Trang chủ » Trung Dung – Chương 18

Trung Dung – Chương 18

by Hậu Học Văn
202 views

CHƯƠNG XVIII

Đức Khổng nói: “Người không lo buồn chỉ duy có Văn Vương thôi. Có Vương Quí là cha, có Võ Vương là con, cha làm ra, con theo vậy. Võ Vương kế tục đầu mối sự nghiệp của Thái Vương,Vương Quí, Văn Vương. Một lần mặc áo ra trận mà được thiên hạ. Bản thân còn được nổi danh trong thiên hạ. Địa vị cao ở ngôi thiên tử, giàu có trong bốn biển, hưởng tế nơi tông miếu, con cháu được giữ gìn. Võ vương nhận được phận sự Trời trao cho vào lúc cuối đời. Chu công thành tựu đức hạnh của vua Văn, vua Võ; ông truy phong tước vương cho Thái Vương, Vương Quí, dùng nghi lễ thiên tử để tế các vị ấy (tiên công). Lễ này suốt tới chư hầu, quan đại phu, quan sĩ và thường dân. Cha làm quan đại phu, con làm quan sĩ thì chôn theo lễ đại phu, tế theo lễ quan sĩ. Cha làm quan sĩ, con làm quan đại phu thì chôn theo lễ quan sĩ, tế theo lễ đại phu. Phép tang giáp năm (từ thường dân) suốt tới đại phu. Phép tang ba năm (từ thường dân) suốt tới thiên tử. Phép tang cha mẹ (ba năm) không phân biệt sang hèn đều một luật.”

Trên đây là chương thứ mười tám.

BÌNH GIẢI:

Sở dĩ Văn Vương được Khổng tử nhận định là người không lo buồn, bởi vì ông có cha là Vương Quí và có con là Võ Vương, là những bậc quân tử đức hạnh. Chẳng những thế, cả ông nội của Văn Vương là Cổ công Đản phụ (sau này được truy phong là Thái Vương) cũng đã tài bồi nhân đức. Do đó, Kinh Thi cho rằng cái đầu mối gây ra sự tiêu diệt nhà Thương về sau đã đến từ Thái Vương (Chí ư Thái vương, thực thủy tiễn Thương). Nhìn thấy dòng tộc của mình trải qua mấy thế hệ đều là những người tốt cho nên Văn Vương không lo buồn.

Tương truyền vua Trụ cuối nhà Thương là một hôn quân vô đạo, dân chúng oán ghét căm hờn, triều thần ly tán, những kẻ sĩ ẩn dật. Trong bài hịch hiệu triệu các tướng sĩ ở bến Mạnh Tân, Võ Vương có kể tội vua Trụ như sau:

“Ham rượu chè, say nữ sắc, dám làm những việc bạo ngược. Ai có tội, bắt tội cả họ hàng. Dùng người chỉ theo thế hệ, không cử tài giỏi. Dinh thự lâu đài, thủy tạ, đầm, ao, cái gì cũng xa xỉ, tàn hại muôn dân các người. Đốt cháy, nướng chả người trung lương, mổ cắt người đàn bà chửa.”

(Kinh Thư: Thái thệ, thượng, 5, Bản dịch của Thẩm Quỳnh).

Lúc đóng quân ở phía bắc Hoàng hà, Võ Vương lại truyền hịch, kể tội vua Trụ:

“Người tốt làm điều thiện, trọn ngày cho là không đủ. Kẻ hung ác làm điều bất thiện, trọn ngày cũng cho là không đủ. Nay vua nhà Thương là Trụ hết sức làm điều phi pháp. Ruồng bỏ các bậc lão thành, tóc đã nửa đen nửa vàng. Thân mật với kẻ lắm tội ác. Dâm dục, rượu chè, nhiều điều bạo ngược. Các thần hạ cũng bắt chước, kết đảng, thù hằn nhau, lạm quyền người trên, giết lẫn nhau. Những người vô tội, kêu trời: ác đức xấu xa tràn khắp mọi nơi, như mùi uế khí.”

(Kinh Thư: Thái thệ, trung, 3, Sđd trang 204)

Do đó, chỉ một trận Mục Dã mà nhà Thương bị diệt. Thế là có một lần mặc áo ra trận, Võ Vương đã thu được thiên hạ, danh tiếng vang động các chư hầu cũng nhờ vào nhân đức, chính nghĩa. Ở ngôi thiên tử, Võ Vương trở nên giàu có hơn mọi người, tổ tiên được rạng rỡ nơi tông miếu, và con cháu của ông đã giữ gìn được cơ nghiệp kéo dài trên 900 năm (từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên).

