Trang chủ » Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu

Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu

by Hậu Học Văn
419 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Chúng ta không thể ngăn chặn trẻ phá hỏng mọi thứ bằng cách thuyết giáo. Khi một đứa trẻ muốn có thứ gì đó chỉ để người khác không có được nó, chúng ta thường sẽ dùng cách giảng giải với trẻ. Nhưng tính hiệu quả của những lời giảng giải này không duy trì được lâu, chẳng mấy chốc trẻ sẽ lại lặp lại việc này.

Sau khi đã có những hiểu biết cơ bản trong quá trình thực nghiệm một số tình trạng, hiện tại chúng tôi bắt đầu tiến hành nghiêm cứu, đồng thời đưa ra lí giải về những tình trạng này. Độ tuổi cũng như hứng thú bộc lộ ra ở mỗi độ tuổi chính là những tư liệu hữu ích cho chúng tôi, từ đó có thể nhận ra hành vi của trẻ và đặc trưng cao nhất của con người có khá nhiều điểm tương đồng.

Chúng ta có thể nhận ra một quá trình kiến thiết đang diễn ra trong những hiện tượng này. Nó giống như hiện tượng sâu bướm phát triển đến một thời kì nhất định vậy. Sau khi phát triển đến một mức độ nhất định, sâu bướm sẽ bò ra khỏi mặt lá, chui vào giữa hai cành cây và bắt đầu một công việc kì bí. Không lâu sau đó, chúng ta có thể thấy con sâu nhả ra một sợi tơ rất mỏng. Nó đang bắt đầu làm kén. Điều đầu tiên ở trẻ thu hút chúng ta chính là trẻ có thể chuyên tâm làm một việc gì đó. Ở trường của chúng tôi có một cô bé 3 tuổi rưỡi, khả năng tập trung chú ý của cô bé thật sự khiến chúng tôi ngạc nhiên. Khả năng này của cô bé ít khi bộc lộ và chỉ những người lớn có cá tính mới chú ý đến điểm này. Chúng ta thường cho đó là đặc điểm của thiên tài. Nhưng đối với một đứa trẻ còn nhỏ tuổi như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ không gọi đó là thiên tài. Tuy vậy nếu tình trạng này diễn ra ở nhiều đứa trẻ thì chúng ta không thể không chấp nhận một thực tế quan trọng. Giống như la bàn có thể định hướng giúp chúng ta, việc chuyên tâm làm gì đó cũng rất quan trọng đối với quá trình trưởng thành của trẻ. Tất nhiên chúng tôi không nói rằng trẻ phải dùng phương thức tương tự để tập trung hoặc chú ý đến một việc gì đó, nhưng nếu trẻ không thể tập trung làm việc, trẻ sẽ không thể phát triển một cách bình thường. Nếu không thể tập trung tinh lực, trẻ sẽ bị môi trường xung quanh làm ảnh hưởng. Trẻ thích mọi điều quanh mình, hơn nữa sẽ làm hết việc này đến việc khác. Nhưng một khi đã có thể tập trung chú ý, trẻ sẽ bình tĩnh trở lại mà sắp xếp được thế giới của riêng mình.

Chúng ta đều biết rằng, nếu một người trưởng thành cứ không ngừng thay đổi công việc, người đó sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm được công việc thích hợp với mình, giống như câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Nhưng nếu một người có mục đích rõ ràng, hiểu được nên sắp xếp công việc của mình như thế nào, người đó nhất định sẽ thành công. Chúng ta vô cùng coi trọng vấn đề này, thậm chí còn không ngừng cảnh báo các sinh viên cần có tinh thần chuyên tâm. Nhưng như vậy thì có tác dụng gì? Lời khuyên rốt cuộc vẫn chỉ là lời khuyên. Chúng ta không thể khiến người lớn chuyên tâm bằng cách khuyên bảo họ, huống hồ là khuyên đứa trẻ 3 tuổi rưỡi. Rõ ràng là trẻ nhỏ không hề có ý thức về việc sẽ tập trung sức lực của mình vào việc gì.

Việc biết tập trung vào một việc gì đó đã mang lại một nội dung mới cho tâm lí học trẻ em, nó cho chúng ta thấy tạo hóa đã dần dần định hình tính cách của một con người như thế nào. Phương pháp của tạo hóa là giúp trẻ nảy sinh một loại hứng thú đặc biệt. Loại hứng thú này thôi thúc trẻ làm những công việc mang tính sáng tạo cần thiết cho việc phát triển tính cách.

Sau khi có được khả năng tập trung vào một việc, trẻ sẽ bắt đầu có tính kiên trì. Tính kiên trì là một đặc điểm trong tính cách của con người, sau khi khả năng tập trung xuất hiện thì tính kiên trì cũng xuất hiện theo. Tôi đã từng nói rằng, trẻ nhỏ thường không ngừng lặp đi lặp lại một vài hoạt động. Việc lặp đi lặp lại này không vì bất cứ mục đích bên ngoài nào, rõ ràng là có một mục đích nội tại nào đó đang điều khiển trẻ. Sau khi tập trung hoàn tất một việc nào đó, trẻ không ngừng lặp đi lặp lại việc đó, hành vi này có tác dụng củng cố. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn khác trong quá trình hình thành tính cách. Thứ có tác dụng ở đây không phải là ý muốn của trẻ mà là ý muốn của tạo hóa. Tạo hóa đã thông qua cách này để giúp loài người hoàn thành sự nghiệp của mình.

