Trang chủ » Trung Dung – Chương 12

Trung Dung – Chương 12

by Hậu Học Văn
184 views

CHƯƠNG XII

Đạo người quân tử rộng rãi mà lại kín nhẹm. Hạng đàn ông, đàn bà không học có thể dự biết được. Đến chỗ cùng cực của đạo ấy, tuy bậc thánh nhân cũng có chỗ không biết.

Hạng đàn ông, đàn bà kém cỏi có thể hành đạo được. Đến chỗ cùng cực của đạo ấy, tuy bậc thánh nhân cũng có chỗ không thực hành được.

Trời đất thì bao la, người ta vẫn có chỗ oán trách. Vậy mà quân tử nói về chỗ lớn lao của đạo, thì thiên hạ chẳng thể chứa chở nổi; nói về chỗ nhỏ nhặt của đạo, thì thiên hạ chẳng thể phân tách ra được.

Kinh thi nói rằng: “Diều bay tận trời; cá nhảy dưới vực” là ý nói đạo thấu triệt trên dưới vậy.

Đạo người quân tử khởi đầu mối từ vợ chồng; đến chỗ cùng cực của đạo ấy thì thấu triệt trời đất. (Lời của Tử Tư).

Trên đây là chương thứ mười hai, lời của Tử Tư vốn để làm sáng tỏ chương đầu về ý tứ “đạo không thể lìa bỏ”. Còn tám chương dưới đây dẫn chứng những lời lẽ khác nhau của Khổng tử để làm sáng tỏ. (Lời của Chu Hy).

BÌNH GIẢI:

Đạo người quân tử được Tử Tư nói ở đây chính là đạo Trung dung được nói ở chương đầu, và cũng có tên là Thiên đạo. Sở dĩ Đạo ấy rộng rãi (phí) vì xuất phát từ Trời (bản nguyên xuất ư Thiên). Nói theo Kinh Dịch, Đạo ấy được triển khai từ Thái cực; đó là một nguồn sống, là một linh lực liên tục, bất tận, chi phối vạn vật từ vật cực tiểu như hạt bụi, cho tới vật cực đại như các thiên hà trong vũ trụ bao la. Đạo ấy chi phối từ khoáng vật, thực vật, động vật cho tới loài người. Do đó, đạo ấy không bị hạn cuộc trong không gian, thời gian; và nếu hiểu không gian, thời gian là sự triển khai của vạn vật trong bốn chiều kích (theo học thuyết tương đối của Albert Einstein) thì cả không gian, thời gian cũng ở trong Đạo. Tóm lại, Đạo người quân tử rộng rãi mênh mông, vô giới hạn.

Sở dĩ Đạo ấy kín nhẹm (ẩn) vì nó tiềm tàng trong vạn vật theo từng độ số khác nhau; đối với con người, Đạo ấy hiện diện trong đáy lòng và có tên là thiên mệnh. Chẳng những ngũ quan không thấy được nó, thậm chí tới kính hiển vi điện tử khi soi vào cơ cấu nguyên tử cũng không thấy được. Chỉ có tâm tư của bậc thánh hiền mới có thể cảm nghiệm được qua đường lối nội hướng tâm linh. Cái thấy biết bằng tâm linh ấy được Tử Tư gọi là “suất tính”; còn các hành giả đắc đạo của Phật giáo gọi là “kiến tính”. Con đường trở về với “tính” được Kinh Thánh Tân Ước gọi là “tái sinh” (Tin mừng Gioan: 3,3).

Vì nằm sâu trong lòng tạo vật cho nên đạo ấy kín nhẹm.

Đạo người quân tử (Thiên đạo) phổ biến đến nỗi hạng đàn ông, đàn bà không học (phu phụ chi ngu) cũng biết ít nhiều: đó là bản năng sinh tồn, bản năng yêu thương, bản năng hợp quần… Do được tiếp nhận Thiên đạo cho nên những người dù kém cỏi tới đâu cũng biết che nắng, tránh mưa… (bản năng sinh tồn), biết yêu thương con cái, nhớ nhung chốn cũ… (bản năng yêu thương), biết họp bạn để xây dựng hoặc tự vệ… (bản năng hợp quần).

