Trang chủ » Thực chứng

Thực chứng

by Trung Kiên Lê
103 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 29 tháng 10, 1896)

Tôi sẽ đọc cho các bạn nghe một trong những cuốn sách đơn giản nhất, nhưng tôi cho là thi vị nhất trong các kinh thư Upanishad. Nó có tên là Katha Upanishad. Một số trong các bạn có lẽ đã đọc qua bản dịch của Sir Edwin Arnold dưới nhan đề Sự Huyền Bí của Cái Chết.

Trong bài giảng vừa rồi, chúng ta đã thấy cuộc tra vấn bắt nguồn từ khởi nguyên của thế giới và sự sáng tạo của vũ trụ đã thất bại như thế nào khi tìm lời giải đáp, và nó phải quay về với thế giới nội tâm ra sao. Về phương diện tâm lý học, cuốn sách này gợi lên vấn đề thế giới ngoại tại của con người.

Câu hỏi đầu tiên mà nó đặt ra là ai đã tạo dựng nên cái thế giới này, và nó hình thành như thế nào. Giờ đây câu hỏi là: Cái gì ở bên trong con người để khiến họ có thể sống và di chuyển, rồi nó trở thành cái gì khi họ chết đi? Những triết gia đầu tiên đã nghiên cứu thế giới vật chất và, thông qua nó, cố đạt đến Thực Tại Tối Hậu.

Giỏi lắm thì họ chỉ tìm ra được một đấng Cai Quản Vũ Trụ – là hình ảnh một con người được phóng đại đến vô cùng –, nhưng mục đích cuối cùng cũng chỉ là một con người. Song điều đó không phải là toàn bộ chân lý; cùng lắm thì nó cũng chỉ là chân lý nửa vời.

Chúng ta nhìn vũ trụ này với tư cách là những con người, và Thượng Đế của chúng ta chỉ là cách giải thích về Ngài, theo cách ta tìm hiểu vũ trụ từ quan điểm con người.

Giả sử con bò mà có tinh thần triết học và có tôn giáo thì hẳn chúng đã có một vũ trụ quan và giải pháp cho vấn đề này theo mô hình con bò, và điều đó hẳn cũng không thể thấy được Thượng Đế, như chúng ta.

Giả sử các con mèo mà trở thành triết gia thì chắc hẳn chúng đã có một vũ trụ quan và giải pháp cho vấn đề vũ trụ theo mô hình con mèo, với một con mèo cai quản[1]. Bởi vậy, từ điều này ta thấy rằng giải thích vũ trụ theo cách của chúng ta không phải là giải pháp trọn vẹn.

Quan niệm của chúng ta cũng không bao trùm được khắp vũ trụ. Thật là một sai lầm to lớn khi chấp nhận cái lập trường cực kỳ ích kỷ đó, lập trường mà con người thường thích giữ lấy.

Một giải pháp như thế về vũ trụ, như chúng ta có thể thu nhận được từ hình thể bên ngoài, vấp phải vấn nạn này: trước tiên, vũ trụ mà chúng ta nhận thấy là vũ trụ đặc thù riêng biệt của chúng ta, là quan điểm riêng của chúng ta về Thực Tại.

Ta không thể cảm nhận được Thực Tại đó bằng giác quan, ta cũng không thể lĩnh hội được nó. Ta chỉ biết được vũ trụ đó từ quan điểm của những sinh thể có năm giác quan. Giả sử chúng ta có được một giác quan khác thì toàn thể vũ trụ hẳn phải biến đổi theo chúng ta.

Giả sử ta có được một giác quan mang từ tính thì chúng ta có thể phát hiện ra sự tồn tại của hàng triệu triệu các lực, mà hiện tại chúng ta chưa hề biết đến, mà cũng chưa hề cảm nhận được; điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Giác quan chúng ta bị hạn chế, thực sự là rất bị hạn chế; và bên trong những giới hạn đó, tồn tại cái mà ta gọi là vũ trụ; và Thượng Đế của chúng ta là giải pháp của cái vũ trụ này. Nhưng đó không thể là giải pháp cho toàn bộ vấn đề. Con người không thể dừng chân tại đấy.

Con người là một sinh thể biết tư duy, và muốn tìm ra một giải pháp có thể giải thích được toàn bộ vũ trụ. Con người muốn thấy một thế giới vừa là thế giới của con người, vừa là thế giới của chư thần cùng tất cả mọi sinh thể khác nào có thể tồn tại, và tìm ra một giải pháp có thể giải thích được mọi hiện tượng.

Ta thấy rằng trước hết ta phải tìm ra một vũ trụ bao hàm tất cả mọi vũ trụ; ta phải tìm ra một cái gì đó mà tự thân nó phải là một loại chất liệu chạy xuyên suốt qua tất cả mọi cấp độ tồn tại, dù giác quan ta có nhận biết được hay không.

Nếu ta tìm ra được một cái, mà ta có thể biết đó là thuộc tính chung của những thế giới cấp thấp cũng như của những thế giới cấp cao, thì vấn đề của ta đã được giải quyết xong.

Cho dù chỉ nhờ sức mạnh lý thuyết thuần túy mà ta có thể hiểu được rằng phải có một nền tảng chung cho mọi sự tồn tại thì vấn đề của chúng ta vẫn có thể tiếp cận được với một giải pháp nào đấy; nhưng chắc chắn ta cũng không thể đạt được giải pháp đó thông qua cái thế giới mà ta nhìn thấy và nhận biết, bởi vì nó chỉ là một cái nhìn cục bộ về toàn thể.

Niềm hy vọng duy nhất của chúng ta nằm ở chỗ xuyên thấu sâu hơn. Những triết gia ban đầu phát hiện ra rằng hễ họ càng xa trung tâm bao nhiêu thì sự biến dị và sai biệt càng rõ rệt bấy nhiêu, mà càng đi gần vào trung tâm thì họ đi gần đến tính thống nhất.

Càng đến gần tâm vòng tròn thì chúng ta càng đến gần nền tảng chung, nơi mà tất cả các bán kính đều đồng quy; càng đi xa tâm vòng tròn thì các bán kính càng xa lìa nhau hơn. Thế giới ngoại tại xa cách với trung tâm, do đó nó không có nền tảng chung để tất cả các hiện tượng tồn tại có thể đồng quy.

Cùng lắm thì thế giới ngoại tại chỉ là một phần của toàn thể hiện tượng giới. Còn có những thành phần khác: thế giới tinh thần, thế giới đạo đức, thế giới trí năng – những cấp độ khác nhau của sự tồn tại – ; cho nên chọn ra một thế giới duy nhất, và tìm ra giải pháp cho toàn thể từ thế giới đó, là điều hoàn toàn bất khả.

Do đó, trước hết chúng ta cần phải tìm ra một trung tâm ở đâu đó, nơi mà – có thể nói như vậy – mọi cấp độ tồn tại đều khởi đầu; và đứng trên lập trường đó, ta mới có thể nỗ lực tìm ra một giải pháp. Đó là lời đề nghị. Và trung tâm đó nằm ở đâu? Ở ngay trong ta.

Các bậc hiền triết cổ đại đã xuyên thấu vấn đề này ngày càng sâu, cho đến khi họ khám phá ra rằng phần sâu kín nhất trong tận cùng thế giới nội tâm của con người chính là trung tâm của toàn thể vũ trụ. Mọi cấp độ tồn tại đều hướng về trung tâm đó.

Đó là nền tảng chung, và chỉ đứng từ trung tâm đó ta mới có thể tìm ra được một giải pháp chung. Do đó, câu hỏi ai đã sáng tạo nên vũ trụ này không còn mang tính triết học nặng nề, mà câu trả lời cho nó cũng không được đặt thành vấn đề.

