Trang chủ » Thứ năm, 21 tháng 4 năm 1983

Thứ năm, 21 tháng 4 năm 1983

by Hậu Học Văn
130 views

Tít trên những ngọn đồi, gần những cây cù tùng to lớn thanh cao, có vài túp lều rải rác. Một số những cây ấy đã có mặt từ thời cổ đại Ai-cập, hình như từ đế quốc Ramsès II. Những cổ thụ này tuyệt vời làm sao. Cái thân hồng hào của chúng chói sáng dưới ánh bình minh. Đó không phải là những cây ăn trái; chúng còn giữ được lớp vỏ ngoài qua bao ánh lửa của người da đỏ với những dấu chân mờ lưu vết.

Chúng vĩ đại thật nếu ta ngồi im lặng tựa lưng vào thân cây khổng lồ ấy, khi tia nắng ban mai soi sáng ngọn cây, thì những chú sóc gần đó sẽ mon men đến gần. Những anh chàng này tò mò lắm, hệt như những chú chim sẻ tàu xanh biếc lúc nào cũng sẵn sàng gây sự, chúng hỏi xem bạn đang làm gì đó, bạn có biết là mình đang làm rộn chúng không, bạn phải rời nơi đây nhanh lên. Nhưng nếu ta cứ tỉnh bơ an tọa trước mọi dò xét của chúng mà ngắm nhìn vẻ huy hoàng của ánh nắng đang vuốt ve ngọn lá trong không gian tĩnh mịch, thì chúng sẽ để ta yên và chấp nhận ta như đã từng chấp nhận đồng loại sóc của mình.

Lúc ấy không phải là thời gian nghỉ hè nên các túp lều đều vắng tanh và sự tĩnh mịch của màn đêm trở nên khá lạ lùng. Thỉnh thoảng các chú gấu mò tới và ta nghe tiếng thình thịch của thân hình nặng nề của chúng va vào bức tường thành. Ta ngỡ mình đang ở một nơi hoang dã, nơi mà văn minh loài người chưa xâm nhập tiêu hủy.

Để đến đây, ta phải vượt qua nhiều rặng núi càng lúc càng cao, đến khu rừng cù tùng xen lẫn những thác nước đổ tràn xuống các triền núi. Không khí thanh tịnh làm tăng thêm vẻ đẹp trong nét hùng vĩ của cây cối với những gốc rễ đắm chìm vào quá khứ xa thăm thẳm, bình an, trang nghiêm và hùng dũng, và mãi mãi duy trì sự bất động tuyệt đối trước những xôn xao của cuộc đời.

Và trong cái túp lều được vây quanh bới các cây cù tùng cổ xưa này, chúng ta độc cư ngày này sang ngày khác, quan sát mọi thứ trong suốt các cuộc du hành trên những con đường vắng người. Đứng ở trên đây, ta nhận được sự rộn rịp của những chiếc phi cơ bay lượn trong ánh nắng cũng như của những chiếc xe hơi nối đuôi nhau như những con trùng. Nhưng ngay chỗ ta đứng lại không có con trùng nào cả, mà chỉ là từng đàn kiến đỏ thong dong bò lên chân ta không chút e dè.

Các chú sóc đến kiếm ăn. Một chú đến đây mỗi sáng: nó phóng qua thành cửa sổ, nhẩy lên bàn, dựng chùm đuôi cong sát đến đầu, rồi rút từ một cái túi lớn, từng hạt đậu phộng bất kể đã bóc vỏ hay chưa, nhét vào miệng cho đến căng phồng cả hai bên má. Thu góp xong, nó phóng qua thành cửa sổ, băng qua mái hiên rồi chui vào một hốc cây đã chết làm tổ ấm của mình. Trò này kéo dài có khi một tiếng đồng hồ hoặc hơn. Nó đã được thuần hóa và khi ta vuốt bộ lông mượt mà của nó, nó ngạc nhiên ngước mắt nhìn ta một cách thân thiện. Nó biết mình sẽ không bị tổn thương, không bị ai xâm hại.

