2 – Những lời dạy cốt tủy về đức hạnh, hạnh phúc và bình an nội tâm

by Hậu Học Văn
271 views

TẠI SAO PHẢI SỐNG TỐT?

Khái niệm về đức hạnh Khắc kỷ chủ nghĩa của Epictetus – mặc dù chưa được đánh giá đúng mức – vẫn để lại dấu ấn không thể phai mờ trên nền văn hóa của chúng ta. Descartes; Spinoza, Rousseau; Nietzsche, Marx; và những người Cha Sáng lập của Mỹ; chỉ là một ít trong số những “kẻ làm lay chuyển nhân loại”; đã mắc nợ tư tưởng Khắc kỷ chủ nghĩa về đức lý; một món nợ lớn.

Đức hạnh, cho đến khi nó hồi sinh rất gần đây, thì nghe ra rất cổ hủ hay thậm chí làm dáng đối với đôi tai hiện đại của chúng ta. Những lời dạy của Epictetus về đức hạnh không dính líu gì tới một kẻ đạo đức giả hay một kẻ nhu nhược, khúm núm. Đức hạnh, hạnh phúc và sự yên tĩnh tâm hồn không phải là những kinh nghiệm tách rời hay riêng biệt mà là những trạng thái xuất hiện đồng thời.

Mặc dù ông xiển dương sự thiện vì tự thân nó, sự quan sát thực tế của ông là: Một cuộc sống đức hạnh dẫn đến sự nhất quán nội tại và sự hài hòa ngoại tại. Có sự nhẹ nhõm lớn khi có sự nhất quán về đạo đức: linh hồn thư giãn, và như thế, chúng ta có thể tiến về phía trước một cách có hiệu năng trong những nỗ lực của ta, như Epictetus thường nói: “Không bị ngăn trở”.

Sự lộn xộn và cái xấu nội tại, chính nó xuất phát từ sự hàm hồ. Epictetus huấn luyện chúng ta cách khơi dậy và sử dụng cái tốt nhất mà ta có, bằng cách làm cho bảng đạo đức cá nhân của ta trở thành tường minh với ta. Tự do, sự thanh thản và tự tin, được đạt tới trong khi những hành động ngoại tại của ta dần dần tuân phục bảng đạo đức này. Ông yêu cầu ta giảm bớt tầm quan trọng mà ta thường đặt vào những lựa chọn “bên ngoài” – cái mà ta có thể gọi là “những lựa chọn kiểu sống” – và tập trung trên những lựa chọn nội tại về đạo đức, nhỏ bé nhưng có ý nghĩa, mà chúng ta làm trong quá trình sống của bất cứ ngày nào.

Sharon Lebell

TIẾNG KÊU CỦA LINH HỒN

Nhiệm vụ chính của triết học là đáp lại tiếng kêu của linh hồn và hiểu được ý nghĩa sự kiềm tỏa của những phiền muộn và sợ hãi của chúng ta – và bằng cách đó, tự giải phóng mình ra khỏi nó.

Triết học gọi chúng ta khi chúng ta đã tới bước đường cùng. Cái cảm nhận liên lỉ – rằng có một cái gì đó không ổn với đời ta, và niềm hoài vọng được trả lại “cái tôi tốt hơn” của ta – sẽ không biến mất. Những nỗi sợ của ta về sự chết và sự cô độc; sự bối rối của ta về tình yêu và tình dục; và cảm thức về sự bất lực của ta khi đối mặt với sự giận dữ và những tham vọng thái quá – những cái đó đưa ta đến chỗ thành khẩn đặt những câu hỏi triết học đầu tiên.

Thật đúng: Đời chúng ta không có ý nghĩa nào xuất hiện ra một cách hiển nhiên. Sự tàn nhẫn, sự bất công, sự khó chịu về thể xác, bệnh tật, những bực bội, và những bất tiện lớn nhỏ, là những sự kiện tẻ nhạt của bất cứ ngày nào trong đời. Như thế, ta sẽ làm gì về điều này? Làm thế nào chúng ta – mặc dù nỗi đau và sự khổ trong thế giới bên ngoài và trong những cảm xúc bất thường của mình – sống đời cao thượng, thay vì ngã quỵ trước sự tê liệt tuyệt vọng, và chỉ đối phó giống như một con lừa với sự tẻ nhạt và những trách nhiệm không mong muốn?

Khi linh hồn kêu lên, đó là một dấu hiệu rằng chúng ta đã tới một giai đoạn tất yếu, chín muồi của sự phản tỉnh. Bí quyết là đừng bị kẹt ở đó, do dự, mà hãy tiến về phía trước bằng cách quyết tâm tự chữa trị chính mình. Triết học yêu cầu ta di chuyển vào trong lòng dũng cảm. Thuốc chữa của nó là việc phát hiện những tiên đề sai và hời hợt, mà trên đó chúng ta đặt nền móng cho cuộc đời ta và cái “bản sắc cá nhân” của ta.