Tuy nhiên, nếu muốn tìm biết đến chỗ cùng cực của Thiên đạo như là: Thiên đạo có tự bao giờ, Thiên đạo sẽ còn diễn tiến như thế nào trong tương lai, Thiên đạo chi phối con người thế nào sau khi từ trần… Tất cả những điều ấy thì bậc thánh nhân cũng không biết hết và không thể nào trả lời thỏa đáng được. Ví dụ: để trả lời cho câu hỏi người chết rồi có vẫn biết như lúc còn sống không, Khổng tử nói: “Chi tử nhi trí tử chi, bất nhân, nhi bất khả vi dã. Chi tử nhi trí sinh chi, bất trí, nhi bất khả vi dã: Cho người chết là mất hẳn là bất nhân, không nên theo. Cho người chết là (còn biết) như lúc hãy còn sống là bất trí, không nên theo.” (Lễ Ký: Đàn cung thượng). Trả lời nước đôi như thế, chứng tỏ rằng Khổng tử không biết rõ!

Do sự chi phối của Thiên đạo mà hạng đàn ông, đàn bà kém cỏi vẫn có thể hành đạo được ít nhiều, nhất là ở trình độ căn bản. Ví dụ, người nào kém cỏi mấy cũng biết giơ tay hái trái chín ăn, rồi lại gieo hạt xuống đất để mong có một cây mới. Hoặc là, sau khi sinh con, hầu hết người đàn bà nào cũng biết cho con bú. Người đàn ông tầm thường nào cũng biết giơ tay nắm một đứa bé, nhất là con mình, khi nó sắp té xuống ao.

Tuy vậy, để có thể hành động theo Thiên đạo một cách rốt ráo, cho dù là thánh nhân vẫn không thể theo kịp. Do Thiên đạo chi phối mà trái đất liên tục quay quanh mặt trời đều đặn trải qua hàng tỷ năm; bốn mùa xuân, hạ, thu, đông chuyển đổi không sai sót… Nhìn thấy thế, thánh nhân tác Dịch viết: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức: Trời hành động rất mạnh mẽ, người quân tử cũng tự làm cho mình mạnh không ngừng nghỉ.” (Quẻ thuần kiền: Đại tượng truyện). Nhưng, đã có bậc thánh nhân nào hành động không biết mệt, không nghỉ?

Để bàn cho thật thấu đáo về đạo người quân tử, Tử Tư lại nói: “Trời đất thì bao la, người ta vẫn có chỗ oán trách.”

Đúng vậy, trong thế gian, có biết bao người, gặp năm hạn hán hay lụt lội mất mùa, đã từng oán trời trách đất rằng sao trời không che, đất không chở!

Thực ra, trời đất tuy bao la nhưng thuộc hiện tượng hữu hình, không thể đáp ứng hết niềm mong mỏi của mọi người. Còn Thiên đạo thì thuộc thể siêu hình, có linh lực siêu nhiên bao trùm cả vũ trụ đã truyền tải năng lượng cho mặt trời; mặt trăng và muôn tinh tú mà chẳng bao giờ hết. Nếu người quân tử nói về cái lớn lao ấy của đạo thì trong thiên hạ này có gì chứa chở nổi!

Bây giờ lại nói về chỗ nhỏ nhặt của đạo. Từ hạt xoài, hạt mít, cho đến hạt lúa, hạt kê, hạt vả, hạt sung… đều có linh lực của đạo nên mới có thể nảy mầm để rồi trở nên một cây đại thụ. Nhưng nào có ai tách nổi nhân một hạt vả, hạt sung… để nhìn thấy đạo chăng? Chẳng những thế, một hạt bé nhỏ nhất mà bây giờ các nhà vật lý có thể biết được là hạt “hạ nguyên tử” (subatomic) trong nhân một nguyên tử vẫn có sức sống của đạo. Nhờ đạo nó mới di chuyển được với tốc độ kinh hồn, nhưng có nhà khoa học nào phân tách được nó ra để biết nó vốn là gì!