Võ Vương lên ngôi thiên tử vào lúc tuổi đã già (87 tuổi) vì thế phải nhờ bào đệ là Chu Công Đán phụ chính. Là một bậc quân tử tài đức, Chu Công đã sửa sang triều chính để tạo lập cơ nghiệp lâu dài cho nhà Chu. Việc quan trọng nhất của Chu Công mà Khổng tử nhắc đến ở đây là ấn định Chu lễ. Trên hết là lễ tế các tiên công nhà Chu (thượng tự tiên công) để nêu rõ công đức của tiền nhân. Sau đó là sắp đặt nghi lễ táng tế cho các phẩm trật từ thiên tử xuống tới các vua chư hầu, các quan đại phu, các quan sĩ và thường dân. Nghi lễ táng tế phải được tuân giữ tùy theo phẩm trật, cấp bậc. Ví dụ, nếu cha làm quan đại phu, con làm chức quan sĩ, khi cha mãn phần sẽ được an táng theo nghi lễ đại phu; còn con tổ chức lễ tế cha thì theo nghi lễ quan sĩ. Nếu cha làm chức quan sĩ, còn làm chức đại phu; khi cha mãn phần sẽ được an táng theo nghi lễ quan sĩ, còn con tổ chức lễ tế thì theo nghi lễ đại phu.

Về việc tang chế, lệ tang giáp năm dành cho những người bàng hệ, thân thuộc, chỉ áp dụng từ hàng thường dân tới hàng đại phu. Lệ tang ba năm (đại tang) dành cho cha mẹ thì áp dụng cho cả từ thường dân tới thiên tử, không phân biệt sang hèn.

Đọc chương này, điều quan trọng không phải ở chỗ tìm biết nhà Chu đã tạo cơ nghiệp ra sao, hay là Chu lễ đã được thiết lập ra sao. Điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm nằm trong hai điểm sau:

1. Kể rõ lai lịch dòng tộc của Văn Vương, Khổng tử muốn kín đáo nhấn mạnh rằng đạo Trung dung cần phải được theo đuổi trong nhiều đời liên tiếp mới thu được kết quả lớn. Để có một nhà Chu được lòng dân và có cơ nghiệp vững bền, cần phải có nhiều đời tu đức, ít ra là từ Thái Vương qua Vương Quí, Văn Vương và có Võ Vương, Chu Công kế tục. Không phải chỉ nhờ rèn gươm luyện võ tinh thông mà nên đại nghiệp; trái lại cần phải vun trồng cây đức cho sâu dày mới nhận được Mệnh Trời, mới được lòng dân ủng hộ.

2. Để có thể cai trị tốt, khiến cho xã hội ổn định, đất nước thái bình thì phải có những người tài đức ra giúp nước. Muốn khích lệ người tài đức cần phải đặt ra phẩm trật quan chức: người tài cao đức trọng được làm quan đại phu, người tài đức kém hơn được làm quan sĩ, còn những kẻ tiểu nhân thiếu tài kém đức thì ở phận thường dân.

Đó là nguyên tắc căn bản cho thể chế chính trị. Nếu không có phẩm trật cao thấp, không lấy gì để khuyến khích mọi người thăng tiến, nhất là khuyến khích các con em chịu khó học hành, rèn tài luyện đức.

Ấn định nghi lễ táng tế là một phương thế để làm vinh dự những người đã khuất, nhưng quan trọng hơn là để làm vinh dự cho con cháu, thân tộc còn sống. Người khuất rồi thì chẳng cần nghi lễ táng tế sang trọng; tuy nhiên nghi lễ lại cần cho người sống. Thấy người chết được tôn vinh thì người sống cũng bắt chước nếp sống của tiền nhân, luyện đức rèn tài để trong tương lai cũng được tôn vinh như vậy.

Ngoài ra, phép để tang cũng không ngoài mục đích giáo dục như việc sắp đặt phẩm trật và nghi lễ táng tế.

Để tang giáp năm đối với những người bàng hệ, thân thuộc (ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ, anh em…) cốt để duy trì và đôn đốc tình người. Tình người có đẹp, xã hội mới ổn định.

Giữ đại tang với cha mẹ là để tạ ơn sinh thành, dưỡng dục và cũng để ghi nhớ đức hạnh của cha mẹ, nhân đó bắt chước noi theo, như Võ Vương noi theo Văn Vương, Văn Vương noi theo Vương Quí, Vương Quí noi theo Thái Vương. (Võ Vương toản Thái Vương, Vương Quí, Văn Vương chi tự.).

Tóm lại, niềm an vui (không lo buồn) của Văn Vương, sự thành tựu đại nghiệp của Võ Vương, thâm ý của Chu Công trong việc ấn định Chu Lễ, tất cả được Khổng tử đề cập tới trong chương này vẫn là ví dụ điển hình tiêu biểu nằm trong phần nhân đạo của đạo Trung dung.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x