Trang chủ » Trung Dung – Chương 13

Trung Dung – Chương 13

by Hậu Học Văn
264 views

CHƯƠNG XIII

Đức Khổng nói: “Đạo chẳng xa người. Người nào lập ra đạo mà rời xa người, chẳng thể làm nên đạo.”

Kinh Thi nói rằng: “Đẽo cán búa, đẽo cán búa, khuôn mẫu của nó không xa.” Cầm cái cán búa để đẽo cán búa, liếc mắt nhìn, còn xa (cán mẫu). Cho nên người quân tử dùng “người” trị người, sửa đổi cho được mới thôi.

Đường lối trung thứ cách đạo không xa.[100] Điều gì làm cho mình không muốn thì cũng đừng làm cho người.

“Đạo người quân tử có bốn điều: Khâu này chưa làm trọn được một. Cái mà cầu mong nơi người con để đối với cha, ta chưa làm được. Cái mà cầu mong nơi bầy tôi để đối với vua, ta chưa làm được. Cái mà cầu mong nơi người em để đối với anh, ta chưa làm được. Cái mà cầu mong nơi bạn bè để thi hành trước, ta chưa làm được. Thi hành những nhân đức thông thường, cẩn thận giữ những lời nói thông thường, có chỗ nào không đủ, không dám không cố gắng; có chỗ nào thừa, không dám cho là trọn. Nói năng thì trông lại hành động, hành động thì trông lại nói năng, người quân tử chẳng chăm chắm vậy sao?”

Trên đây là chương thứ mười ba.

BÌNH GIẢI:

Đạo vốn có một mà thôi. Trong con người, đạo thể hiện nơi “tính”, “mệnh”. Cũng cái đạo ấy mà chi phối vũ trụ vạn vật thì gọi là Thiên đạo. Nếu đạo được đem cư xử với tha nhân thì gọi là nhân đạo. Khi muốn chỉ đạo là một thực tại toàn thiện không thể rời bỏ được thì gọi là đạo Trung dung. Đó chính là đạo người quân tử, mà những ai muốn trở nên người quân tử phải theo đuổi, thực hiện cho kỳ được.

Mở đầu chương này, để làm vững thêm luận điểm “đạo không thể lìa” (đạo bất khả ly), Tử Tư đã trích dẫn lời Khổng tử rằng: “Đạo chẳng xa người, người nào lập ra đạo mà rời xa người, chẳng thể làm nên đạo.”

Căn bản của đạo là Thiên mệnh. Thiên mệnh ở trong con người, vì vậy đạo vốn chẳng xa người. Do đó, nếu người nào chủ trương nêu ra một lý thuyết về đạo, hoặc là một tôn giáo, một học thuyết, một chủ nghĩa… mà rời xa con người, không hợp tình người, không phục vụ con người, chẳng những thế lại còn đưa con người đến tình trạng vong thân, hoặc nô lệ hóa con người; dĩ nhiên, tất cả những lý thuyết đó không phải là đạo được. Đó là đạo “nhân vi”, không phải đạo đích thực.

Để cho luận điểm được sáng tỏ hơn, Tử Tư đã viện dẫn Kinh Thi: “Đẽo cán búa, đẽo cán búa, khuôn mẫu của nó không xa” (Mân phong, Phạt kha).

Ngày xưa, khi muốn đẽo một khúc cây cho trở thành cán búa, người thợ đặt ở bên mình một cán búa mẫu. Đẽo cây đến đâu lại liếc nhìn cán búa mẫu đến đó, nếu thấy chưa giống cán mẫu, thì lại đẽo tiếp; bao giờ giống y hệt mới thôi.

Từ hình ảnh cụ thể này, Tử Tư muốn chuyển sang việc sửa trị con người. Theo ông, cái mẫu mực dùng để sửa trị con người còn gần gũi hơn cái cán búa mẫu của người thợ nữa. Bởi vì “con người mẫu” không ở đâu xa, mà đã nằm sẵn trong đáy lòng người rồi. Tư tưởng này đã có trong Kinh Thi:

“Thiên sinh chưng dân, Hữu vật hữu tắc.

Dân chi bỉnh di, Hiếu thị ý đức.”

