Trang chủ » Tính thống nhất trong đa thù

Tính thống nhất trong đa thù

by Trung Kiên Lê
74 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 29 tháng 10, 1896) “Cái Tự Hữu phóng chiếu giác quan ra ngoài, cho nên con người cũng nhìn ra thế giới bên ngoài chứ không nhìn vào nội tâm”. Một vị hiền triết nào đó, vì muốn được bất tử, đã đảo ngược giác quan để nội quán và nhận thức được Chân Ngã bên trong.

Như tôi đã nói, cuộc tìm tòi đầu tiên mà chúng ta thấy trong kinh Veda có liên quan đến sự vật bên ngoài; rồi một tư tưởng mới xuất hiện, cho rằng ta không thể tìm thấy thực tại tính của sự vật trong thế giới bên ngoài, mà phải – theo cách diễn đạt văn vẻ – nhìn ngược vào bên trong nội tâm.

Và danh từ dùng để chỉ cái Linh Hồn này rất có ý nghĩa: là Đấng đã đi vào thế giới nội tâm; là thực tại tính sâu thẳm nhất trong hiện hữu chúng ta; là trung tâm, là cốt lõi xuất phát ra muôn vật – có thể nói như thế; là mặt trời trung tâm – nơi mà tâm trí, thể xác, ngũ quan và tất cả những gì ta có đều là những tia nắng tỏa sáng ra từ đó.

“Những người lớn mang kiến thức trẻ con, kẻ ngu đua nhau chạy theo những dục vọng bên ngoài, rồi sa vào bẫy của cái chết lan tỏa mọi nơi; còn kẻ trí, do hiểu được sự bất tử, không bao giờ tìm kiếm Vĩnh Cửu trong đời sống của những sự vật hữu hạn”.

Trong câu nói này, một quan niệm tương tự được làm sáng tỏ, đó là trong cái thế giới ngoại tại ngập tràn những sự vật hữu hạn này, ta không thể nào tìm và thấy được Cái Vô Biên. Cái Vô Biên chỉ có thể được tìm thấy trong cái gì vô biên vô tận; và cái vô biên vô tận duy nhất lại nằm trong tâm, trong linh hồn chúng ta.

Thể xác, tâm trí, thậm chí tư tưởng hay thế giới ngoại tại đều không vô biên. Đấng Tiên Tri – đấng mà tất cả những thứ đó lệ thuộc vào, Linh Hồn của con người, đấng luôn tỉnh thức trong con người nội tâm, chỉ có đấng đó mới là vô biên vô tận; và chúng ta phải đi sâu vào nơi ấy để tìm ra Căn Nguyên Vô Tận của toàn thể vũ trụ này.

Chỉ trong Linh Hồn Vô Biên chúng ta mới tìm thấy căn nguyên đó. “Cái gì ở đây thì cũng ở đó, cái gì ở đó thì cũng ở đây. Kẻ nào thấy sự đa thù sai biệt thì đi từ cái chết đến cái chết”.

Ta đã thấy trước tiên là khát vọng lên thiên đàng như thế nào rồi.

Khi những người Āryan cổ đại không thấy thỏa mãn với thế giới chung quanh, theo lẽ tự nhiên thì họ cho rằng sau khi chết, họ sẽ đến một nơi hoàn toàn hạnh phúc chứ không có khổ đau; họ gia tăng cõi đó lên nhiều lần và gọi là svarga – từ này có thể được được dịch là “cõi trời”.

Đó là nơi mà họ hưởng lạc thú vĩnh viễn, thể xác trở nên toàn hảo, tâm trí cũng thế; và họ sống ở đó mãi mãi với ông bà tổ tiên. Nhưng đến khi triết học ra đời thì con người mới thấy rằng đó là điều bất khả thi và vô lý.

Ngay ý tưởng về một cõi vô biên trong không gian đã tự mâu thuẫn trong thuật ngữ rồi, vì nơi đó phải có khởi đầu và liên tục trong thời gian.

Do đó, họ đành phải từ bỏ ý tưởng này. Họ lại thấy rằng chư thần sống trên các cõi trời đó cũng là con người từng sống nơi trần thế, những người này nhờ tu nhân tích đức mà thành thần, và bản chất thần của họ khác nhau về trạng thái và địa vị.

Không một vị thần nào trong kinh Veda có được bản sắc vĩnh viễn. Chẳng hạn thần Indra và Varuna không phải là tên của những vị thần cụ thể, mà là tên dùng để chỉ những chức vụ cai quản, v.v…. Thần Indra thời cổ không giống với thần Indra ngày nay; vị thần cũ đã qua đi và một người khác từ trần gian lên thế chỗ của ngài.

Tất cả những vị thần khác cũng vậy. Có những vị trí của chư thần được người trần thế thay nhau chiếm giữ; những người này tự nâng mình lên địa vị của chư thần, thậm chí sau khi họ chết.

Trong kinh Rig-Veda cổ, chúng ta thấy từ “bất tử” được dùng cho chư thần, nhưng về sau nó được phát triển rộng rãi, vì người ta thấy rằng cái khái niệm bất tử vượt thời gian và không gian đó không thể được dùng để nói về bất kỳ hình thể vật lý nào, dẫu hình thể đó có vi diệu đến mấy.

