Trang chủ » Thực tính của con người

Thực tính của con người

by Trung Kiên Lê
83 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Con người bám chặt vào giác quan bằng cả sự kiên trì ghê gớm. Thế nhưng dù họ có nghĩ rằng cái thế giới ngoại tại – mà trong đó họ đang sống và dịch chuyển – là bền vững và chắc chắn đến đâu đi nữa thì cũng đến lúc nào đó trong cuộc sống của những cá nhân hoặc của dân tộc, họ tình cờ đặt câu hỏi: “Liệu cái thế giới này có thực chăng?”

Ngay cả đối với những người không hề mảy may hoài nghi năng lực của giác quan, những người luôn lăng xăng bận rộn với lạc thú của giác quan trong từng phút từng giây thì khi cái chết đến, họ cũng buộc lòng phải đặt câu hỏi: “Liệu cái thế giới này có thực chăng?”.

Tôn giáo khởi đầu bằng câu hỏi này, và chấm dứt bằng lời giải đáp. Ngay cả trong thời quá khứ xa xôi, tại thời điểm mà lịch sử thành văn không giúp được gì cho chúng ta, trong ánh sáng huyền diệu của thần thoại, hoặc quay ngược về buổi hoàng hôn mờ nhạt của nền văn minh, ta vẫn tìm thấy được một câu hỏi tương tự được đặt ra: “Cái gì đã biến thành cái thế giới này? Cái gì là thực hữu?”.

Kinh Katha Upanishad – một trong những kinh thư thơ mộng nhất của Upanishad – mở đầu bằng câu chất vấn: “Khi người ta chết thì xảy ra tranh luận. Một số người tuyên bố rằng người chết ra đi vĩnh viễn, một số khác lại chủ trương người đó vẫn còn sống. Vậy đâu là sự thực?”.

Người ta đã đưa ra nhiều đáp án khác nhau. Toàn bộ nội dung của siêu hình học, triết học và tôn giáo đều thực sự đầy ắp với những lời giải đáp cho câu hỏi này. Đồng thời người ta cũng cố gắng trấn áp câu hỏi đó để chấm dứt nỗi hoang mang của những tâm trí đặt ra câu hỏi: “Cái gì nằm bên kia thế giới này? Cái gì là thực hữu?”.

Nhưng chừng nào cái chết còn sờ sờ ra đấy thì mọi cố gắng trấn áp vấn đề luôn cho thấy chúng đều không thể thành công. Ta có thể nói rằng ta chẳng hề thấy được gì ở bên kia thế giới, và khép mọi hy vọng và hoài bão của chúng ta vào trong phạm vi hiện tại, đồng thời cố hết sức đừng nghĩ gì đến những thứ nằm bên kia thế giới giác quan; và có thể là mọi thứ bên ngoài sẽ giúp ta khu trú trong một phạm vi chật hẹp.

Toàn thể thế giới có thể kết hợp lại để ngăn không cho chúng ta vươn rộng ra ngoài phạm vi hiện tại. Tuy nhiên, chừng nào còn cái chết thì câu hỏi đó vẫn cứ quanh đi quẩn lại: “Có phải chết là chấm hết mọi thứ mà ta đang bám víu vào, như thể chúng là những thứ có thực nhất trong tất cả những thứ có thực, những thứ bền vững nhất trong tất cả những thứ bền vững?”.

Thế giới này tan biến trong nháy mắt và ra đi vĩnh viễn. Đứng trên bờ vực thẳm – mà bên ngoài là những hố thẳm mênh mông – thì mọi đầu óc dù có cứng rắn đến đâu cũng phải chùn chân lùi bước và tự hỏi: “Liệu cái thế giới này có thực chăng?”

Những niềm hy vọng suốt đời, được xây đắp từng chút bằng tất cả năng lực của những đầu óc vĩ đại, đều tan biến trong nháy mắt. Liệu chúng có thực chăng? Câu hỏi này cần phải có lời giải đáp. Thời gian không bao giờ giảm đi sức mạnh của nó, mặt khác nó lại còn củng cố thêm sức mạnh đó.

Như vậy thì có khát khao tìm cầu hạnh phúc. Ta chạy theo những thứ đem lại cho ta hạnh phúc; ta đeo đuổi theo cái sự nghiệp điên rồ trong thế giới ngoại tại của giác quan. Nếu bạn thử hỏi một người thanh niên thành đạt thì y sẽ tuyên bố rằng thế giới này có thực, và y thực sự nghĩ thế.

Có lẽ cũng con người đó khi về già, và khi thấy vận may từ bỏ mình thì y sẽ tuyên bố rằng đó là số phận. Rốt cuộc y sẽ thấy rằng không thỏa mãn được những điều sở nguyện. Đi tới đâu, y cũng gặp phải một bức tường rắn như kim cương không thể vượt qua.

Mọi hoạt động của giác quan đều gây nên một tác dụng ngược lại. Tất cả đều phù du. Sung sướng, khổ đau, cảnh hào nhoáng xa hoa, tài sản, quyền lực cùng sự nghèo đói, thậm chí chính bản thân cuộc sống, tất cả đều phù du. Con người giữ hai lập trường.

Lập trường thứ nhất là lập trường của những người theo thuyết hư vô, cho rằng tất cả đều là hư không, rằng ta không biết một chút gì cả, không biết gì về tương lai, quá khứ, thậm chí cả hiện tại. Ta phải nhớ rằng kẻ nào phủ nhận tương lai và quá khứ để khư khư bám lấy hiện tại chỉ là kẻ điên khùng.

Cũng như ta phủ nhận cha mẹ để khẳng định đứa con. Cả hai vấn đề đều có ý nghĩa lý luận như nhau. Để phủ nhận được quá khứ và tương lai thì tất yếu phải phủ nhận luôn cả hiện tại. Đó là lập trường của những người theo thuyết hư vô.

Tôi chưa từng gặp được một người nào có thể trở thành một người theo thuyết hư vô thực sự, dù chỉ trong một phút thôi. Nói thì rất dễ. Còn một lập trường khác, đó là tìm kiếm một lời giải thích, tìm kiếm cái thực hữu; khám phá ra cái gì là thực hữu giữa cõi thế vô thường luôn biến động này.

Trong cái thể xác được kết tập bởi các phân tử vật chất này có cái gì là thực hữu hay không? Đây là cuộc tìm kiếm xuyên suốt cả dòng lịch sử nhân loại. Trong những thời kỳ cổ xưa nhất, ta thấy thỉnh thoảng đầu óc con người lại lóe lên những tia sáng.

Ta thấy rằng con người, ngay từ thuở xa xôi đó, đã tiến về phía bên kia thể xác, tìm kiếm một cái gì đó không nằm trong cái thể xác bề ngoài này, một cái gì đó rất đỗi hoàn hảo, rất đỗi viên mãn, một cái gì đó vẫn còn tồn tại ngay cả khi thể xác này tan rã.

