Trang chủ » Trung Dung – Chương 17

Trung Dung – Chương 17

by Hậu Học Văn
175 views

CHƯƠNG XVII

Đức Khổng nói: “Vua Thuấn là bậc rất có hiếu vậy! Đức hạnh nên thánh nhân, địa vị cao nên thiên tử (vua các chư hầu), giàu có trong bốn biển, hưởng tế nơi tông miếu, con cháu được giữ gìn. Cho nên có đức lớn ắt được ngôi, ắt được của cải, ắt được tiếng tăm, ắt được sống lâu.

“Thực vậy, trời sinh ra vật, ắt nhân cái tính chất của vật mà đôn đốc vào. Nếu phát triển thì vun đắp cho, nghiêng ngả thì lật đổ đi.

“Kinh Thi nói: “Vui tươi thay bậc quân tử, đức hạnh tốt đẹp rỡ ràng. Hợp dân chúng, hợp lòng người, nhận được của cải ở Trời. Mệnh được giữ gìn, giúp đỡ, tất cả từ Trời đến vậy.

“Cho nên người có đức lớn ắt được nhận chức phận Trời trao cho.”

Trên đây là chương thứ mười bảy.

BÌNH GIẢI:

Tử Tư viết chương này cốt nói đến thành quả của đạo Trung dung trong nhân sự. Bất cứ việc gì, hễ có nhân là có quả đi theo, chỉ nhanh hoặc chậm thôi. Gieo nhân tốt, ắt sẽ gặt quả tốt, gieo nhân xấu, ắt gặp quả xấu.

Cả Cựu Ước, Tân Ước đều công nhận như vậy. Đó là đại qui luật của Trời.

Ở đây, Tử Tư lại trích dẫn lời Khổng tử khen ngợi vua Thuấn làm điển hình.

Đức hạnh thứ nhất của vua Thuấn đáng nói đến là đại hiếu. Khi vua Nghiêu tại vị được 70 năm, tới 86 tuổi, ngài ngỏ ý với các quan muốn tìm một người hiền đức để thay mình ở ngôi cai trị thiên hạ. Vua Nghiêu nói:

“Các ngươi tiến cử một người nào đã hiển đạt hay là con nhà vi tiện, quý hồ có đức vọng là hơn. Các quan đồng ý tâu vua rằng: Ở dân gian có người góa vợ là Ngu Thuấn. Vua nói rằng phải! Trẫm cũng nghe nói. Nhưng người ấy thế nào? Quan nhạc thưa rằng: Người ấy là con một người loà, cha ngoan cố, mẹ lắm điều, người em dị bào (khác mẹ) tên là Tượng lại có tính ngạo ngược. Thế mà một lòng hiếu thảo khiến cho họ biết hối lỗi, quay làm điều thiện, không xảy ra sự gian ác gì.”

(Kinh Thư: Nghiêu điển, 12, Thẩm Quỳnh dịch).

Như vậy, đức hiếu của ông Thuấn không phải như người thường là chỉ biết phụng dưỡng và vâng lời cha mẹ; cao hơn, ông Thuấn giữ đức hiếu mà có thể cải thiện được cha ruột, mẹ ghẻ và em khác mẹ, khiến họ trở nên những người tốt. Điều đó mới đáng làm cho cả triều thần kính phục, ngợi khen, khiến vua Nghiêu mới nghe qua đã quyết định gả con gái cho và mời về triều, nhường ngôi. Chính đức hiếu là đức hạnh đầu tiên khiến cho các quan đồng thuận không dám tỏ một lời gièm chê, phản đối. Đó cũng là cơ sở để cho vua Thuấn cai trị thiên hạ sau này.

Ngoài ra, Kinh Thư còn kể đến những đức tính khác như:

“Vua Đế Thuấn, đáng khen là có đức tươi sáng giống vua Nghiêu. Tính thâm trầm mà khôn, văn vẻ mà sáng suốt, ôn hoà mà cung kính, thật thà mà chất thực.”

(Kinh Thư: Thuấn điển, 1).

Trong việc cai trị, vua Thuấn tỏ ra có đức nhân từ. Ngài thi hành luật pháp một cách mềm dẻo, linh động:

“Người nào lỡ lầm, hay bất hạnh phạm tội được tha bổng ngay. Người nào liều lĩnh, hay tội phạm, thì phải xử theo đúng luật hình.”

(Kinh Thư: Thuấn điển, 11).