Dù có tinh tế đến đâu chăng nữa thì khái niệm bất tử vẫn phải có sự khởi đầu trong thời gian và không gian, bởi vì những sự kiện cần thiết tham gia vào việc cấu tạo nên hình thể đều ở trong không gian. Thử tư duy về một hình thể không có không gian, điều đó hoàn toàn không thể.

Có thể nói không gian cũng là một loại chất liệu tạo nên hình thể, và hình thể này liên tục biến đổi. Không gian và thời gian đều nằm trong māyā, và tư tưởng này được diễn đạt bằng câu: “ Cái gì ở đây thì cũng ở đó”.

Nếu có những vị thần này thì họ cũng phải chịu sự chi phối theo cùng những quy luật áp dụng nơi trần gian này, và tất cả những quy luật này đều liên quan đến chu trình sinh sinh diệt diệt vô tận. Những quy luật này nung đúc vật chất thành những hình thể khác nhau, rồi lại đập chúng vỡ tan tành.

Cái gì có sinh thì có diệt, cho nên nếu có thiên đàng thì nơi đó cũng phải chịu sự chi phối chặt chẽ của những quy luật này. Trong thế gian này, ta thấy khổ đau đi theo hạnh phúc như hình với bóng. Sự sống cũng có bóng mờ của nó, đó là cái chết.

Sinh và tử, hạnh phúc và khổ đau, thiện và ác phải sóng vai đi cạnh bên nhau, vì chúng không mâu thuẫn, không phải là hai thực thể biệt lập, mà chỉ là hai mặt khác nhau của cùng một nhất thể. Quan niệm nhị nguyên cho rằng thiện ác là hai thực thể biệt lập, và vĩnh viễn chúng vẫn cứ thế, quan niệm đó rõ ràng vô lý.

Chúng là những biểu hiện khác nhau của cùng một sự kiện, lúc thì thiện, lúc thì ác. Sự khác biệt chỉ nằm ở mức độ chứ không phải ở bản chất. Chúng khác nhau là do cường độ.

Trên thực tế, ta thấy cũng một hệ thần kinh như nhau nhưng có thể đem lại cho ta cảm giác êm dịu hay khó chịu, và khi hệ thần kinh bị tổn thương thì ta chẳng còn cảm nhận được gì.

Nếu một dây thần kinh nào đó bị tê liệt thì ta không nhận được những cảm giác dễ chịu do nó truyền lại, nhưng đồng thời cũng không nhận được những cảm giác đớn đau. Chúng không nhất thiết phải khác nhau. Cũng thế đó, cùng một sự việc nhưng lại có thể đem đến vui sướng hay khổ đau, tại hai thời điểm khác nhau trong đời.

Cùng một hiện tượng nhưng có thể giúp người này vui sướng và khiến kẻ khác đau khổ. Con người thấy khoái khẩu khi ăn thịt, nhưng đó lại là sự đớn đau của con vật bị ăn thịt. Chưa bao giờ có một điều gì có thể đem lại hạnh phúc như nhau cho tất cả mọi người.

Một số người hài lòng, số khác lại bực mình. Sự việc cứ sẽ diễn ra như thế. Do đó, ta phải phủ nhận quan niệm nhị nguyên về sự vật. Vậy thì cái gì sẽ tiếp theo? Trong bài giảng vừa rồi, tôi đã nói rằng các bạn không bao giờ có thể tìm thấy một điều toàn thiện hay toàn ác trong thế gian này.

Điều đó đã khiến một số các bạn đâm ra bất mãn và sợ hãi, nhưng tôi cũng không thể làm khác đi; và tôi công khai thừa nhận rằng tôi có thể mâu thuẫn, nhưng tôi không thể chấp nhận cho đến khi nào các bạn chứng minh được điều đó, Lập luận mang tính thuyết phục thường được dùng để phản bác lại phát biểu của tôi, đó là: trong quá trình tiến hóa, mọi điều xấu xa mà ta thấy quanh ta, nhìn chung là đang giảm thiểu, và kết quả là nếu đà giảm thiểu này kéo dài thêm vài triệu năm nữa thì đến một lúc nào đó mọi điều xấu xa sẽ bị tuyệt diệt, và chỉ còn lại những gì tốt đẹp.

Lập luận đó thoạt nhìn có vẻ rất hấp dẫn. Cầu mong Thượng Đế là nó đúng! Nhưng lập luận đó mắc phải một ảo tưởng, đó là nó mặc nhiên cho rằng thiện ác là hai thực thể muôn đời tách biệt.

Nó mặc nhiên cho rằng có một khối lượng cụ thể những điều xấu xa lên đến hàng trăm, cũng thế đối với những điều tốt đẹp, và điều xấu xa cứ giảm đi từng ngày, chỉ còn lại những điều tốt đẹp. Nhưng có thực thế không? Lịch sử thế giới chứng minh điều xấu xa cứ liên tục gia tăng, và điều tốt đẹp cũng thế.

Hãy lấy một người sống hoang dã trong rừng làm ví dụ. Cảm thụ khoái lạc của anh ta rất kém và năng lực chịu khổ đau cũng vậy.

