Trang chủ » Trung Dung – Chương 1

Trung Dung – Chương 1

by Hậu Học Văn
873 views

CHƯƠNG I

Cái phần của Trời ban cho gọi là tính, tuân theo tính gọi là đạo, sửa theo đạo gọi là giáo.

Đạo là cái không thể lìa xa giây phút nào, có thể lìa được thì chẳng phải đạo nữa. Vì vậy người quân tử câu thúc lấy mình, cẩn thận chỗ không (ai) xem thấy, sợ hãi ở chỗ không (ai) nghe thấy.

Đừng cho rằng giấu kín mà không bày ra, đừng cho rằng nhỏ bé mà không sáng rõ, cho nên người quân tử cẩn thận lúc ở một mình.

Mừng, giận, thương, vui chưa phát ra, gọi là trung; phát ra mà đều đúng mực, gọi là hoà.

Trung là cái gốc lớn của mọi người, hoà là đường lối thành tựu của mọi người.

Làm hết mức đạo trung hoà, thì trời đất được đúng ngôi, muôn vật được nuôi nấng vậy.

Trên đây là chương thứ nhất, Tử Tư thuật lại những ý tứ mà ông đã được trao truyền để lập ngôn.

Phần đầu (nói về) nguồn gốc của đạo sáng xuất phát ở Trời không thể dời đổi, thực thể của đạo đầy đủ ở ta không thể lìa bỏ.

Tiếp theo nói đến tính cách quan yếu của sự bảo tồn, bồi dưỡng, suy nghĩ, xem xét (tâm hồn mình).

Cuối cùng nói đến sự cùng cực về công năng hóa dục của thực tại siêu hình (Thánh Thần).

Bèn nhân đó muốn các học giả quay về tìm ở chính mình mà tự đắc đạo, để khử trừ đi tư dục của những cám dỗ bên ngoài, mà làm cho đầy cái tính thiện vốn có của mình.

Họ Dương cho rằng đoạn này là một thiên trọng yếu (trong sách Trung Dung) là đúng.

Mười chương dưới đây do Tử Tư dẫn lời Khổng Phu Tử để làm trọn hết ý nghĩa chương này.

BÌNH GIẢI:

Chu Hy, Dương Thời và hầu hết các học giả nghiên cứu Nho học từ trước đến nay đều cho rằng chương nhất trong sách Trung Dung này là chương quan trọng nhất, là nền tảng của học thuyết Trung Dung, cho nên chúng ta hãy cố gắng giải bày một cách cẩn thận.

Trong Luận ngữ, Tử Cống đã từng nói: “Phu tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã; Phu tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã.” (Văn chương của Phu tử có thể được nghe; còn lời của Phu tử nói về “tính” cùng với “thiên đạo”, không thể được nghe vậy.) (Luận ngữ, Công dã tràng, 12).

Theo Tử Cống, Đức Khổng không hay nói về tính và thiên đạo. Vậy cớ sao ở chương này Tử Tư lại mở đầu sách bằng “thiên mệnh, tính và đạo” là những điều quá cao siêu, diệu huyền?

Xin thưa: Chu Hy đã từng nói ở phần mở đầu: “Bản văn này là tâm pháp được trao truyền trong Cửa Khổng…” Tâm pháp là bí pháp truyền bằng tâm tư, khác với phương pháp công truyền giảng dạy rõ ràng cho mọi người. Trong tâm pháp, thầy nói ít, trò phải cảm nghiệm lấy và hiểu nhiều; không những dùng lời mà thầy còn dùng cử chỉ, dáng điệu, phong cách sống… để gây ấn tượng trên học trò. Dĩ nhiên, tâm pháp chỉ dành cho một thiểu số đệ tử ưu tuyển có đạo căn thâm hậu mà thôi.

