Trang chủ » Prāna

Prāna

by Trung Kiên Lê
124 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Prānāyāma không chỉ liên quan đến hơi thở, như nhiều người nghĩ. Hơi thở thực ra có liên quan rất ít với nó. Hít thở chỉ là một trong nhiều bài luyện tập, mà nhờ đó ta có thể đạt đến khả năng prānāyāma chân thực.

Prānāyāma có nghĩa là kiểm soát prāna, hay nguyên sinh khí. Theo nhiều triết gia Ấn Độ, toàn thể vũ trụ được cấu tạo bằng hai loại chất liệu, một loại là ākāśa, còn loại kia là prāna.

Ākāśa là sự tồn tại toàn nhiên phổ hiện, bao trùm vạn hữu. Mọi sự vật mang hình tướng, mọi sự vật hình thành do hòa hợp đều tiến hóa từ ākāśa này.

Chính ākāśa chuyển biến thành thể khí, thể lỏng, rồi thành thể rắn; chính ākāśa đã chuyển biến thành mặt trời, trái đất, mặt trăng, thành tinh tú, sao chổi; chính ākāśa chuyển biến thành thể xác con người, thể xác loài vật, cây cỏ, thành tất cả những gì ta có thể tri giác được, tất cả những gì tồn tại.

Ta không thể nhận thức được ākāśa, nó tế vi đến mức bất khả tư nghì, vượt ra ngoài mọi sự nhận thức, ta chỉ có thể nhìn thấy được ākāśa khi nó biến thành dạng thô, và mang một hình tướng.

Ngay từ buổi khởi thủy sáng tạo, chỉ có ākāśa, đến cuối chu kỳ thì mọi vật thể rắn, lỏng và khí đều tan chảy vào ākāśa trở lại, và một chu kỳ sáng tạo tương tự khác lại xuất phát từ ākāśa này. Do năng lực nào mà ākāśa hiển lộ thành vũ trụ? Đó là nhờ năng lực của prāna.

Giống như ākāśa là chất liệu vô biên và toàn nhiên phổ hiện của vũ trụ thì prāna cũng thế, nó là năng lực hiển thị vô biên và toàn nhiên phổ hiện của vũ trụ. Tại khởi thủy và chung cục của một chu kỳ thì vạn vật đều biến thành ākāśa, và tất cả những lực trong vũ trụ này đều hồi chuyển vào prāna.

Trong chu kỳ tiếp theo từ prāna lại tiến hóa ra tất cả những thứ ta gọi là năng lượng, tất cả những thứ ta gọi là lực. Prāna tự thân hiển lộ như là sự vận động, prāna tự thân hiển lộ như là lực hấp dẫn vạn vật, như là từ lực.

Prāna tự thân hiển lộ như là hoạt động của thể xác, như là những dòng thần kinh, như là sức mạnh của tư tưởng. Từ tư tưởng cho đến những lực vật lý thấp kém nhất, tất cả đều là sự biểu hiện của prāna. Tổng số các lực trong vũ trụ, tinh thần hay vật chất, khi hồi chuyển về trạng thái nguyên thủy, được gọi là prāna.

“Khi không có một gì cả, cũng không có hư không, khi bóng tối bao trùm bóng tối thì cái gì tồn tại? Đó là ākāśa tồn tại trong trạng thái bất động”.

Chuyển động vật lý của prāna dừng lại, nhưng nó vẫn luôn tồn tại y nhiên bất biến. Đến cuối chu kỳ, tất cả năng lượng đang phô bày trong vũ trụ sẽ lắng dịu lại và biến thành dạng thế năng.

Đến đầu chu kỳ kế tiếp thì chúng lại khởi động, tác động mạnh vào ākāśa, rồi từ ākāśa xuất phát ra muôn ngàn hình tướng đa thù, và khi ākāśa chuyển biến thì prāna cũng chuyển biến thành những tất cả những dạng biểu hiện năng lượng này.

Tri thức và năng lực kiểm soát prāna được gọi là prānāyāma. Điều này mở ra cho chúng ta cánh cửa dẫn đến nguồn năng lực hầu như vô tận.

Giả sử có người thấu hiểu hoàn toàn prāna, và có khả năng chế ngự được nó thì có năng lực nào trên trái đất lại không phải là của ông ta? Người đó có thể dịch chuyển mặt trời và những vì sao ra khỏi vị trí của chúng, có thể chế ngự được mọi thứ trong vũ trụ, từ những nguyên tử cho đến những vầng thái dương vĩ đại nhất.

Đó là cứu cánh và mục tiêu của prānāyāma. Khi một hành giả yogi trở nên toàn hảo thì không có gì trong tự nhiên lại không nằm dưới sự chế ngự của ông ta. Nếu người đó ra lệnh gọi chư thần đến thì chư thần sẽ đến theo mệnh lệnh, nếu bảo đi thì chư thần cũng sẽ đi theo mệnh lệnh.

