Trang chủ » Trung Dung – Chương 26

Trung Dung – Chương 26

by Hậu Học Văn
148 views

CHƯƠNG XXVI

Vậy nên bậc chí thành không ngừng nghỉ (trong việc thành tựu chính mình và tác thành mọi vật). Không ngừng nghỉ thì lâu bền; lâu bền thì có hiệu nghiệm ở ngoài; hiệu nghiệm ở ngoài thì phổ cập ra xa; phổ cập ra xa thì rộng dày; rộng dầy thì cao cả sáng láng.

Rộng dày cốt để chở mọi vật; cao cả sáng láng cốt để che cho mọi vật; phổ cập bền lâu cốt để tác thành mọi vật. Rộng dày thì sánh với đất; cao cả sáng láng thì sánh với trời; phổ cập bền lâu thì không giới hạn. Như thế ấy, không hiện ra mà vẫn tỏ rõ; không tác động mà vẫn tạo nên sự biến đổi; không làm mà cũng thành tựu.

Đạo của trời đất, có thể dùng một lời mà tóm trọn hết: làm nên vật thì không hai (chỉ một đức thành), do đó sinh ra mọi vật không thể lường được (vô số). Đạo của trời đất thật là rộng rãi, dày dặn, cao cả, sáng láng, xa tắp, bền lâu.

Kìa như bầu trời, [từ] một đám sáng sáng ấy, cho đến chỗ vô cùng của nó, mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều treo vào đó; vạn vật được bao trùm trong đó.

Kìa như cõi đất, [từ] một dúm đất, cho đến chỗ rộng dày của nó thì chở cả ngọn Hoa sơn[141] mà không nặng; thu nhận sông biển mà không rò rỉ; vạn vật được chở trong đó.

Kìa như núi, [từ] một nắm đá, cho đến chỗ rộng lớn của nó, thì cây cối đều mọc ở đó, cầm thú sống ở đó, kho báu dấy lên ở đó.

Kìa như nước, [từ] một gáo nhỏ, đến chỗ không đo lường được của nó, thì loài giải, loài sấu, loài thuồng luồng, loài rồng, loài cá, loài ba ba đều sinh ra ở đó; của cải được sinh lợi ở đó.

Kinh Thi rằng: “Chỉ riêng có linh lực của Trời, ôi, hoà mục chẳng thôi!”

Bèn nói: “Cái mà Trời sở dĩ gọi là Trời: Ô hô! Không hiện ra! Cái năng lực của Văn Vương mới là thuần thục.”

Bèn nói: “Cái mà Văn Vương sở dĩ gọi là Văn, cũng thuần thục chẳng thôi.”

Trên đây là chương thứ hai mươi sáu.

BÌNH GIẢI:

Trong chương 24, Tử Tư nói: “Chí thành như thần.”: Bậc chí thành như thần linh. Có nghĩa là: con người khi tu thân đến độ chân thành hết mức thì có sự hiểu biết và có năng lực như thần linh, không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian như người thường nữa.

Trong chương 25, Tử Tư lại cho rằng đức thành có hai phương diện là: “thành kỷ” (tự thành tựu cho mình) và “thành vật” (tác thành cho mọi vật).

Bây giờ, sang chương 26, ông nói: “Chí thành vô tức” bậc chí thành không ngừng nghỉ. Có nghĩa là: bậc chí thành không ngừng tự thành tựu cho mình và không ngừng tác thành vạn vật. Bởi vì không ngừng nghỉ, cho nên đức thành của thánh nhân có hiệu nghiệm và tạo nên kết quả sâu xa trong cõi nhân sinh.

Trong chương này, Tử Tư bàn về hiệu nghiệm của đức thành nơi thánh nhân, và so sánh công nghiệp của thánh nhân với công năng của trời đất.

