Trang chủ » Trung Dung – Chương 15

Trung Dung – Chương 15

by Hậu Học Văn
210 views

CHƯƠNG XV

Đạo người quân tử ví như đi xa, ắt từ gần; ví như lên cao, ắt từ thấp.

Kinh Thi nói rằng: “Vợ kết hiệp tốt, như gảy sắt cầm. Anh em đã hợp, lại vui hoà lạc. Nên gia thất ngươi, vui vợ con ngươi.”

Đức Khổng nói: “Cha mẹ được yên vui vậy thay!” Trên đây là chương thứ mười lăm.

BÌNH GIẢI:

Chương này nói tới việc thực hành đạo Trung dung trong gia đình. Trung dung trong cõi nhân sinh gọi là nhân đạo: đạo làm người. Trung dung ở bậc cao, liên hệ tới trời đất, vạn vật gọi là thiên đạo.

Trước khi muốn đạt tới mức trời đất đúng ngôi (thiên địa vị yên), vạn vật được hóa dục (vạn vật dục yên), thiên hạ thái bình (bình thiên hạ), người quân tử hành đạo phải bắt chước khách bộ hành: muốn đi xa, phải bắt đầu từ gần; cũng như bắt chước người thợ xây nhà: muốn xây lên cao phải bắt đầu từ thấp. Chữ gần (nhĩ), chữ thấp (ty) chỉ cho thân mình, vợ con, anh em, cha mẹ mình. Chữ xa (viễn), chữ cao (cao) chỉ cho trời đất, vạn vật, thiên hạ.

Vì thế, Tử Tư đã trích dẫn Kinh Thi nói về đạo Trung dung ở gần, ở thấp: Học làm người quân tử phải biết chung sống hoà nhịp với vợ. Chương trên đã nói: “Đạo người quân tử khởi đầu mối từ vợ chồng” (Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ) là thế. Người quân tử lại phải hoà hợp vui vẻ với anh em. Tóm lại, việc cần phải làm gần gũi hơn hết là: hãy thành tựu (nên trọn) gia thất của mình, hãy làm vui lòng vợ con mình.

Làm được như thế, ắt hẳn cha mẹ được yên vui, do đó đạo hiếu cũng được thành tựu.

Thực hành được đạo đối với gia đình rồi, mới tính đến việc tiến hành đạo trị quốc, bình thiên hạ, tức là làm cho đất nước được ổn định, “xã hội công bằng văn minh” và nhân loại toàn thế giới được thái bình.

Chủ trương như vậy là Tử Tư đã theo đúng truyền thống đạo Nho từ đời vua Nghiêu: Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc. Cửu tộc kỳ mục bình chương bách tính. Bách tính chiêu minh, hiệp hoà vạn bang. Lê dân ô biến thời ung. (Hay làm sáng tỏ đức lớn lao, để thân yêu người trong họ chín đời. Các người trong họ chín đời hoà mục rồi, lại làm cho trăm họ đều tốt đẹp. Trăm họ sáng tỏ, thì hoà hiệp cả muôn nước (chư hầu). Nhân dân trong thiên hạ đều biến đổi hoà vui cả.) (Kinh Thư, Nghiêu điển, 2).

Hình ảnh từ gần đến xa, từ thấp lên cao cũng đã được Y Doãn nói tới khi khuyên vua Thái Giáp: “Nhược thăng cao tất tự hạ, nhược trắc hà tất tự nhĩ.(Cũng như người lên chỗ cao, tất phải từ chỗ thấp, cũng như người đi đường xa, tất phải từ chỗ gần.” (Kinh Thư: Thái giáp hạ, 4)

Cũng trong một quan điểm với đạo Nho, Lão tử cũng nói:

“Đồ nan ư kỳ dị, Vi đại ư kỳ tế. Thiên hạ nan sự, Tất tác ư dị.

Thiên hạ đại sự, Tất tác ư tế.

Thị dĩ thánh nhân, Chung bất vi đại.

Cố năng thành kỳ đại.

 

Làm việc khó, bắt nơi chỗ dễ. Làm việc lớn, bắt nơi chỗ nhỏ.

Việc khó trong đời, khởi nơi chỗ dễ. Việc lớn trong đời, khởi nơi chỗ nhỏ.

Bởi vậy thánh nhân, suốt đời không làm chi lớn, Nên mới thành được việc lớn.”

(Đạo đức kinh: chương 63, Nguyễn Duy Cần dịch) Cũng một ý như thế, nơi khác, Lão tử lại nói:

“Hợp bão chi mộc, Sanh ư hào mạt. Cửu tằng chi đài, Khởi ư lũy thổ. Thiên lý chi hành, Thủy ư túc hạ.”

 

Cây to một ôm, khởi sanh nơi gốc nhỏ.

Đài cao chín tầng, khởi đầu nhúm đất con.

Đi xa ngàn dặm, khởi đầu một bước chân.

(Đạo đức kinh: chương 64).

Nhân đây, chúng ta cũng nên đề cập đến sự khác nhau căn bản giữa thuyết nhân ái của đạo Nho và thuyết kiêm ái của Mặc Tử.

