Trang chủ » Pratyahara và Dharana

Pratyahara và Dharana

by Trung Kiên Lê
133 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Giai đoạn tiếp theo là Pratyāhāra (kiềm chế các cơ quan). Nó là gì? Các bạn đã biết nhận thức đến với chúng ta như thế nào. Đầu tiên là có những khí cụ bên ngoài, rồi đến những cơ quan bên trong, hoạt động trong cơ thể thông qua các dây thần kinh của não, và cuối cùng là tâm trí.

Khi những thứ này kết hợp lại với nhau và tự gắn kết sự vật bên ngoài thì chúng ta nhận thức được sự vật đó. Thật khó tập trung tâm trí mà đồng thời lại gắn chặt nó vào một cơ quan duy nhất, vì tâm trí luôn luôn làm nô lệ cho những sự vật hữu hình.

Chúng ta nghe những câu: “Hãy sống tốt đẹp”, “Hãy sống tốt đẹp” và “Hãy sống tốt đẹp” được giảng dạy khắp nơi trên thế giới.

Khó có đứa nhỏ nào sinh ra tại một xứ sở bất kỳ trên trái đất nay mà lại chưa từng nghe dạy bảo: “Không được trộm cắp”, “Không được nói dối”, nhưng không ai bảo cho đứa nhỏ làm thế nào nó có thể tránh được thói trộm cắp và nói dối. Nói suông chẳng giúp ích được gì.

Vì sao nó không nên trở thành một tên ăn trộm? Chúng ta không dạy cho nó làm thế nào để không ăn trộm, mà chỉ đơn giản là bảo nó: “Không được trộm cắp”. Chỉ khi nào chúng ta dạy nó biết cách chế ngự được tâm trí thì đó là mới thực sự là giúp nó.

Mọi hành động, ở bên ngoài hay bên trong, đều diễn ra khi tâm trí tự kết hợp với một trung tâm nào đó được gọi là cơ quan.

Dù muốn hay không thì tâm trí tự nó bị lôi cuốn để kết hợp với một cơ quan nào đó, và đó là lý do vì sao con người làm những hành động điên rồ và cảm thấy khốn khổ, những hành động mà có thể họ sẽ không thể nào làm nếu điều khiển được tâm trí.

Điều khiển được tâm trí này sẽ dẫn đến điều gì? Đó là tâm trí không kết hợp với những trung tâm nhận thức, và đương nhiên là nó chế ngự được toàn bộ cảm xúc và ý chí. Cho đến lúc này thì đó là điều hiển nhiên. Có thể nào vậy không? Điều đó hoàn toàn có thể.

Các bạn thấy được điều đó được thực hiện trong thời hiện đại. Những người chữa bệnh bằng đức tin dạy cho dân chúng phủ nhận cảnh khốn cùng, khổ đau và cái ác.

Triết lý của họ hơi bị lòng vòng, nhưng nó lại là một phần của pháp môn yoga, mà họ tình cờ phát hiện bằng cách này hay cách khác.

Trong những trường hợp họ thành công khi giúp một người loại bỏ được sự đau đớn bằng cách phủ nhận nó thì họ thực ra họ đang dạy một phần của pratyāhāra, vì họ biến tâm trí của người được dạy đủ mạnh mẽ để không thèm quan tâm đến hồ sơ ghi chép của giác quan.

Cũng bằng phương pháp tương tự như vậy, nhà thôi miên dùng cách ám thị để kích hoạt một loại pratyāhāra bạc nhược nơi người bệnh. Phương pháp được gọi là thôi miên ám thị này chỉ tác động được trên những cơ thể bệnh hoạn và tâm trí u mê ngu muội.

Và những ám thị của người tiến hành thôi miên sẽ không bao giờ tạo nên tác động, cho đến khi nào anh ta – bằng cách sử dụng phương pháp nhìn đăm đăm hoặc phương pháp gì đó khác – thành công trong việc đưa tâm trí người bệnh vào một trạng thái thụ động, bạc nhược.