Sự khốn khổ của anh ta chỉ hoàn toàn nằm trên bình diện giác quan. Nếu không có được nhiều thức ăn thì anh ta sẽ rất đau khổ, nhưng nếu cho anh ta thật nhiều thức ăn, rồi để anh ta tự do đi lang thang và mặc tình săn bắn thì anh ta sẽ cực kỳ hạnh phúc.

Nhưng nếu người đó có thêm kiến thức thì hạnh phúc anh ta sẽ tăng lên, trí năng sẽ mở rộng cửa cho anh ta và niềm vui của giác quan sẽ chuyển hóa thành niềm vui tri thức. Anh ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đọc một bài thơ hay, và say sưa giải một bài toán khó.

Nhưng cùng với những điều này thì thần kinh anh ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những nỗi thống khổ tinh thần – điều mà con người man dã không hề nghĩ đến. Hãy dùng một hình ảnh đơn giản khác để minh họa.

Tại một số địa phương ở Tây Tạng không có hôn nhân theo cách ta hiểu ngày nay, cho nên không hề có chuyện ghen tuông, nhưng ta biết rằng hôn nhân là tình trạng cao hơn nhiều.

Người Tây Tạng không hề biết đến lạc thú tuyệt vời của sự trinh trắng, cũng không biết đến hạnh phúc có được người chồng hay người vợ thủy chung, đoan chính. Những người này không thể cảm nhận được điều đó.

Cũng tương tự như vậy, họ không có cảm giác ghen tuông của một người chồng hay người vợ thủy chung khi bị kẻ đầu ấp tay gối của mình phản bội, một điều mà những tín đồ của sự trinh trắng đều thấy tan nát ruột gan.

Những người này một mặt thì cảm nhận hạnh phúc, nhưng mặt khác lại cảm thấy khổ đau. Hãy lấy ngay nước Anh của các bạn để ví dụ.

Đất nước các bạn giàu có nhất và xa hoa hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, nhưng hãy nhìn xem nỗi khốn khổ khắc nghiệt như thế nào, hãy nhìn xem đất nước các bạn có bao nhiêu kẻ mắc bệnh tâm thần khi so sánh với các dân tộc khác, lý do chỉ vì tham dục quá ư kịch liệt.

Người nào cũng phải giữ nếp sinh hoạt thượng lưu, và số tiền mà anh ta tiêu xài trong một năm bằng ngang với tài sản của một người Ấn Độ. Các bạn không thể thuyết giảng để anh ta sống đơn giản, vì xã hội yêu cầu ở anh ta quá nhiều.

Bánh xe xã hội cứ xoay vòng mãi, nó không hề dừng lại vì giọt nước mắt của một góa phụ hay tiếng la khóc của một em bé. Đó là tình trạng của sự vật ở khắp mọi nơi. Năng lực hưởng thụ của các bạn phát triển, xã hội các bạn đẹp đẽ hơn nhiều, so với một số xã hội khác.

Các bạn có quá nhiều thứ để hưởng thụ, nhưng kẻ nào càng có ít điều hưởng thụ thì càng ít khổ đau. Các bạn có thể lập luận như thế một cách xuyên suốt. Bộ não bạn có lý tưởng càng cao thì niềm vui các bạn càng lớn, nhưng nỗi đau khổ càng sâu sắc.

Cái này theo sát cái kia như hình với bóng. Có thể là điều xấu xa đang thực sự giảm dần, nhưng nếu thế thì điều tốt đẹp cũng đang hấp hối. Há không phải là điều xấu xa đang tăng quá nhanh, còn điều tốt đẹp đang giảm dần, nếu như tôi có thể diễn đạt như thế?

Nếu điều tốt đẹp tăng theo cấp số cộng thì điều xấu xa tăng theo cấp số nhân. Và đây là māyā. Điều này chẳng phải là bi quan hay lạc quan. Triết học Vedānta không quan niệm rằng thế giới này chỉ là nơi thuần đau khổ. Điều đó không đúng.

Mặt khác, nếu cho rằng thế giới này chỉ toàn là hạnh phúc và may mắn thì cũng sai lầm nốt. Bởi vậy thật vô ích khi bảo với trẻ em rằng thế giới này là hoàn hảo, chỉ toàn hoa, mật, và sữa – đó là những gì mà chúng ta mơ ước.

Đồng thời cũng thật lầm lẫn khi thấy người này chịu nhiều khổ đau hơn người kia mà cho rằng thế giới này toàn là điều xấu xa. Đó là tính nhị nguyên, một trò chơi giữa thiện và ác, và trò chơi đó tạo nên cái thế giới kinh nghiệm của chúng ta.

Tuy nhiên, triết học Vedānta lại bảo không nên nghĩ rằng thiện ác là hai yếu tính phân biệt, vì chúng là một và tương đồng nhau, cùng hiển thị trong những mức độ khác nhau, trong những lớp vỏ khác nhau và tạo nên những cảm xúc khác nhau trong cùng một tâm trí.