Chúng ta nên nhớ rằng phàm nhân hành động với thân thể, với tay chân, cho nên cần ngơi nghỉ. Còn đối với bậc thánh nhân (chí thành), các ngài hành động không hẳn là phải dùng tay chân, cho nên các ngài có thể hành động liên tục không ngừng nghỉ. Thánh nhân hành động bằng năng lực tinh thần bởi vì các ngài có khả năng như thần linh (chí thành như thần); do đó, với thần trí siêu phàm, thánh nhân có thể phát tỏa những linh lực siêu nhiên để cảm hóa vạn vật.

Kinh Dịch, trong quẻ Hàm nói: “Thiên địa cảm, nhi vạn vật hóa sinh; thánh nhân cảm nhân tâm, nhi thiên hạ hoà bình.” (Trời đất cảm ứng mà muôn vật sinh thành biến hóa; bậc thánh nhân cảm ứng với lòng người mà thiên hạ được hoà bình.)

Trời đất tức là hai nguồn năng lực siêu việt càn khôn, triển khai thành hai luồng khí năng âm dương, cảm ứng với nhau, tuy vô hình nhưng nhờ đó mà vạn vật sinh sôi nảy nở.

Ví dụ: vào mùa xuân, dương khí từ trời hạ giáng, âm khí từ đất thượng thăng, cảm ứng giao hoà với nhau, thổi sức sống vào vạn vật, nhờ đó cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, mọi người, mọi vật được thư thái.

Cũng tương tự như vậy, vì có tình thắm thiết với con người, vì có khả năng “thành vật” nằm trong đức thành, bậc thánh nhân có thể cảm ứng với lòng người; các ngài có thể tác động đến xã hội làm cho xã hội dần dần ổn định.

Trong thực tế thì hiếm có thánh nhân, nhưng cứ có hiền nhân quân tử sống trong một địa phương nào đó thì tương đối nơi đó cũng có một bầu khí tốt đẹp khác thường. Đông chu liệt quốc đã từng nói đến nơi ở của hiền nhân Kiển Thúc; Tam quốc chí đã từng nói đến nơi ở của hiền nhân Gia Cát Lượng, khi các ông chưa ra khỏi lều tranh. Phong cách và đạo đức của các ông đã ảnh hưởng tới những nông dân chất phác trong vùng, khiến cho khách lạ qua lại phải kinh ngạc.

Đó là mới nói tới bậc hiền nhân, quân tử. Một khi trở nên thánh nhân, người ta có thể làm được những việc kinh thiên động địa. Thánh nhân là thần linh tại thế (chí thành như thần), vì thế các ngài có thể vận dụng động năng của Thái Cực để dời núi lấp biển.

Trong Tân Ước, sau khi lên tiếng làm cho cây vả đang tươi tốt hóa ra chết khô, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Tôi bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều tôi vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’ thì sự việc sẽ xảy ra như thế.” (Matthêô: 21, 21).

Như thế, lòng tin mãnh liệt đã tạo nên sức mạnh phi thường. Dĩ nhiên, chỉ có bậc thánh nhân (chí thành) mới có lòng tin đó.

Kinh Dịch cũng đã vạch ra đường lối để cho người quân tử trở nên thánh nhân: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường, bất tức (Trời hành động rất mạnh mẽ, người quân tử cũng làm cho mình mạnh lên không ngừng nghỉ.) (Quẻ Thuần Kiền: Đại tượng truyện).

Dĩ nhiên, mạnh ở đây không phải là động năng của tay chân, là sức lực võ biền, mà là động năng tinh thần, khuếch trương những đầu mối của điều thiện không ngừng nghỉ để tác thành mọi người, mọi vật.

Bằng suy tư minh triết và bằng tri giác tâm linh, Tử Tư đã phác họa ra những bước diễn tiến kế tiếp do hành động không ngừng nghỉ của bậc chí thành như sau:

– Lâu bền (cửu):

Hành động không ngừng nghỉ sẽ tạo nên một kết quả choán cả không gian và thời gian. Lâu bền (cửu) chỉ đến một thực tại trường tồn trong không gian và thời gian.