Trong Nho giáo, tâm pháp Trung dung này đã được Khổng tử truyền cho Nhan Hồi, Tăng Sâm là những cao đệ; sau đó Tăng Sâm mới truyền cho Tử Tư. Ở thời Tử Tư, những học thuyết siêu hình đã nảy nở nhiều cho nên Tử Tư phải viết ra tâm pháp này trao cho Mạnh tử để cố gắng duy trì chính đạo. Cụ Phan Bội Châu đã nói về điểm này như sau:

“Ở đời đức Khổng tử, ít người nói đến tính, mà học thuyết ở đời ấy chuyên trọng sự thực, chưa cần nghiên cứu tới triết lý; nên tuyền (toàn) bộ Luận ngữ chỉ cần dạy người bằng một chữ “nhân” và 2 chữ “trung, thứ”. Nếu học giả thực hành cho được chữ “nhân” và 2 chữ “trung, thứ” thời “tính” với “thiên đạo” mới có thể nhận hội được đến nơi. Chứ như đời thầy Tử Tư thời học thuyết các nhà đã phát hiện nhiều tư tưởng huyền bí, như Trang tử có bài Thiện tính, Mặc tử có bài Thiên chí… Cuối đời Xuân Thu đầu đời Chiến quốc, những môn học thuyết đó thịnh hành, những nhà ngôn tính, ngôn thiên, chia đường rẽ lối, thậm chí khinh bạc nhân nghĩa, sùng thượng hư vô. Đến lúc bấy giờ mà muốn cứu thế đạo, chính nhân tâm, tất phải biện minh “thiên”, “tính” cho xác đáng mới mong đem lý luận mà chứng ở nơi thực hành.”

(Khổng học đăng, Quyển I: Phan Bội Châu, trang 311-312).

Cho nên, chúng ta không nên lấy làm lạ rằng môn huyền học Trung dung này không phải do Khổng tử viết mà lại do một người cháu là Tử Tư viết. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu từng câu của chương sách này:

Thiên mệnh chi vị tính

Cái phần của Trời ban cho gọi là tính. Trong câu này “thiên mệnh” không nên hiểu là mệnh lệnh (một lời truyền phán) mà cần hiểu là một “cái của”, một “thực thể siêu hình” của Trời đặt vào con người. Về điểm này, Kinh Thánh Cựu Ước nói theo kiểu huyền thoại như sau: “Yavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất dai và Người đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành mạng sống.” (Khởi nguyên: 2, 7) “Hơi sống” ở đây là “thiên mệnh” và cũng chính là “linh hồn” con người. Nó cũng chính là “hình ảnh, họa ảnh của Thiên Chúa” theo như lời Kinh này: “Và Thiên Chúa đã phán: ‘Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh Ta.” (Khởi nguyên: 1, 26).

Tử Tư gọi “thực thể siêu hình” ấy là tính. Chữ tính () kết hợp bởi bộ tâm () và chữ sinh (). Tâm () chỉ nguồn sáng tâm linh, sinh () có nghĩa là sự sống. Do đó tính () là sự sống tâm linh hay sự sống sáng láng, sự sống thánh thiện. Vì thế, đi trong đạo thống Nho giáo chính truyền, Mạnh tử đã chủ trương “nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người thuở ban đầu, tính vốn lành).

Hiểu được huyền nghĩa của chữ “tính”, nhà Nho Nguyễn Công Trứ cho rằng cả đạo Phật và đạo Nho cùng lập giáo như nhau: “Chữ kiến tính cũng là suất tính” (Vịnh Phật). Người Công giáo sa ngã phạm tội tức là đánh mất “Tính”, tức là “mất linh hồn”, là rời bỏ Thiên Chúa; bao giờ sám hối, đi trong chính đạo thì gọi là được “rỗi linh hồn”, được “kết hợp với Chúa”.