Bởi vậy, tư tưởng đầu tiên của triết học Vedānta là tìm ra tính thống nhất trong thế giới ngoại tại – cái Tồn Tại Duy Nhất hiển thị tự thân, mặc dù Nó có thể hiển thị dưới nhiều hình tướng khác nhau. Hãy nhớ đến một lý thuyết cũ của người Ba Tư: có hai vị thần cùng nhau sáng tạo thế giới.

Vị thần thiện thì sáng tạo nên toàn những điều tốt đẹp, còn vị thần ác thì sáng tạo nên toàn những điều xấu xa. Mới nhìn qua, các bạn đã thấy phi lý rồi; vì mọi quy luật tự nhiên đều phải có hai mặt, cho nên nếu sáng tạo thế giới theo cách đó thì mỗi mặt sẽ do một vị thần đảm trách, khi vị thần này làm xong mới đến lượt vị thần kia.

Vấn đề nằm ở điểm này: cả hai vị thần đều tạo chung một thế giới, và cả hai phải kết hợp ăn ý với nhau bằng cách làm tổn hại đến phần này và làm tốt cho phần kia. Dĩ nhiên đây là một trường hợp thô thiển, là sự diễn tả tính nhị nguyên của sự tồn tại theo cách thô thiển nhất.

Nhưng thử lấy một lý thuyết tiến bộ hơn, trừu tượng hơn, cho rằng thế giới này gồm một phần thiện và một phần ác. Thì điều đó cũng vô lý, với lập luận như quan điểm trên. Sức mạnh đem lại cho chúng ta thực phẩm cũng chính là sức mạnh giết biết bao người bằng tai nạn và rủi ro.

Như vậy, chúng ta thấy rằng thế giới này không tốt đẹp, cũng chẳng xấu xa mà là sự trộn lẫn của cả hai. Khi tiến xa hơn, ta sẽ thấy rằng triết học Vedānta mang toàn bộ lỗi lầm của tự nhiên đặt trên vai chúng ta.

Đồng thời triết học đó chỉ ra con đường giải thoát, không phải bằng cách chối bỏ điều xấu xa, bởi vì nó dũng cảm phân tích sự kiện y như thực và không tìm cách giấu diếm điều gì. Triết học đó không phải là tín điều của tuyệt vọng, cũng không phải là thuyết bất khả tri.

Nó đã tìm ra giải pháp cho vấn đề thiện ác, và đặt giải pháp đó trên một nền tảng rắn như kim cương, không phải áp đặt cho con người theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, xem con người chỉ là trẻ con, và đem những điều giả dối che mắt mọi người, để rồi đến một ngày nào đó họ phát hiện ra.

Tôi còn nhớ khi còn bé, bố của một anh thanh niên nọ qua đời, để lại anh ta trong cảnh túng quẫn với một gia đình đông người cần trợ giúp. Anh thấy bạn của bố mình chẳng một ai sẵn lòng giúp đỡ, nên trò chuyện với một vị tu sĩ để tìm an ủi. Vị tu sĩ nói: “Ồ, điều đó thật là tốt đẹp! Mọi sự đều được thực hiện vì lợi ích cho chúng ta”.

Đó là phương pháp cổ lỗ cố đem miếng vàng lá phủ lên trên một vết lở loét kinh niên. Đó là lời thú nhận về sự yếu đuối, và sự vô minh. Người thanh niên bỏ đi. Sáu tháng sau, vị tu sĩ sinh một đứa con trai, nên làm một lễ tạ ơn và mời anh thah niên đến dự.

Vị tu sĩ cầu nguyện: “Xin cảm tạ ơn lành của Thượng Đế”. Anh thanh niên liền đứng dậy và nói: “Ngừng đi! Chuyện này hoàn toàn là điều khốn khổ”. Vị tu sĩ hỏi “Vì sao?”.

“Vì khi bố tôi mất, ông bảo rằng điều đó tốt đẹp, mặc dù rành rành đó là điều tồi tệ; bây giờ cùng thế, chuyện này rõ ràng là điều tốt đẹp nhưng thực sự là không may”. Đó có phải là phương thức chữa trị nỗi thống khổ của thế gian? Đừng có cố gắng vá víu cái thế giới này, nó vô phương cứu chữa.

Hãy vượt qua khỏi nó. Đây là thế giới của thiện và ác. Nơi đâu có thiện thì nơi đó có ác, nơi đâu có điều tốt đẹp thì nơi đó có điều xấu xa; triết học Vedānta vượt lên và vượt qua những biểu hiện này cùng tất cả những mâu thuẫn đó, và đã tìm ra Tính Thống Nhất.

Nó bảo: “Hãy từ bỏ những điều tốt đẹp và hãy từ bỏ những điều xấu xa”. Vậy thì còn lại gì? Đứng đằng sau thiện ác là một cái gì thuộc về các bạn, thực sự là “bạn”, vượt trên tất cả những điều ác cũng như tất cả những điều thiện – nó là cái tự hiển thị như là thiện và ác.

Trước tiên hãy biết điều đó; đến lúc ấy và chỉ đến lúc ấy, chứ không phải trước đó, bạn mới là người lạc quan thực sự, bởi vì bạn có thể chế ngự được vạn vật. Hãy chế ngự được những sự biểu hiện đó, rồi bạn tự do biểu hiện cái thực sự là “bạn”.

