Trang chủ » Triết học về thần Isvara

Triết học về thần Isvara

by Trung Kiên Lê
177 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Thần Iśvara là ai? “Từ Ngài mà vũ trụ được tạo dựng, tồn tại và hoại diệt.” – Ngài là thần Iśvara, “đấng Hằng Cửu, đấng Thuần Tịnh, đấng Tự Tại Giải Thoát từ Vô Thủy, đấng Toàn Năng, đấng Toàn Trí, đấng Yêu Thương Muôn Loài, vị Đạo Sư của tất cả các đạo sư”.

Và trên tất cả, “Ngài là đấng Chí Tôn có bản chất là lòng từ bi bất khả tư nghì”. Đây hiển nhiên là định nghĩa về một Thượng Đế Nhân Thể.

Như vậy thì có đến hai Thượng Đế – một Thượng Đế “Không phải cái này, Không phải cái này”, tức đấng Satchidānanda hay đấng Tồn – Tại–Tri – Thức–Lạc – Phúc [ Existence – Knowlegde – Bliss] của các triết gia, và một Thượng Đế của Yêu Thương của những hành giả bhakta?

Không, chỉ có một đấng Satchidānanda, đồng thời cũng là Thượng Đế của Yêu Thương, Thượng Đế Phi Nhân Thể và Nhân Thể là một. Người ta vẫn luôn hiểu rằng vị Thượng Đế do các hành giả bhakta sùng bái không hề tách biệt và khác biệt với Brahman.

Tất cả đều là Brahman, cái Duy Nhất bất nhị; chỉ vì Brahman – tức cái Hợp Nhất hay Tuyệt Đối – quá đỗi trừu tượng nên khó lòng để tín đồ yêu thương hay sùng bái, do đó các hành giả bhakta đã chọn khía cạnh tương đối của Brahman, tức thần Iśvara, đấng Cai Trị Tối Cao.

Ta hãy dùng phép ẩn dụ như vầy: Brahman cũng được tạo bằng đất sét, hoặc bằng một loại chất liệu được dùng để tạo nên muôn loài. Vì được làm bằng đất sét nên muôn loài đều là một, nhưng hình thức và cách hiển lộ làm chúng khác nhau.

Trước đó, muôn vật đã tiềm tàng trong đất sét, và dĩ nhiên là chúng tương đồng về bản chất; nhưng khi đã mang một hình tướng, và chừng nào hình tướng đó còn tồn tại thì chúng tách biệt và khác biệt nhau.

Con chuột bằng đất sét không bao giờ có thể biến thành con voi bằng đất sét, bởi vì khi hiển lộ thì chỉ có hình tướng mới giúp chúng được là chúng, mặc dù khi không còn tướng đất sét thì tất cả chúng đều là một.

Thần Iśvara là biểu hiện tối cao của Thực Tại Tuyệt Đối, hay nói khác đi, là nhận thức tối cao của tâm trí con người về Cái Tuyệt Đối.

Sự sáng tạo là vĩnh hằng, cho nên thần Iśvara cũng vĩnh hằng.

Trong phẩm (pāda) thứ tư của chương bốn của cuốn kinh nói rằng sau khi con người đạt đến giải thoát thì nơi họ tự nhiên xuất hiện quyền năng và tri thức hầu như vô tận, Vyāsa lại dùng hình thức cách ngôn phát biểu rằng không ai có thể đạt đến quyền năng sáng tạo, cai quản và hủy diệt vũ trụ được cả, bởi vì những điều đó chỉ thuộc về quyền năng của Thượng Đế mà thôi.

Khi chú giải cuốn kinh này, thật dễ dàng để các nhà phê bình theo thuyết nhị nguyên chỉ ra rằng một linh hồn lệ thuộc – một jiva – vĩnh viễn không bao giờ có được quyền năng vô hạn, cũng như không thể độc lập hoàn toàn với Thượng Đế.

Madhvāchārya, nhà phê bình nhị nguyên triệt để, đề cập đến đoạn kinh văn này theo phương pháp tóm lược quen thuộc của mình bằng cách trích dẫn một câu thơ từ Varāha Purāna.

Nhà bình chú Rāmānuja, khi chú giải câu cách ngôn này, đã nói: “Đã nảy sinh nỗi hoài nghi này, quyền năng độc nhất của đấng Chí Tôn – nghĩa là quyền năng sáng tạo, cai trị và hủy diệt vũ trụ, thậm chí là quyền thống trị muôn loài – có nằm trong phạm vi quyền năng của những đấng giải thoát hay không?