Khống chế các trung tâm thần kinh bằng phương pháp thôi miên hoặc dùng đức tin trong một thời gian ngắn là điều rất đáng khiển trách, vì cuối cùng nó sẽ dẫn đến tình trạng suy sụp hoàn toàn.

Đó là không phải là thực sự điều khiển được các trung tâm thần kinh bằng chính ý chí của ta, mà đó là – có thể nói như vậy – gây choáng váng cho tâm trí bệnh nhân bằng những cú đấm bất ngờ theo ý muốn của người khác.

Đó là không phải là phương pháp dùng dây cương và sức mạnh cơ bắp để chế ngự cỗ xe ngựa đang lao đi điên cuồng, mà là bảo người khác giáng những cú đấm dữ dội vào đầu lũ ngựa để chúng choáng váng rồi trở nên hiền lành, ngoan ngoãn trong một thời gian ngắn.

Theo bất kỳ cách nào của những phương pháp này thì người bị điều khiển cũng bị mất một phần năng lượng tinh thần, và cuối cùng thì tâm trí, thay vì đạt được năng lực điều khiển hoàn hảo, lại trở nên một khối dị dạng bất lực, và đích đến duy nhất của người bệnh là nhà thương điên.

Mọi nỗ lực điều khiển không tự nguyện và không được thực hiện theo ý muốn của người bệnh, không chỉ là thảm họa mà còn hủy hoại cả cứu cánh. Mục tiêu của mọi linh hồn là giải thoát, nắm quyền làm chủ, giải thoát khỏi sự nô lệ vào tư tưởng và vật chất, làm chủ được cả bản tính bên trong và thiên nhiên bên ngoài.

Thay vì hướng đến cảnh giới giải thoát và trạng thái tự tại thì mọi dòng ý chí chảy đến từ một người khác – dù trong bất cứ hình thức nào, hoặc điều khiển trực tiếp các giác quan của tôi, hoặc buộc tôi phải chế ngự được chúng trong một trạng thái bạc nhược – cũng chỉ đóng thêm một móc khoen vào xiềng xích vốn dĩ đã nặng nề của quan niệm thời xưa, của mê tín thời xưa.

Do đó, các bạn hãy thận trọng trước cách tự để mình bị người khác sai sử. Hãy thận trọng về cách các bạn vô tình đưa người khác đến tình trạng suy sụp.

Thật ra cũng có những người điều trị thành công cho nhiều người khác trong một thời gian ngắn, nhưng đồng thời họ cũng làm suy sụp tinh thần hàng triệu người bằng phương pháp ám thị thôi miên vô thức mà họ vung vãi khắp nơi, khiến cho người bệnh trở nên kiệt quệ, thụ động trong trạng thái bị thôi miên, và cuối cùng là lâm vào tình trạng hầu như không còn sức sống.

Bất cứ ai yêu cầu người khác phải tin tưởng một cách mù quáng, hoặc dùng ý chí ưu việt của mình để lôi kéo mọi người đi theo mình thì đó là kẻ gây hại cho nhân loại, dù có thể họ không cố ý làm điều đó.

Bởi vậy, hãy vận dụng tâm trí các bạn, hãy tự kiểm soát thể xác và tâm trí của mình, hãy nhớ rằng chừng nào các bạn không là một người bệnh hoạn thì không một ý chí ngoại lai nào có thể tác động được đến các bạn, và hãy tránh xa những kẻ yêu cầu các bạn tin tưởng một cách mù quáng, cho dù họ có vĩ đại hoặc tốt đẹp đến đâu cũng mặc.

Khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng có những giáo phái nhảy múa, la hét có ảnh hưởng lan lây như bệnh truyền nhiễm, khi họ ca hát, nhảy múa và giảng đạo, những người đó là một loại các nhà thôi miên.

Trong một thời gian ngắn, họ chỉ chế ngự những người nhạy cảm, nhưng than ôi! về lâu về dài thì thường làm suy đồi cả chủng tộc. Đúng vậy, đối với một cá nhân hay một chủng tộc, thà độc ác còn tốt đẹp hơn là bị sức mạnh bên ngoài chi phối để trở nên hiền lành do suy nhược.