MỤC TIÊU ĐÍCH THỰC CỦA TRIẾT LÝ

Mục tiêu đích thực của triết lý không bao hàm những nghi thức ngoại lai, nghi lễ huyền bí, hay những niềm tin kỳ quái. Nó cũng không chỉ là lý thuyết và sự phân tích trừu tượng. Dĩ nhiên, nó là tình yêu dành cho sự minh triết. Nó là nghệ thuật sống một cuộc sống tốt đẹp. Với tư cách đó, nó phải được giải cứu khỏi những đạo sư và những triết gia chuyên nghiệp, kẻo nó sẽ bị khai thác như là một giáo phái bí truyền hay một loạt những kỹ thuật “lạnh lùng”, những “câu đố nát óc”, để tỏ ra bạn tài giỏi ra sao. Triết lý dành cho mọi người, và nó được thực hành thực sự chỉ bởi những ai mà gắn chặt nó với hành động trên thế gian, tiến về một cuộc sống tốt hơn cho tất cả.

Mục đích của triết học là soi sáng những cách thức mà linh hồn ta đã bị ô nhiễm bởi những niềm tin không lành mạnh, những dục vọng gây xáo động, những lựa chọn và sở thích đáng ngờ, không xứng đáng với ta. Việc tự xem xét bản thân, được áp dụng với lòng nhân ái, là liều giải độc chính. Ngoài việc nhổ tận rễ những sa đọa của linh hồn, cuộc đời minh triết cũng nhằm đánh thức ta khỏi sự ủ trệ, và thúc đẩy ta tiến về một cuộc sống vui tươi, phong phú. Việc sử dụng logic, sự tranh luận một cách thành thạo, và sự phát triển khả năng gọi tên sự vật một cách đúng đắn, là một vài trong số những công cụ mà triết lý cho chúng ta, để đạt tới cái nhìn rõ ràng và sự bình an nội tại bền vững, vốn là hạnh phúc đích thực.

Hạnh phúc này là mục tiêu của chúng ta, và phải được hiểu đúng. Thông thường, hạnh phúc bị hiểu lầm một cách phổ biến, là lạc thú và sự nhàn rỗi được trải nghiệm một cách thụ động. Quan niệm đó về hạnh phúc chỉ là hời hợt. Cái mục tiêu xứng đáng duy nhất của tất cả nỗ lực của ta là một cuộc sống phong phú.

Hạnh phúc đích thực là một động từ. Nó là những thực hành năng động của những việc làm xứng đáng. Cuộc sống phong phú, mà nền tảng của nó là ý định tốt lành là một cái gì đó mà ta liên tục ứng tác, và khi làm như thế, linh hồn ta trở nên chín chắn. Đời ta có ích cho ta và cho những người mà ta tiếp xúc.

Chúng ta trở nên triết luận để phát hiện ra cái gì thực sự đúng, và cái gì chỉ là kết quả của sự lý luận sai lầm và ngẫu nhiên, của những phán đoán sai lầm được thủ đắc bừa bãi, của những lời dạy có thiện chí nhưng bị hướng dẫn sai, từ bố mẹ, thầy giáo, và sự tiếp biến về văn hóa mà không được xem xét.

Để giải phóng linh hồn ta ra khỏi đau khổ, ta dấn mình vào nội quan có kỷ luật, mà trong đó ta tiến hành những cuộc thí nghiệm tư tưởng để gia tăng khả năng phân biệt giữa những niềm tin và thói quen lành mạnh, với những niềm tin và thói quen có hại và lười biếng.

BƯỚC ĐẦU TIÊN

Bước đầu tiên để sống minh triết là từ bỏ lòng tự cao tự đại.

Hãy nhận ra sự dại dột đầy ảo tưởng, tự cho mình là một kẻ biết hết mọi sự, một kẻ đầy lo âu mà cái tâm trí “bông lông” của y luôn luôn bép xép một cách xốc nổi về những biến cố và những người khác, khiên cưỡng áp đặt những kinh nghiệm hiện hành của y vào trong những phạm trù đã xác lập sẵn. “Ồ vâng, điều này ở đây chỉ giống như điều như vậy…như vậy…”

Hãy nhìn thế giới bằng cái nhìn tươi mới – như nó là, trên những điều kiện của riêng nó – qua đôi mắt của một “kẻ bắt đầu”. Biết rằng bạn không biết và sẵn lòng thừa nhận rằng mình không biết, mà không bào chữa một cách ngốc nghếch, là sức mạnh thực thụ, và dọn đường cho việc học hỏi và tiến bộ trong bất cứ nỗ lực nào.

Kẻ khôn ngoan nhất trong chúng ta nhận biết được những giới hạn tự nhiên trong kiến thức của ta, và có sức chịu đựng để duy trì “sự ngây thơ” của mình. Họ hiểu rằng tất cả chúng ta biết ít ra sao về bất cứ điều gì. Không có cái gọi là kiến thức chung cuộc, một lần cho mãi mãi. Kẻ minh triết không lẫn lộn thông tin hay dữ kiện – bất luận là chúng phi thường hay được triển khai một cách khéo léo ra sao – với kiến thức toàn diện, bao quát hay minh triết siêu việt. Một khi đã nhận thức chúng ta biết ít ra sao, thì ta không quá dễ bị lừa bịp bởi những kẻ ba hoa, xốc nổi, những kẻ không thành thật, và những kẻ mị dân. Sự tò mò đầy phấn khích là một dấu hiệu của cuộc sống phong phú.

