Trang chủ » Trung Dung – Chương 23

Trung Dung – Chương 23

by Hậu Học Văn
287 views

CHƯƠNG XXIII

Hạng sau là đến loại người tà vạy. Tà vạy vẫn có khả năng trở nên chân thành. Chân thành sẽ hiện ra hình sắc, hiện ra hình sắc sẽ tỏ lộ rõ rệt; tỏ lộ rõ rệt sẽ sáng tỏ; sáng tỏ sẽ trở thành động tác; trở thành động tác sẽ thay đổi; thay đổi sẽ hóa nên trọn hảo. Chỉ có bậc chân thành hết mức trong thiên hạ mới hóa nên trọn hảo.

Trên đây là chương thứ hai mươi ba.

BÌNH GIẢI:

Trong chương 21, Tử Tư vạch ra hai con đường:

– Con đường của Thánh nhân bẩm sinh, tức thiên đạo là: “Tự thành minh, vị chi tính.”

– Con đường của phàm nhân tu tập để nên Thánh nhân tức nhân đạo là: “Tự minh thành vị chi giáo.”

Hai con đường tuy ngược chiều nhau nhưng cùng lấy đức thành làm cốt lõi.

Trong chương 22, Tử Tư nói đến con đường của Thánh nhân tán trợ thiên địa, cùng đứng với thiên địa trong Tam Tài. Đó là thánh đạo.

Ở chương 23 này, Tử Tư nói đến con đường của hạng người tà vạy, so với Thánh nhân bẩm sinh, đây là hạng đứng sau (kỳ thứ). Đường lối này nhờ giáo dục (giáo) mà dần dần trở nên minh, để rồi cuối cùng cũng trở nên thánh nhân. Đây là thánh nhân hậu thiên. Đường lối này cũng chính là con đường “tự minh thành” ở trên, nhưng Tử Tư muốn nêu ra kết quả của từng bước tu tập: thành, hình, trứ, minh, động, biến, hóa.

Thành của thánh nhân bẩm sinh là thành tự bản tính. Thành của phàm nhân thì thành tựu dần dần từng bước một. Đường lối này cần sự nỗ lực rất nhiều của con người tầm thường nên gọi là nhân đạo.

Nhiều học giả nghiên cứu chương này cảm thấy khó khăn khi dịch giải hai chữ “trí khúc”.

Thực ra, chữ trí () có khi được dùng như chữ chí () nghĩa là đến.

Chữ khúc () có nhiều nghĩa tương tự nhau: cong queo, tà vạy, nhỏ mọn, vụn vặt, lẻ loi, khiếm khuyết, thiếu sót, lệch lạc…

Như vậy, chữ khúc chỉ hạng phàm nhân hay tiểu nhân có nhiều khuyết điểm như: tà vạy, nhỏ mọn, thiếu sót, sai trái…

Do đó, “kỳ thứ trí khúc” hay “kỳ thứ chí khúc” có nghĩa là: sau bậc Thánh nhân (chữ kỳ thay cho thánh nhân) là đến hạng phàm nhân với đủ mọi khuyết điểm, nhược điểm. Chữ khúc dùng cho tất cả những con người tầm thường ở thế gian không phải thánh nhân.

Tuy là những người tầm thường đầy sai sót tội lỗi nhưng nếu chịu khó học hành, tu tập bằng những phương thế đã nói ở chương 20 (bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện, đốc hành), thì vẫn có khả năng trở nên chân thành (khúc năng hữu thành).

Một khi trong lòng có sự chân thành hướng thiện, thì ắt sẽ hiện ra hình sắc bên ngoài. Người có tướng ác sẽ dần dần hóa ra tướng hiền; cách thức đi đứng sẽ có nét nghiêm trang khoan thai, từ tốn; giọng nói sẽ hoà nhã, nét mặt trở nên tươi tỉnh an nhiên.

Khả năng từ “khúc” chuyển sang “thành” của đạo Trung dung cũng phù hợp với nhận định của Lão tử trong Đạo đức kinh. Ông nói:

“Khúc tắc toàn, Uổng tắc trực, Oa tắc doanh, Tệ tắc tân.”

Khiếm khuyết thì được đầy đủ, Cong vạy thì được ngay thẳng, Sâu thì được đầy, Cũ thì được mới.(Lão tử: Đạo đức Kinh, chương 22).

Theo Lão tử, Đạo không hề chối bỏ một ai. Kẻ nào quay về với Đạo, cho dù có đang khiếm khuyết cũng được đầy đủ, dù đang cong vạy cũng trở nên ngay thẳng, thiếu thốn thì được no đầy, cũ kỹ cũng trở nên mới mẻ.