Katha Upanishad đã nói đến điều này bằng một ngôn ngữ vô cùng hoa mỹ. Ngày xưa, có một người vô cùng giàu có, ông ta tiến hành một nghi lễ hiến tế đòi hỏi phải dâng cúng tất cả tài sản của mình. Nhưng ông ta không thành tâm.

Ông muốn được tôn vinh là người đã thực hiện lễ hiến tế đó, nhưng chỉ dâng cúng những thứ không còn dùng được – những con bò già, mù lòa, què quặt và không còn khả năng sinh sản nữa. Ông ta có một đứa con trai tên là Nachiketas.

Đứa bé thấy cha mình không làm đúng theo lời nguyện, nhưng không biết phải nói với cha thế nào, vì ở Ấn Độ, con cái tôn kính cha mẹ như thần thánh. Đứa bé bèn đến gần cha nó, và kính cẩn hỏi: “Thưa cha, cha sắp dâng cúng con cho ai?”.

Bởi vì lễ hiến tế của người cha yêu cầu phải dâng cúng tất cả tài sản. Người cha rất bực mình vì câu hỏi đó, nên hỏi lại: “Con nói vậy là có ý gì? Một người cha mà có thể đem hiến tế con trai mình hay sao chớ?”

Thằng bé cứ lặp lại câu hỏi đó lần thứ hai, rồi lần thứ ba khiến người cha nổi cáu, đáp: “Cha dâng cúng con cho Thần Chết (Yama)”. Câu chuyện tiếp tục kể rằng đứa bé đi về cõi của Thần Chết Yama. Yama là người đầu tiên bị chết. Ông lên cõi trời và làm người cai quản tất cả các Pitris.

Tất cả những người hiền lành lương thiện, khi chết đi, đều đến sống với ông trong một thời gian dài. Yama là một người thánh thiện, trong sạch và nhân đức, đúng như cái tên của mình. Bởi vậy, đứa bé đi đến cõi thần Yama.

Nhưng ngay cả các thần linh đôi khi cũng vắng nhà, nên đứa bé phải chờ ở đó ba ngày. Đến ngày thứ ba, thần Yama mới quay về. “Ô! Kẻ khôn ngoan”, thần lên tiếng, “ngươi đã chờ ở đây ba ngày mà chẳng ăn uống gì, ngươi là vị khách đáng kính trọng.

Xin chào ngươi, vị brāhmin! Xin cho ta được mọi sự tốt lành! Ta rất ân hận là đã vắng nhà. Nhưng ta sẽ đền bù cho ngươi. Ta cho ngươi ba điều ước, mỗi ngày ước một điều”. Đứa bé đáp: “Điều ước đầu tiên của con là cha con không còn giận con nữa, và người sẽ đối xử tử tế với con, khi thần để con quay về”.

Yama chấp thuận điều đó. Điều ước thứ hai của đứa bé là nó muốn biết về một lễ hiến tế có thể đưa tất cả mọi người lên được cõi trời. Bây giờ thì chúng ta đã thấy rằng ý tưởng cổ xưa nhất trong phần Samhitā của kinh Veda chỉ là ý tưởng về một cõi trời, nơi mà con người có được thể xác sáng ngời và được sống với cha mẹ mình.

Dần dần, những ý tưởng khác xuất hiện, nhưng không làm cho con người thỏa mãn, họ vẫn còn cần đến những điều cao xa hơn. Đời sống trên cõi trời cũng chẳng khác chi nhiều so với đời sống nơi trần thế. Giỏi lắm thì đó cũng chỉ là đời sống của một người giàu có, mạnh khỏe, hưởng thụ đủ mọi thứ khoái lạc và không hề biết đến bệnh tật.

Đó vẫn chỉ là thế giới vật chất, ít nhiều thanh nhã hơn mà thôi; chúng ta thấy ngay điều nan giải: thế giới vật chất ngoại tại không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề. Bởi vậy, không thể có một thiên đàng hay cõi trời nào có thể giải quyết được vấn đề.

Nếu thế giới này không giải quyết được vấn đề đó thì dù có muôn ngàn thế giới đi nữa cũng chẳng giải quyết được gì, bởi vì ta phải luôn nhớ rằng vật chất chỉ là một phần vô cùng nhỏ bé trong hiện tượng tự nhiên. Phần bao la của hiện tượng giới, mà chúng ta thực sự nhìn thấy, không phải là vật chất.

Chẳng hạn, tại mọi thời điểm trong đời sống, nếu đem so với hiện tượng vật chất bên ngoài thì chính tư tưởng và cảm xúc mới đóng một vai trò to lớn! Thế giới nội tâm cùng những hoạt động của nó thật mênh mông biết ngần nào! Thế giới hiện tượng do giác quan đem lại quá nhỏ bé khi so sánh với nó.

Giải pháp thiên đàng phạm phải sai lầm này: nó khư khư khẳng định rằng toàn bộ thế giới hiện tượng chỉ nằm trong phạm vi của sờ, nếm, thấy, nghe, v.v… Cho nên ý tưởng về thiên đàng không làm cho tất cả mọi người đều thấy thỏa mãn.

Tuy vậy, Nachiketas chỉ ước điều thứ hai là có một lễ hiến tế đưa được tất cả mọi người cùng lên cõi trời. Trong kinh Veda có một quan niệm cho rằng có một loại lễ hiến tế làm chư thần hài lòng và đưa được con người lên cõi trời.

Khi nghiên cứu mọi tôn giáo, các bạn sẽ thấy rằng bất cứ cái gì cổ xưa cũng đều trở nên linh thiêng. Chẳng hạn, tổ tiên của chúng tôi ở Ấn Độ thường viết trên vỏ cây hoa [ birch], nhưng chẳng bao lâu, họ biết cách làm ra giấy. Ấy vậy mà vỏ cây hoa vẫn được xem là rất linh thiêng.

Khi những đồ gia dụng dùng để nấu nướng trong thời cổ được cải tiến thì những đồ cổ lại được xem là linh thiêng, và không nơi nào ý tưởng đó lại được giữ gìn như ở Ấn Độ. Những phương pháp thời cổ được sử dụng cách đây hàng chục ngàn năm, chẳng hạn như cọ xát hai cây que để lấy lửa, hiện nay vẫn có người áp dụng.

Trong thời kỳ hiến tế, không có một phương pháp nào khác. Các tộc người Āryan châu Á thuộc nhánh khác[2] cũng vậy. Hậu duệ hiện nay của họ vẫn thích lấy lửa từ ánh nắng mặt trời, chứng tỏ họ vẫn thường lấy lửa bằng cách này.

Thậm chí khi họ học hỏi những phong tục tập quán khác, họ vẫn giữ nguyên tập quán cũ, nên chúng dần trở nên thiêng liêng. Người Do Thái cũng chẳng khác. Họ thường viết trên da thú. Hiện nay thì họ viết trên giấy, nhưng da thú là thứ vô cùng thiêng liêng.

Tất cả các quốc gia khác cũng thế. Mọi nghi thức – mà giờ đây các bạn thấy thiêng liêng – chỉ là những tập quán cổ xưa; bản chất những nghi thức hiến tế trong các kinh Veda cũng vậy.

Theo thời gian, khi con người tìm ra những cách sống tốt hơn thì những quan niệm của họ cũng phát triển rất nhiều; những nghi thức tập quán cổ xưa vẫn được con người gìn giữ và thực hiện, dần dần chúng trở nên thiêng liêng. Vậy thì phải có một bộ phận đảm trách công việc cúng tế.

Đó là giới tăng lữ. Họ đầu tư nghiên cứu cho những nghi thức cúng tế này, và chúng trở thành tất cả đối với họ. Chư thần tề tựu đến để thưởng thức hương vị của lễ vật, và người ta cho rằng họ có thể đạt được mọi thứ trong thế gian này nhờ vào quyền năng của những buổi hiến tế.