Sự ngạo mạn là cái mặt nạ tầm thường để che đậy sự hèn nhát; nhưng quan trọng hơn nhiều, nó là cái chướng ngại lớn cho cuộc sống phong phú. Tư duy minh bạch và lòng tự thị, không thể đồng hiện hữu một cách logic. Mọi người trên thế gian nay đều quan trọng. Nếu bạn thực sự muốn bình an tâm hồn và thành công trong nỗ lực của mình thì hãy từ bỏ lòng tự thị.

Sự kiêu ngạo là một cái cổng sắt, ngăn chặn những kiến thức mới, những khả tính to lớn, cũng như những ý kiến xây dựng. Kiêu hãnh thái quá về kiến thức của bạn, về những khả năng hay kinh nghiệm, và cố nắm giữ nhiều quyền lực, thẩm quyền hơn thực lực của mình, là nguy hiểm. Sự hợm hĩnh như thế không những làm kẻ khác xa lánh – bởi vì một sự hống hách khiếm nhã như vậy, thì không những là ngột ngạt khi phải ở gần, mà còn dẫn đến tính tự mãn, ngăn chặn sự thay đổi theo một hướng lành mạnh. Bạn cứ chạy quanh trong cùng những vòng tròn quen thuộc, và bị kẹt cứng trong cùng những tấm lưới. Không có điều gì mới mẻ hay vui tươi từng xảy ra.

Hãy ngừng ba hoa như một con chích chòe. Hãy chú ý cái thực sự đang xảy ra, không chỉ điều mà bạn nghĩ là đang xảy ra, hay mong muốn nó xảy ra. Hãy nhìn và lắng nghe.

Để làm tốt bất cứ điều gì, bạn phải có sự khiêm cung để “đi lang thang” một chút, theo sự dẫn dắt của bản năng, lạc đường, thất bại. Hãy có lòng can đảm để cố đảm trách một công trình nào đó, và có thể làm nó một cách tồi tệ. Những cuộc đời tầm thường được đánh dấu bởi sự sợ hãi – sợ tỏ ra mình thiếu năng lực, khi cố làm một cái gì mới.

Những kinh nghiệm mới nhằm làm cho đời ta sâu sắc hơn, và thúc đẩy ta bước sang những cấp độ năng lực mới; chúng không nhằm để cho lòng tự thị sử dụng như cây cột chống đỡ cho những quan điểm và kết luận đã xác lập sẵn.

Kiến thức và sự hướng dẫn cá nhân, chúng cư ngụ ở những nơi không mong đợi. Nếu bạn mong ước thấy và tận dụng chúng khi gặp chúng, thì hãy cảnh giác, kẻo mà bạn trở nên dương dương tự đắc và tự mãn một cách thiếu phê phán.

Không nên lẫn lộn cái cảm giác thỏa mãn, hài lòng chính đáng khi thành tựu một mục tiêu xứng đáng và khó khăn, với sự kiêu ngạo, vốn là nét đặc trưng của mối bận tâm độc chiếm về tự ngã và sự thiếu quan tâm đến tình cảm hay những vụ việc của những người khác.

CUỘC SỐNG PHÁT ĐẠT TÙY THUỘC VÀO SỰ TRI TÚC

Cuộc sống phong phú không thể đạt tới bằng những kỹ thuật. Cũng không thể đạt tới nó bằng năm bước dễ dàng, hay bằng giáo điều của một nhân vật có uy tín nào đó.

Một cuộc đời phong phú tùy thuộc vào sự đáp ứng của ta, một cách tốt nhất có thể, trước những sự thể mà về chúng ta có trách nhiệm.

Để sống một cuộc đời phi thường, chúng ta phải nâng cao tầm vóc tinh thần của mình bằng cách trau dồi tính cách của ta. Kẻ không được rèn luyện thì suy nghĩ miên man về những yếu tố vốn cấu thành đời họ. Họ lãng phí thời gian quý báu trong nuối tiếc hay mong muốn những tình huống cụ thể của họ sẽ khác đi. “Ước chi tôi sống trong một ngôi nhà hay thành phố tốt hơn, có một người phối ngẫu khác, một chỗ làm hấp dẫn hơn, nhiều thời gian hơn cho mình…” Kẻ được huấn luyện về tinh thần, thay vì oán hận hay tránh né những tình huống cuộc đời hiện tại, thì cám ơn chúng và tự hiến mình trọn vẹn cho những bổn phận của họ với gia đình, bạn hữu, láng giềng và nghề nghiệp… Khi ta yếu lòng và bắt đầu than vãn, rên rỉ, ta làm giảm sút những khả tính của mình.

Nếu ta quá xem trọng tiền bạc, địa vị và sự cạnh tranh, thì ta sẽ đầu độc những mối quan hệ cá nhân của mình. Ta không thể đạt tới cuộc sống phong phú cho đến khi ta điều tiết những dục vọng của mình và thấy rằng, chúng hời hợt và phù du như thế nào.

VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN

Bước thứ nhất tiến về sự minh triết là cam go nhất, bởi vì cái linh hồn yếu đuối và ngoan cố của ta sợ hãi không quen thuộc, và sự nỗ lực mà không có bảo đảm tuyệt đối của phần thưởng. Khi bạn tiến bộ trong những nỗ lực của mình, thì quyết tâm của bạn được củng cố, và sự tự cải thiện đến dễ hơn. Dần dà, thực là khó để mà hành động chống lại quyền lợi tốt nhất của chính bạn.

