Trang chủ » Thứ hai, 30 tháng 5 năm 1983

Thứ hai, 30 tháng 5 năm 1983

by Hậu Học Văn
180 views

Từ 14 đến 22 tháng 5 tại Ojai, Krishnamurti đã giảng bốn lần, theo đó là những buổi hỏi đáp. Ngày 27 tháng 5 ông sang Anh Quốc nghỉ ngơi trong ngôi trường của mình Brockwood Park.

Ta đến đây được một tháng rồi, trời mưa suốt từ ngày ấy đến nay, ta đã rời California nơi mùa khô bắt đầu với ruộng đồng màu hung và ánh dương nóng cháy, nóng hơn 32oC và nhiệt độ sẽ tăng lên nữa cho dù người ta đã thông báo một mùa hè mát dịu. Ta xúc động trước thảm cỏ non, những cây xanh tuyệt vời và những cây dẻ đỏ với những cành vươn rộng hơi nám và sắp đổi sang màu nâu. Chúng đang tỏa sức quyến dũ giữa đám cây xanh. Trái đất này đẹp quá dù hoang vu hay nhuốm sắc xanh, có vườn cây ăn trái hay ruộng đồng lung linh, nó vẫn cứ đẹp tuyệt.

Dạo chơi trên những cánh đồng có những đàn cừu gặm cỏ. Trong rừng vang tiếng chim hót, không khởi một ý niệm nào trong trí óc mà chỉ quan sát trái đất, cây cối, đàn cừu, nghe tiếng gọi của chim cu gáy và của tiếng bồ câu rừng. Bước đi không một cảm giác, không một cảm xúc. Nhìn cây và toàn thể trái đất. Nhờ quan sát ta khám phá ra cách lý luận của riêng mình. Ý thức được từng hành động của mình, ta không để một ý niệm nào chạy thoát mà không hiểu nguyên nhân và lý do vì sao nó đến. Nếu ta chú ý không để một hình ảnh nào trượt đi thì trí óc sẽ rất thanh bình. Lúc ấy ta có thể nhìn trong sự im lặng tuyệt đối và sự im lặng này có một chiều sâu bao la, một cái đẹp bền bỉ bất hoại.

Cậu thanh niên chơi thể thao rất hay, rất tuyệt, cậu cũng là một học trò giỏi và ngoan. Một hôm cậu thưa với thầy giáo: thưa thầy con có thể nói chuyện với thầy được không. Nhà mô phạm trả lời: Sao lại không, em hãy đi dạo với tôi. Thế là họ có buổi trò chuyện giữa thầy và trò trong sự tôn kính lẫn nhau vì thầy giáo cũng là người đứng đắn nên mối tương giao trở nên rất dễ chịu thân mật và cả hai đều quên rằng ta là thầy còn kia là trò. Giai cấp đã biết mất giữa tính quan trọng của người hiểu biết, thẩm quyền và người học, kẻ muốn hiểu biết.

Thưa thầy, em tự hỏi thầy có biết điều này có ý nghĩa gì: tại sao em được dạy dỗ, vai trò của em sẽ là gì khi lớn lên, vị trí của em sẽ thế nào trong thế giới này, tại sao em phải học rồi lấy vợ và tương lai em sẽ ra sao. Đương nhiên là em hiểu mình phải học và phải trải qua vài khóa thi và em hy vọng sẽ thi đậu, có lẽ em sẽ sống thêm một thời gian, có lẽ là 50 hay sáu mươi năm hay hơn thế nữa, từ nay cho đến lúc ấy, đời sống của em và những người quanh em sẽ ra sao, tương lai của em như thế nào. Nguyên nhân của hàng ngàn giờ học hành và nghe thầy giáo giảng dạy là gì? Chiến tranh tàn phá có thể bùng nổ, ta sẽ chết hết. Nếu cái chết là tất cả những gì tương lai dành cho ta thì học có lợi ích gì chứ. Xin thầy hoan hỷ, em hỏi tất cả những câu hỏi này thật nghiêm túc vì em đã nghe thầy cũng như các thầy khác nhấn mạnh những điểm này.