– Hiệu nghiệm ở ngoài (trưng):

Một kết quả đã trở thành thực tại trường tồn tức là một hiện tượng tích tụ hữu hình để mọi người có thể thấy được.

– Phổ cập ra xa (du viễn):

Một thực tại hữu hình có thể thấy được ắt mỗi ngày một phát triển choán chỗ trong không gian càng ngày càng xa.

– Rộng dày (bác hậu):

Choán chỗ càng ngày càng xa thì sẽ đạt tầm mức rộng dày bao la.

– Cao cả sáng láng (cao minh):

Rộng dày ở đây là kết quả của công năng thánh nhân cho nên có tính siêu việt như khí, như sắc, phát tỏa quang huy, vì thế cao cả sáng láng.

Những tính chất như rộng dày (bác hậu), cao cả sáng láng (cao minh), và phổ cập bền lâu (du cửu) của công năng thánh nhân không phải là công trình của phàm nhân, do đó không giới hạn trong phạm vi gia đình, xứ sở nào. Công năng thánh nhân cũng là công năng thần linh (chí thành như thần), cho nên có sức che chở mọi vật và tác thành mọi vật.

Bởi vì thánh nhân đã đứng trong hàng Tam Tài: Thiên Địa Nhân, do đó công năng rộng dày của thánh nhân có thể sánh với đất (năng lực khôn chở vạn vật); công năng cao cả sáng láng của thánh nhân có thể sánh với trời (năng lực càn che vạn vật). Sánh với trời đất (năng lực càn khôn), cho nên công năng thánh nhân cũng như công năng trời đất, phổ cập bền lâu không giới hạn, xuyên suốt không gian và thời gian vô tận.

Công năng thánh nhân tuy không hiện diện đồ sộ như những công trình của phàm nhân (Kim tự tháp, Vạn lý trường thành…), nhưng vẫn tỏ rõ trong những cơ chế của xã hội loài người. Chúng ta có thể kể đến một vài ví dụ nhỏ, như Hội Chữ Thập đỏ và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ. Đó là những cơ quan lo về nhân đạo, bác ái phục vụ khắp nơi trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị, tôn giáo, được mọi người hưởng ứng, qui tụ được biết bao người hảo tâm, đã cứu giúp được vô số người khỏi cảnh khốn cùng, đau thương. Những cơ quan từ thiện đó chính là kết quả to lớn của công năng thánh nhân trong quá khứ. Nếu không có các thánh nhân đời trước đã dày công thuyết minh, đem cả đời mình ra để giải bày đức nhân ái, đức từ bi… làm sao ngày nay nhân loại có được những tổ chức phục vụ vô vị lợi như thế!

Những công năng thánh nhân tuy không thể hiện ra hình tượng, nhưng là những linh lực bất tận cho nên có sức biến đổi, hoán cải sâu xa, các ngài không động tay chân làm mà vẫn thành tựu. (Bất hiện nhi chương, bất động nhi biến, vô vi nhi thành).

Các ngài không làm như phàm nhân nhưng không phải là chẳng làm gì. Trong ý nghĩa này, Lão Tử đã từng nói trong Đạo đức kinh: “Vô vi nhi vô bất vi!” (Không làm mà không phải chẳng làm.) Hành động của thánh nhân cũng tương tự như hành động của trời. Không ai thấy trời làm gì hết, không nghe trời nói gì hết, thế mà “Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh sôi” (Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên – Khổng tử: Luận ngữ, Dương hóa, 18). Như vậy, cái vô vi của thánh nhân lại là hành động cao siêu vô cùng. Vì thế, Liệt tử trong Xung hư chân kinh đã nói: “Chí vi vô vi”: Hoạt động hết mức ấy là vô vi.

