Trang chủ » Tóm lược về Rāja-yoga

Tóm lược về Rāja-yoga

by Trung Kiên Lê
73 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Sau đây là bản tóm lược của Rāja-yoga được phóng dịch từ Kurma Purāna. Ngọn lửa Yoga thiêu đốt cái lồng tội lỗi bao quanh con người. Tri thức trở nên thuần tịnh và trực chứng được Niết Bàn.

Yoga làm phát sinh tri thức, và tri thức lại hỗ trợ cho hành giả yogi. Người nào kết hợp được yoga với tri thức sẽ làm Thượng Đế hài lòng. Những ai luyện tập mahā-yoga mỗi ngày một lần, hoặc hai lần hoặc ba lần hoặc luôn luyện tập thì nên biết rằng họ sẽ là chư thần.

Yoga được chia làm hai phần: một phần được gọi là abhāva-yoga (phi hữu yoga) và phần kia là mahā-yoga (đại yoga). Pháp môn quán tưởng bản ngã như là hư không, vô tự tính được gọi là abhāva-yoga.

Còn pháp môn quán tưởng bản ngã trong trạng thái viên mãn lạc phúc, hoàn toàn thuần tịnh và hợp nhất với Thượng Đế được gọi là mahā-yoga. Hành giả yogi nhờ vào một trong hai pháp môn này mà thực chứng được Chân Ngã.

Còn những pháp môn yoga khác mà chúng ta đã đọc và nghe nói đến đều không đáng so sánh với mahā-yoga – là pháp môn giúp hành giả yogi thấy mình cùng toàn thể vũ trụ là chính Thượng Đế.

Đó là pháp môn yoga tối thượng. Yama (ngũ giới), niyama (ngũ hạnh), āsana (tư thế), prānāyāma (kiểm soát prāna hay nguyên sinh khí), pratyāhāra (kiểm soát giác quan), dhāranā (chú tâm), dhyāna (thiền) và samādhi (định) là các giai đoạn trong Rāja-yoga.

Không làm tổn thương ai, chân thành, không tham lam, sống trong sạch, không nhận bất cứ thứ gì từ người khác, năm giới này được gọi là yama, nhằm giữ tâm được thanh tịnh. Không gây đau khổ cho bất kỳ một sinh linh nào – dù bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động – được gọi là ahimsā, hay bất hại.

Không có đức hạnh nào cao cả hơn đức bất hại này. Không có một lạc phúc nào cao cả hơn lạc phúc của người giữ được thái độ bất xâm hại đối với muôn loài. Nhờ chân thành mà chúng ta gặt hái được thành quả của công việc. Thông qua sự chân thành, ta đạt tới muôn vật, và trong sự chân thành, muôn vật được an bài.

Tường thuật lại sự kiện y như thực, đó là sự chân thành. Không ăn trộm hoặc dùng sức mạnh để giành lấy tài vật của người khác, đó gọi là asteyam, hay bất tham.

Giữ tư tưởng, lời nói và hành vi luôn được trong sạch trong mọi tình huống, đó gọi là brahmacharya hay tịnh hạnh. Không nhận vật phẩm từ bất kỳ ai, dù đang đói khổ cùng cực, đó gọi là aparigraha hay hạnh không tư hữu.

Theo quan niệm này, khi nhận vật phẩm từ một người khác thì tâm ta trở nên bất tịnh, ta trở nên thấp kém, không còn tự tại, rồi bị ràng buộc và phát sinh luyến cảm.

Sau đây là các phẩm trợ đạo để tu tập thành công trong pháp môn Yoga:

[niyama hay kiên trì, tinh tấn], [tapas hay lối sống thanh tu khổ hạnh], [svādhyāya hay nghiên cứu kinh điển],[santosha hay tự mãn túc], [śaucham hay thanh tịnh], [Iśvara- pranidhāna hay tôn thờ đấng Iśvara, tức Thượng Đế].

Ăn uống đạm bạc hoặc chế ngự bản thân bằng nhiều cách khác được gọi là khổ hạnh thể xác. Tụng kinh Veda cùng những chân ngôn [ mantra] khác, để nhờ đó giúp cho các chất liệu sattva được thanh tịnh, đó là svādhyāya hay nghiên cứu kinh điển.

Có ba cách tụng niệm chân ngôn. Cách thứ nhất là khẩu niệm hay đọc thành lời, cách thứ hai là đọc lâm râm, và cách thứ ba là tâm niệm.

Trong ba cách thì khẩu niệm là cách thấp nhất và tâm niệm là cách cao nhất. Đọc chân ngôn lớn tiếng để người nào cũng nghe được, đó là khẩu niệm, cách niệm tiếp theo chỉ để môi mấp máy nhưng không phát ra thành tiếng.