Điều kiện cần thiết cho một người lầm lỗi (khúc) có thể trở nên chân thành là biết sám hối, nhận lỗi thực tình. Do đó, ở Do Thái vào đầu Công nguyên, khi Gioan Tẩy giả kêu gọi mọi người trở nên công chính, thánh thiện đã dùng lời tiên tri Ysaya:

“Mọi ghềnh thác phải lấp đầy, Mọi núi đồi phải dẹp xuống, Nơi cong queo phải vén thẳng, Chỗ gồ ghề phải thành đường nhẵn.”

(Tin Mừng Luca: 3, 5)

Như thế, các nền tư tưởng lớn, các tôn giáo lớn đều chủ trương con người có thể chuyển từ “khúc” sang “thành”, chỉ có nhanh hay chậm thôi.

Thành ở trong tâm hồn sẽ hiện ra hình sắc. Đã hiện ra hình sắc thì sự tỏ lộ đã rõ rệt rồi (hình tắc trứ), ai ai cũng có thể trông thấy. Đã tỏ lộ rõ rệt thì bao nhiêu nết tốt, điều hay ngày càng sáng tỏ (trứ tắc minh).

Về điểm này, Kinh Dịch viết:

“Quân tử hoàng trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung, nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí dã:” (Bậc quân tử có đức trung ở trong, thông suốt đạo lý, thực thể được ở đúng ngôi, đẹp đẽ ở bên trong mà thỏa thích hiện ra bên ngoài (tay chân), mở mang ở sự nghiệp, ấy là tốt đẹp hết mức vậy.)

(Kinh Dịch: Bát thuần khôn, Văn ngôn).

Tăng tử viết trong sách Đại học như sau: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng, thể bàn.” (Giàu có làm cho nhà cửa đẹp đẽ; đức hạnh làm cho thân thể nhuần nhã. Tâm hồn rộng mở, thân thể thư thái.” (Đại học, chương 6).

Còn Mạnh tử thì nói rõ hơn: “Quân tử sở tính, nhân, nghĩa, lễ, trí; căn ư tâm. Kỳ sinh sắc dã, túy nhiên hiện ư diện, áng ư bối, thi ư tứ thể. Tứ thể, bất ngôn nhi dụ.” (Bản tính người quân tử là nhân, nghĩa, lễ, trí; có gốc rễ ở tâm. Phát sinh ra ngoài thì nhuần nhã hiện ở mặt, nở nang ở lưng, phô bày ra tay chân. Tay chân tuy không nói nhưng tỏ rõ.) (Mạnh tử: Tận tâm thượng, 21).

Mạnh tử cũng xác định: “Quân tử chi chí ư đạo dã, bất thành chương, bất đạt. ” (Người quân tử để chí ở đạo, nếu không nên dáng vẻ đẹp đẽ thì không thấu đạt.) (Mạnh Tử: Tận tâm thượng, 24).

Những câu trích dẫn trên đã minh chứng rằng có sự tương quan tất yếu giữa “hình, sắc, trứ, minh”, giữa nội tâm và ngoại diện của con người. Tân Ước cũng nói đến định luật ấy như sau: “Cây lành ắt sinh quả lành… Lòng có những gì, thì miệng phải nói ra. Người lành tự kho lành mà kéo ra được những điều lành.” (Matthêo: 12, 33 – 35).

Trong diễn trình suy tư và chứng nghiệm,Tử Tư nêu ra một chuỗi hệ luận tiếp theo: “Minh tắc động, động tắc biến; biến tắc hóa”: Sáng tỏ sẽ trở thành động tác, trở thành động tác sẽ thay đổi; thay đổi sẽ hóa nên trọn hảo.

Khi đức thành đã nảy nở trong lòng người, nó phát triển rất nhanh, mở rộng thêm, nên nhiều đức khác như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, khiêm nhường, nhẫn nhục, chăm chỉ, khoan dung, độ lượng, quảng đại… Những đức ấy sáng tỏ, phát huy thành động tác trên con người, khiến người ấy thi hành những điều ích lợi, tốt đẹp cho tha nhân (động).

Do những hành vi tốt, chính con người tu đạo được dần dần biến đổi (biến) và cũng làm biến đổi bầu không khí xung quanh mình, gây ảnh hưởng tốt trên gia đình, xã hội.