Trước tiên hãy làm chủ bản thân, đứng lên và ung dung tự tại, vượt qua rào chắn của những quy luật này, vì những quy luật đó không chi phối các bạn một cách tuyệt đối, chúng chỉ là một phần trong hiện thể của các bạn mà thôi.

Trước hết, các bạn phải thấy được rằng các bạn không phải là nô lệ của tự nhiên, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ; rằng thế giới tự nhiên này, dù bạn nghĩ rằng nó mênh mông vô tận, cũng hữu hạn, chỉ là một giọt nước trong đại dương, và Linh Hồn bạn chính là đại dương đó.

Các bạn vượt qua khỏi trăng sao và mặt trời. Chúng chỉ là những bọt bong bóng khi so với Hiện Thể vô biên của các bạn. Hãy biết điều đó, rồi các bạn sẽ chế ngự được cả thiện lẫn ác. Rồi toàn thể nhãn giới của các bạn sẽ thay đổi, các bạn sẽ đứng lên và nói: “Thiện đẹp biết bao và Ác tuyệt diệu biết ngần nào!” Đó là giáo lý của triết học Vedānta.

Nó không đề xuất bừa một phương thuốc chữa trị theo kiểu dùng vàng lá che đậy vết thương, và vết thương càng lở loét thì càng dùng nhiều vàng lá. Cuộc đời này là một thực tế khắt khe. Hãy dũng cảm làm việc để vạch một con đường đi xuyên qua nó, dù nó có rắn như kim cương; không hề gì, vì linh hồn còn mạnh mẽ hơn.

Triết học Vedānta không đặt ra trách nhiệm nào đối với những vị thần nhỏ bé, vì chính các bạn là người tự tạo nên vận mệnh cho mình. Các bạn tự làm khổ cho mình, các bạn tạo ra thiện ác, và chính các bạn lấy tay che mắt rồi bảo rằng tối om.

Hãy lấy bàn tay đi và nhìn thấy ánh sáng; các bạn vốn đã rạng ngời, viên mãn từ thuở ban sơ. Bây giờ, chúng ta hiểu được câu thơ này: “Kẻ nào thấy sự đa thù ở thế gian này, kẻ đó đi từ cái chết đến cái chết”. Hãy nhìn thấy Nhất Thể và đạt đến cảnh giới tự do tự tại.

Ta phải thấy Nhất Thể như thế nào? Tâm trí này – vốn mang vọng tưởng và vô cùng bạc nhược, vốn bị dẫn dắt dễ dàng – có thể trở nên mạnh mẽ và nhìn thoáng thấy Chân Trí đó, hay Nhất Thể Tính đó, tức là cái cứu độ chúng ta thoát khỏi cảnh sinh tử trầm luân.

Giống như cơn mưa từ đỉnh núi, trôi theo nhiều con suối chảy xuống sườn núi; tất cả những năng lực mà các bạn thấy tại nơi đây cũng trôi chảy từ Trung Tâm như thế đó. Trung Tâm đó trở nên sai biệt đa thù khi gặp phải māyā.

Đừng có chạy theo cái đa thù, hãy quay về với về Nhất Thể. “Ai chuyển động, Người đó hiện hữu trong tất cả; ai giữ được tâm thuần tịnh, Người đó hiện hữu trong tất cả; Người đó lấp đầy vũ trụ; Người đó hiện hữu trong lễ hiến tế; Người đó là khách trong nhà; Người đó hiện hữu trong loài người, trong loài vật, trong lẽ thật; Người đó là đấng Vĩ Đại.

Giống như lửa đi vào vũ trụ này đang tự biểu hiện qua nhiều hình tướng, thì Linh Hồn của mọi linh hồn, của mọi sinh thể cũng đang biểu hiện tự thân qua mọi hình tướng như thế”. Chỉ đến khi nào các bạn hiểu được sự Hợp Nhất này thì điều đó mới trở thành chân thực đối với các bạn.

Đến lúc này thì các bạn hoàn toàn lạc quan, vì thấy Thượng Đế hiện hữu khắp nơi. Vấn đề đặt ra là: nếu điều đó là thực – rằng Bản Thể Thuần Tịnh Vô Nhiễm đó, Thực Ngã đó, Cái Vô Biên đó đã dung nhập trong vạn hữu – thì làm sao Nó phải chịu đau đớn, làm sao Nó có thể trở nên khốn khổ và ô nhiễm? Các kinh thư Upanishad nói rằng không phải thế.

“Như mặt trời là tác nhân để mắt có thể nhìn thấy mọi sự vật, nhưng lại không bị khiếm khuyết bởi những khiếm khuyết trong đôi mắt; thì cũng thế, Thực Ngã của muôn vật không hề bị ảnh hưởng bởi sự khốn khổ của thể xác, hay bởi bất kỳ sự khốn khổ nào trong thế gian”.

Tôi có thể bị bệnh và nhìn thấy mọi vật đều có màu vàng, nhưng mặt trời không vì thế mà bị ảnh hưởng theo. “Ngài là Nhất Thể, là Hóa Công sáng tạo nên vũ trụ, là đấng Cai Quản muôn loài, là Linh Hồn vĩnh cửu của vạn vật. Ngài biến Nhất Thể Tính của mình thành cảnh giới sai biệt đa thù.