Tất cả những lực trong tự nhiên sẽ phục tùng người đó như những nô lệ. Khi những người ngu dốt thấy những năng lực này nơi một hành giả yogi thì họ gọi đó là phép lạ. Một đặc điểm trong tâm trí của người Ấn là trước tiên họ luôn đòi hỏi khả năng khái quát hóa cao nhất, còn những chi tiết thì phác họa sau.

Câu hỏi sau đây được nêu lên trong kinh Veda: “Cái mà khi biết được nó thì chúng ta sẽ biết được mọi thứ, cái đó là gì?” Như thế, mọi kinh sách và mọi triết lý được viết ra cũng chỉ nhằm mục đích là chứng minh cái duy nhất đó, cái mà hễ biết được nó thì ta biết được muôn vật.

Nếu một người muốn hiểu biết vũ trụ này cặn kẽ từng chút một thì anh ta phải biết được từng hạt cát, và điều đó đòi hỏi một thời gian vô tận, anh ta không thể nào biết hết mọi sự được.

Vậy thì làm thế nào để có một tri thức nào đó? Làm thế nào một người có thể đạt đến toàn trí, thông qua từng cái đặc thù? Các hành giả yogi nói rằng đằng sau những biểu hiện đặc thù đó có một cái phổ quát. Đằng sau tất cả những quan niệm riêng biệt, đặc thù là một nguyên lý phổ quát, trừu tượng.

Thấu hiểu được nguyên lý đó là các bạn thấu hiểu được vạn hữu.

Giống như toàn thể vũ trụ này, theo kinh Veda, đã được khái quát hóa thành một Tồn Tại Tuyệt Đối Duy Nhất, và người nào thấu hiểu được Tồn Tại đó là thấu hiểu được toàn bộ vũ trụ, cũng thế, tất cả các lực đã được khái quát hóa thành prāna, và người nào thấu hiểu được prāna là thấu hiểu tất cả các lực của vũ trụ, trong phạm vi tinh thần lẫn vật chất.

Người nào điều khiển được prāna thì điều khiển được thể xác mình và mọi thể xác đang tồn tại, bởi vì prāna là nguồn gốc của tất cả các lực.

Ý tưởng duy nhất của prānāyāma là làm thế nào điều khiển được prāna. Tất cả công phu rèn luyện và những bài tập thực hành về phương diện này đều nhắm đến mục đích duy nhất đó. Mỗi người phải bắt đầu từ nơi mình đứng, phải học cách điều khiển được những sự vật gần mình nhất.

Thể xác là cái cận kề nhất với chúng ta, cận kề hơn bất cứ thứ gì trong cái vũ trụ ngoại giới này, và tâm trí còn cận kề hơn cả thể xác nữa. Nhưng prāna đang hoạt động trong tâm trí, và thể xác ta mới là cái cận kề nhất. Nó là một phần của prāna đang vận hành trong trong vũ trụ.

Trong đại dương prāna bao la vô tận, làn sóng prāna tế vi đại diện cho những năng lượng của chúng ta – về tinh thần lẫn vật chất – là làn sóng cận kề nhất với chúng ta. Nếu chúng ta thành công trong việc điều khiển được làn sóng tế vi này thì chỉ khi đó chúng ta mới có thể hy vọng điều khiển được toàn thể prāna.

Hành giả yogi nào đã thực hành pháp môn này sẽ đạt đến trạng thái viên mãn, sẽ không một quyền năng nào có thể chi phối người đó được nữa. Hành giả đó sẽ trở nên hầu như toàn năng, hầu như toàn trí. Ở mọi quốc gia, chúng ta đều thấy có những người cố gắng điều khiển được prāna.

Tại xứ sở này thì có những người chữa bệnh bằng liệu pháp tâm thần, những người chữa bệnh bằng đức tin, những người theo thuyết duy linh, những người theo Khoa học Cơ Đốc giáo, những người theo thuật thôi miên, v.v…, và nếu phân tích những nhóm người khác nhau này, chúng ta sẽ thấy rằng nền tảng của mỗi trường phái này đều là điều khiển prāna, dù họ có biết được điều đó hay không.

Nếu đúc kết mọi lý thuyết của họ lại thì phần lắng đọng lại sẽ là điều đó. Họ đều vận dụng một lực duy nhất và tương tự như nhau, có điều họ không biết mà thôi.

Họ đã tình cờ khám phá ra lực đó, và vận dụng nó một cách vô thức mà không biết được bản chất của nó, nhưng đó chính là năng lực mà các hành giả yogi đã vận dụng, và nó xuất phát từ prāna. Prāna là nguồn sinh lực trong mọi vật, và hoạt động tinh tế nhất, cao siêu nhất của prāna là tư tưởng.

Nhưng như ta đã thấy, tư tưởng có ý thức không phải là tất cả. Còn có một loại tư tưởng mà ta gọi là bản năng, hay vô thức, bình diện thấp kém nhất của tư tưởng. Nếu bị một con muỗi đốt thì bàn tay chúng ta theo bản năng sẽ tự động đập chết nó, mà không hề suy nghĩ.