Khi dâng cúng thì phải có nghi thức tụng niệm, bài trí bàn thờ, và chư thần chấp thuận mọi điều. Cho nên Nachiketas mới hỏi phải hiến tế theo nghi thức nào để tất cả mọi người đều được lên cõi trời.

Điều ước thứ hai đó cũng được Yama sẵn sàng chấp thuận, vị thần này hứa rằng nghi thức cúng tế đó từ đây về sau sẽ có tên là Nachiketas. Tiếp theo đó là điều ước thứ ba, và các Upanishad ra đời là do điều ước này.

Đứa bé hỏi: “Có một điều khó khăn: khi một người chết đi thì người đó còn hiện hữu hay không hiện hữu? Con cầu mong thần dạy cho con biết điều này”. Thần Yama hiểu ngay đứa bé đang hỏi đến Tri Thức Về Chân Ngã [ Self-Knowledge], một vấn đề chỉ có thể thuyết giảng cho những học giả uyên bác mà thôi.

Ngài muốn thử Nachiketas nên bảo: “Chư thần trong quá khứ cũng từng kinh ngạc về điều đó. Chân lý nhiệm mầu này không dễ gì lãnh hội nổi đâu. Này Nachiketas, hãy chọn một điều ước khác đi. Đừng làm khó cho ta nữa. Hãy tha cho ta đi”.

Nhưng đứa bé đã quyết tâm, nên nói: “Hỡi Thần Chết, những gì Ngài nói đều là sự thật, ngay đến chư thần cũng hoài nghi điểm này, và không dễ gì hiểu được. Nhưng con không thể tìm được một ai giải đáp được như Ngài, và cũng không có điều ước nào sánh ngang được với điều ước này”.

Thần Chết đáp: “Ngươi hãy cầu xin ta về những đám con cháu sẽ sống được hàng trăm năm, hãy cầu xin ta về những đàn bò, đàn voi, vàng bạc và bầy ngựa. Ngươi hãy cầu xin ta về những vương quốc trên thế gian này, và hãy cầu sống lâu tùy ý.

Hoặc ngươi hãy chọn một điều ước khác mà ngươi thấy tương đương với những điều này – chẳng hạn như tài sản, của cải và sự trường thọ. Hoặc này Nachiketas, hãy cầu xin được làm vua cả thế gian mênh mông này. Ta sẽ khiến ngươi hưởng thụ được tất cả những điều ước nguyện đó.

Ngươi hãy cầu xin tất cả những điều ước nguyện khó đạt được trên thế gian này. Những thiên nữ đánh xe và ca hát, mà con người không sao có được, sẽ thuộc về ngươi.

Hãy để họ phục vụ cho ngươi. Nhưng này Nachiketas, xin đừng hỏi ta điều gì sẽ đến sau khi chết”. Nachiketas đáp: “Hỡi Thần Chết, những thứ đó đều là chuyện vặt vãnh, chúng làm hao mòn hết năng lực của mọi giác quan. Ngay cả một cuộc sống trường thọ cũng rất là ngắn ngủi.

Những con ngựa cùng các cỗ xe, những lời ca điệu múa kia, xin Ngài hãy giữ lấy. Tài sản, của cải không làm cho con người thỏa mãn. Liệu con có thể giữ được của cải không, khi về đối diện với Ngài? Điều ước duy nhất mà con muốn hỏi chỉ là điều đó mà thôi”.

Yama đẹp lòng với câu trả lời đó, nên đáp: “Hoàn hảo là một chuyện và hưởng thụ là một chuyện khác. Hai điều đó có hai cứu cánh khác nhau, nên sẽ đưa con người đến hai cảnh giới khác nhau. Kẻ chọn sự hoàn hảo sẽ được thuần tịnh. Kẻ chọn sự hưởng thụ sẽ đánh mất cứu cánh chân thực của mình.

Cả sự hoàn hảo và hưởng thụ đều tự bày ra trước con người; người khôn ngoan, sau khi xem xét cả hai, phân biệt được cái này với cái kia, người đó sẽ chọn sự hoàn hảo vì thấy nó cao siêu hơn hưởng lạc; còn kẻ ngu sẽ chọn sự hưởng lạc để thỏa mãn xác thân.

Này Nachiketas, sau khi tư duy về những thứ tưởng như là lạc thú, ngươi đã khôn ngoan từ bỏ chúng”. Rồi Thần Chết lại tiếp tục giảng dạy cho Nachiketas.

Lúc này, chúng ta có một ý tưởng tiến bộ về sự xả ly và nền đạo đức theo kinh Veda; đó là: chỉ đến khi nào con người chế ngự được khát vọng hưởng lạc thì chân lý mới bừng sáng trong tâm.

Chừng nào mà những khát vọng hưởng lạc phù phiếm còn lên tiếng ầm ĩ, và còn lôi kéo chúng ta hướng ngoại trong từng giây từng phút, biến chúng ta thành kẻ nô lệ cho muôn vật bên ngoài – cho sắc màu vụn vặt, vị ngon thấp kém, sự êm dịu ngắn ngủi – mặc dù chúng ta có nhiều kỳ vọng thì làm sao chân lý có thể hiển lộ trong tâm ta?

Thần Chết nói tiếp: “Cái ở cõi bên kia không bao giờ hiện ra trước tâm trí của đứa bé hời hợt vô tư, bị lừa dối bởi cơn điên rồ vì sự giàu sang. ‘Thế giới này tồn tại, thế giới khác không tồn tại’, do nghĩ thế nên nó cứ mãi quay đi quay lại dưới quyền năng của ta”.

Chân lý này rất khó hiểu. Thậm chí có nhiều người cứ nghe điều này lặp đi lặp lại liên tục nhưng chẳng hiểu gì cả, vì người nói phải thật tuyệt diệu mà người nghe cũng thế. Vị đạo sư phải thật tuyệt diệu, và giáo lý cũng thế.

Tâm trí cũng không bị xao động bởi lý thuyết suông, bởi vì vấn đề không phải là lý thuyết mà là thực tế. Chúng ta luôn nghe nói rằng tôn giáo nào cũng đòi hỏi phải có đức tin.

Chúng ta đã được dạy phải tin một cách mù quáng. Phải, quan niệm về đức tin mù quáng rõ ràng là điều đáng phê phán, nhưng nếu phân tích kỹ ta sẽ thấy đằng sau nó là một chân lý vô cùng vĩ đại. Ý nghĩa thực sự của nó là điều mà ta đang đọc giờ đây.

Tâm trí không thể bị xao động bởi lý thuyết suông, vì lý thuyết sẽ không giúp ta hiểu được Thượng Đế. Đó là vấn đề thuộc sự kiện chứ không phải lý thuyết. Mọi lý thuyết và lập luận đều phải dựa trên những nhận thức cụ thể. Nếu không thế thì không thể có bất kỳ lý thuyết nào.

Lập luận là phương pháp so sánh giữa những sự kiện cụ thể mà chúng ta đã nhận thức được. Nếu những sự kiện được nhận thức này không có ở đó thì không thể có lập luận. Nếu điều này đúng với hiện tượng ngoại giới thì vì sao nó lại không đúng với hiện tượng nội tâm?

Nhà hóa học dùng một số hóa chất cụ thể và tạo ra những kết quả cụ thể. Đó là sự kiện; các bạn phải thấy nó, cảm nhận nó và biến nó thành cơ sở để xây dựng nên tất cả những lý thuyết về hóa học. Các nhà vật lý cũng thế, và các nhà khoa học khác cũng thế.