Thực tế là việc trẻ không ngừng lặp lại một việc nào đó còn mang một tầng ý nghĩa khác, đó chính là thể hiện rõ trẻ có khả năng hoàn thành công việc của mình. Những đứa trẻ ở trường của chúng tôi có thể tự do lựa chọn làm việc gì và chúng đã bộc lộ rất chính xác loại khả năng này. Lũ trẻ làm việc không ngừng ngày này qua ngày khác. Đối với người lớn, nếu một người không biết mình muốn gì, chúng ta sẽ nói người này không có ý chí. Ngược lại, nếu một người biết rõ mình muốn gì, muốn làm gì, chúng ta nói anh ta rất có ý chí, rất có năng lực.

Hành vi của trẻ chịu ảnh hưởng của quy luật tự nhiên, còn hành vi của người lớn lại là phản ứng của tư tưởng của chính người đó. Nếu muốn rèn luyện một khả năng nào đó, trẻ sẽ không phải lúc nào cũng tuân theo yêu cầu của người khác. Sức mạnh nội tại sẽ quyết định lựa chọn của trẻ. Nếu tác dụng của sức mạnh nội tại này bị hạn chế thì sự phát triển của ý chí và khả năng tập trung của trẻ cũng sẽ bị hạn chế. Vì vậy, nếu chúng ta muốn trẻ có được những năng lực này thì cần phải đưa chúng ta xa rời khỏi những ảnh hưởng của người lớn. Trẻ cũng sẽ thoát khỏi sự khống chế của người lớn một cách bản năng. Nếu nghiên cứu thêm về năng lực này của trẻ, chúng ta sẽ phát hiện nó rất logic. Nhưng trẻ không làm mọi việc tuân theo logic mà làm việc dưới ảnh hưởng của quy luật tự nhiên. Tạo hóa đã vạch sẵn cho trẻ con đường phát triển. Sự phát triển của con người và động vật có điểm tương đồng rất lớn, đó là đều tuân theo con đường phát triển đã định sẵn, đồng thời cố gắng thoát khỏi sự trói buộc của cá thể trưởng thành. Quy luật tự nhiên điều khiển sự phát triển và trưởng thành. Nếu một người muốn xây dựng tính cách của riêng mình, hoàn thiện bản thân thì phải tuân theo quy luật này.

Con người có thể sẽ chờ đợi sự định hình từng phần trong tâm lí nhân loại. Qua quan sát, chúng ta sẽ phát hiện quá trình này không phải là kết quả của giáo dục mà là kết quả chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên. Đó là công lao của tự nhiên chứ không phải công lao của bản thân con người. Đó là một công việc sáng tạo chứ không phải việc giáo dục. Ngoài ra, có một thay đổi rõ ràng khác có thể giúp làm rõ điều này. Những đứa trẻ gặp trở ngại, chưa phát triển hoàn toàn, sau khi cố gắng trở lại trạng thái bình thường thì những đặc điểm tính cách cũng sẽ xuất hiện trở lại.

Một ví dụ rõ ràng là tâm lí chiếm hữu của trẻ. Một đứa trẻ bình thường có thể tự do lựa chọn việc mình thích làm, điều này sẽ khiến trẻ không đặt sự chú ý lên bản thân sự vật mà chú ý vào tri thức bao hàm trong sự vật đó. Vì vậy, tính chiếm hữu của trẻ trải qua một quá trình thay đổi. Chúng ta sẽ ngạc nhiên phát hiện ra rằng, một khi đã có được thứ mình muốn, trẻ sẽ làm hỏng hoặc làm mất thứ đó. Dường như ham muốn chiếm hữu và ham muốn phá hoại là bạn đồng hành của nhau. Nhưng vì không có thứ gì có thể mãi mãi khiến con người hứng thú nên hành vi này của trẻ không phải là khó hiểu. Ví dụ như chiếc đồng hồ – vật dùng để biểu thị thời gian, đó là giá trị thật sự của đồng hồ. Nhưng một đứa trẻ thậm chí không hiểu thời gian nghĩa là gì, khi cầm trong tay một chiếc đồng hồ rất có thể sẽ làm hỏng nó. Đứa trẻ lớn hơn một chút có thể biết đồng hồ dùng để làm gì, sau khi có được chiếc đồng hồ, nó sẽ cố gắng tìm hiểu đồng hồ được làm như thế nào. Nó sẽ cẩn thận mở đồng hồ ra, tỉ mỉ quan sát xem bánh răng và kim đồng hồ làm việc ra sao. Nhưng điều này cũng đồng thời chứng tỏ rằng, sự hứng thú của trẻ không còn nằm ở bản thân cái đồng hồ, mà đã chuyển sang tập trung vào nguyên lí hoạt động của đồng hồ. Thứ mà trẻ muốn không phải là bản thân sự vật mà là tìm hiểu sâu về sự vật.

