Trang chủ » Thứ tư, 20 tháng 4 năm 1983

Thứ tư, 20 tháng 4 năm 1983

by Hậu Học Văn
149 views

Trên đầu mỗi ngọn lá to hay nhỏ vừa được mưa gội sạch đều có một giọt nước lũng linh dưới nắng mai, một viên ngọc tuyệt vời mà làn gió thoảng không làm sao thổi đi được. Sáng hôm ấy trời thật êm, thật vui, thật an lành với bầu không khí đầy ân sủng. Hãy ngắm nhìn cái ánh sáng long lanh, lơ lửng trên đầu ngọn lá tươi mươi, trái đất mới đẹp làm sao mặc dù những sợi dây điện treo trên những cây cột trông thật gớm ghiếc. Dù bị quấy nhiễu bởi mọi tiếng ồn, mặt đất vẫn màu mỡ, vững vàng, chắc chắn. Đất vẫn huy hoàng dù có lúc bị lay chuyển bởi những trận động đất quái ác. Ta chỉ có thể thưởng thức được mặt đất nếu ta thật sự tiếp xúc với nó, làm việc với nó, sờ tay vào bụi trên nền, nhặt lên những viên sỏi hay nhấc bổng những tảng đá, như thế ta mới có thể khám phá được cái cảm giác tương quan lạ lùng với mặt đất, hoa lá, cây cối, cỏ rậm, hàng rào.

Sáng hôm nay vạn vật đều hân hoan thức dậy, bầu trời xanh ngắt khi ánh triêu dương vươn qua những rặng đồi và tỏa sáng khắp nơi. Ta ngắm nhìn con sáo làm trò trên sợi dây; nó nhảy thật cao, tung mình thật hãi hùng rồi may thay lại rơi xuống đúng vào vị trí cũ. Nó nghịch ngợm phóng lên thật cao rồi uốn thành những vòng tròn rơi xuống, bật lên những tiếng reo vui lanh lảnh trước cuộc đời. Khi ta nhìn nó thì chỉ có nó hiện hữu mà thôi chứ không có ta là người quan sát. Chỉ có chú chim màu xám trắng với cái đuôi dài. Ta quan sát mà không nghĩ ngợi gì cả, ta chỉ nhìn những trò chơi của con chim đang nô đùa.

Ta không bao giờ nhìn cái gì thật lâu cả. Khi ta kiên nhẫn quan sát mà không biết mình đang quan sát những con chim, những giọt nước trên những chiếc lá đong đưa, những con ong, những nụ hoa, đội quân kiến dài lê thê thì lúc ấy thời gian ngừng lại, thời gian chấm dứt. Ta không phí thì giờ để ngắm nhìn hay kiên nhẫn. Ta học được rất nhiều nhờ quan sát: nhờ nhìn cách đi đứng, lối nói chuyện, điệu bộ của người khác mà ta biết được họ có hãnh diện hay lơ là về thân thể của mình không, hay lơ đễnh hoặc chai lỳ.

Một con diều hâu ở tuốt trên trời cao lượn thành những vòng lớn mà không hề vỗ cánh, rồi mất hút sau những rặng đồi theo làn gió. Hãy quan sát, hãy học hỏi: học hỏi cần có thời gian, nhưng quan sát không chiếm chút thì giờ nào của bạn đâu. Bạn cũng có thể lắng nghe không chút gián đoạn, không một phản ứng, không tí thành kiến nào: hãy nghe tiếng sấm trên trời, cái tiếng sấm nổ vang trong những dãy đồi. Bạn có hoàn toàn lắng nghe đâu, mà thường để tâm sang chuyện khác. Nhìn hay nghe là một nghệ thuật – hãy nhìn, hãy nghe với tất cả tấm lòng, đừng khởi lên một chút xíu nào cái cảm giác ta đang nghe hay ta đang nhìn. Chắc chắn là ta học được nhiều điều qua mắt thấy tai nghe hơn là đọc sách.

Sách vở tuy rất quan trọng, nhưng ta dễ nắm được ý nghĩa hơn nhờ quan sát và lắng nghe. Vì nói cho cùng thì trí tuệ là trung tâm của tất cả những hành động, tư tưởng, ký ức. Nhưng nếu bạn hoàn toàn tỉnh giác thì bạn mới có thể thật sự quan sát, nghe ngóng, học hỏi, nhờ thế không những biết mình nên hành động như thế nào, mà bạn lại còn hiểu được ý nghĩa của sự học hỏi, vì đó chính là điều kiện tất yếu khiến lòng tốt được thăng hoa.

Khi đã quan sát và lắng nghe thật đơn thuần và sáng suốt, thì bạn khởi lên một nhận thức: bạn cảm được màu sắc của những cánh hoa đỏ, vàng, trắng, những chiếc lá mới, những cuống hoa óng mượt, mong manh, bạn nhận ra bầu trời, mặt đất và những con người đi ngang qua nhà bạn. Họ vừa đi vừa nói huyên thuyên trên suốt con đường dài này mà không hề ghé mắt đến cây cối, hoa lá, bầu trời với những dãy đồi. Họ còn không ý thức được cái gì đang xảy ra quanh mình nữa là.

