Trang chủ » Thứ năm, 17 tháng 3 năm 1983

Thứ năm, 17 tháng 3 năm 1983

by Hậu Học Văn
131 views

Sáng hôm nay mây bay là đà xuống gần chúng ta. Trận mưa đêm qua đã tưới mát, thấm nhuần và nuôi dưỡng mặt đất. Vào những buổi sáng như hôm nay, trước các ngọn đồi lơ lửng trong mây, dưới bầu trời, người ta chỉ còn cảm thấy ngạc nhiên và yếu đuối trước năng lực lạ lùng mà con người đã cống hiến cho đời để hoàn thành những tiến bộ kỹ thuật vượt bực hơn 50 năm nay, cái năng lực đã làm ô nhiễm hầu hết các dòng sông, và phung phí các tài nguyên để duy trì sự rộn ràng bất tuyệt đó.

Sáng hôm nay, dưới hiên nhà, thời gian như xa hẳn mọi tiếp xúc với con người. Ta cần thời gian để di chuyển từ đây đến kia, để học, để làm việc, để thay đổi lối sống thường nhật. Ta biết rằng thời gian rất cần để thu thập một ngôn ngữ mới hay một sở trường, để chế tạo một chiếc máy bay hay một cái máy vi tính hoặc để hoàn tất một chuyến đi; lớp trẻ có thời gian riêng của chúng, các cụ già cũng vậy. Mặt trời cũng cần thời gian để đi ngủ và thức dậy, rồi mới khoan thai vươn mình lên khỏi những rặng đồi; như những cái bóng thật dài và như cái cây phát triển thật chậm, anh thợ mộc hay bác làm vườn cần phải trải qua một thời gian trong nghề mới trở nên thành thạo được. Trong thực tế và trong các hoạt động thể thao, ta cũng cần có thời gian để rèn luyện.

Nhưng trong lãnh vực tâm lý, có nên dùng thời gian theo kiểu ấy không.  Ta có nên áp dụng cách suy nghĩ, hành động và học hỏi này vào thế giới nội tâm, thế giới tâm linh, với hy vọng trở thành một người nào đó, hay được thăng hoa? Nếu nghĩ rằng có thể thay đổi cái đang là bằng cái phải là, thì ta quả quá ngờ nghệch. Người ta cứ tưởng cần có thời gian để biến đổi thói bạo động với tất cả khía cạnh phức tạp của nó thành ra bất bạo động.

Khi ngồi yên lặng một mình ở trên thung lũng rộng lớn này, ta có thể đếm được có bao nhiêu dãy cam trong vườn, vì chúng được chăm sóc rất tử tế. Ta cần thời gian không phải để ngắm nhìn trái đất xinh đẹp, mà để đưa cái nhìn này vào một tấm lụa hay vào một bài thơ. Có thể là ta dùng thì giờ để thoát khỏi cái đang là, khỏi cái thắc mắc chúng ta là ai, tương lai chúng ta ra sao, tương lai nhân loại thế nào.

Trong phạm vi tâm lý thì thời gian là kẻ thù của con người. Bạn muốn tâm trí được phát triển, được trưởng thành, được viên mãn và trở nên quan trọng hết mức. Bạn không bao giờ thắc mắc là cái hy vọng ấy, cái quan điểm ấy có bao giờ được chỉnh đốn lại chưa. Bạn dễ dàng chấp nhận cái ý nghĩ rằng tâm lý có hể tăng trưởng, thăng hoa để đạt đến bình an hạnh phúc. Nhưng trong thực tế thì không hề có sự phát triển tâm lý theo kiểu ấy.

Trong ánh sáng êm dịu này, con chim sâu vờn từng cánh hoa với một sự nhanh nhẹn tột bực so với thân hình bé nhỏ của nó. Nó ve vẩy đôi cánh thật nhanh với một nhịp điệu đều đặn và liên tục phi thường: nó tiến rất nhanh mà lùi cũng mau. Ta rất thích quán sát nó, ngắm nhìn nét mong manh với màu sắc sinh động của nó, và tự hỏi tại sao nét đẹp này lại bé nhỏ, nhanh nhẹn và phù du thế. Ô kìa, có một con chim khách đậu trên dây cáp điện thoại. Một con khác đứng chót vót trên đầu ngọn cây ngắm nhìn khắp trái đất. Nó bất động suốt nửa tiếng đồng hồ, nhìn quanh quất với cái đầu xinh xinh sẵn sàng đối phó với bao nguy hiểm. Nhưng rồi nó cũng bay đi. Những cụm mây đã bắt đầu rời xa những cánh đồi xanh mướt.

