Trang chủ » Thứ bảy, 23 tháng 4 năm 1983

Thứ bảy, 23 tháng 4 năm 1983

by Hậu Học Văn
102 views

Những đám mây còn tụ lại phía trên các dãy đồi, trên thung lũng, trên núi. Thỉnh thoảng, thoáng qua khe hở của lùm mây, mặt trời xuất hiện, linh động và sáng sủa. Khí trời sáng hôm nay thật dễ chịu, bầu tươi mát lan khắp cỏ cây. Đến mùa hè ánh triêu dương sẽ thiêu đốt tất cả, các đồng cỏ trong thung lũng sẽ bị gió làm khô héo, và màu xanh của thảo mộc sẽ biến mất.

Những buổi sáng thanh tịnh đều tuyệt vời. Những quả cam huy hoàng khoe sắc trong tùm lá sum sê, bóng bẩy, sáng chói. Và hương thơm nồng nàn của hoa cam tỏa khắp không gian khiến không khí ngột ngạt. Còn có một loại cam khác sẽ chín sau, trước khi sức nóng của mùa hè tràn đến. Cây phải chất chứa cùng một lúc nào hơi nhiệt, nào hoa, nào trái và cả lá nữa. Thế gian này đẹp quá, thế mà con người lại nỡ thờ ơ phá hoại mặt đất, ao hồ với nước trong mát, sông ngòi với các vũng cạn.

Hãy bỏ mặc mọi thứ để theo con đường nhỏ hẹp này đến ngọn đồi có dòng suối bé con sắp khô kiệt. Cùng với anh bạn, ta vừa đi vừa trao đổi vài lời và quan sát cây cỏ đang độ sung sức về màu sắc. Có rất nhiều màu sắc, từ màu xanh lá cây nhạt như màu xanh của sông Nil – hình như là xanh lá cây nhạt hơn một chút, pha lẫn một ít xanh nước biển – đến màu xanh đậm, xa xỉ, rạng rỡ vì nét phong phú. Và trên con đường hẹp đến nỗi chúng ta phải đi sát vào nhau, ta gặp được một vật quý cổ xưa đẹp lạ lùng, kỳ diệu, sáng ngời.

Thật là lạ, trên cái con đường thưa người nhiều thú này! Và ta bàng hoàng ngắm nhìn cách cấu tạo thật tinh vi và mong manh của vật quý mà không một bàn tay nào có thể gọt dũa được. Sững sờ chiêm ngưỡng vật quý một lúc lâu, ta nhẹ nhàng để vật ấy vào túi, người bạn thấy được sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong đôi mắt, trên gương mặt ta. Nỗi ngất ngây, ngỡ ngàng khôn tả pha lẫn sự phấn chấn làm ta nghẹn ngào thở hắt.

Thế rồi khi được hỏi: “Vật quý mới nhặt được khiến bạn tràn ngập niềm vui là gì vậy?” Ta thỏ thẻ, với một giọng làm chính ta cũng ngạc nhiên, rằng ta vừa thấy được chân lý. Ta dè dặt không muốn nói e làm hỏng vật quý, người bạn hơi bất bình vì sự che giấu này, bảo: “Khám phá ra chân lý đáng phải được đưa vào thung lũng để tổ chức làm sao cho người ta hiểu được, hầu có thể giúp con người.” Ta không trả lời, hối tiếc đã nói ra.

Cây đang trổ hoa; ta chuyển hướng nhìn về thung lũng vườn cam, mà làn gió nhẹ thoảng đưa hương thơm đến. Không khí như đọng lại, nhẹ lướt vào ta. Điều ta tìm thấy là thứ trân quý nhất, không thể phô bày cho bất cứ ai. Ai khác có thể cũng tìm thấy nó, và cũng sẽ phải ấp ủ và tôn sùng nó như ta.

Các chủ nghĩa tràn lan khắp thế giới chưa bao giờ giúp con người được điều gì cả. Chúng chỉ biểu trưng cho tổ chức vật chất của những nhu cầu của mình: những kêu nài về chiến tranh, về dân chủ, về chuyên chế cũng như về tôn giáo đều có những ngày đắc thắng, rồi lại thất bại, do con người ao ước được giúp đỡ về thể xác lẫn thâm tâm, vì bị thống khổ bóp nghẹt, vì thời gian qua mau quá và vì những suy nghĩ mông lũng. Những chủ nghĩa ấy đã hiện hữu từ xa xưa, nhưng lại không thay đổi được lương tâm con người.

Về mặt tâm lý chúng không có khả năng biến đổi tận căn để. Và ta tự hỏi tại sao con người lại lập ra những chủ nghĩa ấy, bởi vì chính con người đã chỉ huy từ thuở ban đầu với hy vọng được giúp đỡ, được an ổn dài lâu. Kỳ lạ thay, những chủ nghĩa ấy lại thất bại về phương diện này. Con người dường như không ý thức được điều đó nên cứ dựng thêm những chủ nghĩa, những tổ chức đối lập nhau.

