Trang chủ » Sự tự do của linh hồn

Sự tự do của linh hồn

by Trung Kiên Lê
244 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 5 tháng 10, 1896)

Katha Upanishad, mà chúng ta đã nghiên cứu, được viết rất muộn sau tác phẩm Chhāndogya, mà bây giờ chúng ta bắt đầu nghiên cứu.

Trong Katha Upanishad, ngôn ngữ hiện đại hơn, và tư tưởng được sắp xếp mạch lạc hơn.

Còn trong các Upanishad xưa hơn thì ngôn ngữ vô cùng cổ kính, giống như phần tụng ca trong các kinh Veda; và ta phải vất vả nhọc nhằn để đọc cho hết một đống kinh văn hoàn toàn không cần thiết mới đạt đến được phần giáo lý tinh yếu.

Văn chương nghi lễ, mà tôi đã trình bày cùng các bạn, đã ảnh hưởng rất lớn đến cuốn cổ thư Upanishad này, cho nên hơn một nửa nội dung trong đó là phần nghi lễ. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu các kinh thư Upanishad cổ xưa, ta vẫn thu hoạch được nhiều điều.

Các bạn sẽ lần ra được, có thể nói như vậy, lịch sử phát triển của những ý tưởng tâm linh.

Trong những Upanishad về sau, những ý tưởng tâm linh được kết tập và gom về một chỗ; chẳng hạn trong Bhagavad Gitā – mà ta có thể xem là phần cuối cùng của những Upanishad – ta không tìm thấy bất kỳ một ý tưởng mơ hồ nào về nghi thức cúng tế nữa.

Gitā giống như một một bó hoa đẹp gồm toàn những chân lý tâm linh được tuyển chọn từ các Upanishad. Nhưng trong Gitā, các bạn không thể nghiên cứu sự phát khởi của những ý tưởng tâm linh, các bạn không thể lần theo chúng đến tận nguồn.

Để làm được điều đó, như nhiều người chỉ dẫn, các bạn phải nghiên cứu các kinh Veda. Ý tưởng linh thánh vĩ đại được gán cho những tác phẩm này đã giữ gìn chúng không bị sửa đổi, hơn bất kỳ một cuốn sách nào trên thế giới.

Trong các tác phẩm này, mọi tư tưởng cao siêu nhất và thấp kém nhất đều được bảo toàn; những tư tưởng trọng yếu và không trọng yếu, những giáo lý cao nhã cùng những chi tiết đơn giản nhất cùng đứng cạnh nhau, vì không một ai dám động đến chúng.

Những nhà chú giải về sau cố gắng sắp xếp lại các tác phẩm đó và phát hiện ra những ý tưởng mới mẻ diệu kỳ từ giáo lý cổ; họ cố gắng tìm ra những ý tưởng tâm linh ngay trong những câu kinh bình thường nhất; nhưng kinh văn vẫn được giữ nguyên, do đó chúng là công trình sử học tuyệt diệu nhất.

Tất cả chúng ta đều biết rằng kinh điển của bất kỳ tôn giáo nào cũng đều được sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển tâm linh của những thế hệ sau; chữ này bị đổi, chữ khác được đưa thêm vào, và cứ như thế. Điều này có lẽ không xảy ra với nền văn học Veda, hoặc nếu có xảy ra thì cũng rất là tế vi, hầu như không thể nhận ra.

Nhờ vậy mà chúng ta có điểm thuận lợi to lớn là có thể nghiên cứu những tư tưởng này trong ý nghĩa nguyên thủy của chúng, ghi nhận chúng phát triển như thế nào, tiến hóa từ những tư tưởng duy vật đến những tư tưởng tâm linh ngày càng tinh tế ra làm sao, cho đến khi chúng đạt đến đỉnh cao vĩ đại nhất trong triết học Vedānta.

Cũng có những nội dung mô tả một số phong tục tập quán cổ xưa, nhưng chúng không xuất hiện nhiều trong các Upanishad, vốn là loại kinh thư mang ngôn ngữ đặc thù, súc tích và gợi nhớ. Tác giả của những cuốn kinh thư này chỉ ghi vắn tắt những câu văn để gợi nhớ những sự kiện mà họ xem như ai cũng đã biết rõ cả rồi.

Trong lối văn kể chuyện, họ mặc nhiên xem như tất cả người nghe đều hiểu rõ điều đó. Do đó, có nhiều điểm rất khó hiểu, chúng ta khó lòng biết rõ ý nghĩa thực sự của những câu chuyện này, bởi vì các truyền thuyết hầu như đã mất hết, còn một ít sót lại thì bị phóng đại quá mức.

Có nhiều bản chú giải mới, cho nên khi các bạn tìm thấy chúng trong các Purāna thì chúng đã biến thành thơ ca cả rồi.

Ở phương Tây, ta thấy sự kiện nổi bật trong sự kiện chính trị của những dân tộc phương Tây là họ không chịu sự cai trị tuyệt đối, họ luôn vùng lên đấu tranh chống lại sự cai trị của người khác, rồi dần dần tiến đến khái niệm dân chủ mỗi ngày một cao hơn, khái niệm tự do mỗi ngày một cao hơn; ở Ấn Độ cũng thế về phương diện siêu hình học, hiện tượng y như vậy cũng xuất hiện trong đời sống tâm linh.