Ngài có đức trọng hiền tài, chăm chỉ việc cai trị và thương yêu dân chúng:

“Bàn việc cai trị với vua chư hầu ở bốn phương. Mở cửa bốn phương đón bậc hiền tuấn. Sáng mắt, coi công việc ở bốn phương. Sáng tai, nghe công việc ở bốn phương… Vỗ về người ở xa, triệu tập người ở gần. Đối đãi tử tế với người có đức, tin dùng người có nhân, mà cự tuyệt kẻ gian ác.”

(Kinh Thư: Thuấn điển, 15-16).

Vua Thuấn sẵn sàng nghe lời nói phải của người dưới và luôn luôn biết bỏ ý riêng, tôn trọng ý kiến của số đông, lại thương yêu dân như con. Một lần kia, nghe ông Vũ khuyên răn, Ngài tán thành ngay:

“Lời nói hay không nên để ủng tắc, ở đồng áng không bỏ sót bậc thiên tài, thì muôn nước đều yên ổn. Nhưng phải rộng xét lời bàn của công chúng, biết bỏ ý riêng theo ý nhiều người, không tàn bạo với người cô độc, không bỏ rơi những người khốn cùng…”

(Kinh Thư: Đại Vũ mô, 3).

Những đức hạnh của vua Thuấn được Kinh Thư nhắc tới ở trên đã khiến hậu thế xem ngài là bậc thánh nhân. Cũng vì vậy, từ chốn nghèo hèn dân dã ngài được cất nhắc lên ngôi chí tôn, làm thiên tử điều khiển các vua chư hầu, được giàu có nhất trong thiên hạ; tổ tiên ngài được hưởng tế nơi tông miếu, và con cháu của ngài được vinh hiển, giữ gìn được cơ nghiệp. (Đức vi thánh nhân, tôn vi thiên tử, phú hữu tứ hải chi nội, tông miếu hưởng chi; tử tôn bảo chi.)

Trường hợp vua Thuấn là một tấm gương minh chứng rằng: có đức lớn ắt được ngôi, ắt được của cải, ắt được tiếng tăm, ắt được sống lâu (cố đại đức tất đắc kỳ vị, tất đắc kỳ lộc, tất đắc kỳ danh, tất đắc kỳ thọ). Kinh Thư cho biết vua Thuấn hưởng thọ 110 tuổi. (Năm 30 tuổi được vua Nghiêu trưng dùng, 30 năm ở ngôi vua, 50 năm sau thì mất.)

Đối chiếu quan điểm của Khổng tử trong đoạn này với quan điểm của Kinh Thánh Công giáo, chúng ta thấy thật là phù hợp với nhau, không có gì sai khác. Sách Cách ngôn (Cựu Ước) rất đề cao đức hạnh (công chính, khôn ngoan, chính trực…) và cho rằng người công chính, khôn ngoan được hưởng phúc lành, vinh quang của Chúa Trời:

“Chúc dữ của Yavê (Chúa Trời) trong nhà quân gian ác! Nhưng chốn ở của người công chính, Người chúc lành, Người nhạo báng kẻ nhạo báng, nhưng ban ân huệ cho kẻ nghèo hèn.Người khôn ngoan sẽ thừa hưởng vinh quang. Nhưng phường ngu xuẩn sẽ chuốc lấy ô nhục.”

(Cách ngôn: 3, 33-35)

 

“Đường đi của người chính trực như ánh bình minh sáng lên mãi cho tới giữa ngọ.

Đường phường gian ác như bóng tối tăm; Chúng chẳng biết sẽ vấp phải gì.”

(Cách ngôn: 4, 18-19).

Thánh vịnh (Cựu Ước) cũng ca ngợi đức hạnh của người công chính như sau:

Phúc thay con người kính sợ Yavê (Chúa Trời) Và vui sướng rất mực nơi các lệnh truyền!

Dòng giống người sẽ nên hùng cường trên đất! Thế đại người chính trực sẽ được chúc lành Nơi nhà người phú túc giàu sang!

Đức công chính của người sẽ bền mãi mãi.

Giữa tối tăm, ánh sáng đã rạng cho những người ngay từ bi, chính trực và trắc ẩn.

Tốt lành thay, kẻ thương người, sẵn cho vay mượn, Và thu xếp việc vàn theo đức công chính,

Vì đời đời, người sẽ không lay.