Cách tụng chân ngôn không phát ra âm, và chú tâm quán tưởng ý nghĩa của nó, được gọi là tâm niệm, và là cách cao nhất. Các vị hiền triết bảo rằng có hai loại thanh tịnh: bên trong và bên ngoài. Dùng nước, đất cùng các loại vật chất khác để tẩy uế bên ngoài, ví dụ như tắm gội, v.v…

Làm sạch tâm trí bằng chân lý, cùng tất cả những đức hạnh khác được gọi là nội tịnh hay thanh tịnh tâm trí. Cả hai đều cần thiết để luyện tập yoga.

Một người nếu chỉ giữ tâm thanh tịnh mà bên ngoài bẩn thỉu thì cũng chưa đủ. Khi không thể thực hiện được cả hai thì tốt hơn là nên giữ thanh tịnh tâm trí, nhưng phải giữ thanh tịnh cả hai mới được gọi là một hành giả yogi. Tôn thờ Thượng Đế bằng lời ngợi ca, tán thán, bằng tâm tưởng, bằng sự tận hiến.

Chúng ta đã nói về yama và niyama, giờ nói tiếp đến āsana hay tư thế. Điều duy nhất cần hiểu về āsana là hãy để cho cơ thể thật thoải mái, giữ cho ngực, vai và đầu nằm theo một đường thẳng. Kế đó mới đến prānāyāma hay điều khí.

Prāna có nghĩa là những luồng nguyên sinh khí trong cơ thể của mỗi người, còn āyāma có nghĩa là điều khiển, chế ngự.

Có ba kiểu prānāyāma: kiểu rất đơn giản, kiểu trung bình và kiểu rất cao siêu. Nó còn được chia thêm thành ba công đoạn: hít vào cho đầy, kìm hơi, rồi thở hết ra.

Khi các bạn bắt đầu tập với chu kỳ hít thở mười hai giây thì đó là kiểu prānāyāma thấp nhất, khi các bạn bắt đầu tập với chu kỳ hít thở hai mươi bốn giây thì đó là kiểu prānāyāma trung bình, và kiểu prānāyāma bắt đầu với chu kỳ hít thở ba mươi sáu giây là kiểu tốt nhất.

Kiểu prānāyāma thấp nhất giúp sưởi ấm cơ thể, kiểu trung bình làm cho cho cơ thể dao dộng, còn kiểu prānāyāma cao nhất có thể nâng cơ thể lên cao khỏi chỗ ngồi trong trạng thái ngập tràn lạc phúc. Có một câu chân ngôn gọi là Gāyatri. đó là một câu kinh văn vô cùng linh thiêng trong kinh Veda.

Nó như vầy: “Ta quán tưởng vinh quang của đấng Hóa Công tạo ra vũ trụ này, xin Người hãy sáng soi tâm trí chúng ta”.

Đi kèm với câu này là âm Om, lúc mở đầu và kết thúc. Trong mỗi chu kỳ prānāyāma, lặp lại chân ngôn Gāyatri ba lần.

Cuốn sách nào cũng chia prānāyāma thành ba bước: rechaka (thở ra), puruka (hít vào) và kumbhaka (kìm hơi thở).

Các Indriya hay giác quan được hướng ra ngoài và tiếp xúc với những sự vật bên ngoài. Đưa các Indriya đó nằm dưới sự chế ngự của ý chí được gọi là pratyāhāra hay quy tập hướng nội [ gathering towards oneself]. Chú tâm vào hoa sen nơi trái tim hay trên đỉnh đầu được gọi là dhāranā.

Tập trung toàn bộ tâm trí vào một điểm, xem đó là điểm gốc, nơi mà các ngọn sóng tâm thức dao động, những ngọn sóng này, do không bị nhận chìm bởi những ngọn sóng kiểu khác, dần dần trở nên nổi bật và chiếm ưu thế, trong khi những ngọn sóng khác cứ suy giảm dần rồi cuối cùng biến mất.

Tiếp theo đó, những ngọn sóng phức tạp ban đầu này hợp nhất lại, và chỉ còn một ngọn sóng duy nhất trong tâm thức. Đó là dhyāna hay tham thiền.

Khi điểm gốc không còn cần thiết nữa, khi toàn cơ thể đã biến thành một ngọn sóng duy nhất thì hành giả đạt đến trạng thái nhất tâm gọi là samādhi hay định.

Mọi hình thức trợ đạo từ các vị trí trên cơ thể hay từ các trung tâm đều bị loại bỏ, chỉ còn ý nghĩa của ngọn sóng đó hiện tiền.