Tương tự như thế, bên Ấn giáo, cái phần của Brahman (Thực tại vĩnh hằng) ở trong con người gọi là Atman. Cho nên châm ngôn quan trọng nhất của Ấn giáo là “Tat Tvam Asi ” (cái ấy chính là ngươi): cái ấy là Brahman, ngươi là Atman. Atman tiềm tàng ở trong con người như quan niệm Thiên ở trong con người, tức là Thiên mệnh (tính) vậy.

Trở lại với quan niệm của Công giáo, khi nói: vào lúc ban sơ, loài người sa ngã phạm tội thì “cửa thiên đàng đóng lại”. Cách nói này có nghĩa là: chữ tính () đã bị rớt mất bộ tâm (), còn lại chữ sinh (), con người chỉ còn lại sự sống trần tục, kiểu thú vật, mất sự sáng tâm linh chiếu soi, cho nên hóa ra mù quáng, còn thấy đâu được cửa thiên đàng nữa. Tuy cửa thiên đàng vẫn mở đó, nhưng không thấy nẻo vào, thì cũng coi như cửa thiên đàng bị đóng lại.

Suất tính chi vị đạo

Tuân theo tính gọi là đạo. Tuân theo tính là đi trong nẻo đường trọn lành của Trời; đó chính là đạo. Chữ đạo () kết hợp bởi bộ sước () với chữ thủ ( ). Bộ sước chỉ bước đi: yếu tố động (dương); chữ thủ chỉ cái đầu: yếu tố tĩnh (âm).

Kinh Dịch nói: “Nhất Âm, nhất Dương chi vị đạo; kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã.” (Một âm, một dương gọi là đạo, nối tiếp đạo ấy tức là  được tốt lành, thành tựu đạo ấy là đạt được tính vậy.) (Dịch: Hệ từ thượng, V, 1-2).

Thực ra chữ tính () cũng là một cặp âm dương, trong đó: bộ tâm (), nguồn sáng tâm linh là yếu tố dương, chữ sinh (), sự sống là yếu tố âm. Thiên là Trời thì vượt trên âm dương, nhưng cái phần của Trời (thiên mệnh) đã vào con người thì ở trong qui luật âm dương.

Tuy nhiên, chỉ cần giữ được qui luật âm dương đã là đạo, là thiện, là tính rồi. Ví dụ: luật yêu người cũng không ra ngoài luật âm dương. Ta là dương, người là âm. Ta không lấn người, không hại người, không bắt người lụy phục ta, ta không bóc lột sức lao động của người, trái lại tôn trọng người. Đó là ta giữ luật âm dương trọn hảo. Hoặc ta giữ luật một vợ, một chồng, thức ngủ có chừng mực, ăn uống có điều độ, hít thở nhịp nhàng… cũng là ta giữ qui luật âm dương trong đời sống, tức là đã đi trong điều thiện rồi.

Tu đạo chi vị giáo

Sửa theo đạo gọi là giáo. Lý tưởng của loài người là tuân theo tính (suất tính), thế mà không tuân theo tính tức là không có đạo (vô đạo). Các thánh hiền đưa ra những phương thế để dẫn dắt mọi người “sửa theo đạo” (tu đạo) thì gọi là giáo (giáo dục), tức là dạy dỗ con người theo điều thiện. Các bậc giáo chủ thiết lập nên những tôn giáo cũng không ngoài mục đích ấy.

Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã; khả ly phi đạo dã

Đạo là cái không thể lìa xa giây phút nào, có thể lìa được chẳng phải đạo nữa. Bởi vì đạo là “suất tính”, trong đó tính là thiên mệnh, là một thực thể rất quí, cho nên một con người đích thực không thể lìa xa đạo giây phút nào. Nếu rời xa đạo, con người ấy không phải là người nữa, mà có thể là “ngợm” là “đười ươi”, theo kiểu nói của Cao Bá Quát,[77] hay là quỉ ma gì đó. Tương truyền vào thời cổ Hy Lạp giữa ban ngày hiền triết Diogène đã cầm đèn di vào chợ tìm người. Ông muốn đi tìm một con người đích thực, một con người không xa lìa đạo, chứ không phải những người bỏ đạo đang buôn gian bán lận, đang ba hoa dối trá trong chợ thời ấy. Và hậu quả của sự lìa xa đạo là con người mất hạnh phúc, bị hôn trầm đau khổ.