Kiến thức nào cũng phải căn cứ trên sự nhận thức những sự kiện cụ thể, và chúng ta phải xây dựng lý thuyết của mình trên những sự kiện đó.

Nhưng thật là lạ lùng khi phần lớn nhân loại – nhất là con người thời hiện đại –, những người mà tâm trí hoàn toàn trống rỗng những nhận thức như thế, lại đắm chìm trong lý thuyết suông để hiểu tôn giáo. Nhưng các kinh thư Upanishad đã bảo chúng ta rằng không được để tâm trí xao động bởi lý thuyết suông.

Tôn giáo là vấn đề thực tế chứ không phải nói suông. Ta phải phân tích linh hồn mình và tìm thấy cái gì nơi đó. Ta phải hiểu nó và thực chứng những gì được hiểu. Đó là tôn giáo. Nói nhiều đến mấy cũng không bao giờ làm nên tôn giáo.

Thế cho nên vấn đề đặt ra là có một Thượng Đế hay không, và có thể chứng minh được Ngài bằng lý thuyết hay không, bởi vì bất cứ lý thuyết nào cũng một chiều như nhau. Nhưng nếu có Thượng Đế thì Ngài ở trong chính tâm hồn chúng ta.

Các bạn có bao giờ thấy được Ngài chưa? Vấn đề liệu thế giới này có tồn tại hay không vẫn chưa ngã ngũ, và cuộc tranh luận giữa các triết gia duy tâm cùng các triết gia duy thực vẫn chưa đến hồi kết thúc. Tuy nhiên, ta biết rằng thế giới này tồn tại, và nó vẫn đang tồn tại.

Chúng ta chỉ thay đổi ý nghĩa của danh từ. Đối với tất cả những câu hỏi về cuộc đời cũng thế, chúng ta phải đi đến những sự kiện. Có những sự kiện tôn giáo cụ thể cần phải được nhận thức, giống như sự kiện khoa học, và tôn giáo sẽ được xây dựng trên các sự kiện đó.

Dĩ nhiên, điều yêu cầu cực đoan – rằng bạn phải tin vào mọi tín điều tôn giáo – đang làm suy đồi tâm trí nhân loại. Kẻ nào yêu cầu bạn phải tin mọi thứ thì kẻ đó đang làm suy đồi bản thân họ, còn nếu bạn tin theo họ thì bạn đang làm suy đồi chính bản thân mình.

Chỉ những vị thánh của thế gian mới có quyền bảo cho ta rằng họ phân tích tâm trí mình và đã phát hiện ra những sự kiện đó; và nếu chúng ta cũng làm y như vậy thì chúng ta cũng sẽ tin theo, chứ không tin trước. Đó là tất cả những gì có trong tôn giáo.

Song các bạn phải nhớ điều này: trên thực tế thì 99,9% những kẻ công kích tôn giáo là những kẻ chưa bao giờ phân tích tâm trí mình, chưa bao giờ nỗ lực để đạt đến những sự kiện đó.

Do đó, những lời lẽ công kích của họ chẳng hề có giá trị gì đối với tôn giáo, còn đối với chúng ta thì những lời lẽ đó cũng chẳng hơn gì tiếng la hét của đám người mù: “Các ngươi toàn là một lũ ngu ngốc mới tin rằng có mặt trời”.

Đây là một trong những tư tưởng vĩ đại cần phải học hỏi và giữ gìn: tư tưởng về sự thực chứng. Sự hỗn loạn, đấu tranh và khác biệt trong tôn giáo chỉ chấm dứt khi nào chúng ta hiểu được rằng tôn giáo không hề nằm trong kinh sách hay đền thờ.

Nó nằm trong nhận thức. Chỉ người nào thực sự nhận thức được Thượng Đế thì mới có tinh thần tôn giáo. Không có sự khác biệt thực sự giữa một tu sĩ vĩ đại thuộc hàng giáo phẩm cao nhất – người có thể thuyết giảng tràng giang đại hải hàng pho sách – với một người theo thuyết duy vật thuộc loại thấp kém nhất, ngu dốt nhất.

Tất cả chúng ta đều những kẻ vô thần; chúng ta hãy thú nhận điều đó. Sự tán đồng thuần túy bằng trí năng không biến chúng ta thành những người có tinh thần tôn giáo. Một người – cho dù là tín đồ Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo, hay là tín đồ của một tôn giáo bất kỳ trên thế giới – hễ thực chứng được chân lý trong Bài giảng trên núi thì lập tức trở thành người hoàn hảo.

Người ta bảo rằng có hàng triệu triệu tín đồ Cơ Đốc giáo trên thế giới. Song chẳng có một ai trong số hai mươi triệu đó là tín đồ Cơ Đốc giáo chân chính.

Cũng vậy, người ta bảo rằng có đến ba trăm triệu Vedāntist tại Ấn Độ, nhưng nếu có một người trong số hàng ngàn người đó thực sự thực chứng tôn giáo thì thế giới này hẳn đã thay đổi rất nhiều rồi. Tất cả chúng ta đều là những kẻ vô thần, vậy mà chúng ta lại chống đối người nào chấp nhận điều đó.

Tất cả chúng ta đều ở trong bóng tối; đối với chúng ta, tôn giáo chỉ là sự chấp nhận suông bằng lý trí, chỉ là lý thuyết suông, hoàn toàn trống rỗng. Ta thường cho rằng người giảng đạo lôi cuốn là người có tinh thần tôn giáo.

Nhưng đó không phải là tôn giáo. Śankarāchārya nói: “Các xảo thuật kết hợp danh từ, năng lực hùng biện, và chú giải kinh điển theo nhiều cách, những thứ đó chỉ là trò giải trí của các học giả, chứ không phải là tôn giáo”. Tôn giáo chỉ xuất hiện khi tâm hồn chúng ta thực sự bắt đầu thực chứng.

Điều đó sẽ là buổi bình minh của tôn giáo; và chỉ điều đó mới làm cho chúng ta trở nên đạo đức. Hiện giờ, chúng ta cũng không đạo đức hơn loài vật bao nhiêu. Chúng ta chỉ chùn bước trước những lằn roi của xã hội.

Nếu xã hội ngày nay mà lên tiếng “Tôi sẽ không trừng phạt dù bạn có ăn cắp”, thì có thể chúng ta đã đổ xô đi đánh cắp tài sản của nhau rồi. Chính người cảnh sát khiến ta đạo đức. Chính dư luận làm cho chúng ta trở nên đạo đức, nên ta thực sự không hơn loài vật bao nhiêu.

Chúng ta hiểu rõ điều này biết bao, trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn. Cho nên ta đừng làm những kẻ đạo đức giả. Chúng ta hãy thừa nhận mình không có tinh thần tôn giáo, và không có quyền khinh thường người khác.

Tất cả chúng ta đều là anh em, và chúng ta sẽ thực sự đạo đức khi đã thực chứng tôn giáo. Nếu các bạn đã tham quan một số quốc gia nào đó, mà có người buộc bạn phải nói rằng bạn chưa từng đến tham quan nước đó, thì trong lòng bạn, bạn vẫn biết rằng mình đã có tham quan.

Cũng thế, khi bạn đã thấy được tôn giáo và Thượng Đế theo nghĩa mạnh mẽ hơn nhiều so với cách bạn thấy thế giới ngoại tại thì không gì có thể lay chuyển được đức tin của bạn. Thế là bạn đã có được đức tin chân chính.

Đây là ý nghĩa của những lời trong Phúc Âm: “Nếu ngươi có được đức tin nhỏ như hạt cải”. Như vậy bạn sẽ hiểu được chân lý, vì bạn đã trở thành chân lý. Đây là khẩu hiệu của triết học Vedānta: Hãy thực chứng tôn giáo, đừng nói mà hãy làm, Thực hành điều này sẽ vô cùng khó khăn.

