Trang chủ » Thứ ba, 26 tháng 4 năm 1983

Thứ ba, 26 tháng 4 năm 1983

by Hậu Học Văn
143 views

Con chim đang hấp hối vì bị người ta bắn phải. Nó vừa mới bay lượn thoải mái, khoan thai, oai vệ ấy thế mà một phát súng nỡ hạ gục nó. Khi nó rơi xuống đất, tất cả sự sống đã rời xa nó. Con chó đã mang nó lại trong khi tên thợ săn đi nhặt những con chim chết khác. Hắn nói chuyện với bạn và hoàn toàn thản nhiên trước cái chết của chim. Công việc của hắn là bắn cho được thật nhiều chim, chỉ có thế. Trên khắp địa cầu nơi nào cũng có sự giết hại. Những chú cá voi, sinh vật tuyệt vời to lớn của biển cả, bị giết hàng ngàn. Cọp và biết bao thú hoang khác hiện có mối nguy tuyệt chủng, nhưng chỉ có con người là thú vật duy nhất đáng sợ.

Anh bạn xem ra là người đã gặp rất nhiều cọp. Thiếu thời anh đã tham gia một chuyến đi săn, một hành động gớm ghiếc mà anh không ngớt hối hận. Sự tàn nhẫn đã lan rộng khắp thế giới bằng nhiều cách khác nhau. Có lẽ thuở xưa con người chưa đến nỗi tàn ác, bạo động như bây giờ.

Các nhà thờ, các linh mục trên toàn thế giới đã từng nói đến hòa bình trên trái đất; tất cả, từ những vị thượng thủ của giai cấp Thiên chúa giáo cho đến những linh mục quèn trong làng đều khuyến dụ con người hãy sống đời sống thanh cao, đừng làm điều quấy, không nên giết hại; đặc biệt là những Phật tử và những người Ấn giáo từ xa xưa đã từng dạy:  “Không được giết cho đến một con muỗi, đừng sát sanh, vì ngươi sẽ phải bị quả báo trong kiếp sau”. Sự khẳng định này tương đối mộc mạc, tuy nhiên một số người đã duy trì tinh thần ấy theo nghĩa không giết đồng loại, không làm khổ đồng loại.

Nhưng việc sát sinh vẫn tiếp diễn với những cuộc chiến tranh. Con chó gặp con thỏ là giết ngay lập tức; hoặc người này giết người khác bằng những máy móc tuyệt hảo, để rồi đến lượt mình chẳng mấy chốc cũng bị giết. Sự tàn sát cứ tiếp diễn từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ kia. Người thì giết hại như một môn thể thao, người thì giết vì thù hận, giận dữ hay ghen tuông, và cuộc tàn sát cứ tiếp tục, được các quốc gia tổ chức bằng sự trang bị vũ khí. Ta phải tự hỏi con người có thể nào sống an bình trên trái đất tuyệt vời này mà không giết hại một sinh vật nhỏ bé, không giết đồng loại cũng không bị giết; con người có thể nào sống trong hòa bình với một chút thương yêu thánh thiện trong lòng mình chăng.

Dạo trước, nhân dịp nghỉ hè trên những ngọn đồi tại nhà một người bạn, ta tiếp một người khách kể rằng đêm hôm trước một con cọp đã giết một con bò. Anh hỏi ta tối nay có muốn xem cọp không. Anh đề nghị dựng một sàn nhà trên một cái cây, rồi cột con dê dưới gốc cây ấy. Tiếng dê kêu sẽ làm cọp chú ý đến gần, như thế mọi người sẽ dễ nhìn thấy cọp. Cả người bạn lẫn ta đều không muốn đáp ứng nỗi tò mò quá tàn nhẫn này. Nhưng lát sau bạn ta lại gợi ý đi xe hơi đến rừng gặp cọp.

Thế là chúng ta nhờ tài xế đưa đi bằng chiếc xe mui trần rồi lên đường đến khu rừng cách đó hàng bao nhiêu cây số. Đương nhiên là chúng ta không phân biệt gì cả. Màn đêm tối sẫm, đèn pha từ xe chiếu ra, và ô kìa, con cọp ở ngay khúc quanh! Nó như nằm đấy chờ chúng ta. Con vật mới to làm sao, với những đường vằn thật đẹp, mắt sáng quắc trong ánh đèn pha. Nó gầm gừ tiến đến chiếc xe và lướt tới rất gần bàn tay ta đang dang ra, khiến chủ nhà la lên: “Đừng đụng vào nó, nguy hiểm lắm, rút nhanh tay vào, nó phóng còn nhanh hơn tay Ngài rút vào nữa đấy.” Nhưng ta cảm nhận được nguồn năng lực, sức sống của con vật kia, đúng là một dynamo. Ta cảm nhận được một sức hấp dẫn lạ lùng khi nó đi qua rồi biến mất vào khu rừng.

Trong phần này của thế giới mà ta gọi là phương Tây, con người có lẽ đã giết hại nhiều hơn ai hết. Họ luôn nói đến hòa bình trên thế giới. Nhưng muốn có hòa bình thì phải sống thật hài hòa, và điều này dường như hoàn toàn không thể xảy ra được. Có rất nhiều lý lẽ chống đối hoặc ủng hộ chiến tranh. Một số nói rằng con người đã, đang và sẽ mãi mãi là kẻ ưa giết hại, một số khác lại khẳng định con người có thể thay đổi, không giết hại nữa. Đó quả là vấn đề thật xưa cũ. Bất kể có nhiều loại tôn giáo đến đâu, cửa hàng thịt cũng đã thành một tập quán, một phương sách được chấp nhận.