Còn có những thứ mà con người có thể lìa bỏ mà không ảnh hưởng gì tới đời sống hạnh phúc, sự lìa bỏ đó lại còn làm cho đời sống an vui hơn: đó là những thứ không phải đạo (phi đạo). Ví dụ: tứ đổ tường (rượu chè, cờ bạc, trai gái, nghiện hút). Thậm chí nhà cửa, điền sản, tiền bạc, danh tiếng, quyền bính… cũng là “phi đạo”, bởi vì chúng không nhất thiết gắn liền với con người. Chúng chỉ là những hành trang tùy phụ trên đường đời; đôi khi biết sớm rời bỏ chúng, con người lại được rảnh rang, dễ dàng thực hiện nhân tính hơn.

Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn

Vì vậy người quân tử câu thúc lấy mình, cẩn thận ở chỗ không ai xem thấy, sợ hãi ở chỗ không ai nghe thấy.

Tại sao ở những nơi thanh vắng, kín đáo, không có người xem thấy, nghe thấy mà người quân tử lại phải cẩn thận câu thúc, gìn giữ lấy mình?

Thưa rằng, tà tâm của con người thường khởi lên vào những lúc đêm khuya vắng vẻ hoặc vào lúc người ấy sống một mình, cô đơn chiếc bóng. Tà tâm khởi lên thành ý tưởng, ý tưởng nung nấu trong óc, thúc giục trong lòng khiến người ta phải vận dụng trí khôn nảy ra cơ mưu và sẵn sàng chờ cơ hội để biến điều xấu thành hiện thực.

Theo Phật giáo, tâm con người thường bị vô minh che lấp và những sở thích xúi giục, cho nên rất dễ đi vào ác đạo. Theo khoa Tâm lý học các miền sâu, từ trong tiềm thức, con người vốn có một “bóng đen” đầy ma lực có thể thúc đẩy con người tiến hành những hành vi xấu xa nhất. Đó là một ác lực vừa có tính cách cá nhân vừa có tính cách tập thể cộng thông đeo đuổi con người; và người ta thường dùng một danh từ phổ thông để chỉ: ma quỉ.

Kinh Thánh Tân Ước đã cảnh cáo mọi người bằng câu chuyện “Đức Giêsu bị ma quỉ cám dỗ trong hoang địa” (Mt: 4,1-11). Hoang địa là nơi vắng vẻ, trong lúc bị cơn đói dằn vặt, con người rất dễ bị dụ hoặc, cám dỗ, vẽ vời ra những cảnh giới khác thường để đáp ứng sở thích của mình.

Ngoài ra “cái chỗ không ai xem thấy, không ai nghe thấy” (kỳ sở bất đổ, kỳ sở bất văn) ở đây còn chỉ chính tâm hồn con người, vừa “ẩn” vừa “vi”. Nơi đó chính là đầu mối của mọi điều thiện ác. Người quân tử tu đạo luôn luôn quán sát tâm hồn của mình, cẩn thận giữ gìn không để cho một mầm mống ác nào khởi dậy.

Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã

Đừng cho rằng giấu kín mà không bày ra, đừng cho rằng nhỏ bé mà không sáng rõ, cho nên người quân tử cẩn thận lúc ở một mình.