Trong những bài tụng ca trong kinh Rig-Veda, ta đọc thấy những lời ngỏ cùng Thần Lửa đang thiêu cháy xác người chết: Hãy mang hắn đi đi, hỡi Thần Lửa, trong vòng tay dịu dàng của người; hãy ban lại cho hắn một thể xác hoàn hảo, một thể xác rực rỡ, hãy mang hắn đến nơi mà những người cha của hắn đang sống, nơi không còn buồn đau khổ não, nơi không còn cái chết.

Bạn bắt gặp ý tưởng đó hiện diện trong mọi tôn giáo. Và ta có một ý tưởng khác về điều đó. Có một sự kiện có ý nghĩa, đó là: tất cả mọi tôn giáo – không có ngoại lệ – đều cho rằng con người bị thoái hóa từ những gì vốn có, dù chúng có được bao bọc bằng những ngôn từ thần thoại, hoặc bằng ngôn ngữ rõ ràng của triết học hoặc bằng ngôn ngữ bóng bẩy của thi ca.

Đây là sự kiện duy nhất xuất phát từ mọi kinh điển và tất cả thần thoại, cho rằng con người bị thoái hóa từ những gì vốn có. Đây là cốt lõi của chân lý trong câu chuyện về sự sa đọa của Adam trong Kinh Thánh Do Thái giáo.

Điều này cũng được lặp đi lặp lại trong những thánh kinh Ấn giáo; giấc mơ về một thời kỳ mà họ gọi là Kỷ Nguyên Chân Lý, khi đó con người không hề chết trừ phi họ muốn chết, họ có duy trì thể xác bao lâu tùy thích, tâm trí họ thuần khiết và mạnh mẽ.

Thuở đó không có tội lỗi hay khổ não, và thời kỳ hiện đại được xem là hiện tượng suy đồi từ thế giới hoàn hảo viên mãn đó. Bên cạnh quan điểm này, ở đâu đâu ta cũng thấy câu chuyện về nạn hồng thủy. Bản thân câu chuyện này là một bằng chứng cho thấy mọi tôn giáo đều xem thời kỳ hiện đại là hiện tượng suy đồi từ thời kỳ trước đó.

Thời kỳ này ngày càng thêm suy đồi, cho đến khi cơn hồng thủy quét sạch đi một phần lớn nhân loại, và những thế hệ đang lên lại bắt đầu. Dần dần nó lại đạt đến trạng thái thuần khiết thời nguyên thủy. Tất cả các bạn đều biết câu chuyện về nạn hồng thủy trong kinh Cựu Ước.

Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra trong những người Babylon, người Ai Cập, người Trung Quốc và người Ấn Độ thời cổ. Manu, một vị thánh hiền thời cổ, đang cầu nguyện trên bờ sông Ganges thì một con cá chép nhỏ bơi đến, xin được che chở; ông bèn bỏ nó vào cái lọ trước mặt. “Nhà ngươi muốn gì nào?” Manu hỏi.

Con cá nhỏ bảo rằng nó đang bị một con cá lớn hơn rượt đuổi, nên cầu xin ông che chở. Manu mang con cá nhỏ về nhà, nhưng đến sáng hôm sau thì nó đã lớn bằng cả cái lọ và nói: “Tôi không thể sống trong cái lọ này nữa”. Manu liền bỏ nó vào cái chậu, nhưng đến sáng hôm sau thì nó đã lớn bằng cái chậu, và bảo rằng không thể sống trong cái chậu nữa.

Manu liền đem nó bỏ ra ngoài biển, và con cá tuyên bố: “Này Manu, ta là đấng Sáng Tạo Vũ Trụ. Ta mang hình tướng này để đến cảnh báo cho ngươi biết rằng ta sẽ làm ngập lụt cả thế gian. Ngươi hãy làm một con tàu lớn, trong đó ngươi đặt một cặp của mọi loài sinh vật, và để cả gia đình ngươi lên tàu, sừng của ta sẽ nhô lên trên mặt nước.

Ngươi hãy buộc chặt con tàu vào cái sừng đó; khi trận lụt rút rồi, hãy ra khỏi tàu và làm cho trái đất sinh sôi nảy nở”. Thế là cả thế giới bị ngập lụt, và Manu cứu được gia đình mình cùng một cặp của mọi loài sinh vật và hạt giống của mọi loài thảo mộc.

Khi nước rút rồi, ông ra khỏi tàu và làm cho trái đất sinh sôi nảy nở; và tất cả chúng ta được gọi là “man” (con người) vì đều là con cháu của Manu. Giờ đây, ngôn ngữ loài người là sự nỗ lực biểu đạt chân lý nằm ở bên trong.

Tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng ngôn ngữ bập bẹ không rõ ràng của một đứa bé là sự nỗ lực diễn tả một triết lý cao siêu nhất, chỉ có điều là đứa bé không có các cơ quan để diễn đạt chứ không phải không có phương tiện. Ngôn ngữ của những triết gia cao siêu nhất và lời bập bẹ của những đứa bé chỉ khác biệt về sự trong sáng chứ không phải về thể loại.

Cái mà bạn gọi là ngôn ngữ toán học, có hệ thống và chính xác hiện nay, cùng với những ngôn ngữ mơ hồ thần bí trong thần thoại cổ xưa cũng chỉ khác nhau về sự trong sáng. Tất cả các ngôn ngữ đó đều mang một ý tưởng vĩ đại đằng sau đang cố gắng – có thể nói như vậy – tự diễn đạt mình.

Đằng sau các thần thoại cổ xưa đó thường là những quặng vàng chân lý, trong khi đằng sau những câu văn bóng bẩy trau chuốt của những người hiện đại, tôi xin lỗi phải nói ra điều này, chỉ là thứ cặn bã vớ vẩn.

Do đó, không phải vì những thần thoại cổ xưa đó được bọc trong thần thoại, không phải vì chúng không phù hợp với những quan niệm của ông Xoài bà Mít thời hiện đại mà ta cần phải loại bỏ chúng đi.

Nếu mọi người muốn cười nhạo tôn giáo, vì tôn giáo tuyên bố rằng con người phải tin vào những thần thoại do nhà tiên tri như thế này như thế kia giảng dạy, thì họ cũng nên cười nhạo những con người hiện đại nhiều hơn nữa.

Hiện nay, hễ người nào trích dẫn lời nói của Moses, Đức Phật hay đấng Christ thì bị thiên hạ nhạo báng, nhưng nếu y đưa ra tên tuổi của một Huxley, một Tyndall hay một Darwin thì thiên hạ lại tranh nhau nuốt chửng không cần đến gia vị. “Huxley đã nói điều đó”, ngần ấy là đã đủ với nhiều người rồi.

Chúng ta đã thực sự thoát khỏi sự mê tín rồi đấy! Cái trước là mê tín vào tôn giáo, còn cái sau là mê tín vào khoa học; chỉ ở trong mê tín tôn giáo và thông qua mê tín tôn giáo mới phát sinh ra được những ý tưởng tràn đầy sinh lực về cảnh giới tâm linh, còn ở trong mê tín khoa học và thông qua mê tín khoa học thì chỉ phát sinh ra sự tham lam và dục vọng.