Người ta thấy chùng lòng khi nghĩ đến những điều tổn hại gây ra cho nhân loại bởi những kẻ cuồng tín vô trách nhiệm, nhưng lại đầy nhiệt tình tôn giáo đó.

Ho ít hiểu được rằng những đầu óc đạt đến trạng thái hưng phấn tinh thần đột ngột qua sự ám thị của họ, bằng âm nhạc và lời cầu nguyện, chỉ khiến cho bản thân những người đó trở nên thụ động, đờ đẫn và bất lực, và sẵn sàng đón nhận những ám thị khác, có khi còn tồi tệ hơn nhiều.

Những kẻ ngu muội bị lừa phỉnh đó cũng ít hình dung được rằng khi họ tự ngợi ca những quyền năng kỳ diệu trong việc chuyển hóa tâm hồn con người – những quyền năng mà họ ngỡ là được ban phát từ một Đấng nào đó ở trên mây – là họ đang gieo những mầm mống suy đồi, tội ác, điên loạn và chết chóc cho tương lai.

Bởi vậy, hãy cẩn trọng đừng để bất cứ thứ gì lấy mất sự tự do của các bạn. Hãy biết rằng điều đó nguy hiểm, và hãy cố hết sức mà tránh xa nó.

Những người nào thành công trong việc gắn bó hoặc xả ly tâm trí đối với những trung tâm đó theo ý muốn là người đã hoàn toàn thành công trong pratyāhāra, có nghĩa là “gom tụ hướng về”, kiểm soát tất cả những năng lực hướng ngoại của tâm trí, giải phóng nó khỏi tình trạng nô lệ vào các giác quan.

Khi có thể làm được điều này là chúng ta thực sự sở hữu được một tính cách. Lúc đó, chúng ta đã thực hiện được một bước dài hướng đến tự do, trước khi làm được điều này thì chúng ta chỉ là những cỗ máy. Chế ngự tâm trí thật vất vả biết ngần nào! Quả là đúng khi so sánh nó với một con khỉ điên.

Có một con khỉ bản tính vốn đã hiếu động, như bao con khỉ khác. Làm như chừng đó còn chưa đủ, người ta còn cho nó uống rượu thoải mái để nó càng thêm hiếu động. Rồi có một con bò cạp chích nó nữa.

Khi một người bị bò cạp chích thì anh ta nhảy nhót suốt ngày, do đó con khỉ đáng thương kia ở trong tình trạng còn tồi tệ hơn bao giờ hết. Để hoàn tất sự khốn khổ của con khỉ, lại có thêm một con quỷ nhập vào nó.

Có ngôn ngữ nào diễn tả nổi sự hiếu động bất trị của con khỉ kia không? Tâm trí con người cũng giống như con khỉ đó, bản tính vốn đã luôn luôn náo động, rồi còn bị say bởi rượu dục vọng, khiến nó càng thêm nhiễu loạn.

Sau khi bị dục vọng chi phối thì nó còn bị bò cạp chích, đó là sự ganh tỵ với những người thành công mỹ mãn, cuối cùng thì con quỷ kiêu ngạo lại ám vào nó, khiến nó cứ tưởng mình là thứ vô cùng quan trọng.

Chế ngự được một tâm trí như thế thật vất vả biết ngần nào! Bài học đầu tiên, do đó, là hãy ngồi yên trong một thời gian và cứ để mặc tâm trí tự do chạy nhảy.

Tâm trí thường không ngừng sôi động. Nó giống như con khỉ lăng xăng nhảy nhót kia. Hãy để mặc cho con khỉ nhảy nhót tùy thích, các bạn chỉ việc chờ đợi và quan sát.

Một câu ngạn ngữ cho rằng tri thức là quyền lực, điều đó đúng. Chỉ đến khi nào biết được tâm trí đang làm gì thì các bạn mới có thể điều khiển được nó.