Hoặc nếu không thế thì vinh quang của những đấng giải thoát có phải chỉ nằm trong trực thức về đấng Chí Tôn hay không?

Và chúng ta gặp lập luận phản bác sau: ‘Đấng giải thoát đạt được quyền năng cai trị vũ trụ này là điều hợp lý, bởi vì Mundaka Upanishad (III,i,3) đã nói rằng một đấng giải thoát, hoàn toàn không còn tội lỗi, sẽ đạt đến sự tương đồng cực đỉnh, có nghĩa là hợp nhất với Tinh Thần Tối Thượng.

Một đoạn kinh văn khác còn nói thêm rằng tất cả ý muốn của vị đó đều được thực hiện’. Vị đó không thể đạt đến sự tương đồng cực đỉnh và không thể thực hiện tất cả ý muốn của mình, nếu không đạt được quyền năng cai trị vũ trụ này, tức quyền năng độc nhất của Tinh Thần Tối Thượng.

Do đó, để có thể thực hiện được tất cả ý muốn của mình và đạt đến sự tương đồng cực đỉnh này thì phải chấp nhận rằng đấng giải thoát đạt được quyền năng cai trị toàn thể vũ trụ này’.

“Để giải đáp vấn đề này, chúng ta trả lời rằng đấng giải thoát đạt được tất cả quyền năng, trừ quyền năng cai trị vũ trụ. Cai trị vũ trụ có nghĩa là điều khiển được hình tướng cùng đời sống và khát vọng của tất cả loài hàm thức và phi hàm thức.

Những đấng giải thoát, do gột bỏ được tất cả những bức màn vô minh che lấp bản tính, nên chỉ hưởng thụ được trạng thái nhận thức Brahman một cách tự do vô ngại, chứ không đạt được quyền năng cai trị vũ trụ.

Điều đó được chứng minh trong đoạn kinh văn sau: ‘Đấng mà từ đó đã sinh ra muôn loài, đấng mà nhờ đó muôn loài đã sinh được sống, đấng mà từ đó muôn loài xuất phát rồi lại quay về – hãy hỏi về đấng đó.

Đó là Brahman’. Nếu cai trị vũ trụ là phẩm tính chung cho tất cả những đấng giải thoát thì đoạn kinh văn trên hẳn đã không dùng để xác định Brahman, mà Brahman được xác định như là đấng Cai Trị vũ trụ này. Thuộc tính bất thường đó chỉ xác định được một điều.

Do đó, trong những đoạn kinh văn như: ‘Con trai yêu dấu của ta, người con duy nhất, lúc khai thủy, đã tồn tại đấng Duy Nhất không hai. Đấng đó nhìn và cảm nhận: “Ta sẽ sản sinh ra muôn loài”. Đấng đó bèn phóng nhiệt ra’; ‘Chỉ có Brahman thực sự tồn tại lúc khởi thủy.

Đấng Duy Nhất đó tiến hóa dần. Đấng đó phóng chiếu ra các hình thức được ban lạc phúc: Kshatras – Varuna, Soma, Rudra, Parjanya, Yama, Mrityu, Ishana’; ‘Ātman thực sự tồn tại lúc khởi thủy; ngoài ra không có gì dao động; Ngài nghĩ đến việc phóng chiếu thế giới; và sau đó Ngài phóng chiếu cả thế giới’; Chỉ có Nārāyana tồn tại, chứ không phải là Brahmā hay Ishana, hay Dyāvā – Prithivi, cũng không phải là các tinh tú, sông biển, lửa, Soma hay Mặt Trời.

Nhưng Ngài không thấy vui thú trong cảnh cô đơn.

Sau một hồi suy nghĩ, Ngài tạo ra một ngườicon gái, mười cơ quan, v.v…’, và trong những kinh điển khác, có những câu như: ‘Người sống trên trái đất thì tách biệt với trái đất, người sống trong Ātman thì tách biệt với Ātman, v.v… – các Śruti nói đến một đấng Tối Cao chủ quản việc cai trị vũ trụ …

Trong những đoạn kinh văn mô tả việc cai trị vũ trụ không hề có đoạn nào đề cập đến những đấng giải thoát theo nghĩa những vị đó sẽ cai trị vũ trụ”.

Khi chú giải kinh tiếp theo, Rāmānuja nói: “Nếu các ông (chỉ đối thủ) cho rằng không phải thế, vì rõ ràng là trong kinh Veda có những đoạn kinh văn nói ngược lại, thì những đoạn kinh văn đó đề cập đến vinh quang của những đấng giải thoát đang an trú trong cảnh giới của những thần linh thứ cấp”.