Đây là một dạng biểu hiện của tư tưởng. Mọi hành động mang tính phản xạ của cơ thể đều thuộc về bình diện tư tưởng này. Như vậy, tư tưởng vẫn còn có một bình diện cao hơn, đó là ý thức: tôi suy luận, tôi phán đoán, tôi suy tư, tôi thấy được sự đồng thuận và phản bác về những sự vật nào đó.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa phải là tất cả. Chúng ta biết rằng lý tính bị hạn chế. Nó chỉ có thể hoạt động trong một cự ly nào đó, ngoài cự ly đó thì nó không sao vươn tới nổi. Phạm vi hoạt động của lý tính thực ra rất là hạn chế.

Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta lại thấy có những sự kiện chen nhau vào trong phạm vi đó, giống như sao chổi lao vào quỹ đạo trái đất. Rõ ràng là chúng đến từ bên ngoài, dù lý tính chúng ta không thể vươn tơi nơi đó. Nhân của những hiện tượng xâm nhập vào trong phạm vi nhỏ hẹp này nằm ở bên ngoài.

Các hành giả yogi bảo rằng ngay cả điều này cũng không thể là giới hạn của tri thức, tâm trí còn có thể hoạt động trên một bình diện cao hơn nữa, đó là siêu thức.

Khi tâm trí đã đạt đến trạng thái đó – được gọi là samādhi hay định, tức trạng thái tập trung toàn mãn – thì nó vượt ra ngoài những giới hạn của lý tính, và đối diện với những sự kiện mà bản năng và lý tính chưa hề biết đến.

Mọi sự vận dụng những lực tế vi đó của thể xác – một biểu hiện khác của prāna – đều thúc đẩy cho tâm trí, giúp nó vươn lên cao hơn và biến thành siêu thức, rồi nó hoạt động từ cảnh giới đó. Trong vũ trụ này, có một bản thể liên tục duy nhất trên mọi mức độ tồn tại.

Về phương diện vật lý thì vũ trụ này là duy nhất, không có sự khác biệt giữa mặt trời và các bạn. Các nhà vật lý học sẽ bảo các bạn rằng nói ngược lại chỉ là điều vô nghĩa. Không có sự khác biệt thực sự giữa cái bàn và tôi, cái bàn là một điểm trong khối vật chất, và tôi là một điểm khác.

Có thể nói rằng mỗi hình thể tượng trưng cho một xoáy nước giữa đại dương vật chất vô tận. Những xoáy nước đó liên tục biến đổi.

Giống như trong một con suối cuồn cuộn chảy có đến hàng triệu xoáy nước, và nước trong mỗi xoáy nước đó luôn tươi mới trong từng thoáng chốc, liên tục cuộn xoáy nối tiếp nhau trong từng giây, rồi trôi đi, để khối nước khác thay thế; thì cũng thế, toàn thể vũ trụ này là một khối vật chất thường xuyên biến dịch, mà trong đó tất cả những hình thức tồn tại đều là vô số những xoáy nước nhỏ bé.

Một khối vật chất đi vào những cơn xoáy nước, cuộn xoáy liên tục, và biến thành hình thể con người trong một vài năm, rồi biến đổi, và có thể bị cuốn vào cơn xoáy nước để biến thành hình thể con vật trong một thời gian, rồi một vài năm sau, nó lại lao vào một cơn xoáy nước khác để biến thành một khối khoáng sản.

Đó là sự chuyển biến thường xuyên. Không một thể xác nào là thường hằng bất biến. Không có cái gì là thể xác anh, thể xác tôi, trừ phi trên danh từ.

Trong khối vật chất khổng lồ duy nhất đó, điểm này được gọi là mặt trời, điểm kia được gọi là mặt trăng, điểm khác được gọi là con người, điểm khác nữa được gọi là cây cỏ, khoáng chất. Không một thứ gì bất biến, mà muôn vật đều biến đổi vô thường, vật chất cứ mãi mãi hợp tan, tan hợp.

Đối với thế giới nội tâm cũng vậy. Vật chất được biểu trưng bằng khí ê-te [1]; khi hoạt động của prāna là hoạt động tế vi nhất thì khí ê-te này, trong trạng thái dao động còn tế vi hơn, sẽ biểu trưng cho tâm trí, và khi đó, ê-te vẫn là một khối vật chất nguyên vẹn.

Nếu các bạn có thể tạo ra dao động tế vi này cho chính mình, các bạn sẽ nhìn thấy và cảm nhận được rằng toàn thể vũ trụ đều được cấu tạo bằng những dao động tế vi đó. Một vài loại thuốc thần kinh có khả năng đưa chúng ta đến trạng thái siêu thức để ta có thể cảm nhận được những dao động đó.

Nhiều người trong các bạn còn nhớ đến thí nghiệm lừng danh của Sir Humphry Davy, khi ông bị khống chế bởi khí gây cười, và trong suốt buổi diễn thuyết, ông trơ trơ bất động như người đần độn, rồi sau đó ông tuyên bố rằng toàn thể vũ trụ này được cấu tạo bằng những ý tưởng[2].