Vì thánh nhân có thể sánh với trời đất, cho nên Tử Tư đã chuyển suy tư minh triết của mình từ đạo của thánh nhân sang đạo của trời đất.

Ông nhận thấy rằng đạo của trời đất làm nên vật thì không hai (kỳ vi vật bất nhị), tức là chỉ duy một đức thành thôi mà trời đất có thể triển khai nên vật; từ một đức thành có linh lực vô biên đó, muôn vật được hóa sinh vô vàn vô số (kỳ sinh vật bất trắc).

Sau đó, Tử Tư dùng lại đúng những chữ mà ông đã dùng khi nói về đạo của thánh nhân : rộng rãi (bác), dày dặn (hậu), cao cả (cao), sáng láng (minh), xa tắp (du), bền lâu (cửu). Như thế, Tử Tư muốn diễn giải rằng đức thành của đạo trời đất và đức thành của thánh nhân (bậc chí thành) là một. Vậy muốn kiểm chứng đạo của thánh nhân, Tử Tư mời gọi chúng ta trước hết kiểm chứng lại đạo của trời đất.

Kìa như bầu trời, nhìn lên chỉ thấy một đám sáng sáng trong tầm mắt mỗi người, nhưng nếu chiêm nghiệm lâu thì biết rằng nó vô cùng bao la, mặt trời, mặt trăng và muôn sao đều treo lơ lửng trong đó. Nếu chúng ta có đi khắp mặt đất với ngàn vạn dặm xa thì vẫn thấy mặt đất nằm trong vùng bao bọc của bầu trời.

Kìa như cõi đất, nhìn xuống dưới chân, chỉ thấy căn bản là một dúm đất bụi, nhưng cứ đi xa vẫn thấy đất ấy được nhân lên mãi. Nó rộng dày đến nỗi chở cả ngọn Hoa sơn và vô số dãy núi khác mà không thấy nặng. Chẳng những thế, bao nhiêu sông, hồ, biển cả đều nằm trong cõi đất mà nước không hề bị thoát đi đâu. Cõi đất chính là ngôi nhà cho vạn vật trú ngụ.

Kìa như núi cao sừng sững, căn bản chỉ là một nắm đá, thế mà nhân rộng ra thì thế gian này có biết bao nhiêu dãy núi; trong đó có muôn vàn cây cối, thú vật, chim muông, và có cả vô số kho báu gồm các loại: kim cương, vàng, bạc, ngọc, sắt, kẽm, đồng, chì…

Kìa như nước, căn bản chỉ là một gáo chất lỏng, thế mà nhân rộng ra, nước bao la tràn ngập sông, biển, hồ, ao… mênh mông, bát ngát. Trong đó có vô số loài thủy tộc lớn nhỏ cư trú như: giải, sấu, thuồng luồng, rồng, cá, ba ba… từ kho tàng hải sản, các ngư dân đã thu được bao nhiêu là của cải, phẩm vật để nuôi người.

Tử Tư đã dùng bầu trời, cõi đất, núi non, sông biển để diễn tả những khả năng rộng rãi, dày dặn, cao cả, sáng láng, xa tắp, bền lâu của đạo trời đất. Tất cả những khả năng đó đều xuất phát từ đức thành. Nhưng đức thành ấy do đâu?

Để trả lời cho câu hỏi tiềm tàng trong tâm tư mọi người đó, Tử Tư không muốn độc đoán đưa ra ý kiến chủ quan của mình. Ông đã viện dẫn một câu trả lời theo truyền thống dân gian, đúc kết tư duy, cảm nghiệm của cổ nhân. Câu ấy được trích dẫn từ kinh Thi như sau: “Duy thiên chi mệnh, ô mục bất dĩ!

Chữ mệnh ở đây không có nghĩa như chữ mệnh trong câu “cư dị dĩ sĩ mệnh” (sống đơn sơ để đợi phận sự Trời trao cho).

Chữ mệnh ở đây không phải là số mệnh (cái phần con người gặt hái do luật nhân quả).