Ta cũng muốn hỏi em một chuyện, em đã đặt nhiều câu hỏi, đã đưa ra nhiều vấn đề, ta hãy chọn câu hỏi quan trọng nhất. Tương lai của nhân loại và của em ra sao? Như em biết đó, ba mẹ em giàu có và chắc chắn là muốn giúp em bằng nhiều cách. Có lẽ họ sẽ tặng em một căn nhà và tất cả những gì cần thiết khi em lập gia đình và em sẽ có một người vợ dễ thương, hy vọng là thế vậy thì em sẽ ra sao. Một người tầm thường nào đó ư? Em sẽ có việc làm và em sẽ gắn liền với hiện hữu, với tất cả những rắc rối quanh em và trong em. Có phải đó là tương lai của em không?

Đương nhiên là chiến tranh có thể bùng nổ mà cũng có thể không. Hy vọng là nó không xảy ra. Mong sao người ta hiểu ra rằng: những cuộc chiến không bao giờ giải quyết được bất cứ vấn đề gì của nhân loại. Con người có thể thăng hoa vài thứ, phát minh những phi cơ tốt hơn nhưng chiến tranh chưa và không bao giờ giải quyết những rắc rối của con người. Do đó bây giờ hãy tạm quên là, tất cả chúng ta có thể bị tiêu diệt bởi cái điên cuồng của những sức mạnh tối cao, của những kẻ khủng bố hay của kẻ mị dân ở quốc gia quyết định tiêu hủy những người mà họ xem là kẻ thù. Hãy tạm quên tất cả những thứ ấy mà ngẫm đến tương lai của em, biết rằng em thuộc về những người còn lại. Mai sau em sẽ ra sao, một người tầm thường chăng? Tầm thường có nghĩa là làm phân nửa con đường, phân nửa mọi thứ, không bao giờ đến đích, không tận dụng hết năng lực và trí thông minh của mình, không đòi hỏi sự hoàn hảo nơi mình.

Đương nhiên là em biết mình sẽ phải chịu tất cả những sức ép bên ngoài. Chúng sẽ ra lệnh cho em phải hành động theo cách nào đó. Em cũng sẽ phải những chịu đựng, những sức ép của nhiều tôn giáo khác nhau, hẹp hòi và bè phái qua sự tuyên truyền của họ. Đã tuyên truyền thì không ai nói thật, sự thật không thể được cổ động do đó ta hy vọng em nhận thức được những sức ép áp đặt em. Nào là sức ép của gia đình, của hoàn cảnh, của truyền thống xui khiến em trở nên một triết gia, một nhà vật lý học, nhà bác học, hiến mình cho cuộc tìm kiếm trong một phạm vi nào đó hay một thương gia.

Trong lứa tuổi này, em có thể thấy được tất cả các sự kiện đó, em sẽ đi theo hướng nào? Ta đã đề cập đến những vấn đề này trong Tam Cá Nguyệt vừa qua và có lẽ em đã suy ngẫm. Như vậy vì ta chỉ có rất ít thời gian để đi dạo trên đồi, ta hỏi em không phải với tư cách là một thầy giáo mà là với tình bạn chân thật, tương lai em ra sao, dù em đã quyết định, đã qua một số kỳ thi để lập sự nghiệp, có nghề nghiệp vững vàng. Em không thể không tự hỏi là: chỉ có thế này thôi ư? Dù em có một việc làm ổn định và một cuộc sống khá dễ chịu, chắc chắn em sẽ có nhiều phiền não, nhiều rắc rối và nếu em có gia đình thì tương lai của con em ra sao?

Đó là một câu hỏi mà em phải tự trả lời. Và ta có được đề cập đến không, em phải suy nghĩ không những đến tương lai của chính mình mà còn là con của mình nữa, em cũng phải nghĩ đến tương lai của nhân loại cho dù em là người Đức, Pháp, Anh hay người Ấn Độ đi chăng nữa. Nói đến đây xin em hiểu cho là ta không khuyên em cách cư xử. Chỉ có kẻ ngu mới cho ý kiến, do đó ta không bước vào lãnh vực này. Ta chỉ hỏi em như hỏi một người bạn và ta mong em hiểu ta không điều khiển cũng không thuyết phục em tương lai em ra sao, em sẽ chết nhanh hay chết chậm với ơn huệ và cảm xúc chăng. Em sẽ có tầm thường không? Dù em thành công trong sự nghiệp, có thể em có tài về mọi việc, nhưng ở đây ta muốn nói đến sự tầm thường của trí óc, của trái tim con người.