Bằng cách bền bỉ và kiên nhẫn quyết tâm loại bỏ những niềm tin không lành mạnh ra khỏi linh hồn, chúng ta trở nên mỗi lúc càng thành thạo trong việc nhìn thấy xuyên suốt những nỗi sợ hãi yếu đuối, sự bối rối trong tình yêu, sự thiếu tự chủ của mình. Chúng ta ngừng làm ra vẻ đạo đức trong mắt những người khác. Một ngày nào đó, chúng ta hài lòng mà nhận thức rằng, chúng ta đã ngừng “diễn kịch” với đám đông.

SỰ ĐỘC LẬP CỦA CÁI THIỆN

Cái thiện hiện hữu độc lập với quan niệm của ta về nó. Cái thiện thì ở “ngoài đó” và nó luôn ở ngoài đó, ngay cả trước khi chúng ta bắt đầu hiện hữu.

HÃY NGHI NGỜ QUY ƯỚC

Hãy nghi ngờ quy ước.

Hãy chịu trách nhiệm về tư duy của bạn.

Hãy tự đánh thức mình ra khỏi sự u mê của những thói quen máy móc, mà không hề xem xét liệu chúng có tốt hay không.

Những tri giác, những giá trị và những cách làm phổ biến thì hiếm khi là cái khôn ngoan nhất. Nhiều niềm tin phổ biến thường không vượt qua được trắc nghiệm nghiêm ngặt của lý tính. Tư duy quy ước – những phương tiện và cứu cánh của nó – thì cốt yếu là không sáng tạo và không đáng quan tâm. Công việc của nó là duy trì status quo cho những cá nhân và thiết chế được bảo vệ quá mức.

Mặt khác, không có đức hạnh tự nhiên trong những ý kiến mới. Hãy phán đoán những ý tưởng và cơ hội trên nền tảng sau đây: Liệu chúng có làm cho cuộc sống tốt hơn hay không? Hãy tán thành những gì phát huy lòng nhân đạo, sự công bình, sự tăng trưởng về đạo đức, lòng nhân ái, khả tính và lợi ích cho cộng đồng nhân loại.

Hãy xem xét những sự việc như chúng hiện ra trước tâm trí của riêng bạn; hãy khách quan cân nhắc những gì người khác nói, và rồi, thiết lập những xác tín của riêng bạn.

Những niềm tin được xã hội dạy thường là không đáng tin cậy. Quá nhiều trong số những niềm tin của ta đều được thủ đắc thông qua sự ngẫu nhiên và những lời dạy vô trách nhiệm, ngu dốt. Nhiều trong số những niềm tin này thì ăn rễ quá sâu, đến nỗi chúng bị ẩn giấu khỏi cái nhìn của ta. Cái uể oải tầm thường của một cuộc đời được sống bởi kẻ không được huấn luyện thì nguy hiểm và dễ lây; bởi vì, ngoài cách sống đó ra, thì đương sự không có cách sống lành mạnh nào khác. Hãy tỉnh dậy và cảnh giác. Hãy xem xét lại những thói quen của bạn, để duy trì những tiêu chuẩn cao hơn của mình.

Nhiều người tuyên bố hết sức chân thành rằng, họ quyết tâm giữ gìn phẩm cách của họ, trong khi vẫn buông mình vào những hành động thiếu suy nghĩ hay không tiết độ. Dù muốn dù không, họ làm xói mòn những nỗ lực đầy thiện ý của họ bằng cách không đối mặt với chính mình và không lập ra một bảng đạo đức cá nhân nhất quán, mà những hành động tương lai của họ sẽ tuân phục. Đừng nghe theo những gì mà người khác nói. Hãy quan sát những gì mà họ làm, và đánh giá những hậu quả đi kèm.

Chúng ta phải làm sạch, giữ ngăn nắp và duy trì ngôi nhà của ta để tiến về phía trước với bất cứ cái gì. Cũng vậy, ta cần làm y hệt như thế với tâm trí ta. Vì nếu không làm như thế, thì không những ta mạo hiểm một cách không hiệu quả, mà ta còn mời gọi sự sa đọa của chính linh hồn mình. Một linh hồn lộn xộn, mờ mịt thì nguy hiểm, vì nó dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng có trật tự hơn, nhưng lại không tốt.

Đừng tin cậy cái gì và bất cứ ai, ngoài chính bạn. Hãy không ngừng cảnh giác đối với những niềm tin và xung động của mình.

KẺ ĐỨC HẠNH THÌ BẤT KHUẤT

Sự khác biệt giữa người được giáo huấn và kẻ dốt nát là: người khôn ngoan biết rằng người đức hạnh thì bất khuất. Người ấy không bị lừa gạt và khuấy động bởi cái vẻ bề ngoài của sự vật.

Người được giáo huấn tôn trọng mối quan hệ họ hàng mà chúng ta chia sẻ với Cái tối hậu, và như thế y hành xử như một công dân từ bi, tự nhận biết của vũ trụ. Họ hiểu rằng cuộc sống minh triết sẽ dẫn đến sự thanh thản, đến việc tuân phục Tự nhiên và Lý tính.