Các bậc hiền triết chứng ngộ Ngài như là Linh Hồn của linh hồn họ, cho nên tâm họ – và chỉ tâm họ thôi chứ không phải là tâm một ai khác – luôn được an lạc.

Ai sống trong cõi thế vô thường mà thấy được Ngài thì không bao giờ biến đổi, ai sống trong vũ trụ tử diệt phù du này mà thấy Sự Sống Duy Nhất, ai sống trong thế giới đa thù này mà thấy được Nhất Thể Tính, và tất cả những ai thực chứng được Ngài như là Linh Hồn của linh hồn mình thì tâm người đó – và chỉ tâm họ thôi chứ không phải là tâm một ai khác – luôn được an lạc.

Biết tìm Ngài ở đâu trong thế giới ngoại tại? Biết tìm Ngài ở đâu trong mặt trời, mặt trăng và muôn vì tinh tú?” “Nơi đó, mặt trời không thể chiếu sáng; nơi đó, trăng sao cũng không thể chiếu sáng; tia chớp sấm sét cũng không chiếu sáng được Ngài, thì còn nói gì đến ánh lửa phù du tử diệt.

Nhờ hào quang của Ngài mà muôn vật được tỏa sáng. Những vật đó mượn ánh hào quang của Ngài, và Ngài tỏa ánh linh quang xuyên qua chúng”. Đây là một đoạn kinh văn hay khác, trích từ Katha Upanishad: “Đây là cây Bồ Đề (Aśvattha) vĩnh cửu, với rễ ở trên và cành nhánh ở dưới.

Quả thực, rễ nó được gọi là Minh Giác; Cái Đó là Brahman; chỉ có Cái Đó là Bất Tử. Tất cả các thế giới đều được bao hàm trong Cái Đó, và không có gì có thể vượt qua khỏi Nó”.

Phần Brāhmana trong kinh Veda có bàn đến nhiều cõi trời khác nhau, nhưng phần triết lý trong kinh thư Upanishad lại làm nản lòng những ai có ý tưởng muốn đến nơi đó.

Hạnh phúc không ở trong cõi trời này hay cõi trời nọ, mà ở ngay trong linh hồn ta. Chỗ này chỗ nọ đều chẳng có ý nghĩa gì. Đây là một đoạn kinh văn khác cho thấy những cảnh giới thực chứng khác nhau: “Tại cõi trời của tổ tiên, con người thấy sự vật trong giấc mơ như thế nào thì thấy Chân Lý như thế đấy”.

Tại cõi trời này, chúng ta thấy Thực Tại hiện ra mơ hồ, không rõ ràng, như thấy sự vật trong giấc mơ. Còn một cõi trời khác gọi là Gandharvaloka, tại đó Thực Tại hiện ra còn mơ hồ hơn nữa, giống như một người nhìn bóng mình soi trong nước.

Cõi trời cao nhất, theo quan niệm của tín đồ Hindu, gọi là Brahmaloka; tại đây Thực Tại hiện ra rõ hơn, như sáng và tối, dù chưa rõ hẳn. Một người nhìn thấy khuôn mặt của mình hiện ra trong tấm kính rõ rệt và hoàn hảo như thế nào thì Chân Lý chiếu sáng trong linh hồn con người cũng rõ rệt và hoàn hảo như thế ấy.

Do đó, cõi trời cao nhất nằm ngay trong linh hồn con người; đền thờ vĩ đại nhất là linh hồn con người, vĩ đại hơn mọi cõi trời, triết học Vedānta bảo thế; bởi vì không ở một cõi trời nào mà ta có thể hiểu rõ ràng và rạch ròi Thực Tại như trong cuộc sống này, trong chính linh hồn của chúng ta.

Những nơi chốn thay đổi không giúp được gì nhiều. Khi còn ở Ấn Độ, tôi ngỡ rằng cái hang sẽ cho tôi một tầm nhìn rõ ràng hơn, nhưng tôi thấy không phải vậy.

Rồi tôi lại nghĩ rằng một khu rừng sẽ cho tôi một tầm nhìn rõ ràng hơn. Rồi đến thành phố Benares. Nhưng ở đâu cũng có khó khăn như nhau, bởi vì chúng ta tự tạo ra thế giới riêng cho chính mình. Nếu tôi là người xấu xa thì toàn bộ thế giới này đối với tôi đều xấu xa.

Đó là lời dạy của Upanishad. Đối với tất cả những thế giới khác cũng vậy. Nếu tôi chết đi và lên thiên đàng thì tôi thấy vẫn vậy; chừng nào tâm tôi chưa tịnh thì có vào hang, lên rừng, đến Benares hay lên thiên đàng vẫn vô ích. Nếu tôi biết chùi sáng tấm kính thì dù có sống ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn thấy Thực Tại hiện ra y như thực.

Cho nên bươn bả ngược xuôi chỉ tốn công vô ích, chỉ nên tập trung năng lực để chùi sáng tấm kính. Ý tưởng tương tự được diễn tả trong câu sau: “Không một ai thấy được Thực Tại, không một ai thấy hình tướng của Thực Tại bằng mắt.