Danh người công chính sẽ được muôn đời ghi nhớ”

(Thánh Vịnh 112: 1-6)

Sau khi rút ra một kết luận căn cứ vào tấm gương vua Thuấn “người có đức lớn sẽ được hưởng phúc lớn”, Khổng tử đưa ra một chân lý chắc nịch và đáng sợ: “Thực vậy, Trời sinh ra vật, ắt nhân cái tính chất của vật mà đôn đốc vào. Nếu phát triển thì vun đắp cho, nghiêng ngả thì lật đổ đi.”

Sao câu nói này của Khổng tử lại bao hàm tư tưởng giống như tư tưởng của Đức Giêsu trong Tân Ước như vậy! Trong phần cuối dụ ngôn nén vàng nói về một tên đầy tớ bất hảo và lười biếng, không chịu phát triển vốn liếng để sinh lợi, ông chủ (chỉ đến Chúa Trời) nói:

“Hãy lấy nén vàng nơi tên ấy mà trao cho người có mười nén. Vì kẻ đã có, thì còn được cho thêm mà thành dư dật, còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giật mất.”

(Tin mừng Matthêo: 25, 28-29).

Câu nói của Khổng tử trên đây cũng khiến người ta nghĩ đến dụ ngôn cây vả trong Tin Mừng Luca: cây vả không sinh trái thì sẽ bị chủ vườn đốn đi!

Như vậy, chân lý mà Khổng tử nêu ra ở đây mang ý nghĩa: Trời sinh ra muôn vật thì đã trao cho muôn vật cái tài năng để phát triển; và phát triển tốt đẹp là bổn phận của muôn vật; bổn phận ấy nằm trong đạo Trung dung: mặt đất hiện diện để cung cấp chất dinh dưỡng cho thảo mộc, thảo mộc sinh hoa trái để nuôi các động vật… Muôn vật đều thể hiện cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ của Trời. Trên chóp đỉnh của muôn vật, có con người. Con người cũng phải chấp hành luật Trời. Đó là ai ai cũng đều phải sinh hoa trái, tức là phát huy sự tài khéo của mình. Sự tài khéo đáng ca ngợi nhất của con người là đem sự tốt lành đến cho tha nhân. Người nào không đem sự tốt lành phục vụ anh em, phục vụ mọi người sẽ bị Trời loại trừ như cái cây nghiêng ngả hay không sinh trái thì bị lật đổ.

Đối với các tín hữu của Đức Giêsu, bổn phận sinh hoa trái phải được gắn liền với sự sống của mình. Trong bữa Tiệc Ly: Đức Giêsu đã nói với các môn đồ:

“Thầy là cây nho thật, và Cha thày (Chúa Trời) là người trồng nho. Cành nào gắn liền với thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi, còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”

(Tin mừng Gioan: 15. 1-2)

Để hỗ trợ cho quan điểm của mình. Khổng tử lại trưng dẫn Kinh Thi:

“Vui tươi thay bậc quân tử,

Đức hạnh tốt đẹp rỡ ràng.

Hợp dân chúng, hợp lòng người,

Nhận được của cải ở Trời.

Mệnh được giữ gìn, giúp đỡ,

Tất cả từ Trời đến vậy.”

Có lẽ vị hiền nhân cổ nào đó viết bài Kinh Thi trên đã căn cứ vào cuộc đời của các vị thánh vương như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ. Bậc quân tử vui tươi ở đây chỉ cho một thánh nhân đã thành tựu đạo Trung dung trong cương vị đế vương của mình, cho nên đã hành động hợp lòng dân, như thế cũng chính là hợp lòng Trời, vì thế ngài đã nhận được từ Trời nhiều phúc lộc như vậy.

Câu cuối cùng của Khổng tử trong chương này đã thể hiện một niềm tin sắt đá rằng: Người có đức lớn ắt nhận được mệnh Trời (Cố đại đức giả tất thụ mệnh.)

Nhân đây, chúng ta cũng nên xét lại một vấn đề mà một số học giả hiện đại cả ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, do nặng óc duy khoa học và hoài nghi nên cho rằng chuyện về Đế Nghiêu, Đế Thuấn và thời đại hoàng kim chẳng qua chỉ là do Khổng tử tạo ra để dùng làm một tấm gương điển hình cho học thuyết của mình, chứ thực tế lịch sử trung Hoa chẳng có ông vua nào có đạo đức và có những thành tựu cai trị tốt đẹp như thế!

