Trang chủ » Trung Dung – Chương 11

Trung Dung – Chương 11

by Hậu Học Văn
252 views

CHƯƠNG XI

Đức Khổng nói: “Tìm tòi những điều bí ẩn, thi hành những việc lạ lùng, cho đời sau nhắc nhở, ta chẳng làm như vậy. Người quân tử theo đạo mà hành động; nửa đường bỏ dở, ta chẳng có thể như thế. Người quân tử nương vào đạo Trung dung thôi. Lánh đời, không ai thấy biết mà không hối tiếc, riêng có bậc thánh mới được vậy.”

Trên đây là chương thứ mười một.

BÌNH GIẢI:

Trong chương này, Khổng tử đã tự trình bày về đường lối thực hiện đạo Trung dung của chính ngài.

Ở đời, vốn có những người thích tìm tòi điều bí ẩn để thỏa mãn tính hiếu kỳ, lại cũng có những người ham tu luyện pháp thuật thần thông, làm những điều lạ lùng, phô trương kỹ xảo để cho hậu thế nhắc nhở ngợi khen. Khổng tử xác nhận ngài không thuộc những loại người ấy. Lý do là đường lối “sách ẩn, hành quái” dễ dẫn người ta sa đà sang bàng môn tả đạo, có hại cho mọi người. Cho dù, không bị lôi cuốn vào đàng trái, “sách ẩn, hành quái” cũng chẳng có lợi gì cho nhân quần xã hội. Xã hội chỉ cần những người có thể làm cho dân chúng được an lạc, ấm no, đất nước được thái bình.

Thế gian lại có những người học làm quân tử, lúc đầu cũng hăng hái theo đạo Trung dung, nhưng chưa được bao lâu đã uể oải, chán nản, nửa đường bỏ dở; rốt cuộc lại rơi vào con đường buông trôi thả lỏng theo dục vọng, theo sự lười biếng thường tình.

Khổng tử cũng không phải loại người như thế. Ngài suốt đời chỉ nương vào đạo Trung dung thôi. Trung dung là đường lối chân chính làm cho người theo được thanh thản an vui, không bị vật dục sai sử, tránh được nhiều tai họa, lại có thể làm cho gia đình, xã hội, đất nước được hưởng những thành quả của đạo. Trong nhà, cha mẹ con cái được thuận hoà, hiếu thảo, vợ chồng được hạnh phúc, anh em được thân ái, bạn bè được tương trợ cảm thông. Trong nước, xã hội được ổn định, không có cảnh người trên chèn ép, bóc lột người dưới; không có chuyện người dưới lường gạt, ám hại người trên; trên dưới cùng hợp tác, trung thành trong công cuộc trị an, phát triển đất nước.

Chỉ cần nương vào đạo Trung dung thôi, vì trong Trung dung có Thiên mệnh; trở về với Thiên mệnh là trở về cội nguồn với Trời, với Thượng đế. Nương vào đạo Trung dung tức là nương vào Thượng đế. Nói theo ngôn ngữ Công giáo là sống trong Thiên Chúa. Nói theo Lão tử thì: “Phục thủ kỳ mẫu, một thân bất đãi: trở về giữ Mẹ (Đạo), thân đến chết không nguy” (Đạo đức Kinh: chương 52).

Như thế, đạo Trung dung chẳng phải là con đường tốt nhất thích hợp cho mọi người hay sao?

Ngoài ra, gặp thời loạn lạc, tình thế chẳng thuận lợi cho mình thi hành đạo Trung dung thì đành phải lánh đời (độn thế). Trong Kinh Dịch có cả một quẻ Thiên sơn Độn để hướng dẫn người ta phải lánh đời sao cho hợp thời nghĩa. Tuy nhiên, đa số những bậc anh tài, những sĩ phu đức hạnh, sau khi đã lánh đời ẩn dật thì thường thở than, tiếc xót cho cái tài đức của mình không được thi thố, không được mọi người biết đến!