Chính tư tưởng đã bày đặt ra không những các tổ chức dân chủ hay độc tài mà tất cả; tư tưởng cảm nhận và hiểu rằng những phát minh của nó tự căn để đã không biến đổi được cơ cấu và bản chất của tự ngã. Những chủ nghĩa, tổ chức đều được dựng nên bởi ý niệm tai quái, xảo quyệt và uyên bác. Cái mà ý nghĩ tạo ra và tung hoành lại hành động trên công thức của chính mình. Và ta tự hỏi, nếu ta nghiêm túc và thành thật trong việc tìm kiếm của chính mình thì tại sao tư tưởng lại không ý thức được hành động của chính nó? Tư tưởng có tự biết được động chuyển của nó không? Tư tưởng có thể tự thấy chính nó, và thấy được cả lãnh vực nội tâm như thấy ngoại cảnh hay không?

Thật ra thì không có trong cũng chẳng có ngoài; ngoại cảnh là do nội tâm tạo ra, rồi nội tâm lại mô phỏng theo ngoại cảnh. Ngọn triều lên xuống của tác động và phản ứng là chuyển động của cái tư tưởng không ngừng cố thống trị cảnh ngoài và khi làm được điều ấy, nó lại tạo thêm nhiều rắc rối. Khi giải quyết được những rắc rối này nó lại làm phát sinh những vấn đề khác. Ý tưởng cũng đã nhào nặn đời sống tâm lý tùy theo nhu yếu của hoàn cảnh. Tiến trình dường như bất tận này đã tạo ra một xã hội độc ác, xấu xí, thất đức và tàn bạo. Và, vì đã tạo ra nó, cuộc sống nội tâm trở nên phụ thuộc vào nó.

Bên ngoài uốn nắn bên trong, và bên trong lại sai xử bên ngoài. Diễn tiến này cứ thế kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác mà tư tưởng không hề xét lại hành động của chính mình. Ta bèn tự hỏi đến bao giờ tư tưởng mới nhận thức được chính nó, ý thức được việc làm của nó? Không có người suy tư cách biệt với tư tưởng; chính tư duy đã tạo ra con người suy nghĩ, vốn là con người phân tích, trải nghiệm. Người nghĩ ngợi vốn là người quan sát và hành động tiêu biểu cho quá khứ gồm có gia tài sinh vật và di truyền của con người, truyền thống, tập quán và toàn bộ hiểu biết được tích lũy.

Rốt cuộc thì quá khứ là sự hiểu biết và con người tư duy không tách rời với quá khứ. Tư tưởng đã tạo ra quá khứ, tư tưởng chính là quá khứ; kế tiếp tư tưởng lại tách biệt con người tư duy khỏi cái tư tưởng mà con người cho là mình kiểm soát được. Nhưng đó là một khái niệm dối trá; chỉ có tư tưởng mà thôi. Tự ngã là cái tôi, là quá khứ. Trí tưởng tượng dù có thể nghĩ về tương lai thì vẫn là hoạt động của tư duy.

Vì là hoạt động của tri thức nên tư tưởng đã không cải hóa được con người và sẽ không bao giờ làm được việc ấy, vì tri thức luôn luôn bị giới hạn. Rồi ta lại tự hỏi: ý tưởng có thể tự nhận biết mình không – hành động, phản ứng, phản xạ giác quan, nhục cảm, sợ hãi, hoài bão, theo đuổi khoái lạc, tất cả nỗi khắc khoải về cô đơn, tất cả những thống khổ mà con người phải gánh chịu bởi chiến tranh, bởi tính vô trách nhiệm, bởi sự thờ ơ xuất phát từ thói ích kỷ của mình? Tất cả những thứ đó là hoạt động của ý tưởng vốn cũng đã đặt ra cõi vô cùng với vị Thượng đế ngự trị trong đó. Đấy là hành động của thời gian và tư tưởng.

Thế là ta hỏi bộ máy già nua cũ kỹ này xem nó có thể gây ra nơi con người, vốn không là gì khác ngoài bộ não, một biến chuyển tận gốc hay chăng. Bao giờ tư duy do hồi quang phản chiếu mà thấy được những hạn cuộc của nó, thấy rằng nó chỉ có ích trong thế giới vật lý, thì nó sẽ bặt dứt và sự im lặng xảy ra. Chỉ lúc ấy mới xuất hiện một khí cụ mới mẻ vốn không là sản phẩm của thời gian và tư tưởng, cũng không liên quan gì đến tri thức. Khí cụ này hay lối nhận thức này luôn luôn mới mẻ, không có dấu vết hoài niệm và quá khứ, nó là tuệ giác xuất phát từ trái tim biết yêu thương lân mẫn. Lối nhận thức này gây ra một hoán cải thật sự trong những tế bào não bộ, và hành động của nó quang minh chính đại, không mang nặng quá khứ và thời gian.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x