Trang chủ » Thứ ba, 27 tháng 3 năm 1984

Thứ ba, 27 tháng 3 năm 1984

by Hậu Học Văn
115 views

Để đi từ sân bay đến đường cao tốc ta phải đi qua cái vô vị, bất an của khoảng không gian rộng lớn hàng bao nhiêu cây số của đô thị với những ngọn đèn hư ảo và tiếng ồn inh ỏi. Qua khỏi đường hầm ta đột nhiên thấy mình ở trước Thái Bình Dương. Ngày thật sáng, gió đi vắng, hoàng hôn chưa đến nên không khí còn mát trước khi bị thán khí làm ô nhiễm. Biển êm đềm hệt như mặt hồ rộng lớn. Ánh nhật quang còn thơ thẩn trên ngọn đồi nên dòng nước sâu thẳm của Thái Bình Dương đượm màu sông Nil. Màu xanh dương nhạt ban nãy ở bờ biển vừa nhẹ biến sắc, chim chóc nô đùa và ở bờ xa xa ẩn hiện bác cá voi.

Sáng nay trên suốt con đường dọc theo bờ biển, xe hơi qua lại rất ít. Nhưng khắp nơi trên những ngọn đồi lại rải rác những căn nhà của những người giàu có. Con đường uốn khúc theo bờ biển may mắn thay tránh được một thành phố khác.

Ở đó có một trung tâm hàng hải với dụng cụ tân tiến dành để tiêu diệt con người. Đi dọc theo trung tâm đó xong ta rẽ phải quay lưng với biển cả, những giếng dầu và ngang qua những vườn cam thơm ngát, một sân golf ta đến một ngôi làng. Tất cả những lá cây đều lấp lánh trong ánh sáng. Nét thanh bình tỏa khắp thung lũng êm đềm xa hẳn đám đông ồn ào và nhạt nhẽo.

Xứ sở này đẹp quá, bao la quá. Nào là xa mạc, nào là núi non phủ tuyết, nào lầ thôn làng, những thành phố lớn và những con sông đẹp mê hồn. Nào là thảo nguyên kỳ diệu bát ngát chứa chan.

Ta bước vào căn nhà thật yên tĩnh và êm đềm vừa được xây cất và trang hoàng sạch sẽ đến nỗi các ngôi nhà ở thành phố không sao sánh bằng. Có nhiều hoa lắm, nhất là hoa hồng. Đây quả là nơi thuận tiện cho nghỉ ngơi, không phải về dinh dưỡng mà về an bình nội tâm. Sự thanh tịnh là một ân sủng lớn, làm trong sạch trí óc và ban cho nó sức sống. Bầu tĩnh mịch này bao hàm một năng lực dũng mãnh không phải là sức mạnh của tư duy hay máy móc mà là tinh túy trong sạch đến nỗi tuy duy không thể với tới. Năng lực này chất chứa một uy quyền với những năng khiếu vô biên. Ở đây, nơi này trí óc có thể vừa linh hoạt vừa hoàn toàn lặng lẽ. Như thế sinh động mãnh liệt của trí óc được thấm nhuần chất lượng, chiều sâu và cái đẹp của tĩnh mịch.

Ta đã từng nói là giáo dục cốt để phát triển toàn bộ trí óc chứ không phải chỉ một phần của nó. Đó là sự đào luyện con người toàn diện. Các trường trung học cần phải dậy môn tôn giáo song song với môn khoa học. Khoa học chính thực là môn học về hiểu biết có phải không? Chính khoa học đã góp phần gây nên tình trạng căng thẳng hiện nay của thế giới. Chính tri thức khoa học đã sáng chế ra khí cụ kinh khủng mà trước kia con người chưa từng biết đến. Khí cụ này chỉ có thể trong vòng vài giây đã tiêu diệt toàn bộ những thành phố khiến hàng triệu người biến ra tro.