Trời sinh ra dân, có hình có phép, dân giữ tính thường, muốn có đức tốt. (Chưng dân) Đối với loài người, “tắc” là cái khuôn mẫu có sẵn trong con người, đó là “tính, mệnh”. Kinh Thư cũng nói: “Duy hoàng Thượng đế, giáng trung vu hạ dân, nhược hữu hằng tính” – (Chỉ một Đấng Thượng đế đem đạo trung xuống cho hạ dân, tự nhiên có tính thường.) (Thang cáo, 2).

Vì vậy, muốn sửa trị con người chỉ việc lấy “đạo trung” hay “tính thường” làm mẫu mực. “Tính thường” nói theo Kinh Thư, là “tắc” nói theo Kinh Thi, hay là “tính, mệnh” nói theo Tử Tư (Thiên mệnh chi vị tính), đều chỉ “đạo tâm”, khác với “nhân tâm” vốn chỉ đến con người dung tục bị lôi cuốn bởi thói hư, tật xấu. Như vậy, “đạo tâm” và “nhân tâm” là hai phần trong một con người. Do đó, từ tư tưởng truyền thống căn bản này, Tử Tư nói: “Cố quân tử dĩ nhân trị nhân” (Cho nên người quân tử lấy người trị người) là có ý nói: lấy “đạo tâm” làm mẫu để sửa trị “nhân tâm”. Trong câu trên, chữ “nhân” thứ nhất biểu thị phần đạo tâm, chữ “nhân” thứ hai chỉ phần nhân tâm. Bởi vì theo vua Thuấn: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi: nhân tâm nghiêng ngả, đạo tâm tinh tế” (Đại vũ mô: 15).

Như thế, tư tưởng chính truyền Nho giáo cho rằng chỉ cần lấy khuôn mẫu, phép tắc ngay trong con người ra để sửa trị con người, bao giờ sửa được mới thôi (cải nhi chỉ). Bấy giờ, đạo tâm hiển hiện nơi nhân tâm, con người trở nên bậc hiền thánh, từ ngôn ngữ, cử chỉ đến hành động đều thiện hảo, tốt đẹp.

Sang phần thực hành, Tử Tư đề cập đến đạo trung thứ. Trung thứ chính là phép tắc được rút từ trong đạo tâm mà ra. Trung () là hết lòng thành khẩn, không nảy ý gian tà; thứ () là có lòng thương người như mình. (Tận kỷ viết trung, như kỷ viết thứ.)

Tuy chưa noi tính đạt mệnh, nhưng nếu thi hành được hai điều trung thứ thì xem như không còn cách xa đạo trung dung nữa. Thi hành trung thứ tức là chấp hành luật hiệt củ (phép tắc căn bản). Tăng Tử đã nói: “Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hỹ – (Đạo của Thầy là trung (hoàn thiện), thứ (xử tốt với mọi người) mà thôi.” (Luận Ngữ: Lý nhân, 15).

Trả lời cho Tử Cống về cái điều có thể làm trong suốt đời, Khổng tử nói: “Kỳ thứ hồ, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” (Xem người khác như mình thôi! Điều gì mình không muốn, chớ đem đến cho người khác.) (Luận Ngữ: Vệ linh công, 23).

Những lời của Tăng tử và Khổng tử ở trên chính là cùng một ý với Tử Tư trong chương này: “Thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân.”

Chẳng những không làm điều xấu cho người, mà còn tích cực làm điều hay cho người nữa; thế mới gọi là người nhân. Khổng tử nói với Tử Cống: “Phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Phàm người nhân là mình muốn nên thì nên cho người; mình muốn thành tựu thì thành tựu cho người.) (Luận Ngữ: Ung dã, 28).

Đạo lý của đạo Nho ở đây, chẳng khác gì đạo lý “Khuôn vàng thước ngọc” trong Tân Ước: “Vậy mọi điều các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi cũng hãy làm cho người ta như thế: Lề luật cùng các tiên tri là thế đó.” (Tin mừng Mathêu: 7, 12).

Sau khi nói về lý thuyết, Tử Tư chuyển sang phần thực hành lẽ đạo. Trong việc cư xử với những người xung quanh, đạo Nho nêu ra ngũ luân (ngũ điển): đạo cha con (phụ tử), đạo vua tôi (quân thần), đạo chồng vợ (phu phụ), đạo anh em (huynh đệ), đạo bè bạn (bằng hữu).