Chẳng hạn như Nguyễn Khuyến, sau khi từ chức Sơn Hưng Tuyên tổng đốc, trở về ẩn dật tại quê nhà ở Hà Nam; thấy gió đông thổi, báo hiệu một mùa xuân mới, ông đã khóc cho thời thế, cho thân phận:

Vườn Bùi chốn cũ. Bốn mươi năm lẩn thẩn lại về đây. Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây, Thú khâu hác, lâm tuyền, âu cũng thế. Bành Trạch cầm xoang ôm trước ghế, Ôn Công chuốc rượu tiễn chiều xuân. Ngọn gió đông, ngoảnh lại lệ đầm khăn! Tính thương hải tang điền qua mấy lúc…

(Bùi viên cựu trạch)

Còn cái người “lánh đời, không ai thấy biết mà không hối tiếc” thì Khổng tử cho rằng chỉ “riêng có bậc thánh mới được vậy”. Khổng tử nói câu này có ý cho biết chính ngài cũng chưa đạt tới trình độ ấy. Bởi vì Khổng tử đã từng tâm sự với các đệ tử: “Nhược thánh dữ nhân tắc ngô khởi cảm? Ức vi chi bất yếm, hối nhân bất quyện, tắc khả vị vân nhĩ dĩ hỹ (Ví bằng bậc thánh và bậc nhân thì ta sao dám? Chẳng qua thực hành đường lối của thánh nhân, dạy người không mỏi mệt, có thể được như thế mà thôi.” (Luận Ngữ: Thuật nhi, 33).

Nhưng, tại sao bậc Thánh lại không buồn, không tiếc trong trường hợp ấy?

Thưa rằng, đã là Thánh thì hiểu rất rõ mệnh Trời. Đất nước phải gặp cơn ly loạn, con người phải gặp bước gian truân là vận mệnh tuân theo qui luật của Trời: do những nguyên nhân sai lầm sâu xa đã diễn ra từ lâu rồi, nay tích chứa lại mà bùng nổ ra, không thể một sớm một chiều xoay chuyển được! Chỉ còn cách an vui mà chấp nhận, chờ đợi cho tai ách dần dần qua đi!

Tóm lại, đối với người thành tâm cầu chánh đạo thì không cần tìm tòi những điều bí ẩn, thi hành những việc lạ thường, bởi vì Thiên đạo đơn sơ giản dị chứ đâu có rắc rối cầu kỳ. Kinh Dịch nói: “Càn dĩ dị tri, Khôn dĩ giản năng: Càn làm chủ dễ dàng, Khôn làm nên đơn giản.” (Hệ từ thượng: I, 6).

Đi trong đạo Trung dung chính là sống trong Thiên đạo. Kinh Dịch lại nói: “Dị giản, nhi thiên hạ chi lý đắc hỹ, thiên hạ chi lý đắc, nhi thành vị hồ kỳ trung hỹ: Sống đơn sơ, giản tiện, thế là đạt được đạo lý trong thiên hạ rồi, được đạo lý trong thiên hạ, thế là thành tựu cái địa vị ở giữa của mình rồi” (Hệ từ thượng: I, 8).

Người đã theo đạo Trung dung tức là đang trên đường tiến tới toàn thiện, cũng tương tự như người đi đắp núi, lấp vực, nếu nửa đường bỏ dở, thì không bao giờ thành tựu được. Khổng tử đã từng nói: “Thí như vi sơn, vị thành nhất quĩ, chỉ, ngô chỉ dã. Thí như bình địa, tuy phúc nhất quĩ, tiến, ngô vãng dã. (Ví như đắp núi, một sọt nữa mới nên, mà dừng, ấy là ta dừng lại vậy. Ví như san đất, tuy mới đổ một sọt, mà tiến thêm, ấy là ta đi đến thành tựu vậy.) (Luận ngữ: Tư hãn, 18).

Để thành tựu đạo Trung dung cần hội đủ cả ba đức tính: trí, nhân, dũng, để không lầm lạc, không ưu phiền và không sợ hãi: “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ. (Người trí chẳng nghi ngờ; người nhân chẳng lo buồn; người dũng chẳng sợ hãi.) (Luận Ngữ: Tử hãn, 27).

Cứu cánh của đạo Trung dung là kết hợp với Trời (phối Thiên) cho nên cứ một mình thảnh thơi mà đi, chẳng cần ai biết tới.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x