Số lượng đông đảo các vị thần dần nhường chỗ cho một Thượng Đế duy nhất trong vũ trụ, và trong các Upanishad thậm chí còn có cả cuộc phản kháng chống lại vị Thượng Đế duy nhất đó.

Không những người ta không chấp nhận có nhiều vị thần đồng thời cai quản số phận mình, mà còn phản bác luôn cả quan điểm có một vị thần duy nhất cai quản vũ trụ. Đó là điều đầu tiên làm cho chúng ta kinh ngạc. Ý tưởng này phát triển dần dần cho đến khi đạt tới cực đỉnh.

Trong hầu hết các Upanishad, ta thấy cực đỉnh đó xuất hiện sau cùng, đó là việc lật đổ cả Thượng Đế trong vũ trụ. Tính chất người của Thượng Đế biến mất, thay vào đó là tính chất siêu nhân.

Thượng Đế không còn là một con người nữa, mà được cường điệu và phóng đại; Ngài vẫn cai quản vũ trụ nhưng đã biến thành một nguyên lý hóa thân trong mọi sự vật, vốn luôn tồn tại trong toàn thể vũ trụ.

Thật là phi lý khi đi từ một Thượng Đế Nhân Thể [ Personal God] đến một Thượng Đế Phi Nhân Thể [ Impersonal God], và xem con người như một nhân thể [ personal]. Con người theo nhân thể đã sụp đổ, và con người theo nguyên lý được dựng lên.

Nhân thể chỉ là một hiện tượng, đằng sau đó mới là nguyên lý. Như thế, từ cả hai phía, ta thấy những tính nhân thể [ personalities] và sự tiếp cận các nguyên lý, sự tiếp cận của Thượng Đế Nhân Thể với Thượng Đế Phi Nhân Thể, sự tiếp cận của con người nhân thể [ personal man] với con người phi nhân thể [ impersonal man], tất cả những khái niệm đó đều đồng thời sụp đổ.

Những giai đoạn tiếp theo là sự hội tụ dần dần của hai đường thẳng: Thượng Đế Phi Nhân Thể với Con Người Phi Nhân Thể. Kinh thư Upanishad thể hiện các giai đoạn, qua đó hai đường thẳng trên tiến dần đến chỗ hợp nhất làm một, và lời cuối cùng của mỗi Upanishad là “Ngươi là Cái Đó”.

Chỉ có một Nguyên Lý lạc phúc vĩnh hằng duy nhất, và Nhất Thể đang tự hiển thị như là vạn hữu sai biệt đa thù. Tiếp theo đó là giai đoạn của các triết gia. Công việc của các Upanishad dường như đã kết thúc tại điểm này; bước tiếp theo do các triết gia đảm nhận.

Kinh thư Upanishad đã trao cho các triết gia một dàn bài, và họ có nhiệm vụ điền đầy đủ chi tiết. Bởi vậy, nhiều vấn đề nảy sinh là chuyện tất nhiên.

Nếu mặc nhiên chấp nhận chỉ có một Nguyên Lý Phi Nhân Thể đang tự hiển thị trong muôn ngàn hình tướng thì làm thế nào mà Cái Một – hay Nhất Thể – lại biến thành sai biệt đa thù?

Đây là cách khác để nêu ra cùng một câu hỏi cũ đã đi vào tâm hồn con người trong hình thức thô sơ, đó là tìm hiểu căn nguyên của điều xấu xa, tội lỗi, v.v…

Vì sao những điều xấu xa lại tồn tại trong cõi thế, và căn nguyên của nó là gì? Nhưng cũng chính câu hỏi đó giờ đây lại trở nên tinh tế, gọn ghẽ. Vì sao chúng ta bất hạnh, câu hỏi không còn được đặt ra trên cơ sở của cảm giác mà trên cơ sở triết học.

Do đâu mà Nguyên Lý duy nhất đó lại biến thành sai biệt, đa thù? Và câu trả lời, như ta đã thấy, câu trả lời hay nhất mà đất nước Ấn Độ đã tạo nên là thuyết về māyā, cho rằng Cái Đó thật ra không hề biến thành sai biệt đa thù, rằng Cái Đó không hề đánh mất đi thực tính.

Hiện tượng sai biệt đa thù chỉ là biểu tướng, chỉ là cái biểu hiện bên ngoài. Nhìn bề ngoài thì con người chỉ là một nhân thể, nhưng trong thực tế thì con người là đấng Phi Nhân Thể [ Impersonal Being]. Nhìn bề ngoài thì Thượng Đế chỉ là một nhân thể, nhưng trong thực tế thì Ngài là đấng Phi Nhân Thể.

Ngay trong câu trả lời này cũng có nhiều giai đoạn, và các triết gia đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Không phải mọi triết gia Ấn Độ đều công nhận thuyết māyā. Có thể phần lớn bọn họ không công nhận.

Có những triết gia nhị nguyên chủ trương một loại nhị nguyên luận thô thiển, họ không những không công nhận cách đặt ra câu hỏi đó, mà còn tìm cách dập tắt nó ngay khi mới khởi xướng.