Ý tứ trong câu này bổ sung cho ý trong câu trên. Đừng tưởng rằng một mình ở nơi thanh vắng, khuya khoắt mà có thể giấu kín được những tình ý, những hành vi xấu, hay tự cho rằng những ý tứ thầm lén nhỏ nhoi ở trong lòng không thể lộ ra sáng tỏ. Trái lại, sự xấu vẫn thể hiện dấu vết trên khuôn mặt, trên dáng điệu, cử chỉ của một người, khó lòng xóa đi được. Vả lại, ở nơi thanh vắng, kín đáo dù không ai nhìn thấy, nghe thấy thì vẫn có Trời thấy và có lương tâm thấy; do đó tâm tư của người làm điều xấu vẫn thường khắc khoải khôn nguôi. Vì vậy, thánh nhân dặn dò người quân tử phải “thận độc” là thế.

Hỷ, nộ, ai, lạc chi vị phát, vị chi trung

Mừng, giận, thương, vui chưa phát ra, gọi là trung.

Trong câu này, mừng, giận, thương, vui chỉ chung cho tất cả những tình cảm của con người. Những tình cảm thuộc về tâm giới. Khi tâm đối diện với cảnh vật, tức là ở tình trạng tâm cảnh tương giao thì tình cảm phát sinh. Khi tình cảm chưa phát sinh, tâm ở thế tĩnh lặng thì gọi là trung. Trung là trạng thái bản nhiên ban sơ của tính, tức là ở mức hoàn thiện, thường hằng.

Vì vậy, cương lĩnh của sách Đại học mới thiết lập những bước tu tập như sau: “Tri chỉ, nhi hậu hữu định. Định, nhi hậu năng tĩnh. Tĩnh nhi hậu năng an. An nhi hậu năng lự. Lự nhi hậu năng đắc.” (Biết dừng, sau mới có định. Định rồi, sau mới được tĩnh. Tĩnh rồi, sau mới được an. An rồi, sau mới biết tính liệu. Tính liệu rồi, sau mới đạt đạo.) (Đại học: chương I).

Đó là con đường dẫn trở lại “tính”, trong đó, tĩnh là bước rất quan trọng để giữ được “trung”. Đồng một quan điểm với đạo Nho, nhà Phật đưa ra phép thiền định để khởi sự “minh tâm kiến tính”.

Không khác gì hơn, đạo Công giáo dạy tín hữu hãy “cầu nguyện” luôn luôn để tìm an tĩnh trong Chúa, để đạt tới sự sống sáng láng của linh hồn.

Theo Khổng tử trong Kinh Thư, đạo thống cổ truyền từ vua Thuấn sang vua Vũ cũng không ra ngoài chữ Trung:

“Nhân tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi.

Duy tinh duy nhất,

Doãn chấp quyết trung.”

(Lòng người thì nghiêng ngửa, lòng đạo thì kín đáo, phải giữ lòng cho tinh thuần, chuyên nhất mới giữ chắc được đức trung.) (Kinh thư: Đại vũ mô, 15).

Lòng đạo (đạo tâm) ở đây chỉ “Thiên mệnh chi vị tính”. Tính thuộc về thiên cho nên rất tế vi, thiếu đức trung không thể đạt tới được.

Phát nhi giai trúng tiết, vị chi hoà

Phát ra mà đều đúng mực, gọi là hoà. Đã là con người trong cõi nhân sinh thì thường xuyên có sự tương giao giữa tâm và cảnh. Như trên đã nói, tâm cảnh tương giao thì phát sinh ra tình cảm: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn). Đó là những tình cảm tiêu biểu của con người. Tình cảm phát ra mà đúng mực gọi là hoà, hoà với người, hoà với hoàn cảnh. Đó là sự đáp ứng cần phải có.

Thấy một người gặp tai nạn đáng chết mà được sống lại; hay qua một mùa chinh chiến tàn khốc mà thấy chồng con còn lành lặn trở về thì phải mừng (hỷ).