Thưa thầy thực tình em không biết trả lời sao về tất cả những câu hỏi này. Em chưa đào sâu, nhưng khi thầy hỏi em có trở nên tầm thường như mọi người không, em không muốn chút nào hết. Em cũng ý thức được xu hướng của ngoài đời. Em thấy một phần trong em bị lôi cuốn vào tất cả những thứ ấy. Đôi khi em muốn giải trí, vui vẻ nhưng một khía cạnh khác trong em thấy được sự nguy hiểm của những thứ đó. Nào là những khó khăn, những nhu cầu, những cám dỗ. Vì thế em thực sự em không biết mình sẽ đi về đâu. Ngoài ra như thầy đã lưu ý nhiều lần em không biết được mình là ai.

Chỉ có một điều chắc chắn là, em không muốn mình là kẻ tầm thường với tâm lẫn trí hẹp hòi dù với một trí óc rất có khả năng như thế. Có thể là em học và tiếp nhận được nhiều hiểu biết trong khi còn là người rất gò bó hạn hẹp. Sự tầm thường, thưa thầy là một danh từ mà thầy đã khéo sử dụng và khi nghĩ đến nó em đâm hoảng. Không phải là sợ chữ ấy mà là sợ tất cả những tương quan của nó như thầy đã nêu ra.

Em thật không biết là nói chuyện với thầy thì mọi sự có sáng tỏ không, em không thể nói chuyện này một cách dễ dàng với ba mẹ em được. Chắc ba mẹ cũng có những vấn đề tương tự, tuy nhiều tuổi hơn nhưng chắc cũng ở trong trường hợp giống y như em. Như vậy thưa thầy, nếu thầy bằng lòng em xin được phép nói chuyện với thầy lần nữa. Em cảm thấy rất khó chịu và băn khoăn, không biết khả năng mình có thể đương đầu được tất cả mọi thứ như vậy không? Quan sát chúng và cố gắng không trở nên một kẻ tầm thường.

Thật là một buổi sáng kỳ diệu, không gian chìm lắng, đồng cỏ gần kề, hàng dẻ đứng im và con đường đưa đến rừng sâu, chim bặt tiếng và ngựa hàng xóm ngưng hý. Buổi sáng mát mẻ êm ái như thế này rất hiếm. An lạc vô sắc vùng quê và bầu tĩnh mịch tỏa khắp. Ta nhận được cái cảm giác thanh tịnh tuyệt đối. Đó không phải là một thứ tình cảm lãng mạn, một ý tưởng thơ mộng. Chỉ đã là thế và thế thôi, chỉ là một sự kiện đơn giản.

Sáng nay những cây dẻ đỏ nổi bật trên những cánh đồng xanh trải dài, tron khi một đám mây tran hòa ánh sáng ban mai, lững lờ trôi trên bầu trời. Ánh triêu dương vừa thức dậy, niềm an lạc trùm khắp, ta trân trọng biết bao. Đó không phải là sự tôn kính một vị thánh, một vị thần huyền thoại nào mà là niềm kính ngưỡng phát sinh từ sự huy hoàng này.

Sáng nay ta có thể dứt hết mọi hiểu biết để lặng im như rừng, như cây, như thảm cỏ thanh bình. Bầu trời phớt xanh và êm đềm quá. Ô kìa, từ bên kia cánh đồng vọng sang tiếng gọi của chim cu gáy, những con bồ câu rừng đồng thanh gù gừ và chim sáo cất tiếng hót mừng nắng mai. Một chiếc xe hơi đằng xa chạy ngang. Thường thì bầu trời quá êm và quá huy hoàng này kèm theo không khí trong lành báo hiệu một con mưa nhưng hôm nay sự kiện lại khác hẳn, một điều chưa bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ xảy đến nữa.

Ta rất vui vì em đến dù không báo trước và nếu em sẵn sàng ta có thể tiếp tục buổi nói chuyện về tương lai của đời em và về sự tầm thường. Người ta có thể rất tài hoa trong sự nghiệp. Người thợ mộc giỏi giang có thể không tầm thường trong công việc nhưng trái lại, anh ta có thể tầm thường trong đời sống cá nhân thường nhật, trong mối liên hệ với gia đình. Bây giờ cả hai chúng ta đều hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ ấy và ta có thể cùng nghiên cứu bề sâu của nó. Ở đây chúng ta nói đến sự tầm thường nội tâm, những tranh chấp tâm lý những rắc rối và nỗi khó khăn để sống còn. Các nhà bác học cũng có thể có một cuộc sống nội tâm tầm thường.