Họ tuyên bố: “Các bạn không có quyền đặt ra câu hỏi như vậy, các bạn cũng không có quyền yêu cầu giải thích, vì đơn giản đó chỉ là ý muốn của Thượng Đế, và chúng ta phải lặng yên chấp nhận. Không có sự tự do cho linh hồn con người.

Tất cả những gì ta làm hay sở hữu, vui sướng hay buồn khổ đều đã được tiền định; và khi đau khổ đến thì ta có trách nhiệm phải kiên nhẫn chịu đựng, nếu không ta còn bị trừng phạt nặng nề hơn nữa. Làm sao biết được điều đó? Vì kinh Veda đã dạy thế”.

Họ trích kinh văn như thế đó, gán ý nghĩa cho chúng và buộc mọi người nghe theo. Còn có những triết gia khác giữ quan điểm trung lập, dù không chấp nhận thuyết māyā. Họ bảo toàn thể vũ trụ này, có thể nói thế, tạo nên hình hài của Thượng Đế.

Thượng Đế là Linh Hồn của mọi linh hồn và của toàn bộ thế giới tự nhiên. Trong trường hợp của những cá nhân đơn lẻ, linh hồn co rút lại là do làm điều xấu. Khi con người làm điều gì xấu thì linh hồn họ bắt đầu co rút lại, năng lực sút giảm dần, cho đến khi nào họ làm điều tốt thì linh hồn mới giãn nở ra lại.

Một quan niệm có vẻ phổ biến trong tất cả hệ thống triết học Ấn Độ, và tôi cho là cả trong nền triết học trên thế giới, cho dù họ có biết hay không, đó là cái mà tôi muốn gọi là thần tính [ divinity] của con người.

Không một hệ thống triết học nào trên thế giới, không một tôn giáo đích thực nào – dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ của thần thoại, ẩn dụ hay triết học – lại không cho rằng linh hồn con người, dù nó có là gì đi nữa hay có quan hệ với Thượng Đế theo cách gì nữa, thì tất yếu vẫn thuần tịnh và hoàn hảo.

Thực tính của linh hồn là sức mạnh và hạnh phúc, chứ không phải là bạc nhược và khốn khổ. Nhưng bằng cách này hay cách khác, sự khốn khổ vẫn đến với ta. Các triết học thô thiển gọi đó là Tội Lỗi hiện thân, là Quỷ Sứ hay Ahriman để giải thích lý do tội lỗi đến với thế gian.

Những hệ thống triết học khác lại muốn biến Thượng Đế và Quỷ Sứ thành một, Thượng Đế đem hạnh phúc đến cho con người, còn Quỷ Sứ thì đem đến khổ đau, chẳng hiểu vì lý do gì. Còn những hệ thống khác nữa, cân nhắc hơn, đề xuất thuyết māyā, v.v….

Nhưng có một sự kiện rõ ràng, nằm trong phạm vi thảo luận của chúng ta. Đó là những quan niệm triết học đó, những hệ thống triết học đó rốt cuộc cũng chỉ là môn thể thao của tâm trí, hoặc là các bài tập rèn luyện trí năng.

Quan niệm vĩ đại duy nhất, mà tôi thấy hiện rõ ràng giữa bao điều mê tín dị đoan tại mọi quốc gia và trong mọi tôn giáo, là quan niệm thần tính nơi con người, cho rằng con người mang bản chất thần thánh. Bất cứ những gì khác tiếp theo đều chỉ là sự gia tăng của các ấn tượng, theo cách nói của triết học Vedānta.

Một số ấn tượng đã được gia tăng, nhưng không thể làm chết đi bản chất thần linh. Nơi người thánh thiện nhất cũng như nơi kẻ tội lỗi nhất, bản chất đó vẫn luôn hiện hữu. Ta kêu gọi đến nó, và nó sẽ lộ diện. Ta phải hỏi, và nó sẽ hiển thị tự thân.

Người cổ đại biết lửa nằm trong viên đá lửa và miếng gỗ khô, nhưng cần phải có sự ma sát mới gọi được nó xuất hiện. Bởi vậy, ngọn lửa giải thoát và thanh khiết là bản chất, chứ không phải là phẩm tính [ quality], của mọi linh hồn; vì các phẩm tính có thể thu hoạch được, nên có thể bị mất đi.

Linh hồn là một với Giải Thoát, linh hồn là một với Hiện Hữu, linh hồn là một với Tri Thức. Satchidānanda – Cảnh giới Tuyệt Đối của Hiện Hữu – Tri Thức – Hỷ Lạc – là bản chất, là đặc quyền của linh hồn; và tất cả những biểu hiện mà ta thấy quanh ta đều là những cách diễn đạt để Nó xuất lộ tự thân, rõ rệt hoặc mơ hồ.

Ngay cả cái chết cũng chỉ là sự biểu hiện của cái Chân Hiện Hữu hay cái Thực Tồn [ Real Existence]. Sinh và tử, sự sống và hoại diệt – tất cả đều là sự biểu hiện của Nhất Thể Tính [ Oneness] đó.

Bởi vậy, Tri Thức – dù có biểu hiện dưới hình thức ngu muội hay uyên bác – thì vẫn là sự biểu hiện chúng của Chit, tức Tinh Túy của Tri Thức; sự khác biệt chỉ là mức độ chứ không phải thể loại.