Hôm trước ta quan sát một con chim ưng đuôi đỏ. Nó nhào lộn thoải mái trên bầu trời cao, không vỗ cánh để được gió đẩy đưa. Một con khác đến nhập bọn và chúng cùng nhau bay lượn khá lâu. Cặp chim trên bầu trời xanh trông mới đẹp làm sao. Ai giết chúng thật là tội đầy trời. Đương nhiên trời thần không thật có, chỉ do hy vọng hão huyền mà con người đã đặt ra, khi mà cuộc sống của họ ngày càng biến thành địa ngục, thành một đấu trường bất tận. Từ khi sinh ra cho đến khi chết, con người bôn ba kiếm tiền, làm việc không ngừng nghỉ. Cuộc sống trở nên quay cuồng, công việc và đấu tranh cứ tiếp diễn. Ta tự hỏi nhân loại có bao giờ sống được an bình trên trái đất này không. Cuộc sống là một đấu trường từ thâm tâm, lãnh vực tâm lý, lan đến bên ngoài, vào trong cái xã hội do tâm tạo.

Có lẽ tình yêu đã hoàn toàn biến mất trên đời. Yêu thương là độ lượng, ân cần, không làm hại kẻ khác, không làm cho người ta có mặc cảm phạm tội, sống khoan hòa, nhã nhặn, ứng xử làm sao để lòng từ bi toát ra qua lời nói và hành động. Chắc chắn là ta không thể có lòng từ khi ta thuộc vào một hệ thống tôn giáo có tổ chức. Những hệ thống này luôn muốn bành trướng, quyền uy, bám lấy truyền thống và giáo điều, đặt nặng về đức tin. Muốn yêu thương thì phải được tự do. Tình yêu không phải là lạc thú, ham muốn, hoài niệm về những gì đã qua. Tình yêu không phải là cái đối nghịch với ganh tị, hận thù và giận dữ.

Tất cả chuyện này có vẻ ảo tưởng, không thực tế, xa vời. Nhưng nếu bạn tưởng thế thì bạn sẽ tiếp tục sát sinh. Tình yêu cũng thật, cũng mãnh liệt như cái chết. Tình yêu không liên quan gì đến trí tưởng tượng, tình cảm hay mộng mơ, cũng không dính dấp gì đến quyền năng, địa vị hay uy lực. Tình yêu vừa hùng mạnh như sóng biển cả, lại vừa phẳng lặng như mặt nước đứng yên. Tình yêu dồi dào mạnh mẽ như giòng nước tuôn vào cõi vô cùng và chảy mãi không có chấm dứt cũng chẳng có bắt đầu.

Thế nhưng kẻ giết hại những chú bé hải cẩu hay những bác cá voi khổng lồ lại chỉ bận rộn với viêc mưu sinh. Kẻ ấy sẽ nói: “Tôi sống bằng nghề đánh cá, đấy là việc làm của tôi.” Cái mà ta gọi là tình yêu không liên quan gì đến kẻ ấy. Có thể kẻ ấy yêu gia đình, y nghĩ thế – nhưng lại không quan tâm đến cách kiếm ăn của mình. Có lẽ đấy là một trong những nguyên nhân làm đời kẻ ấy bị phân thành từng mảnh từng đoạn; đa số những kẻ như vậy không bao giờ có vẻ yêu thích công việc mình làm.

Nếu ta sống bằng nghề mà ta ưa thích thì sự thể lại hoàn toàn khác hẳn, ta sẽ hiểu sự sống một cách toàn diện. Nhưng người ta lại phân chia cuộc đời thành nhiều mảnh, đoạn: lĩnh vực doanh thương, lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, chính trị, tôn giáo … Ta dường như xem những mảnh đời này khác hẳn nhau và chúng phải là như thế. Do đó ta trở nên giả dối, làm những việc xấu xa, chạy theo sự đồi trụy hư hỏng trong đời sống doanh nghiệp rồi khi về nhà lại sống yên ổn trong tổ ấm gia đình. Điều ấy tạo nên đời sống hai mặt, giả đạo đức.

Trái đất thật tuyệt vời. Con chim kia sáng nào cũng đứng trên cành cây cao nhất. Nó ngự trị thế gian nhưng vẫn luôn luôn nhạy bén sợ con chim to hơn sẽ giết nó. Nó nhìn những đám mây, cái bóng đang đi qua và mặt phẳng bao la của trái đất phong phú với những suối và rừng, với tất cả những con người đang làm việc từ sáng đến tối. Trong thế giới tâm lý, mọi ý tưởng đều nhất thiết gợi lên nỗi u sầu. Ta phải tự hỏi không biết con người có bao giờ thay đổi chăng, nếu không nhiều thì ít nhất cũng vài người rất hiếm có. Những nhân vật đặc biệt này sẽ biết được mối tương quan. Khi ấy thì mối liên hệ giữa đám đông đại đa số, với số ít người hiếm hoi này, sẽ ra sao? Đa số không liên lạc gì với những người này; nhưng những người này lại thấy mình có liên quan đến toàn thể nhân loại.

Nhìn xuống đáy thung lũng, ngồi trên tảng đá gần một con thạch sùng, ta không dám cử động để nó đừng bị quấy rầy, đừng hoảng sợ. Nó cũng đang nhìn. Cuộc sống tiếp tục: con người bày đặt ra thần linh, vâng lời giai cấp đại biểu cho thần thánh trên trái đất; và tất cả sự lừa bịp này, những ảo tưởng trơ trẽn này có lẽ vẫn tồn tại. Thế là hàng ngàn vấn đề cùng mối hỗ tương lệ thuộc giữa chúng trở nên ngày càng phức tạp. Chỉ có trí tuệ phát sinh từ tình yêu và đức bi mẫn mới có thể giải quyết tất cả những rắc rối cuộc đời. Trí tuệ ấy là dụng cụ duy nhất không bao giờ hoen rỉ.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x