Như vậy cuộc sống của em sẽ ra sao. Em là một học trò khá thông minh, nhưng em hiến dâng sự thông minh ấy cho cái gì. Ta không nói đến sự nghiệp của em. Chuyện này sẽ bàn sau. Điều ta chú ý đến bây giờ là cách sống của em. Dĩ nhiên em không phải là một tên sát nhân theo nghĩa bình thường của chữ ấy và nếu em đàng hoàng em sẽ không trở thành những tên độc tài, họ lấn lướt lắm, có thể em sẽ có địa vị cao và làm việc rất tốt trong lãnh vực mà em lựa chọn. Do vậy hãy tạm gác sự cố này qua một bên, nhưng tận trong thâm tâm đời sống của em ra sao, em định hướng về đâu. Như tất cả mọi người, em có theo đuổi không ngừng lạc thú với nỗi khổ tâm thường trực về vô số vấn đề tâm lý không.

Thưa thầy cho đến bây giờ thì em chưa gặp vấn đề gì cả, có chăng chỉ là thi cử với mệt mỏi, ngoài ra thì không có chuyện gì cả. Em tự thấy mình khá tự do hạnh phúc và trẻ chung. Khi trông thấy các cụ già em tự hỏi, rồi mình có như các cụ không. Vài cụ đã có sự nghiệp tốt hay đã làm cái gì mình ưa thích, thế nhưng trong các cụ cứ ảm đạm buồn tẻ như chưa phát huy hết tài năng sâu sắc của trí thông minh. Chắc chắn là em không muốn giống các cụ. Em muốn sống khác hơn, không phải vì kiêu ngạo hay vì tham vọng. Đương nhiên là em muốn tạo sự nghiệp tốt nhưng cũng không muốn trở nên một ông già hầu như đã mất hết tất cả những gì mình ưa thích.

Em không muốn giống các cụ già, nhưng cuộc sống rất cam go và đôi khi tàn nhẫn không chừa một ai. Dù em sống ở đây, ở Hiệp Chủng Quốc hay bất cứ nơi nào đi nữa, xã hội sẽ áp đặt lên em một sức ép. Em sẽ thường xuyên mong muốn được giống người khác. Sẽ hơi giả dối vì nói ra những điều mình không thực sự nghĩ trong lòng và dù có lập gia đình thì em cũng sẽ bị nhiều vấn đề chèn ép. Em phải hiểu cuộc sống là một công cụ rất phức tạp không chỉ đòi hỏi ta phải làm những gì mình thích và đặc tính của cường rào. Tất cả những thanh niên đều muốn mình trở thành những cái gì đó, luật sư, kỹ sư, chính trị gia, v.v… Họ bị tính tham vọng thúc đẩy, tìm kiếm sở hữu tiền tài.

Các cụ già mà em đề cập đều đã sống như thế đó, các cụ đã bị lão hóa do không ngừng tranh chấp, do nhiều ham muốn. Hãy chú ý điều đó, hãy quan sát những người quanh mình, tất cả đều cùng một hội, một thuyền. Vài người rời thuyền, lang thang mãi rồi chết. Có kẻ tìm một nơi thanh bình trên trái đất rồi thu mình vào đó, kẻ khác nữa ra nhập vào một tu viện để lập lời khấn trọn đời. Nhưng phần lớn hàng triệu người đều sống một đời thật gò bó với chân trời hạn hẹp, họ có niềm vui và nỗi khổ riêng và họ dường như không bao giờ tìm cách tránh né, tìm hiểu hay vượt qua.

Do đó ta tự hỏi, tương lai của chúng ta như thế nào, của em ra sao. Đương nhiên là em còn quá trẻ để bàn về vấn đề này vì tuổi trẻ không thể đo lường hết được tầm cỡ. Có thể em theo thuyết bất khả tri, tuổi trẻ không tin vào điều gì hết, nhưng lúc về già họ sẽ quay về một hình thức tôn giáo mê tín, tín điều hay tín ngưỡng. Tôn giáo không phải là thuốc phiện, nhưng con người đã uốn nắn tôn giáo để đáp ứng nỗi thèm khát mù quáng được vỗ về an ủi. À mà năm nay em mấy tuổi rồi ha?