Ở đây, Tử Tư nêu ra trường hợp của chính Khổng tử làm tiêu biểu. Tử Tư không kể về đạo hạnh cư xử của Khổng tử ra sao, chỉ thuật một lời trần tình khiêm nhượng của Khổng tử về “tứ luân” như sau:

“Đạo người quân tử có bốn điều, Khâu này chưa làm trọn được một. Cái mà cầu mong nơi người con, để đối với cha, ta chưa làm được. Cái mà cầu mong nơi bầy tôi, để đối với vua, ta chưa làm được. Cái mà cầu mong nơi người em, để đối với anh, ta chưa làm được. Cái mà cầu mong nơi bạn bè, để thi hành trước, ta chưa làm được.”

Trong cõi người ta, nêu ra một đạo lý bao giờ cũng nêu mức lý tưởng, còn khi thi hành chỉ mong đạt được tương đối là tốt rồi. Thực ra, Khổng tử mất cha từ lúc lên 3 tuổi, thì phụng sự cha trọn vẹn thế nào được? Đối với Lỗ hầu, ngài giúp vua trị nước thành đạt. Chưa đầy một năm mà chính trị đã ổn định, trật tự phân minh, con trai chuộng trung tín, con gái chuộng trinh thuận; người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt, kẻ gian phi không có, hình pháp đặt ra không hề dùng đến. (Theo Nho giáo của Trần Trọng Kim: trang 53). Nhưng chẳng bao lâu, Lỗ hầu nghe theo lời Quí Tôn Tư nhận gái đẹp, ngựa tốt của nước Tề, bỏ việc triều chính, khiến cho Khổng tử phải thất vọng bỏ nước ra đi. Việc ấy đâu có phải là Khổng tử không hết lòng đối với vua?

Đối với anh, thì Khổng tử không có anh ruột, chỉ có một người anh cùng cha khác mẹ là Mạnh Bì mắc tật què chân. Còn đối với bạn bè, không thấy sử sách nói rõ Ngài có nhiều bạn bè không và cư xử ra sao, cho nên ngày nay chúng ta không biết đâu mà nhận xét, phê phán. Nhưng cho dù chưa trọn vẹn, cũng chỉ là những tiểu tiết vụn vặt mà thôi. Khổng tử tự khiêm như thế có lẽ cốt để khích lệ và an ủi mọi người. Giả như có ai chưa thi hành được trọn vẹn đạo lý trong cách cư xử thì cũng không thối chí, mà cố gắng thêm nữa.

Ngoài ra, Khổng tử không nhắc tới tình “phu phụ”, chẳng qua đó là chuyện riêng tư của mình, ngài thấy không cần nhắc tới. Chỉ biết rằng, trước sau, không thấy sử sách nhắc đến ngài có vợ lẽ, hầu thiếp nào cả. Khi chu du đó đây trong thời Xuân Thu, chỉ thấy sử sách nhắc đến ngài có các đệ tử đi cùng!

Tuy nhiên, khi nhắc tới gương mẫu Khổng tử ở đây, có lẽ Tử Tư muốn nhắm tới những câu này:

“Thi hành những nhân đức thông thường, cẩn thận giữ những lời nói thông thường, có chỗ nào không đủ, không dám không cố gắng, có chỗ nào thừa (đạt mức cao), không dám cho là trọn. Nói năng thì trông lại hành động, hành động thì trông lại nói năng, người quân tử chẳng chăm chắm vậy sao?”

Lúc nào cũng cố gắng thi hành những nhân đức thông thường hằng ngày; luôn luôn cẩn thận giữ những lời nói thông thường, không làm phật lòng ai…; nếu có được ưu điểm thì không dám tự mãn. Lời nói và hành động luôn luôn đi đôi với nhau; không nói nhiều làm ít; nói điều tốt như thế nào thì cũng làm điều tốt như thế ấy. Khổng tử xác nhận rằng ngài có những phẩm tính ấy. Những điều này quả thực cũng đã đủ xứng đáng làm gương mẫu về hạnh kiểm cho những ai muốn trở nên người quân tử, đang tiến bước tới đạo Trung dung.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x