Trong thời gian đó, những dao động thô đã ngừng lại, có thể nói như vậy, và chỉ còn lại những dao động tế vi – mà Humphry Davy gọi là tâm trí – hiện ra trước mắt.

Ông ta chỉ có thấy được những dao động tế vi quanh mình, mọi thứ đều biến thành tư tưởng, toàn thể vũ trụ là một đại dương tư tưởng, và ông ta cùng mọi người khác đều biến thành những con xoáy nước tư tưởng nhỏ bé.

Như vậy, ngay cả trong vũ trụ của tư tưởng, chúng ta vẫn tìm thấy được sự đơn nhất, và cuối cùng, khi đến với Chân Ngã, chúng ta biết rằng Chân Ngã đó chỉ có thể là nhất thể. Vượt qua những dao động của vật chất dưới dạng thô hay tế vi, vượt qua những chuyển động, cũng chỉ có nhất thể.

Ngay cả trong những dạng chuyển động đang hiển lộ, cũng chỉ có cái đơn nhất. Những sự kiện này không thể phủ nhận được. Vật lý hiện đại cũng đã chứng minh được rằng tổng số năng lượng là như nhau ở khắp mọi nơi[3].

Người ta cũng đã chứng minh được rằng tổng số năng lượng đó tồn tại dưới hai dạng. Nó biến thành thế năng, ở dạng tiềm ẩn và tĩnh lặng, sau đó nó hiển lộ thành tất cả những dạng năng lượng khác, rồi nó lại quay về ở dạng thế năng, và lại hiển lộ.

Như thế, nó cứ tiến hóa và hồi chuyển đến thiên thu vô tận. Chế ngự được prāna này, như tôi đã trình bày ở phần trước, được gọi là prānāyāma.

Như tôi đã phát biểu, prānāyāma này rất ít liên quan đến việc hít thở. Nhưng điều khiển được hơi thở là phương tiện thực sự để luyện tập prānāyāma. Biểu hiện rõ ràng nhất của prāna trong cơ thể con người là sự chuyển động của hai lá phổi.

Nếu chuyển động này ngừng lại thì, theo quy luật, tất cả những biểu hiện khác của lực trong cơ thể sẽ lập tức ngừng lại. Nhưng cũng có những người luyện tập đến mức thể xác họ vẫn tiếp tục sống, khi chuyển động này đã ngừng lại.

Có những người tự chôn mình dưới đất nhiều ngày mà vẫn sống, dù họ không hít thở. Nhưng đối với tất cả những con người bình thường thì chuyển động của hai lá phổi là chuyển động thô chủ yếu trong cơ thể.

Để đạt đến cái tế vi hơn, ta phải nhờ đến sự giúp đỡ của cái thô hơn, và cứ chầm chậm tiến dần về cái tế vi nhất, cho đến khi đạt đến cứu cánh. Thực ra, prānāyāma có nghĩa là điều khiển chuyển động của phổi và chuyển động này gắn liền với việc hít thở.

Không một hơi thở nào có thể tạo ra được nó, mà trái lại, chính nó tạo ra hơi thở. Chuyển động này hút đẩy không khí như một cái bơm.

Prāna làm chuyển động lá phổi, và sự chuyển động của lá phổi hút không khí vào trong. Bởi vậy, prānāyāma không phải là hít thở, mà là điều khiển năng lực của cơ bắp làm chuyển động hai lá phổi.

Năng lực dạng cơ bắp đó được truyền qua các dây thần kinh để vào các cơ bắp, rồi từ các cơ bắp được truyền vào phổi, khiến hai lá phổi chuyển động theo cách nào đó, năng lực đó chính là prāna mà chúng ta phải điều khiển khi thực hành prānāyāma.

Khi đã điều khiển được prāna thì chúng ta sẽ thấy ngay rằng tất cả những hoạt động khác của prāna trong cơ thể sẽ từ từ nằm trong vòng kiểm soát.

Bản thân tôi đã thấy những người điều khiển được mọi bắp thịt trên cơ thể – và tại sao lại không chứ? Nếu tôi đã điều khiển được một số cơ bắp nào đó thì tại sao tôi lại không thể điều khiển được mọi cơ bắp và thần kinh của cơ thể? Có gì là không thể đâu?

Hiện nay, chúng ta đã đánh mất khả năng điều khiển đó, và những chuyển động đều mang tính tự động. Chúng ta không thể cử động đôi tai theo ý muốn, nhưng chúng ta biết loài vật có thể làm được. Chúng ta không có khả năng đó chỉ vì chúng ta không luyện tập nó.

Hơn nữa, chúng ta biết rằng chuyển động nào đã trở thành ẩn giấu vẫn có thể được làm cho hiển lộ. Bằng công phu luyện tập và rèn luyện kiên trì, một số chuyển động trên cơ thể, vốn đã ngủ yên không hoạt động, vẫn có thể được đưa trở lại vào vòng kiểm soát hoàn toàn.