Thưa thầy em sắp được 19 tuổi. Bà nội em để lại cho em một số tiền mà em sẽ được hưởng vào năm 21 tuổi. Em dự định sẽ đi du lịch cho biết đó biết đây trước khi vào đại học. Nhưng dù em ở đâu, dù tương lai em thế nào vấn đề này vẫn tồn tại. Có lẽ em sẽ lập gia đình và có con như thế lại phát sinh câu hỏi to lớn. Tương lai chúng sẽ ra sao? Em biết khá nhiều những hoạt động của các chính trị gia trên toàn cầu, đó là một nghề rất xấu xa, theo em, em không thích chút nào và không nghĩ đến chuyện tham gia vào chính trị, nhưng em muốn có một việc làm tốt, em muốn có thể làm việc bằng đôi tay và trí óc của mình, nhưng vấn đề là không được rơi vào tầm thường nội tâm. Như vậy thưa thầy, em phải làm gì? Vâng, em biết là có đền và nhà thờ nhưng em không quan tâm lắm, mà làm thế nào không phải là một kẻ trung bình, tầm thường, xoàng xĩnh.

Nếu ta có thể góp ý thì em đừng có bao giờ hỏi như thế nào, trong bất cứ trường hợp nào khi sử dụng chữ “như thế nào” là em muốn tìm người hướng dẫn, một biện pháp, một người dắt tay em rồi làm em mất hẳn tự do, mất hẳn khả năng nhìn ra, mất luôn những hoạt động tư tưởng và cách sống theo ý mình. Như thế em sẽ trở thành người tầm thường. Em mất đi tính liêm khiết cũng như tính thật thà căn bản, có khả năng nhìn lại chính mình, là mình và có thể vươn lên.

Do đó đừng bao giờ hỏi “như thế nào” chúng ta đang nói về vấn đề tâm lý em phải hỏi như thế nào khi cần ráp một cái máy, hay chế tạo một máy vi tính, phải có người dạy em. Nhưng tự do và căn nguyên tâm lý chỉ có thể hiện hữu cùng với ý thức về những hoạt động bên trong của chính mình. Sự quan sát từng tư tưởng của mình, trong bản chất của nó cho đến tận nguồn của nó. Hãy quan sát, hãy nhìn. Nhờ quan sát, ta học được rất nhiều về ta hơn là học qua sách vở hay nơi một nhà tâm lý học hay nơi một vị thầy khó tính thông minh hay uyên bác.

Chuyện này khó lắm em ạ, em có thể bị rằng co giữa đường đời muôn vạn nẻo, có rất nhiều môn để thử qua, sinh vật học, xã hội học và em có thể bị xâu xé bởi cái xã hội tàn nhẫn này. Chắc chắn em sẽ bị cô đơn, có thể không phải vì vũ lực, vì quyết định hay vì lòng ham muốn mà vì em bắt đầu thấy cái sai ở quanh mình và trong mình. Những cảm xúc, những ước vọng. Khi em bắt đầu thấy được cái gì là sai thì lúc ấy trí tuệ em bừng sáng, em thông minh hẳn ra, em phải là ánh sáng của chính mình và đó mới chính là một trong những điều khó khăn nhất trên đời.

Thưa thầy, mọi chuyện xem ra thật gay go, phức tạp, ghê gớm và kinh khủng quá.

Ta chỉ nêu rõ mọi sự cho em biết thôi chứ không muốn làm em sợ hãi. Sự kiện để là mà quan sát, nếu em biết quan sát thì chúng không bao giờ làm em sợ hãi. Sự kiện không đáng sợ nhưng nếu em muốn tránh né, muốn quay lưng chạy trốn thì mới thật là khủng khiếp. Em cần phải đứng lại nhìn xem hành động mình có hoàn toàn đúng không. Sống với sự kiện ấy, chứ không giải thích nó theo sở thích hay theo cách phản ứng của mình.

Không có gì đáng sợ lắm đâu. Cuộc đời không đơn giản chút nào. Ta có thể sống giản dị, nhưng cuộc đời lại mênh mông và phức tạp, nó trải dài từ chân trời này sang góc bể kia. Em có thể sống với vài bộ quần áo mà một bữa ăn mỗi ngày nhưng đó không phải là tính giản dị. Vậy hãy giản dị, đừng sống kiểu phức tạp, mâu thuẫn. Chỉ cần giản dị trong tâm. Em đã chơi tennis sáng nay. Ta đã nhìn em, em chơi khá lắm. Hy vọng chúng ta còn gặp lại, nếu em muốn.

Cám ơn thầy.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x