Mê tín tôn giáo là sự thờ phụng Thượng Đế, còn mê tín khoa học là sự tôn thờ tiền tài bẩn thỉu, danh vọng và quyền lực. Đó là sự khác biệt. Hãy trở lại với thần thoại. Đằng sau tất cả những câu chuyện đó, ta tìm thấy một ý tưởng tối cao – đó là: con người là sự sa đọa từ những gì vốn có ban đầu.

Đến ngày nay, công trình nghiên cứu hiện đại tựa hồ như phản bác hoàn toàn quan điểm này. Các nhà theo thuyết tiến hóa dường như đều nói ngược lại hoàn toàn với điều khẳng định kia. Theo họ, con người tiến hóa từ loại động vật thân mềm; và do đó, những điều thần thoại nói đều sai bét.

Tuy nhiên, tại Ấn Độ lại có một thần thoại có thể dung hòa được cả hai quan điểm này. Thần thoại Ấn Độ là một lý thuyết về chu kỳ, chủ trương rằng mọi sự tiến bộ đều mang dạng sóng. Mọi con sóng đều có điểm rơi xuống thấp rồi lại nhô lên cao trong dao động tiếp theo, rồi lại rơi xuống thấp rồi lại nhô lên.

Dao động này mang tính chu kỳ. Có một điều chắc chắn đúng, dẫu là dựa trên cơ sở nghiên cứu hiện đại, đó là: con người không thể chỉ đơn thuần là sự tiến hóa. Mọi sự tiến hóa đều giả định một sự đột biến. Nhà khoa học hiện đại sẽ bảo bạn rằng từ một cỗ máy bạn chỉ có thể nhận được năng lượng mà trước đó bạn đã nạp vào.

Không có gì có thể được sinh ra từ hư không. Nếu con người tiến hóa từ loại động vật thân mềm, vậy thì những nhân vật toàn thiện như Đức Phật hay đấng Christ cũng liên quan đến động vật thân mềm. Nếu không phải thế thì những nhân cách vĩ đại đó từ đâu ra? Không có gì có thể được sinh ra từ hư không.

Do vậy, chúng ta đang ở trong lập trường dung hòa kinh điển với ánh sáng khoa học hiện đại. Nguồn năng lượng đó – nguồn năng lượng tự thân hiển lộ một cách chậm chạp qua nhiều giai đoạn khác nhau cho đến khi nó trở thành một con người toàn hảo – không thể sinh ra từ hư không.

Nó đã tồn tại ở đâu đó rồi; và nếu như loài động vật thân mềm hoặc chất nguyên sinh là điểm khởi đầu để bạn vạch lại quá trình tiến hóa thì chất nguyên sinh đó, bằng cách nay hay cách khác, hẳn phải chứa sẵn năng lượng đó rồi.

Có một cuộc tranh luận vĩ đại về vấn đề: sự kết hợp các yếu tố vật chất – mà chúng ta gọi là thể xác – là căn nguyên hiển lộ của một lực mà ta gọi là linh hồn, tư tưởng, v.v… hay là chính tư tưởng mới là cái làm hiển lộ thể xác?

Các tôn giáo của thế giới này dĩ nhiên đều chủ trương rằng chính cái lực mà ta gọi là tư tưởng mới làm hiển lộ thể xác, chứ không phải ngược lại. Có những trường phái tư tưởng hiện đại chủ trương rằng: cái mà ta gọi là tư tưởng chỉ là kết quả từ việc điều chỉnh những bộ phận của một cỗ máy mà ta gọi là thể xác.

Hãy xét lập trường thứ hai, tức lập trường chủ trương linh hồn hay một đống tư tưởng – hoặc bạn muốn gọi bằng tên gì tùy ý – là kết quả phát sinh từ cỗ máy này, kết quả của sự kết hợp của vật chất về phương diện vật lý và hóa học để tạo nên thể xác và bộ não, hãy cứ để vấn đề đó khoan giải đáp vội.

Cái gì tạo nên thể xác? Lực nào kết hợp được các phân tử để tạo thành thể xác? Lực nào đã dùng khối vật chất để cấu tạo nên thể xác tôi theo cách này, rồi thể xác kia theo cách khác, và cứ tiếp tục như thế? Điều gì đã tạo nên sự khác biệt vô tận này?

Nếu cho rằng lực được gọi là linh hồn chỉ là kết quả của sự kết hợp các phân tử của thể xác thì đó là đặt con bò trước cỗ xe. Sự kết hợp xảy ra như thế nào, đâu là lực tạo nên chúng?

Nếu bạn bảo rằng một lực nào đấy là nguyên nhân gây nên sự kết hợp này, linh hồn chỉ là kết quả của vật chất, và linh hồn đó – vốn kết hợp một khối vật chất cụ thể – tự thân nó là kết quả của những sự kết hợp, thì đó không phải là câu trả lời.

Lý luận đó nên được dùng để giải thích hầu hết các sự kiện, nếu không phải là tất cả mọi sự kiện, và điều đó không hề mâu thuẫn với các lý luận đang khác có. Sẽ hợp lý hơn khi nói rằng lực dùng vật chất để tạo nên thể xác cũng chính là lực hiển lộ thông qua thể xác.

Do đó, nói rằng những sức mạnh tư tưởng do thể xác hiển lộ là kết quả từ sự sắp xếp những phân tử và không tồn tại độc lập thì điều đó vô nghĩa; sức mạnh đó không thể biến hóa từ vật chất. Hơn nữa, có thể chứng minh được rằng cái mà ta gọi là vật chất chẳng hề tồn tại.

Nó chỉ là trạng thái nào đó của lực. Có thể chứng minh được các trạng thái đặc, rắn hoặc những trạng thái khác của vật chất chỉ là kết quả của chuyển động. Gia tăng chuyển động theo chiều xoáy lốc truyền cho chất lỏng sẽ đem đến cho chất lỏng đó một lực để biến thành thể rắn.

Một khối không khí chuyển động theo chiều xoáy lốc, như cơn trốt, trở nên rắn chắc và làm vỡ hoặc cắt đứt những vật thể rắn mà nó chạm vào. Một sợi tơ nhện, nếu di chuyển với tốc độ gần như vô tận, có thể trở nên rắn như sợi dây sắt và cắt đứt cả một cây sồi[2].

Hãy nhìn vấn đề theo cách này, sẽ dễ dàng chứng minh rằng cái mà ta gọi là vật chất không hề tồn tại. Nhưng lại không thể chứng minh theo cách khác. Cái gì là sức mạnh tự hiển lộ trong thể xác? Đối với tất cả chúng ta, dù sức mạnh đó có là gì đi nữa thì hiển nhiên là nó dùng các hạt, có thể nói như vậy, để nhồi nặn thành thể xác con người.

Không một ai khác đến đây để nhồi nặn nên thể xác cho bạn hay tôi. Tôi chưa bao giờ thấy được người nào ăn thay cho mình. Tôi phải tiêu hóa thức ăn, chế tạo nên máu và xương từ thức ăn đó. Sức mạnh huyền bí đó là gì? Những ý tưởng về tương lai hay quá khứ tựa hồ như làm cho nhiều người kinh hãi.