Ta đã nói là không có sự phát triển tâm lý. Tâm lý không tăng cũng không bao giờ biến thành cái mà nó không phải là. Sự kiêu hãnh ngạo mạn không thể tăng cũng không thể giảm; tính tự kỷ, vốn là một phần của toàn thể nhân loại, cũng không thể ích kỷ hơn, gắt gao hơn bản chất của nó được. Kể cũng đáng sợ khi nhận ra chỉ một từ ngữ hy vọng cũng đã bao hàm tương lai của nhân loại. Muốn chuyển nghĩa của cái đang là thành ra cái phải là quả là một ảo tưởng, có khi còn là một sự dối trá, nếu ta được phép dùng chữ này. Ta chấp nhận những gì mà con người đã lập đi lập lại từ ngàn xưa.

Nhưng nếu ta ngẫm nghĩ vấn đề rồi nghi ngờ thì ta sẽ thấy thật rõ ràng – nếu ta muốn, chứ không phải nấp sau một hình ảnh hay một công thức ngụy biện nào đó – cái bản chất và cấu tạo của tâm lý học, của tự ngã, và của cái tôi. Cái tôi sẽ không bao giờ khấm khá hơn được. Nó cố gắng rất nhiều để được tiến bộ, nó ngỡ là đã tiến bộ, nhưng sao vẫn cứ quanh quẩn trong những sự vụn vặt nhỏ bé. Cái tôi đã khoác lên không biết bao nhiêu là hình thức và thu mình trong không biết bao nhiêu là cấu trúc. Nó có thể biến đổi trong từng giây phút, nhưng nó vẫn cứ là cái tôi, cái hành vi chia rẽ và chỉ biết có mình, luôn mong mình sẽ là cái không phải như mình bây giờ.

Như vậy ta thấy là cái tôi không trở thành cái gì cả: chỉ có những cái tạo nên tâm lý về cái tôi, như ích kỷ, khắc khoải, nhức nhối và đau khổ phải biến mất. Ta phải cấp tốc từ bỏ những rắc rối này không chút chậm trễ. Ta không thể hẹn dày hẹn mai, mà phải tiêu diệt chúng ngay khi chúng vừa ló đầu. Cần có một nhận thức khách quan, không thành kiến cũng không thiên vị, và nhất là không để những hồi ức chi phối; ta chỉ cần biết mà không nhận xét, vì người nhận xét hay nhớ lại quá khứ thì vẫn cứ như thế mãi, dù anh ta có mong ước được sống trong sự thay đổi lớn lao. Những kỷ niệm cho dù có êm ái bao nhiêu đi nữa cũng không phải là thực tế; chúng thuộc về quá khứ, đã qua đi, chấm dứt, mất hẳn. Nhờ quan sát vô tư, không để con người quan sát xen vào, ta thấy được bản chất và sự chấm dứt của thời gian.

Con chim sâu đã quay lại. Một tia nắng đã vén mây để đuổi kịp nó, chiếu sáng màu lông sặc sỡ, cái mỏ dài thanh tú cùng đôi cánh nhanh nhẹn của nó. Ngắm nhìn con chim một cách vô tư, chỉ nhìn mà thôi chứ không khởi một vọng niệm nào cả, là ngắm nhìn cõi đời với tất cả vẻ đẹp của nó.

Hôm trước con đã nghe Ngài dạy rằng thời gian là kẻ thù của con người. Ngài đã giải thích ngắn gọn lời nói có vẻ quá đáng này. Rồi Ngài cũng đưa ra nhiều phán quyết tương tự. Con thấy một vài phán quyết ấy rất đúng và tự nhiên, nhưng tâm trí lại thường không bao giờ thấy được những điều hiển nhiên ấy, dữ kiện ấy, sự thật ấy. Con đã tự hỏi mình và hỏi nhiều người khác rằng tại sao tâm trí ta đã đâm ra trơ lì chậm chạp đến thế, và tại sao ta không thấy ngay tức khắc một điều gì là đúng hay sai. Tại sao con cần phải được giải thích những điều mà khi nghe ra thì thật quá hiển nhiên? Tại sao con không nhận ra được sự thật của vấn đề? Tâm trí con ra sao rồi? Con xin phép được hầu chuyện Ngài về vấn đề này nếu có thể, và được tìm hiểu vì sao tâm trí con không được tinh vi nhạy bén. Cái tâm trí đã được rèn luyện và dạy dỗ này có khi nào trở nên thật tinh vi và nhạy bén hầu có thể tức tốc nắm được bản chất đúng sai của mọi sự không?