Hãy buông lỏng dây cương cho nó. Nhiều tư tưởng gớm ghiếc có thể sẽ đi vào tâm trí, các bạn sẽ sửng sốt vì sao mình lại có thể suy nghĩ những điều như vậy.

Nhưng rồi các bạn sẽ thấy rằng cứ mỗi ngày qua thì thói đồng bóng bất thường của tâm trí sẽ dần dần lắng dịu, và từng ngày tâm trí càng lắng dịu hơn.

Sau một vài tháng đầu tiên, các bạn sẽ thấy rằng tâm trí có vô số tư tưởng; về sau, các bạn sẽ thấy rằng chúng giảm bớt đi, rồi cứ sau một vài tháng nữa thì chúng ít dần lại, cho đến cuối cùng thì tâm trí bị chế ngự hoàn toàn. Nhưng các bạn phải kiên nhẫn luyện tập hàng ngày.

Ngay khi hơi nước được bật lên thì động cơ phải chạy[1], cũng như khi sự vật hiển bày trước mắt thì chúng ta phải nhận thức được chúng. Bởi vậy để chứng minh mình không phải là cỗ máy thì ta phải biểu hiện được mình không bị một thứ gì điều khiển.

Điều khiển được tâm trí và không để nó kết hợp với các trung tâm, đó là pratyāhāra. Luyện tập như thế nào? Đây là kỳ công, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Chỉ bằng sự phấn đấu liên tục và kiên trì trong nhiều năm tháng thì chúng ta mới có thể thành công.

Sau khi luyện tập pratyāhāra trong một thời gian, hãy thực hành bước tiếp theo là dhāranā, tức là chú tâm vào một điểm. Chú tâm vào một điểm có nghĩa là gì? Đó là buộc tâm trí chỉ cảm nhận được một bộ phận nào đó của cơ thể thôi, và loại bỏ những phần còn lại.

Chẳng hạn, cố gắng chỉ cảm nhận bàn tay thôi, và bỏ qua tất cả những phần khác của cơ thể. Khi chitta – hay tâm – được giới hạn trong một vị trí nào đó thì điều đó được gọi là dhāranā. Dhāranā có rất nhiều loại, và kết hợp nó thì tốt hơn là nên có một ít trí tưởng tượng.

Chẳng hạn, hướng tâm trí đến một điểm tại trái tim. Điều đó thật quá khó; có một cách dễ hơn, đó là tưởng tượng tại đó có một đóa hoa sen.

Hoa sen này rực rỡ ánh hào quang. Hãy chú tâm vào đó. Hoặc quán tưởng đến hoa sen rực rỡ ánh hào quang trong não, hoặc quán tưởng đến những trung tâm khác trong Sushumnā đã nói ở phần trước. Hành giả yogi phải luôn luôn luyện tập.

Ông ta phải cố gắng sống một mình, việc giao du với đủ hạng người sẽ làm xao lãng tâm trí, ông ta cũng không nên nói nhiều, vì nói nhiều quá sẽ làm xao lãng tâm trí, ông ta cũng không làm việc nhiều, vì làm việc nhiều quá cũng sẽ làm xao lãng tâm trí, ta không thể điều khiển được tâm trí sau trọn một ngày lao động nhọc nhằn.

Người nào quan tâm đến điều đó mới trở một hành giả yogi. Đó là năng lực tốt đẹp của pháp môn yoga, đến mức chỉ cần thực hiện một phần rất nhỏ là đã mang lại vô vàn ích lợi. Nó không làm tổn hại đến bất kỳ ai, mà còn mang lại lợi ích cho mọi người.

Trước hết là nó làm dịu sự căng thẳng thần kinh, mang lại sự tĩnh lặng, giúp ta có thể thấy được sự vật rõ ràng hơn. Tính tình sẽ trở nên tốt hơn, và sức khỏe cũng tốt hơn. Sức khỏe dồi dào sẽ là dấu hiệu đầu tiên, và một giọng nói dịu dàng.