Đối với nhiều người, chúng có vẻ như chỉ là sự suy luận mà thôi. Chúng ta sẽ lấy hiện tại làm chủ đề của mình. Đâu là sức mạnh tác động thông qua chúng ta?

Theo các kinh thư cổ, ta đã biết vào thuở xa xưa, năng lực đó và sự biểu hiện của năng lực đó được xem là bản thể sáng ngời [ bright substance] khoác hình thức của thể xác, và bản chất đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi thể xác tan rã.

Tuy nhiên về sau ta lại thấy xuất hiện ý tưởng cao hơn – đó là: thể xác sáng ngời [ bright body] này không đại diện cho sức mạnh đó. Hễ cái gì có hình tướng đều phải là kết quả của sự kết hợp những phân tử, và cần phải có một cái đằng sau để di chuyển nó.

Nếu thể xác này phải đến cần một cái gì đó không phải là thể xác để điều động nó thì tất yếu thể xác sáng ngời đó cũng cần đến một cái gì đó khác với tự thân để điều động nó. Như thế, cái gì khác đó được gọi là linh hồn hay Chân Ngã – tức Ātman trong tiếng Sankrit.

Có thể nói rằng chính Ātman (Chân Ngã) đã thông qua thể xác sáng ngời để tác động lên thể xác thô ở bên ngoài. Thể xác sáng ngời đó được xem là khí cụ để chứa tâm trí, và Ātman nằm bên ngoài cái đó. Thậm chí nó cũng không phải là tâm trí, nó tác động lên tâm trí, và thông qua tâm trí để tác động lên thể xác.

Bạn có một Ātman, tôi có một Ātman khác, và mỗi người trong chúng ta đều có một Ātman riêng và một thể xác tế vi riêng, và thông qua nó mà ta mới tác động được lên cái thể xác thô bên ngoài. Thế thì những câu hỏi sẽ được đặt ra về bản thể của Ātman. Ātman – linh hồn của con người nhưng không phải là thể xác mà cũng chẳng phải là tâm trí – là gì? Đã có nhiều cuộc tranh luận vĩ đại về điều này.

Người ta đã suy đoán, rồi nhiều nghiên cứu triết học tối nghĩa đã ra đời; tôi sẽ thử đặt trước mặt các bạn một vài kết luận đã đạt được về Ātman này. Những triết gia khác nhau dường như nhất trí rằng Ātman này, dù nó có là gì đi nữa, vẫn vô hình vô tướng, và cái gì vô hình vô tướng ắt sẽ phổ hiện khắp nơi.

Thời gian khởi đầu với tâm trí, và không gian cũng nằm trong tâm trí. Quan hệ nhân quả không thể đứng vững nếu không có thời gian. Không có ý niệm về sự tương tục thì sẽ không có ý niệm về quan hệ nhân quả.

Thời gian, không gian, quan hệ nhân quả, do đó, đều nằm trong tâm trí, và bởi vì cái Ātman này siêu quá tâm trí và vô hình tướng, nên nó cũng phải siêu quá thời gian, không gian cùng quan hệ nhân quả. Nếu siêu quá thời gian, không gian cùng quan hệ nhân quả thì nó phải vô biên vô tận.

Đến đây là giai đoạn tư duy cao nhất trong nền triết học chúng ta. Cái Vô Biên thì không thể có hai được. Nếu linh hồn là vô biên thì chỉ có thể có một Linh Hồn duy nhất, và mọi ý tưởng về những linh hồn khác nhau – bạn có một linh hồn, tôi có một linh hồn khác, v.v… – đều không thực.

Con Người Chân Thực [ Real Man], do đó, là nhất thể và vô biên, là Tinh Thần toàn nhiên phổ hiện. Và con người ngoại biểu [ apparent man] chỉ là giới hạn của Con Người Chân Thực đó mà thôi.

Theo nghĩa này thì các thần thoại đều chân thực khi cho rằng con người ngoại biểu, dù y có vĩ đại đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là cái bòng mờ nhạt của Con Người Chân Thực ở cõi bên kia. Con Người Chân Thực – hay Tinh Thần – do vượt lên trên nhân và quả, không bị trói buộc bởi thời gian và không gian, nên phải tự do tự tại.

Con người đó không trói buộc cái gì cả, và cũng không thể bị bất cứ cái gì trói buộc. Con người ngoại biểu, hay cái bóng phản chiếu, bị hạn định bởi thời gian, không gian, quan hệ nhân quả, do đó phải chịu sự trói buộc. Trong ngôn ngữ của một vài triết gia chúng ta, con người đó tựa hồ như bị trói buộc, nhưng thực sự là không.

Đó là thực tại tính trong linh hồn chúng ta, là cái toàn nhiên phổ hiện, là bản chất tâm linh, là cái vô biên vô tận. Mọi linh hồn đều vô biên vô tận, do đó không còn vấn đề sống chết. Người ta sát hạch một số em bé.

Giám khảo đặt ra các câu hỏi khó, một trong số đó là câu này: “Vì sao trái đất không rơi?”. Ông ta muốn gợi ý cho một câu trả lời liên quan đến trọng lực. Hầu hết các em bé đều không thể trả lời, một vài em trả lời là do trọng lực hoặc đại loại như thế.

Một bé gái mặt mày sáng sủa đã trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác: “Nó sẽ rơi về đâu chứ?”. Câu hỏi là vô nghĩa. Trái đất sẽ rơi về đâu? Đối với trái đất thì không hề có chuyện rơi xuống hay nhô lên. Trong không gian bao la vô tận không hề có xuống hay lên, điều đó chỉ có trong cảnh giới tương đối.

Cõi vô biên sẽ đi đâu và đến đâu? Từ đâu nó đến, và đi về đâu? Như vậy đó, khi con người thôi nghĩ đến quá khứ hay tương lai, khi họ từ bỏ ý tưởng về thể xác, bởi vì thể xác đến rồi đi và bị hạn định thì họ đã vươn lên đến một lý tưởng cao hơn.

Thể xác không phải là Con Người Chân Thực, tâm trí cũng không phải, vì tâm trí vẫn có sự tăng trưởng rồi suy tàn. Đó là Tinh Thần ở cõi bên kia, cái duy nhất có thể trường tồn vĩnh viễn.

Thể xác và tâm trí liên tục biến đổi vô thường, và trên thực tế, chúng chỉ là tên gọi của một loạt các hiện tượng biến dịch mà thôi, giống như những con sông, dòng nước của chúng là trạng thái tuôn chảy không ngừng, vậy mà vẫn biểu hiện được cho hình trạng dòng nước không hề gián đoạn.

Mọi phân tử trong thể xác này đều không ngừng biến dịch; không ai có thể mang cùng một thể xác trong quãng thời gian nhiều phút được, vậy mà ta lại cứ nghĩ nó vẫn cùng một thể xác. Với tâm trí cũng vậy, lúc này thì nó hoan hỷ, lúc kia thì nó khổ đau, lúc này thì nó kiên cường, lúc khác thì lại yếu đuối, đó là cơn lốc không ngừng biến động.