Thượng Đế – đấng Cổ Xưa ngụ trong tận cùng sâu thẳm của mỗi trái tim người – đã tự ẩn mình đi trong nguyên tử. Các bậc hiền triết chứng ngộ được Ngài qua năng lực nội quán, và vượt qua được cảnh giới khổ lạc, vượt qua cảnh giới thị phi, thiện ác, siêu quá hữu vô, các vị đó thấy được Ngài trong Thực Tại.

Vậy thì thiên đàng thì sao? Đó là cảnh giới toàn hỷ lạc. Có nghĩa là: điều ta cần là một cuộc sống hạnh phúc không có phiền não, khổ đau. Hiển nhiên đó là một quan niệm tốt, xuất hiện rất tự nhiên; nhưng điều đó lại sai lầm hoàn toàn, bởi vì không hề có cái gì là tốt đẹp tuyệt đối, cũng chẳng có cái gì là xấu xa tuyệt đối.

Các bạn đã từng nghe câu chuyện về một phú ông ở Rome, một ngày nọ ông ta biết tài sản mình chỉ còn có một triệu bảng Anh, bèn tự nhủ: “Ngày mai ta sẽ sống ra sao đây?”, rồi tự vẫn. Đối với ông ta thì một triệu bảng Anh vẫn là nghèo túng.

Vui là gì? Buồn là gì? Chúng chỉ là những thực thể phu du, tan biến vô thường. Khi còn bé, tôi nghĩ rằng nếu được làm người đánh xe ngựa để được giong ngựa đi dạo chơi thì đời tôi cực kỳ hạnh phúc. Giờ đây, tôi không còn nghĩ như thế nữa.

Các bạn sẽ say sưa quyến luyến với niềm vui nào? Đó là một câu hỏi mà tất cả chúng ta đều phải cố gắng tìm hiểu, và nó là một trong những điều mê tín cuối cùng còn lại cho ta. Mỗi người đều có những quan điểm khác nhau về lạc thú.

Tôi đã từng thấy một người không hề cảm nhận được hạnh phúc, trừ phi được hút thuốc phiện hàng ngày. Thiên đàng mà anh ta mơ tưởng tới có thể chỉ là nơi trồng toàn thuốc phiện. Đối với tôi thì thiên đàng đó quá đỗi tồi tệ.

Trong thơ ca Ả Rập, ta thường thấy tả những khu vườn xinh đẹp, với những dòng chảy sông qua. Tôi sống phần lớn đời mình tại một đất nước có quá nhiều dòng sông, mỗi năm lũ lụt tàn phá nhiều ngôi làng và cướp đi hàng ngàn sinh mạng.

Cho nên tôi không muốn thiên đàng của mình là khu vườn xinh đẹp với những dòng sông chảy qua, mà rất có thể tôi mơ đến một nơi ít có mưa. Lạc thú của chúng ta cũng luôn luôn thay đổi. Nếu một thanh niên mơ tưởng thiên đàng thì nơi đó hẳn phải có một người vợ đẹp.

Cũng chính người đó, đến khi đứng tuổi thì không còn mơ tưởng đến một người vợ nữa. Chính nhu cầu thiết yếu của chúng ta đã tạo nên thiên đàng của chúng ta, và thiên đàng đó thay đổi theo nhu cầu thiết yếu đó.

Nếu chúng ta đã có một thiên đàng, giống thiên đàng của những kẻ xem dục lạc là cùng đích của cuộc đời, thì chúng ta sẽ không thể nào tiến bộ.

Đó là lời nguyền rủa khủng khiếp nhất mà ta có thể tuyên án đối với linh hồn. Đó có phải là tất cả những gì mà chúng ta hướng tới? Sống một đời, khóc than chút đỉnh, nhảy múa hát ca chút đỉnh để rồi chết đi như một con chó!

Khi các bạn khao khát những thứ đó thì lời nguyền rủa mà các bạn tuyên án đối với nhân loại thật khủng khiếp dường nào! Đó là những gì các bạn làm, khi la gào chạy theo những lạc thú thế gian, bởi vì các bạn không hề biết đến hỷ lạc chân chính.

Điều mà triết học khăng khăng yêu cầu không phải là từ bỏ lạc thú, mà phải biết lạc thú đó thực sự là gì. Thiên đàng của người Na Uy là một bãi chiến trường khủng khiếp, tất cả bọn họ đều ngồi trước thần Odin; họ săn gấu hoang, rồi đánh nhau và chém kẻ khác thành từng mảnh.

Nhưng bằng cách này hay cách khác, sau một vài giờ đánh nhau, tất cả các vết thương đều lành, họ lại kéo vào tòa đại sảnh, nơi những con gấu đã được quay chín, và cùng nhau chè chén tưng bừng. Sau đó, các con gấu sống lại, sẵn sàng để bị săn đuổi vào ngày hôm sau.

Thiên đàng đó cũng khác gì thiên đàng của chúng ta, chỉ có điều là quan niệm của chúng ta tinh tế hơn chút ít mà thôi. Chúng ta muốn săn gấu hoang, muốn có một nơi để mãi mãi hưởng thụ mọi lạc thú, giống như người Na Uy tưởng tượng ra cảnh ngày nào cũng săn đuổi và quay nướng gấu, rồi hôm sau lại cứ tiếp tục như thế.

Ngay nay, triết học khẳng định có một niềm vui tuyệt đối và bất biến. Niềm vui đó không thể là những niềm vui hay lạc thú mà chúng ta có nơi trần thế; và triết học Vedānta chỉ ra rằng tất cả những lạc thú thế gian chỉ là một phần nhỏ của niềm vui chân thực, vì đó là niềm vui duy nhất.

Trong từng mỗi phút giây, chúng ta đều thực sự hưởng thụ được niềm Hạnh Phúc Tuyệt Đối, dù nó bị phủ lấp, ngộ nhận và mang màu sắc biếm họa.

Bất cứ nơi nào có sự may mắn, hạnh phúc hay niềm vui, thậm chí là niềm vui của tên trộm khi đi ăn cắp thì đó vẫn là Hạnh Phúc Tuyệt Đối; có thể nói là nó chỉ bị lu mờ, lẫn lộn với đủ mọi điều kiện bên ngoài và bị ngộ nhận mà thôi.

Nhưng để hiểu được điều đó, ta phải đi qua sự phủ nhận, rồi khía cạnh tích cực sẽ bắt đầu. Chúng ta phải từ bỏ vô minh cùng tất cả những điều giả dối thì chân lý sẽ tự thân hiển lộ ra với chúng ta.

Khi chúng ta lĩnh hội được chân lý thì những thứ đầu tiên mà chúng ta từ bỏ sẽ mang một hình tướng mới, sẽ xuất hiện trong một ánh sáng mới và trở nên linh thánh. Chúng sẽ thăng hoa, rồi chúng ta sẽ hiểu được chúng trong làn ánh sáng chân thực.

Nhưng để hiểu được chúng, trước hết chúng ta hãy nhìn lướt qua chân lý; chúng ta phải từ bỏ chúng rồi thu nhận chúng trở lại trong bản chất thiêng liêng. Chúng ta phải từ bỏ tất cả phiền não khổ đau, từ bỏ tất cả những lạc thú nhỏ nhặt của mình.

“Điều mà tất cả kinh Veda muốn thuyết giảng, điều mà tất cả những kẻ khổ tu muốn nói, điều mà những người sống tiết dục muốn tìm kiếm, tôi sẽ nói với các bạn bằng một chữ duy nhất, đó là chữ ‘Om’”.