Sự khác biệt tri thức giữa một con sâu thấp kém nhất đang bò dưới chân ta với một thiên tài vĩ đại nhất mà nhân loại có thể tạo ra chỉ là sự khác biệt về mức độ, chứ không phải về thể loại.

Các triết gia Vedānta bạo dạn tuyên bố rằng mọi lạc thú trên thế gian này, ngay cả lạc thú thấp hèn nhất, cũng chỉ là sự biểu hiện của Lạc Phúc Thần Thánh duy nhất, tức Tinh Túy của linh hồn. Đây có lẽ là tư tưởng trác việt nhất trong triết học Vedānta và, như tôi đã nói, dường như mọi tôn giáo đều chấp nhận.

Tôi chưa được biết đến một tôn giáo nào lại phủ nhận nó. Nó là tư tưởng phổ quát duy nhất xuyên suốt mọi tôn giáo. Hãy lấy Kinh Thánh làm thí dụ. Trong đó, các bạn thấy điều phát biểu bằng ẩn dụ rằng Adam là người trong trắng, và sự trong trắng đó bị hủy hoại do những hành động tội lỗi về sau.

Ẩn dụ đó cho thấy người Do Thái cổ quan niệm rằng bản tính nguyên thủy của con người là toàn thiện. Sự ô nhiễm mà ta thấy, sự yếu đuối mà ta cảm nhận, chỉ là những ấn tượng gia tăng thêm trên bản tính đó. Và lịch sử tiếp theo của Cơ Đốc giáo cho thấy họ tin vào khả năng phục hồi lại được trạng thái toàn thiện ban sơ đó.

Đó là toàn bộ lịch sử của Kinh Thánh – cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Đối với các tín đồ Hồi giáo cũng vậy. Họ cũng tin vào Adam và sự hồn nhiên vô tội của Adam, và tin rằng thông qua con đường mà Mohammed đã chỉ, họ có thể phục hồi lại được trạng thái ban đầu đã mất.

Đối với các Phật tử cũng không khác. Họ tin vào một cảnh giới gọi là Niết Bàn ở thế giới bên kia. Nó hoàn toàn giống với Brahman của các Vedāntist; và toàn bộ giáo lý Phật giáo được xây dựng trên nền tảng tìm lại Niết Bàn.

Trong mọi hệ thống triết học và tôn giáo ta đều thấy điều này: các bạn không thể lấy được cái nguyên không phải là của mình. Các bạn chẳng mắc nợ gì ai trong vũ trụ này.

Các bạn đòi hỏi đặc quyền của mình, giống như một triết gia Vedānta vĩ đại đã diễn tả một cách thơ mộng trong nhan đề một cuốn sách của ông Swārājyasiddhi: “Tìm được vương quốc của riêng mình”. Vương quốc đó là của ta, ta đã đánh mất nó, và giờ đây ta tìm lại được.

Tuy nhiên, các māyāvādin lại cho rằng việc đánh mất vương quốc chỉ là vọng tưởng, ta chưa bao giờ đánh mất nó.

Đó là sự khác biệt duy nhất. Mặc dù cho đến nay, mọi hệ thống triết học đều nhất trí là chúng ta đã từng có một vương quốc, rồi chúng ta đã đánh mất nó đi, nên các nền triết học đó cho chúng ta nhiều phương tiện khác nhau để tìm lại nó.

Đạo này thì bảo rằng chúng ta phải thực hiện một số nghi thức nào đó, phải cúng một món tiền cho các tượng thần, ăn một số thức ăn nào đó, sống theo một cách thức nào đó thì mới có thể tìm lại vương quốc ngày trước.

Đạo kia lại bảo ta cần phải khóc than, hành xác và cầu xin ân huệ của một đấng Siêu Nhiên nào đó thì sẽ tìm lại được vương quốc đó.

Tất cả những phương tiện khác nhau này đều có trong các Upanishad. Khi tôi tiếp tục trình bày, các bạn sẽ thấy đúng là như vậy. Nhưng lời khuyên cuối cùng và vĩ đại nhất là: các bạn không cần phải khóc than chi hết.

Các bạn cũng không cần phải thực hành bất kỳ nghi lễ nào, cũng chẳng cần quan tâm đến việc làm thế nào để giành lại vương quốc đó, vì các bạn chưa hề mất nó. Vì sao các bạn lại phải đi tìm cái mà mình chưa hề bị mất?

Các bạn vốn đã thuần tịnh, vô nhiễm rồi; vốn đã tự do, giải thoát rồi. Nếu các bạn nghĩ rằng mình tự do thì các bạn tự do ngay lúc đó, nếu các bạn nghĩ rằng mình bị trói buộc thì các bạn bị trói buộc tức thời.

Đó là lời phát biểu vô cùng táo bạo, và như tôi đã nói với các bạn từ đầu khóa giảng, tôi sẽ phải mạnh dạn nói điều đó với các bạn. Có thể nó khiến các bạn kinh hãi, nhưng hãy trầm tư về nó và thực chứng được nó trong đời mình, rồi các bạn sẽ hiểu rằng những gì tôi nói đều chân thực.

Nếu tự do không phải là bản chất tự nhiên của các bạn thì các bạn không thể nào tìm lại được tự do bằng bất cứ cách nào. Hoặc nếu các bạn vốn đã tự do, rồi vì lý do nào đó đã đánh mất tự do thì các bạn không có tự do để khởi đầu.