Chữ mệnh ở đây không phải là mệnh lệnh áp đặt.

Chữ mệnh ở đây thực ra chính là chữ mệnh trong câu “Thiên mệnh chi vị tính”, nhưng ý nghĩa có một qui mô to lớn, bao la hơn. Trong văn mạch của câu Kinh Thi trên, mệnh là cái phần mà vũ trụ vạn vật (bao gồm bầu trời, cõi đất, núi non, sông biển…) nhận được từ trời.

Chữ thiên trong câu Kinh Thi trên không có nghĩa như chữ thiên đi với địa (trời đi với đất), vẫn được hiểu là năng lực càn hợp tác với năng lực khôn.

Chữ thiên ở đây là trời theo nghĩa phổ thông dân gian trong Kinh Thi, chỉ Tuyệt đối thể (tiếng của triết học), Đấng Toàn Năng (tiếng của tôn giáo), chỉ Vô Cực (chữ của Chu Liêm Khê), là Thực tại vô thanh, vô khứu, vô phương sở, vô hình trạng, vô thủy, vô chung, bất sinh, bất diệt.

Vậy chữ thiên và chữ mệnh ở đây chỉ linh lực, linh năng vô biên huyền diệu của Trời (Vô cực), chính linh lực, linh năng này xuất phát thành Thái cực để rồi triển khai thành lưỡng nghi (càn khôn). Linh lực, linh năng này là một thực lực vô biên, huyền diệu, siêu việt và hoà mục bất tận (ô mục bất dĩ!). Linh lực, linh năng này hoà mục vì có sức hoà đồng, chịu đựng vạn vật. Về điểm này, Lão tử viết: “Hoà kỳ quang, đồng kỳ trần: hoà cùng ánh sáng, đồng cùng bụi bặm” (Đạo đức Kinh: chương 4).

Cũng tương tự như người cha, người mẹ chịu đựng hoà mục với những đứa con của mình thế nào, thì Trời cũng chịu đựng, hoà mục với vạn vật như vậy. Linh lực, linh năng ấy hoà mục, hoà mục chẳng thôi! Vì hoà mục không ngừng cho nên mệnh của Trời đã che chở, ôm ấp, nuôi nấng vạn vật (tải vật, phúc vật, thành vật). Hoà mục là sự nhân từ vô lượng diễn theo ngôn ngữ loài người.

Bởi vì Trời là Tuyệt đối thể, là Thực tại vô đối, do đó không hiện ra hình tượng. Hiện ra hình tượng cho mọi người xem thấy tức là đi vào không gian và thời gian. Đã vào không gian và thời gian thì Tuyệt đối thể hóa thành Tương đối thể rồi còn đâu! Cho nên Kinh Thi nói: “Thiên chi sở dĩ vi thiên dã: ô hô! Bất hiển!” (Cái mà Trời sở dĩ gọi là Trời: ô hô! Không hiện ra!)

Đó là lý do tại sao không ai thấy Trời ở đâu cả! Vì không trông thấy Trời ở đâu, cho nên từ khi có loài người đến giờ biết bao người đã nói ngang nói dọc về Trời, người bảo có, kẻ bảo không. Trước biết bao sự bàn tán ngược xuôi, tôn kính có, lộng ngôn có, mà Trời vẫn lặng thinh. Điều đó càng chứng tỏ rằng đức hoà mục của Trời sâu xa biết chừng nào! (Ô mục bất dĩ).

Thế là, từ đạo của thánh nhân, Tử Tư bàn sang đạo của trời đất; từ đó, ông lại nói sang mệnh của Trời và cuối cùng thì nói thẳng về Trời.

Tuy nhiên, nói đạo của thánh nhân có thể sánh với đạo của trời đất, thì ai có thể là đại biểu cho các bậc thánh nhân trong cõi người ta?