Các bạn sẽ thấy chữ “Om” này được ca ngợi hết lời trong kinh Veda, và được xem là cực kỳ linh thiêng. Bấy giờ, Yama trả lời câu hỏi: “Con người sẽ ra sao khi thể xác này chết đi?”. “Chân Ngã năng tri [ knowing Self] vốn bất sinh bất diệt.

Nó sinh khởi từ hư không, và hư không sinh khởi từ Nó. Chân Ngã này – vốn bất sinh, thường tồn – không hề bị hư hoại khi thể xác này hư hoại. Nếu kẻ đâm người ngỡ rằng y đã đâm người, hoặc người bị đâm ngỡ rằng mình đã bị đâm thì cả hai đều không hề biết đến chân lý, bởi vì Chân Ngã không đâm mà cũng chẳng bị đâm”.

Đó là kết luận vô cùng khủng khiếp. Tôi muốn các bạn lưu ý đến tính từ đầu tiên trong câu này, đó là “năng tri” [ knowing].

Khi tiếp tục nghiên cứu, ta sẽ thấy rằng lý tưởng của triết học Vedānta là: mọi tri thức cùng mọi sự thuần tịnh vô nhiễm đều có sẵn trong linh hồn cả rồi – mà tất cả sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ chúng được biểu hiện mờ nhạt hay rõ ràng mà thôi.

Sự khác biệt giữa người này với người khác, và giữa muôn vật trong toàn thể sự sáng tạo, chỉ là khác biệt về mức độ chứ không phải thể loại. Bối cảnh và thực tại tính của tất cả mọi người đều cùng là cái Chân Ngã bản lai viên mãn, bản lai thuần tịnh, bản lai lạc phúc và thường hằng, vĩnh viễn này.

Nó là Ātman, là linh hồn, trong vị thánh cũng như trong kẻ phạm tội, trong hạnh phúc cũng như trong khốn khổ, trong người đẹp cũng như người xấu, trong loài người cũng như trong loài vật. Nó như nhau ở khắp mọi nơi. Nó là Chân Ngã Ngời Sáng.

Do năng lực biểu hiện khác nhau nên tạo ra sự khác biệt. Người thì biểu hiện Nó nhiều, kẻ thì biểu hiện Nó ít, nhưng mức độ biểu hiện khác nhau đó không ảnh hưởng gì đến Ātman.

Nếu y phục người này để lộ thân thể nhiều hơn người khác thì điều đó không tạo nên sự khác biệt nào trong thân thể họ, mà sự khác biệt chỉ nằm trong y phục mà thôi.

Ở đây, ta nên nhớ rõ một điều là xuyên suốt trong triết học Vedānta, không hề có khái niệm tốt xấu, thiện ác, chúng tuy hai mà một, sự khác biệt chỉ nằm trong mức độ.

Cũng điều mà hôm nay tôi gọi là khoái lạc thì ngày mai, trong một hoàn cảnh khác, tôi có thể gọi là khổ đau. Ngọn lửa sưởi ấm ta cũng có thể đốt cháy ta, đó có phải là lỗi của ngọn lửa đâu.

Cũng thế, do Linh Hồn bản lai thuần tịnh và viên mãn, nên kẻ làm điều ác đang lừa dối mình, và y không nhận biết được thực tính của mình. Ngay trong kẻ sát nhân, Linh Hồn thuần tịnh vẫn tồn tại. Do vô minh, nên y không biết biểu lộ nó ra mà lại che lấp mất đi.

Đối với người nghĩ rằng mình bị giết thì Linh Hồn vẫn không bị giết; Nó thường tồn bất diệt. Linh Hồn không bao giờ có thể bị giết hại hay bị hủy hoại. “Vô cùng nhỏ hơn cái nhỏ nhất, vô cùng lớn hơn cái lớn nhất, đấng Chúa Tể của tạo vật ngự trị trong tận cùng sâu thẳm của mọi trái tim người.

Kẻ vô tội và thoát khỏi mọi phiền não, khổ đau thấy Ngài qua ân huệ của đấng Chúa Tể; Ngài là đấng Vô Thể nhưng lại ngự trị trong thân thể; Ngài là đấng Vô Biên Vô Tế nhưng lại ngự trị trong không gian; Ngài là đấng Vô Tận, đấng Vô Sở Bất Tại; khi biết được Linh Hồn như thế, các vị hiền triết không bao giờ phiền não khổ đau”.

“Ātman không thể được thể hội bằng tài biện thuyết, bằng kiến văn uyên bác hay bằng sự nghiên cứu kinh Veda”. Đây là câu phát ngôn vô cùng táo bạo. Như tôi đã nói với các bạn trước đây, các vị hiền triết này là những nhà tư tưởng táo bạo, và chưa bao giờ chịu dừng trước bất cứ điều gì.

Các bạn nên nhớ rằng ở Ấn Độ, những kinh Veda này được nhìn trong ánh linh quang còn cao hơn cả ánh linh quang của Kinh Thánh đối với tín đồ Cơ Đốc giáo.

Quan niệm của các bạn về khải thị là một người nhận được thiên khải từ Thượng Đế, còn ở Ấn Độ thì quan niệm đó là: muôn vật tồn tại bởi vì chúng đã có ở trong kinh Veda. Toàn bộ sự sáng thế diễn ra trong kinh Veda và thông qua kinh Veda.

Toàn bộ cái gọi là Tri Thức cũng nằm trong kinh Veda. Từng chữ trong kinh Veda đều linh thiêng và có giá trị vĩnh hằng, vĩnh hằng như linh hồn, vô thủy vô chung.

Có thể nói rằng toàn bộ Tâm Trí của đấng Tạo Hóa đều nằm cả trong kinh Veda. Đó là ánh linh quang mà trong đó kinh Veda được giữ gìn. Tại sao việc này là đạo đức? Vì kinh Veda đã dạy thế. Tại sao việc này là vô đạo đức? Vì kinh Veda đã dạy thế.

Mặc dù vậy, hãy nhìn vào sự táo bạo của những vị hiền triết đã tuyên bố rằng không thể tìm ra chân lý bằng cách miệt mài nghiên cứu các kinh Veda. “Thượng Đế hiện thân ra với kẻ nào làm đẹp lòng Ngài”. Nhưng rồi lại có thể có ý kiến phản đối, cho rằng như thế thì hơi giống như óc bè phái.

Nhưng Yama giải thích: “Kẻ nào làm điều ác, kẻ nào tâm trí không an lạc thì không bao giờ thấy được Ánh Linh Quang đó. Đối với kẻ nào giữ tâm thành tín, hành động trong sạch, chế ngự được các giác quan thì Chân Ngã đó mới hiện lộ tự thân”.

Đây là một hình ảnh đẹp đẽ. Hãy hình dung Chân Ngã là người cưỡi ngựa, thể xác là cỗ xe, trí năng là người đánh xe, tâm là dây cương và các giác quan là ngựa. Người nào khéo léo điều khiển ngựa, có dây cương chắc chắn nằm trong tay người đánh xe điêu luyện (trí năng) sẽ đạt đến mục tiêu là Ngài – đấng Vô Sở Bất Tại.

Còn kẻ nào không khéo léo điều khiển ngựa, buông lỏng dây cương thì sẽ đi đến diệt vong. Ātman này – ẩn kín trong tâm mỗi chúng sinh – không hiển lộ trong mắt của người trần hay trước các giác quan, mà chỉ những người giữ tâm thuần tịnh vô nhiễm mới thể hội được Nó.

Ātman vượt qua cảnh giới của thanh âm, sắc tướng, không biến hoại, vượt qua phạm vi của vị giác và xúc giác, Nó là vô biên, vô thủy vô chung, siêu quá thế giới tự nhiên và như như bất động – ai thể hội được Ātman này thì vượt qua được cõi tử sinh.