Nếu các bạn vốn đã tự do thì điều gì có thể khiến cho các bạn mất nó? Cái gì độc lập tự tại thì không thể bị biến thành phụ thuộc, nếu như nó thực sự phụ thuộc thì sự độc lập tự tại của nó chỉ là ảo tưởng. Bạn chọn điều nào, trong cả hai quan niệm?

Nếu cho rằng linh hồn tự bản chất đã tự do và vô nhiễm thì hệ quả tất yếu là không có gì trong vũ trụ có thể ràng buộc và hạn chế được nó. Còn nếu cho rằng có cái gì đó trong tự nhiên có thể ràng buộc được linh hồn thì hệ quả tất yếu là nó không được tự do, và câu nói của các bạn cho rằng nó tự do chỉ là ảo tưởng.

Bởi vậy, nếu chúng ta có thể đạt đến tự do thì kết luận tất yếu là linh hồn ta tự bản chất đã tự do. Không thể nào khác được. Tự do có nghĩa là độc lập tự tại với tất cả mọi thứ bên ngoài; điều đó có nghĩa là không có tác nhân nào bên ngoài có thể tác động lên nó.

Linh hồn vốn vô nhân [ causeless], và mọi tư tưởng vĩ đại nhất mà ta có được đều bắt nguồn từ đó. Các bạn không thể xây dựng nên sự bất tử của linh hồn, trừ phi bạn mặc nhiên thừa nhận rằng nó tự do tự bản chất, hay nói khác đi, nó không bị tác động bởi bất kỳ nhân tố ngoại tại nào.

Cái chết là hậu quả được tạo ra bởi nhân tố ngoại tại nào đó. Chẳng hạn tôi uống thuốc độc và tôi chết, điều đó cho thấy thể xác tôi chịu tác động bởi một nhân tố ngoại tại gọi là thuốc độc. Nhưng nếu linh hồn được tự do thì dĩ nhiên là không có gì có thể tác động lên nó, và nó không thể chết.

Giải thoát, bất tử, và lạc phúc của linh hồn chỉ có ý nghĩa nếu như chúng vượt lên trên quan hệ nhân quả. Trong hai quan điểm này, các bạn chọn cái nào? Xem quan điểm thứ nhất là ảo tưởng hay xem quan điểm thứ hai là ảo tưởng?

Chắc chắn tôi sẽ xem quan điểm thứ hai là ảo tưởng. Nó phù hợp với cảm xúc và cảm hứng của tôi hơn. Tôi hoàn toàn ý thức được tôi tự do từ bản chất, và tôi không chấp nhận rằng sự ràng buộc là có thực và tự do của tôi chỉ là ảo tưởng.

Cuộc tranh luận này diễn ra, dưới hình thức này hay hình thức khác, trong mọi nền triết học. Thậm chí trong những triết học hiện đại nhất, ta cũng thấy cuộc tranh luận tương tự. Có hai trường phái.

Một trường phái cho rằng không hề có linh hồn; đó chỉ là ảo tưởng về sự di chuyển của các phân tử vật chất nào đó, chúng kết hợp với nhau để tạo nên cái mà ta gọi là thể xác hay bộ não; và ấn tượng về tự do là kết quả của những rung động và chuyển dịch liên tục của những phân tử đó.

Có những tông phái Phật giáo cũng đồng quan điểm đó, và minh họa bằng hình ảnh: Nếu ta cầm bó đuốc quay thật nhanh thì sẽ xuất hiện một vòng tròn lửa. Vòng tròn lửa đó không có thực, bởi vì bó đuốc liên tục thay đổi vị trí tại từng thời điểm.

Chúng ta cũng chỉ là một bó các phân tử tý hon, khi quay tròn thật nhanh sẽ tạo ra ảo tưởng về linh hồn vĩnh cửu. Trường phái kia lại chủ trương rằng trong dòng tư tưởng di chuyển nối tiếp thật nhanh, vật chất hiện ra như là ảo ảnh và không hề có thực.

Như vậy ta thấy, một bên tuyên bố tinh thần là ảo tưởng, còn bên kia thì chủ trương vật chất là ảo tưởng. Các bạn chọn bên nào? Dĩ nhiên, chúng ta sẽ chọn tinh thần và phủ định vật chất. Cả hai phe đều có những lập luận tương tự, chỉ có điều bên phe tinh thần lập luận vững vàng hơn đôi chút.

Bởi vì chưa có ai thấy được vật chất thực sự là gì. Chúng ta chỉ cảm nhận vậy thôi. Tôi chưa từng biết đến một người nào có thể cảm nhận được vật chất bên ngoài mình. Không ai có thể nhảy ra khỏi mình. Bởi vậy, lập luận bên phe tinh thần vững vàng hơn đôi chút.

Thứ hai, thuyết tinh thần giải thích được vũ trụ, trong khi thuyết duy vật không thể. Do đó, cách giải thích của thuyết duy vật là không hợp lý. Nếu gộp tất cả các nền triết học lại để đem ra tóm tắt và phân tích, các bạn sẽ thấy chúng quy kết thành một trong hai quan điểm này.