Này anh bạn, anh hãy tự hỏi xem tại sao chúng ta lại nói đến vấn đề này. Chuyện này không dính dáng gì đến tuổi tác già nua. Phải chăng lối sống của các anh là rượu chè, thuốc lá, ma túy, vọng động, mệt mỏi và bận rôn liên tục? Anh bận rộn cả trong tâm lẫn ngoài thân. Đó có phải là bản chất cái biết của anh không? Anh quen thâu thập những hiểu biết – ở trung học, ở đại học, hay ở một trường huấn nghệ nào. Những hiểu biết ấy phải chăng là một trong những yếu tố của sự thiếu tinh vi đó?

Tâm trí anh đầy ắp dữ kiện, đã tích lũy vô số những thông tin do đài truyền hình, báo chí, tập san đem lại, rồi cố tiêu thụ và ghi nhớ thật nhiều. Cái biết này có góp phần vào việc phá hủy sự tinh vi không? Nhưng anh không thể từ bỏ tri thức ấy, cũng không thể dẹp nó qua một bên, vì nó rất cần thiết. Đương nhiên là, này anh bạn, anh rất cần biết lái xe hay biết viết, hay biết ứng xử trước mọi chuyện, như cầm một cái cào chẳng hạn. Trong cuộc sống thường nhật ta cần phải biết.

Ở đây ta nói đến tri thức tích lũy trong phạm vi tâm lý: tất cả những hiểu biết mà anh đã lượm lặt liên quan đến vợ anh, nếu có, trong suốt 10 hoặc 50 năm sống chung, có ru ngủ tâm trí anh không? Tất cả những kỷ niệm và hình ảnh đều hiện ra và được ấp ủ. Ta hãy nói đến cái biết nội tâm. Nó có những khôn khéo phiến diện của riêng nó: lúc nào chống lại, lúc nào nhượng bộ, lúc nào dồn chứa, lúc nào buông thả. Nhưng hãy trở lại vấn đề: tri thức chính nó không làm cho tâm trí anh trở nên máy móc, lập đi lập lại do thói quen sao? Từ điển bách khoa chứa toàn những hiểu biết vế tất cả những tác giả, tại sao không để cái hiểu biết đó lên kệ sách và chỉ sử dụng nó khi cần? Đừng để cho tâm trí mình bị quá tải.

Ta tự hỏi phải chăng mớ tri thức đó đã cản trở cái trực giác đưa đến sự biến cải và tính bén nhạy vượt ngoài ngôn từ. Ta có bị tiêm nhiễm bởi báo chí và cái xã hội mà ta đang sống (và đã tạo ra, vì mỗi người, từ nhiều thế hệ đến nay, đều đã ít nhiều góp phần xây dựng nên cái xã hội vốn là thành phần của nhân loại)? Tư tưởng của ta có do hệ thống tôn giáo lập nên không? Tin triệt để vào một khuôn mặt hay một hình ảnh dễ làm ta khờ khạo chậm chạp.

Bạn có liên tục bận rộn đến nỗi không tìm ra được một khoảng trống nào để tâm trí và trái tim biết nghĩ đến mình và đến người chăng? Bạn cần có không gian, nhưng sống trong một thành phố đông đúc hay trong một gia đình lắm con thì thân xác bạn bị gò bó và tâm bạn đầy ắp mọi thứ cảm tưởng đưa đến căng thẳng. Theo tâm lý thì bạn cần có không gian.

Đừng ngộ nhận không gian là cái do tư tưởng biến ra, hay là sự cô lập, hoặc là thứ chính trị, tôn giáo, chủng tộc chia rẽ con người, hay là cái ngăn cách các châu lục, mà không gian đây là một khối không có điểm giữa cũng chẳng có chu vi.

Hãy xét lại xem có phải từ khi trở thành những chuyên gia bạn bị kém tinh vi nhanh nhẹn? Vì được đào luyện đặc biệt, bạn có thể rất bén nhạy trong phạm vi của mình, nhưng bạn có nhận thức được bản chất của đau khổ, của cô đơn, v.v…không? Đương nhiên là người ta không uốn nắn tâm trí cho nó trở nên sáng suốt và thánh thiện được, vì uốn nắn là hạn hẹp. Tâm trí mà bị hạn hẹp thì làm sao có thể sáng suốt được?

Này anh bạn, đó là tất cả những nguyên nhân khiến tâm trí bị kém tinh vi, đúng đắn và sáng suốt.

Thưa Ngài, con xin đội ơn Ngài đã đón nhận con. Có lẽ con chưa hiểu hết được những gì Ngài dạy bảo, nhưng con hy vọng có vài hạt giống mà Ngài đã trồng sẽ đâm chồi và con sẽ để cho những chồi non ấy nẩy lộc đơm hoa mà không quá thúc bách chúng. Có lẽ lúc ấy con sẽ thấy hoặc hiểu mọi sự thật nhanh mà không cần được giải thích hay phân tích từng lời. Xin kính chào Ngài.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x