Đây cũng là giải pháp dễ dãi cho vấn nạn này. Mặc dù hệ thống triết học của Rāmānuja chấp nhận toàn thể hợp nhất, nhưng theo ông ta thì vẫn có sự sai biệt trong toàn thể tính của vạn hữu.

Do đó, đối với mọi mục tiêu thực tế thì hệ thống này vẫn mang tính nhị nguyên, thật dễ dàng để Rāmānuja tách biệt rạch ròi một linh hồn nhân thể [ personal soul] với một Thượng Đế Nhân Thể. Bây giờ chúng ta hãy thử tìm hiểu triết gia Śankara – vị đại biểu vĩ đại của trường phái Advaita – đã nói gì ở điểm này.

Chúng ta sẽ thấy triết học Advaita bảo lưu mọi kỳ vọng và hoài bão của triết học nhị nguyên nguyên vẹn như thế nào, đồng thời đề xuất giải pháp cho vấn đề hòa hợp với số phận cao siêu của nhân loại.

Kẻ nào khao khát giữ lại bản tâm riêng biệt ngay cả khi đã giải thoát, và duy trì được sự khác biệt, kẻ đó sẽ có nhiều cơ hội để thực chứng được khát vọng của mình và hưởng thụ lạc phúc của một Brahman đầy đủ các phẩm tính.

Đó là những người đã được nói đến trong Bhāgavata Purāna như vầy: “Ôi đức vua, đó là những phẩm tính rạng rỡ của một đấng Chúa Tể, tức là những vị hiền triết đã tìm được niềm hỷ lạc độc nhất trong Chân Ngã, và đã giải thoát khỏi tất cả gông cùm trói buộc; những vị yêu thương đấng Vô Sở Bất Tại bằng một tình yêu thuần túy vì tình yêu.”

Họ là những vị mà học phái Sāmkhya đề cập đến như là những người mang bản tính hòa hợp. Sau khi giác ngộ viên mãn trong kiếp này, các vị đó tái sinh làm đấng Chúa Tể cai trị khắp cả muôn nghìn thế giới, nhưng không một ai có thể sánh ngang với đấng Iśvara.

Những người nào đã đạt đến cảnh giới phi năng tạo phi sở tạo, phi năng tri phi sở tri, vô ngã vô nhân, vô chủ khách, vô quan hệ (như vậy ai là người nhìn ai người bị nhìn?) – thì những người đó đã siêu quá vạn hữu, đạt đến cảnh giới “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”[1], đó là cảnh giới mà các Śruti diễn tả là: “Không phải cái này, không phải cái này”.

Nhưng đối với những người không thể hoặc không muốn đạt đến cảnh giới đó thì điều không thể tránh được là phải có hình tượng tam vị nhất thể về một đấng Brahman bất khả phân, bao gồm: thế giới tự nhiên, linh hồn và người duy trì dung hợp được cả hai – tức đấng Iśvara.

Bởi vậy, khi Prahlāda quên mất bản thân khi quán tưởng Thượng Đế, anh ta không còn thấy vũ trụ hay nguyên nhân tạo thành vũ trụ; tất cả đối với anh ta đều là một thể Như Nhất Vô Biên, không còn sự phân biệt giữa danh tướng nữa; nhưng ngay khi anh ta nhớ lại mình là Prahlāda thì cả vũ trụ hiện ra trước mặt, và cùng xuất hiện với vũ trụ là đấng Chúa Tể – “kho tàng chứa vô lượng phẩm tính đầy lạc phúc”.

Đối với những nữ mục đồng Gopi được thụ hưởng lạc phúc cũng vậy.

Khi họ đánh mất ý thức về bản thân thì tất cả bọn họ đều là những thần Krishna, nhưng khi họ sực nhớ Krishna là vị thần mà họ thờ phụng thì họ trở lại là những nữ mục đồng Gopi, và ngay lập tức: “Thần Krishna xuất hiện ra với họ với nụ cười trên gương mặt như hoa sen, khoác áo hoàng bào, cổ mang những tràng hoa, hiện thân chiến thắng [trong vẻ đẹp] của thần tình yêu.”

(Bhāgavata Purāna X, xxxii, 2) Bây giờ hãy quay về với Āchārya Śhankara của chúng ta.

Ông nói: “Những ai nhờ sùng bái đấng Brahman mang phẩm tính mà hội thông được với đấng Cai Trị Tối Cao, nhưng vẫn giữ tâm trí riêng của mình, thì vinh quang của họ là vô hạn hay hữu hạn?