Nếu tâm trí có thể chuyên chú vào một trung tâm trong mười hai giây thì đó sẽ là một dhāranā (chú tâm), mười hai dhāranā như thế sẽ là một dhyāna (thiền), và mười hai dhyāna như thế sẽ là một samādhi (định).

Nơi nào có sự e sợ lửa và nước, nơi nào có lá khô rải trên mặt đất, nơi nào có nhiều tổ kiến, nơi nào bị thú hoang đe dọa, nơi nào có các giao lộ, nơi nào huyên náo xô bồ, nơi nào có nhiều kẻ ác – thì không được thực hành pháp môn yoga ở đó.

Điều này còn được áp dụng chặt chẽ hơn nữa tại Ấn Độ. Không nên luyện tập khi cơ thể thấy mệt mỏi hay biếng lười, hoặc khi tâm trí đang khốn quẫn, muộn phiền.

Hãy đến một nơi kín đáo, không có ai quấy nhiễu. Đừng chọn những nơi bẩn thỉu. Tốt hơn là nên chọn nơi có phong cảnh đẹp đẽ hoặc một căn phòng xinh đẹp trong nhà riêng của các bạn.

Khi luyện tập thì trước tiên các bạn phải cúi chào tất cả những hành giả yogi thời trước, chào vị đạo sư [ guru] của mình, đảnh lễ Thượng Đế, xong rồi hãy bắt đầu. Tôi đã giải thích thiền (dhyāna) là gì rồi, và đã nêu ra một vài thí dụ để quán tưởng.

Ngồi thẳng lưng, và nhìn vào chóp mũi. Sau này, chúng ta sẽ hiểu điều đó giúp ta tập trung tâm trí như thế nào, và khi điều khiển được hai dòng thần kinh thị giác thì hành giả sẽ tiến bộ vượt bậc ra sao trong việc điều khiển được cây cung phản ứng, rồi tiến tới việc điều khiển được ý chí.

Đây là một minh họa mẫu trong thiền: hãy tưởng tượng một hoa sen trên đỉnh đầu, cao độ một tấc, đức hạnh là tâm sen còn tri thức là thân sen. Tám cánh sen là tám quyền năng của hành giả yogi[1].

Nhụy hoa bên trong là sự xả ly, từ bỏ. Nếu biết khước từ những quyền năng bên ngoài, hành giả yogi sẽ đi đến cảnh giới giải thoát. Do vậy, tám cánh sen đó là tám quyền năng của hành giả yogi, nhưng nhụy hoa bên trong là sự xả ly, từ bỏ – từ bỏ tất cả những quyền năng đó.

Bên trong đóa sen đó, hãy quán tưởng đến đấng Kim Thân, đấng Toàn Năng, đấng Vô Hình mang tên là Om, là đấng Bất Khả Tư Nghì, được bao quanh bởi hào quang rực rỡ. Tập quán tưởng điều đó.

Còn đây là một chủ đề quán tưởng khác: Hãy quán tưởng một khoảng không gian trong trái tim bạn, và ngay giữa khoảng không gian đó, hãy quán tưởng một ngọn lửa đang bùng cháy. Hãy quán tưởng ngọn lửa đó như là linh hồn bạn.

Bên trong ngọn lửa đó là một ánh hào quang rực rỡ khác, đó là Linh Hồn của linh hồn bạn, tức Thượng Đế. Hãy quán tưởng điều đó trong trái tim. Giữ thân tâm trinh bạch, không gây tổn hại, khoan dung cho cả những kẻ thù lớn nhất, sống trung thực và đặt đức tin vào Thượng Đế – đây là những hạnh nguyện khác nhau.

Nếu các bạn không thực hiện được trọn vẹn những lời nguyện đó thì cũng đừng sợ hãi.

Công việc và các bạn sẽ nối tiếp nhau. Người nào đã từ bỏ được mọi luyến cảm, mọi nỗi sợ hãi cùng tất cả sự giận dữ, người nào mà linh hồn đã đến với Thượng Đế, người nào đã an trú trong lòng Thượng Đế, người nào có tâm hồn thuần tịnh, luôn khát khao đến với Thượng Đế thì sẽ được Ngài chuẩn nhận cho điều đó.

Do đó, hãy sùng bái Thượng Đế bằng tri thức, bằng tình yêu và bằng sự xả ly, từ bỏ.

“Kẻ nào không ghét bỏ một ai, là bạn của tất cả mọi người, nhân từ với tất cả mọi người, không chiếm hữu một thứ gì cho riêng mình, hoàn toàn vị tha, xem sướng khổ là như nhau, biết kiên trì chịu đựng, lòng luôn thấy mãn nguyện, mãi mãi tận hiến cho pháp môn yoga, chế ngự được hoàn toàn bản ngã, có ý chí kiên cường, toàn tâm toàn trí hướng về Ta thì kẻ như thế mới là một bhakta mà Ta yêu quý.