Một hôm trang bị đầy đủ lương thực xong, khi trở ra, thấy các cửa sổ đã đóng lại, nó hiểu ngay mình đã bị nhốt. Nó đến gần bàn, nhẩy lên và nhìn ta trách móc. Ai lại nỡ bắt giữ một sinh vật bé nhỏ đáng yêu này nhỉ? Ta bèn mở cửa ra, con vật vội nhanh nhẹn nhẩy từ trên bàn xuống, phóng qua cửa sổ để trở về tổ ấm của mình rồi lập tức quay lại đòi thêm một khẩu phần nữa. Biến cố này thắt chặt tình thân giữa chúng ta. Khi tổ ấm đã đầy đậu phộng dành cho mùa đông, nó có thể chạy nhảy thoải mái trên các cành cây, đuổi theo những con sóc khác, nhưng không quên để mắt đến hốc cây yêu dấu của mình.

Thỉnh thoảng buổi chiều nó ghé qua, ngồi lên thành cửa sổ kể chuyện huyên thuyên về những gì đã xảy ra trong ngày, rồi, khi màn đêm buông xuống, nó phóng về tổ sau khi chúc ta ngủ ngon. Sáng sớm hôm sau nó đã đứng đó gọi ta qua khung cửa kiếng, và ngày mới có thể bắt đầu.

Các con vật khác của khu rừng này, dù một sinh vật bé nhỏ, đều làm như thế – gom góp thực phẩm, đuổi bắt các con khác vì cáu giận hay chỉ để nô đùa. Những con lớn hơn như nai chẳng hạn, lại tò mò nhìn ta. Một hôm, ở khúc quanh một con đường sỏi đá, ta gặp một con gấu cái béo phì với 4 đứa con mủm mỉm như những con mèo to. Gấu mẹ vội ra lệnh cho cả 4 gấu con nhanh chóng vọt lên trốn trên cây, rồi quay lại nhìn ta. Ta tò mò hơn là sợ hãi, và hai bên nhìn nhau đến hai ba giây đồng hồ hay hơn nữa. Ta bèn quay về con đường cũ. Về đến túp lều ta mới nhận ra rằng mình vừa thoát một pha nguy hiểm.

Cuộc đời là một tiến trình không ngừng trở thành và chấm dứt. Cách đây không lâu, lãnh thổ rộng lớn này vẫn còn vẻ thiên nhiên tuyệt đối: chưa hề có phát triển kỹ thuật ở mức độ cao, cũng chưa bị sự thô tục lây lan như bây giờ. Ngồi trên những bậc tam cấp ở cửa lều, ta có thể ngắm nhìn hoạt động náo nhiệt của các sinh vật, nào là kiến, thỏ, nai, gấu, sóc, và cả cây cối nữa. Sự sống là hoạt động, là những lá bài, là những hành động liên tục không ngừng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Hành động phát xuất từ ham muốn bị bóp méo, bị giới hạn, và dù bạn làm như thế nào đi nữa, sự giới hạn của nó thường tạo nên đấu tranh liên tục.

Tất cả những thứ bị giới hạn bởi chính bản chất của mình, đều đưa đến rắc rối khủng hoảng. Sự giới hạn ấy được ví như người chỉ nghĩ đến mình, đến những vấn đề của mình, những kinh nghiệm của mình, những niềm vui và thỏa mãn của mình, những công việc của mình – hoàn toàn ích kỷ. Hoạt động của con người ấy đương nhiên rất giới hạn. Người ta không bao giờ nhận thức được tính hạn cuộc bao hàm trong thói vị kỷ ấy. Họ xem việc đeo đuổi thành công, tầm cầu khoái lạc, cũng như việc chứng đắc nội tâm, nôn nóng muốn trở thành một cái gì … chính là sự biểu lộ cá tính, anh hoa phát tiết, và được đánh giá cao.