HÃY LÀ MỘT CÔNG DÂN CỦA THẾ GIỚI

Người ta không thể theo đuổi cái tốt lành cao nhất của chính mình, mà không tất yếu đồng thời phát huy cái tốt lành của người khác. Một cuộc sống dựa trên những tư lợi nông cạn, không thể được kính trọng theo bất cứ tiêu chí thỏa đáng nào. Tìm kiếm cái tốt nhất trong chính mình, có nghĩa là chủ động quan tâm đến sự an vui của những người khác. Chúng ta giao ước không chỉ với một số ít người mà với họ ta có quan hệ gắn bó trực tiếp, cũng không phải với kẻ giàu sang, danh tiếng, hay có ăn học, nhưng là với tất cả mọi con người: Họ đều là huynh đệ của chúng ta.

Hãy xem chính mình như một công dân của một cộng đồng thế giới, và hành động phù hợp với tư cách đó.

HÃY XEM NHỮNG HOÀI VỌNG CỦA BẠN NHƯ NHỮNG SỰ KIỆN

Hãy xem những khát vọng sâu sắc và thầm kín nhất của mình chỉ như là những sự kiện, để bạn có thể thấy chúng điên rồ và thiếu thực chất ra sao. Không có gì xấu hổ khi theo đuổi sự thành công thế tục: đó là chuyện bình thường. Sự rắc rối của bạn không nằm ở tự thân sự theo đuổi, mà ở cái cách thức mình theo đuổi. Bạn để cho những dục vọng điên cuồng và sai lầm của mình tô màu phán đoán của bạn. Do vậy, bạn đánh giá quá cao cái giá trị nội tại của những gì mình theo đuổi. Bạn trông cậy vào những theo đuổi, và nghĩ rằng chúng sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, như thế là lẫn lộn giữa phương tiện với cứu cánh. Mặc dù việc theo đuổi những mục tiêu “trung tính” là tự nhiên, nhưng cả thành công lẫn thất bại trong việc đạt tới chúng, đều không mảy may ăn nhập gì với hạnh phúc của bạn.

VIỆC SỬ DỤNG SÁCH MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN

Đừng nói rằng bạn đã đọc những cuốn sách. Hãy chứng tỏ rằng thông qua chúng bạn đã học cách tư duy tốt hơn, trở nên một người trầm tư hơn, phán đoán tốt hơn. Chúng rất hữu ích, nhưng sẽ là một sai lầm tồi tệ, nếu cho rằng người ta tiến bộ bằng cách đơn giản “ngốn” những cuốn sách.

HÃY THỰC TẬP SỰ CẨN TRỌNG TRONG KHI GIAO DU VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Khi bạn giao tiếp với những người khác, một trong hai điều sẽ xảy ra. Hoặc là, bạn trở thành bạn đường của họ, hoặc là bạn kéo họ về với những quan điểm của mình. Hệt như khi một cục than đá tắt lửa tiếp xúc với một cục than đá còn lửa, thì hoặc là cục này dập tắt cục kia, hoặc ngược lại.

Sự nguy hiểm là rất lớn. Do vậy, hãy thận trọng khi bước vào những giao tiếp cá nhân, và nhất là với những người nhẹ dạ.

Phần lớn chúng ta không có đủ sự vững chãi để mà lái bạn bè theo con đường của mình; do vậy, rốt cuộc ta bị đám đông lôi đi. Những giá trị và lý tưởng của ta trở nên mờ nhạt và bị ô nhiễm. Quyết tâm của ta bị lung lay.

Thật khó lòng cưỡng lại khi những người bạn của ta, hay những người đang hiện diện, khởi sự ăn nói xấc xược. Khi họ trượt vào những đề tài thấp kém, ta dễ bị mát cảnh giác, và bị lôi đi bởi sự thúc đẩy của xã hội. Bản chất của cuộc trò chuyện là sự đa nghĩa, những lời bóng gió của nó; và những động lực cá nhân của nó di chuyển quá nhanh, đến nỗi chúng có thể tức thì dịch chuyển sang những hướng không lành mạnh, làm ô nhiễm mọi thứ có liên quan. Do vậy, cho đến khi những tình cảm minh triết đã gắn chặt vào bạn như thể chúng là bản năng, và bạn đã đạt được một sức tự vệ mạnh mẽ nào đó, thì hãy chọn những kẻ giao du một cách cẩn thận, và hãy giám sát cái chủ đề của cuộc trò chuyện mà trong đó bạn thấy mình đang rơi vào.

HÃY THA THỨ, MỘT CÁCH LẶP ĐI LẶP LẠI

Thường thường, tất cả chúng ta đều đang làm cái tốt nhất mà chúng ta có thể.

Khi một ai đó nói với bạn một cách bất nhã; xem thường lời bạn nói; làm một cử chỉ có vẻ thiếu suy nghĩ, hay thậm chí một hành vi rất xấu ác, thì hãy tự nghĩ thầm: “Nếu mình là người đó – đã chịu đựng những thử thách, nỗi khổ tương tự, có bố mẹ tương tự, vân vân – thì có lẽ mình cũng đã làm, hay nói những điều tương tự”. Ta không thấu hiểu những câu chuyện đằng sau những hành động của họ, do vậy ta nên kiên nhẫn với kẻ khác, và tạm đình chỉ những phán đoán của ta về họ, vì nhận thức được rằng sự hiểu biết của ta là có hạn. Điều này không có nghĩa là ta bỏ qua những hành vi xấu ác, hay công nhận ý tưởng rằng, những hành động khác nhau đều mang trọng lượng như nhau về đạo đức.