Vào thời của Tử Tư, cuối Xuân Thu sang Chiến quốc (khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên), quả thật không có ai xứng đáng mang danh hiệu thánh nhân. Trong Nho giáo, người được các đệ tử tôn là thánh nhân duy có một mình Khổng tử, nhưng chính Khổng tử lại không nhận. Ngài chỉ tự nhận mình là người “tín nhi hiếu cổ”. Vậy Tử Tư phải trưng dẫn một người mà dân gian Trung Hoa thời thượng cổ có truyền thống tôn là bậc thánh: đó là Văn Vương (thế kỷ 12 trước Công nguyên).

Kinh Thư đã từng nói về Văn Vương:

“Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, vạn bang tác phu” (Sự che chở của trời cao, không tiếng không hơi, nên hình Văn Vương, muôn nước tin tưởng.)

(Kinh Thi: Đại nhã, 3)

Thế là dân chúng đã xem Văn Vương như hiện thân của Trời.

Ở đây, Tử Tư trưng dẫn lời Kinh Thi: “Văn Vương chi đức chi thuần”: Đức của Văn Vương thuần thục. Thuần thục là ôn hoà, nhẫn nại, tốt lành từ trước đến sau. Vì có đức thuần thục, cho nên tương truyền Văn vương tuy bị vua Trụ giam cầm ở ngục Dữu Lý 7 năm mà không oán giận, không có ý soán nghịch. Việc vua Trụ bị thua về tay Vũ Vương sau này là do nhà Ân đến hồi mạt vận, dân chúng đều oán ghét.

Tử Tư có ý đem đức thuần thục của bậc thánh nhân Văn vương so sánh với đức hoà mục của Mệnh Trời như là một mẫu mực cho những người muốn trở nên thánh nhân được soi chung. Cái mà Văn Vương sở dĩ gọi là Văn, tức là đẹp đẽ về mọi mặt, đó là ngài thuần thục chẳng ngừng, không xa Mệnh Trời. Trời thì hoà mục, Văn Vương thì thuần thục. Đạo của thánh nhân cũng như đạo của Trời vì chân thành hết mức cho nên không ngừng nghỉ.

Một đám sáng sáng, nếu nhân gấp lên thì trở thành bầu trời bao la. Một dúm đất bụi, nếu nhân gấp lên, trở thành cõi đất mênh mông. Một nắm đá, nếu nhân gấp lên, trở thành dãy núi. Một gáo nước, nếu nhân gấp lên, trở thành sông biển. Cũng tương tự như vậy, với các mối lành nơi mình, nếu mở rộng ra, phàm nhân có thể trở thành thánh nhân. Do đó, Mạnh Tử mới nói:

“Phàm hữu tứ đoan ư ngã giả, tri giai khuếch nhi sung chi hỹ, nhược hỏa chi thủy nhiên, tuyền chi thủy đạt. Cẩu năng sung chi, túc dĩ bảo tứ hải; cẩu bất sung chi, bất túc dĩ sự phụ mẫu.” (Đã có bốn đầu mối – thương xót, hổ thẹn, khiêm nhượng, phải quấy – ấy nơi ta, biết mở rộng ra cho sung mãn, thì giống như lửa bắt đầu cháy lên, suối bắt đầu lưu thông. Ví bằng làm cho sung mãn thì đủ để giữ gìn bốn biển; ví bằng chẳng làm cho sung mãn thì không đủ phụng sự cha mẹ.)

(Mạnh tử: Công Tôn Sửu thượng, 6).

Biết khuếch sung các đầu mối của việc lành đến vô tận, phàm nhân trở nên thánh nhân. Trái lại, người ta chỉ là kẻ tiểu nhân tầm thường mà thôi.

Kết luận về chương 26 này, cụ Phan Bội Châu đã có nhận xét về những suy tư minh triết của Tử Tư như sau: “Triết học ở Trung Dung, đến như bài này thiệt phát minh những điều mà Đức Khổng tử chưa hề nói tới.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x