Vào thời Chiến quốc ở Trung Hoa, có hai nhà tư tưởng cùng tranh ảnh hưởng với Nho giáo là Dương Chu và Mặc Địch. Dương Chu chủ trương “vị ngã” (vì mình), Mặc Địch chủ trương “kiêm ái” (gồm yêu mọi người). Nhận xét về cả 2 ông này, Mạnh tử nói: “Dương tử thủ vị ngã, bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi dã. Mặc tử kiêm ái, ma đỉnh phóng chủng, lợi thiên hạ vi chi. (Dương tử giữ chủ nghĩa vì mình; nhổ một sợi lông mà làm lợi cho thiên hạ, không làm. Mặc tử chủ trương kiêm ái; dù mòn trán lỏng gót mà có lợi cho thiên hạ cũng làm.)” (Mạnh tử: Tận Tâm thượng, 26).

Qua câu này của Mạnh tử, rõ là Dương Chu và Mặc Địch đứng ở thế đối lập, tức là đứng ở hai cực đoan: một người chủ trương không can thiệp vào việc thiên hạ (Dương Chu), một người chủ trương lấy việc thiên hạ làm việc của mình (Mặc Địch).

Mặc tử đã thuyết minh về Kiêm ái như sau:

“Nếu thiên hạ đều gồm yêu lẫn nhau (kiêm tương ái), ai nấy đều yêu người như yêu thân mình thì còn kẻ bất hiếu nữa không? Coi cha anh và vua như thân mình thì làm gì còn kẻ bất hiếu? Còn kẻ bất từ nữa không? Coi con em và bề tôi như thân mình thì làm gì còn kẻ bất từ? Cho nên sự bất hiếu, bất từ sẽ không có nữa. Còn trộm cướp không? Đã coi nhà người như nhà mình thì còn ai ăn trộm nữa? Đã coi thân người như thân mình thì còn ai ăn cướp nữa? Cho nên sự ăn trộm, ăn cướp sẽ không có nữa. Còn có đại phu làm loạn nhà nhau, vua chư hầu đánh chiếm nước nhau nữa không? Coi nhà người như nhà mình thì còn ai làm loạn nhà nhau? Coi nước người như nước mình thì còn ai đánh chiếm nước nhau?…

“Nếu thiên hạ gồm yêu lẫn nhau, nước nọ với nước kia không đánh chiếm lẫn nhau, nhà này với nhà kia không làm loạn lẫn nhau, trộm cướp không có; vua tôi, cha con đều hiếu từ, như thế thì thiên hạ trị.”

(Kiêm ái thượng).

Trong phần Kiêm ái hạ, Mặc tử nói rõ thêm:

“Ai cũng đem tai tinh mắt sáng của mình mà trông nghe cho nhau, đem tay khỏe mạnh làm lụng cho nhau, mà kẻ biết đạo lý thì hết lòng dạy bảo lẫn nhau. Cho nên người già nua mà không có vợ con thì được săn sóc, nuôi nấng cho trọn tuổi trời, trẻ em không có cha, mẹ thì có chỗ nương tựa, được nuôi tới lớn…”

(Trích theo Nguyễn Hiến Lê trong Mặc học, trang 101-102)

Như vậy, thuyết kiêm ái quả là rất hợp lý, nhưng tại sao lại không gây được ảnh hưởng mạnh trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa? Lý do là: kiêm ái thì khó bề thực hiện. Với một dân tộc Trung Hoa vào thời Xuân Thu, Chiến quốc (trước Công nguyên 5 thế kỷ), tư tưởng nhân ái, bác ái chưa thấm nhuần, tình người còn hẹp hòi, nông cạn, đa số dân chúng thiên về ích kỷ, tư lợi, bảo người ta yêu thương vợ con, cha mẹ, anh em còn khó, huống chi là bảo yêu thương tất cả mọi người. Vì thế, có nhiều người đã cho lý thuyết của Mặc tử là không tưởng (cao xa quá mà không thực hiện được tức là không tưởng). Một khi tình trạng tiến hóa của đại chúng chưa đạt tới mức “kiêm ái” mà ép uổng người ta phải gồm yêu, hoặc có ai đó đi quá xa mà dùng những biện pháp cứng rắn khiên cưỡng, bắt buộc, thì hóa ra lý thuyết trên bị lâm vào tình trạng phản tác dụng!

Khác với thuyết Kiêm ái, đạo Nho chủ trương nhân ái yêu người theo thứ tự từ gần ra xa, từ cha mẹ, vợ con, anh em tới yêu bà con xóm làng, dần dần yêu tới đồng bào, yêu tới nhân loại. Đường lối này tuy chậm chạp nhưng phù hợp với tình người hơn và đã được các thánh vương như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang áp dụng thành công.

Đó là sự khác biệt rõ rệt nhất giữa hai thuyết nhân ái và Kiêm ái. Đường lối của Tử Tư được nói tới trong chương này chính là đạo thống của Nho giáo từ Nghiêu, Thuấn tới Khổng, Mạnh.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x