Cái đó không thể là Tinh Thần, vốn là thứ vô tận vô biên. Sự biến đổi chỉ xảy ra với những gì bị hạn định. Bảo rằng cái vô biên biến đổi theo cách nào đấy thì đó là điều phi lý; không thể như vậy được.

Bạn có thể dịch chuyển, tôi có thể dịch chuyển, theo nghĩa là những thể xác bị hạn định; mọi hạt trong vũ trụ này đều ở trong trạng thái vận động thường xuyên, nhưng bản thân vũ trụ – xét như một toàn thể – thì không thể chuyển động, không thể biến dịch.

Chuyển động luôn luôn là điều tương đối. Tôi chuyển động trong mối tương quan với một cái gì khác. Bất cứ hạt nào trong vũ trụ cũng có thể biến đổi trong mối tương quan với một hạt bất kỳ nào khác, nhưng xét toàn bộ vũ trụ như một nhất thể thì nó tương quan với cái gì để mà chuyển động? Không có gì ngoài nó.

Bởi vậy, Nhất Thể vô biên này là bất biến, bất động, tuyệt đối; và đây là Con Người Chân Thực. Thực thể của chúng ta, do đó, bao hàm trong Cái Phổ Quát, chứ không phải trong cái bị hạn định. Có những sai lầm thuở xa xưa, dù rất dễ chịu, khiến chúng ta cứ đinh ninh rằng mình là những sinh vật bé bỏng, bị hạn định và thường xuyên thay đổi.

Mọi người kinh hãi khi nghe nói rằng họ là Hằng Hữu Phổ Quát [ Universal Being] toàn nhiên phổ hiện. “Thông qua tất cả những thứ bạn làm, thông qua mỗi bước chân bạn đi, thông qua mọi lời bạn nói, thông qua từng nhịp đập của trái tim mà bạn cảm nhận”.

Mọi người đều kinh hãi khi nghe nói thế. Họ sẽ hỏi đi hỏi lại bạn nếu thế thì liệu họ có còn giữ bản sắc cá nhân của họ không. Bản sắc cá nhân là gì? Tôi rất thích được nhìn thấy nó. Một đứa bé không có râu mép, khi trưởng thành thì có thể nó có râu mép và cả râu cằm.

Bản sắc cá nhân của nó xem như đã bị mất đi, nếu như bản sắc đó nằm trong thể xác. Nếu tôi hỏng một con mắt hoặc mất một cánh tay thì bản sắc cá nhân của tôi sẽ bị mất đi, nếu nó nằm trong thể xác. Như vậy một gã say sẽ không bỏ rượu, bởi vì làm thế y sẽ đánh mất đi bản sắc cá nhân.

Một tên trộm sẽ không trở thành người lương thiện, bởi vì làm thế y sẽ đánh mất đi bản sắc cá nhân. Không một ai nên thay đổi những thói quen của mình do sợ hãi điều này. Không hề có bản sắc cá nhân, ngoại trừ trong Cõi Vô Biên.

Đó là tình trạng duy nhất không biến dịch. Còn ngoài ra thì tất cả đều lưu chuyển biến dịch không ngừng. Chẳng có bản sắc cá nhân nào được lưu trong ký ức cả. Giả sử tôi bị một cú đánh vào đầu và quên sạch quá khứ; vậy là tôi đã đánh mất toàn bộ bản sắc cá nhân của mình; thế là xong đời tôi.

Tôi không còn nhớ được hai hay ba năm thời thơ ấu, và nếu như ký ức và sự tồn tại là một thì tất cả những gì quên lãng đều vĩnh viễn ra đi. Tôi đã không sống phần đời mà tôi không còn nhớ. Đó là ý tưởng vô cùng hẹp hòi về bản sắc cá nhân.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn không phải là những cá nhân. Ta phấn đấu hướng đến bản sắc cá nhân, đó là Cõi Vô Biên, là thực tính [ real nature] của Con Người.

Chỉ những ai mà trọn vẹn cuộc sống nằm trong toàn thể vũ trụ thì mới thực sự sống, và hễ càng tập trung đời mình vào những sự vật bị hạn định thì ta càng đi nhanh về cõi chết.

Chỉ trong những giây phút đó ta mới sống, khi mà cuộc sống của ta hòa trong vũ trụ, trong những thứ khác; và sống một cuộc đời nhỏ mọn thì đó là cái chết, một cái chết đơn thuần, và đó là lý do vì sao ta sợ chết. Con người chỉ có thể vượt qua cảm giác sợ chết khi ngộ được rằng hễ chừng nào còn có một sự sống trong vũ trụ thì y vẫn còn đang sống.

Khi người đó có thể tuyên bố: “Tôi ở trong lòng vạn hữu, trong tất cả mọi người, tôi ở trong tất cả mọi cuộc sống, tôi là vũ trụ” thì y đạt đến trạng thái vô úy, không còn sợ hãi. Nói đến sự bất tử trong những sự vật thường xuyên biến dịch là điều vô nghĩa.

Một triết gia về ngôn ngữ Sankrit thời cổ đã nói: Chỉ có Tinh Thần mới là cá nhân, bởi vì nó vô biên. Cái Vô Biên không thể bị phân chia, không thể bị vỡ tan thành nhiều phần nhỏ. Nó là một đại khối đồng nhất, một thực thể vĩnh viễn bất khả phân ly, và đó là con người cá nhân, Con Người Chân Thực.

Con người ngoại biểu chỉ là sự phấn đấu để biểu đạt và biểu hiện bản sắc cá nhân nằm ở cõi bên kia; chứ không có sự tiến hóa trong Tinh Thần đó. Những sự biến hóa đang diễn ra – kẻ độc ác thành người lương thiện, con thú thành con người, mang đủ loại hình tướng tùy bạn thích – không hề có trong Tinh Thần.

Chúng là sự tiến hóa của tự nhiên và là sự biểu hiện của Tinh Thần. Giả sử có một bức màn che giữa tôi và các bạn, trên bức màn đó có một lỗ nhỏ nhờ đó mà tôi có thể nhìn thấy được một vài gương mặt trước mặt tôi, chỉ một vài thôi.

Bây giờ giả sử cái lỗ rộng dần ra, cảnh vật trước mắt tôi sẽ tự hiển lộ dần ra, cho đến cuối cùng khi cả cái màn biến mất thì tôi đứng đối diện với tất cả các bạn. Trong trường hợp này, các bạn chẳng có gì thay đổi cả, mà chính cái lỗ đang biến chuyển và các bạn dần dần hiện cả ra.

Đối với Tinh Thần cũng thế. Không hề có chuyện đạt đến cảnh giới viên mãn. Các bạn vốn đã tự tại tự do và hoàn hảo rồi. Những ý tưởng về tôn giáo và Thượng Đế, và sự tìm kiếm trong kiếp sau nghĩa là gì? Tại sao con người phải đi tìm Thượng Đế?