Những khuyết điểm trong giọng nói sẽ thay đổi. Đây sẽ là hiệu quả đầu tiên trong nhiều hiệu quả sẽ xuất hiện. Người nào kiên trì tập luyện sẽ đạt được nhiều dấu hiệu khác nữa. Đôi khi có những âm thanh, như hồi chuông văng vẳng từ xa, hòa quyện vào nhau và vọng đến đôi tai như một âm thanh liên tục.

Đôi khi ta sẽ thấy một cái gì đó, một vệt sáng thoáng qua, rồi lớn dần, lớn dần lên, khi những điều này xảy đến thì hãy hiểu rằng các bạn đang tiến bộ rất nhanh. Người nào muốn trở thành một hành giả yogi và kiên trì luyện tập thì trước tiên phải quan tâm đến cách ăn uống.

Người nào muốn tiến bộ thật nhanh, chỉ nên sống bằng sữa và ngũ cốc trong vòng vài tháng sẽ thấy đó là điều thuận lợi. Còn những người chỉ muốn luyện tập chút đỉnh hàng ngày do cuộc sống bận rộn thì cũng không nên ăn quá nhiều, kẻo không thì họ lại ăn uống thỏa thích.

Đối với những người muốn tiến bộ nhanh chóng và tinh tấn tập luyện thì chế độ ăn uống kiêng khem là điều tuyệt đối cần thiết. Họ sẽ thấy rằng sống bằng sữa và ngũ cốc trong một vài tháng sẽ rất thuận lợi cho việc tập luyện.

Khi toàn bộ cơ cấu của thể xác đã trở nên ngày càng tinh vi hơn thì ngay từ ban đầu, các bạn sẽ thấy rằng chỉ cần một chút bất bình thường cực nhỏ cũng đủ ném các bạn ra khỏi trạng thái cân bằng.

Chỉ thêm hoặc bớt một chút thức ăn cũng làm đảo lộn toàn bộ hệ thống, chỉ đến khi nào các bạn có thể điều khiển hoàn toàn cơ thể thì lúc đó các bạn có thể ăn uống tùy thích.

Khi bắt đầu tập trung tư tưởng thì một tiếng kim rơi cũng sẽ giống như tiếng sấm nổ ngang đầu. Các giác quan trở nên tinh tế hơn, và nhận thức cũng trở nên tinh tế hơn. Đây là những giai đoạn cần phải trải qua, và người nào kiên trì sẽ thành công.

Hãy từ bỏ mọi cuộc tranh luận và những điều gây xao lãng tâm trí. Những cuộc tranh luận khô khan của trí năng có đem lại cho ta được điều gì không? Nó chỉ làm cho tâm trí mất cân bằng và trở nên rối loạn. Ta cần phải thực chứng được những điều ở trên những bình diện tế vi hơn.

Lời nói có làm được điều đó không? Bởi vậy, hãy từ bỏ mọi lời nói suông vô ích. Chỉ đọc những kinh sách do các vị đạo sư đã có những kinh nghiệm tâm linh viết ra. Hãy như một hạt ngọc trai.

Có một câu chuyện ngụ ngôn Ấn Độ rất lý thú cho rằng khi trời mưa thì vì sao Śvati sẽ theo cơn mưa để giáng thế, một hạt mưa sẽ rơi vào miệng con trai, rồi biến thành ngọc. Con trai biết điều đó nên nó trồi lên mặt biển khi vì sao kia xuất hiện, để chờ đón lấy những hạt mưa quý báu kia.

Khi những hạt mưa rơi vào miệng, những con trai liền khép vỏ lại thật nhanh, và lặn sâu xuống đáy biển, rồi chúng kiên nhẫn chuyển những hạt mưa kia thành ngọc. Các bạn cũng nên như thế.

Trước hết là nghe, rồi hiểu, tiếp theo đó là từ bỏ mọi điều làm xao lãng tâm trí, hãy đóng kín tâm trí trước mọi ảnh hưởng ngoại giới, và dốc toàn bộ tâm trí cho việc phát triển chân lý nội tâm.