Chỉ trong tâm trí, tâm trí thuần tịnh, ta mới thấy được Thực Tại và đạt đến sự bất tử”. Các bạn nào đã tham dự khóa giảng mùa hè về pháp môn rāja-yoga sẽ rất hứng thú khi biết rằng những điều đã được thuyết giảng là một loại yoga khác.

Loại yoga mà lúc này chúng ta đang nghiên cứu đặt trọng tâm vào việc chế ngự giác quan. Khi giác quan được chế ngự để trở thành nô lệ cho linh hồn con người thì tâm trí không còn bị nhiễu loạn nữa và hành giả yogi đạt đến mục tiêu.

“Khi từ bỏ hết mọi tham vọng phù phiếm trong tâm thì chính con người phù du tử diệt này sẽ trở thành bất tử, thậm chí hợp nhất với Thượng Đế ngay tại thế gian này. Khi mọi nút thắt trong tâm được tháo gỡ thì con người phù du tử diệt trở thành bất tử, và cảm thụ được Brahman ngay trong thế gian này”.

Ngay ở thế gian này, chứ không đâu khác. Cũng cần phải nói thêm vài lời. Các bạn thường nghe nói rằng triết học Vedānta và những hệ thống triết học phương Tây chỉ lo đi tìm cái gì đó ở thế giới bên kia, chứ chẳng hề đoái hoài gì đến những lạc thú cũng như sự đấu tranh nơi trần thế.

Ý tưởng này sai lầm hoàn toàn. Chỉ có những người ngu dốt không hiểu gì về tư tưởng phương Tây và không có đầu óc để hiểu đúng nội dung thực sự của nó mới bảo các bạn như thế.

Trái lại, chúng tôi đọc trong những kinh thư Ấn Độ và thấy rằng những triết gia của chúng tôi không muốn đi đến những thế giới khác, trái lại còn tỏ ý khinh thường, xem đó chỉ là nơi mà con người sống để cười một lúc, khóc một hồi, rồi chết.

Chừng nào chúng ta còn yếu đuối thì chúng ta sẽ phải trải nghiệm cho hết mọi cảnh thiên đàng, địa ngục; những điều chân thực lại ở nơi đây, trong linh hồn con người.

Cũng cần phải nhấn mạnh điểm này: dù có tự tử thì chúng ta vẫn không thoát khỏi vòng tròn tất định của sinh tử luân hồi. Nhưng khó mà tìm ra con đường đi đúng. Người Ấn cũng thực tế như người phương Tây, chỉ có khác ở nhân sinh quan mà thôi.

Người phương Tây nói: “Xây nhà cửa đẹp, mặc quần áo đẹp, ăn thức ăn ngon, trau dồi kiến thức, v.v…, cuộc đời chỉ có vậy thôi”, điều đó cho thấy anh ta vô cùng thực tế. Nhưng người Ấn lại bảo: “Tri thức chân thực về thế giới là tri thức về linh hồn, đó là siêu hình học”, và họ muốn hưởng thụ đời sống đó.

Ở Mỹ, có một người theo thuyết bất khả tri, đó là một nhân vật vĩ đại, một quý ông, một người nhân hậu và là một nhà diễn thuyết tài ba. Ông ta giảng về tôn giáo, mà ông ta cho là vô ích, vậy sao cứ đem những thế giới khác để làm phiền chúng tôi?

Ông ta dùng ẩn dụ này: “ Ở đây chúng ta có một trái cam, và chúng ta cần phải vắt cho hết nước”[1]. Có lần tôi gặp ông ta, và bảo: – Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Tôi có một ít trái cây cũng muốn vắt cho hết nước. Chúng ta chỉ khác nhau ở chỗ chọn trái cây.

Ông cần cam, tôi lại thích xoài. Ông cho rằng sống trên đời này, chỉ cần ăn uống và có một ít kiến thức khoa học là đủ, nhưng ông không có quyền cho rằng điều đó đáp ứng được cho tất cả mọi người. Một quan niệm như thế đối với tôi hoàn toàn vô nghĩa.

Nếu tôi chỉ phải học trái táo rơi xuống đất như thế nào, và dòng điện giật dây thần kinh tôi ra làm sao thì chắc tôi phải tự tử quá. Tôi muốn hiểu cốt lõi của sự vật, hiểu phần tinh túy nhất của chúng. Ông nghiên cứu những biểu hiện của cuộc sống, còn tôi nghiên cứu chính bản thân của cuộc sống.

Triết học của tôi bảo rằng ông cần phải biết điều đó, và cần phải gạt bỏ ra khỏi tâm trí ông mọi tư tưởng về thiên đàng địa ngục, cũng như mọi điều mê tín dị đoan, cho dù chúng có tồn tại y như thế giới này.

Tôi cần phải biết trọng tâm của cuộc sống, biết phần tinh yếu cốt tủy của nó, biết được nó là gì, không phải là chỉ biết nó hoạt động như thế nào và hiểu hiện ra làm sao. Tôi cần biết cái vì sao của vạn hữu, còn cái thế nào thì tôi để lại cho thế hệ con em.