Nhưng điều đó cực kỳ khó khăn. Có thể nói là giống như đi trên lưỡi dao cạo; con đường thì rất dài và đầy nguy hiểm, nhưng hãy tinh tấn tiến bước, đừng tuyệt vọng. Hãy thức giấc, đứng lên, và không dừng bước cho đến khi đạt được mục tiêu.

Tư tưởng trọng tâm xuyên suốt trong tất cả kinh thư Upanishad là sự thực chứng đó. Từ thời đại này đến thời đại khác, có vô số câu hỏi được đặt ra về vấn đề này, nhất là đối với người hiện đại.

Sẽ có những câu hỏi về lợi ích, sẽ có nhiều câu hỏi khác, nhưng trong tất cả những câu hỏi đó, chúng ta sẽ thấy rằng những mối liên kết với quá khứ đã nhắc nhở chúng ta.

Chính mối liên kết về tư tưởng mới có được sức mạnh khủng khiếp trên tâm trí chúng ta.

Người nào mà từ thuở bé luôn được nghe nói về một Thượng Đế Nhân Thể và bản sắc của tâm trí thì những tư tưởng đó chắc chắn sẽ hiện ra rất khắt khe và hung bạo; nhưng nếu họ lắng nghe chúng và tư duy về chúng thì chúng biến thành một phần trong đời sống của họ, và họ không còn sợ hãi nữa.

Câu hỏi lớn nhất thường được nêu ra là câu hỏi về sự lợi ích của triết học. Đối với những người đó thì chỉ có một câu trả lời duy nhất: nếu lợi ích là nền tảng tốt đẹp để con người mưu cầu khoái lạc thì tại sao những người thấy được niềm vui trong tôn giáo lại không đi tìm điều đó?

Bởi vì sự hưởng thụ dục lạc có thể làm thỏa mãn được nhiều người, họ đi tìm chúng, nhưng vẫn có nhiều người không tìm thấy thỏa mãn trong những dục lạc đó, họ cần đến sự hỷ lạc cao cả hơn.

Con chó chỉ thấy sung sướng khi ăn uống, nhưng nó không thể hiểu được sự sung sướng của một nhà khoa học từ bỏ tất cả, sống cô đơn trên đỉnh núi để quan sát các vì sao. Có thể con chó mỉm cười trước nhà khoa học, và cho rằng ông ta là một kẻ điên rồ.

Có thể nhà khoa học nghèo nàn đó không bao giờ có đủ tiền để cưới vợ, và sống rất đạm bạc. Và có thể con chó đang cười nhạo ông ta. Nhưng nhà khoa học lại bảo: “Này chú cẩu thân mến, lạc thú của chú nằm trong phạm vi của giác quan, nên ngoài các thứ đó ra, chú không thể biết gì đến cái gì khác nữa.

Còn ta hưởng lạc thú của riêng ta, cho nên nếu chú có quyền đi tìm lạc thú của mình thì ta cũng có quyền đi tìm lạc thú của ta”. Điều sai lầm của chúng ta là cứ muốn buộc cả thiên hạ phải suy nghĩ như mình, và cứ đem những suy nghĩ của mình làm thước đo cho toàn vũ trụ.

Đối với các bạn, những lạc thú của giác quan có thể là những lạc thú to lớn nhất, nhưng lạc thú của tôi đâu nhất thiết phải giống như vậy; và khi các bạn cứ khăng khăng yêu cầu điều đó thì tôi lại khác biệt với bạn. Đó là điểm phân biệt giữa một người theo chủ nghĩa thực dụng của nhân gian với một người có tinh thần tôn giáo.

Người thứ nhất bảo: “Hãy nhìn tôi hạnh phúc biết mấy. Tôi làm ra tiền, nhưng không bận tâm gì tới tôn giáo. Tôn giáo là thứ không sao hiểu được, tôi đây vẫn hạnh phúc mà chẳng cần gì đến nó”. Cho đến tận lúc này thì điều đó thật là tốt đẹp đối với tất cả những người thực dụng.

Nhưng thế gian này rất kinh khủng. Nếu một người tìm thấy hạnh phúc bằng mọi cách, trừ việc gây tổn thương cho đồng loại, thì cầu mong Thượng Đế cho anh ta được thành công; nhưng khi người đó tìm đến với tôi và bảo: “Anh cũng phải làm những điều này, nếu không thì anh là thằng ngu”, thì tôi sẽ đáp: “Bạn sai lầm rồi, bởi vì những điều khiến bạn thích thú lại chẳng có chút hấp dẫn gì đối với tôi cả.

Nếu tôi phải lo chạy theo những túi vàng nhỏ bé thì đời tôi chẳng còn đáng sống nữa! Tôi thà chết còn hơn”. Đó là câu trả lời mà một người có tinh thần tôn giáo sẽ nói. Thực tế là chỉ những người đã đoạn tuyệt được với những thứ tầm thường thấp kém đó mới có thể hiểu được tôn giáo.

Chúng ta phải có sự trải nghiệm của riêng mình, và phải đi trọn con đường. Chỉ khi nào chúng đã ta đi trọn con đường thì một thế giới khác mới mở ra cho ta. Hưởng thụ lạc thú giác quan đôi khi ẩn chứa nguy cơ trong một thời điểm khác.

Trong thời đại nào ngày trước, trong bất kỳ tôn giáo nào các bạn cũng luôn nghe đề cập đến ý tưởng cho rằng sẽ đến lúc mọi phiền não, khổ đau trên đời đều kết thúc, chỉ còn lại niềm vui và lạc thú, và lúc đó trần gian biến thành một thiên đàng. Tôi không tin điều đó.

Trái đất này vẫn cứ mãi mãi y nguyên như thế, chẳng có gì thay đổi. Nói lên điều đó thật là khủng khiếp, nhưng tôi chẳng thấy có một lối thoát nào.

Nỗi khốn khổ trên thế gian như căn bệnh thấp khớp kinh niên trong người; chữa được chỗ này thì nó lại chạy sang chỗ khác; xua nó ra khỏi chỗ này thì các bạn lại cảm nhận nó chạy đến chỗ kia. Dù các bạn có làm gì đi nữa thì nó vẫn còn đó.

Thời cổ đại, con người sống trong rừng và ăn thịt lẫn nhau; trong thời hiện đại, con người không còn ăn thịt lẫn nhau, nhưng lại lừa đảo, dối gạt nhau. Toàn thể các quốc gia và thành phố đều bị điêu tàn bởi sự dối lừa. Điều đó không chứng minh được có sự tiến bộ lớn lao.

Tôi thấy rằng cái mà các bạn gọi là tiến bộ chỉ là sự gia tăng tham dục chứ chẳng có gì khác. Nếu có cái gì đó tôi thấy được rõ ràng thì đó là điều này: tham dục mang đến mọi thứ khổ đau.

Đó là trường hợp của gã ăn mày cứ luôn đi xin một thứ gì đó; vì gã không thể thấy bất cứ thứ gì mà lại không thèm chiếm hữu, nên cứ khát khao, khát khao thêm mãi. Nếu năng lực đáp ứng được tham vọng của ta tăng theo cấp số cộng thì sức mạnh của tham vọng tăng theo cấp số nhân.

Tổng số niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh trên thế gian này ít nhất là tương đương nhau ở khắp mọi nơi. Khi một con sóng dâng cao lên trong lòng đại dương thì nó lại tạo ra một chỗ lõm ở đâu đó. Nếu hạnh phúc đến với người này thì bất hạnh phải đến với người kia, và có lẽ còn đến với cả một số loài vật.

Số lượng loài người gia tăng, và số lượng một vài loài vật phải giảm đi; chúng ta đang tiêu diệt chúng và đang giành lấy đất đai của chúng; chúng ta tìm đủ mọi cách để biến chúng thành thức ăn.