Nhưng tất cả hoạt động kiểu ấy chỉ là hạn cuộc, xấu xí, và những hành động kế tục để theo bất cứ một hướng nào cũng đều nhất định đưa đến sự phân hóa như ta đã thấy trên thế giới. Sự thèm khát là rất mãnh liệt; nó thường đồng hóa với cái gì thanh tao hơn, thế nhưng vẫn cứ là thèm muốn. Tất cả các hành động phát xuất từ thèm muốn cho dù có được gán là cao thượng hay thấp hèn đi chăng nữa đều bị gò bó, biến chất.

Con chim sẻ tàu đã quay về. Sau bữa điểm tâm, nó làm rộn lên để được chú ý. Ta bèn vứt cho nó vài hạt đậu phọng xuống đất, nó nhặt lên, ngậm vào miệng, đem đến một cành cây rồi tức tốc quay lại xin thêm. Cứ như thế mỗi ngày, dần dần nó đã được thuần hóa. Nó tiến đến thật gần, long lanh đôi mắt, dựng đuôi lên, ôi cái đuôi xanh biếc, sống động và tươi sáng khôn tả. Rồi nó la mấy con chim kia, không muốn cho kẻ lạ xen vào nơi nó đã xem là lãnh thổ của mình. Nhưng lúc nào mà chẳng có kẻ lạ. Những con chim khác chẳng mấy chốc đã đến nơi nhâm nhi nho khô và đậu phộng. Đây chính là các sinh hoạt của đời sống.

Vầng dương đã lên tít trên trời cao và những bóng mát bây giờ còn thưa sẽ trải dài ra lúc tối trời như những tượng điêu khắc mờ mờ tỏ tỏ.

Có hành động nào không phát sinh từ ham muốn không? Nếu ta tự đặt một câu hỏi như thế và thỉnh thoảng ta làm thế thì ta có thể, không vì một mục đích nào, tìm ra một hành động phát sinh từ trí thông minh. Làm việc do ham muốn thúc đẩy thì không thông minh chút nào, trái lại còn đưa đến vô số vấn đề. Có chăng một hành động do trí thông minh? Ta phải luôn luôn hoài nghi về phương diện này; nghi là một yếu tố đặc biệt làm trong sáng trí óc, trái tim. Nghi ngờ dè dặt có năng lực thanh lọc, giải thoát.

Những tôn giáo phương đông ca tụng hoài nghi và tra tầm, xem như những phương tiện chân chính trong sự tìm kiếm chân lý, trong khi truyền thống tôn giáo phương tây lại xem hoài nghi là ác quỷ. Nhưng trong tự do, trong một hành động không phát xuất từ thèm khát thì tia sáng của hoài nghi lại cần thiết. Khi ta hiểu thật sự chứ không phải hiểu trên lý thuyết cũng không phải hiểu trên ngôn từ rằng hành động phát sinh từ ham muốn bị uốn cong và bóp méo, thì chính sự nhận thức này hàm chứa mầm mống của trí tuệ đưa đến một hành động hoàn toàn khác. Điều này có nghĩa là nhận chân được cái sai như thế nào, phân biệt cái thật trong cái sai và thấy được chân lý.

Một nhận thức như thế tượng trưng giá trị của trí tuệ vốn không phải là của bạn cũng không phải là của tôi, và trí tuệ ấy hành động. Hành động ấy không biến dạng, không hối tiếc, không để lại bất cứ một dấu vết nào trên dòng thời gian. Trí tuệ ấy không thể hiện diện nơi nào vắng bóng từ bi, nơi nào thiếu tình yêu. Và từ bi cũng chỉ nẩy mầm khi những hành động của tư tưởng được củng cố trong một lý tưởng nào đó, một niềm tin, khi những hành động ấy gắn liền vào một biểu tượng hay một con người. Từ bi chỉ được cảm nhận trong tự do. Và nơi mà ngọn lửa ấy hiện hữu chính là ngọn lửa của hoạt động trí tuệ.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x