Tại sao người tại mọi quốc gia, tại mọi hình thái xã hội đều phải cần đến một cảnh giới lý tưởng toàn hảo ở một nơi nào đó, hoặc là tại một con người, hoặc tại Thượng Đế hoặc tại một nơi nào khác? Bởi vì ý tưởng đó đã nằm trong bạn rồi.

Nó là nhịp đập của trái tim bạn mà bạn không hề hay biết, bạn cứ nhầm lẫn nó với một cái gì đó ở bên ngoài. Chính Thượng Đế bên trong tự ngã của bạn đã thôi thúc bạn tìm kiếm Ngài, chứng ngộ được Ngài.

Sau những cuộc tìm tòi đây đó trong những điện thờ, chùa chiền hay giáo đường, thánh thất, dưới đất và trên trời, rồi cuối cùng, sau khi hoàn tất một chu trình từ nơi bạn khởi đầu, bạn cũng quay về trở lại với tâm hồn mình và thấy rằng vị Thượng Đế mà bạn đi tìm khắp mọi chân trời góc biển, người mà bạn đã phải kêu khóc và cầu xin tại những điện thờ, người mà bạn tìm kiếm như là điều huyền bí của mọi điều huyền bí ẩn khuất trong mây mù, vị Thượng Đế đó gần gũi nhất trong những cái gần gũi, là chính Chân Ngã[3] của bạn, là thực thể của cuộc sống, thể xác và linh hồn bạn.

Chân Ngã đó là tự tính [ own nature] của bạn. Hãy khẳng định nó, hãy hiển thị nó. Các bạn không cần phải trở nên thuần khiết, vì tự bản lai các bạn vốn đã thuần khiết rồi. Các bạn không cần phải trở nên hoàn mỹ, vì tự bản lai các bạn vốn đã hoàn mỹ rồi.

Thiên nhiên giống như một bức màn, che giấu thực tại ở cõi bên kia. Mọi tư tưởng tốt đẹp mà bạn tư duy hay hành động theo đều đơn giản là đang xé bức màn kia, có thể nói như vậy; và Sự Thuần Khiết, Cái Vô Biên, hay Thượng Đế đằng sau nó càng tự hiển lộ rõ ràng hơn.

Đó là toàn bộ lịch sử của nhân loại. Bức màn trở nên mỏng manh hơn, ánh sáng đằng sau đó càng tỏa sáng mạnh hơn, vì bản chất của nó là tỏa sáng. Chân Ngã đó không thể nhận biết được; ta cố gắng tìm hiểu nó chỉ hoài công vô ích.

Nếu như nó là cái khả tri thì nó hẳn không còn là cái nó là nữa, bởi vì nó là chủ thể vĩnh hằng. Kiến thức là sự hạn định, kiến thức là quá trình khách quan hóa. Nó là Chủ Thể vĩnh hằng nhận biết tất cả vạn hữu, là Nhân Chứng vĩnh cửu của vũ trụ – Chân Ngã của bạn đấy.

Có thể nói kiến thức là một bước thấp kém hơn, một sự thoái hóa. Chúng ta vốn đã là Chủ Thể vĩnh hằng đó rồi, làm thế nào ta có thể biết Nó? Chân Ngã vô biên đó là thực tính của mỗi người, và y đang cố gắng biểu hiện nó bằng nhiều cách khác nhau; nếu không thế thì tại sao lại có nhiều chuẩn mực đạo lý đến vậy?

Đâu là lời giải thích cho tất cả những nền đạo đức này? Một ý tưởng nổi bật lên như là trung tâm của mọi hệ thống đạo lý, được biểu hiện bằng vô số cách khác nhau, nghĩa là làm điều tốt đẹp cho kẻ khác. Động cơ dẫn đạo của nhân loại là lòng thương yêu với đồng loại, nhân hậu với muôn loài.

Nhưng đây là tất cả những cách biểu hiện khác nhau của một chân lý vĩnh cửu: “Ta là vũ trụ; vũ trụ này là một”. Nếu không phải thế thì đâu là lý do? Tại sao tôi phải đối xử tốt đẹp với người khác? Cái gì thúc đẩy tôi? Đó là lòng thương cảm, là cảm thức về sự bình đẳng tương đồng ở khắp nơi nơi.

Những trái tim sắt đá nhất đôi khi vẫn cảm nhận được lòng thương cảm với người khác.

Thậm chí những kẻ sợ hãi khi nghe bảo rằng bản sắc cá nhân giả định này thực ra chỉ là ảo tưởng, rằng chấp trước vào cái bản sắc cá nhân ngoại biểu này là điều ti tiện – chính kẻ đó cũng sẽ bảo với bạn rằng từ bỏ toàn vẹn tự ngã là tâm điểm của mọi nền luân lý.

Từ bỏ toàn vẹn tự ngã là gì? Điều đó có nghĩa là từ bỏ cái tự ngã ngoại biểu kia, từ bỏ mọi tư tưởng vị kỷ. Ý tưởng về “tôi” hay “của tôi”[4] — ahamkāra và mamatā — là kết quả của sự mê tín thời quá khứ, hễ cái tự ngã hiện tại càng bớt đi chừng nào thì cái Thực Ngã [ Real Self] càng hiển lộ rõ ràng chừng đó.

Đây là sự từ bỏ tự ngã chân chính, nó là trung tâm, nền tảng, thực chất của mọi lời thuyết giảng về đạo đức; dù con người có biết điều đó hay không thì toàn thể thế giới này vẫn đang di chuyển dần về điều đó, vẫn đang thực hiện điều đó ít hoặc nhiều.

Chỉ có điều là phần đông nhân loại thực hiện điều đó một cách vô thức. Hãy để họ thực hiện điều đó với ý thức. Hãy để họ hy sinh, vì hiểu được rằng cái “tôi” và cái “của tôi” này không phải là Thực Ngã, mà chỉ là giới hạn.

Một cái nhìn vào Thực Tại vô biên ở cõi bên kia – chỉ là một tia chớp của Ngọn Lửa vô biên vốn là Toàn Thể – biểu trưng được con người hiện tại. Cái Vô Biên là thực tính [ real nature] của y. Đâu là sự ích lợi, hiệu quả và kết quả của kiến thức này?

Thời nay, chúng ta phải đo lường giá trị của mọi thứ bằng lợi ích – xem thử nó đem lại được bao nhiêu đồng, bao nhiêu xu. Con người lấy quyền gì để đòi hỏi chân lý cần được đánh giá theo tiêu chuẩn của lợi ích và tiền bạc? Giả sử chân lý không đem lại lợi ích thì nó sẽ kém chân thực đi chăng? Lợi ích không phải là phép thử của chân lý.

Tuy nhiên, lợi ích tối cao lại nằm trong đó. Ta thấy đó, mọi người ai ai cũng tìm cầu hạnh phúc, nhưng phần đông lại tìm thấy nó trong những sự vật phù du và không thực. Không một hạnh phúc nào có thể được tìm thấy trong phạm vi giác quan cả.

Chưa hề có người nào tìm thấy được hạnh phúc trong giác quan hoặc trong lạc thú do giác quan đem lại. Hạnh phúc chỉ có thể được tìm thấy trong Tinh Thần. Do đó, lợi ích tối cao cho nhân loại là đi tìm hạnh phúc trong Tinh Thần.