Vậy thì làm sao ta có thể nói rằng hạnh phúc đang gia tăng? Chủng tộc hùng mạnh tiêu diệt lần hồi chủng tộc yếu đuối, nhưng các bạn có cho rằng chủng tộc hùng mạnh đó sẽ rất hạnh phúc? Không có đâu; họ sẽ quay sang để tự giết lẫn nhau.

Tôi không thấy một cơ sở thực tế nào để thế gian này có thể biến thành một thiên đàng. Mà thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Ngay cả trên phương diện lý thuyết, tôi cũng thấy điều đó là không thể. Sự hoàn hảo luôn luôn nằm trong Cái Vô Biên.

Chúng ta cũng vô biên và đang cố gắng hiển hiện tính vô biên đó. Các bạn và tôi, cũng như tất cả chúng sinh, đều đang cố gắng thực hiện điều đó. Cho đến nay thì mọi chuyện điều tốt đẹp.

Nhưng từ sự kiện này mà một số triết gia Đức đã khởi xướng một lý thuyết đặc thù – cho rằng sự biểu hiện này sẽ mỗi lúc được nâng cao dần, cho đến khi chúng ta đạt đến sự biểu hiện trọn vẹn và trở thành những người hoàn hảo.

Như thế nào là biểu hiện toàn mỹ? Hoàn hảo có nghĩa là vô biên vô tận, còn biểu hiện có nghĩa là giới hạn, bởi vậy điều đó có nghĩa là chúng ta trở thành kẻ bị giới hạn một cách vô hạn, điều đó mâu thuẫn. Lý thuyết kiểu đó có thể làm hài lòng đám trẻ con, nhưng lại đầu độc chúng bằng những điều dối trá, và đó là điều vô cùng tồi tệ đối với tôn giáo.

Nhưng ta biết rằng thế giới này đang suy đồi, con người là sự suy đồi từ Thượng Đế, và Adam thì sa đọa. Ngày nay, không có một tôn giáo mà lại không dạy rằng con người là sự suy đồi. Chúng ta đã bị suy đồi thành loài vật, và giờ đây lại đang vươn lên để thoát khỏi cảnh nô lệ ấy.

Nhưng ta sẽ không bao giờ biểu hiện được trọn vẹn Cái Vô Biên ở tại thế giới này. Chúng ta sẽ đấu tranh vất vả, nhưng đến lúc nào đó ta sẽ thấy rằng không thể nào trở thành người hoàn hảo ở trần gian này được, vì đây là nơi mà chúng ta bị trói buộc trong phạm vi của giác quan.

Và cuộc hành quân quay ngược về trạng thái ban sơ của tính vô biên sẽ rất rộn ràng. Đây là sự buông xả. Chúng ta sẽ phải thoát ra khỏi vấn nạn này bằng cách đảo ngược tiến trình mà ta đã theo đó để tiến vào, lúc đó đạo đức và lòng nhân hậu sẽ bắt đầu.

Khẩu hiệu của mọi chuẩn mực đạo lý là gì? “Không phải tôi, mà là anh”. Cái “Tôi” này là gì? Đó là Cái Vô Biên đang cố gắng tự biểu hiện ra thế giới bên ngoài. Cái “Tôi” nhỏ bé này là kết quả, và nó sẽ quay về để kết hợp với Cái Vô Biên, tức tự tính [ own nature] của nó.

Mỗi khi các bạn nói: “Này người anh em, không phải tôi mà là anh” là các bạn đang cố gắng quay về; và mỗi khi các bạn nói: “Tôi, chứ không phải anh” là các bạn đang đi từng bước sai lầm, khi cố gắng biểu hiện Cái Vô Biên thông qua thế giới giác quan.

Điều đó mang đấu tranh và tội ác vào cõi thế, nhưng cuối cùng thì sự buông xả phải đến, sự buông xả vĩnh viễn. Cái “Tôi” nhỏ bé này sẽ chết đi và biến mất. Vậy thì sao lại phải bận tâm quá nhiều cho cuộc sống nhỏ bé này?

Tất cả những khát vọng muốn sống và hưởng thụ cuộc đời này, dù ở nơi đây hay ở nơi nào khác, cũng đều mang đến cái chết. Nếu chúng ta tiến hóa từ loài vật thì loài vật cũng có thể là con người bị thoái hóa. Làm sao ta biết được rằng không phải thế?

Các bạn đã thấy chứng cứ về sự tiến hóa chỉ đơn giản như vầy: các bạn tìm ra một loạt các thể xác từ thấp nhất đến cao nhất phát triển dần dần theo bậc thang tiến hóa. Nhưng từ đó, làm sao các bạn có thể khẳng định rằng sự vật luôn tiến hóa từ thấp đến cao, mà không bao giờ từ cao xuống thấp?

Lý luận này áp dụng cho cả hai chiều, và nếu có điều gì đúng thì tôi tin đó là: một loạt các thể xác đó đang tự lặp đi lặp lại sự tiến hóa từ thấp lên cao, rồi từ cao xuống thấp. Làm sao các bạn có thể có được sự tiến hóa không theo đường trôn ốc?

Chúng ta đấu tranh để vươn đến đời sống cao hơn, điều đó chứng tỏ chúng ta đã bị thoái hóa từ một trạng thái cao hơn.

Chắc chắn là vậy, chỉ khác nhau ở chi tiết mà thôi. Tôi luôn luôn tin tuyệt đối vào tư tưởng được đề xướng bằng tiếng nói của đấng Christ, của Đức Phật và của triết học Vedānta, rằng sớm muộn gì chúng ta cũng đạt đến cảnh giới hoàn hảo, chỉ bằng cách từ bỏ sự bất toàn này mà thôi.

Thế gian này là hư không. Giỏi lắm thì nó cũng chỉ là một bức biếm họa gớm ghiếc, một cái bóng của Thực Tại. Chúng ta phải đến với Thực Tại.

Sự buông xả sẽ đưa ta đến với Nó. Buông xả là nền tảng của đời sống chân thực; mỗi phút giây chúng ta không còn nghĩ đến mình nữa là mỗi phút giây chúng ta hưởng thụ được tinh túy của một cuộc sống thực sự. Cái tự ngã nhỏ bé chia cách này phải chết đi.

Lúc đó, chúng ta sẽ thấy mình đứng trong cõi Thực Hữu, và Thực Tại đó chính là Thượng Đế, và Ngài chính là tự tính của ta; Ngài luôn ở trong ta và cùng ta.

Chúng ta hãy sống trong Ngài và đứng trong Ngài. Đó là niềm hỷ lạc duy nhất của hiện hữu. Cuộc sống trên bình diện Tinh Thần là cuộc sống duy nhất. Tất cả chúng ta hãy cố gắng đạt đến cảnh giới thực chứng đó.

[1] Quan điểm của Vivekananda cũng tương tự như triết gia Spinoza: “Tôi tin rằng nếu như hình tam giác mà biết nói thì có lẽ nó sẽ bảo rằng Thượng Đế chắc chắn phải là hình tam giác, và một vòng tròn sẽ bảo bản chất thần linh phải là hình tròn; như thế đó, ai nấy cũng đều đem những thuộc tính của riêng mình mà gán cho Thượng Đế” (I believe that a triangle, if it could speak, would … say that God is eminently triangular, and a circle that the divine nature is eminently circular; and thus would every one ascribe his own attributes to God – Dẫn theo Will Durant, The story of philosophy, Time Incorporated – New York, 1962 p.165).

[2] Có lẽ Đại sư Vivekananda muốn nói đến những người Ba Tư cổ đại, đã tạo nên một nhánh người Āryan. [Ghi chú trong nguyên tác]

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x