Gặp việc trái tai gai mắt; hay thấy con cái bê tha rượu chè thì phải giận (nộ). Trong Kinh Thánh Tân Ước có kể về trường hợp giận dữ của Đức Giêsu đã thể hiện Ngài là Đấng Thiên sai như sau:

“Lễ vượt qua của người Do Thái gần đến, và Đức Giêsu lên Jérusalem. Ngài gặp thấy trong Đền thờ phường lái buôn bán bò, chiên và bồ câu, cùng quân đổi bạc ngồi đó, Ngài mới lấy dây thừng làm roi mà xua đuổi họ hết thảy ra khỏi Đền thờ làm một với chiên bò của họ; tiền chữ của quân đổi bạc, ngài vãi đổ tung ra, cùng xô nhào bàn ghế của họ và bảo quân buôn bồ câu: “Hãy cất khỏi đây các giống này, đừng làm cho nhà Cha tôi nên một cái chợ.” (Ga: 2, 13-16).

Thấy người hoạn nạn thì thương (ai). (Nguyễn Trãi: Gia huấn ca).

Thấy người vui thì phải chung vui với họ (lạc). Kinh Thánh Tân Ước đã từng thuật chuyện Đức Maria và Đức Giêsu chung vui với hai họ trong tiệc cưới Cana (Ga: 2, 1-10).

Hãy yêu tha nhân như chính mình (ái). Thấy sự việc đáng ghét thì phải ghét (). Có biết ghét thì mới nỗ lực cải thiện xã hội. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong Lục Vân Tiên:

“Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,

Khiến dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.”

Thấy người khác giỏi giang, lập được nhiều công trạng hữu ích, trở nên bậc hiền thánh thì cũng muốn được như người (dục). Tóm lại, tất cả những tình cảm phát ra ứng cảnh, sách Trung dung chỉ nêu ra bốn thứ (hỷ, nộ, ai, lạc) tiêu biểu và cho là hoà nếu chúng phát ra trúng tiết.

Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã

Trung là cái gốc lớn của mọi người. Như ở trên, chúng ta đã biết đức trung là bước cần thiết để dẫn người ta trở về với tính với thiên, cho nên trung là cái gốc lớn của mọi người trên thế gian, không loại trừ một ai.

Hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã

Hoà là đường lối thành tựu của mọi người. Con người muốn xứng đáng là người thì phải hoà với tha nhân, hoà với cảnh vật, với môi trường sinh thái và luôn luôn có hoà trong nội tâm. Hoà chính là đường lối thành tựu nhân tính của mọi người. Nếu “bất hoà”, gia đình, xã hội, thế giới sẽ mất ổn định, trần gian sẽ biến thành địa ngục. Cho nên hai chữ “hoà bình” là mục tiêu mà cả nhân loại đang nhắm tới.

Trí trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên

Làm hết mức đạo trung hoà, trời đất được đúng ngôi, muôn vật được nuôi nấng.

Nếu mọi người trong nhân loại đều tuân theo giáo huấn của các bậc thánh hiền, biết quay lại với đạo, noi theo tính để cho ngọn đuốc tâm linh được sáng lên, tức là thiên mệnh hiển hiện trong mỗi người. Đó là nhân loại trở về gốc lớn (đại bản) của mình. Trở về gốc lớn là đạt đức trung, là tới mức toàn thiện. Đức trung sẽ đưa đến thái hoà. Như thế, làm hết mức trung hoà (trí trung hoà) là loài người thành tựu ngôi vị của mình trong Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân. Tài Nhân thành tựu thì Tài Thiên và Tài Địa sẽ được đúng ngôi, tức là cũng thành tựu theo.

Theo đạo Nho, trong vũ trụ có ba tài năng là: Thiên, Địa, Nhân (Tam tài giả Thiên, Địa, Nhân: Ba tài năng là Trời, Đất, Người). Tài năng của Thiên là che, Tài năng của Địa là chở, tài năng của Nhân là phát huy Chân, Thiện, Mỹ trong cõi người ta.