Tuy nhiên khoa học cũng đem lại nhiều lợi ích hiển nhiên, thông tin y học và giải phẫu và vô số những chuyện nhỏ tạo thoải mái cho con người, giúp họ sống dễ dàng hơn, giảm thiểu nỗi khó nhọc bất tận gắn liền với sự kiếm sống, công việc nhà, v.v… Khoa học cũng ban cho ta một thần tính hiện đại là chiếc máy vi tính. Ta có thể kể hết những lợi ích mà khoa học đã đem đến cho loài người cũng như những phương tiện để nhân loại tự sát và tiêu diệt toàn bộ vẻ đẹp bao la của thiên nhiên. Những nhà cầm quyền sử dụng những nhà bác học và những người này thích làm việc cho những nhà cầm quyền để có địa vị có tiền được tôn kính.

Con người cũng hướng về khoa học để có được thế giới hòa bình nhưng điều này thì thất bại, chính trị và chính khách cũng không thành công trong việc đem sự an toàn thực sự đến cho con người. Một nền hòa bình trong đó con người có thể sống để không những vun xới ruộng đồng của họ mà còn trau rồi cả trí óc lẫn trái tim và nghệ thuật sống nghĩa là cái nghệ thuật tối cao.

Nhưng chính những nền tôn giáo được công nhận theo truyền thống với những tín điều và tín ngưỡng của chúng lại là nguyên nhân của muôn vàn khổ đau trên đời. Những tôn giáo này phải chịu trách nhiệm về vô số cuộc chiến tranh trong lịch sử vì đã xui khiến con người chống lại con người. Hiện tượng này thỉnh thoảng tái diễn khi một lục địa có binh hùng tướng mạnh áp đặt những tín ngưỡng lễ nghi và tín điều mình theo trong một lục địa yếu kém hơn đang theo tín ngưỡng, biểu tượng và lễ nghi khác. Đó không phải là tôn giáo mà chỉ là sự lặp lại một truyền thống, nghi lễ đã mất hết ý nghĩa mà chỉ gây ra một loại kích thích. Việc ấy đã trở thành một món giải trí khổng lồ.

Tôn giáo đúng ra là một cái gì hoàn toàn khác hẳn như ta đã thường nói, cốt tủy của nó là tự do nhưng không có nghĩa là tự do làm điều gì mình cho là tốt. Thái độ ẫu trĩ, vô trách nhiệm và mâu thuẫn chỉ gây nên khốn khổ, tranh chấp và hỗn tạp. Tự do còn là tất cả những gì khác khác thế, nó đòi hỏi một đời sống không xung đột tâm lý, nội tâm và trong tự do thì trí óc là một khối đồng nhất, không phân chia manh múm. Tự do cũng bao hàm tình yêu, lòng trắc ẩn và trí tuệ. Thông minh nằm sẵn trong tình thương và tâm bi mẫn.

Ta có thể mãi mãi đi sâu vào địa hạt này không bằng lời hay trí óc mà sống với nội tâm thấm nhuần bản chất từ bi. Ở trường trung học, khoa học tượng trưng cho sự hiểu biết. Hiểu biết này tuy có thể lan rộng vô cùng nhưng lại luôn bị giới hạn vì tất cả mọi hiểu biết đều dựa trên kinh nghiệm. Một kinh nghiệm đôi khi chỉ dựa trên giả thiết. Tri thức là cần thiết nhưng bao lâu mà khoa học còn đại diện cho hoạt động của một nhóm, một quốc gia tách rời với toàn khối vũ trụ, một kiểu sinh hoạt theo bộ lạc thì tri thức ấy chỉ gây nên tranh chấp lớn hơn, rắc rối lớn hơn trên đời. Đó chính là tình trạng đang xảy ra.

Khoa học và tri thức khoa học không dành để tiêu diệt nhân loại vì chung quy khoa học gia cũng là những con người chứ không chỉ là những chuyên gia. Họ cũng thèm khát, tham lam, tìm an ninh cho riêng mình như tất cả mọi người trên thế giới, họ cũng như bạn và tôi nhưng ngành chuyên môn của họ ngoài ơn ích còn gây nên một sự phá hoại khủng khiếp mà hai trận chiến vừa qua đã chứng minh rõ ràng. Nhân loại như bị cuốn hút vào hành vi bất tuyệt, phá hoại rồi lại xây dựng.