Cho nên ở đây, trong một hình thức phức tạp hơn, mang dáng dấp triết học hơn, ta tìm thấy một câu hỏi tương tự về sự thuần tịnh và tự do tự nhiên. Một bên cho thuần tịnh là ảo tưởng, bên kia lại cho tự do là ảo tưởng. Và dĩ nhiên là ta đứng về phe thứ hai, vì tin chắc rằng tình trạng nô lệ của ta chỉ là ảo tưởng.

Giải pháp của triết học Vedānta là: chúng ta không hề bị trói buộc, mà vốn đã tự do rồi. Không chỉ thế, nói rằng hoặc nghĩ rằng chúng ta bị trói buộc là điều nguy hiểm – đó là một lầm lẫn, một cách tự thôi miên.

Ngay khi các bạn vừa nói “Tôi bị trói buộc “, “Tôi yếu đuối”, “Tôi bất lực” thì tai họa đã đổ ập xuống bạn ngay; các bạn đang đúc thêm xiềng xích để trói buộc mình. Đừng nói điều đó, đừng nghĩ tới điều đó. Tôi nghe kể có một người sống trong rừng, suốt ngày đêm cứ lặp đi lặp lại câu “Shivoham” – Ta là đấng hưởng Lạc Phúc”.

Một hôm, một con cọp nhảy tới tha ông đi, và giết chết ông. Mọi người trên bờ sông đều chứng kiến cảnh đó, và nghe tiếng cầu nguyện “Shivoham” vang lên, ngay cả khi ông đã nằm trong miệng cọp.

Đã có nhiều người như thế. Có những trường hợp, nhiều người bị chém đứt từng mảnh mà vẫn cầu nguyện cho kẻ thù. “Ta là Ngài, Ta là Đấng Ấy, cho nên ta là ngươi. Ta thuần tịnh và toàn hảo, tất cả kẻ thù của ta cũng vậy. Ngươi là Ngài, cho nên ngươi là ta”.

Đó là lập trường của sức mạnh. Hiển nhiên là có những điều vĩ đại và tuyệt vời trong tôn giáo nhị nguyên. Quan niệm về một Thượng Đế Nhân Thể tách biệt với thiên nhiên, mà chúng ta sùng bái và thương yêu, thật là tuyệt diệu.

Đôi khi quan niệm này đem lại cho chúng ta rất nhiều an ủi. Nhưng triết học Vedānta bảo sự an ủi đó giống như tác dụng của thuốc phiện, nó không tự nhiên. Về lâu về dài, nó mang đến sự bạc nhược, trong khi cái mà thế giới ngày nay đang cần – đang cần hơn bao giờ hết – là sức mạnh.

Theo triết học Vedānta, sự bạc nhược là nguyên nhân gây nên bao khổ não cho thế gian này. Bạc nhược là một trong những nguyên nhân gây ra đau khổ. Chúng ta trở nên khốn khổ vì chúng ta yếu đuối. Chúng ta nói dối, trộm cắp, giết chóc và phạm bao tội ác khác là vì chúng ta yếu đuối.

Chúng ta đau khổ vì chúng ta yếu đuối. Chúng ta chết vì chúng ta yếu đuối. Khi không còn thứ gì làm cho ta yếu đuối nữa thì sẽ không còn cái chết hay phiền não. Chúng ta khốn khổ vì ảo tưởng. Hãy từ bỏ ảo tưởng, rồi toàn bộ sự vật sẽ tan biến mất.

Điều đó quả thực rõ ràng và giản dị. Thông qua tất cả những tranh luận triết học và những môn thể thao trí não này, ta đi đến một ý tưởng tôn giáo duy nhất, một ý tưởng giản dị nhất thế gian. Nhất nguyên luận Vedānta là chân lý mang hình thức đơn giản nhất mà các bạn có thể tìm thấy.

Dạy nhị nguyên luận là một sai lầm kinh khủng tại Ấn Độ và nhiều nơi khác, bởi vì con người không nhìn được những nguyên lý tối hậu, mà chỉ tư duy về tiến trình phức tạp. Những mệnh đề luận lý mang tính triết học khủng khiếp này đang làm nhiều người hoảng sợ.

Họ nghĩ rằng không thể phổ biến những điều này, không thể đem áp dụng chúng trong đời sống hàng ngày, và cho rằng dưới vỏ bọc của một triết học như thế, cuộc sống sẽ bị đưa đến chỗ phóng đãng buông tuồng.

Nhưng tôi không tin rằng tất cả những tư tưởng nhất nguyên luận được truyền giảng trên thế giới lại tạo ra tình trạng vô luân và bạc nhược. Trái lại, tôi có lý do để tin rằng nó mới chính là phương thuốc chữa trị duy nhất.

Nếu đây là chân lý thì tại sao cứ bắt con người uống nước cống rãnh, trong khi dòng suối tươi mát của cuộc đời đang tuôn chảy bên cạnh? Nếu đây là chân lý, rằng tất cả chúng sinh đều thuần tịnh thì tại sao giờ đây lại không mang ra dạy cho toàn thế giới?

Tại sao không dùng giọng nói sấm sét để giảng dạy triết học này cho mọi người sinh ra trên đời, cho các bậc hiền triết cùng những kẻ tội lỗi, cho nam phụ lão ấu, cho vua chúa trên ngai vàng và cho những kẻ đang khóc than ngoài đường phố?

