Trang chủ » Thứ hai, 18 tháng 4 năm 1983

Thứ hai, 18 tháng 4 năm 1983

by Hậu Học Văn
152 views

Một tiếng đồng hồ nữa mặt trời mới thức dậy để khai trương một ngày mới. Trong màn đêm, cây cối lặng yên đón chờ ánh triêu dương xuất hiện sau những dãy đồi. Hãy cất tiếng cầu nguyện cho rạng đông, thật nhẹ nhàng mà tỏa khắp thế gian. Và ở đây, trong ngôi nhà an tịnh và tách biệt với những cây cam và các loài hoa làm rào chắn này, tất cả đều im lặng một cách tuyệt vời. Chim chưa hót mừng bình minh. Đất còn say ngủ ở đây, một nơi xa hẳn xã hội và mọi ồn náo, thô bạo, tầm thường với những bài diễn văn chính trị.

Thật thong thả, thật khoan thai, ánh triêu dương vươn mình xuất hiện cùng với tiếng kêu của chim cú và cú mèo xóa tan màn đêm yên tịnh. Ở đây có nhiều cú mèo lắm, bạn có thể nghe chúng gọi nhau ơi ới. Rồi các ngọn đồi và cây cối đồng tỉnh giấc. Trong bầu không khí lũng linh, những giọt sương lấp lánh trên ngọn lá khi mặt trời leo lên những chóp núi. Những tia nắng đầu tiên vướng vào các cành cây lớn, vào cây cổ thụ, rồi nô đùa ở đấy thật lâu. Và con chim cú bắt đầu rúc lên nhè nhẹ. Văng vẳng tiếng kêu của con công phía bên kia đường, cạnh những cây cam. Ta cũng có thể nghe được vài tiếng kêu ấy ở đây. Và ngày mới bắt đầu thật đẹp, thật tinh khôi, tươi mát, yêu kiều mà không bợn kỷ niệm cũng chẳng nhuốm khát khao.

Ta kinh ngạc xiết bao trước vẻ mỹ miều của những quả cam bóng loáng nổi bật từ tàng lá sum sê, và của những bông hoa rực rỡ. Ánh sáng huy hoàng dường như chỉ dành riêng cho cái góc nhỏ bé này của trái đất. Ta ngỡ ngàng trước con tạo dường như luôn có mặt ở đây – không phải là tác phẩm của một tư tưởng hoạt bát, mà là của một buổi mai mát mẻ, sinh động, trong sáng hơn bao giờ hết. Kìa là những ngọn đồi xanh lơ bao quanh chúng ta. Đây chính là sự khởi đầu của một ngày mới tuyệt vời có một không hai.

Một con sóc xòe đuôi dài run rẩy sợ sệt trong cây tiêu chỉ còn trơ vài cành lá. Giống như cây cổ thụ, cây đã cằn cỗi sau bao năm chống chỏi với giông bão. Vào buổi sáng tươi mươi đầy sức sống bất tận này, cây quên hẳn tuổi tác, quên tuốt chông gai mà đứng vững như một phép lạ. Không một ký ức nào ghé thăm buổi tinh mơ này. Những ngày cũ đã qua đi và ô kìa, có tiếng chim cú từ bên kia thung lũng, ánh nhật quang đã chồm qua ngọn đồi bao trùm khắp mặt đất. Mặt trời cũng không có gì để nhớ. Cây cối lá hoa tắm mình trong nắng cũng không màng đến thời gian. Tất cả đang tận hưởng phép lạ của này mới.

Chúng con muốn có sự tiếp nối, anh ta nói. Sự liên tục là một phần đời sống của chúng con. Đó là huyết mạch của những thế hệ tiếp theo, của truyền thống, của những thứ mà chúng con đã quá quen và còn giữ kỷ niệm. Chúng con rất cần sự thường còn ấy, không có nó thì chúng con sẽ ra sao? Dường như sự tương tục bén rễ tận xương tủy chúng con. Hiện hữu tức là ở trong thời gian. Cái chết có thể đến, biết bao nhiêu thứ có thể chấm dứt nhưng sự thường còn vẫn tồn tại. Chúng con đi ngược thời gian để tìm cội nguồn, gốc tích của mình. Nếu chúng con để ý tới những thứ này và có được những dấu vết về nguồn gốc của gia đình mình thì chúng con có thể nối tiếp nó hàng nhiều thế kỷ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các tôn giáo, lý thuyết, quan niệm, giá trị, phán xét, kết luận đều được duy trì và hiện hữu ở những thứ mà chúng con nhớ được. Từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, sự thường còn vẫn ở bên con với tất cả các kinh nghiệm, các hiểu biết do con người thu thập. Đó có phải là ảo ảnh không?