Lý luận theo cách này, chúng ta sẽ thấy rằng việc điều khiển được toàn bộ cơ thể không có gì là bất khả, mà trái lại còn mang tính khả khi. Hành giả yogi thực hành được điều này thông qua prānāyāma. Có thể một số các bạn đã đọc điều này: trong prānāyāma, khi hít vào, các bạn đang làm đầy cơ thể bằng prāna.

Trong tiếng Anh, prāna được dịch là “hơi thở”, và các bạn thường hay hỏi điều đó được thực hiện như thế nào. Lỗi này là do người dịch. Mỗi bộ phận cơ thể đều có thể chứa đầy prāna, hay sinh khí, và khi làm được điều đó thì các bạn có thể điều khiển được toàn bộ có thể.

Mọi ốm đau bệnh tật xảy đến với cơ thể đều bị chế ngự hoàn toàn. Không những thế, các bạn còn có thể điều khiển được cả cơ thể người khác nữa.

Trong thế gian này, mọi thứ đều có tính lây nhiễm – dù thiện hay ác. Nếu cơ thể các bạn đang ở trong trạng thái căng thẳng thì nó có xu hướng tạo nên sự căng thẳng tương tự nơi người khác.

Nếu các bạn cường tráng và khỏe mạnh thì những người ở gần bạn cũng sẽ có xu hướng trở nên cường tráng và khỏe mạnh theo, còn nếu các bạn ốm đau bệnh tật thì những người chung quanh bạn cũng sẽ có xu hướng giống như bạn vậy.

Dao động này sẽ được chuyển, có thể nói như vậy, sang cơ thể khác. Trong trường hợp một người muốn chữa lành bệnh cho người khác thì ý tưởng đầu tiên chỉ là truyền sức khỏe của chính mình cho người đó. Đây là cách chữa bệnh thời nguyên thủy.

Sức khỏe có thể được truyền đi một cách có ý thức hoặc vô thức. Một người thật khỏe mạnh sống chung với một người ốm yếu sẽ làm cho người ốm yếu đó cường tráng hơn lên, dù anh ta có biết được điều đó hay không. Khi được thực hiện một cách có ý thức thì hành động đó trở nên nhanh hơn và tốt hơn.

Kế đó là trường hợp của người có thể không khỏe mạnh lắm, nhưng chúng ta biết rằng anh ta lại có thể chữa lành bệnh cho người khác.

Trong trường hợp người đầu tiên thì anh ta ít nhiều cũng đã điều khiển được prāna, và đúng vào lúc đó, anh ta có thể khơi dậy được prāna của mình đến một trạng thái dao động nào đó để truyền sang cho người khác. Còn có những trường hợp mà quá trình này được thực hiện từ một nơi xa.

Nhưng trên thực tế thì không có khoảng cách nào chấp nhận được các khoảng không gian trống. Đâu là khoảng cách có những khoảng không gian trống? Có khoảng không gian trống nào giữa các bạn và mặt trời chăng? Chỉ có một khối vật chất liên tục, mặt trời là một phần, còn các bạn là một phần khác.

Có khoảng không gian trống nào giữa một phần của dòng sông và phần khác chăng? Nếu không, cớ sao lực lại không thể di chuyển được chứ? Không có lý do nào mà những điều này lại không thể thực hiện được. Chữa bệnh cách không là điều hoàn toàn có thật.

Prāna có thể được truyền đi từ một khoảng cách rất xa, nhưng cứ một trường hợp có thật thì có cả trăm trò lừa đảo. Quá trình chữa bệnh cách không này không dễ dàng như ta tưởng.

Trong hầu hết các trường hợp thông thường chữa bệnh theo cách này, các bạn sẽ thấy rằng người chữa bệnh chỉ lợi dụng tình trạng sức khỏe tự nhiên của cơ thể con người.

Một y sĩ chữa bệnh bằng đối chứng liệu pháp [ allopath] đến chữa cho bệnh nhân dịch tả và cho thuốc, một y sĩ chữa bệnh bằng phép vi lượng đồng căn [ homoeopath] cũng đến và cho thuốc, và hiệu quả có thể tốt hơn vị y sĩ kia vì ông ta không làm xáo trộn cơ thể những bệnh nhân của mình, mà cứ để thiên nhiên tự chữa bệnh cho họ.

Người chữa bệnh bằng đức tin còn chữa bệnh hiệu quả hơn nữa, bởi vì ông ta mang sức mạnh đang chứa trong tâm trí mình để truyền lên bệnh nhân, và dùng đức tin để khơi dậy prāna đang say ngủ trong cơ thể họ.

Nhưng những người chữa bệnh bằng đức tin thường mắc phải sai lầm, họ cứ ngỡ rằng chính đức tin đã trực tiếp chữa lành cho người bệnh. Nhưng chỉ đức tin không thôi thì không thể chữa lành tất cả các bệnh tật. Có những căn bệnh mà triệu chứng tồi tệ nhất là người bệnh không bao giờ nghĩ rằng mình mắc bệnh.

Niềm tin mãnh liệt đó của bệnh nhân tự nó đã là triệu chứng bệnh, và thường cho thấy họ sắp chết rất lẹ. Trong những trường hợp đó thì nguyên lý chữa bệnh bằng đức tin không áp dụng được. Nếu chỉ dùng đức tin mà chữa bệnh được thì những bệnh nhân đó hẳn đã được chữa lành rồi.