Khi người ta không hành động đúng như bạn mong muốn, thì hãy nhún vai tự nhủ thầm: “Ồ, thôi kệ!”. Và rồi, hãy để cho nó qua đi.

Thêm nữa, hãy nhân ái với chính bạn càng nhiều càng tốt. Đừng đo lường chính mình bằng cách so sánh với người khác, hay thậm chí với cái bản ngã lý tưởng của bạn. Sự cải thiện của con người là một nỗ lực dần dần, “hai bước tiến, một bước lùi”.

Hãy tha thứ cho kẻ khác một cách lặp đi lặp lại, lần này sang lần nọ. Cử chỉ này sẽ bồi đắp sự bình an nội tại.

Hãy tha thứ cho chính bạn, lặp đi lặp lại. Rồi hãy cố làm tốt hơn trong lần sau.

KẺ ĐỨC HẠNH THÌ NHẤT QUÁN

Để sống một cuộc đời đức hạnh, bạn phải trở nên nhất quán, ngay cả khi bất tiện, không thoải mái hay không dễ dàng.

Những ý tưởng, lời nói và hành động của bạn phải ăn khớp với nhau. Đây là một tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của đám đông. Phần đông người ta đều muốn tốt lành và phần nào cố trở nên tốt lành, nhưng rồi một thách thức đạo đức hiện lên và sự chán nản bắt đầu.

Khi những ý tưởng, lời nói và hành động của bạn tạo thành một chỉnh thể nhất quán, thì bạn làm cho nỗ lực của mình trở thành hợp lý, và như thế loại bỏ lo lắng và sợ hãi. Trong cách này, thật dễ dàng tìm kiếm sự tốt lành, hơn là hành xử một cách tùy tiện, hay chạy theo những cảm xúc của khoảnh khắc đó.

Khi bạn tự giải phóng mình ra khỏi những xao lãng của những lạc thú nông cạn hay viển vông, và thay vào đó hiến mình cho những bổn phận chính đáng thì bạn có thể thư giãn. Khi biết rằng trong những hoàn cảnh nhất định, bạn đã làm cái tốt nhất mà mình có thể, thì bạn có thể có một tâm hồn thanh thản. Tâm trí bạn không cần phải bày vẽ gì thêm, hay tìm cách biện bạch, bảo vệ danh dự của mình, và cảm thấy tội lỗi hay hối hận. Bạn có thể một cách giản dị, hoàn toàn di chuyển sang một điều khác.

Quả thực, rất giản dị: Nếu bạn nói rằng, mình dự định làm một cái gì đó, thì hãy làm đi. Nếu bạn bắt đầu một cái gì, hãy hoàn tất nó.

HÃY TIN CẬY NHỮNG TRỰC GIÁC ĐẠO ĐỨC CỦA BẠN

Chúng ta ra đời với sự tốt lành cốt tủy, được phú bẩm trực giác tự nhiên về cái gì thiện, cái gì ác, cái gì xứng đáng, cái gì không. Cái năng lực đạo đức bẩm sinh này, sau đó phải được rèn luyện một cách chủ tâm và có hệ thống, để đưa cái tốt nhất của nó đến chỗ chín muồi.

Muốn được người khác nể trọng là điều tự nhiên thôi. Nhưng bạn phải dần tự giải phóng mình khỏi sự lệ thuộc vào sự thán phục hay vinh dự mà kẻ khác ban cho hay thu hồi lại. Trong vận may hay nghịch cảnh, cái quan trọng là thiện chí, mà với nó bạn thực hiện những hành động của mình, chứ không phải là kết quả. Vậy hãy thôi đừng chú ý đến những gì mà bạn cho rằng kẻ khác nghĩ, và thôi đừng quan tâm đến kết quả của những hành động của mình. Thay vào đó, hãy tuân phục những trực giác đạo đức của bạn, và hãy làm theo chúng.

ĐỪNG GIẬN NHỮNG KẺ SAI TRÁI

Sự đáp ứng của người không được huấn luyện – trước kẻ cướp, côn đồ và những ai sai trái – là phẫn nộ và trả đũa. Cần phải hiểu đúng những kẻ làm điều sai trái để có đáp ứng thích đáng trước hành vi của họ.

Với những việc làm xấu thì sự đáp ứng phù hợp là lòng thương xót đối với những kẻ đã làm chúng, bởi vì họ đã tin theo những niềm tin không lành mạnh, và bị tước mất cái năng lực quý giá nhất của con người: khả năng phân biệt giữa cái gì thực sự tốt và xấu cho họ. Những trực giác đạo đức nguyên thủy của họ đã bị méo mó; do vậy họ không có cơ may nào để đạt tới sự thanh thản.

Bất cứ khi nào một ai đó làm một cái gì đó rồ dại, hãy thương xót họ hơn là ghét và giận như nhiều người thường lắm. Chúng ta nổi giận với kẻ rồ dại, chỉ vì ta thần tượng hóa những sự thể mà những kẻ như thể lấy mất của chúng ta.

CUỘC SỐNG PHÁT ĐẠT DUY NHẤT, LÀ CUỘC SỐNG ĐỨC HẠNH

Đức hạnh là mục tiêu và mục đích của chúng ta. Thứ đức hạnh dẫn đến hạnh phúc bền vững, không phải là một sự tốt lành có tính “vị lợi”. Tôi sẽ hành thiện “để mà” đạt một cái gì đó. Sự tốt lành trong tự thân nó đã là cái phần thưởng rồi.