Một khi được biến đổi toàn diện, phàm nhân không còn là khúc nhân (con người ti tiểu, vụn vặt, khiếm khuyết, sai lỗi…) nữa. Bấy giờ phàm nhân đã hóa thành con người trọn hảo, trở nên thánh nhân (hóa).

Ở đây, Tử Tư nói: “Duy thiên hạ chí thành vi năng hóa”: Chỉ có bậc chân thành hết mức trong thiên hạ mới hóa nên trọn hảo. Vị thánh nhân thành tựu ở cuối con đường “giáo” này tuy có muộn màng nhưng không khác gì vị thánh nhân bẩm sinh ở con đường “tính”.

Hóa nên trọn hảo thì thánh nhân đứng vào hàng Tam Tài cùng trời đất hóa dục muôn người, muôn vật.

Như vậy, từ thành đến hóa là tiến trình giúp cho một phàm nhân thoát xác trở nên thánh nhân. Đó là một tiến trình nghiêng về phẩm hơn về lượng, nghiêng về tinh thần hơn về vật chất, tương tự như tiến trình của một ấu trùng trong đất trở thành con ve trên cây. Tiến trình của con ve là một tiến trình theo qui luật tự nhiên trong trời đất không cần đến nỗ lực của con ve, cho nên tiến trình ấy cứ trở lại theo chu kỳ tuần hoàn. Nhưng tiến trình từ phàm nhân trở nên thánh nhân có sự tham dự tích cực của con người, cho nên không có sự quay trở lại mức cũ theo chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên. Thánh nhân không trở lại làm phàm nhân như con ve trở lại làm ấu trùng. Trái lại, thánh nhân đứng cùng với thiên địa trong Tam Tài, thi hành sứ mệnh đối với nhân loại rồi bước vào Siêu nhiên giới, về với Vô cực. Như trong quẻ Phong Sơn Tiệm có nói:

“Hồng tiệm vu quì, kỳ vũ khả dụng vi nghi, cát” (Chim hồng tiến lên đường mây, lông của nó có thể dùng làm đồ nghi lễ, tốt.)

(Kinh Dịch: Quẻ Tiệm, hào Thượng Cửu).

Đó là người đã vượt lên hiện tượng giới để bước vào siêu nhiên giới với phẩm cách thanh cao. Hành vi ngôn ngữ, dáng mạo của người này còn sót lại vẫn có thể làm mẫu mực đạo đức cho thế gian, giống như lông chim hồng có thể dùng làm cờ, quạt trong nghi lễ vậy.

Từ thành đến hóa, nói thì đơn giản, nhưng là cả một quá trình dài, đầy gian khổ, đầy kiên nhẫn để cho phàm nhân có thể lột xác. Tử Tư đã phác họa diễn trình ấy thành 7 bước: thành, hình, trứ, minh, động, biến, hóa.

Người xưa từ Đông sang Tây vẫn có thói quen dùng số 7 với ý nghĩa huyền diệu (7 = 3 + 4; 3 là số trời (dương), 4 là số đất (âm), để nói lên một quá trình dài nhưng rất cần thiết mà con người phải cố gắng sinh hoạt theo đạo Trời (âm dương tương hợp) mới có thể thành tựu một công trình nào đó.

Thánh kinh Công giáo đã nói tới việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật trong 7 ngày (Sáng thế ký), 7 ngôi sao và 7 cây đèn vàng (Khải Huyền), và 7 ơn Thánh Linh…

Khi bàn về cái tâm con người, Lục Tượng Sơn nói: “Thất trùng thiết thành, tư tâm dã”: Bảy tầng thành sắt, ấy là lòng riêng vậy. Tượng Sơn cũng dùng số 7 (bảy tầng thành sắt) để biểu thị cái lòng riêng (tư tâm hay vọng tâm) của phàm nhân dường như có bảy lớp dục vọng dày đặc vây kín và đạo tâm bị nhốt trong đó. Phải phá vỡ bảy tầng thành sắt đó bằng bảy bước tiến hóa như Tử Tư nói, phàm nhân mới có thể “hóa” thành Thánh nhân. Chúng ta thấy tượng hình và hội ý của chữ hóa () là: bộ nhân () và bộ trủy () có dáng dấp chữ thất (): số 7.

Kết cấu của chữ hóa () như vậy có hàm ý rằng: muốn hóa, người ta phải trải qua bảy giai đoạn tiến từ dưới lên cao, từ ngoại giới và vào tâm giới, rồi lại từ tâm giới ra ngoại giới, từ nhiên giới sang siêu nhiên giới, hay là từ Hình nhi hạ lên Hình nhi thượng, từ phàm lên thánh.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x