Kẻ nào không gây ra nhiễu loạn, không là nguyên nhân nhiễu loạn, không để người khác có thể làm nhiễu loạn tâm mình, kẻ nào đã vượt thoát khổ, lạc và phiền não, đó là kẻ mà Ta yêu quý.

Kẻ nào giữ tâm an nhiên tự tại, thuần tịnh và hoạt bát, không màng đến thiện ác, không bao giờ lâm vào cảnh khốn cùng, kẻ nào từ bỏ mọi cố gắng phục vụ cho bản thân mình, kẻ nào dù được ngợi khen hay bị chê trách vẫn giữ được thái độ yên lặng, trầm tĩnh như nhau, kẻ nào hài lòng với những điều nhỏ nhoi đến với mình, sống không nhà, lấy cả thế gian làm nhà, tâm trí kiên định – thì kẻ đó là một bhakta mà Ta yêu quý”[2].

Ngày xưa có một vị thần minh triết tên là Nārada. Cũng như trong cõi nhân gian có những vị hiền triết, những hành giả yogi vĩ đại thì trong cõi thần cũng có những hành giả yogi vĩ đại. Nārada là một hành giả yogi vĩ đại, lừng danh. Ngài vân du khắp đó đây.

Một hôm, ngài đi ngang qua một khu rừng và trông thấy một người đang mải miết ngồi tham thiền, đến nổi để cho mối làm một cái tổ lớn đóng quanh người – ông ta đã ngồi thiền ở đó quá lâu rồi.

Ông ta hỏi Nārada: “Ngài đi đâu đó?”.

Nārada đáp: “Ta đang đi lên trời”.

Ông ta liền nói: “Vậy thì nhờ ngài hỏi giùm Thượng Đế khi nào Người sẽ thương xót đến tôi, khi nào tôi sẽ được giải thoát?”

Nārada tiếp tục đi và gặp một người khác. Ông ta đang nhảy múa, ca hát và hỏi Nārada: “Ồ, ngài Nārada, ngài đi đâu đấy?” Giọng nói và điệu bộ của ông ta như cuồng loạn.

Nārada đáp: “Ta đang đi lên trời”.

Ông ta liền nói: “Vậy thì nhờ ngài hỏi giùm Thượng Đế khi nào tôi sẽ được giải thoát?”

Nārada bèn tiếp tục đi. Một thời gian sau, ngài lại đi qua con đường cũ, và người ngồi tham thiền với tổ mối quanh người vẫn còn ở đó.

Ông ta hỏi Nārada: “Ồ, ngài Nārada, ngài đã hỏi Thượng Đế giùm tôi chưa?”.

Nārada đáp: “Ồ, có chứ”.

– Vậy Thượng Đế bảo sao?

– Thượng Đế nói với ta rằng ông sẽ được giải thoát sau bốn kiếp nữa”.

Người kia liền than khóc và nói: “Tôi đã tham thiền đến nổi mối đóng quanh người, vậy mà tôi còn phải chờ thêm bốn kiếp nữa”.

Nārada bèn đi tiếp đến gặp người kia.

– Ngài đã hỏi Thượng Đế giùm tôi rồi chứ?

– Ồ, có! Ông có thấy cây me kia không? Ta phải nói cho ông biết rằng cây me kia có bao nhiêu lá thì ông phải tái sinh bấy nhiêu kiếp mới đạt được giải thoát.

Người kia liền nhảy nhót mừng rỡ, rồi nói: – Ta sẽ đạt được giải thoát trong một thời gian ngắn biết bao!

Một giọng nói bỗng vọng tới: – Này con, con đã đạt được giải thoát ngay lúc này rồi. Đó là phần thưởng cho sự kiên trì.

Ông ta đã sẵn sàng tu luyện qua vô lượng kiếp, mà không có gì có thể khiến ông ta ngã lòng. Trong khi người đầu tiên thấy mới bốn kiếp là đã quá dài. Chỉ có sự kiên trì như người đàn ông đó – người sẵn sàng chờ đợi vô lượng kiếp – mới mang lại thành quả tối cao.

[1] Theo ghi chú ở cuối sách thì đây là tám quyền năng siêu nhiên hay tám phép thần thông của một hành giả yoga, chẳng hạn như thu thân hình nhỏ lại thành một nguyên tử, nhẹ bỗng như tơ, v.v…

[2] Bhagavad Gita XII, 13-20. (Ghi chú trong nguyên tác)

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x