Gần đây, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đứng trong lập trường hoài nghi trên khi ông viết:

“Theo truyền thuyết, vua Nghiêu trị vì 100 năm, từ 2357 đến 2257 trước Công nguyên, rồi nhường ngôi cho vua Thuấn chứ không truyền lại cho con; vua Thuấn trị vì từ 2255 đến 2207 trước Công nguyên, rồi nhường ngôi cho vua Vũ (nhà Hạ) chứ không truyền lại cho con. Hai ông ấy rất thương dân, rất bình dân, được dân coi như cha. Và dân tộc Trung Hoa từ thời Tiên Tần đến thời Thanh, đều coi thời thịnh trị của Nghiêu Thuấn là hoàng kim thời đại của họ. Truyền thuyết đó đáng tin tới mực nào, chưa ai quyết đoán được; có thể hai ông ấy chỉ là những tù trưởng của một bộ lạc lớn thời mà Trung Hoa mới biết canh tác, theo chế độ thị tộc, chưa thành một quốc gia, mà việc “truyền hiền” chứ không “truyền tử” chỉ là tục chung của các bộ lạc chứ không phải  là “đức lớn” của Nghiêu, Thuấn: khi họ chết thì bộ lạc lựa người nào có tài, có công lao hơn cả, đưa lên thay họ, họ không có quyền truyền ngôi cho ai hết. Mà thời đó, dân tộc Trung Hoa còn dã man, mới qua cái giai đoạn ăn lông ở lỗ, cho nên Nghiêu, Thuấn tất phải sống cực khổ như vậy, đâu có gì đáng khen.”

(Nguyễn Hiến Lê: Mặc Học, trang 78).

Trong cuốn “Khổng tử”, học giả Nguyễn Hiến Lê lại viết:

“Các học giả cho rằng Khổng Tử tạo ra huyền thoại đó để “chống đỡ” tư tưởng chính trị của ông. Có thể như vậy.”

Ông còn viết thêm:

(Khổng tử: trang 11).

 

“Nghiêu và Thuấn chỉ là những tù trưởng của một thị tộc. Có thể Nghiêu được nhiều bộ lạc liên hợp bầu làm thủ lãnh; mỗi bộ lạc gồm nhiều thị tộc. Nghiêu, Thuấn lên ngôi cách nhau cả trăm năm như truyền thuyết chép lại, thì không thể có sự Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn được. Có lẽ Thuấn là thủ lãnh nhiều bộ lạc khác, sau đã chiếm được đất đai của Nghiêu, rồi thay Nghiêu mà làm “Thiên tử”.

Khổng tử sống cách thời Nghiêu khoảng 1.800 năm, mà thời Nghiêu Thuấn chưa có tín sử, chưa có chữ viết, thì muốn tô điểm cho Nghiêu Thuấn sao cũng được.”

(Khổng tử: trang 12-13).

Học giả Nguyễn Hiến Lê có nhận xét như trên, có lẽ căn cứ vào “các học giả” như ông đã nói. Tuy ông không nêu đích danh “các học giả” nào, nhưng chắc là một số học giả Trung Hoa và Tây Âu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Bởi vì từ đời Thanh trở về trước không thấy ai nghi ngờ như thế. Về phía Trung Hoa, sở dĩ các học giả hậu Thanh và các học giả hiện đại (thời Dân quốc và thời Cộng hoà nhân dân) cho chuyện Nghiêu Thuấn do Khổng tử tạo ra vì các ông không còn tin tưởng vào học thuyết Khổng tử nữa. Trước sự bạc nhược của Thanh triều trong khi giao tiếp với nền văn minh cơ khí phương Tây, nhiều nhà trí thức tân thời đã đổ tội cho Khổng tử, thậm chí phỉ báng Khổng tử, cho rằng vì Khổng mà Trung quốc suy nhược, thủ cựu, chậm tiến… Họ mỉa mai cái học “Tử viết” (Đức Khổng nói). Đồng thời căn cứ vào chủ nghĩa duy khoa học phôi thai và một số học giả Tây phương có óc miệt thị Á châu, các học giả Trung Hoa đó đã chối bỏ các quan niệm cựu trào truyền thống về Nghiêu Thuấn… cho rằng Trung Hoa vào khoảng trên 2.000 năm trước Công nguyên “còn dã man, mới qua giai đoạn ăn lông ở lỗ” (!). Do đó, họ cho rằng làm gì có chuyện Nghiêu Thuấn đức hạnh, yêu dân, truyền hiền… (!)