Họ bàn rất nhiều về môi trường, về những điều cần thiết để bảo vệ thiên nhiên, nhưng lại không ý thức được vẻ đẹp và sự tĩnh mặc của núi đồi, hay nét uy phong của cây cổ thụ. Họ cũng không biết được mình đang nghĩ gì, đang làm gì, đang đi ra sao hay đang ăn mặc như thế nào. Điều này chứng tỏ họ rất tự tôn trong nhận xét của mình, trong việc nhận thức các sự kiện, trong khi chính mình lại không tỉnh thức.

Khi tỉnh thức bạn sẽ biết mình nên làm điều này đừng làm điều kia, nên thích cái này chê cái nọ. Bạn thấu suốt tận đáy lòng mỗi thành kiến, nỗi sợ hãi, cơn khắc khoải, niềm vui, cùng các lạc thú của mình; trong tất cả những cảm nghĩ ấy bạn đã từng đắn đo và cho rằng chính sự cân nhắc đã đem tự do đến cho bạn. Phải thích cái tự do lựa chọn ấy, và cho là phải có tự do mới lựa chọn được – hay đúng hơn do cân nhắc, bạn cảm thấy mình được thoải mái – nhưng khi nhận ra mọi việc thật rõ ràng thì bạn không còn cần phải chọn lựa nữa.

Và thế là bạn tỉnh thức mà không lựa chọn, một nhận thức không có ưa ghét xen vào. Cái nhận thức hoàn toàn đơn giản, thuần tịnh và không cân nhắc ấy đưa đến một yếu tố khác: sự chú ý. Từ ngữ chú ý có nghĩa là nắm bắt và duy trì, nhưng vẫn còn bị giới hạn trong lãnh vực tư duy. Sự quan sát, sự tỉnh thức và sự chú ý tùy thuộc vào trí óc bị giới hạn và bị ảnh hưởng bởi những thói quen của biết bao thế hệ đã qua, những cảm tưởng, những truyền thống, tất cả những cảm nghĩ đúng sai của con người.

Do đó, tất cả các hành động xuất phát từ sự chú ý ấy đều bị hạn hẹp, và cái gì hạn hẹp đương nhiên phải đưa đến hỗn độn. Nếu bạn chỉ nghĩ đến mình suốt từ sáng đến chiều – nào là lo âu, ham muốn, khát khao và thực hiện – thì sự tự tôn quá ích kỷ này chỉ là nguyên nhân của mối bất hòa trong sự tương quan với người khác vốn cũng hẹp hòi; và đó là nguyên nhân của chia rẽ, căng thẳng và rối loạn trong mọi khía cạnh, khối bạo động âm ỉ của con người.

Khi hoàn toàn chú tâm không chút đắn đo đến tất cả những sự cố ấy thì bạn có được cái nhìn hướng nội, gọi là nội quán. Nội quán không là hoạt động của kỷ niệm, một tiếp nối của trí nhớ, mà là một tia chớp của ánh sáng. Trong ánh sáng tuyệt đối ta thấy rõ tất cả những rắc rối, những ảnh hưởng, những tương quan. Như vậy nội quán là hành động, một hành động tuyệt vời không bợn hối hận cũng không tiếc quá khứ, không mặc cảm tự ti cũng không trốn tránh. Chỉ thuần là nội quán trong sáng – một tri giác không nhuốm hoài nghi.

Đa số chúng ta thường bắt đầu bằng quả quyết, nhưng càng ngày thì sự chắc chắn càng trở nên bấp bênh, rồi ta sẽ chết trong hoang mang. Nhưng nếu ta bắt đầu bằng mập mờ, hoài nghi, đặt lại vấn đề, thắc mắc và lòng ham muốn tìm hiểu thật mãnh liệt, nếu ta thật sự nghi ngờ hạnh kiểm của con người, những lễ nghi tôn giáo với hình ảnh và biểu tượng của họ thì mối nghi ấy sẽ biến thành xác thực. Nếu bạn chỉ trầm tư về sự bạo động chẳng hạn thì chính nội quán này sẽ tẩy trừ mọi bạo lực. Nội quán không lệ thuộc vào trí óc, nếu ta có thể diễn tả như thế. Nội quán không là thời gian, không là kỷ niệm hay hiểu biết. Như vậy nội quán và hoạt động xuất phát từ đó biến đổi các tế bào não bộ. Nội quán quả là hoàn hảo và từ sự toàn vẹn này, một hành động hiển nhiên, lành mạnh và hợp lý có thể xảy ra.

Tất cả những hành vi từ quán sát và lắng nghe cho đến nội quán thật ra chỉ là một hành động duy nhất; các sự kiện không thể xảy ra từng giai đoạn một, mà nhanh như tên bắn. Chính hành động này điều khiển trí óc chứ không phải nỗ lực của tư duy, một ý muốn do sự cần thiết thúc đẩy. Tất cả những thứ này liên quan đến thời gian và sự phó mặc thời gian. Người ta hay bị thời gian và sự vất bỏ thời gian chi phối. Do đó, chỉ khi nào bạn bặt dứt được khái niệm về tư tưởng và thời gian thì bạn mới có được nội quán sâu sắc. Khi ấy trí tuệ bừng sáng lên, và đó chính là lúc bạn làm chủ hoàn toàn được tâm trí.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x