Sự tốt lành không phải là lòng mộ đạo lòe loẹt và thể cách khoa trương. Nó là một chuỗi những điều chỉnh tính cách của ta một cách tế nhị qua suốt đời người. Chúng ta điều chỉnh những ý tưởng, lời nói, và việc làm của ta theo một hướng ngày càng lành mạnh. Đức hạnh vốn có sẵn, nội tại trong ý định và hành động của ta chứ không phải trong kết quả.

Tại sao chúng ta phải trở nên tốt lành? Tốt lành là hạnh phúc, thanh thản, không âu lo. Khi chủ động bắt tay vào việc dần dần tự thanh lọc mình, bạn sẽ không tự che đậy mình hay tự bào chữa. Thay vì cảm thấy xấu hổ, thấp kém, bạn tiến về phía trước, bằng cách sử dụng những khả tính sáng tạo của khoảnh khắc này, tình huống hiện nay của mình. Bạn bắt đầu an trú trọn vẹn khoảnh khắc này, thay vì tìm cách trốn chạy hay mong ước rằng cái đang diễn tiến sẽ trở nên khác đi. Bạn di chuyển xuyên qua đời mình bằng cách ở trong nó một cách triệt để.

Cuộc sống đức hạnh ôm giữ những cái sau đây như là những kho báu: hành động đúng, sự trung thành, danh dự, và sự đứng đắn của bạn.

Đức hạnh không có nhiều cấp độ, mà là một cái tuyệt đối.

HÃY THEO ĐUỔI CÁI TỐT LÀNH MỘT CÁCH NỒNG NHIỆT

Hãy theo đuổi cái tốt lành một cách nồng nhiệt. Nhưng nếu những nỗ lực của bạn không đưa bạn tới đích, thì hãy chấp nhận những kết quả, và tiến lên.

CÁI GÌ QUAN TRỌNG, VÀ CÁI GÌ KHÔNG

Đây là cảnh ngộ của chúng ta: Một cách lặp đi lặp lại, chúng ta không biết cái gì quan trọng, và cái gì không.

Chúng ta thèm muốn những cái mà chúng ta không kiểm soát được, và không thỏa mãn với những cái ở bên trong tầm kiểm soát của mình.

Chúng ta cần phải đều đặn dừng lại và trù tính; hãy ngồi xuống xác định xem cái gì là quan trọng, đáng làm, và cái gì không; những mạo hiểm nào bõ công, và những mạo hiểm nào không.

Ngay cả những khía cạnh dễ gây bối rối và tổn thương nhất cũng có thể biến thành chịu đựng được, bằng việc nhìn rõ sự thể và bằng sự chọn lựa.

LÝ TÍNH LÀ TỐI CAO

Lý tính không phải là tất cả. Có những lĩnh vực của cuộc sống mà nó không vươn tới được. Những huyền nhiệm của hiện hữu nằm ngoài tầm với của nó. Mặc dù vậy, lý tính là quan năng tốt nhất mà ta có, để bảo vệ, gìn giữ sự toàn vẹn của ta.

Đa phần người ta không biết cách suy luận; cũng không biết dùng những hình thức logic một cách thích hợp; do vậy, họ hành xử một cách tùy tiện, vô nguyên tắc, phản ứng quá đà hay lộn xộn, và dễ dàng bị dẫn đi sai đường.

Tư duy minh bạch không phải là một nghệ thuật thiếu sức sống, công việc của lý tính là trắc nghiệm một cách phê phán những suy đoán của ta, cả những thuyết minh lẫn những phương pháp dùng để đi tới chúng. Lý tính không phải là một cứu cánh, mà là một công cụ cần thiết.

Những câu hỏi là những động cơ của lý tính. Như thế, bạn cần phải học cách đặt những câu hỏi một cách hợp lý tính, hơn là có tính cảm xúc. Nếu khả năng tư duy của bạn bị tổn hại, thì cuộc sống đạo đức trở nên mờ mịt và mập mờ, nước đôi.

Lý tính có thể phân biệt sự sai lầm với chân lý, và một chân lý sâu xa với một chân lý nhỏ nhặt. Những dấu hiệu của lý luận tốt là sự sáng sủa, sự nhất quán, sự nghiêm ngặt, sự chính xác của những định nghĩa, và việc tránh sự hàm hồ, tối nghĩa.

Hãy mau mau rèn luyện cách tư duy rõ ràng, để bạn có thể tự tin bước vào một cuộc tranh luận phức tạp, và không bị ném ra khỏi nó.

HÃY HỌC CÁCH TỰ CHỮA TRỊ MÌNH

Nếu bạn theo đuổi sự minh triết một cách liên miên, thì bạn trì hoãn việc sở hữu nó. Hãy từ bỏ việc đuổi theo những liều thuốc bổ và những vị thầy mới. Vị hiền nhân, cuốn sách, chế độ ăn kiêng, hay niềm tin mới nhất… không đưa bạn về hướng của một cuộc sống phát đạt. Chính bạn làm cái đó. Hãy từ bỏ những cái ngoại tại, một lần cho tất cả.