Chính prāna mới thực sự chữa lành bệnh. Những người mang tâm hồn thuần tịnh, do điều khiển được prāna, có khả năng đưa prāna đến một trạng thái dao động có thể được truyền cho người khác, để khơi dậy trong họ dao động tương tự.

Các bạn có thể thấy được điều đó trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi đang nói chuyện với các bạn. Tôi đang cố làm điều gì đây? Trong thực tế, tôi đang đưa tâm trí tôi đến một trạng thái dao động nào đó, và tôi càng thành công khi đưa nó đến trạng thái đó thì lời tôi nói càng có ảnh hưởng đến các bạn.

Tất cả các bạn đều biết rằng hễ hôm nay tôi càng say sưa nhiệt tình thì các bạn càng thấy thích thú với bài diễn thuyết, mà hễ tôi càng ít say sưa nhiệt tình thì các bạn cũng thấy mất cảm hứng.

Những bậc làm lay chuyển thế giới, do được phú bẩm một ý lực [ will-power] phi thường, có thể đưa prāna của họ đến một trạng thái dao động rất cao, prāna đó vĩ đại và mãnh liệt đến mức ngay lập tức nó tác động được người khác, khiến cả hàng ngàn người bị lôi cuốn về phía họ, và một nửa thế giới suy nghĩ theo họ.

Những vị đại tiên tri của thế giới có được năng lực điều khiển prāna kỳ diệu, điều đó đem đến cho họ một ý lực phi thường, họ đã đưa prāna của mình đến trạng thái dao động tối cao, và đó là cái đem lại cho họ quyền năng làm lay động cả thế giới.

Tất cả biểu hiện của quyền năng này đều xuất phát từ việc điều khiển prāna đó. Con người có thể không biết điều này, nhưng đây là lời giải thích.

Đôi khi trong cơ thể các bạn, việc cung cấp prāna cho một bộ phận trở nên ít hơn hoặc nhiều hơn, khiến sự cân bằng bị xáo trộn, và khi sự cân bằng của prāna bị xáo trộn thì diễn ra cái mà ta gọi là bệnh tật. Lấy bớt đi phần prāna thừa, hoặc bổ sung phần phần prāna thiếu, điều đó sẽ chữa lành bệnh.

Cảm nhận được bộ phận nào của cơ thể thiếu hay thừa prāna, đó cũng là một phần của prānāyāma. Nhận thức này sẽ trở nên tinh tế đến mức tâm trí sẽ cảm nhận được có ít prāna ở ngón chân hay ngón tay hơn mức cần thiết, và sẽ vận dụng năng lực để bù dắp vào.

Đây là những chức năng khác nhau của prānāyāma. Ta cần phải học biết những chức năng đó một cách từ tốn và dần dần, và như các bạn đã thấy, toàn bộ nội dung của Rāja-yoga thực ra là dạy cách chế ngự và điều khiển prāna theo nhiều cách khác nhau.

Khi một người đã tập trung được năng lượng thì người đó làm chủ được prāna trong cơ thể mình. Khi một người đang tham thiền thì người đó cũng đang điều khiển prāna của mình.

Trong một đại dương, có những con sóng to như quả núi, rồi có những con sóng nhỏ hơn, nhỏ dần như bọt nước, nhưng bối cảnh của tất cả những con sóng đó là đại dương vô tận. Bọt nước được kết nối với đại dương vô tận đó ở cực này, còn con sóng khổng lồ được kết nối với nó ở cực kia.

Mỗi người có thể là con sóng lớn, hoặc là bọt nước nhỏ bé, những ai cũng được kết nối với đại dương năng lượng vô tận, và đó là quyền thừa kế thông thường của tất cả những sinh thể trên thế gian này.

Nơi nào có sự sống thì đằng sau nó là kho năng lượng vô tận. Mới đầu như cái nấm, như bọt nước li ti, và cứ luôn tiếp nhận được năng lượng từ cái kho vô tận đó, hình thể từ từ biến đổi cho đến khi nó biến thành cái cây, con thú, rồi thành con người, và đến bước tối hậu là thành Thượng Đế.

Điều này được thành tựu trải qua hàng muôn triệu kiếp. Thế nhưng thời gian là gì? Sự gia tăng tốc độ, sự gia tăng tranh đấu có thể bắc được nhịp cầu qua khoảng cách thời gian.

Những gì trong tự nhiên đòi hỏi nhiều thời gian để thành tựu đều có thể được rút ngắn nhờ cường độ của hành động, đó là lời của hành giả yogi.

Một người có thể cứ từ từ rút năng lượng từ khối năng lượng vô tận trong vũ trụ, có thể anh ta cần đến một trăm ngàn năm để trở thành một deva, hay vị thần, và có thể cần đến năm trăm ngàn năm để trở thành một đấng cao hơn, và có thể phải cần đến năm triệu năm để trở thành một đấng hoàn hảo.