Điểm tiếp theo là: vô minh là mẹ đẻ của mọi khổ đau, và về căn bản, vô minh là quan niệm cho rằng Cái Vô Biên than khóc kêu gào rằng Nó là hữu hạn. Nền tảng của mọi sự vô minh là điều này: chúng ta – những sinh linh hữu sinh hữu tử, những kẻ tự bản lai đã thuần khiết vô nhiễm, là Tinh Thần toàn hảo – lại cứ nghĩ rằng mình là những tâm trí nhỏ bé, mang thân nhỏ bé.

Điều đó chính là mẹ đẻ của mọi tư tưởng vị kỷ. Ngay khi tôi nghĩ rằng tôi là cái thể xác nhỏ bé này thì tôi muốn gìn giữ nó, bảo vệ nó, giữ cho nó được xinh tươi đẹp đẽ, với cái giá trả là những thể xác khác; thì bạn và tôi trở nên tách biệt.

Ngay khi tư tưởng tách biệt này nảy sinh thì nó mở toang cánh cửa cho mọi thứ phiền não, và dẫn đến mọi điều khốn khổ. Đây là lợi ích của tri thức này – nếu một bộ phận rất nhỏ của nhân loại ngày nay có thể gạt bỏ được tư tưởng vị kỷ, hẹp hòi và nhỏ nhen ti tiện thì chỉ ngày mai thôi, trái đất này sẽ biến thành một thiên đàng.

Nhưng chỉ bằng máy móc và sự phát triển tri thức duy vật không thôi thì sẽ không bao giờ có được cảnh đó. Những thứ đó chỉ làm gia tăng khổ não, giống như đổ thêm dầu vào lửa.

Không có tri thức về Tinh Thần, mọi tri thức duy vật chỉ là đổ thêm dầu vào lửa, chỉ trao vào tay kẻ ích kỷ những công cụ để cướp đoạt thêm những gì thuộc về người khác, để sống trên đầu trên cổ người khác thay vì hy sinh để giúp đỡ họ.

Điều này có thực tế không? – đó là một vấn đề khác. Liệu ta có thể thực hiện được nó trong xã hội hiện đại không? Chân lý không cần phải tôn trọng bất kỳ xã hội nào, dù cổ đại hay hiện đại.

Ngược lại, chính các xã hội mới phải rập khuôn theo chân lý, chứ không phải chân lý điều chỉnh mình cho phù hợp theo xã hội. Nếu một chân lý cao cả như lòng vị tha mà không thể thực thi trong một xã hội, con người chẳng thà từ bỏ xã hội để vô sống trong rừng còn tốt hơn.

Đó là người gan dạ. Có hai loại can đảm. Một là lòng can đảm đối mặt với khẩu đại pháo, cái kia là lòng can đảm kiên định trong thế giới tâm linh. Có một vị hoàng đế chinh phục Ấn Độ, vị thầy của ông ta khuyên ông nên đi tìm một vài nhà hiền triết ở đấy.

Sau một thời gian tìm kiếm, ông tìm thấy một cụ già ngồi trên tảng đá. Vị hoàng đế chỉ trao đổi đôi điều, và có ấn tượng sâu sắc về trí tuệ của cụ già đó, nên muốn mời ông về triều đình làm việc.

Cụ già bảo: – Không, ta hoàn toàn thấy mãn nguyện với rừng núi của ta ở nơi đây. Vị hoàng đế liền bảo: – Trẫm sẽ cho ngươi vàng bạc, địa vị, tài sản. Trẫm là hoàng đế của thế gian này. Cụ già đáp: – Không, ta không cần đến những thứ đó.

Vị hoàng đế liền bảo: – Nếu ngươi không chịu đi, trẫm sẽ giết ngươi. Cụ già mỉm cười trầm tĩnh, rồi đáp: – Này hoàng đế, đó là điều xuẩn ngốc nhất mà ngài từng nói ra. Ngài không thể nào giết chết được ta.

Ta là người mà vầng dương kia không làm cho khô héo được, lửa không thiêu cháy được, gươm đao không giết nổi, bởi vì ta bất sinh bất diệt, ta là Tinh Thần toàn trí toàn năng, toàn nhiên phổ hiện. Đó là sự vô úy tâm linh, còn những thứ khác chỉ là sự can đảm của loài cọp beo hay sư tử.

Trong cuộc biến loạn năm 1857[5], có một Swami – tức một đại sư – bị một kẻ nổi loạn Hồi giáo đâm một vết thương trí mạng. Những kẻ nổi loạn người Ấn Độ liền bắt lấy hắn và giao cho vị Swami kia giết.

Nhưng vị Swami trầm tĩnh nhìn hắn rồi nói: “Này người anh em, anh là Ngài, anh chính là Ngài!” rồi tắt thở.

Đây là một trường hợp khác. Có ích gì khi nói về sức mạnh của cơ bắp, về sự ưu việt của các thể chế phương Tây, nếu như các bạn không thể làm cho Chân Lý được ngang hàng với xã hội các bạn, nếu các bạn không thể xây dựng được một xã hội phù hợp với Chân Lý tối cao?

Có ích gì khi cứ ba hoa về sự vĩ đại của các bạn, nếu như bạn đứng lên và nói: “Lòng can đảm này không thực tế”? Chẳng lẽ không có gì thực tế ngoài những đồng tiền? Nếu quả vậy thì sao các bạn lại cứ ba hoa về xã hội của mình?

Một xã hội mà trong đó những chân lý tối cao đều có thể thể hiện thì đó mới là xã hội vĩ đại nhất. Đó là ý kiến của tôi. Và nếu như một xã hội không thể thích nghi được với những chân lý tối cao thì hãy làm cho nó thích nghi, càng sớm càng tốt.

Hỡi các bạn nam nữ, hãy đứng dậy trong tinh thần này, hãy mạnh dạn tin vào Chân Lý đó, hãy mạnh dạn thể hiện Chân Lý đó! Thế giới cần đến một vài trăm người quả cảm.

Hãy thực hiện lòng quả cảm đó, lòng quả cảm dám nhận biết Chân Lý đó, dám thể hiện Chân Lý đó trong cuộc sống, lòng quả cảm không lay động trước cả cái chết; hơn thế nữa, lòng quả cảm hân hoan đón chào cái chết, khiến con người biết rằng anh ta chính là Tinh Thần đó, rằng trong toàn bộ vũ trụ này không có gì có thể giết được anh ta.

Rồi bạn sẽ tự do. Rồi bạn sẽ biết đến Linh Hồn chân thực của mình. “Ātman này là điều đầu tiên cần nghe đến, rồi tư duy về nó, và quán tưởng về nó”. Xu hướng nổi bật trong thời hiện đại là nói quá nhiều đến công việc mà xem thường chuyện tư duy.

Làm việc là điều rất tốt, nhưng phải là những công việc xuất phát từ tư duy. Những biểu hiện nhỏ nhoi của năng lực thông qua cơ bắp được gọi là công việc. Nơi nào không có tư tưởng, nơi đó sẽ không có công việc.