Đó là một công việc vô cùng vĩ đại và nặng nề; đối với nhiều người, dường như nó rất đáng kinh ngạc. Nhưng đó là vì mê tín chứ không phải gì khác. Do phải ăn toàn những thứ tồi tệ khó tiêu, hoặc phải chịu cảnh đói khát nên chúng ta không còn khả năng ăn cao lương mỹ vị nữa.

Từ hồi nhỏ, chúng ta đã nghe quá nhiều những lời dạy làm ta yếu đuối. Các bạn nghe thiên hạ nói rằng họ không tin ma quỷ, nhưng đồng thời cũng chẳng mấy ai lại không có cảm thấy rợn người khi ở trong bóng tối. Đơn giản là điều đó chỉ là mê tín.

Mọi điều mê tín trong tôn giáo cũng vậy đấy. Tại đất nước này[1], có những người, khi nghe tôi nói không hề có cái gọi là Ma Quỷ, sẽ cho rằng như thế thì tất cả tôn giáo đều tiêu ma. Nhiều người nói với tôi: “Đã là tôn giáo thì làm sao không có ma quỷ được? Làm sao có một tôn giáo mà không có người dẫn dắt chúng tôi?

Làm sao chúng tôi có thể sống mà không có một ai đó cai quản? Chúng tôi thích được đối xử như thế, vì đã quen rồi. Chúng tôi không cảm thấy hạnh phúc, cho đến khi nào có ai đó quở trách chúng tôi hàng ngày”. Cùng một sự mê tín như nhau!

Nhưng giờ đây, sẽ đến lúc mỗi người trong chúng ta sẽ nhìn ngược lại, dù điều đó có khủng khiếp đến mấy, và chúng ta sẽ mỉm cười từng điều mê tín đã che lấp cái linh hồn thuần tịnh và vĩnh hằng này, và chúng ta sẽ lặp lại – bằng sự vui mừng, bằng sự thật và bằng sức mạnh rằng: “Tôi tự do, đã tự do và mãi mãi sẽ tự do”.

Tư tưởng nhất nguyên sẽ xuất phát từ triết học Vedānta, và nó là một tư tưởng đáng để trường tồn. Mai đây, các kinh điển này có thể bị mai một. Tư tưởng này lóe sáng lần đầu tiên trong đầu của những người Do Thái cổ, hay dân tộc sống ở vùng Bắc Cực, điều đó chẳng ai cần quan tâm.

Bởi vì đây là chân lý, mà chân lý thì vĩnh cửu; và tự thân chân lý cũng dạy rằng nó không hề là thuộc tính riêng của bất kỳ một cá nhân nào hay một quốc gia nào. Con người, muông thú và chư thần, tất cả đều đón nhận chân lý duy nhất này như nhau.

Hãy để tất cả đều đón nhận nó. Tại sao phải biến cuộc đời thành cảnh khốn khổ? Sao lại phải để mọi người sa vào đủ loại mê tín nhảm nhí thế kia? Không chỉ tại đất nước này, mà ngay tại xứ sở khai sinh ra nó[2], nếu các bạn nói chân lý này với người dân, họ sẽ kinh hãi.

Họ bảo: “Tư tưởng này chỉ dành cho các Sannyāsin, là những người đã từ bỏ thế gian và sống trong rừng, với họ thì sao cũng được. Còn chúng tôi là những chủ người gia đình tội nghiệp, chúng tôi phải biết kính sợ và phải có nghi lễ cúng bái”, đại loại như thế.

Tư tưởng nhị nguyên thống trị thế gian này đủ lâu rồi, và đây là hậu quả. Tại sao không làm một thử nghiệm mới? Tất cả tâm trí của nhân loại phải trải qua bao thời kỳ mới đón nhận được tư tưởng nhất nguyên, nhưng sao lại không bắt đầu từ bây giờ?

Nếu trong đời mình mà chúng ta đã nói được điều này với hai mươi người thì chúng ta đã làm được một điều vĩ đại. Có một tư tưởng thường bị phản bác. Nó như vầy: Thật là điều vô cùng tốt đẹp khi nói “Tôi là đấng Thuần Tịnh, đấng Hưởng Lạc phúc”, nhưng tôi không thể lúc nào cũng biểu hiện được nó trong đời.

Đó là sự thực, lý tưởng này luôn luôn rất khó thực hành. Quay về lại với sự mê tín liệu có cải thiện được vấn đề? Nếu ta không có được thánh dược thì uống thuốc độc liệu có cải thiện được vấn đề?

Đi vào trong bóng tối, và quỳ gối đầu hàng sự yếu đuối cùng điều mê tín, chỉ vì ta không thể trực tiếp thực hiện được chân lý, liệu điều đó có ích gì không? Tôi không phản bác nhị nguyên luận trong nhiều hình thức của nó.

Hầu hết những hình thức đó, tôi đều ưa thích; mà tôi chỉ phản bác mọi hình thức giáo lý nhồi sọ con người bằng sự bạc nhược yếu hèn. Đây là một câu hỏi mà tôi đặt ra cho mọi người – cho nam nữ hoặc trẻ em – khi họ tập luyện thể xác, trí não và tâm linh.