Cho phát triển nhanh thì thời gian sẽ bị giảm đi. Với sự tinh tấn đầy đủ, sao lại không thể đạt đến trạng thái hoàn hảo trong vòng sáu năm hay sáu tháng? Không hề có giới hạn nào. Lý tính chứng minh được điều đó.

Nếu một đầu máy chạy được hai dặm mỗi giờ với một số lượng than nào đó thì khi cung cấp nhiều than hơn, nó có thể chạy được một cự ly dài hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Tương tự như vậy, nếu một linh hồn biết cách tăng cường hành động của nó thì cớ sao lại không thể đạt đến mục đích ngay trong kiếp này? Đến cuối cùng, tất cả mọi sinh linh đều đạt đến trạng thái hoàn hảo, chúng ta biết điều đó.

Nhưng ai lại bận tâm đến việc chờ đợi hàng triệu kiếp? Tại sao lại không đạt đến cứu cánh đó ngay lập tức, ngay trong trong thể xác này, trong hình dạng con người? Vì sao ngay giờ đây, tôi lại không đạt được tri thức vô biên và quyền năng vô tận?

Đó là lý tưởng của một hành giả yogi, toàn bộ khoa học về Yoga đều hướng đến mục đích là dạy cho con người phương pháp tăng cường năng lực đồng hóa để rút ngắn thời gian đạt đến trạng thái hoàn hảo, thay vì cứ từ từ bước từ điểm này sang điểm khác, và cứ chờ đợi cho đến khi toàn thể nhân loại đều trở nên hoàn hảo.

Tất cả những nhà tiên tri, những nhà hiền triết, những bậc thấu thị trên thế gian này – họ đã làm gì? Chỉ trong một đời người ngắn ngủi, họ đã sống trọn vẹn đời sống của nhân loại, và băng qua toàn bộ khoảng thời gian mà một người bình thường phải cần để đạt đến trạng thái hoàn hảo.

Suốt bình sinh, những vị đó chỉ lo kiện toàn bản thân, họ không có một tư tưởng nào khác, không sống một phút giây nào cho những tư tưởng khác, và bằng cách đó, họ đã rút ngắn được con đường hành đạo. Đó là ý nghĩa của định, hay tập trung tư tưởng: tăng cường năng lực đồng hóa, nhờ đó mà rút ngắn được thời gian.

Rāja-yoga là khoa học dạy ta phương pháp đạt được năng lực tập trung tư tưởng. Prānāyāma có liên quan gì với thuyết duy linh? Thuyết duy linh cũng là một sự biểu hiện của prānāyāma.

Nếu những hồn ma thực sự tồn tại, có điều ta không thể thấy được chúng, thì hoàn toàn có thể có hàng trăm, hàng triệu hồn ma quanh ta, mà ta không thể nhìn thấy, cảm nhận hay sờ chạm được.

Chúng ta có thể tiếp tục đi qua đi lại xuyên qua thể xác chúng, và cũng rất có thể là chúng không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được chúng ta. Đó là mặt phẳng trong một mặt phẳng, vũ trụ trong một vũ trụ. Chúng ta có năm giác quan, và chúng ta tượng trưng cho prāna trong một trạng thái dao động nào đó.

Tất cả những sinh thể ở trong một trạng thái dao động giống nhau sẽ thấy được nhau, nhưng nếu có những sinh thể tượng trưng cho prāna trong một trạng thái dao động cao hơn thì ta không nhìn thấy được họ.

Chúng ta có thể tăng cường độ ánh sáng cho đến khi ta không còn thấy được nó nữa, nhưng vẫn có những sinh thể có đôi mắt mạnh mẽ đến mức họ có thể thấy được ánh sáng đó.

Lại nữa, nếu các dao động quá thấp thì ta không nhìn thấy được ánh sáng, nhưng có những loài vật thấy được nó, chẳng hạn như mèo và chim cú mèo. Phạm vi nhìn thấy được của chúng ta chỉ nằm trên bình diện dao động của prāna.

Hãy lấy không khí làm ví dụ: nó chồng lớp này lên lớp khác, những lớp không khí ở gần mặt đất thì dày đặc hơn những lớp ở trên cao, và khi các bạn càng lên cao thì không khí càng loãng dần.

Hoặc lấy đại dương làm ví dụ: khi các bạn càng lặn sâu xuống nước thì áp lực nước càng lớn, và những loài vật sống dưới đáy đại dương không bao giờ có thể trồi lên trên, nếu không chúng sẽ bị vỡ vụn ra.

Hãy suy tư toàn thể vũ trụ này như một đại dương ê-te, dao động dưới hoạt động của prāna, và nó lần lượt chứa nhiều tầng mức dao động khác nhau. Tầng càng ở ngoài thì dao động càng chậm, tầng càng gần trung tâm thì dao động càng nhanh, và cứ mỗi dải dao động lại tạo ra một tầng mức.

Hãy suy tư toàn thể sự vật như một vòng tròn có tâm là sự hoàn hảo, các bạn càng đi xa tâm điểm thì dao động càng chậm lại. Vật chất là tầng ngoài cùng, kế đó là tâm trí và tâm điểm là Tâm Linh.

