Trang chủ » Trung Dung – Chương 10

Trung Dung – Chương 10

by Hậu Học Văn
212 views

CHƯƠNG X

Tử Lộ hỏi về sức mạnh.

Đức Khổng nói: “Sức mạnh của người phương Nam ư? Sức mạnh của người phương Bắc ư? Hay sức mạnh của ngươi ư? Lấy khoan dung, mềm dẻo để dạy dỗ, không báo thù kẻ vô đạo: đó là sức mạnh của người phương Nam. Người quân tử sống với sức mạnh ấy.

Lăn vào binh khí, giáp trụ, không ngại chết chóc; đó là sức mạnh của người phương Bắc; mà kẻ vũ dũng sống với sức mạnh ấy.

Vì vậy, người quân tử hoà thuận mà không a dua. Sức mạnh ấy mạnh mẽ thay! Đứng trong đạo Trung dung mà không ỷ lại. Sức mạnh ấy mạnh mẽ thay! Khi nước có đạo, thì không thay đổi ý hướng ban đầu. Sức mạnh ấy mạnh mẽ thay! Khi nước vô đạo, thì đến chết cũng không thay đổi khí tiết. Sức mạnh ấy mạnh mẽ thay!”

Trên đây là chương thứ mười.

BÌNH GIẢI:

Trong Khổng môn, Tử Lộ là một đệ tử thường sát cánh với Khổng tử trong các chuyến chu du chư hầu vào thời Xuân Thu. Ông là người rất nhiệt thành, hăng hái, bồng bột trong mọi vấn đề. Có lần, để bày tỏ chí hướng của mình. Tử Lộ đã từng nói với Khổng tử: “Thiên thặng chi quốc, nhiếp hồ đại quốc chi gian, gia chi dĩ sư lữ, nhân chi dĩ cơ cẩn; Do dã vi chi, tý cập tam niên, khả sử hữu dũng thả tri phương dã (Một nước ngàn cỗ xe, bị ép giữa khoảng nước lớn, lại thêm nạn binh đao, nhân vì thế mà bị đói kém; Do này nếu được cai trị ở đó, kịp tới ba năm, có thể khiến dân có dũng khí lại có đạo đức nữa.” (Luận Ngữ: Tiên tiến, 25).

Một lần khác, Tử Lộ hỏi Khổng tử: “Quân tử thượng dũng hồ?” Tử viết: “Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa, vi loạn. Tiểu nhân hữu dũng, nhi vô nghĩa vi đạo. (“Người quân tử có nên đề cao sức mạnh chăng?” Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử đặt nghĩa lên trên. Quân tử có sức mạnh mà không có nghĩa thì làm loạn. Kẻ tiểu nhân có sức mạnh mà không có nghĩa là phường trộm cướp.” (Luận Ngữ, Dương hóa, 22).

Luôn luôn để tâm đến điều dũng, rõ là Tử Lộ có tính hiếu dũng. Dũng quá mức sẽ thành cương dũng. Cương dũng thì dễ gặp nguy đến tính mệnh. Lão tử đã từng nói: “Thái cương tắc chiết” (Cứng quá thì gãy). Cho nên, trong chương này, nhân vì Tử Lộ lại hỏi về sức mạnh, Khổng tử đã phân giải kỹ lưỡng cho Tử Lộ biết về sức mạnh của người quân tử phải ra sao, để cốt ý cảnh giác Tử Lộ.

Trước hết, Khổng tử phân biệt ra hai loại sức mạnh: sức mạnh của người phương Nam và sức mạnh của người phương Bắc.

Người phương Nam vốn sống về nông nghiệp; thực phẩm của họ hầu hết là thóc lúa, hoa quả, rau đậu; vì thế tính tình hiếu hoà, nhẫn nhục, khoan dung, không thích báo thù. Theo sách Sử ký của Tư Mã Thiên, Lão tử là người nước Sở, thuộc Hoa Nam, nên đã chủ trương triết thuyết “Nhu nhược thắng cương cường” (Mềm yếu thắng cứng mạnh). Ông đã từng nói trong Đạo đức Kinh: “Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường: – Thắng người có sức mạnh, thắng mình là mạnh” (Đạo đức kinh, chương 33).

Khổng tử cho rằng người quân tử cần phải lấy quan niệm về sức mạnh của người phương Nam làm phương châm xử thế.

Trái lại, người phương Bắc vốn sống về nghề chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ (du mục); thực phẩm của họ hầu hết là thịt tươi, thịt khô và sữa chua… Vì thế tính tình hung hãn, nóng giận, hiếu chiến, hiếu sát… ưa chinh chiến và không sợ chết. Thành Cát Tư Hãn là mẫu người ấy.

Khổng tử cho rằng những kẻ vũ dũng thường biểu hiện sức mạnh của mình theo cách thế của người phương Bắc, và ngài muốn ám chỉ rằng cả Tử Lộ cũng vậy.

Khổng tử mong muốn Tử Lộ học đạo Trung dung thì trước hết muốn ông này học theo đức hạnh của người quân tử, tức là biểu hiện sức mạnh theo phong cách của người phương Nam.

Chẳng những thế, Khổng tử còn triển khai thêm những biểu hiện sức mạnh của người quân tử và hết lòng ca ngợi:

Những biểu hiện đó là: hoà thuận với mọi người mà không a dua, xu thời; đứng vững trong đạo Trung dung mà không ỷ lại, nhờ vả ai; khi đất nước thái bình thịnh trị thì giữ nguyên ý hướng trong lúc hàn vi, thong thả mà tiến lên; khi đất nước loạn lạc, người người thay lòng đổi dạ để cầu an hoặc kiếm miếng cơm manh áo, thì người quân tử dù chết cũng giữ bền tiết tháo, giữ vững lập trường…

Tất cả sức mạnh đó thật đáng ca ngợi. Khổng tử có ý nhắn nhủ Tử Lộ cần phải rèn tập. Bởi vì có mạnh mới khoan dung, nén được cơn giận mà không báo thù. Có mạnh mới cư xử ôn hoà, không a dua. Có mạnh mới đứng vững một mình, không cần nương dựa. Có mạnh mới giữ bền ý chí, giữ vững lập trường không sợ chết. Đó là sức mạnh bền bĩ, trường kỳ của người có đạo, không phải sức mạnh bồng bột chóng tàn của kẻ vũ dũng.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x