Người ta tiêu diệt con người rồi lại sinh sôi ra một dân số lớn hơn rất nhiều. Nhưng nếu tất cả những nhà bác học trên thế giới đều từ chối guồng máy xoay vần này mà tuyên bố rằng chúng tôi không muốn tham gia vào chiến tranh, vào tiêu diệt nhân loại thì họ nên đem sự chú tâm, tài hoa và nỗ lực của mình đóng góp vào mối giao hảo tốt đẹp hơn giữa con người với môi trường thiên nhiên.

Nếu một số người tuy không đại diện cho tinh hoa của xã hội nhưng lại nhất trí với nhau thì họ có thể cống hiến tất cả tài năng của mình vào việc tạo dựng nên một xã hội hoàn toàn khác hẳn.

Tôn giáo và khoa học lúc ấy có thể hòa hợp nhau. Tôn giáo là một khía cạnh của khoa học, khuynh hướng của nó là nhận biết và vượt qua mọi hiểu biết bao chùm cùng một lúc thiên nhiên và vũ trụ bao la. Không phải qua kính hiển vi mà bằng cái vô biên của trí óc và tấm lòng, và cái vô lượng ấy chắc chắn không liên quan đến tôn giáo có tổ chức dưới bất cứ một hình thức nào. Con người dễ trở thành công cụ của chính đức tin của mình, của lòng cuồng tín của mình, buồng ràng với một giáo điều không thực tế.

Không một đền đài nào, một thánh đường nào, một nhà thờ nào gìn giữ chân lý mà chỉ là những biểu tượng mà biểu tượng thì không phải sự kiện. Tôn vinh biểu tượng làm con người xa hẳn thực tế, xa cả chân lý nhưng oái oăm thay biểu tượng lại được xem trọng hơn chân lý. Chính biểu tượng là thứ mà người ta tôn kính. Tất cả những tôn giáo có tổ chức đều dựa trên niềm tin và xác quyết mà mọi niềm tin dù thuộc chính trị hay tôn giáo đều là yếu tố gây chia rẽ.

Nơi nào có chia rẽ thì nơi ấy khó tránh khỏi tranh chấp. Và một nhà trường thì không được là nơi có xung đột mà phải là nơi giành cho việc học, nghệ thuật sống, đó là nghệ thuật vĩ đại hơn tất cả nghệ thuật vì nó đào luyện con người toàn diện chứ không chỉ đào luyện một khía cạnh dù tốt đẹp đến đâu. Và trong một trường học như thế, nơi mà nhà giáo dục thực sự dấn thân vào nghệ thuật ấy nhưng không xem như nó như một lý tưởng mà như một chuyện đương nhiên của đời sống hàng ngày.

Xin nhắc lại lần nữa nếu nhà giáo dục biết dấn thân cho nghệ thuật toàn diện ấy mà không xem như mình đã thực hiện một giấc mơ lý tưởng thì họ có thể tìm thấy trong tài nguyên của trí óc một phương pháp sống giải thoát khỏi những rắc rối, đấu tranh mâu thuẫn và khổ đau. Tình yêu không phải là một diễn tiến có thể thoát thai từ nỗi đau khổ, khắc khoải cô đơn, tình yêu không ở trong thời gian và nếu đủ kiên trì nhà giáo dục có thể reo cho học sinh đồng lúc với sự hiểu biết một tinh thần tôn giáo đích thực vượt xa mọi tri thức.

Có thể nói nó chính là cùng đích của tri thức, vì cần phải ra khỏi tri thức mới hiểu được cái vĩnh cửu, cái không thuộc thời gian. Tri thức thuộc về thời gian, nhưng tôn giáo thì vượt ngoài trói buộc của thời gian.

Dường như điều thật cấp bách và quan trọng là chúng ta nên góp phần đào tạo một thế hệ mới, cho dù cả thế giới chỉ có sáu người làm công việc ấy họ cũng đủ đem lại một thay đổi lớn lao. Nhưng nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục, thiên chức của vị ấy là thiên chức cao quý nhất trên đời.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x