Các học giả đó nghi ngờ hết cả. Đến Kinh Thư là một cuốn cổ sử nói về cổ đại Trung Hoa (tương truyền do Khổng tử san định vào thời Xuân Thu), họ cũng cho là chuyện bịa đặt, là ngụy thư do nhà Nho đời Hán viết vào khoảng thế kỷ 2 sau Tây lịch (!).

Ở đây, chúng ta cần xét lại vấn đề dưới mấy điểm sau:

1. Có hẳn là vào khoảng trên 2.000 trước Công nguyên (thời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn), dân tộc Trung Hoa còn dã man (chưa có văn hóa)?

2. Có hẳn Kinh Thư (cổ sử nói về các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ và các hiền thần Y Doãn, Cao Dao, Chu Công…) là ngụy thư do nhà Nho đời Hán viết ra?

3. Có thật Nghiêu Thuấn do Khổng tử tạo ra?

Nếu một người Âu châu cho rằng khoảng trên 2.000 năm trước Công nguyên, dân tộc Trung Hoa còn dã man, thì chúng ta không lấy gì làm lạ, nhưng nếu một học giả Trung Hoa mà nói thế thì thật là đáng tiếc, vì như vậy là đã mặc cảm tự ti quá đáng.

Hiện nay, chưa nghe nói đến một cuộc khai quật khảo cổ nào về thời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn để xác minh. Tuy nhiên, những cuộc khai quật ở Ai Cập, Lưỡng hà và Ấn Độ đã cho thấy những nhận xét trước đây rằng nhân loại thời cổ từ 1.000 năm trước Công nguyên trở về trước là dã man, mọi rợ, không có chữ viết… là sai lầm!

Ở Ai Cập, vào khoảng 3.200 năm trước Công nguyên đã có đế quốc Thinis với vua đội vương miện có các nhà quí phái ăn mặc lộng lẫy, đeo tóc giả và để râu…

Ở Ấn Độ, nền văn minh Mohenjo-Daro và Harappa (vào khoảng 2700- 1700 trước Công nguyên) thời Tiền Vêda đã có một trình độ văn minh rất cao: “… …những vật liệu xây cất như gạch nung và vữa thạch cao, nghệ thuật kiến trúc nhà lầu và dinh thự; nhiều thú vật như trâu, bò, cừu, voi và lạc đà đã được huấn luyện thành gia súc, nhiều kim khí và hợp kim như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm đã được chế tạo thành vật dụng tinh xảo, nhiều thứ đá quí cũng được dùng làm đồ trang sức, nhiều ngành tiểu công nghệ như dệt vải, làm đồ gốm cũng phát triển mạnh mẽ; những dòng chữ ghi trên các kiến trúc và vật dụng mà bây giờ người ta vẫn chưa đọc được…” (Nhập môn triết học Ấn Độ của Lê Xuân Khoa, trang 48).

Với Ai Cập và Ấn Độ, nền văn minh đã rực rỡ như thế, không lẽ Trung Hoa cổ đại, một trong những nôi văn hóa quan trọng của nhân loại vào khoảng 2.000 năm trước Công nguyên (thời Nghiêu Thuấn) vẫn chưa có vua, chưa có văn minh, văn hóa và các thủ lĩnh thời ấy chỉ là các tù trưởng man rợ chưa biết truyền ngôi cho con cháu? Các học giả Trung Hoa hiện đại nhận định như thế về tổ tiên mình có phải là tự khiêm quá đáng chăng hay là mạ lỵ tổ tiên?

Vả lại, Tư Mã Đàm (cha của Tư Mã Thiên, tác giả bộ Sử Ký) cho rằng Mặc tử “trọng Nghiêu Thuấn, khen hai ông ấy rất giản dị, cực khổ nữa: nhà lợp bằng cỏ tranh không xén, cột rui bằng gỗ không đẽo, ăn cơm gạo xấu với canh rau lê rau hoắc, mùa đông mặc áo da hươu da nai, mùa hè bận áo vải thô…” (Mặc học: Nguyễn Hiến Lê, trang 77-78).

Có lẽ vì thương yêu dân, không bóc lột dân, không bắt dân phục dịch để xây đền đài, cung điện nguy nga nên chẳng có gì để lại cho hậu thế khai quật.

Giả như có chút dấu tích nào thì số cát ở sa mạc hoàng thổ phía bắc Hoàng hà mấy nghìn năm nay đã vùi lấp kín cả, còn đâu (?!).