Bây giờ, rõ ràng là những người nào sống trong cùng một tầng mức dao động sẽ có khả năng nhìn thấy nhau, nhưng lại không thể nhìn thấy những sinh thể khác ở tầng mức dao động cao hơn hoặc thấp hơn.

Tuy nhiên, chỉ cần dùng kính viễn vọng hoặc kính hiển vi là chúng ta có thể tăng phạm vi nhìn thấy của chúng ta, tương tự như vậy, bằng pháp môn yoga, chúng ta có thể tự đưa mình đến trạng thái dao động của một tầng mức khác, và nhờ thế mà có thể thấy được những gì đang diễn ra ở đó.

Giả sử căn phòng này đầy ắp những sinh thể mà chúng ta không thể nhìn thấy. Họ tượng trưng cho prāna ở một trạng thái dao động nào đó, còn chúng ta tượng trưng cho một loại dao động khác. Giả sử họ tượng trưng cho loại dao động nhanh, còn chúng ta thì ngược lại.

Họ được cấu tạo bởi prāna, và chúng ta cũng vậy. Tất cả chúng ta đều là những thành phần trong đại dương prāna, và chỉ khác nhau về tầng mức dao động.

Nếu tôi có thể tự đưa mình đến một trạng thái dao động nhanh hơn thì tầng mức này sẽ thay đổi với tôi ngay lập tức, tôi sẽ không thể thấy được các bạn nữa, và họ sẽ hiện ra. Có thể một số trong các bạn biết được rằng điều này đúng.

Toàn bộ khả năng đưa tâm trí đến một trạng thái dao động cao hơm được gói gọn trong một từ của pháp môn Yoga: samādhi hay định.

Mọi trạng thái dao động cao hơn, tức trạng thái dao động siêu thức, cũng đều được chỉ ra bởi từ samādhi duy nhất đó, và những trạng thái samādhi thấp hơn cho ta thấy được những sinh thể siêu nhiên này.

Trong cảnh giới samādhi tối cao, chúng ta có thể thấy được sự vật y như thực, chúng ta thấy được những chất liệu cấu tạo nên tất cả các sinh thể ở mọi cảnh giới. Khi biết được một cục đất thì chúng ta biết được mọi đối tượng được cấu tạo bằng cục đất đó trong vũ trụ.

Do đó, chúng ta thấy rằng prānāyāma bao hàm tất cả những gì đúng đắn, ngay cả trong thuyết duy linh.

Tương tự như vậy, các bạn sẽ thấy rằng ở bất cứ nơi đâu, hễ một giáo phái hay một tổ chức quần chúng nào cố tìm ra được cái gì đó huyền bí, diệu kỳ hay bí ẩn thì thực sự là họ đang thực hành một loại pháp môn yoga nào đó, đang nỗ lực điều khiển prāna.

Các bạn sẽ thấy rằng ở bất cứ nơi nào có sự phô bày quyền năng siêu phàm thì đó là sự biểu hiện của prāna. Ngay những bộ môn khoa học vật lý cũng có thể được bao hàm trong prānāyāma.

Cái gì làm dịch chuyển động cơ hơi nước? Đó là prāna đang hoạt động thông qua hơi nước. Hiện tượng điện, cùng tất cả những thứ đại loại như thế, là gì? Khoa học vật lý là gì? Đó là prānāyāma theo những phương tiện ngoại tại. Prāna, tự hiển lộ như là năng lực tinh thần, chỉ có thể được điều khiển bằng phương tiện tinh thần.

Phần prānāyāma cố gắng điều khiển sự biểu hiện vật chất của prāna bằng phương tiện vật chất thì được gọi là khoa học vật lý, còn phần cố gắng điều khiển sự biểu hiện của prāna như là sức mạnh tinh thần thì được gọi là Rāja-yoga.

[1] Trong suốt nửa sau thế kỷ 19, khái niệm ê-te rất phổ biến trong giới khoa học. [Ghi chú trong nguyên tác]

[2] Humphry Davy (1778 – 1829) là một nhà vật lý và nhà hóa học người Cornwall, nước Anh. Mỗi khi có được một phát minh mới, ông thường tổ chức diễn thuyết để công bố. Năm 1799, Humphry làm thí nghiệm trên chất khí N O (ôxit nitơ), và đã bị hôn mê. Khi tỉnh lại, ông nhớ được cảm giác đê mê, khoan khoái. Sau đó ông cho công bố hiệu quả kỳ diệu của N O, nhưng phải đến 45 năm sau giới y học mới bắt đầu dùng N O làm thuốc gây mê.

[3] Tức định luật bảo toàn năng lượng, quan niệm rằng năng lượng không thể tự nhiên sinh ra hoặc mất đi. Trong vũ trụ, tổng số năng lượng hoàn toàn không đổi. Ta không thể tạo ra năng lượng, mà chỉ có thể chuyển nó từ dạng này sang dạng khác mà thôi.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x