Bởi vậy, hãy lấp đầy bộ não bằng những tư tưởng thanh cao, những lý tưởng tối thượng, cả ngày lẫn đêm hãy đặt chúng trước mắt bạn, rồi từ đó sẽ phát sinh công trình vĩ đại. Đừng nói về sự bất tịnh, mà hãy nói rằng chúng ta thuần tịnh.

Chúng ta đã tự thôi miên mình bằng tư tưởng rằng chúng ta là những con người nhỏ bé, rằng chúng ta đã sinh ra đời rồi sẽ chết đi, và ở trong trạng thái thường xuyên sợ hãi. Có một câu chuyện về con sư tử cái mang thai đi săn mồi.

Khi trông thấy bầy cừu, nó liền nhảy tới. Khi cố gắng làm thế thì nó bị chết. Con sư tử con nhỏ bé chào đời mà không có mẹ. Những con cừu chăm sóc, nuôi dưỡng nó; và nó lớn dần theo bầy cừu, cùng ăn cỏ, và kêu be be như cừu.

Theo thời gian, nó lớn dần lên thành một con sư tử to lớn, nhưng nó vẫn tưởng mình là con cừu. Một ngày kia, có một con sư tử khác đến săn mồi và sửng sốt khi thấy giữa bầy cừu là một con sư tử, con này cũng tháo chạy như con cừu khi thấy sự nguy hiểm đến gần.

Con sư tử tìm cách đến gần con sư-tử-cừu kia để bảo cho nó biết rằng nó không phải là cừu, mà là một con sư tử; nhưng con vật khốn khổ kia cứ đâm đầu bỏ chạy mỗi khi con sư tử đến gần. Tuy nhiên, con sư tử vẫn chờ cơ hội, và ngày nọ nó thấy con sư-tử-cừu đang ngủ.

Con sư tử lại gần và bảo: “Mi là sư tử”; con sư tử kia rống lên: “Tôi là con cừu”, nó không thể tin vào điều ngược lại, miệng cứ kêu be be. Con sư tử bèn dẫn nó đến một hồ nước, rồi bảo: “Hãy nhìn đi, đây là bóng của ta và mi”. Con sư-tử-cừu liền so sánh.

Nó nhìn con sư tử rồi nhìn lại bóng mình, rồi chỉ trong một phút giây nó hiểu rằng nó là sư tử. Con sư tử bèn gầm lên, tiếng be be không còn nữa. Các bạn là sư tử, các bạn là Linh Hồn đó, thanh khiết, vô biên và toàn hảo.

Quyền năng của vũ trụ nằm cả ở nơi bạn. “Vì sao bạn lại kêu khóc, này người bạn tôi? Không hề có tử hay sinh cho bạn. Vậy thì tại sao bạn lại kêu khóc? Không hề có bệnh tật hay khổ đau cho bạn. Bạn như bầu trời vô biên vô tận; những đám mây đủ màu sắc trôi trên đó, chơi đùa chốc lát rồi tan biến.

Nhưng bầu trời thì muôn đời vẫn mãi mãi xanh lơ”. Vì sao ta lại thấy có điều tà ác? Có một gốc cây trong bóng tối, một tên trộm đi qua đó, nhìn thấy và bảo: “Đó là một tay cảnh sát”. Một chàng trai đang chờ người yêu nhìn thấy, và ngỡ đó là người yêu của mình.

Một đứa kẻ nghe kể chuyện ma sẽ cho đó là con ma, và kêu ré lên. Nhưng lúc nào thì nó cũng chỉ là một gốc cây. Ta thế nào thì nhìn thế giới ra như thế ấy. Giả sử có một đứa bé trong phòng với một túi vàng đặt trên bàn, một tên trộm lẻn vào và cuỗm túi vàng đi mất.

Đứa bé có biết túi vàng bị trộm không? Hễ trong lòng ta có cái gì thì ta thấy cái đó ở bên ngoài. Đứa bé không có tên trộm trong lòng, nên không thấy tên trộm bên ngoài. Mọi kiến thức cũng đều vậy cả. Đừng nói về điều tà ác của thế gian cũng như mọi tội lỗi của nó.

Hãy khóc đi vì bạn buộc phải nhìn thấy những điều tà ác. Hãy khóc đi vì bạn buộc phải nhìn thấy tội lỗi ở khắp mọi nơi. Nếu bạn muốn giúp đỡ thế giới thì xin đừng nguyền rủa nó.

Đừng làm cho nó suy nhược thêm nữa. Bởi vì tội lỗi là gì và khốn khổ là gì, tất cả những thứ đó là gì nếu không phải là những hậu quả của sự suy nhược? Thế giới này từng ngày đã bị những loại giáo lý như thế làm cho thêm suy nhược[6].

Ngay từ bé, con người đã được dạy rằng họ vốn yếu đuối và là những kẻ phạm tội. Hãy dạy cho họ biết rằng họ là những đứa trẻ vinh quang và bất tử, ngay cả với những kẻ có biểu hiện suy nhược nhất. Hãy để tư tưởng tích cực, mạnh mẽ và hữu ích này đi vào bộ não ngay từ thời thơ ấu.

Hãy mở rộng tâm trí ra với những tư tưởng này, chứ đừng đón nhận những tư tưởng làm ta suy nhược và tê cóng. Hãy tự nhủ: “Ta là Ngài, Ta là Ngài.” Hãy để tư tưởng đó ngày đêm vang lên trong tâm trí bạn như một bài ca, và lúc lâm chung hãy tuyên bố: “Ta là Ngài”.

Đó là Chân Lý, sức mạnh vô biên của thế giới là sức mạnh của bạn. Hãy quét sạch mọi thứ mê tín bao phủ tâm trí bạn. Chúng ta hãy dũng cảm lên. Hãy nhận biết Chân Lý đó và thể hiện Chân Lý đó. Mục tiêu có thể ở xa, nhưng hãy thức dậy.

Vươn cao lên và cố gắng không ngừng cho đến khi đạt được mục tiêu.

[1] Real Nature

[2] Như vậy, bằng trực giác, đại sư Vivekananda cũng nhận ra sự tương quan giữa năng lượng và vật chất, mà về sau nhà vật lý thiên tài Einstein đưa ra trong công thức lừng danh E=mc2.

[3] Chữ Chân Ngã [ Self] (viết hoa) mang ý nghĩa giống như chữ linh hồn [Soul]. Xem cước chú ở trang 189. [Vivekananda] [4]Phật giáo gọi là “ngã” và “ngã sở”

[5] Khoảng năm 1857, Công ty Đông Ấn của bọn thực dân Anh làm cho miền Đông Bắc Ấn trở nên bần cùng khốn khổ; dân chúng căm phẫn tột độ nên vùng lên khởi nghĩa. Chính quyền Anh trấn áp dã man, rồi tiếp quản toàn bộ đất đai cướp được, biến thành thuộc địa của Hoàng gia Anh.

[6] Tác giả muốn nói đến khái niệm “tội nguyên thủy” trong kinh Thánh.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x