Có một điều nguy hiểm làm hao mòn năng lực của chúng ta, đó là đón nhận một tư tưởng chỉ vì vẻ mới lạ của nó, rồi lại từ bỏ nó để chạy theo một tư tưởng mới lạ hơn. Hãy đón nhận một tư tưởng và thực hành nó cho đến chỗ rốt ráo tận cùng, và trước khi các bạn thấy được cứu cánh thì đừng có từ bỏ nó.

Chỉ có những người có thể đam mê đến điên cuồng vì một tư tưởng mới nhìn thấy được ánh sáng. Những kẻ chỉ lớt phớt hết tư tưởng này đến tư tưởng kia sẽ không bao giờ có điều gì sở đắc. Họ có thể trau chuốt được thần kinh trong một chốc, nhưng rồi cũng chỉ đến được ngần ấy thôi.

Họ sẽ là những kẻ nô lệ trong bàn tay của bản tính, và sẽ không bao giờ vượt qua nổi phạm vi của các giác quan. Những người nào muốn trở thành những hành giả yogi thực thụ thì dứt khoát cần phải từ bỏ cái thói lớt phớt như thế. Hãy đón nhận một tư tưởng.

Hãy biến nó thành tư tưởng của đời mình, hãy mơ mộng đến nó, hãy suy tư về nó, hãy sống với nó. Hãy để tư tưởng đó ngập tràn trong trí não, cơ bắp, thần kinh và mọi bộ phận trên cơ thể các bạn, và hãy bỏ qua mọi tư tưởng khác.

Đây là phương pháp để thành công, và là phương pháp mà các bậc chân sư tâm linh vĩ đại đã tìm ra. Những phương pháp khác chỉ là những cỗ máy nói suông. Nếu chúng ta muốn hưởng được lạc phúc tâm linh, và khiến người khác cũng được hưởng lạc phúc thì chúng ta phải đi sâu hơn nữa.

Bước đầu tiên là không làm xáo trộn tâm trí, không giao du với những kẻ bị xáo trộn tư tưởng. Tất cả các bạn đều biết rằng có những người nào đó, những nơi nào đó, những thực phẩm nào đó khiến các bạn phải xa lánh.

Hãy tránh xa chúng đi, và những ai muốn đi đến cảnh giới tối cao thì hãy tránh mọi hình thức giao du, dù tốt hay xấu. Hãy chăm chỉ luyện tập, cho dù các bạn có sống hay chết cũng không quan trọng. Các bạn phải lao vào và làm việc, không cần nghĩ gì đến kết quả.

Nếu các bạn đủ dũng khí thì các bạn sẽ là một hành giả yogi hoàn hảo trong vòng sáu tháng. Còn những kẻ khác chỉ luôn lớt phớt với mọi sự sẽ không bao giờ tiến bộ.

Chỉ tham dự một khóa giảng thì cũng chẳng có ích lợi gì. Đối với những kẻ tâm trí chứa đầy tama – tức những kẻ ngu muội, đần độn, những kẻ không bao giờ chuyên tâm vào bất kỳ một tư tưởng nào, những kẻ chỉ thèm muốn sự vật để giải khuây – thì tôn giáo và triết học cũng chỉ là những trò tiêu khiển.

Đó là những kẻ hời hợt, thiếu kiên trì. Họ nghe một lời thuyết giảng, nghĩ rằng nó hay ho tốt đẹp, rồi khi quay về đến nhà thì quên sạch.

Muốn thành công thì các bạn phải có lòng kiên nhẫn phi thường và ý chí kiên cường. “Tôi sẽ uống cạn cả đại dương”, một hành giả tinh tấn nói, “và những ngọn núi sẽ sụp đổ tan tành theo ý muốn của tôi”. Hãy có được năng lực đó, ý chí đó, sự tinh tấn đó và các bạn sẽ đạt đến mục tiêu.

[1] Tác giả thuyết giảng vào thời kỳ đầu của nền khoa học hiện đại, nên thường dùng động cơ hơi nước để minh họa.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x