“Quý vị thấy sao? Có thấy mạnh mẽ hơn không?” – vì tôi biết rằng chỉ có Chân Lý mới cho ta sức mạnh. Tôi biết rằng chỉ có Chân Lý mới cho ta sự sống, và chỉ có tiếp cận Thực Tại – chứ không có gì khác – mới khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ, và không một ai có thể đạt đến Chân Lý cho đến khi nào anh ta mạnh mẽ.

Do đó, bất kỳ hệ thống triết học nào làm cho tâm trí yếu đuối, khiến con người trở thành kẻ mê tín, u sầu ủ rũ, thèm khát mọi điều bất khả, thần bí và mê tín thời mông muội thì tôi đều không thích, vì hậu quả của chúng thật là nguy hiểm.

Những loại triết học đó chẳng bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp; những điều như thế chỉ tạo nên tình trạng bệnh hoạn nơi tâm trí, khiến nó trở nên bạc nhược; bạc nhược đến mức, theo dòng thời gian, nó hầu như không thể đón nhận được Chân Lý hoặc sống theo Chân Lý đó.

Sức mạnh, do đó, là điều cần thiết. Sức mạnh là liều thuốc cho căn bệnh thế giới. Sức mạnh là liều thuốc mà người nghèo phải có, khi bị bọn nhà giàu chà đạp. Sức mạnh là liều thuốc mà kẻ ngu phải có, khi bị đám trí thức áp bức; và nó là liều thuốc mà những kẻ tội lỗi phải có, khi bị những kẻ tội lỗi khác chà đạp.

Không có gì đem lại sức mạnh nhiều cho bằng tư tưởng nhất nguyên; không có gì giúp chúng ta trở nên đạo đức cho bằng tư tưởng nhất nguyên; và không có gì khiến chúng ta tận lực làm việc với tất cả sức mình, khi mà mọi trách nhiệm đều đổ dồn lên ta.

Tôi thách từng người trong các bạn đấy. Các bạn sẽ xử lý ra sao nếu tôi đặt một đứa bé vào tay các bạn? Kể từ phút đó, cuộc đời các bạn sẽ thay đổi. Dù có là gì đi nữa thì kể từ phút đó, các bạn sẽ không còn ích kỷ nữa.

Các bạn sẽ từ bỏ mọi ý niệm tội ác ngay khi trách nhiệm đổ dồn lên đời mình – toàn bộ tính cách các bạn sẽ thay đổi.

Như vậy, nếu toàn bộ trách nhiệm đều đổ dồn lên đôi vai chúng ta thì chúng ta sẽ tận lực làm việc với tất cả sức mình; khi không còn ai để chúng ta mò mẫm hướng tới, không còn ma quỷ để đổ lỗi, không có Thượng Đế Nhân Thể để đỡ lấy gánh nặng cho ta; khi phải một mình gánh lấy trọng trách thì chúng ta sẽ vươn đến cảnh giới cao siêu tối diệu.

“Tôi chịu trách nhiệm về số phận mình, tôi là người đem điều tốt đẹp đến cho tôi, tôi là người mang điều xấu xa đến cho tôi. Tôi là đấng Thuần Tịnh và Hưởng Lạc Phúc. Tôi phải vất bỏ mọi tư tưởng nói điều ngược lại.

Tôi không chết và không sợ hãi, tôi không thuộc giai cấp nào và không có tín điều nào, tôi không cha không mẹ, không anh em, không kẻ thù, bởi vì tôi là Sự Hiện Hữu, là Tri Thức, là Cái Tuyệt Đối đầy Lạc Phúc; tôi là Nhất Thể đầy Lạc Phúc; tôi là Nhất Thể đầy Lạc Phúc.

Tôi không bị ràng buộc bởi đức hạnh hay tội lỗi, bởi hạnh phúc hay khốn khổ. Những cuộc hành hương, kinh sách và nghi lễ đều không thể ràng buộc được tôi. Tôi không đói cũng không khát, thân xác này không thuộc về tôi, tôi không bị ràng buộc bởi mê tín, thân xác này cũng không bị hư hoại.

Tôi là Tồn Tại, là Tri Thức, là Cái Tuyệt Đối đầy Lạc Phúc; tôi là Nhất Thể đầy Lạc Phúc, tôi là Nhất Thể đầy Lạc Phúc”.

Triết học Vedānta bảo rằng đó là lời cầu nguyện duy nhất mà ta nên có. Đây là cách duy nhất để đạt đến mục tiêu: tự nhủ với mình, và bảo với những người khác rằng chúng ta là thần thánh. Khi ta lặp đi lặp điều này thì sức mạnh sẽ đến.

Kẻ nào nản chí ngay từ đầu sẽ dần dần trở nên mạnh mẽ hơn, và tiếng nói đó sẽ càng ngày càng lớn dần cho đến khi Chân Lý chiếm trọn tâm hồn ta, lan tỏa theo từng mạch máu và thấm sâu vào thân xác ta.

Ảo tưởng sẽ tan biến khi ánh sáng càng ngày càng rực rỡ, từng khối ngu si lần lượt tan biến, và sẽ đến lúc mọi thứ khác đều biến mất, chỉ còn lại Vầng Thái Dương ngời sáng.

[1] Tức nước Anh.

[2] Tức Ấn Độ.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

2 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Theo2014



Tessie1975



2
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x