Liệu rằng không thể nói hết được sự huyền diệu mênh mông của Thiên đạo chi phối vạn vật, vì thế Tử Tư đã trích dẫn một câu Kinh Thi để tóm tắt ý kiến của mình: “Diều bay tận trời, cá nhảy dưới vực.

Con diều xòe cánh bay tận trời cao, con cá vùng vẫy tung tăng dưới vực thẳm, hai hình ảnh ấy mới đẹp đẽ, thơ mộng, linh hoạt, lý thú làm sao! Một cao, một thấp, một trong không khí, một dưới làn nước, con diều và con cá đã đại diện cho muôn loài được tiếp thu sức sống huyền diệu của đạo, cho biết đạo thì thấu triệt, xuyên suốt trên dưới, trước sau, trong ngoài, thường hằng, phong phú. Dù người thánh thiện, dù kẻ hiểm ác đều nhận được linh lực của đạo, chỉ có điều người hiền biết đạo, làm lành thì được an vui, người ác không biết đạo, làm dữ thì chịu đau khổ. Nếu người ác hồi đầu sám hối, nhận ra rằng có đạo ở trong mình, thì đạo lại trở nên rực rỡ sáng tươi trong ánh mắt, trong nụ cười…

Đạo người quân tử tuy mênh mông, vô hạn, vô hình nhưng lại khởi đầu mối từ những chỗ rất tầm thường, nghĩa là bất cứ ở đâu cũng có thể khơi ra mối đạo.

Đứng về phía nhân sinh mà nói, thì đạo khởi đầu mối từ vợ chồng. Đạo vợ chồng là đạo âm dương, một âm, một dương, một vợ, một chồng, bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau, xướng tùy cùng nhau… Kinh Dịch nói: “nhất âm, nhất dương chi vị đạo, kế chi giả, thiện dã, thành chi giả, tính dã”: Một âm, một dương gọi là đạo, nối tiếp theo đạo ấy thì được tốt lành; thành tựu cái đạo ấy là đạt được tính vậy.” (Dịch: Hệ từ thượng, 5, 1-2).

Có một vợ, một chồng tức là âm dương có quân bình thì vợ chồng mới hoà vui, gia đình mới an ổn, con cái mới được săn sóc, giáo dục tử tế. Bằng không, một vợ hai chồng, hay hai vợ một chồng, hóa ra âm dương mất quân bình, thì gia đình đổ vỡ, sẩy đàn tan nghé, con cái bơ vơ…

Nếu vợ chồng cùng nhau sống trong đạo, thành tựu đạo thì cùng đạt tới “tính”, tức là đạt tới “thiên mệnh”. Đi cho tới cùng đạo vợ chồng, người ta có thể thấu triệt được đạo trời đất. Bởi vì, trời đất (thiên địa) tức là hai năng lực càn khôn, cũng là hai thể âm dương ở mức độ cực đại (vĩ mô). Âm dương giao hoà thì trời đất ổn định, mưa thuận gió hoà, vạn vật sum suê, tươi tốt. Âm dương không giao hoà thì trời long đất lở, sấm sét ầm ầm, địa chấn rung động, gió gào, nước réo…

Thế thì, đạo trong cõi người ta và đạo trong cõi trời đất chỉ là một đạo đó thôi. Nếu người quân tử hiểu đạo thì có thể suy một biết mười, ngồi trong nhà mà có thể hiểu được việc thiên hạ cách xa nghìn dặm.

Sau khi phân chương đoạn kinh văn trên, Chu Hy đã nhắc nhở người đọc về chủ ý của Tử Tư muốn viết chương 12 này cốt làm sáng tỏ chương 1 và vận dụng thêm lời của Khổng Tử trong 8 chương sau để làm cho rõ thêm.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x