Cố gắng tìm hiểu cách vận hành của vật thể là loại hình thứ hai của tâm lí chiếm hữu, nó có thể có nhiều hình thức biểu hiện. Trẻ hái hoa là để sau đó có thể vứt bỏ hoặc phá nát nó. Trong tình huống này, ham muốn chiếm hữu và ham muốn phá hoại tồn tại đồng thời. Nhưng nếu trẻ đã hiểu rõ về hoa, biết rõ mỗi bộ phận trên bông hoa, trẻ sẽ không hái hoa cũng như không làm nát bông hoa đó. Trẻ sẽ chỉ nghiên cứu tỉ mỉ bông hoa. Hứng thú của trẻ đã có tính tri thức nhất định, thứ trẻ muốn chiếm hữu là tri thức. Cũng tương tự như vậy, có thể vì muốn có được một chú bướm mà trẻ sẽ giết chết chú bướm đó, nhưng nếu hứng thú của trẻ tập trung vào côn trùng hoặc vai trò của côn trùng trong môi trường, trẻ sẽ quan sát chú bướm một cách tỉ mỉ chứ không tìm cách bắt hoặt giết chết. Kiểu ham muốn chiếm hữu tri thức này thể hiện ở việc trẻ say mê trước môi trường xung quanh. Có thể nói rằng, trẻ “yêu tha thiết môi trường xung quanh mình”. Tình yêu này khiến trẻ làm mọi việc một cách vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ.

Khi tính chiếm hữu là vì mục đích có được tri thức thì nó đã đạt đến trình độ cao hơn, dẫn dắt trẻ mở ra cánh cửa tri thức rộng lớn. Cũng tương tự như vậy, tính hiếu kì cũng sẽ trở thành động lực, kích thích trẻ nghiên cứu khoa học. Khi cảm thấy hiếu kì trước một sự vật nào đó, nó sẽ lan tỏa sang các sự vật khác nữa. Thông qua quan sát những đứa trẻ trong trường của mình, chúng tôi đã hiểu được tâm lí chiếm hữu này chuyển thành tâm lí yêu quý và bảo vệ như thế nào. Những đồ dùng luyện tập của bọn trẻ chưa từng bị thiếu trang, bị bôi bẩn hay có dấu vết bị chà xát. Chúng hoàn toàn sạch sẽ.

Tất cả những người thành công trong lịch sử đều có bản tính theo đuổi sự hoàn mĩ. Họ lí giải sự sống bằng đủ thứ phương pháp, từ đó bảo vệ và phát triển sự sống, cuối cùng trợ giúp sự sống bằng trí tuệ của mình. Chẳng phải những người nông dân đang từng ngày chăm sóc cây trồng và vật nuôi của mình, còn các nhà khoa học thì ngày đêm nghiên cứu khoa học hay sao? Tính chiếm hữu của con người khởi đầu bằng việc phá hoại và kết thúc bằng việc yêu thương và phục vụ người khác. Đứa trẻ trước kia từng phá hỏng cây cối trong vườn, nay đã bắt đầu biết tỉ mỉ quan sát sự sinh trưởng của thực vật. Cậu không còn nói “những cái cây đó là của cháu” mà nói “cái cây đó…”, tình yêu và sự thăng hoa đó bắt nguồn từ một ý thức mới xuất hiện trong tâm lí của trẻ.

Chúng ta không thể ngăn chặn trẻ phá hoại mọi thứ bằng cách thuyết giáo. Khi một đứa trẻ muốn có thứ gì đó chỉ để người khác không có được nó, chúng ta thường sẽ giảng giải cho trẻ. Nhưng tính hiệu quả của những lời giảng giải này không duy trì được lâu, chẳng mấy chốc trẻ sẽ lại lặp lại việc này. Chỉ có công việc và sự tập trung mới mang lại cho trẻ tình yêu và tri thức, mới khơi dậy những điều tốt đẹp ẩn chứa sâu bên trong tâm hồn trẻ. Học tập, yêu thương và phục vụ người khác là đặc trưng chủ yếu của tất cả các tôn giáo, nhưng người kiến tạo tinh thần thật sự của loài người là trẻ em. Chúng cho ta biết tạo hóa dạy ta làm việc như thế nào, chúng cũng cho ta biết tạo hóa sắp xếp sự phát triển và trưởng thành của con người căn cứ vào quy luật nhất định ra sao. Đối với chúng ta, thứ quan trọng không phải là vật lí học, thực vật học, cũng không phải là những tác phẩm thủ công của con người, mà điều quan trọng là ý chí và tinh thần của con người đang không ngừng hoàn thiện. Trẻ em chính là người sáng tạo tinh thần của con người. Những thứ gây trở ngại cho sự phát triển tự do của trẻ cũng giống như những viên đá trên bức tường, sẽ trói chặt lấy tâm hồn con người.

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x