Trang chủ » Thứ ba, 10 tháng 3 năm 1983

Thứ ba, 10 tháng 3 năm 1983

by Hậu Học Văn
153 views

Hôm trước, ta đi dạo trên một con đường rừng vắng vẻ. Xung quanh ta là cả một sự im lặng bao la, tràn ngập âm điệu của mặt đất, xa hẳn mọi ồn ào náo nhiệt của phố thị và của những gì mà con người đã xây dựng lên để thống trị và bảo vệ. Ta lặng lẽ bước đi để khỏi làm kinh động những sinh vật trong vùng – những bụi rậm, những cây cối, những con châu chấu, những con chim. Ở khúc quẹo, hai con vật tí hon đang tranh chấp nhau.

Chúng đánh nhau theo cách nhẹ nhàng của chúng. Chị này tìm cách đuổi chú kia, kẻ đột nhập đang tìm cách chui vào cái hang đã có chủ nhưng bị khổ chủ ngăn lại không cho vào. Cuối cùng sở hữu chủ đã thắng, kẻ xâm nhập phải cao chạy xa bay. Sự tĩnh mịch lại trở về, với một cảm thức cô độc sâu xa. Ngước nhìn lên, ta thấy con dốc thật cao trên núi và gần đấy là tiếng thì thầm của một ngọn thác, đẹp và hùng vĩ làm sao, khiến vẻ trang nghiêm kiêu hãnh ngạo nghễ mà con người theo đuổi phải thua xa.

Con vật bé nhỏ đã đồng hóa mình với mảnh đất của nó, ta cũng thế. Ta cố đồng hóa với giống nòi ta, văn hóa ta, với những thứ mà ta tin tưởng, với một nhân vật huyền bí hay một đấng cứu rỗi, một quyền thế nào đó. Dường như bản chất con người là muốn đồng hóa mình với một cái gì. Có lẽ chúng ta thừa hưởng bản năng của con vật bé nhỏ kia. Vì sao có lòng khao khát được đồng hóa ấy? Sự đồng hóa vào những nhu cầu của thân thể thì dễ hiểu – nào là cần cơm ăn áo mặc chỗ ở v.v. … Nhưng từ trong tâm khảm, chúng ta tìm cách đồng hóa mình với quá khứ, với truyền thống, với sự ngông cuồng lãng mạn hay với một biểu tượng đáng kính. Và sự đồng hóa này chắc chắn cho ta một cảm giác an toàn, vững bụng, cảm thấy mình thuộc vào một cái gì, sở hữu một cái gì. Ta thấy mình được an ủi vô cùng. Ta tìm thấy an ổn trong đủ loại ảo tưởng, và hình như con người cần rất nhiều ảo tưởng.

Xa xa vẳng lên một tiếng kêu của một con cú mèo, rồi một tiếng đáp trả từ bên kia thung lũng vọng lại. Trời vẫn còn tờ mờ sáng. Những tiếng động của ban ngày chưa bắt đầu, vạn vật vẫn còn yên tĩnh. Có cái gì lạ lùng thiêng liêng khi mặt trời lên, như thể một bài cầu nguyện, một khúc thánh ca dành cho ánh triêu dương êm đềm. Ánh sáng lúc ấy rất ôn hòa. Gió cũng chưa muốn xuất hiện. Tất cả thảo mộc, cây cối, bụi bờ đều thanh thản lặng yên chờ đợi. Mặt trời còn nửa tiếng mới thức dậy, và rạng đông từ từ bao phủ mặt đất đang bất động một cách lạ lùng.

Và khi vầng dương đỏ rực vừa lướt qua thì chóp núi cao nhất cũng từ từ tỏa ánh sáng. Làn tuyết tinh khôi vẫn còn nguyên vẹn dưới ánh nhật quang.

Khi ta leo lên triền núi, để lại phía dưới những con đường làng với tiếng ồn của mặt đất, những con châu chấu, chim cút và các loài chim bắt đầu hát ca mừng ánh triêu dương, đón chào một ngày mới. Khi mặt trời lên, con người mình hòa tan vào trong ánh sáng ấy, bỏ hết mọi tạo tác của tư tưởng. Nó hoàn toàn tự xóa mình, tâm trống rỗng không còn phấn đấu và khổ đau. Trong chuyến đăng sơn ấy, ta không còn thấy mình tách biệt với vũ trụ, không cả cái cảm giác mình là những con người. Sương mù đầu hôm thong thả dồn lên trong thung lũng – chúng ta cũng thế, càng ngày càng lấn sâu vào ảo tưởng, sự mơ mộng hão huyền, cái ngây ngô của cuộc đời như sương mù càng lúc càng dày đặc.

Một lúc thật lâu sau, ta đi trở xuống trong tiếng thì thào của gió, của côn trùng hòa lẫn với tiếng kêu của các loài chim. Sương mù tan dần theo từng bước chân ta. Chẳng mấy chốc ta đi ngang qua các con đường, các cửa hiệu và sự rực rỡ của bình minh tan biến mau chóng. Guồng máy thường nhật lại hoạt động, đượm những thói quen của công viêc, những tranh chấp làm con người chống trái lẫn nhau, những chia rẽ tạo nên bởi đủ thứ phân biệt, những tư tưởng linh tinh, sự chuẩn bị chiến tranh, nỗi đau trong lòng và nỗi khổ triền miên của nhân loại.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x