Hãy thực hành sự độc lập. Đừng cứ mãi là một bệnh nhân lệ thuộc, dễ nhào nặn: Hãy trở thành vị y sĩ của chính linh hồn mình.

BẤT LUẬN THỜI TIẾT TỐT HAY XẤU, HÃY TIẾP TỤC ĐI TỚI CÙNG

Bất kể cái gì đang diễn ra xung quanh bạn, hãy tận dụng cái nằm trong quyền lực của mình, và chấp nhận phần còn lại như nó xảy ra.

HÃY BIẾT ƠN!

Hãy thực tập có một thái độ biết ơn, và bạn sẽ hạnh phúc. Nếu bạn có một quan điểm rộng rãi về những cái xảy ra cho mỗi người và nhận rõ sự hữu ích của những sự thể xảy ra, thì thật là tự nhiên để mà nói lời cám ơn với Cái tối hậu về mọi sự xảy ra trên thế gian này.

ĐỪNG TÙY TIỆN THẢO LUẬN NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

Hãy cẩn thận, đừng tùy tiện thảo luận những vấn đề tối quan trọng với những người không quan trọng với bạn.

Những vụ việc của bạn sẽ trở nên mất hết sự quý giá. Bạn xói mòn những mục đích của mình khi làm thế. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi bạn ở những giai đoạn đầu của một công trình.

Những người khác, giống như những con kền kền, biến những ý tưởng của chúng ta thành bữa tiệc của họ. Họ sung sướng, thoải mái thuyết minh, phán đoán, và bóp méo cái quan trọng nhất đối với ta. Hãy để cho những ý tưởng và kế hoạch được “ấp trứng” trước khi bạn “điều hành” chúng ra đằng trước những “kẻ nói không” và những kẻ chuyên biến mọi sự nghiêm túc thành ra điều vặt vãnh.

Đa phần người ta chỉ biết đáp ứng lại một ý tưởng bằng cách vồ lên những khuyết điểm, hơn là nhận diện những ưu điểm tiềm năng của nó. Hãy rèn luyện tính độc lập để mà nhiệt huyết của bạn sẽ không bị phung phí.

CÁI LÀM CHÚNG TA HẠNH PHÚC

Mọi con người đều tìm kiếm cuộc sống hạnh phúc, nhưng nhiều người lẫn lộn những phương tiện – thí dụ, của cải và địa vị – với cuộc sống đó. Sự tập trung sai lầm trên những phương tiện cho một cuộc sống tốt, khiến người ta càng xa cuộc sống hạnh phúc. Những điều thực sự xứng đáng chính là những hoạt động nhân đức vốn cấu thành cuộc sống hạnh phúc, chứ không phải là những phương tiện bên ngoài mà có vẻ như tạo ra nó.

SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN

Mọi thói quen, năng lực đều được duy trì và tăng cường bởi những hành động tương ứng của nó. Thói quen đi bộ, khiến ta trở thành người đi bộ tốt hơn. Thói quen chạy, khiến ta chạy tốt hơn. Đối với linh hồn, cũng y như vậy. Bất cứ khi nào bạn giận, bạn tăng cường cơn giận của mình. Bạn đã tăng cường một thói quen và đổ thêm dầu vào lửa.

Nếu bạn không muốn có một tính khí dễ nóng giận thì đừng nuôi thói quen đó. Đừng tạo điều kiện cho nó gia tăng. Ban đầu, hãy âm thầm ước lượng số ngày mà trong đó bạn không giận. “Tôi thường giận mọi ngày. Bây giờ, cách một ngày, rồi cách ba bốn ngày”. Theo thời gian, trước tiên thói quen yếu dần, và sau cùng được thay thế bởi một đáp ứng khôn ngoan hơn.

HÃY CHĂM SÓC KHOẢNH KHẮC NÀY

Hãy chăm sóc khoảnh khắc này.

Hãy chú tâm đến những sự thể đặc thù của nó. Hãy đáp ứng lại người này, thách thức này, việc làm này.

Hãy từ bỏ những trốn tránh. Hãy ngừng tạo cho bạn sự rắc rối không cần thiết.

Đã đến lúc thực sự sống, trọn vẹn an trú trong cái tình huống mà bây giờ bạn đang ở. Bạn không phải là một kẻ bàng quan, ngoại cuộc. Hãy tham dự. Hãy nỗ lực.

Hãy tôn trọng sự hợp tác của bạn với Thiên ý. Hãy thường xuyên tự hỏi: Tôi phải thực hiện việc làm đặc thù này ra sao để tôi sẽ nhất quán với, và có thể được chấp nhận bởi Thiên ý? Hãy lắng nghe câu trả lời và bắt tay vào việc.

Khi những cửa lớn đã đóng và căn phòng bạn trở nên tối tăm, bạn không cô độc. Ý chí của tự nhiên vẫn ở bên trong bạn, như năng khiếu tự nhiên của bạn vẫn ở bên trong.

Hãy lắng nghe những thỉnh cầu khẩn cấp của nó. Hãy làm theo những chỉ đạo của nó.

Cái chất liệu của nghệ thuật sống là chính cuộc đời bạn. Không có cái gì vĩ đại mà được tạo ra một cách đột ngột. Phải có thời gian.

Hãy trao tặng cái tốt nhất của bạn và hãy luôn nhân ái.

❁ ❁ ❁ 

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x