Một người đồng hương của tôi bảo: ‘Nếu tôi viết được một cuốn sách về những cảm xúc khi đang hút thuốc thì đó là khoa học về thuốc lá’. Trở thành nhà khoa học là điều tốt đẹp và vĩ đại, Cầu Thượng Đế ban phước lành cho những khoa học đang nghiên cứu!

Nhưng nếu người đó bảo rằng ngần ấy là tất cả thì anh ta nói năng ngu ngốc, vì anh ta không quan tâm đến việc tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, không bao giờ nghiên cứu đến chính bản thân của sự tồn tại. Ông đang nghiên cứu những trạng thái biểu hiện của cuộc sống, và khi tôi hỏi ông cuộc sống là gì thì ông lại bảo rằng không biết.

Ông được tự do với công việc nghiên cứu của ông, nhưng hãy để mặc tôi với công việc nghiên cứu của tôi. Tôi là người thực tế, rất ư thực tế theo cách của riêng tôi. Bởi vậy, các bạn quan niệm rằng chỉ người phương Tây mới có đầu óc thực tế thì điều đó vô nghĩa.

Các bạn thực tế theo cách này, còn tôi thực tế theo cách khác. Có nhiều loại người và nhiều loại tâm trí. Ở phương Đông, nếu một người nghe bảo rằng cứ đứng một chân suốt đời sẽ tìm ra chân lý thì anh ta sẽ theo thực hành pháp môn đó.

Còn ở phương Tây, nếu nghe nói có một mỏ vàng ở đâu đó tại một đất nước man di mọi rợ thì hàng ngàn người sẽ vượt qua bao cảnh gian nguy để đến đó, với hy vọng kiếm được vàng; và có lẽ chỉ một vài người thành công.

Cũng những con người đó, khi nghe nói rằng mình có một linh hồn thì họ lại vui vẻ để chuyện ấy cho nhà thờ lo liệu. Một người phương Đông không muốn đi đến gần những nơi hoang dã, vì sợ nguy hiểm.

Nhưng nếu ta bảo anh ta rằng trên đỉnh núi cao kia có một vị hiền triết có thể dạy cho anh ta hiểu về linh hồn thì anh ta lập tức trèo đèo vượt suối để tìm đến tận nơi, dẫu có chết cũng cam lòng. Cả hai loại người đó đều có đầu óc thực tế, nhưng điểm sai lầm nằm ở chỗ xem thế giới này là toàn bộ cuộc sống.

Quan điểm của các bạn là hưởng thụ những lạc thú phù du trên cõi thế; không có gì vĩnh viễn trong điều đó, nó chỉ mang lại thêm bao phiền não khổ đau trong khi quan điểm của chúng tôi đem lại sự an lạc vĩnh hằng. Tôi không bảo rằng quan điểm các bạn là sai.

Các bạn được tự do với nó. Quan điểm đó đã đem lại cho các bạn biết bao điều tốt đẹp và hạnh phúc, cho nên các bạn đừng có lên án quan điểm của chúng tôi.

Quan điểm của chúng tôi cũng thực tế theo cách riêng của nó. Tất cả chúng ta hãy cùng làm việc theo kế hoạch của mình.

Xin cảm tạ Thượng Đế là tất cả chúng ta đều thực tế như nhau! Tôi đã thấy một số nhà khoa học và một số nhà tâm linh có đầu óc thực tế như nhau, và tôi hy vọng rằng theo thời gian, toàn thể nhân loại sẽ đạt được hiệu quả theo cách như nhau.

Khi một bình nước sắp sôi, nếu quan sát, trước tiên các bạn sẽ thấy hiện tượng nổi bọt, bọt này nối tiếp bọt kia, cho đến khi tất cả đều hòa lẫn vào nhau, tiếp theo đó là nước sôi dữ dội. Thế giới này cũng vậy. Mỗi cá nhân đều giống như một bọt nước, mỗi quốc gia đều giống như nhiều bọt nước.

Dần dần, các quốc gia đều hòa lẫn vào với nhau, và tôi tin chắc rằng đến một ngày nào đó, sự khác biệt sẽ không còn nữa và Nhất Thể Tính – mà tất cả chúng ta đang hướng tới – sẽ hiển lộ.

Phải đến lúc mọi người ai nấy đều có đầu óc thực tế mạnh mẽ, trong thế giới khoa học cũng như trong thế giới tâm linh, và Nhất Thể Tính, sự hòa điệu của Nhất Thể Tính, sẽ ngự trị trên thế gian này. Toàn thể nhân loại sẽ biến thành những jivanmukta – người đạt được giải thoát ngay khi còn tại thế.

Tất cả chúng ta đang đấu tranh để hướng đến cứu cánh đó thông qua sự ghen tỵ và hận thù, thông qua thương yêu và hợp tác.

Một con suối khổng lồ đang tuôn chảy về đại dương, mang theo tất cả chúng ta; và giống như những cọng rơm hay mảnh giấy, chúng ta đôi khi có thể trôi giạt vô định, nhưng đến cuối cùng, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhau trong Đại Dương Cuộc Sống đầy Lạc Phúc.

[1] Có nghĩa là hãy tận hưởng cuộc đời.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x