Tuy Tam tài Thiên Địa Nhân có năng lực ngang ngửa nhau, cùng được triển khai từ Thái Cực, nhưng Tài Nhân có năng lực sáng tạo vô biên và có bản chất tự do, cho nên trong quá trình lịch sử, Tài Nhân đã từng lấn lướt hai tài Thiên, Địa. Thiên, Địa bị lấn lướt, chèn ép, không được đúng ngôi, thì không thể hiện hết tài năng của mình. Tài năng của Thiên là “che”, ban phát sinh khí, ánh sáng, tài năng của Địa là “chở”, ban phát chỗ trú ngụ, ban phát đồ ăn và đồ uống. Tài Thiên có thể bị con người lấn lướt làm cho bầu khí quyển bị hư hỏng, không khí bị ô nhiễm, ánh sáng thay vì nuôi dưỡng thì quay ra tàn hại sinh linh. Bầu trời thay vì đổ mưa thuận gió hoà, thì vần vũ bão tố, thiên tai; hoặc tệ hơn nữa, bầu trời còn bị con người lợi dụng làm nơi tuôn đổ bom đạn, hỏa tiễn giết người xuống dân lành vô tội. Tài Địa có thể bị con người lấn lướt biến thành cạm bẫy, hố mìn, hầm chông… hoặc biến thành nơi ô nhiễm các chất độc hại, không còn khả năng cung cấp ngũ cốc, rau trái nuôi người nữa.

Nếu loài người trở về ngôi vị “Con Trời” đích thực, có thiên mệnh tỏa sáng ở trong, thì Tài Thiên và Tài Địa không còn bị lấn lướt, uy hiếp. Đó là tình trạng “trời đất đúng ngôi” (thiên địa vị yên), và vì vậy muôn vật được nuôi nấng tử tế (vạn vật dục yên).

Trí trung hoà” là tạo nhân, “thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” là kết quả của học thuyết Trung dung trong Nho giáo.

Như vậy toàn bộ bí quyết của đạo thống Trung dung được truyền từ các bậc thánh vương, thánh hiền như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, Nhan Hồi, Tăng Sâm… đến thời Chiến quốc đã được cháu đích tôn của Khổng Tử là Tử Tư (Khổng Cấp) thu gọn ở chương này.

Về những điều Tử Tư nói trong chương mở đầu sách Trung dung trên đây, Chu Hy đã cho ý kiến rất gọn gàng.

Ông gọi cái đạo được Tử Tư thuật lại là “Minh đạo”, vốn có gốc ở Trời (Thiên). Dĩ nhiên, Thiên ở đây không phải là Tài Thiên trong chữ “thiên địa” mà chỉ Thượng đế hay Đấng Tạo hóa. Cái đạo “tuân theo tính” hay “tuân theo thiên mệnh” là một thực thể trong con người, không thể dời đổi, không thể lìa bỏ được. Ai lỡ “đánh mất” hay “lãng quên” phải lập tức tìm lại. Sứ mệnh của con người là đi tìm “minh đạo”. Cũng một ý như thế, ngôn ngữ Kinh Thánh Tân Ước thì nói rằng: “Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Trời” (Mt: 6,33). Nước Trời là vương quốc của Minh đạo.

Chu Hy cũng cho rằng Tử Tư nhấn mạnh đến sự bảo tồn, bồi dưỡng, suy nghĩ, xem xét (tồn, dưỡng, tỉnh, sát) mà người quân tử cần phải lưu tâm mới giữ được đạo.

Sau đó, ông đã dùng bốn chữ “Thánh thần công hóa” để chỉ công năng hóa dục của hai tài Thiên Địa, sự cùng cực của hai tài này đều nằm trong quyền năng của Đấng Tạo hóa.

Theo Chu Hy, đường lối của Tử Tư là quay về chính lòng mình mà tìm đạo. Đó cũng là đường lối mà sau này Mạnh tử (đệ tử của Tử Tư), người tiếp thu được tâm pháp chính thống của Khổng môn, chủ trương “phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” (trở lại chính mình mà thành đạo, có niềm vui nào lớn cho bằng!)

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x