Bảo rằng “Khổng tử sống cách thời Nghiêu Thuấn khoảng 1.800 năm” nên không biết rõ về Nghiêu Thuấn, thì ngày nay cách xa Nghiêu Thuấn khoảng 4.300 năm, làm sao lại biết Nghiêu Thuấn là những tù trưởng thời dã man “mới qua cái giai đoạn ăn lông ở lỗ!

Tuy không có tín sử chép về thời ấy, nhưng những bài Kinh Thi nói về đức hạnh của các bậc thánh nhân, quân tử thời cổ như những bia miệng truyền đời thì sao? Ca dao Việt Nam chẳng nói: “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” đó sao?

Về tác phẩm Kinh Thư (nói về Nghiêu Thuấn), các học giả Trung Hoa hiện đại cho phần Ngu thư là ngụy thư do nhà Nho đời Hán viết vào khoảng thế kỷ 2 sau Tây lịch thì tại sao thừa tướng Lý Tư lại tâu với Tần Thủy Hoàng xin đốt đi:

“Tôi xin phát lệnh rằng: Sử quan thấy sách gì không phải là quan bác sĩ được phép giữ mà trong thiên hạ chứa giấu như Thi, Thư (Kinh Thi, kinh Thư) cùng Bách gia ngữ, phải đem đến quan Thủ ủy đốt hết. Ai dám nói thầm với nhau sách Thi, Thư thì chém bỏ xác ngoài chợ, ai lấy đời xưa để chê bai đời nay thì giết cả họ. Kẻ có thấy hoặc là biết mà không tố giác, đều phải chịu chung một tội. Lệnh xuống ba mươi ngày mà không chịu đốt thì gọt đầu bôi đen bắt đi làm phu. Những sách để lại là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây.”

(Đại cương triết học Trung quốc, quyển thượng: Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, trang 64).

Như vậy, Kinh Thư có trước đời Tần, Hán. Theo cựu trào thì Kinh Thư cùng với Thi, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu là Lục Kinh của Nho giáo thời cổ. Bảo rằng phần Ngu Thư (nói về Nghiêu Thuấn) trong Kinh Thư là ngụy thư do nhà Nho đời Hán viết ra thì lại không có chứng cứ rõ rệt. Đời Hán vào thế kỷ 2 sau Tây lịch là thời Tam quốc, các nhà Nho viết Ngu thư giả mạo rồi đặt vào Kinh Thư để làm gì?

Nhưng tại sao Lý Tư và Tần Thủy Hoàng lại sợ Kinh Thi, Kinh Thư đến nỗi nêu đích danh rồi buộc phải đốt đi?

Có lẽ vì Kinh Thi ca ngợi đức tốt của bậc quân tử khéo trị nước và nói lên nỗi thống khổ, lầm than của dân dưới các triều đại áp bức; Kinh Thư nói lên tấm gương thương yêu dân của Nghiêu Thuấn và đưa ra quan điểm “ý dân là ý Trời”, mà chủ trương cai trị của Lý Tư và Tần Thủy Hoàng thì tàn bạo, khắc nghiệt!

Về vấn đề “Khổng tử tạo ra Nghiêu Thuấn”, chúng ta thấy rằng đâu có phải chỉ có kinh sách nho nói đến Nghiêu-Thuấn mà thôi. Ở Trung Hoa, các kinh sách của các học phái khác như Mặc, Lão, Trang, Liệt tử, kể cả Hàn Phi 

Tử cũng nói tới Nghiêu Thuấn; chính Hàn Phi Tử là một nhà cự phách trong phái Hình pháp cũng có lần khen hai ông vua đó.

Ngoài ra, nếu chúng ta cẩn thận đọc lại Tứ thư và Dịch truyện thì sẽ thấy hiện ra một Khổng tử trung thực, thành khẩn, không dám dối trá các học trò của mình, gặp ai cũng nói chuyện nhân nghĩa, lại hay sợ Trời phạt, thành công hay thất bại cũng phó cho mệnh Trời. Liệu con người ấy có thể bịa đặt ra hai nhân vật Nghiêu Thuấn để dối gạt học trò và hậu thế hay sao?

Trong khi chưa có bằng chứng chắc chắn nào về sự vắng mặt của Nghiêu Thuấn trong thực tế lịch sử, thiết tưởng chúng ta cứ nên chấp nhận sự dẫn chứng của Khổng tử; có lẽ như thế sẽ có lợi hơn cho học thuật, để sau này biết đâu hậu thế lại có những nhà cai trị tốt lành như Nghiêu Thuấn, thì dân chúng chẳng được hưởng thái bình ư?

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x