Khi nỗi hoài nghi này nảy sinh thì các đối thủ lập luận như vầy: Vinh quang của họ là vô hạn, bởi vì kinh văn có nói: ‘Họ đạt đến Vương quốc của riêng mình’, ‘Tất cả thần linh đều phải lễ bái họ’; và ‘Những khát vọng của họ đều được thỏa mãn trong mọi cõi thế ‘.

Để giải đáp cho vấn đề này, Vyāsa viết: ‘Không có được quyền năng cai trị vũ trụ. Ngoại trừ quyền năng sáng tạo, cai trị và hủy diệt vũ trụ, còn những quyền năng khác như animā (vi biến), v.v… thì những vị đã giải thoát đều đạt được.

Việc cai trị vũ trụ thuộc về quyền năng của đấng Iśvara viên mãn vĩnh hằng. Vì sao? Vì tất cả kinh điển đều xem Ngài là chủ thể của việc sáng tạo, cai trị và hủy diệt vũ trụ, v.v… nên tất cả những vị đã giải thoát đều không được nhắc đến trong lĩnh vực này, dù trong bất kỳ mối liên quan nào.

Chỉ có đấng Chúa Tể Tối Cao mới thực sự có quyền năng cai trị vũ trụ. Tất cả những kinh văn nói đến việc sáng tạo, cai trị và hủy diệt vũ trụ,, v.v…đều chỉ đến Ngài.

Ngoài ra còn có một tính từ “viên mãn vĩnh hằng”. Kinh điển cũng nói rằng các quyền năng như animā, v.v… của đấng giải thoát đều xuất phát từ việc tìm cầu và sùng bái Thượng Đế. Bởi vậy những vị đó không có vị trí trong việc cai trị vũ trụ.

Lại nữa, họ còn sở hữu tư tâm nên ý chí họ có thể khác nhau, khi người này muốn tạo dựng thì người kia lại muốn hủy diệt. Cách duy nhất để tránh xung đột là bắt mọi ý chí phải quy thuận một ý chí duy nhất nào đó. Do đó, kết quả là ý chí của những đấng giải thoát phải tùy thuộc vào ý chí của đấng Cai Trị Tối Cao”.

Như vậy, bhakti chỉ có thể hướng đến Brahman về phương diện cạnh nhân thể của Ngài. “Lý tưởng của đấng Vô Hình rất khó lĩnh hội với những ai tự đồng hóa mình với thể xác”. Bhakti giúp chúng ta có thể trôi lướt nhẹ nhàng theo dòng chảy tự nhiên.

Sự thực là chúng ta không thể nào hình dung được Brahman nếu không dựa vào khái niệm nhân hình, nhưng đối với tất cả những gì mà ta biết thì chúng có đúng như nhau hay không?

Cách đây nhiều thế kỷ, tôn giả Kapila – nhà tâm lý học vĩ đại mà cả thế giới đều biết – đã chứng minh rằng ý thức con người là một trong những yếu tố cấu tạo nên mọi đối tượng của nhận thức và khái niệm, trong thế giới ngoại tại cũng như thế giới nội tâm.

Chúng ta có thể thấy rằng, bắt đầu từ thể xác chúng ta cho đến đấng Iśvara, mọi đối tượng của nhận thức chúng ta đều là ý thức này cộng thêm một cái gì đó khác, bất kể là thứ gì. Và sự pha trộn không thể tránh được này thường được chúng ta cho là thực tại.

Trên thực tế thì đó là, và mãi mãi sẽ là, toàn bộ thực tại mà tâm trí con người có thể nhận biết. Bởi vậy, nếu bảo rằng thần Iśvara không thực hữu, vì Ngài mang hình dáng con người thì điều đó hoàn toàn vô nghĩa.

Điều đó nghe giống hệt như cuộc tranh cãi ầm ĩ trong triết học phương Tây giữa thuyết duy tâm và thuyết duy thực, một cuộc tranh cãi trông rất đáng sợ, mà nền tảng của nó chỉ là trò chơi chữ trên từ “thực hữu” [ real].

Quan niệm về thần Iśvara bao trùm hết mọi lĩnh vực được xác định và bao bàm bởi từ “thực hữu”; và thần Iśvara cũng thực hữu như bất cứ thứ gì khác trong vũ trụ này. Rốt cuộc thì từ thực hữu cũng không có nghĩa gì khác với nghĩa được nêu ra từ trước đến nay. Đó là quan niệm triết học của chúng tôi về thần Iśvara.

[1] Nguyên văn “where words cannot go nor mind” nghĩa là “nơi mà ngôn ngữ và tâm trí không sao đạt tới”; đây cũng chính là khái niệm “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” của Phật giáo.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x