Cái gì được phú cho sự thường còn? Cây cổ thụ ngoài 200 năm tuổi kia có được sống còn cho đến khi chết chăng, hay lại bị loài người đốn ngã không biết lúc nào. Trường tồn là cái gì mà con người phải ao ước đến thế? Có phải là tên tuổi, vóc dáng, trương mục trong ngân hàng, kỷ niệm… hay không? Trí nhớ mà được dai dẳng là do luôn nghĩ đến cái gì đã xảy ra. Toàn thể tâm linh chính là trí nhớ chứ có là gì khác đâu. Người ta gán rất nhiều thứ vào tâm linh: nào là phẩm chất, nào là đức tính, nào là những hành động ngu xuẩn lẫn những hành vi thông thái trong thế giới nội tâm cũng như thế giới bên ngoài. Và nếu quan sát kỹ sự liên tục không một chút thành kiến lẫn kết luận thì ta sẽ nhận thức được cái tiếp diễn trong tất cả sự hiện hữu của ta, trong chiều rộng của các kỷ niệm, của các sự cố đã qua và đó chính là cái mà chúng ta bám víu vào một cách vô vọng.

Con sóc đã trở về. Nó đã đi đâu suốt mấy tiếng đồng hồ rồi vừa quay lại vắt vẻo trên cành cây nhâm nhi cái gì đó. Nó quan sát, nghe ngóng, xiết bao nhanh nhẹn, nhí nhảnh, tỉnh thức, cử động liên hồi. Nó đi tới đi lui mà không báo cho bạn biết là đi đâu và khi nào mới về. Mặt trời trên cao tỏa thật nhiều sức nóng, con chim cú và những con chim đã bay đi. Vài con bồ câu bay thành đàn từ chỗ này sang chỗ khác. Chúng vỗ cánh rầm rộ trong không gian. Ở đây cũng có một con chồn nhưng đã lâu lắm rồi ta không trông thấy nó. Chắc nó đã ra đi vĩnh viễn vì nơi đây đông người quá. Ta cũng thấy rất nhiều loài gặm nhắm, nhưng con người ở đây ác lắm trong khi con sóc này lại bé nhỏ nhút nhát và bất thường như chú én kia.

Ngoài việc tiềm ẩn trong trí nhớ thì sự liên tục có bao giờ xuất hiện trong con người, trong tâm trí của họ, trong một địa điểm, trong một lãnh vực lớn hay nhỏ, nơi mà trí nhớ vắng mặt hay chưa từng ghé qua không? Ta cần phải quan sát tất cả những thứ này, phải tiến tới một cách vô tư, hợp lý, phải thấy được mọi phức tạp và khúc quanh của trí nhớ cùng với tiếp diễn của nó tức là sự hiểu biết. Cái biết luôn ở trong quá khứ, và là quá khứ. Quá khứ là một trí nhớ góp nhặt khổng lồ, tức là truyền thống. khi ta đã quan sát tỉ mỉ và vô tư tất cả những thứ đó xong, thì câu hỏi đương nhiên phải là thế này: có hiện hữu chăng một vùng nào không phải là kết quả của trí nhớ và của diễn tiến của sự trường cửu trong tâm trí, trong tâm khảm của khúc quanh hay trong bản chất và kết cấu nội tâm của con người, chứ không phải ở những hoạt động bên ngoài?

Những ngọn đồi và cây cối, những cánh đồng và khu rừng sẽ tồn tại lâu như trái đất nếu con người không phá hoại chúng do nhẫn tâm hay vì chán nản. Con sông và ngọn suối khởi nguồn của nó đều có một sự liên tục, nhưng không bao giờ chúng ta tự hỏi xem những ngọn đồi và bên kia những dãy đồi có sự liên tục nào không.

Nếu không có sự thường còn thì có cái gì? Không có gì cả. Chúng ta đã từng sợ mình không là gì cả. Không là gì có nghĩa là không có một vật gì hiện hữu. Không có một thứ gì được tư tưởng nhóm họp lại, không có cái gì có thể được trí nhớ và kỷ niệm tái tạo, không có vật gì có thể được diễn tả bằng ngôn từ rồi tự đo lường. Chắc chắn là phải có một lãnh vực nơi đó quá khứ không ruồng bỏ cái bóng của mình, nơi mà thời gian, quá khứ, tương lai hay hiện tại không có ý nghĩa gì hết. Chúng ta đã luôn luôn cố gắng đo lường bằng ngôn từ cái mà chúng ta không biết. Chúng ta cố gắng hiểu cái chúng ta không biết bằng cách khoác lên nó một lớp ngôn từ, biến nó thành một tiếng động liên tục.

Và thế là ta chứa đầy tâm trí mình, một tâm trí vốn đầy ắp những sự cố đã qua, những kinh nghiệm và hiểu biết. Chúng ta tưởng là sự hiểu biết có tầm vóc tâm lý rất quan trọng nhưng ta đã hoàn toàn sai. Ta không thể lớn mạnh lên bằng hiểu biết; sự hiểu biết cần phải chấm dứt để cái mới có thể xuất hiện. Mới là một ngôn từ đại diện cho cái gì chưa từng có trước đây. Và lãnh vực này chỉ được thông hiểu hoặc nắm bắt bằng những từ ngữ hay những biểu hiện: nó vượt qua tất cả những kỷ niệm.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x